Saturday 29 June 2013

“Anh yêu em anh yêu em như rừng yêu thú dữ"



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 14 mùa Thường Niên Năm C 07-7-2013

Anh yêu em anh yêu em như rừng yêu thú dữ""
Anh yêu em, anh yêu em như tình cây với gió
Anh yêu em, anh yêu em không còn chi nói nữa
Biết nói gì đã yêu rồi, biết nói gì em ơi.
(Phạm Duy -  Anh yêu em vào cõi chết)


(Ga 17: 17-19)
            “Yêu em như rừng yêu thú dữ!” Chao ôi! là lời hát. Những lời ca/câu hát khiến bần đạo mỗi lần nghe đi nghe lại mãi, vẫn thấy hay. Thấy hay đây, không do tiết điệu của nhạc bản, hoặc vì ý/lời người nghệ sĩ hát mãi những lời: “Anh yêu em, như tình cây với gió”,và: “Anh yêu em, anh yêu em không còn chi nói nữa”. Ối chà, là tuyên ngôn/tuyên bố cũng rất “loạn”, khiến thiên hạ lại cứ hiểu rằng: đến như rừng cây khô khan là thế, mà cũng biết yêu, huống hồ là con người.
            Con người, mới chỉ yêu có ít năm/ít tháng không dài ngày, lại đã có lời tuyên bố với tuyên xưng rất ư là “chảnh”, như anh chồng nọ ở truyện kể nhạt như nước ốc, rất bên dưới:

            Em yêu ơi,
Khi anh thất nghiệp, em đã ở bên anh.
Khi nhà anh cháy, em cũng đã ở bên cạnh anh.
Khi anh bị đụng xe, cũng đã có em ở ngay bên.
Bây giờ anh đang bệnh, em lại cũng ở cạnh anh.
Em biết anh đang nghĩ gì không? ...  
-Ở gần bên em, anh thật xui hết biết.
Từ nay xin em đừng tìm anh nữa, nhe em!                           
Anh phải công nhận một điều: em chính là người dẫn dắt anh đến với tôn giáo. 
Anh chưa bao giờ tin có địa ngục cho đến khi anh gặp em.
Trong bóng tối dày đặc, trông em như thiên thần.
Em yêu ơi! Em có biết vì sao khi hôn em anh lại nhắm tịt mắt không?
-Vì anh không dám nhìn thẳng vào sự thật phũ phàng.
Anh luôn mong có được người phụ nữ để thương yêu, chăm sóc; thế nhưng, sau khi gặp em, anh đã đổi ý.
-Anh say sưa, nghiện ngập, cờ bạc; anh xử tệ với em, thậm chí còn chọc ghẹo phụ nữ khác trước mặt em nữa, nhưng em vẫn lì lợm, chẳng bỏ anh.
Anh làm đủ mọi cách, thế mà em vẫn không rời xa anh ... một bước.
Trên bàn làm việc của anh, lúc nào cũng có tấm ảnh của em để trên đó,
để mỗi khi nhìn vào ảnh, anh lại có thêm động lực rồi tự nhủ: ‘vấn đề nan giải như thế mà mình còn giải quyết được, huống chi việc này...’
Trước khi gặp em, anh thấy đời mình thật tẻ nhạt.
Gặp em rồi, anh mới biết Thiên đường chỉ là ảo tưởng.
Đã từ lâu, kể từ lúc gặp em, thời gian của anh không tính bằng Xuân, Hạ, Thu, Đông
bốn mùa nữa, mà chỉ có hai mùa ‘mưa/nắng’ thất thường thôi!
Hai đứa mình đều có trên hai chục năm sống vui, sống mạnh cho đến khi mình lấy nhau,
lúc ấy anh mới thấy được điều mà đạo-lý nhà Phật vẫn bảo: “Đời là bể khổ!” thật rất đúng.”
(trích truyện kể trên mạng, cũng rất nhiều).

                Chẳng cần biết, giáo phái nào của nhà Phật lại có quan niệm về cuộc đời như anh chồng chuyên tố khổ vợ mình đến như thế. Bởi, dù có quan niệm đời là thế nào đi nữa, nhà Phật của ta và của người vẫn quan niệm “từ bi hỷ xả” đầy đủ cả, tựa hồ lời ca người nghệ sĩ cứ hát tiếp:

            Anh vẫn biết, anh vẫn biết yêu em là tuyệt vọng,
Mà vì sao, mà vì sao anh vẫn cứ yêu em.
Con giun con nằm uốn khúc giữa đêm trường,
Rồi giun chết, chết tương tư vì sao sang”.
“Anh đã biết, anh đã biết yêu em là tủi nhục,
Mà vì sao, mà vì sao anh yêu mãi không thôi.
Anh yêu em bằng nước mắt đứng lưng trời,
Bằng tia máu ứa trong tim dầu khô héo.”
(Phạm Duy – bđd)

Thế nghĩa là, vẫn có khác biệt về nhân sinh quan/lập trường của người viết nhạc với người kể truyện khá nhạt nhẽo, ít gắn bó. Kể ra thì, làm gì có chuyện gắn bó giữa người đời với đời người. Ngay như người nhà Đạo, cũng thấy xảy ra nhiều tình-huống cứ tưởng mọi chuyện đều xuôi trót, ngọt ngào với mọi phía và mọi người, trong Đạo.
Nơi Đạo Chúa, có nhà báo/nhà văn nọ đã phát giác ra đôi ba chi tiết đã nằm sâu nơi bản tính rất đặc thù của Đức Giáo Chủ tân-cử theo kiểu “Bạn có biết?” như sau:

“Bạn có biết?
Nhiều vị cứ tưởng rằng mình biết nhiều bí mật về Đức “Thánh” Cha Phanxicô người Argentina, chưa từng bật mí? Có thể, vị ấy lại cứ nghĩ rằng: ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên sống ở Nam Bán Cầu nay được bầu. Hoặc, ngài là tu sĩ Dòng Tên đầu tiên nhậm chức thánh ở cấp cao mà luật dòng chưa kịp ban phép chăng? Thế nên, dưới đây là những “phát giác kinh khủng” về tính chất rất “thánh” của vị Giám Mục thành La Mã đã đắc cử Giáo Hoàng vào đầu năm 2013, như sau:
1.     Ngài là cổ-động-viên môn bóng đá, cũng rất khá.
Là một trong năm người con trong gia đình, Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio thường chơi bóng rổ từ hồi nhỏ. Nhưng, ngài lại cho biết môn thể thao mà ngài thích nhất, lại là: bóng đá! Ngài có thói quen cùng với gia đình đi xem các trận đấu có đội bóng mà cả nhà đều ưa thích, đó là đội San Lorenzo.
2.     Ngài còn có tài múa nhảy rất hay trên sàn gỗ nữa.
Thánh Thần Chúa tạo hứng cho Đức đương kim Giáo Hoàng Phanxicô về nhiều địa hạt. Cả đến địa hạt âm-nhạc theo phong thái rất La-tinh. Chính vì thế, mà người nghe sẽ không lấy làm lạ, khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố rằng điệu nhảy mà ngài thích nhất, vẫn là điệu “Tango”. Có lần ngài nói với nhà báo, rằng: “Đó là những thứ đến từ bên trong.”
3.     Ngài cũng từng có bạn gái, cũng như ai. Chàng trai Jorge Bergoglio khi xưa rất thích đi nhảy vào các ngày cuối tuần; và anh từng hẹn hò với một bạn nữ trong nhóm mà anh thường nhảy cặp. Chuyện này xảy đến, dĩ nhiên, chỉ vào lúc trước khi chàng trai ta khám phá ra ơn gọi sống đời tu trì, ở Dòng thánh.
4.     Ngài cũng rất ư là cứng cỏi.
Hồi còn trẻ, trang thanh niên Jorge Bergoglio từng mất đi một lá phổi vì bị nhiễm trùng. Không chỉ thế, hồi còn mài đũng quần ở đại học, người sinh viên trẻ này cũng từng kiếm thêm tiền để trang trải học phí bằng nghề “bảo vệ” tại câu lạc bộ về đêm. Hãy tưởng tượng một thanh niên cường tráng dễ tính như nam thanh Jorge Bergoglio vẫn cương quyết nặng tay với anh/chị nào đã quá chén, lại còn tính chuyện quậy phá, bằng cách ban ơn huệ cho vị ấy về ngủ sớm.              
5.     Ngài biết con đường mình chọn lựa là phòng thí nghiệm.
Với văn bằng Cao học về môn Hoá, tốt nghiệp tại Đại Học Đường Buenos Aires, Đức tân Giáo Hoàng Phanxicô chắc chắn sẽ không có khó khăn gì khi phải hoá-giải mọi xung đột giữa tôn giáo và khoa học.
6.     Quyết tự nấu ăn cho mình.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô thích tự nấu nướng dọn bữa cho riêng mình hơn là tùy thuộc vào đầu bếp, cốt sao phù hợp với lối sống giản đơn mà ngài luôn thực hiện cả vào thời kỳ làm Tổng Giám Mục thành Buenos Aires, Argentina. Thức ăn đơn giản ngài chọn cho mình, là: cây trái, thịt gà bỏ da và rau cỏ, thỉnh thoảng cũng chỉ dặm thêm một tách rượu nhẹ, thế thôi.
7.     Ngài dùng phương tiện di chuyển như người thường ở huyện.
Ở Buenos Aires, Đức Phanxicô thích di chuyển bằng phương tiện công cộng hơn là ngồi xe có tài xế lái. Không biết rồi ra, với vai trò chủ chăn ở cấp cao bên La Mã, ngài có tiếp tục thực-hiện ý thích này nữa không, đó mới là vấn đề, Để cho chắc, bà con nào ở Rôma lâu nay từng có thói quen đi xe lửa hoặc xe buýt hãy để ý xem có khi mình ngồi cạnh vị Giáo chủ Công giáo, cũng nên.
8.     Thói quen cuốc bộ.
Một trong các thay đổi đầu tiên của Đức đương kim Giáo Hoàng ở giáo triều Rôma là ngài đã cử hành Lễ Rửa Chân hôm Thứ Năm Tuần Thánh tại Trung Tâm Cải Huấn thiếu nhi phạm pháp ở Rôma, năm 2013. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban phép lành và hôn chân cho một số người tù còn rất trẻ, ở đây, trong số đó có cả các nam thanh nữ tú và người Hồi giáo nữa.” (Xem Michael McVeigh & Rob Morris sj, Eight eye-opening facts about Pope Francis, Australian Catholics, Winter 2013, tr. 21)

Nói về đặc trưng rất “thánh” như danh xưng Đức “Thánh” Cha, hoặc Đức Cha rất “thánh” của thành La Mã, là nói về đức tính hiền lành/thánh thiện của đấng bậc trưởng thượng của nhà Đạo; chí ít, là đấng bậc ở chốn cao tít, rất “Giáo hoàng”. Hễ được bầu làm Giáo Hoàng, thì đương nhiên trở thành đấng “thánh” rất Đức Cha giáo phận La Mã, là điều rất chắc chắn.
Chả thế mà, khi còn sống, ngài đã được các cộng-sự-viên và con dân trong Đạo gọi là Đức cha, rất thánh. Kịp đến khi, về với Chúa, ngài cũng sẽ được các đấng bậc kế vị phong chân phước, rồi hiển thánh như trường hợp Đức Gioan 23, Gioan Phaolô đệ Nhị, rất cụ thể.
Thế nhưng, để được Ủy Ban Phụng Vụ Hội thánh đưa tên mình vào kinh cầu các thánh hoặc Lời Nguyện Thánh Thể, lại không là chuyện dễ. Dễ hay không, thường thì đó cũng là một trong các thắc mắc/gạn hỏi của một số giáo dân ở miền sâu/miền xa ít có cơ hội tiếp cận với giáo luật hoặc mục “Chữ đỏ” của Phụng vụ, nên ít biết. Chẳng thế mà, có bạn đọc nọ là giáo dân hạng thứ cũng vội có câu “gạn hỏi” gửi đức thày nhà Đạo ở Sydney như sau:

“Thưa cha, con không có ý tỏ ra thiếu lễ phép hoặc không tôn trọng các đấng bậc trong Hội thánh. Nhưng, mỗi khi đi lễ con lại cứ hay nghe vị chủ tế đọc Lời Nguyện Thánh Thể có kể một lô tên các vị thánh mà riêng con cũng như một số bạn mà con quen, chẳng biết các thánh ấy là ai, nam hay nữ? Có liên quan gì đến lòng tin của mọi người đi đạo hay không mà sao Giáo hội mình cứ phải nhắc đến tên các ngài nhiều lần như thế? (Thêm một câu hỏi của giáo dân nọ không ghi danh tánh).

            Ghi hay không ghi danh tánh, hễ cứ hỏi những gì về giáo lý, giáo luật và giáo điều, là y như rằng đấng bậc nhà Đạo ở Sydney sẽ phấn khởi, hồ hởi và xởi lởi mà trả lời, không trả vốn, rất như sau:

“Ngay từ đầu, ta cũng nên nhớ, rằng: Lời Nguyện Thánh Thể đầu tiên trong thánh lễ Misa khi xưa được biết đến qua “Bộ lễ La Mã”, đã có từ thời rất cổ và rất xưa. Sau đó, mới đi vào thực tế như bây giờ, đó là: nhờ có bàn tay dẫn dắt của Đức thánh Giáo Hoàng Grêgôriô Cả (590-604) góp sức vào. Thế nên, tên của các thánh được liệt kê trong lời nguyện này, đều đã có từ nhiều thế kỷ trước và thật cũng dễ hiểu là hôm nay, ta biết rất ít về sử hạnh của các vị như thế....

Lý do khiến ta gọi tên các thánh ra như thế, cũng giản đơn. Bởi, thánh lễ được cử hành là để hiệp thông với toàn thể Hội thánh khắp vũ trụ, tức: Giáo hội đang còn phấn đấu ở thế trần, Giáo hội chịu khổ đau ở chốn luyện hình và Giáo hội khải hoàn trên thiên quốc. Thế nên, thánh lễ đuợc nối liền với phụng vụ liên lỉ đến vĩnh cửu do các thiên thần và các thánh đưa ra; chí ít là khi ta cùng cất tiếng hoan ca cùng toàn thể Giáo hội mà rằng: “Thánh! Thánh! Thánh!” (Is 6: 3)

Thành thử ra, cũng là chuyện tự nhiên khi ta kể tên một số các vị thánh như thế là để các ngài can thiệp cầu bàu cho ta ở dưới thế trần này và vinh thăng lời cầu của ta lên cùng Chúa rất Ba Ngôi. Kinh Tiền Tụng đầu tiên ngợi ca các thánh, cũng giải thích lối tư-duy như thế trong lời cầu dâng lên Chúa Cha, qua đó vị chủ tế có thưa: “Ngõ hầu Cha được tôn vinh cùng các thánh và khi Cha tác thành công lao của các ngài, thì Cha cũng thánh-hoá chính quà tặng của Cha nữa...”

Và, do bởi Giáo hội ta không thể kể tên tất cả các thánh nam nữ cho hết được, nên Lời Nguyện Thánh Thể chỉ nhắc tên một số vị mà thôi. Tuy nhiên, trong Lời Nguyện này, cũng có hai danh sách các thánh được nêu tên; một, vào lúc trước và danh sách thứ hai, vào sau khi truyền phép. Danh sách đầu, có tên Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa và thánh cả Giuse, kể trong Lời Nguyện này là do đề nghị của Chân phước Giáo Hoàng Gioan 23 thực hiện vào năm 1962. Sau đó, có tên của thánh Phêrô, Phaolô và 12 thánh Tông đồ.

Tiếp đó, là tên của 12 vị khác: 3 vị đầu được nhắc đến là 3 vị kế nhiệm thánh Phêrô trong ngôi vị Giáo Hàng, tức thánh Linô thành Tuscanô (67-76); sau đó, là thánh Irênê do thánh Phaolô đề bạt; tiếp theo, là thánh Clêtô còn gọi là Anaclêtô (76-88), là người La Mã. Và, thánh Clêmentê đệ Nhất (88-97) mà theo sử gia Tertôliô là đấng được thánh Phêrô tấn phong. Thánh Clêmêntê là thánh tử đạo và là người cũng viết thư cho cộng đoàn Côrinthô.

Trong số 12 vị thánh có tên trong danh sách này, thì 5 vị là Giáo Hoàng, còn lại 7 vị kia là các thánh tử đạo. Đặc biệt có thánh Cyprianô là một trong các thánh Tổ Phụ của Giáo hội và một vị giám mục thuộc Bắc Phi là thánh tử đạo ở Carthagiô năm 258...” (Xem Lm John Flader, Question Time, The Catholic Weekly ngày 05/8/2012 tr. 18)

            Quả như lời đức thày thuộc giống giòng mô phạm, thì đa số các bậc vị vọng ở cấp chóp bu Hội thánh đều đã thành thánh-nhân cả lúc còn sống, cũng như sau khi chết. Xem thế thì, vai trò của Đức ‘Thánh’ Cha đương nhiên phải là Đức Cha rất thánh mới được bầu làm Giám mục thành La Mã được. Vấn đề còn lại, là: các ngài có sống thánh thiện vào những ngày tháng cuối đời mình hay không, mà thôi.
            Chính đó, là những điều được đấng thánh hiền nhà đạo mình vẫn quả quyết:

            Xin Cha lấy sự thật mà thánh-hiến họ.
Lời Cha là sự thật.
Như Cha đã sai con đến thế gian,
thì con cũng sai họ đến thế gian.
Vì họ, con xin thánh-hiến chính mình con,
để nhờ sự thật, họ cũng được thánh-hiến.”          
            (Ga 17: 17-19)    

Còn nhớ: có lần Tin Mừng viết: Đức Kitô từng răn dạy đồ đệ cũng như mọi đấng bậc dấn bước theo chân Ngài là: hãy sống như muối cho đời, như men trong bột và như ánh sáng đặt trên giá đèn để mọi người được soi dọi.” Nói cách khác, là nói và hiểu rằng ở cương vị nào đi nữa, là đấng bậc cao/thấp hay chỉ là giáo dân bình thường, thì đó vẫn là tiêu-lệnh để người người sẵn sàng nhận bài sai ra đi rao báo Tin Vui An Bình đến với mọi người. Chí ít, là người ở ngoài, và cả những người ở vùng sâu/vùng xa chưa bao giờ nghe biết đến Tin Vui, rất bình an như thế.
Nói tóm lại. Ơn gọi làm đấng thánh hiền-hoà, là như thế. Là, trở nên người được sai đi mở rộng Vương Quốc Nước Trời, ở trần gian. Được gọi làm đồ đệ Chúa, ngõ hầu rao truyền Tin Vui/Tin Mừng, là: phải từ bỏ chính mình, qua động-thái chấp nhận con người mình như vẫn thế, để khuyến khích lòng tự tin. Bởi, một khi đã tự tin rồi, thì mình mới tự khẳng định khả năng và tài cáng, ngõ hầu tìm ra phương-cách thích hợp với chính mình, mà thực hiện điều mình quyết tâm như Thày ủy thác.
Để minh-hoạ cho điều mà mọi người nhận chân ra được mục tiêu mình nhắm đến, hỡi bạn và hỡi tôi, ta cùng nghe truyện kể ở dưới, rất giản dị như sau: 

"Sống với nhau như thế nào để thành bậc thánh nhân hiền lành?
Tôi hỏi đất: đất sống với nhau thế nào?
Đất trả lời: chúng tôi làm nền móng cho nhau
Tôi hỏi nước: nước sống với nhau thế nào?
Nước trả lời: chúng tôi hoà lẫn vào nhau
Tôi hỏi gió: gió sống với nhau thế nào?
Gió trả lời: chúng tôi nâng cánh cho nhau
Tôi hỏi mây: mây sống với nhau thế nào?
Mây trả lời: chúng tôi tan biến vào nhau
Tôi hỏi cỏ: cỏ sống với nhau thế nào?
Cỏ trả lời: chúng tôi hoà quyện và réo rắt bên nhau
Tôi hỏi cây: cây sống với nhau thế nào?
Cây trả lời: chúng tôi che chở và leo quấn cho nhau
Tôi hỏi người: người sống với nhau thế nào?
Không ai trả lời
Không ai trả lời
Không ai nói gì cả
Vì người còn đang bận giận hờn và chà đạp lên nhau
Vì người còn chôn chặt nụ cười và không cùng chia sẻ
Vì người còn nghi kị và mưu chước lẫn nhau
Vì người còn nặng nỗi thương đau
Vì người còn quên cách yêu nhau
Vì người còn chưa biết được rằng sự sống vốn rất mau... tàn lụi...
Bốn yếu tố cần thiết để sống hiền lành thánh thiện, có hạnh phúc:
Từ, Bi, Hỷ, Xả.

            Trong bốn yếu tố cần thiết cho cuộc đời, yếu tố nào cũng quan trọng, hết. Tuy nhiên, quan trọng hay không vẫn cứ thực hiện cho vui cho mừng, đúng chữ “Hỷ” như người nghệ sĩ, lại sẽ hát những lời rất ý nhị, sau đây:

Anh yêu em anh yêu em như rừng yêu thú dữ
Anh yêu em, anh yêu em như tình cây với gió
Anh yêu em, anh yêu em không còn chi nói nữa
Biết nói gì đã yêu rồi, biết nói gì em ơi
Em đã sống, em đã sống như côn trùng khờ dại
tìm lửa thiêu, tìm lửa thiêu em đốt cháy cơn vui
Em đưa em vào sâu kín cánh tay người
Vòng tay trói tấm thân em vào oan trái
Em đã sống, em đã sống trong ân tình kẻ lạ
để mình anh, để mình anh trong thương nhớ không nguôi
Em bay đi bằng cánh bướm giữa đêm dài
bằng hương ngát cánh hoa thơm rồi nhạt phai.”
(Phạm Duy – bđd)

Là nghệ sĩ, phàm-nhân hay đấng bậc rất vị vọng ở đỉnh cao hệ-cấp Giáo hội, là những người tìm thực-hiện phẩm-cách rất lành và cũng thánh của con người. Bởi, sống đúng Đạo Chúa hay đạo làm người đều là các bậc thánh như Phaolô thánh-nhân từng tuyên dương ở thư gửi các giáo-đoàn rất thánh ở mọi phía. 
Bởi thế nên, có nghe bạn đạo mình gọi Đức Giáo Chủ ở chóp bu là Đức “thánh” Cha, cũng đừng lạ. Lạ làm gì, vì có một lúc nào đó, mình cũng được thánh-nhân hiền lành, gọi là “thánh” nữa cơ mà! Thế thì, hỡi các “thánh” ở đây và ở đó, ta cứ hát hò, rao truyền Tin Vui An Lành và cũng rất “thánh” được Chúa ủy thác khi xưa và bây giờ. Làm thế, xã hội ta cũng sẽ là xã-hội được thánh-hoá hay “thánh” quá, cũng rất hay.

Trần Ngọc Mười Hai
Chả dám nhận mình là thánh
Nhưng vẫn cứ tìm đấng thánh
trong ngoài nhà Đạo,
mà theo chân.



               

                Trần Ngọc Mười Hai
           

No comments: