Friday, 20 September 2019

“Qua bao con đường, qua bao phố phường lê mòn gót chân”


Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 25 thường niên năm C 22/9/2019

“Qua bao con đường,
qua bao phố phường lê mòn gót chân”
“Chim muông bên rừng chờ mình về đón mừng
Môi khô em tròn đợi từng giọt sữa non
Dừng bên suối rồi rừng trưa nắng ngừng trôi
Ðường dài đón ta cho ta giòng nước tươi thêm tình yêu
Ngọt bùi sẽ đem cho em ngày tháng đi qua cuộc đời.”
(Lê Uyên & Phương – Uống Nước Bên Bờ Suối)

(Công vụ 6 : 3)

           Uống nước bên bờ suối, phải chăng mọi người đều đến đó mà tìm uống? Nếu đúng thế, thì còn gì ngọt ngào/tươi mát bằng! “Chim muông bên rừng chờ mình về đón mừng”, ư? Còn gì thích thú  thi-vị đến thế! Ngọt ngào/tươi mát và thi vị, còn là giòng chảy thi-ca của người nghệ-sĩ sống trong cảnh-huống có suối, có mương, có luôn nguồn nước mát tại Đà Lạt. Sống trên đồi cao, đôi nghệ-mới tình-tự ra như thế và nhị vị còn ca thêm đôi lời tình-tứ như sau: 

“Như con nai hiền,
vui đôi chân mềm
trên từng gót êm đềm.
Em buông lơi tóc,
nhón trên giòng nước trinh đầy.

Ðôi chân suông ấy
đã theo ngày tháng cuốn theo thời gian.
Xa xôi nơi ấy
để cho tình cũ
chết trong buồn hiu.

“Ngày nào đã xa
ngày nào có đôi ta.
Ðường dài đó em
xin em đừng tiếc
vui chơi ngày xanh.

Một ngày sẽ qua
ôm theo cuộc sống
nên thơ tràn đầy.

Em yêu em yêu,
Em yêu em yêu.
Uống cho tình ta,
uống cho đời tươi hoài.
Ngày mai còn đấy,
tình yêu còn thấy.

(Đường quen còn thấy,
tình yêu còn đấy)
Ðời ngất trong ta.

Em yêu em yêu,
Em yêu em yêu.
Uống cho ngày xanh,
uống cho đời trong lành.

Ngày mai còn đó,
tình yêu còn có.
Ðời đã cho ta
đời sẽ cho ta.”
(Lê Uyên & Phương – bđd)


Tình yêu ấy, đời đã cho ta và cũng sẽ cho nhiều hơn thế, suốt một đời. Một đời, có đủ mọi tình-tự như người nhà Đạo mình từng quả quyết trong bài hỏi/đáp không thiếu tình-tự đầy trọng trách, vẫn hỏi han, rằng:

“Thưa Cha,

Mấy năm gần đây, giới làm luật ở Úc đã thông qua điều mà người thường ở huyện gọi là “hôn nhân đồng tính” cũng như chuyện “trợ tử” và/hoặc “phá thai” thảy đều suôi rót … Xem thế thì, các chính-trị-gia người Công giáo công-tâm có được phép bầu phiếu cho qua đạo-luật tương-tự thế không? Xin Cha cho biết để con còn lo tính công việc đời, bên ngoài đạo.”

Vâng. Có được phép bầu bán cho bộ luật nổi đình đám ấy không? Đó là những điều khiến cha/cố mình phải để tâm/lưu ý mà bàn-luận đến nơi đến chốn, qua đáp-án dài đằng đẵng tải lên mạng như sau:

“Vâng. Vấn-nạn mà anh/chị đưa ra ở đây, đã trở thành chuyện quan-trọng, trong thời gian vừa qua. Hội thánh Chúa cũng đã nhiều lần nêu lên vấn đề ấy.

Riêng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị ngài cũng từng đề-cập đến chuyện này trong Tông thư Tin Mừng Đời Sống ban hành năm 1995 và Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin cũng đề cập đến một số vấn-đề có liên-quan đến việc người Công Giáo tham gia cuộc sống Chính-trị ban-hành vào năm 2002 bao gồm các tiêu-chuẩn hướng-dẫn.

Ghi chú của Thánh bộ về chuyện này cũng đã định-vị vấn-đề đặt ra coi như để hướng-dẫn các nhà chính-trị có quyết-tâm trong cái-gọi-là Văn-hóa Chủ-thuyết Tương đối bằng các nhận-định chắc-nịch sau đây:

Văn-hóa của Chủ-thuyết Tương-đối vốn cấm-vận những chuyện đồi-trụy và hóa-giải các lý lẽ cũng như nguyên-tắc về luân-lý tự-nhiên. Thêm vào đó, không là chuyện bất thường khi ta nghe biết một số lập-trường/quan-điểm của chúng-dân ở huyện từng công-khai phát-biểu rằng chủ-thuyết đa-nguyên trong xử thế vẫn là điều kiện ắt và đủ cho nền dân-chủ.

Từ đó đưa đến kết cục, là: dân thường ở huyện có khả-năng đòi-hỏi quyền tự-do trọn vẹn về các chọn-lựa luân-lý và các nhà làm luật lại cũng duy-trì lập trường của họ quyết bảo rằng: họ vẫn tôn-trọng thứ tự-do chọn-lựa này bằng cách ban-hành thứ luật lệ vốn dĩ bỏ qua các nguyên-tắc về luân thường đạo lý nhường chỗ cho các khuynh hướng tạm-bợ về văn-hóa - đạo đức, như thể mọi người đều có quyền thẩm-định cuộc sống có giá-trị đồng đều.” (Sđd đoạn 2)                    

Các nhà làm luật gốc Công giáo không thể coi thường các nguyên-tắc của luật tự-nhiên khi bầu phiếu cho các vấn-đề luân lý/đạo-đức như những điều anh/chị vừa kể.

Ở xã hội dân-chủ, mọi người đều có tự-do, dân-chủ kể cả người Công-giáo nói chung, nhưng tất cả đều bị ràng-buộc vào nguyên-tắc của luật tự-nhiên do Giáo hội dạy như vẫn bảo: “Nền dân-chủ đích-thực phải đặt nền-tảng trên cơ-sở luật-pháp không nhân-nhượng vốn củng-cố sự sống con người trong xã-hội.” (Sđd đoạn 3)     

Bản Ghi chú Học thuyết nòi trên còn quả quyết thêm: “Trong khi nền dân-ch diễn-tả một cách hay nhất việc người dân tham-gia trực-tiếp vào mọi chọn lựa, nó chỉ thành-toàn một khi hiểu đúng bản-chất con người mà thôi.

Việc người Công giáo can-dự vào cuộc sống chính-trị không được phép nhượng bộ các nguyên-lý này, bởi nếu họ làm khác đi thì sự việc người Đạo Chúa sống làm chứng-tá niềm tin của mình trong thế giới ngoài đời cũng như sự đoàn kết và tính xiết chặt bên nhau trong con người của kẻ tin sẽ không có cớ tồn-tại.” (Sđd đoạn 3).

Thành thử, “Người Công giáo, trong hoàn-cảnh khó-khăn này, đều có quyền và bổn-phận nhắc mọi người trong xã-hội hiểu biết cách sâu sát hơn cuộc sống con người và khiến mọi người nhớ đến trách-nhiệm của mình về chuyện này.

Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị tiếp tục nhắc nhở những ai dính-líu một cách trực tiếp vào việc tạo luật về bổn phận lớn lao của họ họ phải biết cách chống đối bất cứ khoản luật nào tấn-công sự sống con người. Đối với họ cũng như với mọi người Công giáo, không ai được phép thăng-tiến các đạo-luật ấy và cũng không được bỏ phiếu hỗ-trợ cho việc thiết-lập các luật-lệ tương-tự. Và không gì rõ ràng hơn thế.(X. Tông thư Tin Mừng & Đời Sống đoạn 73)

Thời gian gần đây, quả thật phấn kích khi thấy các dân biểu cùng nghị sĩ, giáo dân Công giáo và các vị thuộc tôn giáo bạn đã đứng lên tranh đấu bảo vệ sự sống con người qua lá phiếu chống lại việc hợp-pháp-hóa phá thai và trợ tử.

Cùng lúc ấy, cũng nghe nói rằng nhiều vị khác trong quốc hội đã sử-dụng quá trình-lịch của mình để ngăn chặn không cho đạo luật trên cắm chặng sâu hơn khi tuyên bố bảo rằng họ muốn áp-đặt tầm nhìn tư riêng của mình vào cộng đồng rộng lớn hơn.

Thánh Gioan Phaolô Đệ Nhị cũng đã nhận xét bảo rằng: “Trong trường hợp này, quyền căn-bản không chuyển-nhượng của sự sống đang bị đặt vấn-đề hoặc chối bỏ qua việc quốc hội đã và đang đầu phiếu hoặc dựa vào một thành-phần nào đó của dân chúng mà thôi, dù nhóm đó thuộc đại đa số. Đây là kết cục đáng buồn của chủ thuyết duy-tương-đối không bị chống báng nhưng đang ngự trị.

Những người ‘theo lẽ phải’, nay không còn được như thế bởi chuyện ấy không còn đặt nền-tảng vào phẩm giá bất tương xâm của con người, nhưng lại tùy lòng muốn của phe phái nào có nhiều phiếu bầu. Theo cách này, thì nền dân-chủ trở nên trái-nghịch với nguyên tắc của chính nó, đã chuyển dịch một cách hữu-hiệu mọi hình-thái của chế-độ độc tài chuyên-trị. (X. Tông thư Tin Mừng & Đời Sống đoạn 20)

Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị còn nói thêm:

“Thật ra thì, những gì ta có ở đây hôm nay, chỉ là bức tranh biếm họa bi thảm của cái-gọi-là ‘tính hợp-pháp’ thôi; lý-tưởng của dân-chủ chỉ có nghĩa đúng đắn, đích thự ckhi nó nhận ra và bảo vệ phẩm-giá của tất cả mọi người đang bị phản-bội từ nền-tảng: ‘làm sao ta có thể nói về phẩm giá của tất cả mọi bản-thể người khi việc giết chết con người yếu ớt và vô tội nhất đang được phép?

Nhân danh thứ công lý nào mà việc kỳ-thị bất công nhất lại đang được thực-thi đây? Một số cá-thể đang cương quyết bảo vệ trong khi đó, nhiều người khác lại vẫn chối bỏ phẩm-giá ấy?” (X. Đức Gioan Phaolô trong bài phát-biểu ngày 18/12/1987).

Một khi điều này xảy đến, thì tiến-trình dẫn đến phá vỡ sự việc con người cùng nhau hiện hữu và tình trạng phân-hủy chính Sự sống của con người đã khởi sự rồi.” (Sđd đoạn 20) (X. Lm John Flader, A politician’s responsibility, The Catholic Weekly 01/9/2019 tr.19)                  
                    
Nói đi thì lại nói lại, nếu ta cứ nghe theo đấng bậc Đạo là những vị chỉ căn-cứ vào nguyên-tắc chứ không theo kinh-nghiệm sống, thật khó nói. Nói cho ngay, là nói và nghĩ theo tư-duy của những vị chủ-trương “sống trước đã, triết lý sau” vẫn là chuyện đời người, đầy tính người.

Chuyện đời người, bao giờ cũng mang dáng-dấp một trải-nghiệm khó luận bàn, nhưng cần sống. Sống cho sâu/cho sát với lương-tâm chức-năng, đó là vấn đề ta cần quan-tâm hơn cả.

Điều, đáng để ta quan-tâm có giống với điều được các đấng bậc nhà mình luận-bàn ở trên hay không? Xin dành cho bạn đọc ở đây toàn quyền phán-quyết, hết mọi việc. Trước khi phán và quyết những việc tương-tự, xin quay về với lời ca/tiếng hát ở trên cho nhẹ lòng người hỏi và người nghe, những ca rằng:

            “Qua bao con đường,
qua bao phố phường lê mòn gót chân.
Chim muông bên rừng,
chờ mình về đón mừng.

Môi khô em tròn
đợi từng giọt sữa non.
Dừng bên suối,
rồi rừng trưa nắng ngừng trôi.

Ðường dài đón ta,
cho ta giòng nước tươi thêm tình yêu.
Ngọt bùi sẽ đem cho em,
ngày tháng đi qua cuộc đời.”
            (Lê Uyên & Phương – bđd)

“Ngọt bùi đem cho em, ngày tháng qua đi cuộc đời”, lại cũng là nhận định không chỉ xuất-hiện từ mỗi mình anh nhưng cũng là của tôi, của bạn và của mọi người như câu truyện kể còn minh-họa nhiều điều sáng giá rất như sau:

Người phụ nữ hỏi cậu bé:
-Bé bán mớ rau này giá bao nhiêu?
Cậu bé trả lời:
-3.000 đồng/một bó, thưa bà.
Người phụ nữ liền nói:
-6 bó 12.000 đồng, không bán tôi mua chỗ khác.
Cậu bé nói:
-Bà Cứ mua với cái giá mà bà muốn. Có thể đây là khởi đầu tốt, bởi từ sáng tới giờ con vẫn chưa bán được bó nào.
Người phụ nữ lấy những bó rau và rời đi, lòng thầm đắc thắng.

Bà ta ngồi trên chiếc ô tô ưa thích của mình, tới một nhà hàng sang trọng để dùng bữa với bạn bè. Ở đó, bà và người bạn gọi bất cứ món ăn nào họ thích.

Sau đó, bà ra quầy thanh toán. Hóa đơn trị giá 1.950.000 đồng trả tới 2 triệu và còn dặn người chủ nhà hàng không cần thối lại.

Tình huống này xem ra khá quen thuộc với người chủ cửa hàng, nhưng thật quá nhẫn tâm với cậu bé nghèo khổ kia.

Vấn đề mấu chốt ở đây là: Tại sao chúng ta cứ phải tỏ ra quyền lực với những người nghèo khó? Và tại sao chúng ta luôn hào phóng với những người thậm chí không cần đến sự hào phóng của chúng ta?

Có lần tôi đọc được ở đâu đó một câu chuyện:

“Bố tôi có thói quen mua những thứ đồ nho nhỏ với giá cao từ những người nghèo khó, mặc dù ông không hề cần đến. Thỉnh thoảng ông thậm chí còn trả thêm tiền cho họ. Tôi bắt đầu để tâm đến hành động này và hỏi bố tại sao lại làm như vậy? Bố tôi bèn nói: “Đó là quỹ từ thiện được bao bọc bởi phẩm giá, con yêu ạ.” (trích truyện kể ở trên mạng vẫn tồn đọng từ nhiều năm tháng trong cuộc đời mọi người)


Truyện kể trên, có lẽ cũng được bạn và tôi dùng làm đoạn kết cho bài “Phiếm” cũng không dài. Ngày hôm nay. Và, trước khi chấm dứt bài “phiếm không dài” này, tưởng cũng nên vào Vườn Hoa Lời Đấng Thánh Hiền, tìm gặp những đoạn văn nói lên công tác và trách nhiệm của đấng bậc rao giảng Lời Chúa làm kết-luận bài “Phiếm, rất không dài” như sau: 

           
“Anh em hãy tìm trong cộng đoàn
7 người được tiếng tốt,
đầy Thần Khí và khôn ngoan,
rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó
có trách nhiệm.
(Công vụ 6 : 3)


Trần Ngọc Mười Hai
Và những câu chuyện
được phiếm hoài,
phiếm mãi cứ lai rai
không muốn dứt. 

No comments: