Monday 4 January 2010

Đừng xa nhau! Đừng quên nhau!

Đừng rẽ khúc tình nghèo Đừng chia nhau nỗi vui niềm đau.

(Phạm Duy – đừng xa nhau)

(Cv 9: 32-43)

Xưa nay, người người vẫn cứ bảo: “Đừng xa nhau!” Bảo rồi, lại nói: “Đừng quên nhau!” Thử hỏi, phải chăng đây là nhắn nhủ nhỏ to, từ người nhà? Nhà Đạo. Nhà thơ. Và, là căn dặn của các cụ nhà ta. Bảo ban. Khuyên bảo. Của ai đó. Có lời to nhỏ. Thắc mắc. Trên đường dài, con tàu cuộc đời. Còn nghe kể:

“Trên chuyến tàu nọ, có người phụ nữ đẹp. Có bà già và ba đàn ông. Tới đoạn hầm bến dưới đèo, bỗng nghe lào xào một tiếng "chụt!" rồi tiếng "bốp!", đến vang rền. Kế đến, một phản ứng, nhiều lúng túng.

Bà già nhà ta bèn nghĩ thầm:

-Bọn trẻ bây giờ thật quá quắt!".

Người nữ đẹp, lại nghĩ khác:

-Sao bã được người khác ôm hôn, còn mình thì không?".

Người đàn ông thứ nhất, lật đật nghĩ:

-Một lát nữa, đến đường hầm tới mình hôn tiếp, cũng dễ thôi!

Người thứ hai thì khác hẳn:

-Đứa nào mà còn hôn với hít nữa, ta sẽ tát cho gãy hết răng, cho mà xem!

Còn, người đàn ông thứ ba, thì quyết chí:

-Mẹ nó chứ! Tao mà biết là thằng nào tát trộm vào mặt tao thì tao sẽ đập nó một trận cho sặc gạch!"

Có nghĩa là, cùng một âm thanh. Cùng một động tác. Một sự kiện. Nhưng, mỗi người lại nghĩ suy một khác. Khác nhiều lắm. Ghê lắm. Khác đến độ, mang theo những tình tiết, vẫn chưa biết. Nay, ta chỉ biết mỗi một điều, là: lời lẽ phát biểu ở trên, có lời kèm theo yêu thương. Da diết. Có lời, chỉ tỏ bày tình cảm khích bác. Lạc điệu. Lạc, cả âm hưởng thân thương, lẫn lời ca. Vậy, ta nghe tiếp:

“Đời phai mau, người ghen nhau,

lòng vẫn cứ ngọt ngào,

Miệng ru nhau những ân tình sâu.” (Phạm Duy – bđd)

Ân tình sâu, mà nghệ sĩ già đã trải qua, là mối hỉ nộ ái ố đủ bẩy thứ tình, tựa như thứ tình và tự của nghệ sĩ nọ từng hồi hướng trở về với “quê trời” Hội thánh, “cụ sáu” Vũ Thành An. Nếu quả có khác, thì hẳn là dân con nhà Đạo của ta, sẽ có nhiều đề tài để sẻ chia. Nghe cũng thích. Đề tài để chia và sẻ, là tư tưởng nhè nhẹ. Hiền hoà. Vui tươi. Được ghi vội ở bên dưới:

“Tháng vừa rồi, ở Liên Hiệp Quốc người ta đưa ra một khảo sát nhỏ, nhằm phổ biến đến bà con dân thường, ở nhiều nơi. Phổ biến bằng những cú điện thoại gọn nhẹ chỉ làng nhàng hỏi đôi câu:

Hỏi, là hỏi lẹ làng có mỗi câu như thế này:

“Xin quý vị vui lòng cho biết ý kiến trung thực về một giải pháp cho các trường hợp thiếu lương thực, với thế giới còn lại.”

Bản khảo sát gặp ngay thất bại cay đắng vì những lý do, như sau:

-Ở Đông Âu, người ta không hiểu được cụm “thành thực” mang ý nghĩa gì.

-Trong khi đó, ở Tây Âu người người chẳng bao giờ biết chữ “thiếu lương thực” có ý nói đến chuyện gì? Thiếu ra sao?

-Ở Châu Phi, dân thường ở đây không ai hiểu ý nghĩa cụm từ “thực phẩm”là gì.

-Trung Quốc thì khác, ở đây chẳng ma nào biết chuyện, làm sao “cho ý kiến”?

-Ở Trung Đông, người dân trong vùng chẳng ai hiểu “giải pháp” có nghĩa gì.

-Bên Nam Phi, cũng không ai dùng và chẳng biết câu “xin vui lòng” là gì.

-Ở Hoa kỳ, mọi người chẳng hiểu cụm từ “với thế giới còn lại”, ám chỉ những ai.

-Ở Úc, nghe khảo sát, người ta cúp máy vì không hiểu người Ấn độ nói tiếng Anh muốn quảng áo chuyện gì đây.

Khảo sát. Thắc mắc. Với hỏi han, trên điện thoại hay khi tàu chạy, như “nghe tiếng lạ”. Tiếng lạ, có khi là tiếng mẹ đẻ. Hay, tiếng quốc tế, ta vẫn tưởng như thế. Tiếng lạ, hay việc lạ ông cha/ông thầy dòng đã và đang làm, đôi lúc cũng khó nghe ra. Khó cả chuyện hiểu biết. Cũng khác thường. Khác rất nhiều với sự thường, ta vẫn thấy. Vẫn nghe. Vì khác với sự việc bình thường, nên mới có lời ca mà người nghệ sĩ xưa nay vẫn hát, rất như sau:

“Đừng xôn xao , đừng khóc giấu

Đừng oán trách phận bèo.

Vì sông xa vẫn trung thành theo.” (Phạm Duy – bđd)

Sông xa/người gần, vẫn trung thành theo. Theo một cách trung thành, nên đã nghe và đã đến. Nghe rồi đến, là tâm trạng của một số người nhà Đạo vẫn cứ thế mà thắc mắc. Hỏi han. Rất nhiều. Hỏi han khi còn tuổi trẻ. Han hỏi, cả khi về già.Ngang qua cuộc sống đã thấy nhiều và nghe nhiều, về đủ mọi chuyện. Như chuyện không nhỏ mà những người tuổi không còn nhỏ, vẫn thắc mắc.

Về thắc những chuyện lạ, xảy ra trong đời, vừa qua có người ở huyện nhà Sydney, cũng đã hỏi và han một điều, nghe xong vẫn còn thắc mắc. Người những hỏi và hỏi như sau:

“Cách đây không lâu, tôi biết có ông thầy Dòng Tên hay gì đó, đến đây giảng đạo về Chúa Mẹ và còn thực hiện phương pháp Reiki đặt tay lên trán/lên đầu người nghe để chữa lành một số bệnh. Có người được lành. Có người không. Thấy phương pháp chữa lành này hơi khả nghi, đối với tôi. Nên câu hỏi của tôi hôm nay, là: Giáo hội dạy gì về những sự việc như thế không?

Phải công nhận, là: chuyện chữa lành bệnh tật và “nói tiếng lạ”, đang là chuyện nhạy cảm với các người trong ngoài nhà Đạo, ở Sydney, nên tuần báo The Catholic Weekly đã có bài giải đáp “khúc mắc” từ đấng bậc vị vọng có tên nghe quen quen là đức thầy John Flader, rất chung như sau:

“Theo tôi biết, thì Toà thánh La Mã lâu nay không đưa ra văn bản nào đề cập đến việc chữa lành theo phương pháp Reiki, hết. Tuy nhiên, hôm 25/3/2009, Ủy Ban Tín Lý thuộc Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ có đưa ra một tài liệu lấy tên là; “Bản Hướng dẫn Thẩm định việc Chữa Lành theo Phương Pháp Reiki coi đó như phương pháp Trị Liệu thay vào đó”. Và hôm nay, trả lời cho câu hỏi bạn nêu về việc chữa lành, tôi chọn bản văn trên làm tài liệu căn bản, hầu dẫn chứng.

Trước hết, Reiki là gì? Đây là kỹ thuật chữa lành được phát minh tại Nhật vào cuối thế kỷ thứ XIX. Kỹ thuật này bao gồm việc dùng tay đặt lên khu vực nào đó trên cơ thể của người bệnh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho “Reiki” chảy tuôn vào đó. Reiki là “lực sống hoàn vũ” hầu chữa lành.

Làm việc này, người thực hiện Kỹ thuật chữa lành phải được bậc Thầy môn phái Reiki khai sáng hoặc “chỉnh sóng” cho, mới thành công. Người đầu tiên gầy dựng nên môn phái này là Mikao Usui, sư tổ từng học hỏi kinh Phật để triển khai kỹ thuật ấy.

Giới Công giáo đánh giá thế nào về kỹ thuật này?

Trả lời câu hỏi này, ta nên nhớ lại rằng Hội thánh nhận ra hai loại chữa lành đặc biệt, là: chữa lành bằng ân sủng và bằng sức mạnh thiên nhiên.

Kỹ thuật đầu, ta đều biết Đức Giêsu đã chữa lành cho biết bao nhiêu người bằng cách đặt tay trên người họ. Ngài khuyên các thánh tông đồ hãy tiếp tục việc chữa lành ấy. Thời các thánh tông đồ, Hội thánh kều cầu Chúa đến với người bệnh, xin Ngài chữa lành cho họ, nhờ vào sức mạnh quyền uy của Chúa Thánh Thần. Hội thánh vẫn làm thế, ngang qua việc xức dầu kẻ liệt hoặc bằng vào lời cầu cho bệnh nhân.

Với kỹ thuật sau, Hội thánh đề nghị ta trông cậy vào phương cách tự nhiên mà chữa bệnh bằng thuốc thang. Và, lịch sử minh chứng là Hôi thánh từng chăm lo chữa trị người bệnh theo cách này. Đặc biệt hơn, qua hệ thống bệnh viện, ở nhiều nơi.

Vậy thì, Phương pháp Reiki ăn khớp với kỹ thuật nào trong hai cách nêu trên?

Nói đến phương pháp Reiki, là nói về phương cách “tâm linh” chữa lành bệnh. Khi nói thế, ngôn ngữ gồm đầy những qui chiếu dẫn về Thần Linh Nam hoặc Nữ. Có lúc, lại qui về “quyền uy có sức mạnh để cứu chữa”, hoặc “Đấng Thượng Trí”, vv.. Năng lực sống động của Reiki được mô tả là có Thiên Chúa dẫn dắt. Thiên Chúa ở đây, là như “Thần trí Tối Cao” hoặc “linh đạo thánh thiêng” mà người thực thi chữa lành vẫn nhận được uy lực của các thần ấy qua “nghi thức thánh tế”. Và, các nghi thức này sử dụng các “đặc trưng linh đạo”. Hiểu theo nghĩa này, thì dường như phương pháp Reiki rơi vào phạm trù chữa lành, do quyền lực của thần linh bổ sức. Hỗ trợ.

Dù sao đi nữa, người thực thi phương pháp Reiki coi nghệ thuật chữa lành mà họ thực hiện, như phương tiện để chữa trị. Phương tiện này chủ trương làm thế nào để thành công hay không là do tài khéo léo của người đó. Chính vì thế, uy lực để chữa lành nằm trong quyền sinh sát của họ. Và từ đó, phương cách chữa lành được truyền tụng từ Sư Tổ Reiki. Và một khi đồ đề được Sư Tổ Reiki “truyền tâm ấn” cho mình rồi, thì những người như thế cũng sẽ tạo kết quả như mình mong ước. Cuối cùng thì, đây cũng là kỹ thuật tự nhiên, thường tình thôi.

Rồi từ đó, việc thẩm định phương pháp Reiki theo lập trường của tín hữu Đức Kitô cũng là chuyện dễ.

Cứ coi đây như việc chữa lành theo cách tự nhiên, có thể cũng có một số cung cách chữa lành theo phương pháp tự nhiên nào đó vẫn chưa được khoa học công nhận, hoặc hiểu rõ. Vì thế, có thể nói là: phương pháp Reiki thiếu mất sự tin tưởng của ngành khoa học.

“Năng lực sống động hoàn vũ” được kể là vẫn có mặt ở mọi chuyện/mọi thứ. Và, năng lực ấy vẫn do con người kiểm soát, thì đến nay, khoa học tự nhiên vẫn chưa biết đến. Chưa thừa nhận. Bởi, vẫn thiếu sót, không được các khoa học gia nghiên cứu tính hiệu quả của phương pháp ấy. Và, vẫn chưa được cộng đồng khoa học và y tế chính thức thừa nhận. Cũng chưa có ai chấp nhận là phương pháp Reiki là hình thức chữa lành do sức mạnh thánh thiêng ban cho.

Tín hữu Đức Kitô, khi thực thi việc chữa lành cũng có kêu cầu Chúa xuống ơn lành để họ có thể chữa cho người bệnh, họ vẫn không mong là Chúa sẽ chữa cho hết mọi trường hợp bệnh lý. Trong khi đó, thì người chữa lành theo phương pháp Reiki có thể cũng kêu cầu Thượng Đế giúp đỡ; nhưng khi đó, họ lại quá tin vào kỹ thuật mà họ thụ giáo từ Tổ Sư Reiki. Họ cứ nghĩ rằng mình có khả năng tạo hiệu quả khi thực hiện việc chữa lành ngang qua quyền uy thế lực của các vị thần nam nữ, mà họ nhận được năng lực đó.

Thêm vào đó, Kinh thánh hoặc Truyền thống Giáo Hội không nói gì đến hiện tượng “năng lực sống động hoàn vũ”, cả. Vì thế nên, chỉ những người nghĩ ràng quyền năng chữa trị của họ là do ý lực hoặc lực tư tưởng của mình có thể khống chế được sự việc như thế. Quan điểm này, bắt nguồn từ một số tôn giáo ở phương Đông có khuynh hướng phiếm thần hay sao đó. Các tôn giáo này tin rằng sức mạnh thần linh được định dạng chung với thế giới. Vũ trụ.

Cuối cùng thì, bản Hướng dẫn của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đi đến kết luận bảo rằng: “Phương pháp chữa lành theo cung cách của Reiki không phù hợp với Giáo huấn của Hội thánh và cũng chẳng có bằng chứng gì là phương pháp này mang tính khoa học. Vậy thì, tín hữu nào tự mình đặt tin tưởng vào phương pháp Reiki rồi cũng sẽ tự mình ở vào tình huống mang tính dị đoan.” (x. John Flader, The Catholic Weekly 17/5/2009 tr. 10)

Về chữa lành, hẳn bạn và tôi, ta nhớ về truyện kể trong sách Công vụ. Ở đó, có đoạn thánh Phêrô đã chữa lành người bệnh sinh sống ở thành Lốt. Dịp ấy, thánh Phêrô cũng đã có lời khuyên nhủ rất lành thánh, như sau:

“Anh Ê-nê,

Đức Giê-su Ki-tô chữa lành cho anh.

Hãy chỗi dậy và dọn dẹp giường đi!"

Lập tức người ấy đã chỗi dậy.

Dân cư ở Lốt và Sa-rôn hết thảy đã thấy anh,

và họ đã trở về với Chúa.”

(Cv 9: 32-35)

Xem như thế, chữa lành bệnh tật, không phải để làm một việc gì khác, ngoài chuyện cho người bệnh được “chỗi dậy”. Chỗi dậy, là vùng chỗi đứng dậy. Đứng dậy, để về với Chúa. Như bà goá nọ ở Gia-phô, là người được thánh Phêrô cứu sống, bà cũng đã chỗi và đã dậy, như sau:

“Phêrô cầu nguyện rồi nói: “Tabitha, Hãy chỗi dậy!”

Mở mắt ra, bà thấy ông Phê-rô, bèn ngồi dậy.

Đưa tay đỡ bà đứng dậy,

rồi gọi các thánh cùng các bà goá

Phêrô cho thấy là bà đã sống.

Cả thành Gia-phô đều biết việc này,

và lắm người đã tin vào Chúa.”

(Cv 9: 40-43)

“Chữa lành”, không phải để làm sự lạ, hoặc “nói tiếng lạ”. Nhưng là, để người người “về với Chúa”. “Tin vào Chúa”. Thành thử, vấn đề là: lòng hỏi lòng xem có bao giờ mình được chữa và được lành? Đã được rồi, mình có làm cho mọi người “về với Chúa”, “tin vào Chúa”, không? Hoặc, mình chỉ lo có mỗi chuyện, là chạy theo mà xem sự lạ/việc lạ. Cho nó lạ. Thế thôi.

Hỏi, là hy vọng đã có câu trả lời. Ngay lúc hỏi.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn tin chuyện chữa lành,

nhưng còn thắc mắc:

làm thể, thay đổi được gì?

Ta chữa lành được mãi chăng?

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com

No comments: