Saturday 4 September 2010

“Ngày đó, có em đi nhẹ vào đời”

Và mang theo trăng sao

đến với lời thơ nuối.”

(Phạm Duy – Ngày Đó Chúng Mình)

(Yn 12: 35-36)

Đi nhẹ vào đời, người đời rày có em. Nơi nhà Đạo. Ở nơi đó, vẫn có người anh chuyên lanh chanh. Xục xạo. Tạo tình tự thân thương, cũng rất gần. Đi nhẹ vào đời, còn đó một tình tự rất thân và rất thương của người em linh mục còn rất trẻ, gặp nhau chỉ mới một lần, đã thân thưa đôi lời rất ngọt:

“Chân thành cảm ơn Bác đã chia sẻ lá thư thật mùi mẫm. Con và cha Nguyễn Quang Duy, thì chả biết viết thư hoặc bài bản gì hay ho như vậy, dù cảm xúc có khi còn nhiều hơn thế! Vậy là từ nay Tỉnh Dòng mình sẽ sẻ san thư cha Giám Tỉnh hàng tháng cho Gia Đình An Phong các nơi để mọi thông tin đều đến với anh chị em “ngoài Tu viện”.

Con đi đây đi đó cũng khá nhiều, nhưng phải công nhận là tình cảm của gia đình An Phong mình bên đó là number 1.”(trích thư người em linh mục nhà đề ngày 06/06/10)

Đi nhẹ vào đời hay đi vào nhà Đạo rất nhè nhẹ, là “mang trăng sao”, có “lời thơ nuối”. Để rồi, bạn và tôi, ta lại hát:

“Ngày đôi ta ca vui tiếng hát vói đường dài

Ngâm khẽ tiếng thơ, khơi mạch sầu lơi

Ngày đôi môi, đôi môi đã quyết trói đời người

Ôi những cánh tay, đan vòng tình ái.”

(Phạm Duy – bđd)

Ngày ấy, đi vào đời nhè nhẹ, những tôi và bạn lại đã gặp được tình tự của người anh/người chị tuy vừa chợt thân, đã thấy thương. Thương tình rất thân, là tình bạn hiền ở phương trời xa nơi đất Mỹ, kể khá kỹ:

“Đệ có một tay bạn làm nghề thầy thuốc. Trong lúc ngồi quán café nhả khói (tay này tuy là thầy thuốc vẫn thường hay khuyên nhủ mọi người hãy bỏ thuốc, nhưng chính mình lại cứ điếu này đến điếu kia tiếp không ngừng, đệ có hỏi anh một câu, như sau:

-Này bạn, tôi đây hơi nặng cân nặng ký chút ít, máu hơi cao, mỡ cũng không thấp. Tôi muốn xin bạn một lời khuyên cho tôi, có được không?

Sau khi phun cao làn khói ngoằn ngoèo dài những thuốc, chàng y sĩ bạn của đệ cứ thư thả nói:

-Mọi chuyện chữa trị của thầy thuốc đều dựa vào khoa học thực nghiệm. Qua quá trình nghiên cứu và giảo nghiệm, tôi thấy mình cũng chẳng nên khuyên bạn bè điều gì, duy chỉ một điều là: vẫn muốn tặng bạn một cái nhìn rất ư là thực tế để bạn tự liệu mà sống. Này nhé: bạn có thấy ông bà nhà mình không? Các cụ đều là người Việt. Sống rất ư là nguyên tắc. Thể thao, thì hăng say không có gì để chối cãi. Ăn uống, lại kiêng khem đủ mọi thứ. Bạn lấy làm ngạc nhiên ư? Này nhé, mới 5 giờ sáng các cụ đã chẳng trỗi dậy để tập thể dục là gì? Các cụ lại còn tập đến nơi đến chốn nữa là đàng khác. Cứ là 5, 6 tiếng đồng hồ. Có khi đến 7, 8 tiếng một ngày, là chuyện thường. Ăn, thì ăn toàn những rau là rau. Thịt mỡ, các ngài chê tới bến. Kẹt lắm, các cụ chỉ dùng chút nước mắm để có chất đạm, thôi. Ấy thế mà được mấy vị sống tới 70 đâu? Các cụ ngày xưa từng bảo: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy” đấy thôi! Bạn chưa hiểu điều tôi muốn nói ư? Bạn có chạy cả ngày cũng đâu bằng các cụ thường vác cuốc ra đồng, chạy không ngừng nghỉ. Và, tiền đào đâu ra để các cụ cứ là thịt cá ê hề như bọn mình, phải thế không? Trong khi đó, thì người Tây –chí ít là người Mỹ ở xứ này- bạn thấy không bọn họ tối ngày hết bơ sữa, rồi lại thịt bò bí tết, gà quay khoai tây chiên, thuốc lá xì-gà thì lúc nào cũng phì phà gắn chặt trên môi. Ấy vậy, mà tay nào tay nấy vẫn cứ khỏe như voi. Có vị còn sống trên trăm tuổi, nữa là.

Thử nghĩ mà xem! Hãy liệu mà sống cho bản thân, sẽ biết thân .....

Đệ nghe nói cứ há hốc mồm, thấy cũng có lý! Bèn đứng dậy bắt tay người bạn vàng thầy thuốc để tỏ bày niềm cảm kích rất hăng say, rồi ra về. Từ nay, quyết thụ hưởng đệ nhất thú vui trên đời.... Vợ con thấy ông chủ nhà ta hôm nay sao hung hăng “con bọ xít” đến thế! Đĩa thị bò bí tết thơm phức, cứ thế đệ “sực” chẳng còn lý gì đến báo cáo y khoa lẫn thư cảnh báo của bệnh viện từng căn dặn thế nào đi nữa, cũng mặc. Người nhà đệ hôm ấy cứ là đi ra đi vô, bốn mắt nhìn nhau rất ư dài lâu. Thật kinh ngạc. Riêng phu nhân Hoàng Dung của đệ, lâu lâu lại sờ trán xem nhiệt độ của đệ tăng lên cỡ nào - nét mặt nàng biểu hiện nỗi lo trông thấy ...

Đệ đem chuyện "khoa học giảo nghiệm" của bạn hiền thầy thuốc ra mà thuyết phục rất hùng hồn... rồi ngồi vào bàn tiệc cứ thế mà ăn với ngốn rất ngon lành. Rồi còn nghĩ: lâu rày mình kiêng với khem nhiều quá - thật rất uổng!

Thằng con thấy thế ái ngại nhìn bố một lúc rồi thủng thẳng đưa ý kiến, ý cò mà rằng:

“It is not right” – “dad” không nghĩ rằng người Mỹ họ sống dai là nhờ vào y khoa và thuốc men sao? Có thờ có thiêng, có kiêng có lành chứ bố!!! (trích thư điện của bạn Hoàng Dung/Quỳnh Tín đề ngày 13.7.2010)

Đi nhẹ vào đời, vẫn là đi như thế. Cũng rất lẹ. Đi nhẹ vào đời, là dám có ý kiến ý cò, so đo cả đời người. Để rồi, cuối cùng thì, hối tiếc. Hối rằng: đời mình lâu nay sao thấy uổng phí. Những kiêng khem. Đi nhẹ vào đời, còn là lời thơ/ý nhạc của nghệ sĩ nọ cũng từng mơ. Và mộng. Ở đời. Nơi có tiếng hát:

“Ngày đó, có ta mơ được trọn đời

Tình vươn vai lên khơi, tới chín trời mây khói.

Ngày đó, có say duyên vượt biển ngoài,

Trùng dương ơi!

Giữ kín cho lâu dài, tình đôi.”

(Phạm Duy – bđd)

Có mơ được trọn đời, thì bạn và tôi, ta vẫn cứ mơ về cõi nhà Đạo. Vẫn cứ “vươn vai” “lên khơi”, “tới chín trời mây khói”. Mơ về Đạo, trước nhất và nổi nhất, là đi nhẹ vào với ý kiến/ý cò của đấng bậc ở đâu đó, nói về thơ. Về nhạc. Nhưng không nói đến Chúa. Đến Trời.

Đi nhẹ vào đời, là cứ đi vào. Vào, để biết ý kiến ý kiến/ý cò của đấng bậc vị vọng nào đó chủ trương có giòng chảy âm nhạc rất nổi cộm, nhưng thiếu thơ. Thiếu Đạo. Thiếu tất cả. Đi nhẹ vào đời, là đi “xùng xục” thẳng vào quan điểm của Đấng Bậc trên cao rất Đạo, ở Sydney, khi đức ngài nhận định về động thái của nhóm nhạc quậy mang tên rất nổi cộm The Beatles hôm ấy, rất như sau:

“John Lennon từng là thành viên rất nổi của ban The Beatles có lần dám cho rằng nhóm hát của anh được mọi người biết nhiều hơn chính Đức Giêsu Kitô.

Thời gian nay như đã đổi thay. Hôm nay, thế hệ của tôi tuy đã lụ khụ nhưng vẫn nhớ rất nhiều thành quả của ban nhạc có một thời mang danh “tứ quái” đi khắp nơi. Hát rất nhiều. Quậy cũng không thiếu. Ban ấy có thời từng nổi hơn thiên tài nào đó, ở trời Tây. Thế nhưng, lúc đó, họ cũng đã tạo ra nhiều điều tệ hại về đạo đức khi viết lên một số nhạc bản nhằm chống đối tôn giáo. Chống cả tinh thần ái quốc, hợp quần. Chống mọi qui ước. Phản lại ý tưởng về tư bản. Đó là chỉ nói đến thiên tài âm nhạc là John Lennon, thôi.

Trong nhạc bản khá ăn khách có tên “Imagine” (“Cứ tưởng tượng mà xem”) John Lennon từng thôi thúc người nghe hãy mơ và ước về một thế giới trong đó không còn có thiên đàng, hoả ngục. Cũng chẳng còn tôn giáo, quốc gia. Không có gì để mà giết hoặc chết đi, cho lý tưởng.” John Lennon quyết tạo một sự bình an nào đó vốn là kết quả của sự kiện không còn tôn giáo trong cuộc sống của con người.

Hoa quả hôm nay ta đạt được từ tư tưởng lầm lạc trên đây là gia đình đổ vỡ, hiện tượng ma túy, chích choác, bệnh giang mai/hoa liễu, giới trẻ tự tử. Hành vi chối bỏ 10 điều giáo lệnh của Chúa, từ bỏ cả chuyện cần thiết phải tự nghiêm minh, kỷ luật không thể đem đến một bình an tự tài nào cho ai, và càng làm suy yếu hoặc hủy phá sự bình an hiền hoà trong xã hội.” (x. George Cardinal Pell TGM Sydney, The Catholic Weekly 18/7/2010 tr. 6)

Đi nhẹ vào đời nay còn có Đạo, dù không thấy nghệ sĩ ngoài đời nhắc đến Đạo, vẫn chỉ nghe:

“Ngày đó, có anh mê mải tìm lời

Tìm trong đêm rách rưới, cơn mê nào lẻ loi?

(Phạm Duy – bđd)

Đi nhẹ vào đời, với Đạo, được nghe thêm ý kiến mà đấng bậc nhà Đạo từng táo bạo đề cập như trên, sẽ lại dẫn dắt người thưởng ngoạn, nghe câu tiếp:

“Ngày đôi ta chôn vơi tiếng hát đã lạc loài

Chôn kín tiếng thơ rơi, ngậm ngùi rơi…”

(Phạm Duy – bđd)

Chôn vơi, tiếng hát đã lạc loài, phải chăng còn là ý kiến của một nhà Đạo khác, từng thắc mắc. rất như sau:

“Trong thời gian làm việc cho cộng đồng quốc tế ở Rôma từ 1985-1990, trước khi về với Rustenburg, Nam Phi nhận chức vụ chủ quản, thì một trong các trọng trách của tôi là cố dựng xây công cuộc thừa tác vụ cho giới trẻ, tại các nước ở trời Âu. Khi ấy, đã thấy rất nhiều người trẻ đã rời bỏ Hội thánh. Tôi làm việc với hàng trăm người trẻ Công giáo hăng say cởi mở biết tìm đến với bất công, nghèo đói trên thế giới. Họ đã nhìn ra và thấy được là các hệ thống kinh tế chính trị ở các nước có cấu trúc bất công, đang áp đảo thế giới. Lúc ấy, người trẻ không chỉ có cảm giác rằng Hội thánh “chính mạch” đã mất đi quan hệ thực tế với thế giới, thôi. Họ còn thao thức kiếm tìm một kinh nghiệm khác lạ về Hội thánh. Nói cách khác, họ vẫn tin rằng Hội thánh vẫn còn sống thích hợp để có thể ăn nói và làm chứng cho Chúa, trong thế giới đầy thách đố.

Những người trẻ nói ở trên nay đã rời bỏ Hội thánh rất nhiều. Cùng một lúc, đã và đang có hiện tượng về một lớp người trẻ Công giáo khác, gồm linh mục, tu sĩ và giáo dân, nay chỉ muốn tái tạo mô hình Hội thánh cổ xưa, có trước thời Công Đồng Vatican II.

Hiện nay, lại thấy có sự gia tăng các nhóm hội/đoàn thể rất bảo thủ xuất hiện nơi Hội thánh suốt hơn 40 năm qua. Thái độ của những người này dẫn đến hiện tượng mà bản thân tôi thấy khó mà đối đầu. Chẳng hạn như, nhìn vào bên trong Thánh hội, tôi đã thấy lo ngại cho thái độ chống đối/nghịch thù với thế giới phàm trần, kéo theo cái nguy của một chủ thuyết tương đối về mọi mặt; nhất là về sự thật. Đạo đức. Một Hội thánh tạo cho người ta cái cảm giác chỉ muốn “nấp dưới bóng cây đại thụ”. Tức là, chỉ muốn tin tưởng và tập trung vào quyền bính trung ương để đảm bảo sự đoàn kết có chung một kiểu cách để mà tin; ngõ hầu giáp mặt với hiểm nguy tư bề, đang rình mò. Chực sẵn. Họ lo sợ rằng: nếu không có được sự chỉ dẫn kềm chế; nếu cứ tự do mà quyết định cả đến những vấn đề ít hệ trọng hơn, thì rồi ra ta sẽ càng mở cửa cho một rẽ chia/đổ vỡ làm suy thoái sự kết đoàn trong Hội thánh”. (x. Gm Kevin Dowling CSsR, Reflects on trends in the Church, bài phát biểu với giáo dân hàng đầu ở Capetown, Nam Phi hôm 01/06/2010)

Đi nhẹ vào đời, với nhà Đạo, chẳng phải chỉ là xục xạo tìm biết những ngõ ngách, mà chỉ trích. Mà là, có thái độ như nghệ sĩ già nhà ta, thường cứ hát:

“Ngày đôi môi thương môi đã xé nát nụ cười

Ôi những cánh tay ngỡ ngàng tả tơi…”

(Phạm Duy – bđd)

Và, đi nhẹ vào đời, để thấy được Đạo, bạn và tôi, ta có tạo ra những khúc mắc, ỉ ôi. Nhiều chấm hỏi, như thế chăng? Đi nhẹ vào đời, với nhà Đạo, còn là xục xạo tìm cho ra ánh sáng cuối đường hầm, dù ngán ngẫm. Ánh sáng ấy, vẫn có thể là hy vọng. Là, nhận định về một ngõ thoát, rất như sau:

“Ngay nơi đây, vẫn còn vấn đề của lương tâm con người. Là người Công giáo, ta vẫn cần làm cho mọi người tin tưởng để có được nhận định, dù không chính thức, về sự làm chứng ta, rất của ta. Về cung cách diễn tả niềm tin. Về lòng Đạo. Lời cầu. Về, cả những chuyện như ta tham gia vào với thế giới. Tất cả, vẫn đặt nền tảng cho một lương tâm, có khai triển.

Ở nơi đây, cũng nên nhớ lại lời mời của thần gia gia Josf Ratzinger, nay là Giáo Hoàng Biển Đức thứ XVI, khi ngài nói đến vai trò của lương tâm như sau: “Trên cả Đức Giáo Hoàng khi ngài diễn tả một đòi hỏi ràng buộc vào thẩm quyền trong Giáo hội phải có quyết định này khác, vẫn còn đó chỗ đứng của lương tâm, buộc ta phải tuân thủ, đứng trước mọi thứ. Điều này tập trung nơi giá trị của từng người. Bởi lẽ, lương tâm buộc người ấy đối đầu với toà án tối cao và chung thẩm. Toà án cuối cùng họ tìm đến sẽ vượt quá đòi hỏi của mọi nhóm hội của xã hội bên ngoài, dù nhóm đó có là Hội thánh chính mạch. Điều đó, tạo ra nguyên tắc cần có để ta đối chọi với khuynh hướng độc tài, đang gia tăng.” (x. Gm Kevin Dowling trích dẫn Hồng Y Ratzinger trong Commentary on the Documents of Vatican II tập V, . 134 (nxb H. Vorgrimler, New York, Herder and Herder, 1967)

Hôm nay đây, bạn và tôi, ta đang đi nhẹ vào đời, có cả Đạo vẫn thấy đời và thấy Đạo mình có những chuyện, hệt như thế. Vấn đề là, lương tâm của mọi người lâu nay vẫn bị bỏ quên hoặc bị để một nơi không thế lấy ra mà giúp ta tiếp tục “đi nhẹ vào đời”. Đi, để rồi sẽ cùng với người nghệ sĩ già, ta hát tiếp:

“Ngày đó có bơ vơ lạc về trời

Tìm trên mây xa khơi, có áo dài khăn cưới.”

(Phạm Duy – bđd)

Người nghệ sĩ bơ vơ lạc về trời, trong khi người nhà Đạo lại dứt quyết thích nghi/thích hợp với đời người, nhiều hơn nữa. Cuối cùng, nên tin ai? Để trả lời, có lẽ hãy nên nghe lời vàng ở Kinh Sách, vẫn nhắn nhủ:

“Hãy lo mà đi,

bao lâu các ngươi còn có sự sáng,

kẻo tối tăm bắt chợp các ngươi;

ai đi trong tối tăm, thì không biết mình đi đâu.

Bao lâu các ngươi còn có sự sáng,

hãy tin vào sự sáng,

để các ngươi nên con cái sự sáng.

Đức Giêsu đã nói thế,

rồi Ngài bỏ đi và ẩn mình khỏi họ”

(Yn 12: 35-36)

Đi hay không, trong sự sáng, đã là vấn đề. “Đi nhẹ vào đời”, với “sự sáng” hay không, lại là vấn đề khác. Vấn đề rất sáng và rất lạng. Sáng lạn của đời người, nơi đó còn có những lời ca, được đúc kết làm câu chót của nhạc bản mà nghệ sĩ già, đà nhắn nhủ:

“Ngày đó, có kêu lên gọi hồn người

Trùng dương ơi! Có xót xa cũng hoài mà thôi.”

(Phạm Duy – bđd)

Xót xa. Hoài mà thôi. Là, vẫn cứ hoài một lời nhắn rất nhủ, từ đấng bậc vị vọng ở nhà Đạo, lẫn ngoài đời. Rất chơi vơi. Rạng ngời. Cần ghi nhớ.

Trần Ngọc Mười Hai

Thấy cũng cần

cần ghi và cần nhớ

những nhắn nhủ

của Đấng Bậc lành thánh trong Đạo.

Ngoài đời.

Rất lên khơi.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )

No comments: