Tuesday, 12 January 2010

“Không biết đêm nay vì sao tôi buồn?”

Buồn vì trời mưa hay bão trong tim? Đã mấy thu qua tôi vẫn đi tìm Để rồi buồn ơi! nghe tiếng mưa đêm.”

(Lam Phương – Đèn khuya)

Phải thú thật ngay ở đây, rằng bần đạo ít khi thổ lộ cho ai đó, là mình cũng biết buồn. Cũng có nỗi buồn, vào ban đêm. Nhất là vào những đêm đã khó ngủ, lại loáng thoáng nghe ở đâu đó, có nhạc bản của nghệ sĩ Lam Phương, thật khó vui. Và, nỗi buồn của bần đạo, thường chẳng mang ý nghĩa gì là sâu sắc. Chắc khó đặt tên. Buồn không tên. Như nỗi buồn lan man. Vô hạn. Của mọi người.

Buồn nhất là khi bần đạo sục sạo kho tàng truyện kể, để tìm bài mà viết/mà lách, lại gặp ngay bức “thư trần tình” của bác tài xế xe tải ở Canada. Truyện kể về thư mà dường như bần đạo từng trích dẫn và gửi đến bạn bè, để san sẻ. Nay, lại xin được sẻ và san cho bạn bè nào chưa từng biết đến. Thư hơi dài. Lại bi ai. Nhưng cũng đạt. Thôi thì, đề nghị bạn và tôi, ta đành nghe lại, một lần nữa:

“Thư rằng:

Em yêu quý,

Đây là bức thư ngỏ mà không người đàn ông nào lại muốn viết về cho vợ của mình. Anh cũng thế. Anh vẫn muốn và vẫn còn đủ thì giờ để viết lên đây những gì anh quên bày tỏ cùng em. Rất nhiều dịp. Những dịp khá thuận tiện để nói lên một điều: Anh yêu em lắm, em ơi

Anh nhớ, có lần em từng nói với anh rằng: anh yêu chiếc xe tải còn hơn em nữa. Em viện lý bảo rằng: anh để quá nhiều thì giờ dành cho nó! Thật ra, thì anh có để tâm để ý đến khối sắt vô tri vô giác này, cũng chỉ vì nó đã và sẽ còn đem lại cho chúng ta, những điều cần thiết, trong cuộc đời. Nó chứng kiến anh vượt khó khăn/gian khổ, vào giờ phút anh cảm thấy khó khăn. Mệt nhoài. Nó vẫn luôn ở bên anh. Nó đồng hành với anh trong suốt chặng đường dài, đầy truân chuyên. Khó nhọc. Anh kỳ vọng vào nó rất nhiều, để thực hiện những điều thực tế, gia đình mình cần đến. Và, cũng nhờ nó mà anh có thể hoàn thành công tác, rất mau lẹ. Nói cho ngay, nó không bao giờ làm anh thất vọng. Dù chỉ chốc lát.

Em biết không? Nó giúp anh lo toan những chuyện thật cần thiết, trong đời. Nó giúp anh làm được những việc anh có thể làm. Vì em và các con. Nó giúp anh yêu em. Yêu bền bỉ Nó giúp anh ở với em đến hôm nay, đấy em ạ. Anh nghĩ: chắc em cũng hiểu và chứng kiến những đoạn đường gian khổ anh trải qua, một phần nào cũng nhờ nó.

Có lần anh than vãn về thân phận chiếc xe già đó đã cũ, nhưng anh vẫn không quên rằng một vật vô tri vô giác như nó, mà cũng giúp anh được rất nhiều việc. Anh nhớ, hình như có lần em than thở với anh, khi anh mệt mỏi, trở về nhà, rằng: anh quá lo cho công ăn việc làm của anh đến độ không còn nhớ là còn có em đang sống bên cạnh anh, trên cõi đời này. Thật ra, thì anh nhớ đến em nhiều lắm chứ. Nhớ là: em đã phải hy sinh từ bỏ mọi thú vui trên đời, chỉ vì anh. Những thứ như: thời trang, du lịch, may sắm, tiệc tùng, cùng vui chơi chuyện trò với bè bạn … Em còn âm thầm chấp nhận, chứ không hề trách móc, cả những thứ những điều, em không bao giờ thích. Hoặc muốn làm. Thế mà anh vẫn cứ lặng im. Vẫn cứ thế đi xa. Cứ tiếp tục làm và làm. Lại, chẳng có lời nào cảm ơn em, về những chuyện như thế. Cả vào khi anh ngồi uống cà phê với bạn bè, anh chỉ nói về những xe và cộ. Về các khoản tiền tu bổ, sửa chữa cho xe. Chẳng đề cập gì đến em, và các con. Quả là, vào những lúc như thế, anh thật sự đã quên mất em, người bạn đời đáng quý đáng mến nhất, của anh. Anh quên em, cả trong các câu chuyện vui buồn kể lể, với mọi người.

Mức hy sinh phấn đấu em dành cho anh, thật ra đếm được rất nhiều. Không thua gì cố gắng của anh, quyết làm cật lực để hy vọng một ngày nào đó, sẽ có khả năng sắm tậu chiếc xe khác. Mới hơn. Tốt hơn. Anh quả thật đã hãnh diện về chiếc xe của anh. Nhưng, anh còn hãnh diện nhiều về em nữa. Có điều là, anh chưa bao giờ nói với em, về chuyện đó. Anh vẫn cứ cho đó là chuyện dĩ nhiên, em vốn biết. Nay nghĩ lại, lẽ đáng ra anh phải dành nhiều thời gian hơn cho em, mới phải. Đáng lẽ, anh phải ở bên em, nhiều hơn nữa. Nhưng, thay vì tối ngày cứ lo chùi rửa, lau bóng chiếc xe, có lẽ anh phải nói ra những điều tốt đẹp về em mà anh còn để trong lòng.Giờ này anh thấy mình thật có lỗi, với em.

Ngày tháng trôi qua nhanh quá, em ạ. Những lần rong ruổi đường dài, anh nhận ra rằng lời nguyện cầu của em dâng lên Chúa, vẫn đồng hành sát cánh bên anh. Vẫn theo anh, để giúp anh. Nhưng lần này, sao anh thấy những lời đó không còn đủ sức để giúp anh vượt thắng chặng cuối này nữa rồi, em ơi. Anh tiếc thật đấy em ạ. Anh nay thấy đau trong người quá, em ơi. Chừng như đây là những làn hơi cuối Chúa ban cho anh, để anh có thể nói lên điều gì có nghĩa đối với em. Anh muốn nói về những điều mà lẽ ra anh đã phải nói từ lâu. Rất nhiều lần. Những điều mà có lẽ vì quên hay sao đó, anh đã không nói. Hoặc, vì anh quá quan tâm đến chiếc xe, nên lại thôi.

Anh chỉ còn một ít thời gian nữa là kết đoạn đời anh thôi em ạ. Lúc này đây, bao kỷ niệm đẹp giữa hai đứa mình, đang về lại với anh. Kỷ niệm về ngày sinh nhật của con, anh cũng đành bỏ lỡ. Những bộ phim. Những vở kịch. Truyền hình. Các trận bóng đá ở trường của con mà chỉ có mình em đến dự, thay cho anh. Bởi vì, vào những lúc như thế, anh cứ miệt mài chạy xe ở đâu đó, trên đường trường héo lánh, ở nơi xa. Giờ đây, anh đang nhớ đến những đêm ngày em cứ một mình, cô quạnh. Anh nhớ những giờ phút xảy đến rất nhanh, những lúc anh cảm thấy cô đơn. Trơ trọi. Chỉ muốn gọi về cho em, để nói lên dù độc nhất chỉ một lời chúc. Chúc em ngủ ngon. Hôn em thật nhiều. Nhưng rồi hoàn cảnh đưa đẩy, anh lại tiếp tục cứ chạy và chạy. Có lúc thanh thản hơn, anh cũng nghĩ đến em và các con. Nghĩ đến bữa cơm thanh đạm, mà em em cố gắng bỏ rất nhiều giờ để chuẩn bị. Nghĩ đến những buổi chiều hoặc tối, em cứ phải giải thích cho các con hiểu tại sao anh không cùng ăn với con, cho chúng vui. Anh đang bận thay dầu nhớt cho xe. Anh phải sửa lại hộp số. Bộ thắng. Phải ngủ bù. Để sáng hôm sau còn đi sớm. Đi và chạy, để kiếm tiền nuôi các con, vv.…

Anh luôn có lý do, để thoái thác. Anh nhớ ra rồi, em ạ. Khi mình mới lấy nhau, lúc ấy em còn không biết thay cả đến cái bóng đèn cỏn con, trong phòng ngủ nữa là. Nhưng, chỉ hai năm sau, em đã có thể sửa cả đến cát lò sưởi, khi trời nổi cơn bão. Vào những lúc như thế, anh chẳng làm được tích sự gì cho em. Cho con. Vì, khi anh đang bận bốc dỡ hàng ở đâu đó. Bang Florida. Texas. California. Hay gần nhà, nhưng vẫn không tạt qua được một phút, ở với em.

Em ơi! Nay, thì anh thấy mình phạm quá nhiều sai sót, trong cuộc đời. Nếu mai ngày, em có hỏi anh có quyết định nào mà anh cho là anh đã làm đúng trong đời mình hay không? thì câu trả lời của anh là: đã quyết định lấy em. Sống với em. Mãi đến hôm nay.

Em ạ. Hiện giờ, cơ thể anh đau khủng khiếp lắm. Và, con tim của anh cũng đau không kém. Hình như có cái gì đó đang làm anh nghèn ngẹn. Nơi buồng phổi. Điều làm anh đau nhất là; giờ phút anh đang đau như thế này, mà em lại không có mặt. Chắc rằng anh sẽ vĩnh viễn một mình ra đi về cõi lù mù xa vắng quá. Thôi, trễ rồi. Em không kịp đến với anh nữa rồi. Lần này em sẽ không kịp từ giã anh nữa đâu em. Đây là lần đầu trong đời, anh bị thế. Lần đầu trong đời, từ lúc mình yêu nhau. Sống với nhau. Anh cảm thấy cô đơn và sợ hãi lắm, em ạ. Có bao giờ anh sợ cô đơn như thế này đâu. Anh cần em ở gần anh. Nhưng trễ rồi, em ơi. Thật trớ trêu. Lúc anh cần, thì người anh yêu lại ở mãi tận đâu xa. Ngàn dặm. Còn, cái khối sắt vô tri vô giác này lại có mặt ở đây. Để làm gì. Cũng may, là: anh có cảm giác như em đang ở cạnh anh. Lúc này. Ở cạnh, bằng tinh thần. Vì thế, anh cũng thấy an ủi đôi chút. Anh thấy em đang hiện ra với anh. Rất mờ mờ. Anh thấy em vẫn đẹp. Vẫn đáng yêu. Anh hối hận vì dạo gần đây anh không có dịp để nói với em điều đó. Dù vẫn muốn.

Thôi, trễ rồi em ạ. Hãy nói với các con rằng anh yêu chúng. Chỉ là, chưa kịp nói lên điều đó thôi. Anh rất sợ phải ra đi, một mình. Không có ai chứng kiến để anh được nói lời từ biệt. Từ biệt em. Vĩnh biệt các con. Anh xin lỗi em. Xin lỗi các con về những thiếu xót anh mắc phải. Suốt đời. Kìa, giờ phút cuối cùng của đời anh, đã tới rồi. Em ạ. Ôi sao anh đau quá. Thôi em ở lại và nhớ rằng anh anh vẫn yêu em. Yêu chỉ mình em. Anh ra đi, em nhé. Nhớ chăm sóc bản thân. Chăm sóc em và các con. Hãy tha thứ cho những sai xót của anh. Anh đã biết lỗi. Hãy dạy các con là bố không đến nỗi tệ lắm đâu. Nhưng hoàn cảnh không cho phép, thế thôi. Ôi! đau quá. Vĩnh biệt em. Tạm biệt mọi người. Hẹn gặp nhau trên trời. Anh đuối quá rồi. Anh đi đây… Em!… Em!

Đọc thư dài. Hay, nghe nhạc buồn ở trên, chắc có bạn cũng giống như tôi, ta không cầm được nước mắt. Nhưng không sao. Hãy để đó, nỗi buồn da diết. Tìm điều gì đó mà giải khuây. Thư giãn. Một tư tưởng. Để gợi nhớ. Nhớ rằng, Đức Chúa đã có những an ủi. Như thế này:

“Phúc thay cho những người sầu khổ,

vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.”

(Mt 5: 5)

Lời Chúa là như thế. Rất nhè nhẹ. Vẫn ủi an. Vỗ về. Khích lệ. Người đời từng nghe. Và, cũng biết. Nhưng, vẫn như không thấy. Không nghe. Không thấy và không nghe, cả đến lời ru mẹ hiền, như lời người nghệ sĩ ở trên, từng ca tiếp:

“Khi bước chân đi lần trong cuộc đời

Lời mẹ hiền ru còn nhớ khôn nguôi

“Khi lớn con đi trên vạn nẻo đời,

Đừng buồn khi lúc tay còn trắng tay.” (Lam Phương – bđd)

Mẹ hiền, tuy căn dặn chỉ một điều:“Đừng buồn khi lúc tay còn trắng tay”. Nhưng Mẹ thánh Giáo Hội, hẳn sẽ khác. Hội thánh là Mẹ hiền, không căn dặn nhiều. Nhưng, vẫn cưu mang mọi người con trong cung lòng Mẹ. Để rồi, khi con âu sầu, khổ não. Khổ, vì làm sai. Buồn, vì con sống khác biệt. Không ăn nhời, Mẹ vẫn dùng Lời Chúa, để nhắc nhở:

“Bấy giờ Người nói với các ông:

"Tâm hồn Thầy buồn đến chết được.

Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy."

(Mt 26: 38)

Đức Chúa khi xưa “buồn đến chết được”, vì dân con đồ đệ “không ở lại mà canh thức” với Ngài, dù dăm phút. Mẹ Thánh Giáo hội, hôm nay chắc buồn nhiều vì đàn con cứ tranh giành. Cãi vã. Cãi và tranh, như chuyện tản mạn hôm trước với vị linh mục trẻ ở Sydney, vào ngày mừng Chúa giáng hạ năm hai nghìn lẻ chín, đã trần tình:

“-Xin phục Bác đã nói lên những điều mà bọn con không dám nói…

-Gì mà ghê gớm thế? Xin trưng dẫn một thí dụ.

-Ví dụ như chuyện: các đấng bậc nhà mình cứ khuyên dụ giáo dân chỉ nên đi lễ ở nhà thờ mình, khác nào nhà doanh thương, ở ngoài đời…”

Bỏ qua một bên, chuyện: cần điều tra/xem xét thực hư câu truyện vị linh mục trẻ từng kể. Cũng chỉ nên, xem Mẹ thánh Giáo Hội có buồn phiền, nhiều hay không. Bỏ một bên, để rồi bạn và tôi, ta sẽ có những điều cần suy nghĩ. Suy và nghĩ, hầu tìm lại điều mà nghệ sĩ trên còn dám viết:

“Nghe tiếng mưa rơi, mà nhớ thương nhiều

Đường về đèn khuya in bóng cô liêu

Ai biết đêm này tôi vẫn mong chờ

tìm lại những phút vui ngày ấu thơ.” (Lam Phương - bđd)

Người nghệ sĩ, vẫn mong chờ giờ khuya vắng. Để, tìm lại phút vui ngày ấu thơ. Phút vui ấy nay là những gì, trong nhà Đạo? Phải chăng là, niềm hân hoan an ủi, của những người con cùng một Cha trên trời, rày thấy thiếu? Hay, vẫn chỉ là những vẫn đề phức tạp diễn ra hằng ngày, dày tháng?

Còn nhớ, vào độ trước, cứ 3 trong 4 vị linh mục trẻ Sydney làm lễ mở tay bằng tiếng Latinh, rất lình xình, ít ai hiểu. Ấy thế mà mọi người vẫn vui như dạo nào. Vui, là vì các đức thày nhà mình vẫn biết sẻ san thị kiến đặc trưng về Hội thánh, rất Mẹ hiền. Vẫn san sẻ thiên chức linh mục thánh thiêng. San và sẻ, những ưu tiên lo lắng cho công cuộc mục vụ, mà các vị cao niên lúc trước, ít khi có.

Ưu tiên của các đức thày còn trẻ hôm nay, là tầm vóc ý nghĩa suy tư về một tương quan thắm thiết giữa các vị đồng môn. Đồng nghiệp. Đồng thời. Tương quan có phức tạp. Nhưng vẫn là bản chất, ý nghĩa của thiên chức, mình lãnh nhận. Bởi, thiên chức có là gì đi nữa, vẫn là tương quan tốt hiện hữu trong một thể chế. Của Hội thánh. Tức, hội của các đấng thánh có tương quan mật thiết với Chúa. Với nhau. Ngang qua Đức Kitô. Và, qua các Kitô khác.

Tương quan ấy, không những sẵn có giữa các đức thày cùng một phẩm trật. Nhưng còn là tương quan xảy đến giữa đấng chủ quản của giáo phận với chính mình. Tương quan giữa đáng bậc với giáo dân. Với đức thày khác. Ở nơi khác.

Tương quan giữa các đức thày với vị chủ quản, cũng tương tự như tương quan giữa các đấng bậc chủ quản của giáo phận với vị Giám mục thành La Mã, tức Giáo Hoàng. Nói tóm, tương quan ấy là quan hệ mật thiết giữa những người con cùng một mẹ. Mẹ thánh Giáo hội. Ở khắp nơi.

Ảnh hình và biểu tượng về một tương quan như thế trong lòng Hội thánh, thoạt nhìn ta cứ tưởng đó là quà tặng nhưng không, Chúa gửi đến. Cho tới khi, tương quan giữa các ngài bị đặt dưới sức ép của xã hội chung quanh và sức ép từ bên trong. Sức ép được nhận diện qua hình thức như: lề thói làm việc. Cung cách hành xử trong công tác mục vụ. Nhu cầu của giáo dân. Thái độ của anh em cùng nhà, là giáo phận mình đối với giáo phận khác. Hoặc, với xã hội rộng lớn. Ở ngoài đời.

Tương quan giữa anh em cùng thiên chức với nhau, tương đối dễ xử. Dễ giải quyết. Khó hơn , vẫn là tương quan phải có và phải lẽ. Lẽ rất Đạo. Và, tương quan phải lẽ và phải có với giáo dân. Với người khác phái. Khác Đạo. Cũng rất khó. Khó hơn, còn ở chỗ: làm sao nhìn người khác phái, khác vai trò và khác Đạo, là chính Chúa. Là, Đấng vẫn nói câu:“Hồn Ta buồn phiền đến chết được.”

Đức Chúa hôm nay buồn phiền đến chết được, không vì đồ đệ Ngài không thể tỉnh thức với Thầy được dăm ba phút, mà nguyện cầu. Nhưng, vì nhiều yếu tố khác, thực tế hơn. Thực tế, như chuyện cãi và tranh, về nhiều thứ. Không chỉ: tiền tài. Vật chất. Quyền hành. Hoặc gì gì nữa. Đôi khi, cãi và tranh, cả về lập trường đi Đạo. Giữ Đạo. Bởi, giữ Đạo trước hết và trên hết, vẫn là giữ đạo làm người. Làm con. Làm dân con của Chúa. Làm đàn con của cùng một mẹ hiền Hội thánh. Ở không xa.

Giải quyết được nỗi buồn phiền cho Mẹ hiền, hẳn các “đức thày” hoặc “đức tớ” sẽ mãi nhớ ý/lời của nhạc bản “Đèn khuya” ở trên, mà lâm râm câu điệp khúc:

“Mưa ơi! Mưa ơi! Còn nhớ thương hoài

Nhớ khi mẹ lo sớm chiều

nhớ nụ cười khi nâng niu

Đôi tay run run ánh mắt dịu hiền

biết tìm lại chốn nào

Mẹ ơi biết chăng

Đêm về quạnh hiu…” (Lam Phương – bđd)

Đêm về, bao giờ mà chẳng quạnh. Chẳng hiu hiu, một nỗi buồn. Khác chăng, chỉ là cơn buồn ngủ. Hoặc, buồn mà không ngủ. Đêm về quạnh hiu, là có quạnh và có hiu đi chăng nữa, thì bạn và tôi ta cũng đừng buồn. Không hẳn là, đừng “buồn ngủ”. Nhưng là, có ngủ được hay không, cũng đừng buồn. Nhất là đừng buồn, vì con cái của Mẹ hiền Hội thánh nay đã khác. Khác nhiều hồi xưa. Bởi, dầu sao đi nữa, ánh sáng vẫn còn le lói cuối đường hầm. Như, lời của ai đó trên điện thư gửi đến nhiều người, vào độ Giáng Sinh năm hai nghìn lẻ chín, rất như sau:

“Hãy nhớ cho rằng,

Nếu bạn và tôi, ta còn có món gì ăn đang để ở tủ lạnh. Có áo mặc khoác trên lưng. Có tấm lợp che mưa che nắng. Có nơi tạm dung để dỗ giấc mộng đẹp, thì ta đây vẫn giàu có hơn 75% số người đang sống dở chết dở, trên thế giới.

Nếu bạn và tôi, ta vẫn còn đủng đỉnh chút ít tiền để trong nân hàng, hoặc trong ví/bóp. Vẫn còn vài xu trên đặt trên đĩa ở đầu bàn, thì ta vẫn thuộc thành phần 8% số người giàu có trên thế gian. Địa cầu này.

Sáng ra thức dậy, nếu bạn và tôi còn thấy mình tươi cười hít thở không khí, chứ không kêu rên lên vì đau ốm, thì hẳn là ta vẫn có phúc hơn triệu người không sống sót được đến cuối tuần.

Nếu bạn và tôi, ta chưa từng có kinh nghiệm về ngày dài nguy hiểm của cuộc chiến, về chốn quạnh hiu trong lao tù, về sự tàn bạo của những o ép đến chết ngộp, hoặc về cơn đói dằn vặt suốt canh thâu, thì ta vẫn còn hơn cả đến 500 triệu người đang lang thang vất vưởng nơi ngõ cụt, đường đời.

Nếu bạn và tôi, ta còn có thể lê bước chân mềm đến giáo đường mà hội họp chẳng sợ ai la mắng. Doạ dẫm. Bắt nạt. Cùng quát tháo… đến phát khiếp, thì xin hãy nhớ cho rằng ta vẫn được chúc phúc hơn chán vạn nghìn người, đến 3 tỷ.

Bạn và tôi, còn có bậc phụ mẫu vẫn sinh thành, hoặc còn ở với nhau đến răng long đầu bạc, thì xin nhớ cho rằng, ta đang hạnh phúc biết chừng nào. Chẳng ai sánh kịp.

Nếu ngày hôm nay, bạn và tôi, ta không đến nỗi sầu buồn ảm đạm, vẫn còn sót nụ cười đọng lắng trên môi hiền, thì xin hãy biết cho rằng, như thế là ta được Bề Trên chúc phúc. Bởi, cả triệu người hôm nay tuy vẫn có thể làm được điều ấy, nhưng đa phần, nay thì không thể. Không cười gượng. Vẫn âu sầu. Ủ rũ. Rất đắng cay…

Kể cho nhiều, vẫn là những khúc mắc/đớn đau mà bạn và tôi, ta chưa phải hứng chịu đến một lần, thì sá gì chuyện âu sầu, vì con sâu trong nồi canh, khá lạnh. Hãy cùng tôi, ta cứ vươn lên mà hy vọng. Hy vọng rằng, sẽ đến một thời ta lại cùng nhau hát câu chờ mong. Nhưng không buồn. Dù buồn ấy, có là “buồn ơi chào mi”, rất Francoise Sagan. Hay buồn nọ, có là buồn sầu, ảo não, trong Hội thánh. Vẫn cứ hy vọng. Hy vọng để sống. Hy vọng để còn nhìn thấy ánh sang loé rạng ở bên kia. Cuối đường hầm của những ê chề. Chán nản. Tuyệt vọng.

Trần Ngọc Mười Hai

Xin thôi không buồn,

dù được tin

người anh cả vừa nằm xuống

ngày đầu năm. Rất buồn.

(xem thêm các bài khác xin vào www.tranngocmuoihai.blogspot.com ;

hoặc, www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc, www.giadinhanphong.blogspot.com

No comments: