Saturday 9 February 2013

“Đau! Từ đáy trái tim, ta buồn đau!"



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ Nhất Mùa Chay Năm C 17-02-2013

“Đau! Từ đáy trái tim, ta buồn đau!"
“Đau! Suốt bấy lâu, ta vẫn đau
Vẫn mang u sầu,Nhìn nắng hắt hiu.
Ôi nắng yêu, theo nhau khoe mầu.
Bay trên trời cao nắng chiếu!..”
(Christophe: Mal – Lời Việt: Phạm Duy – Cơn Đau Tình Ái)
(Lc 4: 24)
            “Bên Trên Trời Cao Nắng Chiếu!”Chao ôi. Lời nhạc sao hay quá là hay. Vâng,. Hay là thế, nhưng giả như có bạn đạo nào đó lại cứ so với sánh rồi coi “Trời Cao Nắng Chiếu” là Mặt Trời biểu hiện nơi quốc kỳ của nước Nhật hoặc như Hội thánh/Nước Trời ở trần gian, vẫn chiếu sáng thì sao?
Sao, nghĩa là sao? Bần đạo đây, thật ra cũng chẳng biết, nhưng vẫn xin bạn đọc với bạn đạo ở các nơi, ta nghe thử một vài cảm nghiệm về đất nước có cờ hiệu “Trời Cao Nắng Chiếu” như sau:

“Ở đất nước mặt trời mọc, hình ảnh nghiêng gập người cúi chào thể hiện cả một nền văn hóa Nhật Bản: Cúi nhưng không hạ mình. Sự nhún nhường, chỉ làm tăng thêm sự nể trọng của người đối diện.
Trên các chuyến bay của hãng hàng không Japan Airlines, nụ cười luôn nở trên môi các tiếp viên. Họ sẵn sàng ngồi, chính xác là “quỳ xuống”, giúp khách sửa tư thế của đôi chân tê mỏi. Họ niềm nở, vui vẻ tiếp nhận yêu cầu của hành khách khó tính nhất. Không phải phẩm chất máy bay khiến hành khách hài lòng mà chính cách phục vụ của tiếp viên khiến mọi người nghĩ tốt về người Nhật. Chỉ vài phút khởi hành trễ, toàn bộ nhân viên phục vụ mặt đất và tiếp viên, phi công dàn thành hàng ngang, cúi rạp người xin lỗi khách. Họ thật sự đã thành công khi để lại ấn tượng sâu sắc về một nước Nhật vô cùng hiếu khách và nghệ thuật giao tiếp tuyệt vời. Trung thực.
Ở Nhật, bạn khó có cơ hội bắt taxi để đi một cuốc đường dài. Vì sao? Các tài xế sẽ tự chở bạn thẳng đến nhà ga tàu điện ngầm, kèm lời hướng dẫn “Hãy đi tàu điện ngầm cho rẻ”. Sự trung thực của người Nhật in đậm nét ở những “mini shop không người bán” tại Osaka. Hệ thống tự tính tiền tại siêu thị Nhật, người mua tự phục vụ, tự “scan”mã vạch, tự trả tiền. Nhiều vùng ở Nhật không có nông dân. Ban ngày họ vẫn đến công sở, ngoài giờ làm họ trồng trọt thêm. Sau khi thu hoạch, họ đóng gói sản phẩm, dán giá và để thùng tiền bên cạnh cho người mua cứ theo giá niêm yết mà tự bỏ tiền vào thùng. Cuối ngày, trên đường đi làm về, họ ghé đem thùng tiền về nhà. Nhẹ nhàng và đơn giản. Các con đường mua sắm, các đại siêu thị ở Hokkaido, Sapporo hay Osaka… cũng không nơi nào bạn phải gửi giỏ/túi xách. Quầy thanh toán cũng không đặt ngay cổng ra vào.
Người Nhật tự hào khẳng định động từ “ăn cắp vặt” gần như đã biến mất trong từ điển. Nếu bạn đến Nhật, toàn bộ các cửa hàng sẽ tự động trừ thuế, giảm 5 – 10% khi biết bạn là khách nước ngoài. Không cần gửi giỏ xách khi đi siêu thị “No noise”, tức: không ồn. Nguyên tắc không gây tiếng ồn được áp dụng triệt để tại Nhật. Tất cả đường cao tốc đều phải xây dựng hàng rào cách âm, để nhà dân không bị ảnh hưởng bởi xe lưu thông trên đường. Osaka bỏ ra 18 tỷ USD xây hẳn một hòn đảo nhân tạo để làm phi trường rộng hơn 500ha ngay trên biển. Lý do đơn giản chỉ vì “người dân không chịu nổi tiếng ồn khi máy bay lên xuống”. Phi trường quốc tế Kansai được xây dựng trên hòn đảo nhân tạo, cách xa khu dân cư. Tại các cửa hàng mua sắm, dù đang vào mùa quảng cáo, cũng không một cửa hàng nào được đặt máy phát ra tiếng. Tuyệt đối không được bật nhạc làm ồn sang cửa hàng bên cạnh. Muốn quảng cáo và thu hút thì cách duy nhất là thuê một nhân viên dùng loa tay, quảng cáo với từng khách.
Tính nhân bản.Vì sao trên những cánh đồng ở Nhật luôn còn một góc nguyên, không thu hoạch? Không ai bảo ai, những nông dân Nhật không bao giờ gặt hái toàn bộ nông sản mà họ luôn “để phần” 5-10% sản lượng cho các loài chim, thú trong tự nhiên.
Về bình đẳng. Mọi đứa trẻ đều được dạy về sự bình đẳng. Để không có tình trạng phân biệt giàu nghèo ngay từ nhỏ, mọi trẻ em đều được khuyến khích đi bộ đến trường. Nếu nhà xa thì xe đưa đón của trường là chọn lựa duy nhất. Các trường không chấp nhận cho phụ huynh đưa con đến lớp bằng xe hơi. Bình đẳng là điều đầu tiên các em học được ở trường. Việc mặc đồng phục vest đen từ người quét đường đến tất cả nhân viên, công chức cho thấy một nước Nhật không khoảng cách. Những ngày tuyết phủ trắng nước Nhật, từ trên cao nhìn xuống, những công dân Nhật như những chấm đen nhỏ di chuyển nhanh trên đường. Tất cả họ là một nước Nhật chung ý chí, chung tinh thần lao động. Văn hóa xếp hàng thấm đẫm vào nếp sinh hoạt hàng ngày của người Nhật. Không có bất cứ sự ưu tiên nào. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu một ngày bạn thấy người xếp hàng ngay sau lưng mình chính là Thủ tướng. Ở Nhật, nội trợ là một nghề. Hàng tháng chính phủ tự trích lương của chồng đóng thuế cho vợ. Do đó, người phụ nữ ở nhà làm nội trợ nhưng vẫn được hưởng các chế độ y như một người đi làm. Về già vẫn hưởng đầy đủ lương hưu. Độc đáo hơn nữa là nhiều công ty áp dụng chính sách, lương của chồng sẽ vào thẳng tài khoản của vợ. Vai trò của người phụ nữ trong gia đình vì thế luôn được đề cao, tôn trọng.
Ở đất nước mặt trời mọc, mọi người hiểu sâu sắc lý do khiến nước Nhật tan hoang sau chiến tranh thế giới thứ 2, bật dậy mạnh mẽ trở thành cường quốc khiến cả thế giới phải nghiêng mình.” (Bài viết trên mạng có tựa đề: “Nhật Bản, những phẩm chất Trời cho, có lẽ muốn học cũng không được)

            Sở dĩ hôm nay bần đạo dài dòng giới thiệu với bạn đạo và bạn đọc đôi giòng nói rất hay và rất đẹp về nước Nhật là, có ý bảo: bần đạo đây có dịp đi Nhật vào đầu năm 2013. Nhưng lại không nghĩ như tác giả thông tin ở trên, mà chỉ nghĩ về Nước Nhật và người Nhật như thời bần đạo còn ở Nhà Trường, tức: nhà tu, mà thôi.
            Quả thật, Nhật Bản không khác gì chốn tu trì là bao do bởi cái gì cũng ngăn nắp. Đúng giờ. Mọi chuyện đâu vào đấy. Bần đạo thấy nước Nhật chỉ khác chốn tu trì mỗi điểm này, là: cung cách sinh sống ở Nhật, của người Nhật thật sự ít hấp dẫn, chứ không như nhà tu, ở nước mình. Không tin, bạn cứ thử nghĩ thế này: nước Nhật dù có giống chốn tu trì/Hội thánh thế nào đi nữa, cũng không thể có ý tưởng và nhận định về thánh hội của mình, đến độ ta so với câu hát sau đây:

            “Ta vẫn thương ta, vì nhớ mãi một tên người xa.
            Ta thương ta, vì xót xa Em trong áo hoa
đã khiến ta hững hờ, vì nhớ tiếng ca
Em ôm ấp ta đêm dạ hội ngọc ngà
Câu ca làm rung cõi nhớ. Đau!”
(Christophe: Mal – bđd)

            “Ta vẫn thương ta, nói thế có thể là vì: ta và Hội thánh cùng với con dân, vẫn là một. Chứ cứ bảo: “Vì xót xa em trong áo hoa, đã khiến ta hững hờ, vì nhớ tiếng ca…” thì chỉ mỗi nghệ sĩ lão thành họ Phạm nay-đã-ra-người-thiên-cổ, mới dịch lời hát ra như thế, mà thôi.          
            Chí ít, là: nghệ sĩ lão gia nhà ta lại cứ mời ca sĩ Elvis Phương hát mãi câu ca cứ như là:

            “Ta vẫn thương ta, vì nhớ mãi một tên người xa,
            Ta thương ta, vì vì xót xa em
trong áo hoa khiến ta hững hờ..”
            (Christophe: Mal – bđd)

            Nhà Đạo của ta hẳn cũng thế chứ? Cũng thế, là cứ như thể hững hờ. Thờ ơ. Hết biết. Bởi, nếu để ý một chút, bạn và tôi ta sẽ thấy nhiều bạn đạo hoặc người đời cứ nói đến Hội-thánh-Nước-Trời, là xục xạo tìm đến câu nói hay luật rất Đạo ra mà bênh vực hoặc chỉ trích, dễ thôi.
Về Hội thánh thời đương đại, lại vẫn có những câu ca/nhận định rất ư là thực tế, như tác giả nọ từng viết những giòng chảy sau đây:

“Vẫn biết là: nói về Hội thánh mà lại so sánh như Bệnh viện chuyên lo cho bệnh nhân sắp sinh thì, cũng là điều ít ai chấp nhận được. Cũng như thế, nếu lại bảo: suy tư thần học theo nghĩa rộng, là loại hồi ký viết nhiều về tiểu sử cá nhân mình thôi, cũng ai nào chịu đựng được như thế. Do đó, khi sánh ví Hội thánh với Bệnh viện lại đã nảy sinh trong tôi một hình ảnh về kinh nghiệm bản thân sau những ngày chứng kiến thân mẫu tôi qua đời. Kinh nghiệm này khiến tôi đồng cảm với những người chống đối lại buổi nói chuyện về bệnh viện, trong đó có thân mẫu của tôi là vua chống đối những chuyện như thế kể cả chuyện ra đi về cõi chết. Bởi, bà cũng đã chiến đấu rất nhiều ngày trước khi Bà đành chấp nhận sự chết. Bà là người chuyên môn chối bỏ mọi sự và thương thảo mọi chuyện; luôn tìm kiếm thêm ý kiến của đệ tam nhân và có khi cả đến đệ tứ hoặc đệ ngũ nhân cũng không chừng. Bà vẫn cho là mình vẫn nghe lời bác sĩ riêng của bà đấy chứ. Nhưng, Bà chỉ nghe những điều bà thực sự muốn thế. Bà uốn éo một cách tài tình và chủ động trong mọi cuộc cãi vã/bàn thảo để đưa bà vào bệnh viện. Có lần bà từng nói: “Sở dĩ Mẹ làm thế là vì nghĩ rằng nếu Mẹ chào thua mọi sự tức có nghĩa rằng Chúa không thể làm được phép lạ, đâu!”

Thực sự, thì Chúa sẽ làm phép lạ, nhưng không phải là phép lạ mà ta có thể trông ngóng, đợi chờ. Đó là loại hình hy vọng mang tính ngôn sứ về Hội thánh và chức năng của linh mục mà tôi muốn diễn tả ngang qua hình ảnh về “Bệnh viện”. Bởi lẽ kinh nghiệm giúp tôi nhớ lại những ngày mà các công-nhân-viên ở bệnh viện nọ từng quây quần bên mẹ tôi và gia đình tôi một cách rất chân tình và dễ thương. Với động thái vững chãi nhưng dịu dàng, họ đã giúp chúng ta chuyển dịch vượt quá hành xử cứ bám vào cuộc sống mong manh như ta vẫn biết nó chấm dứt cũng rất chóng. Nó giúp ta chấp nhận sự thể là mình không tài nào thoát khỏi mọi mất mát và tái lập chuyện khép kín và đóng khung một tiến trình và coi đó như kinh nghiệm sống trọn vẹn hiện tại ta đang có, để nắm giữ hiện tại ấy cho thật chắc.

Chắc chắn là, Chúa sẽ để cho phép lạ được xảy ra, nhưng không phải như ta trông đợi. Tôi không hoàn toàn thấy chắc về những gì mang ý nghĩa cụ thể cho Hội thánh. Tôi cũng chẳng có được “thần học về bệnh viện” được triển khai một cách hoàn toàn hoặc trọn vẹn. Tôi thấy thoải mái khi nghĩ về sự thể trở thành ngôn sứ theo nghĩa tinh thần và ý thức hơn là thực tại. Thế nhưng, tôi nghi ngờ rằng: cũng giống như các công-nhân-viên ở bệnh viện, anh em linh mục chúng ta đang đứng với người sắp chết, tức với Hội thánh và chính chúng ta là thành viên- trong hy vọng, đoàn kết và yêu thương để giúp Hội thánh và giúp nhau mà sống theo cung cách trọn vẹn trong khi mình đang chết dần mòn. Một ví dụ cụ thể, là như nhân viên nọ ở bệnh viện có nói với chúng tôi là: mẹ tôi sẽ sống một số ngày rất vui vào những tuần lễ cuối trong đời bà; và chúng ta phải biết vui hưởng những ngày ấy cách trọn vẹn, chứ! Cũng thế, là thành viên hội thánh, hàng ngũ linh mục chúng ta có khả năng và phải vui hưởng “những ngày vui” như thế, chẳng hạn: ngày chịu chức, tuyên thệ hoặc quyết định chọn gia nhập đoàn ngũ các đấng bậc từng đáp ứng lời mời gọi của Chúa và làm thế mà chẳng chối từ một kết thúc không tránh khỏi được. Với tâm tình suy nghĩ về bệnh viện , ta cũng có thể đồng hành với Hội thánh vào những ngày quá tệ quá xấu, cùng đứng cạnh với Hội thánh trong những ngày sôi nổi, sáng tạo và trung thành triệt để mà không rơi vào tình trạng tuyệt vọng đến độ không còn quyền uy sức mạnh gì nữa.” (x. Lm Bryan N. Massingale, See, I Am Doing Something New!! Prophetic Ministry for a Church in Transition, 20th Annual Spring Assembly of Priests Archdiocese of Milwaukee , 16/12/2004)

            Thế đó, là những lời lẽ chân tình của đấng bậc mục tử rất đáng để ta nghĩ suy. Nhưng đây, là lời lẽ của nghệ sĩ lão gia từng dịch nhạc của Christophe, vẫn như thế. Như thế và như thể, tình ái cuộc đời của thánh hội vẫn có cơn đau, rất như sau:

                        “Đau! Bằng sóng biếc cao, nơi biển xanh.
                        Đau! Với áng mây bay vút mau
                                Khiến ta u sầu nhìn nắng hắt hiu, Ôi nắng yêu
                        Theo nhau khoe màu bay trên trời cao nắng chiếu…”
                        (Christophe: Mal – bđd)

            “Theo nhau khoe màu bay trên trời cao..”, phải thế không? Phải chăng Hội thánh của ta, nay vẫn thế? Vẫn cứ khoe màu, “với áng mây bay vút cao”. “Bằng sóng biếc cao”, “Nơi biển xanh”, lanh chanh một cõi. Cõi vô thường nhưng rất thường mà vẫn cứ tranh cứ giành, dù chỉ một hão huyền, hoặc tiền bạc?
Phải thế không là Hội thánh trần gian vẫn mang nặng quá nhiều “tham, sân si” của gian trần nhiều mầu mỡ? Phải thế không, Hội thánh/Nước Trời ở trần thế, nhưng không còn đứng cạnh và đứng với những người trần, vẫn rất tục?
Hỏi là hỏi thế, có những câu hỏi được gửi các đấng bậc, để rồi lại sẽ có câu đáp trả, vẫn rất hay như sau:
“Giả như Đạo Chúa -do Hội thánh truyền bá khá rộng- được coi là văn hoá rất riêng, hầu sống đời lý tưởng, thì đó cũng không chống đỡ được thế giới phàm tục. Đọc trình thuật thánh Luca đoạn 4 câu 21-30 sẽ thấy thánh-nhân mô tả Hội thánh Chúa là thức ăn bổ dưỡng hết mọi người. Thánh-nhân không mấy đặt nặng việc diễn tả Chúa như Đấng Mêsia chịu nạn cho bằng Ngài là Đấng đã Phục Sinh quang vinh. Ngài đã chiến thắng khổ đau và nỗi chết của chính Ngài và cả thân mình Ngài là thánh hội nữa. Chết, theo nghĩa chia cách/tách rời và Phục Sinh với nghĩa rộng gồm tóm mọi người bao gộp cùng sống trong yêu thương, chung đụng.
            Điều mà thánh Luca vẫn làm, là: cho thấy mô hình chính yếu qua đó mọi cái hay/cái đẹp không thể do Hội thánh và thế giới này mà ra. Đó chỉ là biểu tượng. Biểu tượng rất đặc trưng dạy ta cách sống không theo cung cách đặc thù nào đó, nhưng sống thực. Thánh Luca muốn chứng tỏ rằng những gì thuộc về quá khứ do từ Hội thánh mà ra thôi đâu, nhưng thánh-nhân còn muốn hướng ta trở về với đặc trưng “dân dã” khá cởi mở và chiêm nghiệm với thế giới có cuộc sống rất dân gian hoà trộn các kẻ tin với những người còn ngờ vục sự thánh thiện của Hội thánh, để rồi ta học cách sống có tự do, biết lắng nghe và hiểu thấu dấu chỉ của thời đại mà tham gia cuộc sống ở bên ngoài. Chính đó là Hội thánh rất Nước Trời, ở trần gian.” (trích Lm Kevin O’Shea CSsR Suy niệm Chúa Nhật thứ 4 mùa thường niên năm C 03.02.2013)

            Hiểu và thông cảm Hội-thánh-Nước-Trời ở trần gian như thế rồi, chắc hẳn bạn và tôi, ta cứ hiên ngang mà nghe lời hát của nghệ sĩ lão thành từng chiêm niệm về “Cơn đau tình ái” ở đời mà có thêm câu hát, rất như sau:

                                    “Ta vẫn thương ta,vì nhớ mãi một tên, người xa.
                                    Ta thương ta, vì xót xa Em trong áo hoa
                                    Đã khiến ta hững hờ
                                    vì tiếng ca Em ôm ấp ta
                                    Đêm dạ hội ngọc ngà, câu ca làm rung cõi nhớ…”
                                    (Christophe: Mal – bđd)

            Hiểu và thông cảm những lời của người đời rất “nghệ sĩ” như thế rồi ta lại sẽ cảm thông với đấng bậc vừa có lời ở trên lại nói thêm:

“Riêng tôi vẫn nghĩ rằng Hội thánh-đã-đổi –mới nay đang đến. Có thể Hội thánh sẽ đen đủi hơn, nghèo hèn hơn, dễ có cảm xúc, bén nhạy và nữ tính hơn. Cũng có thể, Hội thánh tương lai ít bớt hàng giáo sĩ, nhưng lại mang tính tập thể/tập đoàn hơn. Hội thánh ấy, có thể ít quan tâm hơn về chuyện bác ái hoặc bố thí, nhưng lại để ý nhiều về công lý và hoà bình hơn, đa văn hoá đa ngôn ngữ, và cởi mở, bớt tập trung vào một mối rất trung ương như khi trước. Nhưng Hội thánh ấy sẽ phản ánh tốt hơn về tính đa dạng trong đời sống của Chúa Ba Ngôi, hơn. Nhưng có điều chắc rằng: Hội thánh ấy sẽ mới mẻ… chỉ có thể trở thành hiện thực mà xuất hiện với sự qua đi của Hội thánh hiện tại. Và tôi dám đề nghị mỗi vị thành viên trong Hội thánh hiện tại phải làm sao để Hội thánh đương đại nhất định qua đi ngõ hầu mới có thể giúp cho Hội thánh mới mẻ được nảy sinh. Nói theo cách nghịch thường, thì: công-nhân-viên của bệnh-viện-là-Hội-thánh trong tương lai cũng đồng thời là cô mụ/cô đỡ của sự sống mới, rất phục sinh.” (x. Lm Bryan N. Massingale, bđd) 

            Hiểu và cảm nghiệm những gì là “cơn đau tình ái” rất Hội thánh ở trần gian, vẫn có lời bàn của đấng thánh ở trình thuật lời Chúa, vẫn nói rằng:

                        “Tôi bảo thật các ông:
không một ngôn sứ nào được chấp nhận
tại quê hương mình.”
(Lc 4: 24)

            Hiểu và thông cảm cho Quê-hương-Hội-thánh ở trần gian, cũng đều thế. Tức: chẳng ngôn sứ nào của Hội-thánh-Nuớc-Trời hôm nay lại sẽ được chấp nhận. Chấp nhận, theo cung cách của đấng bậc được sai đi mà giảng rao về Tình Ái “có cơn đau” mà nghệ sĩ nhà ta diễn nghĩa bằng câu: “Ta thương ta”, “vì xót xa”, và “Em trong áo hoa, khiến ta hững hờ.”
Hiểu và cảm thấy “Cơn đau tình ái” ấy, khi tác giả Christophe lại cứ viết đôi câu tiếng Pháp rất như thể: “Ta nhớ tên Người Yêu, nhớ lời hát năm xưa có những câu/những lời từ ngục tù…” Dĩ nhiên, ca sĩ Christophe chẳng cố ý bao hàm chữ “ngục từ” ở đây có nghĩa trần gian hay “Hội thánh”, đâu. Có thể, ông cũng chẳng cảm nghiệm Nước Trời đến độ thế. Bởi, Nước-Trời-Hội thánh đâu tệ bạc đến như thế. Như thế, tức: đâu là ngục tù có lời ta thán, vãn than, lan man vẫn rất buồn.
   Nghĩ thế rồi, hẳn bạn và tôi, ta lại sẽ ngâm nga lời ca của Christophe, những hát rằng:

            “Ta vẫn thương ta, vì nhớ mãi một tên nguời xa
            Ta thương ta, vì xót xa Em trong áo hoa
            khiến ta hững hờ…”
            (Christophe: Mal – bđd)

Cũng có thể, hôm nay và mai ngày, lời người nghệ sĩ lại cũng ám chỉ những Em và những Anh trong Hội-thánh-Nước-Trời vẫn có tâm trạng rất như thế.   
Tâm trạng mình ra sao, tâm tư mình có thế nào đi nữa, hãy cứ nhớ Lời vàng, Ngài vẫn bảo: “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận, ở quê mình.” Hãy cứ hy vọng: điều đó sẽ không xảy đến ở Quê-Hương-Nước-Trời, là Hội thánh.

Trần Ngọc Mười Hai
Cứ nghĩ mãi
về lời ca có cả lời vàng
ở Nước Trời Hội thánh
rất gian trần.

No comments: