Wednesday, 4 August 2010

“Em ra đi mùa Thu”

mùa Thu không trở lại.

Em ra đi mùa Thu,

Sương mờ giăng âm u…”

(Phạm Trọng – Mùa Thu Không Trở Lại)

(Lc 22: 16)

À thì ra, thi ca/âm nhạc, là như thế. Sự thật, thì Thu mùa vẫn cứ trở lại. Vào mọi năm. Phi trừ, Thu của em và của tôi, là một người. Người bạn đời. Bạn Đạo. Cứ ra đi, vào mùa Thu. Ra đi, không trở lại. Những 5 năm. Như nhạc bản “Năm Năm Rồi Không Gặp..” Vì không gặp, nên kể như người em tên Thu của ai đó, nói lời “adios amigo” , đến thiên thu. Như, người xưa từng bảo: “Nhất nhật bất kiến như tam thu hề”. Ở đây, không gặp mặt những 5 năm, có nghĩa là bất kến đến 5,475 cái mùa Thu. Chẳng thấy mặt.

Thấy hay không, đời người còn có chuyện: thấy đó, rồi lại chẳng thấy gì hết. Hoặc, thấy rồi nhưng ngồi mãi chẳng buồn đi. Chẳng buồn thay. Và chẳng cần đổi. Đổi ngôi. Đổi chủ. Đổi sự đời, việc Đạo. Rất nhiều thứ.

Này bạn ạ. Cách nay chừng sáu chục niên. Vào cái ngày, mà thắng bé-tí-tẹo-tẻo-teo là bần đạo, chào đời rõ ràng được vài niên. Vài tuổi đầu, nhưng đã nhận và thấy những đổi thay, rất nhiều lần. Có những lần, thằng-bé-tí-tẹo này cứ phải nghe hoài/nghe mãi vẫn một giọng. Chẳng thay đổi. Cứ một kinh. Rất cầu.

Kinh thế ấy, có là lời kinh hôm ban sớm hay lời khấn, lời nguyện, như: “Lạy Đức Chúa Giêsu xưa bởi Lời mà xuống thế gian 33 năm, chịu những sự thương khó cho … các linh hồn được rỗi..” Hoặc, lời kinh lời khấn vái với cầu hồn/cầu chữ, nghe rất dữ. Dữ, như ngôn từ thời đức thày Đắc Lộ dòng rất Tên, xưa sáng tác, đến phát kinh, như: “Chúa Giêsu, quân Giudêu ghét hơn thằng dữ là Baraba…” Ôi thôi, những là một điều Chúa Giêsu, hai điều quân Giudêu, cứ rước và cứ ghét, đến phát khiếp.

Chẳng thế mà, người nghệ sĩ viết nhạc khi xưa, cứ viết tiếp:

“Em ra đi mùa thu

Mùa thu không còn nữa

Đếm lá úa mùa thu

Đo sầu ngập tim tôi.”

(Phạm Trọng – bđd)

Quả là, người thời nay vẫn cứ đếm là đếm. Đếm lá úa. Lời kinh. Linh tinh. Hết đếm rồi lại hát: “Đo sầu, ngập tim tôi.” Cũng thế thôi. Quả thật, tim tôi hay tim bạn, có ngập tràn những “lá úa, khóc người đi” cả vào giờ kinh phụng vụ. Một qui cách, cứ mang tên Vũ Như Cẫn/Vẫn Như Cũ, là thế đấy.

Mới đây, dân con nhà Đạo vừa nhận được tin cho biết: sắp có đổi thay, trong phục vụ. Các lời kinh. Thay và đổi, để phù hợp với nghi thức khác, trong Đạo. Đổi và thay, cho rập ràng một khi cộng đoàn bà con bên Anh Giáo hoặc Đông Phương Chính Thống, đang ào ào gia nhập Hội thánh Công giáo, nhiều hơn nữa. Rập ràng, để khi ấy ta cử hành phụng vụ theo qui cách không còn ngồi đó mà ê a, ba lời bềnh bồng. Như sắp chết. Giống đoạn nhạc, nức nở, ở bên dưới:

“Ngày em đi

Nghe chơi vơi não nề

qua vườn Luxembourg

Sương rơi che phố mờ

Buồn này ai có mua?”

(Phạm Trọng – bđd)

Đúng thế. Buồn này, hay buồn kia, nào ai những mua mua bán bán, mà đọng lắng. Bán/mua chăng, chỉ là “mua vui cũng được một vài trống canh” , lanh lảnh. Rất thôi thúc. Mua, chỉ là để vui. Vui, chỉ là để Hội thánh nghĩ chuyện đổi thay, cho hợp thời. Hợp lẽ. Về mọi mặt. Thay hay đổi, mua hay bán, cũng chỉ nhằm vào văn minh, văn hoá. Rất phụng vụ.

Về đổi thay văn minh/văn hoá, còn nhớ có lần vào thập niên ’60, có linh mục Hoàng Sỹ Quý, SJ từng minh định, qua bài viết rất khúc chiết, như sau:

“Văn hoá, cũng là một thể sống. Nó sống với con người. Mà, để sống được, thì nó phải biến hoá luôn luôn, khiến cùng một vùng mà có cái khác nhau, cùng một thời mà cái mất cái còn…

Không phải tất cả mọi cách đều là Việt Nam, nhưng một nét gì đó của cách ấy. Cố nhiên là phải chọn cái gì sâu sâu một tí, bởi lẽ càng sâu, càng chìm thì nó càng tổng quát và đổi thay chậm chạp hơn. Như tâm thức (mentality) chả hạn. Vâng. Dù tây hoá đến đâu, người Việt và Á đông nói chung, vẫn có những ‘phản’ những ‘không’, giống Âu Mỹ. Người Tây thì, sau khi tranh cãi nảy lửa trong hội nghị, rồi vẫn rủ nhau đi uống cà phê tỉnh bơ, chứ người Việt thì sức mấy.

Theo tôi, Việt Nam chúng ta nằm ở chỗ giao lưu của ba vùng văn hoá gốc: văn hoá Đông Nam Á phía dưới, văn hoá Ấn Độ mà ta chịu ảnh hưởng qua Phật giáo , qua tiếp cận với các quốc gia Ấn hoá xưa, như: Phù Nam, Chân Lạp và Chàm; và cuối cùng, là văn hoá Trung quốc. Các văn hoá của các nước như Pháp đến sau, cũng tác động không ít đến bề nổi của chúng ta.” (x. Hoàng Sỹ Quý sj, Một Gợi Ý Về Văn Hoá Việt Và Sống Đạo, www.dunglac.org/index.php?m=module&v=detailarticle )

Văn hoá/văn minh, khác thế nào? Đạo Tây/Đạo mình đặc biệt là thế, sao lại đổi? Đổi thay rồi, liệu có còn phù hợp với nền văn hoá/văn minh của mình không? Đổi rồi, sẽ cứ vững mạnh trong Hội thánh, chứ? Trong chiều hướng có thay và có đổi, Hội thánh có còn sống thích hợp với văn hoá, của Đạo mình? Và, Đạo mình có quen dần với nền phụng vụ mới, nữa chứ?

Tóm lại, một khi phụng vị nhà Đạo mình đổi thay, hẳn vẫn còn thực thi Lời Ngài từng dạy bảo?

“Vì Ta bảo các ngưoi:

Ta không còn ăn lễ ấy

bao giờ nữa,

cho đến khi nào nên trọn

trong Nước Chúa.”

(Lc 22: 16)

“Lễ ấy”, Hội thánh xưa rày, đà hiểu rõ: chính đó là Phụng vụ. Là, Tiệc Thánh. Như được dặn:

“Các con hãy làm sự này,

mà nhớ đến Ta.”

(Lc 22: 19)

“Lễ ấy”, theo các nhà chú giải như Lm Nguyễn Thế Thuấn, CSsR, là như:

“Lễ ấy, hoàn tất trước tiên trong Tiệc Thánh Thể, nhưng một cách đầy đủ, hết hình bóng: trong thời cánh chung, sau tận thế.” (x. Lm Nguyễn Thế thuấn, Kinh thánh, bản dịch 1976, tr. 178)

“Lễ ấy”, thời hậu Công Đồng Vatican II cũng biến khá nhiều. Biến từ La ngữ. Hoá, cả hình thức hiến tế. Rất Thánh thể. Biến hoá, từ qui cách đứng ngồi. Lạy quỳ. Cho chí, phẩm phục. Đờn hát. Nói năng. Biến như thế, vẫn chưa đủ. Vẫn cần đổi thay, cả cung cách. Quan niệm. Lẫn, nơi chốn. Biến hoá, nơi quan niệm là có lập trường đổi khác, rất Tiệc Thánh. Chứ, không còn như hiến tế ở lễ đàn. Ở bàn thánh. Như thuở xưa. Biến hoá/đổi thay, sao cho hợp tình hợp lý với não trạng của dân con nhà Đạo, thời bây giờ. Có lý, có tình người ở ngoài, vẫn thường ca:

“Từ chia ly

Nghe rơi bao lá vàng

Ngập giòng nước sông Seine

Mưa rơi trên phím đàn

Chừng nào cho tôi quên.”

(Phạm Trọng – bđd)

Nhớ lời Thầy dặn, ta không chỉ nhớ và thực thi những gì Hội thánh luôn có thói quen làm, nhiều thế kỷ. Từng cử chỉ. Nhớ Lời Thầy, là còn nhớ cả cung cách đứng ngồi, cử chỉ, lẫn lời kinh vị chủ tế cứ đọc. Cứ khấn cầu. Bái gối. Hoặc, rửa tay.

Nhớ Lời Thầy, là nhớ cả những điều Hội thánh vẫn thực thi với cộng đoàn địa phương. Nhớ cả những cãi vã tranh đua nhau về thần học, ai đúng ai sai. Cả, chốn trang nghiêm, đời tận hiến. Cả, vào dấu ấn ta ghi tạc nằm lòng, ở phụng vụ. Dấu ấn có đổi thay, nay thấy rõ. Dấu ấn, là dấu ấn cho nhà Đạo. Dấu ấn, cả vào lúc nước Nga quay về với Đạo lý, thời loạn ly.

Nhớ Lời Thầy, là cắt bỏ những chi tiết dài dòng. Lê thê. Cho thực tế. Cắt bỏ, để phụng vụ Nhà Chúa trở thành nghi thức giản đơn. Sâu sắc. Hầu, quân bằng với cuộc sống, người giáo dân. Nhớ Lời Thầy, là nhớ chi tiết nay đà cải biến. Biến rồi cải, cả vào thời Giáo hoàng Grêgôriô Cả, thế kỷ 16. Cải và biến thời hậu Công đồng Triđentinô. Cải và biến, cả vào thập niên ’50, với quyết định của Đức Piô XII, vào Tuần Thánh. Mỗi năm.

Cải biến như thế, ta sẽ không còn dựa vào lời thơ người ngoài Đạo, cứ luôn hát:

“Hôm em ra đi mùa thu

Mùa thu không trở lại

Lá úa khóc người đi

Sương mờ dâng lên mi.”

(Phạm Trọng – bđd)

Nhớ Lời Thầy, là nhớ “em ra đi mùa Thu” hôm ấy, Hội thánh của anh và của em, cũng đã cải biến phụng vụ từ ngày Công đồng quyết định. Mãi hôm nay. Cải biến, dựa nhiều trên tương quan giữa Chúa và dân Ngài. Biến cải, để tương quan ta vẫn có với Chúa, với nhau, chỉ đặt nặng trên tình thương yêu. Vui sống. Yêu thương và phục vụ, để rồi những gì là vô hình nay trở thành hữu hình. Nơi cuộc sống, có nỗi chết. Có sống lại.

Tình thương yêu, Chúa trải rộng không chỉ diễn bày “một lần rồi thôi”. Nhưng liên tục. Bằng xác chứng Chúa vẫn hiện diện nơi ta. Trong ta. Ngài hiện diện qua sẻ san Lời. Qua, Bí tích Thánh Thể. Nhờ Bí tích, ta sẽ đồng hoá với Đức Kitô. Đồng hoá, với việc hiến trọn Thân Mình cho Cha. Qua thập tự. Và, sống lại. Quang vinh.

Sống tình yêu qua phụng vụ, là đáp trả tình thương của Ngài. Bằng vào lời cầu. Bằng cách thế đứng ngồi, cầu kinh nơi nghi thức phụng vụ. Bằng vào, thi hành lời Ngài dặn dò, hôm vĩnh biệt: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”.

Đó là nội dung ý nghĩa của nguyện cầu, qua phụng vụ. Rất ý thức. năng động. Có làm thế, cộng đoàn Nước trời mới đóng góp tích cực vào Tiệc Thánh. Có làm thế, mọi người già trẻ lớn bé mới tích cực tham gia. Có làm thế, việc cử hành Tiệc mới giản đơn. Sống động. Đúng nghĩa.

Nhờ làm thế, Hội thánh mới trân trọng quà hiếm quý, Chúa tặng ban. Hầu, thực thi điều Chúa dặn dò, cho tích cực. Nhờ làm thế, ta mới thích nghi được với cộng đoàn khác. Văn hoá khác. Cho phải lẽ. Nhờ làm thế, ta sẽ thấy trân quý lời ca tiếng hát của mọi con dân Đức Chúa, trong cũng như ngoài nhà Đạo. Chứ không chỉ ê a lời thơ ý nhạc của nghệ sĩ rất đời, như:

“Em ra đi mùa thu

Mùa lá rơi ngập ngừng

Đếm lá úa sầu lên

Bao giờ cho tôi quên.”

(Phạm Trọng – bđd)

Cuối cùng thì, “Em (có) ra đi mùa Thu” hay chỉ ra đi, mà cải biến. Cải và biến nỗi sầu “đếm lá úa”. Đếm, để không còn “mùa lá rơi ngập ngừng” như thế nữa, ở phụng vụ. Và từ đó, chẳng “bao giờ cho tôi quên” dù quên một lời Thầy dặn, buổi Tạ từ. Trăn trối. Hối thúc. Dù, điều mình quên có là quên theo thói quen trần tục, như câu truyện ở dưới, để minh hoạ:

“Hai bạn Đạo, bạn đời nói với nhau, như sau:

-Sao anh uống nhiều rượu quá vậy?

-Để cho quên.

-Quên? Quên những gì mà ghê thế?

-À, thì chỉ quên những gì làm mình xấu hổ.

-Xấu hổ, là xấu con hổ nào?

-Là mắc cở, rằng mình đã uống quá nhiều đến như thế…

Ở nhà Đạo, cũng có những sinh hoạt rất văn minh. Linh tinh. Nhiều văn hoá. Thế nên, sống ở đời, những mong bạn mình. Tức bạn và và mình, sẽ chẳng bao giờ quên lời dặn dò. Trăn trối. Của Chúa. Như từng quên, rất nhiều thứ.

Trần Ngọc Mười Hai

Thấy vẫn cần đổi.

Cần thay.

Rất nhiều thứ.

Suốt đời.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com ;

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )

No comments: