Tuesday, 28 September 2010

”Mời người lên xe, về miền quá khứ

Mời người đem theo, toàn vẹn thương yêu.”

(Phạm Duy – Nghìn Trùng xa cách)

(Col 3: 12-13)

Khóc với cười, suốt một đời. Thế đó, là hành trình. Hành trình của sự sống. Sống, là luôn có hành và có trình. Di hành những nơi đâu? Trình bày và tự sự cùng ai? Với ai? Hỏi như thế, vẫn cứ là câu hỏi, để mà hỏi. Chứ, sự thật thì khi bạn và tôi, ta có đi vào với đời người, thì có ma nào buồn trả lời, trả vốn đâu. Chẳng trả gì cho câu hỏi tuy không khó ấy.

Hành trình của sự sống, nhiều lúc thấy cũng trớ trêu. Dị kỳ. Nghịch ngạo. Nghịch thường và ngược ngạo hệt như chuyện vừa mới xảy đến với bần đạo, vào ngày đi công tác với tư riêng ở trời Tây, đất Pháp. Gọi là đi Tây, nhưng bần đạo lại cứ chúi mũi vào với cuốn “Cuộc đời và lời dạy của các bậc thày miền Viễn xứ, bên trời Đông” của học giả Baird T Spalding.

Nghịch và ngạo, là thói quen vẫn có của đàn anh/đàn chị nay đi trước. Một lề thói rất quen quen, nhất thứ là khi có ai đó muốn tìm và hiểu Đạo lý vẫn cứ phải và cứ nên trở về với cội nguồn của Hội thánh là mẹ, xuất thân từ trời Tây. Chứ, ai đâu kiếm tìm “đường xưa lối cũ” của các cụ tận chốn tít mù. Lặng thinh. Im tiếng.

Chẳng thế mà, càng đi vào chốn lặng thinh im ắng, người người càng nhận ra điều mà nghệ sĩ họ Phạm từng diễn tả bằng ngôn từ, rất thi tứ:

“Đứng tiễn người vào dĩ vãng nhạt mầu

Sẽ có chẳng nhiều đớn đau

Nối gót người vào dĩ vãng nhiệm mầu

Có lũ kỷ niệm trước sau…”

(Phạm Duy – bđd)

Quá khứ. Mà, lại là “dĩ vãng nhiệm mầu”. Kỷ niệm. Mà, lại là “một lũ truớc sau”. Thì, chắc chắn, cũng chỉ gồm toàn ngững người từng di hành vào với quá khứ, rất nhạt mầu. Đâu có nhiều đớn đau. Âu sầu. Khổ não!

Ấy thế mà, người đời thường nghe thấy như có nỗi sầu vạn cổ, toàn những là:

“Vài cánh xương hoa nằm ép trong thơ

Rồi sẽ tan đi mịt mù

Vạt tóc nâu khô còn chút thơm tho

Thả gió bay đi mịt mù.”

(Phạm Duy – bđd)

Hành trình về miền viễn xứ, Đông hoặc Tây. Nam hay Bắc, sẽ không chỉ thấy “mịt mù”, để “thả gió bay đi”, mà thôi. Còn, hành trình về với nhà Đạo, vẫn có “chút thơm tho”. “Nằm ép trong thơ”. “Đợi chờ”. Ép, nơi thi ca/âm nhạc dạt dào một tìm kiếm. Kiếm và tìm cả hồn Thơ. Hồn người. Lênh láng máu. Và, hồn.

Hành trình nhà Đạo hôm nay, người đời đã và sẽ còn gặp Thầy Chí Thánh, nơi đấng bậc rất “thày”, ở nhiều nơi. Như học giả B Spalding từng gặp nơi khung trời mở ngỏ, ở xứ Ấn.

“Các bậc “thày” ở xứ Ấn vẫn chấp nhận rằng Phật là con đường dẫn đến sự rọi sáng, nhưng các vị ấy vẫn quả quyết rằng Đức Kitô đích thực LÀ sự Rọi sáng, hoặc chính sự thức tỉnh luôn soi dọi mà chúng ta kiếm tìm. Đức Kitô là chính Sự Sáng cho mỗi cá thể. Chính vì thế, Ngài là sự Sáng cho mỗi trẻ sinh ra ở thế trần.” (x. Baird T Spalding, Life and Teaching of the Maters of the Far East, DeVorss Publications Camarillo, California 1972 Vol. 1 p.7)

Hành trình nhà Đạo về với trời Đông, người đời còn bắt gặp rất nhiều thứ. Những thứ như sức sống mãnh liệt. Tuổi trẻ ưu việt. Nguồn ân sủng dồi dào cao siêu chìm trong im ắng. Để rồi sẽ lại nhịp nhàng. Siêu thoát. Bắt và gặp, là gặp như thế này:

“Êmilô nói: Đây là Đền Lặng Thinh”, là Chốn ngự trị của Quyền lực. Thinh lặng là Sức mạnh. Là, Quyền lực. Bởi, khi ta đạt chốn miền lặng thinh trong tâm hồn, là đạt đến chốn ngự trị của Quyền lực. Ở nơi đó, tất cả đều nên một. Một quyền lực - Đức Chúa. .. Quyền lực phát tán là ồn ào. Quyền lực tập trung là thinh lặng. Bằng vào tập trung (kéo về tâm), ta đem mọi sức lực của ta vào với tâm điểm của sức mạnh, khi đó ta gặp Đức Chúa trong lặng thinh. Ta kết hợp làm một trong Ngài và từ đó là một với mọi quyền uy thế lực. Đây là di sản dành để cho con người.(x. Baird Spalding, sđd t. 34)

Hành trình của nhà Đạo, có Chúa dạy bảo, còn là hành trình tìm Sự Sống, rất miên trường. Nơi nỗi chết. Như thánh sử từng ghi chép lại Lời Chúa, rất như sau:

Đức Giê-su liền phán:

"Chính Thầy là sự sống lại

và là sự sống.

Ai tin vào Thầy,

thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.”

(Yn 11: 25)

Các đấng bậc làm thày ở Phương Đông đã nhận ra được điều Thầy Chí Thánh nói, nên đã sống. Các vị ấy còn quan niệm “Chết là bước khởi đầu của sự sống” nữa. Sự sống ấy rất hiên ngang. Miên trưòng. Mãnh liệt. Cứ nhìn các bậc thày đạo sư ngồi thiền, người người cứ tưởng chừng như các ngài đã và đang lịm chết, trong cõi nào đó. Nhưng thật, các ngài đang sống rất mạnh. Rất bền. Trong nỗi niềm tưởng như không còn sống cho thân xác rất đoạ đày. Rày đã chết.

Tương quan sống/chết – chết/sống là tương quan rất sống động. Thực tiễn. Mà, chỉ những ai có kinh nghiệm về một hành trình đi vào cõi chết –tức vào khởi đầu của Sự Sống- mới nhận thấy. Và, đạo sư Phương Đông đã nhận ra điều ấy, trong cuộc sống. Của chính mình.

Có sự trùng hợp nào đó giữa nhà thơ và nhà Đạo, khi nghệ sĩ ngoài đời, lại vẫn hát:

“Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi

Còn gì đâu nữa mà giữ cho người...”

(Phạm Duy – bđd)

Quả có thế. Khi các vị thượng sư ngoài Đạo, hay con dân trong Đạo đã quyết định ra đi dần vào cõi chết để tìm đến sự sống miên trường, hãy cứ để sự việc diễn tiến như thế, như giòng nhạc đời còn diễn tả:

“Trả hết về người chuyện cũ đẹp ngời

Chuyện đôi ta buồn ít hơn vui

Lời nói, lời cười

Chuyện ngắn chuyện dài

Trả hết cho người, cho người đi

Trả hết cho ai ngày tháng êm trôi…”

(Phạm Duy – bđd)

Cứ trả đi. Trả hết cho người. Cả cho đời. Để rồi, mời bạn và mời tôi, ta đi vào cõi sáng. Dù đó có là bóng tối nhân gian cuộc đời. Một đời người. Có dối gian. Tranh chấp. Những ước vọng. Bởi, đã có một thời để sống, đủ rồi. Nay, hãy chọn thời để chết. Chết, cho tháng ngày mải sống đam mê. Ê chề. Nhiều nghiệt ngã. Vọng tưởng.

Hãy cứ tìm cõi sống-tưởng-chừng-như-đã-chết, ở đâu đó. Chốn tu trì. Thâm trầm. Thoát tục. Này đây, phương trời đời tu im ắng, chốn chiêm niệm. Là nơi, để bạn để tôi, ta cứ đầm mình trong cõi chết. Chết cho cõi lòng còn tham-sân-si, đầy mộng ước. Chết cho cuộc tình còn tiếc nuối. Chốn gian trần.

Đấy kìa Lời Vàng của Thầy Chí Thánh, vẫn hằng khuyên dân con trong Đạo, ngoài đời, còn tìm kiếm, rất sự sống:

“Còn anh, khi cầu nguyện,

hãy vào phòng, đóng cửa lại,

và cầu nguyện cùng Cha của anh,

Đấng hiện diện nơi kín đáo.

Và Cha của anh,

Đấng thấu suốt những gì kín đáo,

sẽ trả lại cho anh.”

(Mt 6: 6)

Nguyện cầu như Thầy dạy, còn là phương án đi vào sự chết. Chết rất lặng. Rất đầm mình. Trong tương quan nguyện cầu với Cha. Với Chúa. Là, đi vào sự lặng thinh. Bởi lặng thinh, không chỉ là tình đã thuận với cái chết. Chết cho mình. Cho Chúa. Nhưng, là đầm mình vào với cái chết của Đức Chúa, Đấng dạy ta chết đi cho chính mình, vì sự sống của con người. Để, các người con –là ảnh hình của Ngài- sẽ nên một với Ngài, trong cõi miên trường Sống Lại. Mãi mãi. Nơi tình thương.

Hành trình vào cõi chết, ở trời Tây hay phương Đông, không là tìm huỷ hoại chính mình, trong nỗi chết thể xác. Bởi như thế, vô hình chung, mình tự phá hủy Đền Thờ của Thánh Thần Chúa. Mà là, tìm đến những gì là thấp kém. Hiền hậu. Khiêm hạ.

Nói nôm na, thì hành trình về với trời Đông có nỗi chết, là hiểu, là biết và thực hiện điều mà thánh Phaolô tông đồ đã hơn một lần nhủ khuyên. Cảnh báo:

“Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa,

hiến thánh và yêu thương.

Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm,

nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại.

Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau,

nếu trong anh em

người này có điều gì phải trách móc người kia.

Chúa đã tha thứ cho anh em,

thì anh em cũng vậy,

anh em phải tha thứ cho nhau.

(Côl 3: 12-13)

Chính đó là cung cách của người tìm cho mình sự chết đi cho chính mình, trong lặng câm. Thâm trầm. Nghiệt ngã. Một khi đã tạo được cung cách ấy rồi, người người sẽ chẳng bao giờ còn lo lắng cho mình sẽ phải làm gì cho xứng đáng. Sẽ không lo ăn làm sao, nói làm sao, trước những đòi hỏi táo bạo của Thầy Chí Thánh.

Hiểu được như thế, ta lại sẽ cùng người nghệ sĩ ở ngoài đời, tiếp tục hát:

“Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi

Còn gì đâu nữa mà giữ cho người...”

(Phạm Duy – bđd)

Còn gì đâu nữa mà giữ cả cho mình. Bởi lẽ, mình có là gì đâu trước tình yêu bao la của Đức Chúa. Có giữ chăng, chỉ nên giữ mỗi điều này, là niềm vui. Cho mình. Cho mọi người. Như truyện kể khá vui ở bên dưới, để cho vui.

“Truyện kể rằng,

Gia đình người Việt ở quê nhà, có thói quen coi mặt đặt tên cho con, rất cắc cớ. Ngay khi con cái chào đời, hễ đứa nào mặt buồn rười rượi, ông bà đặt cho cháu cái tên, rất buồn, là thằng Buồn. Hễ con bé trông vui vui, ông bà lại đặt tên cho cháu là Vui. Vui hay Buồn, cháu nào cũng gặp chuyện vui buồn tréo cẳng ngỗng, rất như sau. Cháu Buồn, gặp lúc lớn đến trường học, cứ bị bạn bè thầy cô gọi lại mà bảo: Buồn ơi chào mi. Rất nhiều khi.

Còn cháu Vui, mắc phải bệnh quái ác, trời không cho sống giai sống khoẻ. Khiến bố mẹ đau xót, cứ tức tưởi mà khóc, mà la, những câu than vãn rất đứt ruột:

-Ối giời ơi. Vui ơi là Vui… sao con tên Vui mà chẳng làm bố mẹ vui. Ấy Vui ơi là Vui.

Vui buồn cuộc đời nhiều lúc cũng trớ trêu. Nghịch ngạo. Rất nên phiếm. Tuy nhiên, hôm nay phiếm đã dài. Bần đạo những muốn nhường lời cho người nghệ sĩ hát lời cuối, rất nên thơ. Như lời thơ rất nhạc:

“Trả hết cho người, cho người đi

Trả hết cho ai cả những chua cay

Ngày chia tay, lặng lẽ mưa rơi

Một tiếng thương ôi, gửi đến cho người

Trả nốt đôi môi gượng cười

Nghìn trùng xa cách đời đứt ngang rồi

Còn lời trăn trối gửi đến cho người...

Nghìn trùng xa cách người cuối chân trời

Đường dài hạnh phúc, cầu chúc cho người.

(Phạm duy - bđd)

Quả là thế. Có trả cho người, cũng đừng trả những chua cay. Chia tay. Rất lặng lẽ. Trái lại, hãy cứ gửi đến cho người, ở cuối chân trời lời cầu chúc rất hạnh phúc. Sướng vui. Một cuộc đời.

Trần Ngọc Mười Hai

Nghĩ về đời người

nhiều lúc vẫn thấy vui.

Vui với người.

Với mình.

Để mọi người được vui.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )

No comments: