đôi khi anh muốn tin,
ngoài đời chỉ còn trời sao đáng kể,
mà bên vì sao lấp lánh đôi mắt em…” (Cung Tiến/Thanh Tâm Tuyền - Lệ Đá Xanh)
(Lc 8: 11-13)
Có câu hỏi, đá xanh mà cũng lanh chanh đổ lệ, huống chi con người và, người con của Trời?
Ấy đó, là câu hỏi mà bần đạo vẫn để bụng, quyết mang theo. Mang theo rồi sẽ hỏi, rất nhiều người. Hỏi, cả hướng dẫn viên du lịch Do Thái mang tên John, từng có 42 năm kinh nghiệm về những đá và sỏi ở Giêrusalem. Vào hôm ấy, ngày đầu niên lịch 2009, ông lại cứ bảo: Do thái và nhất là Giêrusalem này, toàn những đá và đá. Nghe thấy lạ, bần đạo bèn phát biểu: biết đâu, sau này, đá ở đây lại quý hơn vàng ròng, ngọc quý, cũng rất nên.
Hôm nay hỏi và nói về đá, là hỏi và nói những câu rất ngấn lệ. Hỏi và nói, như từng nói và hỏi bà con vào buổi “Hát cho nhau nghe” với chủ đề “Tìm Chút Hương Yêu”. Độ tháng 6 năm 2010 hôm ấy, có bạn trẻ từng hỏi và đã nói về hai bài hát trình bày trong đêm nhạc là bài “Lệ Đá Xanh” của Cung Tiến và “Nửa Hồn Thương Đau” của Phạm Đình Chương, rất như sau:
“Về đá xanh, nhiều nhạc sĩ từng gợi hứng từ bài thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền trước nhất có nhạc sĩ Cung Tiến phổ nhạc có đầu đề là “Lệ Đá Xanh”, gửi tặng Phạm Đình Chương. Rồi Phạm Đình Chương đáp lễ bằng bài “Nửa Hồn Thương Đau”. Sau đó, người viết nhạc là Trần Trịnh cho ra bài ca mang tên “Lệ Đá”, và Trịnh Công Sơn với bài “Tuổi Đá Buồn”. Riêng Phạm Duy lại cảm kích lời thơ đầy “sữa mật” đã cho ra bản tình ca đầy những sữa có tên là “Dạ Lai Hương”. Ở nhà Đạo, ta có Đoàn Vi Hạ, với bài “Bờ Đá Xanh Tạ Tội”… Tóm lại, “lệ đá” hay “đá ngấn lệ’ lâu nay trở thành đề tài cho thi nhân, nhạc sĩ cất lên những thanh âm của tình yêu, rất da diết…”
Thanh âm da diết và diết da, còn là âm thanh đượm đầy những lệ của đá, như sau:
“Đôi khi anh vẫn tin, đôi khi anh vẫn tin,
Ngoài đời thơm thơm, cỏ hoa ươm hương dịu hiền,
mà bên trái cây ngọt ngào đôi môi em,…
nguồn sữa mật khởi đầu.”
(Cung Tiến/Thanh Tâm Tuyền – bđd)
Cũng từ bài thơ của Thanh Tâm Tuyền, nghệ sĩ Phạm Quang Tuấn, lại viết khác. Vẫn rất hay:
“Anh muốn tin,
ngoài đời thơm phức
những trái cây của Thượng Đế
mà bên những trái cây ngọt ngào
những trái cây ngọt ngào…”
(Phạm Quang Tuấn/Thanh Tâm Tuyền – Lệ Đá Xanh)
Phải chăng, trái cây ngọt ngào thơm phức “của Thượng Đế ở đây, không là “đôi môi em”, hay “miệng lưỡi” của anh nữa. Mà là “nguồn sữa mật khởi đầu”, âu sầu giòng lệ đá, vẫn rất xanh? Thật ra thì, “sữa mật” đầy nguồn còn là Lời Vàng của Thượng Đế nhân gian vẫn nói ở Kinh Sách:
“Đây là ý nghĩa dụ ngôn:
Hạt giống là lời Thiên Chúa.
Những kẻ ở bên vệ đường
là những kẻ đã nghe
nhưng rồi quỷ đến cất Lời ra khỏi lòng họ,
kẻo họ tin mà được cứu độ.
Còn những kẻ ở trên đá
là những kẻ khi nghe thì vui vẻ tiếp nhận Lời,
nhưng họ không có rễ.
Họ tin nhất thời,
và khi gặp thử thách,
họ bỏ cuộc.”
(Lc 8: 11-13)
Về tin để được cứu độ, nói nôm na như câu ca ở giòng nhạc “Đôi khi anh muốn tin”, rất nhất thời, lại có tác giả người Hoa, con rể cố Chủ tịch Trung Quốc Lý Tiên Niệm, giáo sư thỉnh giảng đại học Stanford ở Mỹ, cũng có bàn về niềm tin văn hoá lâu nay được người người coi là “sắt đá”, đã trần tình về niềm tin văn hoá sử Đông/Tây như sau:
“Lịch sử phương Tây là một bộ sử sửa cái xấu, cái sai thành cái tốt, cái đúng. Lịch sử Trung Quốc thì là một bộ sử sửa cái tốt/cái đúng thành cái xấu/cái sai. Thời cổ, phương Tây cái gì cũng cấm, chỉ có điều không cấm bản năng con người. Trung Quốc cái gì cũng không cấm, riêng bản năng thì cấm.
Người phương Tây dám thể hiện bản thân, tức thể hiện tư tưởng mình và còn dám phô bầy thân xác loã lồ của mình. Trung Quốc chỉ biết mặc quần áo, mặc quần áo cho tư tưởng. Mặc, bao giờ cũng dễ hơn cởi. Phương Tây đả kích mặt đen tối của mình, cho nên tìm được ánh sáng tư tưởng của họ đang bay bổng. Chúng ta ca ngợi sự sáng của mình, kết quả đem lại bóng tối nghìn năm…”(X. Liu Ya-zhou, Trung Quốc Bàn về niềm tin và đạo đức, Nguyễn Hải Hoành giới thiệu và lược dịch, trích từ bài nói chuyện của ông hôm 11/9/2002 ở Vân Nam)
Tin hay không tin, về văn hoá sử rất sắt đá, hay chỉ là “Đôi khi anh muốn tin”, “những trái cây của Thượng Đế”, vẫn còn đó lời kể của thánh sử, như sau:
“Còn Thầy,
Thầy bảo cho anh biết:
anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá,
trên tảng đá này,
Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy,
và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.”
(Mt 16: 18)
Có một sự kiện, là: buổi hôm ấy nhiều người tìm về Castagniers, Pháp Quốc, cũng đã tìm về sự lặng thinh của đất đá trên núi đá, đã phát giác ra được sự thật do thánh nhân ngoài đời/trong Đạo, cũng rất bạo và dạn, như sau:
“Như tôi đã nói trước đây, tôi tuyệt đối tin rằng sự đa dạng của các truyền thống tôn giáo hiện nay là quý giá và thích đáng. Theo kinh nghiệm của riêng tôi, tất cả các truyền thống tôn giáo lớn của thế giới nói một thứ ngôn ngữ và gửi đến một thông điệp chung mà chúng ta có thể dựa vào để xây dựng một sự hoà thuận nhau thật sự.” (X. Le Dalai Lama parle de Jésus, Editions Brepols Paris 1996, Vĩnh An dịch Thiện Tri Thức in năm 2003, tr. 26)
Thông điệp về sự hoà thuận mà thánh-nhân-ngoài Đạo nói đến, vẫn ghi lại lời lẽ đẹp như sau:
“Chúng ta hãy lấy một ví dụ như sự tham thiền về tình yêu và lòng thương xót trong bối cảnh Kitô-giáo. Khi tham thiền theo phân tích, chúng ta đi theo những hướng tư duy đặc biệt như: để thật sự yêu Thiên Chúa, cần phải thể hiện tình yêu ấy bằng hành động yêu thương chân thật anh em nhân loại của mình. Người ta cũng có thể suy nghĩ về cuộc đời và gương sáng của Đức Giêsu Kitô trong bản thân Ngài, Ngài đã sống và hoạt động như thế nào để đem lại lợi ích cho chúng sinh, và các hành động của Ngài đã minh hoạ một phong cách sống tràn đầy lòng thương xót.”(Đức ĐạtLai LạtMa, sđd t.27)
Xem như thế, những lời và lẽ như “Đôi khi anh muốn tin”, hoặc “Bờ Đá Xanh Tạ Từ” ở các bài hát, vẫn là những tình tự về lòng thương xót. Tình yêu. Sự thật. Nhưũng sự rất thật, mà thánh-nhân-ngoài-Đạo, là Đức Đạt Lai Lạt Ma, thêm một lần xác tín, rất như sau:
“Nhờ có những suy tư đó, các bạn ngày càng xác tín vào sự quan trọng và giá trị của lòng thương xót và khoan dung. Một khi đã đạt tới niềm xác tín tuyệt đối về giá trị và sự thiết yếu của lòng thương xót và khoan dung, các bạn sẽ có cảm giác được xúc cảm và biến đổi từ bên trong.” (x. Đức ĐạtLai ĐạtMa, sđd t. 28)
Và bậc thánh-nhân, lại quả quyết:
“Khi đọc đoạn Matthêô 5, 38-42, tôi thấy Phúc Âm đặt nặng sự thực hành lòng khoan dung và đề cao tình cảm vô tư, không thiên vị đối với mọi tạo vật. Theo ý kiến của tôi, để triển khai năng lực khoan dung đối với mọi người, và đặc biệt với một kẻ thù, điều kiện quan trọng tiên quyết là tiếp nhận mọi người với tính bình đẳng. Nếu người ta nói với bạn rằng không nên thù nghịch kẻ thù mà phải yêu mến hắn, chỉ khẳng định như thế sẽ không khuyến khích các bạn thay đổi. Đối với mỗi người chúng ta, cảm thấy sự thù nghịch đối với những người làm khổ bạn và có cảm tình với những người yêu thương bạn là hoàn toàn tự nhiên. Đây là tình cảm tự nhiên của con người. Vậy, chúng ta phải sử dụng các kỹ thuật hiệu quả để giúp chúng ta vượt qua từ sự thiên vị nội tại trong bản tính, đến một tình trạng bình đẳng cao nhất.” (x. Đức ĐạtLai LạtMa, sđd t. 32)
Cuối cùng thì, đá tảng có nhỏ lệ, mầu rất xanh hoặc như lời của người viết nhạc họ Trịnh có đặt tên gọi cho nhạc bản của mình là “Tuổi Đá Buồn” đi chăng nữa, thì tuổi buồn như đá, vẫn là tuổi già hay trẻ, chẳng biết dựng xây căn nhà “yêu thương” của mình hay của người, ở trên đá. Xây như thế, rồi anh rồi em sẽ cùng với người viết nhạc Phạm Quang Tuấn hát tiếp lời ca cuối, có những câu:
“Anh muốn tin
Ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết
Quyến rũ cánh tay em
Vòng ân ái
Quyến rũ cánh tay em
Vòng ân ái
Trong tay em…
Trong tay em…”
(Phạm Quang Tuấn/Thanh Tâm Tuyền – bđd)
Vòng ân ái, có là nỗi niềm ái ân, của người thân hay khác lạ, ở ngoài đời vẫn ngấn lệ đi chăng nữa, hãy cứ hát lên một lời cuối cho em. Và cho anh. Như sau:
“Đôi khi anh muốn tin
Ôi những người khóc lẻ loi
Lệ là những viên đá xanh
Lệ là những viên đá xanh…”
(Phạm Quang Tuấn/Thanh Tâm Tuyền – bđd)
Vâng. Đá rất xanh. Có nhỏ lệ, nhiều hay ít, cũng còn tùy. Tùy anh. Tùy em. Tùy mọi người có tin rằng đá tảng mà Chúa đặt tên cho Simôn Phêrô, để xây dựng Hội thánh lên trên đó, chính là Tình Yêu. Của Ngài. Của muôn người.
Trần Ngọc Mười Hai
Đã biết thôi không nhỏ nữa.
Những giòng lệ cho đá.
Vẫn rất xanh.
No comments:
Post a Comment