Sunday 3 April 2011

Hà Nội ơi, những ngày vui đã ra đi

Biết người có nhớ nhung chi, Hết rồi giây phút phân ly…”

(Hoàng Dương – Hướng Về Hà Nội)

(1Pe 2: 17)

Nói về Hà Nội, như thành phố của cách xa, lưu luyến để hướng mắt, là nói như thế. Nhưng nếu lại nói về một Hà Nội nay đã đổi thay từ ngày trước, giờ đây chỉ còn lại trong ký ức của người đã ra đi, thì cũng nên nói như người trẻ vào buổi “Hát Cho Nhau Nghe” ở Sydney hôm ấy 5/3/2011, như sau:

“Theo em, nếu muốn tìm hiểu thêm về quá trình đổi thay, hay biến dạng; thậm chí là tiến trình qua đó có sự việc một thành phố bị xoá tên trên bản đồ thế giới đến thế nào, thì không gì bằng lắng nghe bản nhạc Việt viết về Sàigòn, Hà Nội. Một trong các bài nhạc tiêu biểu cho cung cách ấy là bài “Hướng Về Hà Nội” do nhạc sĩ Hoàng Dương sáng tác từ những năm trước 1954. Lúc ấy, Hà Nội của ông đã bắt đầu có dấu hiểu đổi thay, và ông kịp ghi lại hình ảnh đổi thay qua âm thanh và ca từ, trước khi nó chỉ là một hoài niệm.

Giống nhiều thành phố lớn trên thế giới, Hà Nội là thành phố cổ xưa có cả nghìn năm tên tuổi. Thế nhưng, khi nghe lại bài này, ta thấy nó không xưa cổ chút nào mà còn hiện đại nữa là đằng khác. Bởi, mỗi lần nghe các ca sĩ cất lên ca từ của bài này, ta càng nhận ra sự kết hợp hài hoà giữa hai khung cảnh cũ/mới vô cùng quyến rũ của Hà Nội thời tiền chiến. Nơi đây, cổ kính và hiện đại, tượng trưng cho quá khứ với tương lại, luôn bổ sung cho nhau. Bàng bạc trong ca từ của bài hát, là hình ảnh của một thời vàng son đã qua, xen kẽ với nét tân kỳ của người dân thành phố, lớp người luôn theo kịp nếp sống văn minh thế giới. Đó là những tà áo màu tung bay khắp phố, rồi lại đến ‘ánh đèn giăng mắc muôn nơi’, toả ánh văn minh đến khắp mọi miền.

Thì ra, linh hồn của một thành phố cổ xưa không toát ra từ những mái tường rêu phong đổ nát, hay từ các ‘quán cóc liêu xiêu’ nghèo nàn, như một số ca khúc sau này viết về Hà Nội. Mà nó được hun đúc từ vô số âm thanh được thể hiện qua cung cách sinh hoạt hiện đại của người dân thị thành. Chính điều này đã tạo nên sinh khí cho thành phố. Thiếu nó, thành phố cổ chỉ là bảo tàng viện không sức sống, cứ thoi thóp chờ ngày bị đào thải khỏi cuộc chơi. Với ý nghĩ ấy, tác giả thầm tiếc cho một giá trị tinh thần sắp sửa biến mất, một giai cấp tiểu tư sản, đại diện cho thế hệ con dân ưu tú nhất của đất nước, đã lũ lượt bỏ đi không hẹn ngày trở lại. Bài hát của ông đã phác hoạ tuyệt vời cảnh Hà Nội bị giằng xé giữa những dằn vặt nội tâm của hai lớp người đi và ở, giữa cũ và mới. Hà Nội trong tâm tưởng của ông tuy thật gần mà cũng thật xa cách, tách rời. Nó luôn ẩn chứa cái ngọt ngào của bản tình ca, lẫn cái não nùng của sự chia lìa đến vĩnh viễn. Người ở lại phải giấu nó xuống tận đáy lòng, người ra đi cứ phải hát mãi những lời réo gọi tháng ngày đã lùi dần vào dĩ vãng.

Cuối cùng, ông chọn ở lại, bám lấy mảnh đất thân yêu cho đến hơi thở cuối cùng. Từ đó đến nay, suốt hơn 60 năm dài đằng đẵng, ông đã ẩn mình dạy hồ cầm trong nhạc viện Hà Nội, chưa từng rời xa Hà Nội. Và, người yêu nhạc, vì thế, sẽ mãi mãi được thưởng lãm bài “Hướng về Hà Nội”, để người mình tự hào về một Hà Nội với bề dày cả ngàn năm văn hiến. Đồng thời, sẽ khiêm tốn đón nhận và dung hoà với các luồng văn hoá khác trên thế giới, để Hà Nội có thể đứng vững hơn, trước ngưỡng cửa của thiên niên kỷ mới. Đáng tiếc thay, Hà Nội nay đã thay hình đổi dạng, không còn chút gì giống với Hà Nội trong bài nhạc của Hoàng Dương nữa. Vậy thì, có gì bền vững với thời gian không? Chỉ tiếng guốc khua thôi cũng chắng bao hàm một nghĩa lý gì? Vậy thì tại sao người người vẫn lấy làm buồn mỗi khi nghe lại ca khúc ấy?” (trích lời giới thiệu bài “Hướng Về Hà Nội” của Anthony Việt Quốc đêm nhạc “Hát Cho Nhau” với chủ đề “Muôn thuở còn yêu”)

Nếu bạn và tôi, ta những nói về Hà Nội hay nơi nào, như khung trời thời buổi trước, chắc hẳn người người sẽ còn nói và hát nhiều hơn nữa, để coi đó như một phấn chấn, bổn phận, cần gìn giữ. Thế thì, mời bạn và mời tôi, ta cứ nghe và cứ nói thoải mái, vô tư. Hiền từ. Như thường lệ. Nói và hát, một đôi câu còn vương vấn ở đâu đó:

“Hà Nội ơi, nước hồ là ánh gương soi,

Nắng hè tô thắm lên môi, thanh bình theo guốc reo vui.

Hà Nội ơi, kiếp đời muôn hướng buông trôi,

Nhớ về người những đêm rơi,

Nhắn theo ngàn cánh chim trời…”

(Hoàng Dương – bđd)

Kiếp đời muôn hướng”, “Nhớ về người những đêm rơi”, “theo cánh chim trời”, vẫn là tình tự thân thương của mọi người, ở đời thường. Những người, vẫn chú trọng vào cái hay/đẹp của mọi thời, rất muôn thuở. Với nhà Đạo, “Nắng hè tô thắm lên môi”, nước hồ là ánh gương soi”, là tâm tư lập trường, về cuộc sống. Sống gắn bó, với thời buổi như chưa một lần rời bỏ. Rời, thành phố. Xa, thánh Hội vì lãng quên. Bất đồng. Phẫn uất?

Vì gì đi nữa, vẫn là những tình tự mà người nghệ sĩ trên từng nhớ đến, nên đã hát:

“Hà Nội ơi, hướng về thành phố xa xưa,

mắt buồn lồng những đêm mưa,

Não nùng mây gió đong đưa.

Hà Nội ơi, nỗi lòng gởi gấm cho nhau,

nhớ hoài chỉ biết thương đau,

đắng cay chờ những kiếp sau.”

(Hoàng Dương – bđd)

Nơi Hội thánh, có người vẫn nhớ và cứ thương, nên đã “hướng về thành phố xa xưa”, có “mắt buồn lồng những đêm mưa.” Mưa trong mắt, vì vẫn còn đó tâm tình của “mây gió đong đưa”, “Não nùng mây gió” ở đâu đó. Nơi, từng quan niệm về một Thánh hội có động thái không hài lòng. Đến độ thốt lên:

“’Luật lệ ở Anh nay không còn dành chỗ cho niềm tin Kitô-giáo nữa, dù Đạo này từng có mặt nhiều thế kỷ, ở đây’, đó là khẳng định của hai thẩm phán khi đưa ra phán quyết không cho phép vợ chồng Eunice và Owen Johns được quyền bảo dưỡng trẻ có tuổi từ 5 đến 10 nữa, chỉ vì lý do hai người “không đề cao lối sống đồng tính luyến ái” cho con trẻ.

Trước phán quyết này, hai vợ chồng chỉ nói: ‘Thật ra, điều chúng tôi muốn làm là tình nguyện giúp trẻ em cần bảo dưỡng, có được cơ ngơi tình người, nhiều xót thương. Hồ sơ của chúng tôi đầy đủ các đặc trưng kinh nghiệm làm cha mẹ bảo dưỡng đúng qui cách. Thế nhưng, lý do dẫn đến việc này, là bởi sự việc chúng tôi là Kitô hữu vốn có cái nhìn chính đáng của Đạo về chức năng tình dục, thế nên rõ ràng là bọn tôi không còn thích hợp với vai trò làm cha làm mẹ bảo dưỡng như thế nữa. Các vị chánh án đây lại cứ nghĩ rằng lập trường sống của chúng tôi có thể gây hại cho con trẻ. Thêm vào đó, Ủy Ban Bảo Vệ Nhân Quyền và Cơ Hội Đồng Đều bảo cho chúng tôi biết là: lập trường đạo đức của chúng tôi có thể gây ‘độc hại’ cho con trẻ. Chúng tôi không tin như thế. Chúng tôi lâu rày được chuẩn bị để yêu thương và đón nhận bất cứ mọi bé. Điều mà chúng tôi không muốn làm là cứ buộc phải nói cho trẻ biết chuyện sống đồng tính luyến ái là điều tốt, không sao hết. Chúng tôi không đồng ý chuyện ấy.”

Hai vị thẩm phán ở Toà Thuợng Thẩm nước Anh có nói: nước Anh là một xã hội đa-văn hoá và ‘trần tục’, trong đó luật lệ của vương quốc này không bao hàm một sinh hoạt Kitô giáo nào hết. Hai vị nhấn mạnh rằng: nhiều người ‘không hiểu’ là xã hội Anh thực sự không còn dành chỗ cho Kitô-giáo’ nữa. Dù rằng lịch sử từng chứng mình rằng nước này thuộc thành phần Kitô giáo phương Tây, và dù họ từng có giáo hội là Kitô giáo được thiết lập từ lâu, nay có nhiều đổi thay trong đời sống tôn giáo và xã hội, ở thế kỷ vừa qua.” (x. Michael Kirke, Christianity is so yesterday, says UK high court, MercatorNet 02/3/2011)

Thật chẳng rõ, nhạc sĩ Hoàng Dương có là Kitô hữu, hay không. Và, cũng chẳng hiểu: ông có lòng mộ Đạo nhiều hay ít. Nhưng, nếu ông còn sống đến hôm nay, lại nghe được lời nhận định rặt như thế, hẳn ông sẽ thêm vào câu hát trên, chỉ một chữ Kitô giáo thay vì Hà Nội, rồi mới hát:

“Một ngày, mùa chinh chiến ấy,

Chim đã xa bầy mịt mờ bên trời bay

Một ngày tả tơi hoa lá, ngóng trông về xa,

luyến thương hình bóng qua.”

(Hoàng Dương – bđd)

“Luyến thương hình bóng qua”, chỉ là những luyến và thương những tháng ngày Hội thánh từng sống ở đời nhưng chưa là và vẫn không là “hình bóng”, để người nhạc sĩ đây, vị chánh án ấy, phải kêu lên như thế. Tuy không hề “ngóng trông về xa”, “luyến thương hình bóng qua”, nhưng không là sự thật rất thực, mà chỉ là:

“Một ngày, tàn cơn chinh chiến,

lửa khói lăn chìm, tìm về nơi bờ bến

một ngày hồng tươi hoa lá,

hát câu tình ca nói lên lời thiết tha.”

(Hoàng Dương – bđd)

Nói lời thiết tha”/tha thiết, tức: phải nói đúng, nói thật, những sự thật từng phơi bày trước mắt. Nói thật, là nói: Hội thánh lâu nay vẫn cứ là cái bung xung để mọi người nhắm vào đó mà tranh chấp, úy kỵ. Kỳ thực, Hội thánh Chúa vẫn là thánh hội đứng vững sau bao thăng trầm của sự sống.

Thế giới, có nhìn Hội thánh bằng ánh nhìn khác biệt, thì ánh mắt và tầm nhìn của thế giới, nay vẫn mang tính úy kỵ Uý và kỵ, là bởi Hội thánh trước sau vẫn cứ nhìn thế giới bằng ánh nhìn thiếu thiện cảm. Mất cảm thông. Thế nên, luôn có sự căng thẳng, giằng co, tranh đấu từ hai phía. Căng thẳng, vì Hội thánh không yêu thế giới như Thiên Chúa thương yêu loài, từ muôn đời. Chẳng thế mà, thành viên nọ của thánh hội Đức Kitô nay nhận định về sự căng thẳng ở trên, nên mới bảo:

“Nhờ Công Đồng Vatican II, Hội thánh không còn công khai lên án thế giới nữa. Hội thánh đã tự mở lòng mình, ít ra là trên nguyên tắc, để đi vào cuộc đối thoại với thế giới nhân trần. Tuy là thế, Hội thánh hôm nay có nhiều khuynh hướng cho thấy còn đó khía cạnh tiêu cực đối với nhân trần. Khuynh hướng nhìn thế giới hiện tại như một thảm bại không thể hàn gắn. Khuynh hướng này, muốn tái tạo một Đạo giáo mới của Đức Kitô, trong đó Hội thánh mới sẽ sống các khía cạnh của đời người nhưng lại không muốn dính dự vào thế giới quanh mình. Trong khi đó, có những người -trong số này có cả tôi- vẫn tin vào lời mời gọi Hội thánh sống như men trong bột, là thế giới. Có như thế, Hội thánh mới hoạt động hữu hiệu trong lòng thế giới ngõ hầu tạo dựng không phải Hội thánh mới mà là xã hội mới. Xã hội của thiên niên kỷ thứ ba, đã diễn ra.” (Armand Vielleux, đan sĩ Xitô Scourmont, Bỉ)

Vị nào tìm cách sống “ngoài thế giới” lại nghĩ là mình đang ở trong ‘thế giới đặc biệt của Chúa’ sẽ thấy rằng mình đang tìm kiếm Chúa. Điều đó có nghĩa: tìm Chúa ở đâu đó, nên chưa gặp. Họ vẫn tìm Chúa ở nơi xa, nên khó lòng. Điều lạ kỳ hôm nay, là: người người chấp nhận rằng: không nên kiếm tìm Chúa làm gì, bởi có tìm cũng chẳng gặp. Bởi Chúa đã tìm ra mình rồi. Đã gặp mình, ngay trong cuộc sống thường nhật, mà người đời gọi đó là “thế giới” nhân trần.

Quả thế. Chúa vẫn tìm ta và Ngài đã gặp. Ngài gặp ta, trong công việc hằng ngày, ở huyện. Có gặp ta, Chúa mới tỏ cho ta biết nhiều sự việc ở đời thường, trong đó có chuyện về Chúa. Nói về Chúa. Cả những chuyện thời đại, ta đang sống nữa. Những chuyện và những sự, mà chẳng ai hỏi hoặc lên kế hoạch để gặp Chúa. Dù không lên kế hoạch, nhưng người người chắc vẫn nhận và vẫn biết rằng: Chúa vẫn tìm, và vẫn gặp.

Người người đều biết Thiên Chúa là Chúa của niềm vui tươi, kỳ diệu. Điều lạ này, khác với những gì ta nghe biết, từ thuở trước. Nghe rằng: Chúa chỉ yêu nếu ta chứng tỏ mình là người tốt. Nghe và biết, rằng: Thiên Chúa cao xa vời vợi thật khó đạt. Ta chỉ đạt đến Ngài sau khi chết, mà thôi.

Mặc dù thế, điều mới lạ ở đây, hôm nay, là: Chúa đến với ta trong khuôn khổ hạn hẹp cuộc đời, là thế giới. Thế giới, có đủ niềm vui/nỗi buồn, thật không thiếu. Vẫn không ngờ. Không thiếu và cũng chẳng ngờ rằng: những chuyện khiến ta thay đổi lối nhìn về Hội thánh và thế giới, là ngày nay nếu muốn gặp Chúa, vẫn nên đi vào cuộc đời, mà tìm kiếm. Thay và đổi, còn ở chỗ: Chúa tìm gặp người đời không chỉ trong Hội thánh thôi, mà cả ở ngoài đời. Nơi thế giới. Thay và đổi, để rồi sẽ nghe lời thánh nhân, vẫn thường nói:

“Hãy tôn trọng mọi người;

Hãy yêu mến anh em;

Hãy kính sợ Thiên Chúa,

hãy tôn trọng vua.”

(1Pe 2: 17)

Nếu thánh Phêrô còn sống đến hôm nay, hẳn ngài sẽ không còn khuyên bảo mọi người trong Hội thánh hôm nay: hãy tôn trọng không chỉ mình vua thôi, mà là tôn và trọng cả thế giới. Từ trên xuống dưới. Tôn trọng mọi người trong thế giới và coi họ như có Chúa ở bên trong, rồi cứ thế mà vui sống. Vui mà sống, như truyện kể nhè nhẹ ở bên dưới để minh hoạ một sự thật rất thực, như sau:

Ngày nọ, có một đan viện phụ Dòng Khổ tu tìm đến một vị tu sĩ Ấn Giáo tại chân núi Himalaya. Với tất cả ưu tư phiền muộn, vị đan viện phụ trình bày về tình trạng bi đát của tu viện do ông chủ trì. Khi trước, tu viện này là một trong những trung tâm thu hút không biết bao nhiêu khách hành hương. Nhà nguyện lúc nào cũng vang tiếng hát của các tu sĩ và giáo dân đến từ khắp nơi. Các căn phòng lúc nào cũng có người ở... Nay tu viện trở thành một ngôi chùa trống vắng. Làn sóng những người trẻ tìm đến tu viện hầu như tắt lịm. Nhà nguyện vắng kẻ ra người vào. Một số tu sĩ còn lại sống uể oải buông thả... Vị viện phụ muốn hỏi tu sĩ Ấn Giáo: đâu là nguyên nhân đã đưa đến tình trạng này? Phải chăng vì tội lỗi tày đình nào đó mà bàn tay Chúa đè nặng lên cộng đoàn?

Sau khi nghe đức viện phụ kể, vị tu sĩ Ấn Giáo ôn tồn nói: "Cái điểm yếu của cộng đoàn: đó là sự vô tình". Vị tu sĩ Ấn Giáo giải thích như sau: "Ðấng Cứu Thế đã cải trang thành một người phàm ở giữa chư vị, nhưng chư vị vô tình không nhận ra Ngài".

Nghe tu sĩ Ấn Giáo giải thích, đức viện phụ bèn hối hả trở về tu viện, lòng ông miên man tự hỏi: "Ai là người được Ðấng Cứu Thế đang mượn hình dáng để trở lại với loài người?" Cả tu viện có không đầy mười người. Ðấng Cứu Thế không thể là chính ông, vì ông tự biết mình là con người tội lỗi yếu hèn. Nhưng ông cũng biết rõ các tu sĩ khác trong tu viện: có người nào toàn vẹn để Ðấng Cứu Thế mượn hình dáng? Nhưng, ông vẫn tin lời của vị tu sĩ Ấn Giáo xác quyết rằng Ðấng Cứu Thế đang cải trang thành người nào đó sống trong cộng đoàn...

Với niềm xác tín ấy, ông quy tu tất cả các tu sĩ lại và loan báo cho mọi người biết rằng Ðấng Cứu Thế đang cải trang thành một người trong nhà mình. Ðôi mắt của mỗi người mở to và ai cũng bắt đầu dò xét từng người trong nhà. Có điều chắc chắn là: vì Ðấng Cứu Thế đã cải trang, nên không ai nhận ra Ngài được. Thành ra mỗi người trong nhà đều có thể là Ðấng Cứu Thế... Từ đó, ai ai cũng đối xử với nhau như với chính Ðấng Cứu Thế. Chẳng mấy chốc, bầu khí yêu thương, huynh đệ đã trở lại với tu viện. Sự thánh thiện ấy chẳng mấy chốc lan đi khắp nơi. Các tín hữu từ khắp nơi trở lại tu viện để tĩnh tâm và cầu nguyện. Nhiều người trẻ cũng đến gõ cửa Nhà Dòng...

Nếu mọi người, ai cũng nhìn nhau và đối xử với nhau như với chính Chúa Giêsu, thì chiến tranh hận thù sẽ không có lý do tồn tại trên mặt đất này. Sự vắng bóng của Thiên Chúa trong xã hội, hay đúng hơn sự vô tình của con người không nhận ra Thiên Chúa trong cuộc sống: đó là đầu mối của mọi thứ bất hòa, chiến tranh, xáo trộn trong xã hội.

Chối bỏ Chúa cũng có nghĩa là chối bỏ con người. Sự băng hoại của xã hội xây dựng trên chủ thuyết vô thần là một bằng chứng hùng hồn về hậu quả của sự chối bỏ Thiên Chúa. Khi con người chối bỏ Thiên Chúa, con người cũng chà đạp con người.”

Người kể truyện hôm nay lại rút ra bài học cho cuộc sống, ở thế giới nhân trần. Bài học ấy, người nghệ sĩ trên từng viết thành giòng chảy âm nhạc, rất nghe quen, rằng:

“Hà Nội ơi, biết người còn có trông mong,

Hướng về ai nữa hay không

những ngày xa vắng bên sông.

Hà Nội ơi, những chiều sương gió dâng khơi

Có người lặng ngắm mây trôi,

Biết bao là nhớ tơi bời.”

(Hoàng Dương – bđd)

Nhớ Hà Nội, là nhớ Hội thánh và nhớ thế giới của một thời. Thời, có những giòng chảy yêu thương, đầm ấm rất tình người. Ở muôn nơi.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn nhớ Hà Nội quê mình

như Hội thánh, rất yêu đời.

Yêu thế giới cũng rất người.

No comments: