Saturday, 28 August 2010

“May Mà Có Em”

May mà có em”.

(Nguyễn Thiện Bản – MayMà Có Em)

(Mt 6: 33)

Chính đó, là tựa đề và ý từ của nhạc bản do người viết nhạc “Đạo vào đời”, rất tài tử. Nhạc của anh tuy không chuyên, nhưng rất đạt. Tên anh là Bosco Nguyễn Thiện (rất) Bản, người anh em trong đại Gia Đình An Phong ở Mỹ mà bần đạo quen từ lâu, nhưng chưa một lần gặp mặt.

Dù chưa gặp mặt hoặc diện kiến dung nhan còn rất trẻ của anh, bần đạo cũng biết ý/từ anh sáng tác, là tư tưởng gợi hứng từ Đạo Chúa, mà anh gọi bằng “Em”. Em đây, đích thị là người em của anh, trong Đạo. Cũng có thể, là chính Chúa hện diện nơi tâm can bạn bè ở Nước Trời. Là tôi. Là bạn. Là chính chúng ta. Là ai nữa, vẫn xin gửi đến anh rất Thiện Bản tràng pháo nổ dòn. Rất cảm kích.

Cứ sự thường, bần đạo có thói tật không được hay cho lắm là: ít chịu “bốc thơm” người nhà mình. Chí ít, là người anh/người chị ở đâu đó, có Nước Trời. Bởi, ai lại cứ nghe “Em hát chị khen hay” bao giờ. Nhưng, ở đây người em hay hát -và hát rất hay- thuộc dân con nhà Đạo, ở Nước Trời. Bởi, anh đã nhận được thần hứng hứng từ nhiều thứ. Nhiều nơi. Trong đời. Từ chính trị/thời sự, cho đến thần học/tu đức. Rồi, biến nó thành ca khúc, dẫn người nghe vào cõi “mê” có chúc tụng, ngợi khen Chúa. Không tin ư? Xin bạn và tôi, ta nghe tiếp lời nhạc như sau:

“Từ khi quen biết em

Đời anh thấy vui hơn.

Em như cánh hoa thắm

Giữa vườn tình muôn sắc.

Tô thắm đời xinh đẹp,

Toả hương yêu dạt dào.”

(Nguyễn Thiện Bản – bđd)

Sự thật là thế đó. Nếu bạn và tôi, ta đồng ý với người viết nhạc họ Từ tên rất ư là Công Phụng, khi ông bảo: hễ người nghệ sĩ ới gọi tên “Em”, thì người ”em” đó không chỉ là “em tôi”. Mà là, người nghe hay người đọc, rất vân vân. Với nhạc bản hôm nay, “Em” còn có nghĩa là ”cành hoa thắm”. “Gió trong đêm”. Là, “con sông dài”, “áng mây trôi”, và gì gì nữa, nếu hát thêm:

“Em như nắng ấm quê ta,

Cho anh mơ ước bao la.

May mà có EM

Em như tiếng hát trong ta

Hương yêu thơm ngát muôn hoa.

May mà có EM

May mà có EM

May mà có EM.”

(Nguyễn Thiện Bản – bđd)

“May mà có Em”, là có những người, làm bạn/làm tôi thêm phấn chấn. Có những người tuổi rất nhỏ đang lưu lạc, ở đâu đó. Khiến mọi người, cả em lẫn tôi, ta vẫn kiếm tìm. Kiếm, một tình tự. Tìm, sự thân thương. Đã luột mất.

“May mà có Em”, cũng may là: vẫn còn đó, người anh/người chị đi trước, cứ khắc khoải/ưu tư về người “em” hôm trước, có còn ở thế gian. Chốn phàm trần. Đầy sự sống? Với giòng chảy ưu tư những tìm và kiếm, rất khắc khoải của một Marie Choquet, trong “Le Monde Magazine”, thì bạn và tôi ta đã bắt gặp giòng chảy tư tưởng qua chuyến Pháp du 24/7/2010, vừa qua:

“Từ lâu lắm, chừng như ta chẳng còn tìm hiểu gì đến giới trẻ, ở quê nhà. Chẳng còn biết họ đang ở nơi đâu. Chốn nào. Nay, mới lại tìm hiểu con người họ, qua lăng kính. Rất hiển vi. Sự thể là, ta lại đặt ra rất nhiều vấn đề, mà trước đây chẳng hề thấy. Tưởng chừng như đó là câu chuyện còn mới mẻ. Rất trầm kha. Sa đà. Cần ra tay tiếp cứu. Sa đà, vì người trẻ hôm nay chỉ biết những là bột trắng. Với tự vẫn. Cứ gia tăng rất đều. Mà thật ra trong đời họ chỉ thấy mỗi gia tăng, những là bạo lực.

Lâu nay, bạo lực đã trở thành vấn đề hệ trọng, mãi đến năm 2000, ta mới biết. Thế nhưng sau đó lại thôi, không đề cập đến. Thật hết sức. Nay, hãy thử suy tư về những gì ta có như một dữ kiện hiện rõ từ năm 1993, thời khắc có đến 1% số ngưòi trẻ trong nước vẫn gánh chịu nhiều bạo lực. Cả về giới tính. Cũng từ đó, ta lại thấy nó như một hiện tượng rất mới mẻ. Phải chăng đang có cái gì đó, vẫn đổi thay? Phải chăng, đây là dấu hiệu cho thấy người trẻ nay đang sa đà, tuột dốc? Không hẳn thế đâu. Bởi, điều này còn tùy vào góc độ, ta nhận xét. Thử xét về cái-gọi-là “bột trắng” lấy từ cây gai dầu mà xem.

Từ thập niên ’90, người ta đã nêu vấn đề này lên rất nhiều. Rồi cứ thế mà thiết lập/cài đặt một hiện tượng. Nay, thì chuyện ấy đã giảm sút. Chỉ mỗi điều, là nhiều người nay đâm ra lo âu. Sầu lắng. Hỏi han. Trong số những người ấy, có tôi. Lo rằng, ngày nay người ta thích tạo ra ảnh hình về người trẻ đang “sa đà”, làm cho thế hệ già đi trước, phải hoảng sợ. Ảnh hình tồi tệ, là làm thế sẽ tụt giảm phẩm giá của người trẻ. Và, đấng bậc mẹ cha, sẽ không còn biết quan tâm đủ về lớp người này, như trước.” (x. Marie Choquet “L’Image du jeune fait peur aux adultes”, Le Monde Magazine 24/7/10 tr. 24)

“May mà có Em”, còn là cái may ta vẫn được nghe. Được ngắm. Được gửi gắm đến bạn bè rất thân và rất thương, những lời nhạc dễ thương sau đây:

“Từ khi quen biết em,

Cuộc đời đáng yêu hơn.

Em như vị sao sáng

Giữa biển đời bao la,

Soi sáng trời tươi đẹp,

Tình yêu thương đậm đà.

Từ khi quen biết em,

Mọi người thấy như quen,

Em như ánh trăng thanh,

Lung linh ngàn sắc đẹp, bình yên.

Em như đêm trăng rằm

Thắp sáng tâm hồn anh,

Em như chút men say

Dạt dào sóng vỗ tim anh.

(Nguyễn Thiện Bản – bđd)

Tim anh. Và cả đến tim em. Vẫn là trái tim êm đềm. Trong sáng. Rất men say. Con tim chân chính ấy, vẫn lan toả nhiều mối tình. Tình Chúa thương, toả chiếu hồn em. Tình em yêu đương đậm đà tình Chúa, như được nhắc rất nhiều ở lời vàng Kinh Sách, rất như sau:

“Hãy tìm kiếm Nước

trước đã,

và sự công chính của Người.

Và, các điều ấy

sẽ được ban thêm

cho các ngươi.”

(Mt 6: 33)

“May mà có Em”, là cũng rất may, vì nay vẫn còn những người Em và Anh vẫn rất thánh. Cứ tìm kiếm “Nước” ở nhiều nơi. Kiếm và tìm, như thánh nhân ngoài luồng/trong Đạo, hằng ra sức. Ở đâu đó.

“May mà có Em”, lại cũng rất may, vì nay đang có người em/người anh vẫn kiếm tìm sự lặng thinh. Để trầm tĩnh. Tựa như tác giả Bernard Toutounji, ở Sydney, cũng đã một lần tìm kiếm an bình/hiền. Cũng nói câu “May mà có Em”, như sau:

“Tuần rồi, tôi lái xe cả trăm cây số về mạn Nam Sydney để tìm về miền đất rất trầm và rất tĩnh, có đan viện. Đan viện tôi kiếm tìm, là một viện tu cho nữ giới Dòng Biển Đức ở Jamberoo, để lưu trú ít ngày. Viện Dòng chuyên tu tôi tìm đến, là chốn miền trước kia tôi từng đặt chân, rất lặng thinh. Im ắng. Tịch mịch. Thật sự, thì ít lâu nay tôi để mất cái thói quen tìm về nơi thanh vắng mà nguyện cầu, như Chúa dạy. Nay tìm được nơi này, tôi như người mở bung đôi cánh rút về chốn vắng, rất ấm êm. Xa và vắng, khỏi mọi hệ lụy của cái thế giới ồn ào. Náo nhiệt. Chỉ tranh giành.

Đến với lặng thinh mà chiêm và ngắm, tôi mang trong đầu một đoạn Kinh Sách trong đó có ghi rõ Phêrô thánh nhân cũng tìm đến với Thầy mình, nhũng bồng bềnh trên mặt nước. Trong một phút rất căng, thiếu bình tĩnh lặng thinh nơi tâm hồn, thánh nhân đã lặn ngụp trong nghi nan. Đa đoan. Thất bại. Tôi cũng thế. Nhiều tháng ngày trước đó, tôi cũng bị ngập ngụa trong thách đố, có từ cuộc sống. Thách và đố đến mức độ, tôi phải viết vào nhật ký nguyện cầu, những giòng chảy đượm những tình tự ra như ngập chìm trong tăm tối. Đắm đuối. Rất kiệt sức.

Trong tình huống buồn như thế, tôi tự nhủ: thay vì tìm vào lời kinh oang oang đầy tiếng động, tìm cộng hưởng, như nhiều người vẫn làm, tôi chỉ tìm chốn ắng im. Chìm ngập trong ca hát. Những thánh vịnh. Lời ca. Của Hội thánh. Và cứ thế, trong bốn ngày tham dự đầy đủ các giờ kinh hôm, ban sớm. Rất nhẹ nhàng. Thanh thoát. Tôi ngồi đó, để hồn mình bay bổng. Lắng đọng. Để lòng mình bay theo cung nhạc thần thánh. Rất thanh tao. Của viện tu. Dòng nữ. Có tiếng hát rất thiên thần từ cộng đoàn Nước Trời, ở nơi đây, nay cảm hoá linh hồn tôi. Theo cung cách của giọt nước nhỉu trên đá tảng, đang rớm lệ.

Đúng như vị linh mục Dòng Biển Đức nọ từng ghi chú: “Nguyện cầu với thánh vịnh, ta cứ tưởng mình chỉ có thể cảm hoá cuộc sống của người nào đó, thôi. Nhưng, có thể là, ta đã thay đổi cả tầm nhìn của thế giới. Đổi và thay, cả những quyết định có tính kinh tế, chính trị, cũng không lâu.”

Cảm nghiệm ấy, tôi đã đạt chỉ trong vòng có 4 ngày trời ngắn ngủi. Thế cũng đủ. Đủ, để tôi thấy được chính con người của bản thân tôi. Đủ, để cùng với lời ca/câu hát, qua thánh vịnh, tôi kết hợp chính mình với thế giới thiên thần mà con người đương đại không thể mang lại cho một ai. Kim đồng hồ thế giới vẫn cứ quay cuồng, nhiều tình tiết. Nhưng, chừng như nó đã dừng lại, nơi tôi.

Từ những kinh nghiệm riêng tây, tôi trộm nghĩ: Phải chi mọi người, từ già đến trẻ. Đã có gia đình, hoặc còn độc thân. Ta cứ cùng nhau hợp quần, vứt bỏ thì giờ uổng phí. Bỏ tất cả. Bỏ mọi người, chốn ồn ào đầy tranh chấp. Mà đến với Chúa. Trong lặng thinh. Chỉ cần bỏ ra một ít tháng ngày. Phút giây. Mà, tìm về với thinh lặng. Im ắng. Để nguyện cầu. Với Chúa. Với nhau. Rồi ra, ta sẽ bắt gặp lời mời của Chúa khi xưa nói với Phêrô thánh nhân, rằng: Con hãy bưóc ra khỏi con thuyền chòng chành đầy nghi vấn. Cứ vững tin mà bước tới, ta sẽ thực hiện được nhiều điều ta mong ước.” (x. Bernard Toutounji, An opportunity to walk on water, The Catholic Weekly 22/08/2010 tr. 13)

“May mà có Em” hôm nay, là đã có bạn/có tôi, ta được nghe tâm tình nhiều bạn hữu, tuy chưa biết, nhưng đã quen. Quen như tiếng hát, ta từng nghe rất nhiều, thời buổi trước. Quen như giòng chảy thi ca/âm nhạc, nhiều thể loại. Dù, nó có là thể loại nào đi nữa. Dù, nó có là lời bạn của bạn bè người thân như lời nhận định của ai đó trong truyện kể, để thư giãn và minh hoạ, ở bên dưới:

“Truyện kể, để hỏi bạn hỏi tôi, ta đang dùng thể loại âm nhạc nào, để ca hát. Cho mọi người.

Truyện rằng:

Vào giờ học Anh ngữ, cô giáo cho học sinh tập tành việc giao tiếp với giới âm nhạc rồi ghi vào báo cáo. Để mọi người còn biết mà đặt tên. Nghe hỏi, hai bạn bảo nhau : - Mày thích loại nhạc gì? - Nhạc Hip Hop đó . - Còn mày thích nhạc nào? - Disco. - Được rồi. Bọn mình cứ ghi vô. - Nhưng chữ ấy, viết làm sao? - Tao đâu biết. - Đúng rồi, đó là tên mà tụi Tây nó dùng để chỉ loại nhạc kích động, mình chỉ ghi phiên âm thôi - Ừ đúng thế! Với lại bà thày có lấy điểm đâu mà mình lo.... Thằng bạn gật gù, ghi vào báo cáo: "Thể loại nhạc tôi ưa nhất là: Híp hóp và Đi đi Cô" !!!!

Thể loại nhạc ta ưa hát, có là thánh vịnh hoặc bình ca cũng đều được. Miễn là, cất lên lời kinh nguyện cầu dù có nhịp điệu, hay nhạc giựt Disco, hoặc xô bồ gì gì đi nữa cũng đặng. Đặng, là vì chắc chắn trong nguyện cầu luôn có giòng chảy của âm nhạc. Của lặng thinh. Thì, cũng vẫn đưa mình đến với Chúa, trong kiếm tìm. Tìm đến Ngài để ca hát. Chúc tụng. Chúc rằng: May mà có Em. Có Anh. Có Chúa, trong đời mình. Mọi sự sẽ trở nên tốt đẹp. Hạp ý Chúa. Vừa ý mình. Là được.

Trần Ngọc Mười Hai.

Xưa nay vẫn muốn hát

những giòng nhạc lặng thinh.

Rất kiếm tìm một tình yêu.

Chí ít là khi được tin người anh ruột

vừa chấm dứt một tìm kiếm

rất lặng thinh.Trong đời.

Để, về với Cha. Với Chúa.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )

No comments: