Sunday, 27 December 2009

“Như hoa đem tin ngày buồn”

Như chim đau quên mùa xuân

(Lê Uyên và Phương – Tình khúc cho em)

(Mt 11: 29)

Ngày tháng đó, có người anh/người chị hát lên bài “tình khúc cho em”, những ngày buồn. Tình khúc những ngày buồn, còn là tình tự của người anh, người chị thân thương, vương vấn chốn nhà Đạo rất thánh. Và, cũng rất đạo. Ở Đà Lạt. Đà lạt, ngày tháng đó, là ngày bọn tôi mấy đứa, lấm la lấm lét, ngồi thưởng thức giòng chảy thân thương của nhạc buồn, ngày tháng lạ. Cả vào mùa Đông.

Giòng nhạc ấy, đã có lúc đưa đẩy bọn tôi về với ý/lời, của câu thơ:

“Xin cho thương em thật lòng,

xin cho thương em thật lòng.

Còn có khi lòng thôi giá băng…” (Lê Uyên và Phương – bđd)

Cứ bỏ qua một bên, những cụm từ anh và em/em và tôi để rồi ta sẽ thấy, những tôi và em ấy vẫn cứ là người bạn thân thương, thuở thiếu thời. Thuở, có tấm lòng “thôi giá băng”, rồi hát tiếp:

“Cho tôi yêu em nồng noàn!

Cho tôi yêu em nồng nàn!

dù tháng năm buồn vui, bàng hoàng.” (Lê Uyên và Phương – bđd)

Quả rất đúng. Trong quá trình sống yêu thương, vẫn có những ngày “buồn vui/bàng hoàng”, khiến bạn và tôi, ta thẫn thờ/hờ hững với những mối tình bàng hoàng, của người anh người chị mà hôm nay, ta gọi là “thánh”. Ở chốn dân gian.

Bởi, chốn dân gian hôm nay, rất nhiều trường hợp, có người trẻ vẫn cứ ôm bom lăn xả vào chốn phồn-hoa-đô-hội có địch thù hoặc tình thù xao xuyến ấy, để phá rối cuộc sống đi đạo khác phái, khác kiểu của mình. Gọi họ là cực đoan. Khùng điên. Ngoan cố. Cũng tuỳ nơi. Tuỳ chỗ.

Với đạo Hồi, thế giới của những người chuyên thần tượng hoá đám trẻ -đa số là trai chưa vợ- vẫn có khuynh hướng coi họ là các thánh “tử vì đạo”. Cho đạo. Nói nôm na, ta bảo: họ chết là chết cho thần linh thánh ái. Đấng mà nhà Đạo của ta gọi là Đức Chúa. Tức, Chúa Tể mọi loài, trong hoàn vũ. Và, người đạo Hồi, lại gọi ngài là Đức Thánh Allah.

Với thế giới đạo Hồi, ôm bom vào chỗ chết, tức vào lòng đạo cực đoan của quân phản thần/hại thần như thế, để được gần Đấng Allah rất thánh, rồi sẽ làm thánh. Thánh “tử vì đạo”. Cho đạo. Với Kitô-hữu, cũng có người lại chọn hình thức chết-cho-chính-mình, kiểu khác. Tức, chết cho thói tật, nhưng xác thịt vẫn cứ sống. Sống chuyên chăm, chốn tu trì. Chỉ để trở thánh thánh nhân. Như, động thái của vị thánh bổn mạng của gia đình lành thánh, các bà mẹ, là thánh Giêrađô Magella, Dòng Chúa Cứu Thế, cũng hơn một lần xác quyết: “Chào mẹ, con đi làm thánh đây!”

Xem như thế, thì làm thánh hoặc thành người lành thánh, mang ý nghĩa cũng lành và rất thánh. Rất thiện. Còn nhớ, có lần cô giáo một trường nhỏ, lên tiếng hỏi học sinh trong lớp: xem các em hiểu về chữ “thánh”. Thế là, chẳng kịp mở tự điển/tự vị ra, các em đã thi nhau phát biểu:

-Anita, 8 tuổi: Làm thánh giống như thiên thần, chẳng lấy vợ. Chẳng muốn có con. Cứ ở vậy!

-Jo, 7 tuổi: thánh, là người điên, tối ngày lầm rầm đọc kinh liên miên, không mỏi mệt!

-Beth 10 tuổi: Thánh là như mấy cha ở nhà thờ, tối ngày chỉ giảng đạo và xin tiền!

-Maria 9 tuổi cũng xin nói: Theo em, thánh là người hiền lành, ít nói, ai cần gì đều giúp ngay…

Ôi chao! Có hỏi thêm, hoặc trích dẫn nhiều, cũng không sao kể hết được các ý kiến đa dạng về: đấng thánh hiền. Bởi thế nên, nay xin bạn và tôi, ta cứ tầm nguyên xem xét, hẳn sẽ thấy. Thấy, là thấy rằng: đấng thánh hiền/hiền lành và rất thánh, chỉ là các đấng được nghệ sĩ trên định nghĩa:

“Vì, đâu mê say phồn hoa

như áo gấm sáng lóng lánh

ôm rách nát không tâm linh,

ôm tiếng hát, không hơi rung, nghèo nàn! “ (Lê Uyên và Phương – bđd)

Thật ra, không phải thế. Lời nghệ sĩ, chỉ là lời kể, về tâm linh người anh người chị đã từng sống với tâm linh. Nay linh hiển chốn trên cao. Tự hào. Sáng chói. Sự thật, về các đấng lành thánh rất hiển linh, là các đấng hy sinh đời mình. Có tâm linh. Đức độ. Thân thương nhiều bề.

Với nhà Đạo, sống tâm linh lành thánh là trở nên quà tặng phô triển và trao ban cho người khác. Trao ban, để tạo sức sống cộng đoàn. Sống như các vị thánh trong Hội thánh, từng hấp dẫn dân con về với Chúa, qua cung cách sống theo Lời Chúa. Sống theo đường lối có Chúa đổi thay con người mình. Chẳng thế mà, khi chúng nhân nhìn vào nhà Đạo, họ đều hân hoan thấy rõ, sao Chúa làm điều kỳ lạ, cho nhà Đạo. Chẳng hạn như câu nói cửa miệng ta nghe nhiều, vẫn là: “kìa ra mà xem, người Công giáo họ yêu thương nhau. Đoàn kết biết chừng nào!”

Người ngoài Đạo vẫn cảm và kích cung cách sống của người Công giáo. Chí ít, là khi họ bị cấm cách. Bắt bớ. Hành hạ. Như các vị chết vì Đạo, thời xưa cũ. Gương sống lành thánh của các vị sống chết cho Đạo nay tuy không thấy nhiều, ở xã hội duy vật này nữa. Nhưng, gương sống của các vị lành và thánh ấy vẫn tồn tại. Mãi mãi. Gương, là gương hy sinh mọi sự cho mọi người. Gương sống của các vị như Mahatma Gandhi, Têrêxa Calcutta. Và nhiều nữa. Ở mọi nơi. Mọi thời.

Gương lành thánh của chúng nhân hôm nay, được thể hiện qua cung cách lôi cuốn mọi người về với niềm tin đi Đạo. Cung cách sống được thể hiện qua đời sống thường nhật. Nơi phố chợ. Ở sở làm. Hoặc, ở ngay trong nhà. Với Giáo Hội thời ban sơ, thì gương lành thấy rõ nhất là cộng đoàn tín hữu được gọi là Hội (của các) thánh, do việc các ngài đưa mọi người về cùng Chúa. Sống với Chúa.

Chuyện nêu gương lành như thế, sao gọi đó là “Như hoa đem tin ngày buồn”, rồi còn hát:

“Thương em khi yêu lần đầu

thương em lo âu tình sau

dù gương xưa không được lau…” (Lê Uyên và phương – bđd)

Không. Gương xưa vẫn được lau. Lau rất kỹ, nên nghệ sĩ mới hát câu:

“Cho tôi yêu em nồng nàn

cho tôi yêu em nồng nàn

dù biết yêu tình yêu muộn màng.” (Lê Uyên và Phương – bđd)

Quả có đúng. Tình yêu tuy muộn màng, nhưng vẫn là yêu. Yêu nồng nàn. Tha thiết. Và, da diết đến độ “dù tháng năm buồn vui bàng hoàng.” Buồn vui hôm nay, tuy không còn bàng hoàng, hoặc ngỡ ngàng. Nhiều năm tháng. Nhưng vẫn là tình yêu. Tình lành thánh. Của thánh nhân. Ân cần. Kiên định. Yêu như Đức Chúa yêu nhân trần. Yêu như người trần, cần yêu Chúa. Tình lành thánh ấy, vẫn thấy lộ diện ở nhiều nơi. Trên thực tế. Chốn văn thơ. Âm nhạc tình tứ, như sau:

“Nếu anh biết lần đó là lần cuối,

được nhìn em trong giấc ngủ mê say,

hẳn là anh đã ôm hôn thật chặt,

để rồi xin Chúa giữ hồn em.

Nếu biết rằng, lần đó là lần cuối

thấy em cất bước đi khỏi hiên nhà,

hẳn là anh đã ôm hôn một từ giã

gọi em lại để được mãi ôm hôn.

Nếu anh biết lần đó là lần cuối

nghe giọng em cất tiếng ngợi ca,

hẳn là anh đã thu băng ghi từng lời,

Để nghe mãi suốt quãng đời còn lại.

Nếu biết rằng, lần cuối đó gặp em

hẳn là anh đã ở lại thêm vài phút,

để dừng lại anh nói lời “yêu em”,

vẫn chẳng nghĩ rằng em đã chợt biết.

Nếu ngày mai ấy chẳng bao giờ đến nữa

và những gì anh hiện có hôm nay,

sẽ tha thiết nói lời “yêu em lắm”

và hy vọng anh mãi chẳng còn quên.

Ngày mai ấy, chẳng khi nào hẹn ước

cho riêng mình, cho cả riêng ai

trẻ/già, trai/gái cơ hội cuối,

vẫn ghì chặt người anh tha thiết yêu.

Nếu ai từng mong đợi ngày mai ấy,

sao không từng tha thiết với hôm nay?

ngày mai ấy chẳng bao giờ đến nữa

để ta cùng kluyến tiếc ngày hôm nay…

Ta không dành thêm thời gian nữa

để trao tặng nụ cười, vòng tay ấm

nụ hôn tròn, quá bận nên lặng quên

quên ước nguyện, người thân vẫn trông chờ.

Xiết chặt hơn, hỡi người anh dấu yêu

cứ thì thầm bên tai người yêu nhỏ,

rằng anh yêu, yêu mãi thiết tha nhiều

giữ trong lòng, ảnh hình của người thân.

Rồi nói mãi, những lời “xin lỗi” ấy,

lời “cảm tạ”, và cả lời nói “yêu em”

Bởi, mai ngày ấy, chẳng bao giờ đến,

để ta còn nuối tiếc, chuyện hôm nay.

Thật ra thì, nuối tiếc chuyện hôm nay, còn là tiếc nuối cơ hội sống lành và sống thánh, như các thánh. Cõi đời này. Hối tiếc nhiều, còn là chuyện quên sót không bám gót nghe theo lời Chúa phán. Ở một ngày. Thời hôm ấy. Có lời phán bảo, từ Đức Chúa, Đấng Hiền Lành và thánh thiện dường bao. Như sau:

“Hãy học với Tôi,

vì Tôi có lòng hiền hậu

và khiêm nhu.

Tâm hồn anh em

sẽ được nghỉ ngơi. Bồi dưỡng."

(Mt 11: 29)

Nói cho cùng, thánh nhân là những vị đã học được nhiều điều từ Đức Chúa rất lành và rất thánh. Học nơi Ngài, sự hiền lành. Thánh thiện. Của người con. Có như thế, người người mới sống quảng đại, lành thánh. Như các thánh. Ở trần gian.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn mong rằng

bạn và tôi

ta còn học được nhiều điều

ở các thánh.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )

No comments: