Friday 18 December 2015

“Gửi tới em! Gửi tới em! Gửi tới em!” Một hạt mưa lẻ loi.



Chuyện Phiếm đọc trong tuần Giáng Sinh năm C 25/12/2015

“Gửi tới em! Gửi tới em! Gửi tới em!”
Một hạt mưa lẻ loi.
Một hạt mưa trong đêm tối mưa bay dài.
Gửi tới em! Gửi tới em! Gửi tới em!
Một giọt mưa, hạt nước mắt.
Hạt nước mắt hiếm hoi trong đời này!”
(Nhạc: Phạm Duy/Thơ: Ngô Đình Vận – Tình Khúc Chiến Trường)

(Rm 11: 30-32)

Ừ thì, bạn muốn gửi gì thì cứ gửi. Gửi từ giọt mưa, nước mắt cho tới đốm lửa lạc loài hoặc bài hát hoặc thơ/văn đầy đủ nghĩa về bất cứ chuyện gì, như: chuyện thông-dịch, biên dịch và phiên-dịch được bàn nhiều, thời buổi này.
Nói gì thì nói, hễ bạn và tôi, ta lại cứ nói về những là thông-dịch, biên-dịch hoặc đơn-giản như phiên-dịch, thì: chỉ mỗi chữ “dịch” thôi, ta cũng có thể viết tràng giang đại hải thật nhiều trang giấy, cũng không chừng. Và, một khi đã nói hoặc viết về “dịch và thuật” thì có lẽ cũng phải nói đến chữ “thông”, ở cụm từ “thông-dịch”, tức: dịch cho thông, cho suốt, rất hoàn-thành trọng-trách của nguời luôn thông và dịch.
Nhưng, có vị này/khác lại cứ bảo: một khi ta đã gọi việc thông-ngôn/dịch-thuật bằng cụm-từ “thông-dịch” nghe qua đã thấy hơi bị lạc lõng chốn ngàn xưa.
Quả cũng đúng! Hồi thập-niên 1970, thì có thể là như thế. Nhưng ngày nay, có lẽ là “không thể” thế được. Chi bằng, ta cứ dịch động-từ bên tiếng Anh “to translate” hoặc động-từ “traduire” tiếng Pháp thành biên-dịch hoặc phiên-dịch nghe thanh-tao, dễ đọc.
Và, một khi đã “dịch” rồi, thì thông thường là ta cứ biên và cứ phiên-âm đến cõi vô-tận. Bởi, biên, là ghi và chép trên giấy trắng mực đen. Còn, phiên là biến âm-thanh, âm-vận để diễn-nghĩa thành âm, thành tự, có như thế mới là “thông” và “dịch”.
Dài dòng thế rồi, nay mời bạn đọc hãy cùng bầy tôi đây, ta đi vào vùng trời tìm hiểu ý-nghĩa của cụm-từ tiếng Anh có chữ “A year of Mercy”, được nhiều học-giả/học thiệt người Việt gọi là “Năm Lòng Thương Xót”, hoặc “Năm thánh Lòng Chúa Xót Thương”, vv… nghe cũng gần cận đến độ thân quen
Có vị lại diễn-tả cụm-từ này theo tâm-tư người Việt ở nhà vẫn cứ gọi “Jubilee Year of Mercy” là “Năm Đại xá Từ-bi” (25 năm một lần) hoặc “Năm Toàn-xá Thiện-hạnh” (50 năm một lần) tựa hồ người thường ở huyện vẫn gọi 25 năm kỷ niệm ngày thành-hôn là Ngân khánh, và 50 năm kim khánh có hôn nhau, (í quên hôn nhân)… Và “Mercy” có nghĩa là: Từ Bi, Hỷ xả, kiểu đạo Bụt.
Có đấng bậc lại chủ-trương diễn-giải dài hơn thế, cốt phân-biệt rõ ràng rằng: nếu bạn dịch chữ “Mercy” thành “Lòng thương xót” hoặc “Lòng Chúa xót thương”, hẳn người nghe sẽ nghĩ về Chúa nhật thứ hai sau Phục Sinh, cũng có chủ-đề như thế. Còn, diễn-giải lòng từ-bi/hỷ xả của Bề Trên thì nghe qua vẫn thấy có sự đóng góp sống đời thực-tiễn của mọi người.
Nói gì thì nói, hễ cứ tranh-cãi/biện-luận những chữ là chữ, thì: rồi ra ta cũng sẽ kéo dài câu chuyện chữ-nghĩa của người Việt đến thiên-thu, không dứt bỏ. Chi bằng, nay mời bạn/mời tôi, ta đi vào với ca-từ nhạc-bản ở trên, rồi hát thêm đôi lới rằng:

