Xin cho đôi mình suốt đời có nhau.”
(Nguyễn Vũ – Bài thánh ca buồn)
(1Cr
“Dưới tượng Chúa”. Đôi mình quỳ. Rõ ràng đầu đề bài hát, là như thế. Nghe cũng buồn. Buồn rười rượi. Rất miên trường. Nỗi buồn dĩ nhiên là không tên. Nhưng, sao mỗi độ Giáng Sinh về, cả bạn và tôi, ta cứ phải nghe những câu ca như thế. Ở đâu đó. Những câu ca còn viết thêm:
“Bài thánh ca đó, còn nhớ không em
Noẽl năm nào, chúng mình có nhau.” (Nguyễn Vũ – bđd)
Sao chỉ có nhau, Noẽl năm nào? Thế còn, năm nay? Mai ngày? Và mãi mãi, trong cuộc đời? Ôi thôi, là nỗi buồn, khôn kể xiết! Nghe phát khiếp. Và, cũng sợ. Khiếp và sợ, còn như câu tiếp:
“Lời nguyện mình, Chúa có nghe không?
Sao bây giờ mình hoài xa vắng?
Bao nhiêu đêm Chúa xuống dương gian
Bấy nhiêu lần, anh nhớ người yêu…” (Nguyễn Vũ – bđd)
Khiếp và sợ, không chỉ ở lời ca. Câu hát. Sợ và khiếp, còn ở chỗ, mỗi lần chọn bài hát cho chương trình nhạc chủ đề “Tình Ca giáng Sinh”, là mấy “hát sĩ” ở Sydney, cứ thế mà dành nhau đăng ký hát những lời hỏi han, rất nguyện cầu, rằng: “Chúa có nghe không?” Rồi, còn thở than: “bao nhiêu đêm Chúa xuống dương gian”, là bấy nhiều lần anh/em “nhớ người yêu”.
Khiếp và sợ, còn ở chỗ, anh và em nay nhớ nhiều. Nhớ người yêu hôm trước, đến những hai nghìn lẻ chín lần, cơ đấy. Vâng. Bạn và tôi, hẳn cũng sợ và cũng khiếp, về nỗi trăn trở ở nhà Đạo, rất hôm nay. Nhà Đạo của bạn và tôi nay có những lo sợ và trăn trở, như câu hỏi của ai đó, rất giống trẻ nhỏ, ở huyện nhà xứ Úc hôm nao: Sao mẹ cứ bắt con phải đi lễ ngày Chúa nhật, mãi như thế? Hội thánh đã chẳng bắt buộc một năm chỉ cần đi lễ, mỗi một lần, là gì!
Nỗi khiếp và sợ hôm nay, còn là: những câu hỏi đại loại như thế nay không chỉ phát ra từ cửa miệng của trẻ thơ hay bọn nít nữa, mà cả ở những người lớn đầu lớn xác, lớn cả tư tưởng với nghĩ suy, nữa.
Với người Úc, nỗi khiếp và sợ là ở chỗ: hồi thập niên ’50, có đến 80% số người đi Đạo ở Úc đều đến nhà thờ, rất đều đặn. Đến, để đi lễ, không chỉ là người già, mà cả giới trẻ rất hăng say. Đi cả lễ ngày lẫn lễ đêm. Chẳng so đo. Do dự. Hạch sách. Nay thì, chỉ chừng 20% số người như thế, tìm đến lễ. Và con số này, còn giảm sút đến mức tồi tệ. Tồi tệ hơn cả, nay đà thấy rất ít gương mặt trẻ, ở các nghi thức liên hoan/phụng vụ, ở các đạo. Từ đó, khiến người người cứ tự hỏi: tại sao thế? Và, những người ngoài Đạo, thì sao?
Với người ngoài Đạo/đạo ngoài, ở Úc thì “Ngày của Chúa’ đã bị tục hoá. Rất nhiều. Khi xưa, người ở Úc không đi làm hoặc không làm gì nhiều, ngày của Chúa. Họ cũng chẳng chơi túc cầu, chẳng xem truyền hình, vi tính hay phim ảnh. Chỉ thưa thớt một vài tiệm bán sữa là mở cửa. Chẳng đi đến đâu, dù chỉ là thăm bè thăm bạn ở chốn xa. Vì, cũng chẳng có nhiều người dám sở hữu xe cộ. Phương tiện di chuyển công cộng, cũng rất ít. Nhà thờ nhà thánh, là nơi gặp gỡ của những người đi Đạo, rất chuyên chăm.
Ngày nay thì khác. Rất nhiều người chọn đi làm cả ngày của Chúa. Rất nhiều nhà chọn ngơi nghỉ, ngày cuối tuần. Vào ngày ấy, người người chỉ biết nằm dài, đi ngủ. Hoặc, tranh thủ mua sắm. Chỉ thế thôi. Thập niên ’50, là niên thập có cộng đồng thân thương gặp nhau, theo từng nhóm. Ngày hôm nay, cộng đồng có muốn lập nhóm, cũng thấy khó kiếm ra thành viên. Xã hội hôm nay, phần nào trở thành một xã hội rất “cá nhân chủ nghĩa”. Ở nơi đó, người người có đủ điều kiện để lựa chọn. Chọn nhóm. Chọn bạn. Chọn cả nhóm bạn Đạo, để tuỳ nghi. Thay vì, chọn nhà thờ, để đi lễ.
Phải chăng, đó còn là lý do để người nghệ sĩ khi xưa viết lên lời “thánh ca buồn”, ở dưới?
“Rồi những đêm thánh đường đón Noẽl
Lang thang qua miền giáo đường dấu yêu
Tiếng thánh ca ngày xưa vang đêm tối
Nhớ quá đi thôi giọng hát ai buồn
Đêm thánh vô cùng lạnh giá hồn tôi…” (Nguyễn Vũ – bđd)
Hẳn là hồn tôi/hồn bạn, hôm nay, đà thấy lạnh? Lạnh và giá, đâu vì “nhớ quá đi thôi” giọng hát ai buồn. Cũng đâu là, cứ “lang thang qua miền giáo đường”, rất lạnh giá. Bã và buồn bã. Mà vì, lòng người đã đổi thay. Đổi thay, ở điểm: Khi xưa, thời các thánh tông đồ còn hoạt động, chọn làm tín hữu Đạo Chúa, là một chọn lựa rất gai góc. Gai và góc, là bởi: gia đình có thể từ. Chính quyền thực dân người La mã có thể đem ra mà hành hạ, hoặc giết đi.
Chọn làm Kitô hữu, là chọn tham gia Tiệc Thánh thể, để mừng kính Chúa Kitô sống lại từ cõi chết. Chọn như thế, sẽ đem lại cho người chọn niềm hy vọng, mỗi khi mình giáp mặt sự chết, tuy rất buồn. Hy vọng, là bởi mình vẫn tin rằng: khi Chúa chỗi dậy từ cõi chết, Ngài vẫn ở lại với mình ngang qua hội thánh. Tin rằng, Ngài đã dâng hiến trọn cuộc đời cho Cha. Đã, trung thành với lời mời gọi của Cha, ngang qua cuộc hành hình, và nỗi chết.
Chọn làm Kitô hữu, là chọn tham gia có mặt vào buổi lễ. Để, cùng với Đức Kitô làm của lễ tiến dâng Cha Nhân Lành, Đấng mến thương. Chọn dự lễ, còn là chọn đón nhận Thân Mình rất Thánh của Chúa. Đón và nhận Đức Chúa như của ăn nuôi dưỡng thân xác, của chính mình. Chọn Chúa như thế, tức là chọn lựa trở thành người anh em với mọi thành viên khác, trong Hội thánh.
Và khi đã chọn và lựa như thế, ta sẽ hiểu được lời nghệ sĩ xưa kia còn hát tiếp:
“Long lanh sao trời đẹp thêm môi mắt
Áo trắng em bay như cánh thiên thần
Giọt môi hôn dưới tháp chuông ngân.” (Nguyễn Vũ – bđd)
Ngày hôm nay, sỡ dĩ tôi và bạn, ta ít thấy “áo trắng em bay như cánh thiên thần” vào ngày của Chúa, là bởi vì vẫn thiếu vắng những cái áp má/bắt tay “dưới tháp chuông ngân’, ở nhà thờ. Làm sao có bắt tay/gặp gỡ nếu chẳng thấy ma nào chịu đi nhà thờ/nhà thánh, ngày của Chúa, được! Càng không đến gặp gỡ nhau vào ngày Chúa Nhật, càng khó lòng mà dấn bước theo chân Chúa. Lấy gì mà thương với yêu!
Hiểu như thế, thánh lễ ngày của Chúa không còn là “luật buộc” hay “lễ buộc’ nữa, mà là cơ hội để ta cùng gặp nhau mà nguyện cầu. Và lắng nghe. Có lắng nghe và cầu nguyện, ta mới cùng nhau cảm tạ về hồng ân quà tặng Chúa phú ban. Có lắng nghe và nguyện cầu, mới biết rằng rất nhiều người như mình, cũng mất mát/khổ đau. Suy tư. Nghiền ngẫm. Có nguyện cầu và lắng nghe, ta mới thấy mình sống hài hoà. Như người anh, người chị cùng một thân mình là Hội thánh Chúa. Và, có nguyện cầu và lắng nghe, mới thấy nhiều người còn khoan dung độ lượng hơn mình nhiều.
Và, quan trọng hơn cả, là khi ta cùng lắng nghe và nguyện cầu với bạn Đạo, ở nhà thờ, ta biết đặt đôi bàn tay, và đôi bàn chân của mình, vào đúng chỗ, của miệng lưỡi. Tức, làm hơn là nói suông. Và, có đến gặp gỡ nhau ngày của Chúa, mới có tương quan mật thiết với nhau. Với Chúa. Tương quan ấy, không chỉ thấy nói. Nhưng đã thấy làm. Tương quan gặp gỡ, vào buổi lễ, là tín hiệu cho ta biết ta được đón nhận, chào mừng khi mọi người lắng nghe ta. Cùng cầu với ta.
Và khi gặp gỡ tương quan, vào buổi lễ, ta sẽ thấy được rằng nhà thờ là nơi ta có thể thực hiện tình huynh đệ, hiếu khách, đối thoại rất cởi mở. Và nhất là, khiến ta có được lòng mê say biến thế giới này trở nên công bằng và chính trực hơn trước nhiều. Và khi làm được thế, ta sẽ dễ dàng theo chân Chúa, một cách thực tiễn, bên trọng cộng đồng Hội thánh, con của Chúa.
Có tương quan/gặp gỡ đẹp như thế, ta cũng hiểu tại sao nghệ sĩ nọ lại viết câu điệp khúc:
“Rồi mùa giá buốt cũng qua mau
Lời hẹn đầu ai nhớ dài lâu
Rồi một chiều áo trắng phai mầu
Em qua cầu xác pháo bay sau…” (Nguyễn Vũ – bđd)
Khi đã hiểu, sao lại là “Thánh ca buồn”, thì câu hỏi, nói ở trên: ”Sao cứ bắt con/buộc cháu đi lễ ngày Chúa nhật”? cũng không có gì là khó. Để trả lời, có lẽ cách hay nhất, cũng nên diễn tả như thế này, mới phải: Tham dự Tiệc Thánh ngày của Chúa, còn là cơ hội để ta nghe lại truyện đời của Chúa. Để, san sẻ Thân Mình và máu Thánh Đức Kitô. Đến dự lễ, là để là gặp gỡ Đức Kitô ngang qua cộng đoàn của Ngài. Đến để cùng với các người anh người chị, trong cộng đoàn, những người cùng niềm tin, ta làm việc gì thật đặc biệt. Để, cùng nhau ta tìm ra của ăn nuôi sống cuộc đời. Một đời, không chỉ vui chơi, ăn uống. Nhưng, tràn đầy những văn hoá của sự sống.
Nếu hỏi rằng: có bắt buộc chăng, phải đi lễ mỗi ngày của Chúa?Hỏi như thế, há nào bảo rằng: có buộc phải ăn phải uống, để mà sống. Bởi, thánh lễ là nguồn thực phẩm nuôi sống niềm tin. Nuôi cả tương quan trong cộng đoàn. Hiểu như thế, sẽ không còn thấy thánh lễ như một ép buộc của luật lệ. Mà như đam mê. Mê sống. Mê yêu thương. Yêu thương chính mình. Cùng là, yêu thương Thân Mình, của Đức Chúa.
Và, nếu không hiểu được thế, ta cũng sẽ như người nghệ sĩ cứ gọi đó “thánh ca buồn” rồi hát:
“..Vang trong đêm lạnh bài ca Thiên Chúa
khẽ hát theo câu đêm thánh vô cùng
Ôi giọng hát em mênh mông buồn.” (Nguyễn Vũ – bđd)
Và, nếu có người lại cũng bảo: “Ôi giọng hát”, của em và của anh, sao mãi cứ buồn. Ở vài nơi? thì chắc là câu trả lời của tôi và của bạn, là: thay vì ta đến dự Tiệc Thánh để gặp gỡ, mừng vui với người anh người chị trong cộng đoàn, thì sao ta lại cứ tranh giành quyền thế, có bè phái? Sao, cứ dùng lề luật mà trói buộc kẻ nghèo hèn, nào thấy vui? Mà, hãy coi đây là dịp để ta có tương quan với chư thánh, ở Nước Trời. Rồi sẽ mừng và vui. Vui, hơn mọi thứ. Mừng, hơn mọi chuyện. Chí ít, là chuyện mừng vui của Nước Trời. Với bạn. Với tôi. Như Phaolô thánh nhân, từng quả quyết:
“Mỗi lần anh chị em ăn bánh
và uống chén ấy
là anh chị em
loan báo sự chết của Chúa,
cho tới lúc Ngài đến.”
(1Cr
Cả khi bạn khi tôi, ta tham gia tụ tập để “ăn bánh và uống chén ấy”, chén tình thương của Đức Chúa, ta sẽ không bao giờ buồn. Sẽ, không như bài “thánh ca buồn” người nghệ sĩ, nói ở trên. Vì khi ấy, ta đang loan báo sự chết cứu độ của Đức Chúa. Rất mừng vui. Vui mừng. Cả cuộc đời.
Trần ngọc Mười Hai
Vẫn hy vọng
bạn và tôi rồi sẽ hiểu
ý nghĩa của Tiệc Thánh.,
Hơn bao giờ.
(xem thêm các bài khác xin vào www.tranngocmuoihai.blogspot.com ;
hoặc, www.suyniemloingai.blogspot.com;
hoặc, www.giadinhanphong.blogspot.com
1 comment:
Thay Muoi Hai viet rat hay. Toi tuy khong phai la nguoi co dao, nhung rat thich nhung loi thay viet, va rat thich nghe nhung bai phiem "dao doi" cua thay. Nghe vua thay vui, vua tham thia cuoc doi. Rat mong thay tiep tuc viet phiem nhieu nua de toi co them nhieu dip thuong thuc, hoc hoi.
Cam on thay.
Post a Comment