Gửi tới em! Gửi tới em! Gửi tới em!
Hơi thở này nồng nàn,
ta yêu nhau đắm say (a à à)

Gửi tới em! Gửi tới em! Gửi tới em!
Những gì còn sống sót trên đời.
Như hơi ấm tuyệt vời.
Như hơi ấm tuyệt vời.
Ta ôm em và tan loãng trong không gian
và tan loãng trong không gian lưu đày...

Gửi tới em! Gửi tới em! Gửi tới em!
Em có nghe xào xạc.
Tiếng lá bay xào xạc.
Tiếng gió đêm buồn buồn.
Lang thang trên muôn vàn đỉnh cây.
Hạnh-phúc nào không tả-tơi,
không đắng cay?”
(Phạm Duy/Ngô Đình Vận – bđd)

Vâng. Bạn có muốn hát những là “Gửi tới Em” như được cất lên trong buổi nhạc thính phòng “Hát Cho Nhau Nghe” hôm 7.11.2015, thì cũng là hát đề rồi sẽ chuyển tải những gì mà người anh em của mình cũng đã hát nhiều điều hơn thế, chỉ để nói lên thứ tình-tự yêu-thương của em, của anh với ai đó, thôi.
Vâng. Người mình muốn viết gì thì viết, nghệ-sĩ mình có viết nhạc hoặc làm thơ, cũng sẽ còn viết nhiều hơn thế. Về tình trang-lứa hoặc tình cha/tình mẹ, cùng tình-tự của mọi người ở đời thường dành cho nhau, đến với nhau.
Tình người đối với nhau và cho nhau, là tình rất lớn phản-ánh “từ” hoặc “về” một tình-tự rất “xót thương” của Chúa và cho Chúa. Nói khác đi, đó là thứ tình đời đầy trắc ẩn, luôn hàm-ẩn lòng tử-bi/hỷ xả như Đấng bậc ở chốn chóp bu nhà Đạo đã trần-tình khi ra tông-sắc đặc-biệt này:

“Năm Thánh là một lúc ưu tiên để Giáo Hội chỉ lựa chọn điều đẹp lòng Thiên Chúa nhất: đó là tha thứ cho các con cái Ngài, thương xót chúng, để đến lượt chúng, chúng cũng có thể tha thứ cho các anh em khác và chiếu toả rạng ngời như các ánh đuốc lòng xót thương của Thiên Chúa trong thế giới này. Việc canh tân các cơ quan và cấu trúc của Giáo Hội cũng là một phương thế dẫn đưa chúng ta tới kinh nghiệm sinh động làm sống lại lòng thương xót của Thiên Chúa.”

Đức Phanxicô nói với tín hữu và khách hành-hương tham-dự buổi triều-yết sáng thứ tư hàng tuần, hôm rồi. Hẳn mọi người đều biết, hôm trước đó, Đức Phanxicô đã chủ sự thánh lễ và nghi-thức “Mở Cửa” trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, sau khi đã mở cửa nhà thờ Bangui, thủ đô nước Trung Phi hạ tuần tháng 11/2015.
Trong huấn-từ, Đức Phanxicô yêu cầu mọi người hãy suy tư về ý nghĩa và lý do Giáo Hội cử hành Năm Thánh đặc-biệt này. Ngài nói thêm:

“Giáo Hội cần thời điểm đặc-biệt này. Tôi không nói lúc này là thời-điểm tốt cho Giáo Hội. Tôi nói: Giáo Hội cần thời-khắc đặc-biệt như thế này nhất là trong thời đại có đổi thay sâu rộng của chúng ta Giáo Hội được mời gọi đóng góp đặc-biệt từ phần của mình, bằng các dấu chỉ hiện diện gần gũi Chúa. Và Năm Thánh là một thời gian thuận tiện cho tất cả chúng ta, để khi chiêm ngưỡng Chúa vì đã xót thương nên Ngài vượt mọi giới-hạn con người và tỏa sáng lên lỗi tội đầy tăm tối tăm, và ta vẫn có thể trở thành chứng nhân xác tín và hữu hiệu hơn…

Năm Thánh Lòng Thương Xót đây là đặc-sủng Chúa ban cho Giáo Hội để ta học hỏi, lựa chọn “làm vừa lòng Ngài! Đó là tha thứ con cái của Ngài, thương xót chúng, để rồi đến lượt chúng, chúng cũng biết thứ tha anh em khác, bằng việc chiếu sáng mọi sự như ánh sáng của lòng từ bi trên khắp thế giới.

Năm Thánh là “dịp thuận” cho Giáo Hội, để ta chọn làm hài lòng Chúa, mà không nhượng bộ chước cám dỗ. Không gì quan trọng hơn việc chọn làm Chúa hài lòng bằng sự thương xót, bằng tình yêu, sự hiền dịu, vòng tay ôm mơn trớn, ủi an của Ngài!” (trích nguồn: TTXCGVN)

Và, đấng bậc chủ-quản giáo-phận nọ ở Melbourne, lại cũng có đôi giòng chảy xuyên suốt cốt thêm thắt một chút tình người vào tông-sắc “Năm thánh Từ Bi” như sau:

“Thực-thi năm thánh có truyền-thống lâu đời qua tập-tục của các vị theo Do-thái-giáo, thời rất cổ. Đọc sách Lêvi Cựu Ước, mọi người sẽ thấy: khi bắt đầu năm thứ 50 vào mỗi thế-kỷ, người đi Đạo lại sẽ mừng kính năm toàn-xá hỷ-xả ban cho những người nào quyết thực-thi một số việc lành như Giáo hội dạy.

Các việc lành thực-hiện trong năm thánh gồm những việc, như: giải-phóng tù-nhân khỏi cảnh đoạ-đày, đem ánh sáng đến với người mù loà và sự tự-do cho người bị áp-bức. Như Đức Giêsu khi xưa từng đi đây đó chữa lành cho người bệnh và thứ tha cho những người bị tội-lỗi dồn ép…

Năm 2015 đây, Đức Phanxicô tuyên bố thành-lập năm thánh đặc-biệt bắt đầu từ ngày 8 tháng 12 cũng để kỷ niệm 50 năm ngày bế mạc Công đồng Vatican 2. Làm sáng-tỏ sự-kiện này, Đức Phanxicô nói Công-đồng này từng đánh dấu sự-kiện Thánh Thần Chúa đã thực-sự thổi hơi vào Giáo hội để các Giám-mục nghị-phụ thấy được nhu-cầu nói về việc Thiên-Chúa đối-thoại với chúng dân thời-đại họ sống bằng phương cách dễ tiếp-nhận hơn. (Tông-sắc “Misericordiae Vultus” đoạn 4)

Đức Phanxicô nhớ lại ngày khai mạc Công Đồng Vatican 2, thánh Giáo hoàng Gioan 23 có nói về “thang thuốc từ-bi” và lòng ước ao của Giáo-hội những muốn chứng-tỏ lòng mình như người mẹ hiền đối với mọi bệnh-nhân bằng lòng thương xót, sự tử-tế và ân-cần từng đối với mọi người.”

Và Đức Phanxicô cũng nhắc lại lời Đức Phaolô 6 có nói khi kết-thúc Công-đồng Vatican 2 rằng: Công-đồng từng được gợi hứng từ câu truyện về người Samaritanô nhân-hiền đã chứng tỏ lòng xót xa của ông ta đối với người lữ hành bị đột-kích trên đường từ Giêrusalem đến Giêrikhô.

Và Đức Phaolô 6 có nói: giáo-huấn của Công-đồng Vatican 2 hướng đến việc phục-vụ nhân-loại, phục-vụ mọi người, trong mọi hoàn-cảnh, tình-huống những đau yếu, có nhu-cầu rất thiết-thực.” (cũng trong Tông-sắc “Misericordiae Vultus” đoạn 4)

Nói tóm lại, mừng năm thánh Từ Bi, ta ước-ao sẽ đi vào cuộc đời mà tỏ bày lòng từ bi với mọi người. Đi vào đời, để mang sự dịu-hiền, tử tế của Chúa đến với mọi người. Để rồi, kẻ tin lẫn kẻ chưa tin sẽ thấy đây là dấu-hiệu của Vương Quốc Nước Trời đã hiện-diện bên trong làn khói mù của lòng người. Đó là lý-do và cũng là ước-vọng của “Tin báo hỷ” đang đến với ta.” (Gm Paul Bird, CSsR - A Year of Mercy, The Majellan Family số tháng 10-12/2015, tr. 11-16)

Cũng chuyện “từ-bi/hỷ xả” ở ngoài đời, của người đời thường có nét vẻ diễn-tả tuy đơn-điệu nhưng dễ hiểu và dễ thấm vào lòng người như truyện kể ở bên dưới:

“Trước cổng một nghĩa trang nọ, người ta thấy có một chiếc xe Roll Royce sang trọng dừng lại. Người tài xế tiến lại người giữ cổng và nói: xin anh giúp một tay cho người đàn bà này xuống xe vì bà ta yếu quá không đi được nữa.

Vừa ra khỏi xe, người đàn bà tự giới thiệu và nói với người giữ cổng nghĩa trang:
-Từ hai năm qua, mỗi tuần, tôi là người đã gửi cho anh 5 đô-la để mua hoa và đặt trên mộ con trai tôi, nhưng nay các bác sĩ bảo rằng, tôi không còn sống được bao lâu nữa, nên tôi đến đây để chào từ biệt và cảm ơn anh đã mua hoa giùm tôi.

Thế nhưng, người đàn bà không ngờ rằng người giữ cổng nghĩa trang trả lời như sau:
-Thưa bà, tôi lấy làm tiếc rằng bà đã làm công việc ấy!

Người đàn bà cảm thấy như bị ai đó vả vào mặt. Nhưng bà vẫn còn đủ bình tĩnh hỏi lại người thanh niên:
-Tại sao lại lấy làm tiếc về cử chỉ đẹp như thế?

Người thanh niên giải thích:
-Thưa bà, tôi lấy làm tiếc vì những người chết như con trai bà, chẳng bao giờ còn thấy được một cánh hoa nào nữa!

Bị chạm tự ái, người đàn bà liền cao giọng:
-Anh có biết anh đã làm tổn thương tôi không?

Người thanh niên bình tĩnh trả lời:
-Thưa bà, tôi xin lỗi, tôi chỉ muốn nói với bà rằng có rất nhiều người đang cần đến những cánh hoa của bà hơn. Tôi là hội viên của một tổ chức chuyên đi thăm những người già lão, các bệnh nhân trong viện dưỡng lão, các bệnh viện. Chính họ mới là những người đang cần đến những cánh hoa của chúng ta, họ có thể nhìn thấy và ngửi được cánh hoa ấy.

Nghe thế, người đàn bà ngồi bất động trên chiếc xe sang trọng một lúc, rồi ra hiệu cho tài xế mở máy. Vài tháng sau người đàn bà trở lại nghĩa trang. Nhưng lần này không cần ai giúp đỡ, bà tự động bước xuống xe với một dáng vẻ vui tươi nhanh nhẹn hơn, và điều đáng ngạc nhiên hơn nữa, một nụ cười rạng rỡ, bà nói với người thanh niên giữ cổng:
-Chú đã có lý, tôi mang hoa đến cho những người già lão, bệnh tật. Quả thật, điều đó đã làm cho họ được hạnh phúc. Nhưng người thực sự hạnh phúc chính là tôi. Các bác sỹ không biết được bí quyết làm tôi khỏe mạnh lại. Nhưng tôi đã khám phá ra cái bí quyết ấy, tôi đã tìm ra lẽ sống.

Lời bàn của người Kể truyện, lại như sau:

“Giúp đỡ người khác là giúp đỡ chính mình”. Đó cũng là khuôn vàng thước ngọc của Thượng đế “cho thì có phúc hơn là nhận lãnh” Bởi vì, trao ban cho người tức là trao ban cho mình. Một ngạn ngữ Anh cũng nói một cách tương tự: “điều tôi tiêu đi là tôi có, điều tôi giữ lại là tôi mất, điều tôi cho đi là tôi được”.

Đó là lý luận của tình yêu. Tình yêu lớn lên theo mức độ của sự trao ban. Có biết yêu thương thì con người mới thực sự triển nở, và tìm gặp lại chính mình. Có biết yêu thương thì con người mới biết vui sống, và tìm được hạnh phúc đích thực trong cuộc sống.”

            Nói thế, tức bảo rằng: có mừng và có kính Lòng Từ Bi/Thương Xót bằng hình-thức nào đi nữa, cũng là cơ-hội để bạn và tôi, ta lại sẽ thực-hiện hành-động yêu-thương/tha-thứ hết mọi sự cho mọi người.
            Từ-bi/Thương-xót như thế, là để đề-nghị bạn/đề-nghị tôi, ta về với Lời Vàng của bậc hiền-nhân rất thánh, từng nhủ-khuyên như sau:

Thật vậy, trước kia anh em đã không vâng phục Thiên Chúa,
nhưng nay anh em đã được thương xót,
vì họ không vâng phục;
họ cũng thế:
nay họ không vâng phục Thiên Chúa,
vì Ngài thương xót anh em,
nhưng đó là để chính họ cũng được thương xót.
Quả thế,
Thiên Chúa đã giam hãm mọi người
trong tội không vâng phục,
để thương xót mọi người.
Ca tụng thánh ý nhiệm mầu.”
(Rôma 11: 30-32)

Nghe khuyên và nhủ thế rồi, nay ta lại sẽ trở về với giòng thi-ca/âm-nhạc mà hát những tình-tự từ-bi/hỷ-xả như từng hát ở bên trên, bằng những lời ca vang, rằng:

Em có nghe xào xạc.
Tiếng lá bay xào xạc.
Tiếng gió đêm buồn buồn.
Lang thang trên muôn vàn đỉnh cây.

Hạnh-phúc nào không tả-tơi,
không đắng cay?”
(Phạm Duy/Ngô Đình Vận – bđd)

Hát như thế, tức tự nhủ lòng mình, rằng: đời người sẽ còn đó nỗi buồn, nếu không ai thấy được lòng từ-bi/thương-xót hiện-diện ở trong mình và nơi mọi người.
Để minh-hoạ cho ý-tưởng này, đề-nghị bạn/đề-nghị tôi, ta đi vào vùng trời truyện kể về tình thương-yêu hiền-dịu cả trong tờ giấy bạc được xếp thành hình tam giác như quà tặng cho nhau, đầy ý-nghĩa, như sau:

“Truyện rằng:

Vài năm trước, mỗi ngày đi làm, Jim đều được ông Jake, một người hàng xóm đã cao tuổi đưa cho một tờ tiền mặt 5 đôla. Ông nhờ Jim ghé qua một quán cà phê trên đường để mua hộ ông một gói cà phê có giá 4 đôla.

Thói quen này của ông Jake đã duy trì đến mấy năm nay rồi. Và để đáp trả lòng tốt của Jim, ông Jake sẽ nhận làm cỏ, tỉa cây trong vườn nhà anh ấy.

Sau một thời gian lâu, bà chủ quán cà phê cũng đã quen với Jim. Bà ngày nào cũng chuẩn bị một gói cà phê và một đồng đô la tiền lẻ để trả lại.

Đôi lúc, Jim cũng rất tò mò và hỏi ông Jake: 
-Cà phê có hạn sử dụng rất lâu, tại sao ông không mua một lần nhiều nhiều một chút?
Ông Jake lắc đầu và cười nói: 
-Không, tôi thích như thế này hơn, mỗi ngày một gói cà phê mới tốt.

Có một lần, Jim vội vã tới nhà bạn để tụ tập cùng bạn bè nên anh liền mua cà phê ở tạm một cửa hàng khác. Không ngờ, ông Jake khi nhận được cà phê dù còn chưa mở ra đã nói: 
-Đây không phải loại cà phê mà tôi muốn.

Jim cảm thấy bất ngờ, anh liền thử mấy lần sau đều mua ở nơi khác, nhưng dù cà phê đã được đóng gói y như vậy, mà ông Jake chỉ liếc mắt qua đã phát hiện ra rồi. Từ đó, Jim không còn thử ông nữa.

Mấy năm sau, sức khỏe của ông Jake đã không còn được tốt như trước đây. Nhưng hàng ngày ông vẫn đều nhờ Jim mua cho mình một gói cà phê. Mỗi lần khi đưa 5 đôla cho Jim, hai ánh mắt của ông lại chất chứa đầy sự chờ mong.

Cho đến một hôm, khi Jim lại sang nhà ông Jake mua cà phê giúp ông. Ông Jake sức khỏe suy yếu nằm trên giường bệnh đưa tay ra, rồi nhẹ nhàng cầm tờ một đôla và hỏi Jim: 
-Thời gian lâu như vậy, chẳng lẽ cậu không biết gì sao?”
Jim nhìn ông lão hàng xóm và lắc đầu.
Ông lão nói tiếp: 
-Tôi luôn luôn muốn mua cà phê ở cửa hàng đó, là vì người bán cà phê cho cậu là Elina.”
Giọng nói của ông Jake trầm xuống rất nhiều: 
-Bà ấy là người mà tôi yêu nhất. Năm đó, mẹ của bà ấy chê tôi là một kẻ nghèo nàn, nên đã chia rẽ chúng tôi…Tôi cũng chỉ có thể đau lòng mà rời đi. Nhiều năm sau này, vợ tôi bị bệnh qua đời, các con cũng đã trưởng thành có gia đình.

Tôi đã quay trở lại nơi đó tìm hiểu và biết bà ấy bán cà phê ở cửa hàng đó. Bà ấy cũng đã sớm mất chồng. Cả hai người chúng tôi đều không quên ước định của tình yêu đầu năm xưa. Nhưng tôi không muốn quấy rầy đến cuộc sống bình yên của bà ấy, nên lặng lẽ sống ở đây. Cũng từ đó, tôi nhờ cậu mua cà phê hộ tôi.”

Jim đứng im lặng nhìn ông lão hàng xóm rồi bất chợt hỏi với vẻ khó hiểu: 
-Chẳng lẽ, ông chưa từng đến thăm bà ấy sao?”
Ông Jake lắc đầu.
-Năm đó, lúc chúng tôi yêu nhau thường không có cách để gặp mặt nên đã đặt ra một ám hiệu. Đó là lấy tờ một đô la gấp thành một hình tam giác, để trong một bì thư, rồi nhờ người gửi thư đưa đến đối phương, ngụ ý nói rằng mình vẫn bình an. Cho nên, mỗi lần nhờ cậu mua cà phê, tôi đều gấp tờ tiền thành một hình tam giác. Còn Elina, mỗi lần trả lại tôi tờ một đô la, bà ấy cũng đều gấp thành một hình tam giác.

Cứ như thế, dù chúng tôi không gặp lại nhau nhưng đều biết người kia vẫn bình an, khỏe mạnh… Bây giờ, tôi sắp phải đi gặp thượng đế rồi, nhưng nếu Elina không nhận được tin tức của tôi, bà ấy hẳn sẽ rất lo lắng. Dưới giường của tôi có một chiếc hòm, bên trong đều là những tờ tiền tôi đã gấp thành hình tam giác rồi. Xin cậu hãy giúp tôi tiếp tục mua cà phê …Tôi xin nhờ cậu…”

Ông Jake nói xong, liền nhắm mắt lại và ra đi. Không ngờ, trong đám tang của ông Jake, Jim đã mang đến một chiếc hòm khác. Trong chiếc hòm ấy, toàn là những gói cà phê đã được đóng sẵn và còn có rất nhiều những tờ tiền một đôla được gấp sẵn thành hình tam giác.

Vào nửa năm trước, bà Elina đã bị bệnh nặng mà qua đời. Trước khi rời đi, bà đã giao chiếc hòm này cho Jim để nhờ Jim thay thế mình chuyển lời nhắn bình an đến ông Jake….

Đây hẳn là một tình yêu đích thực! Có thể quý trọng tất cả những người bên cạnh mình, thì đó chính là một loại hạnh phúc! (Mai Trà biên dịch)
Nghe kể thế rồi, việc còn lại với bạn và với tôi, là: thực-hiện hiệu-lệnh của Đức Chúa khi xưa vẫn từng bảo:

“Anh em hãy ra đi
và làm cho muôn dân trở thành môn đệ,
làm phép rửa cho họ
nhân danh Cha, Con và Chúa Thánh Thần,
dạy bảo họ tuân giữ
mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.
Và đây,
Thầy ở cùng anh em
mọi ngày cho đến tận thế."
(Mt 28: 19-20)

Ra đi mà thực-hiện tính từ-bi, hiền-dịu trong cuộc sống đầy thương xót. Rất nhiều năm. Nhiều tháng, suốt đời mình. Đó chính là lệnh-truyền của Đức Chúa với mọi người, mọi thời chứ không chỉ trong mỗi năm thánh Từ bi hay thương xót.

Trần Ngọc Mười Hai
Và những quyết-tâm để đời,
rất không rời
lòng người.

No comments: