Saturday, 24 July 2010

“Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo”

Em nhớ cho: Mùa Thu đã chết rồi!

(Phạm Duy – Mùa Thu Chết)

(Mt 5: 27-28)

Thu có chết, thì cũng chỉ chết trong lòng, một ít thôi. Thu chết, rồi Thu sẽ sống lại. Em cũng thế. Em chết đi, rồi em cũng sống lại. Dù, chẳng bao lăm. Một đời người. Bởi, có sống hay chết, vẫn là chuyện để ta nói. Và, bàn. Chí ít, là bàn chuyện cần nói khi người người nay chưa chết, nhưng vẫn cứ sợ. Sợ chết. Sợ tội. Quyết đi xưng. Đi hỏi. Cho ra nhẽ. Xưng/hỏi, đấng bậc chuyên hù doạ, chuyện không là tội. Vẫn, cứ đinh ninh là tội đáng chết. Thế mới chết!

Thành thử, hôm nay, bần đạo xin –lại xin nữa- mạn bàn chuyện chết chóc với lỗ tội, một lần nữa. Lần này, lại sẽ chua thêm đôi truyện kể, cho dễ. Dễ đọc. Và, dễ thấm. Truyện, là thế này:

“Có ông thầy bói nhiều lần bị thân chủ doạ đánh, vì đoán sai bét tè le. Ai được ông đoán bảo: sắp “ăn nên làm ra”, thì chỉ ít lâu sau đã “bể mánh”. Vỡ nợ. Sợ ông lắm. Hễ, ông đoán ai sắp chết đến nơi rồi, thì người ấy cứ khoẻ như vâm. Ông làm thân với ai là dấu hiệu kẻ ấy sẽ bị cô lập. Ông tránh ai, thì người ấy rồi sẽ làm nên. Ông đặt lời hy vọng vào ai, thì người ấy cầm chắc cái khốn khổ suốt đời.

Duy có một lần ông được hậu tạ, mà người đem quà biếu lại chưa hề trực tiếp nhờ ông đoán lần nào. Người này, nghe nói làm ăn khấm khá lắm, vừa có chức quyền. Vừa có tiền vài chục tỷ. Có uy tín. Ai cũng khen ông là một tấm gương của trí tuệ mới.

Ông Thầy bói ngờ ngợ, không dám nhận, nhưng người kia vẫn kính cẩn dâng quà và nói:

-Thiên hạ chê thày vì họ dốt cả. Thày là bậc tiên tri, chẳng có gì là không biết. Có điều là thày khinh đời nên điều gì cũng nói ngược đó thôi. Tôi được như thế này, là nhờ cái gì cũng làm ngược với lời khuyên/lời đoán của thày. Nếu có đem nửa cơ nghiệp để tạ ơn ấy, cũng chưa phải là quá đáng, sá chi chút lễ mọn!

Sau lần gặp người tri kỷ có một không hai ấy, ông Thày bói đập tráp, nhất định không chịu đoán cho ai nữa.” (x. Hà Sỹ Phu, Sáng trăng, CE 2004, tr. 105)

Kể truyện. Ngâm thơ. Hay, ca hát. Cũng đâu khác gì: những kể và kể. Kể cho nhau, chuyện trên trời/dưới đất, để mình tin. Tin rồi nhớ, mà thực hành. Thực thi. Truyện kể, nay chẳng có gì để thực thi. Thực nghiệm. Mà, chỉ là chuyện thực tình, đưa đẩy một thực tập, trong sống đời thực tế. Rất dễ khiến ta nói đại, chuyện thực tại. Hoặc, thực trạng nhà Đạo lâu nay, rất thực tiễn. Đáng để tôi và bạn quan tâm. Lâm râm. Chứng thực.

Thôi, thực gì thì thực, bạn và tôi, ta cứ ca/cứ hát thực tình chuyện người. Thực hư. Như sau:

“Mùa Thu đã chết,

Em nhớ cho… Em nhớ cho,

Đôi chúng ta,

sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa!

Trên cõi đời này, trên cõi đời này,

Từ nay mãi mãi, không thấy nhau.

Từ nay mãi mãi, không thấy nhau…”

(Phạm Duy – bđd)

Không thấy nhau. Đâu nào phải, vì mùa Thu nay đã chết? Hoặc, vì em chẳng sống thực, với mọi người. Nếu thu có chết, thì nay cũng đã chết rồi. Và, em. Và anh, ta đâu nào tin vào cõi sống. Có cuộc đời, đầy những tội. Hết muốn tin? Rồi, sẽ giống như nghệ sĩ già khi xưa, vẫn hát:

“Ôi ngát hương thời gian, mùi thạch thảo,

Em nhớ cho, rằng: ta vẫn chờ em.”

(Phạm Duy – bđd)

Chờ em. Chờ anh. Người người vẫn cứ chờ. Cả, thế kỷ. Có khi, cả một thiên niên kỷ. Để em. Và để anh, ta sẽ về mà nhớ. Nhớ, không chỉ mỗi thạch thảo, hương thời gian. Hoặc, mùa Thu chết. Nhưng nhớ rằng, ta chẳng còn nhìn nhau nữa. Trên cõi này. Vì nhiều tội? Và nhiều lỗi? Những tội và lỗi, khiến người người vẫn cứ sợ. Nên, mới hỏi những câu rất “tội” và khá “nghiệp”. Như, lời hỏi của người nhà Đạo ở Sydney, sau đây:

“Hôm nay, con có hai câu liên quan đến tội ở trong đầu, để hỏi. Câu thứ nhất, là: có gì gọi là tội, trong tâm tưởng. Tỉ như: các ý nghĩ vẩn đục, tục tằn. Và, những ý nghĩ vẩn đục như chuyện tình dục, có là tội hay không? Trọng hay nhẹ, xin cha cho biết.”

Chắc rằng, khi nhận được câu hỏi này, đức thày giòng họ Flader tên John hôm nay sẽ sướng mê tơi. Mê rất tơi, vì người hỏi lại xưng hô bằng cha với con. Rối cả lên. Đến, sốt cả cái ruột. Thôi thì, hôm nay, bạn và tôi, ta cứ cho đức ngài sung sướng tình cha/con. Tha hồ mà đáp với trả, rất như sau:

“ Đây là câu hỏi mà theo tôi, rất quan trọng. Bởi, như tôi nghĩ, hỏi là hỏi thế chứ người đặt câu hỏi khá lúng túng, cũng không ít. Rất nhiều vị lại cứ tin rằng mình đã phạm tội này tội nọ, mà thật ra chẳng tội tình gì, mà lỗi phạm, hết. Có vị khác, lại đã phạm những tội rất trọng, nhưng vẫn cứ không ngờ rằng mình đã sai phạm, đến như thế.

Thôi thì, để tôi bắt đầu bằng việc ngược giòng lịch sử xem tội với lỗi là thế nào? Tội trong tư tưởng, nghĩa là làm sao? Bởi, có như thế, ta sẽ thấy có trường hợp lúc đầu cũng chẳng là tội, là lệ gì hết. Nhưng về sau, nếu cứ tiếp diễn, dù từ ý nghĩ cỏn con, sau sẽ trở thành tội trọng. Và cuối cùng, sẽ là tội chết người, chứ chẳng chơi.

Hẳn, ai trong chúng ta cũng đều có qua kinh nghiệm về tâm tư/ý tưởng rất đủ loại tự dưng nhảy vào đầu mình, chẳng ai níu kéo mời chào, mà sao vẫn cứ đến. Có ý nghĩ, xét kỹ, cũng rất tốt chẳng mảy may là tội tình gì hết, như: mình chợt nhớ phải gọi điện cho ai đó. Hoặc nhớ về người tình, dù còn hay không một chân dung. Hoặc, trường hợp có ý nghĩ, là: ta đang ở trước mặt Chúa. Biết rất rõ, là: Ngài đang hiện diện, ở với ta. Những ý nghĩ như thế, đâu là tội.

Có những ý nghĩ ta cho là “không được tốt”, như: nhớ về những cơn nóng nảy/tức giận khi có người nào đó làm ta buồn rầu. Đau đớn. Như, các ý xấu những nào đam mê dục vọng, hoặc ghét ghen, hờn giận vv…

Khi các ý nghĩ không mời mà đến, cứ hiện diện nơi ta lúc nguyện cầu. Hoặc, khi mình đang làm việc lành, phúc đức khiến lo ra, chia trí. Chẳng biết nó thuộc loại tốt hay xấu.

Về những ý nghĩ mình không muốn có nhưng vẫn đến, cũng có thể là tội, cũng có thể không. Vẫn là ý ý tốt. Rất xứng đáng. Nhưng, vì ta là con người. Nên, trí tưởng tượng của ta dễ vùng vẫy, mang theo nhiều giòng chảy suy tư, khiến mình bận tâm. Suy nghĩ.

Cả vào lúc dù ta có ý nghĩ xấu xa, cũng không là tội. Dù nó chợt đến rồi chợt đi trong giòng chảy tràn đầy óc tưởng tượng. Phi trừ là ta đồng loã với chúng. Chấp nhận chúng. Tức, cũng hợp tác suy tư về thứ tư tưởng nào đó, không để gió cuốn đi. Cho đến lúc, nhận ra là nó đã xuất hiện, và ở đó. Trong đầu mình. Trong khi đó, lẽ đáng ra ta phải đuổi nó đi, mới là chuyện hợp lẽ.

Giả như vào giây phút ấy, ta cố đánh đuổi tư tưởng xấu ấy đi. Rồi, quay qua mà cầu nguyện cho được Ơn Trên thêm sức giúp đỡ, để mình tập trung vào chuyện khác, tốt hơn. Trong trường hợp ấy, ta chẳng có tội gì hết. Đây là trường hợp khi tư tưởng ấy cứ nhất quyết ở lại trong đầu, dù mình cố đuổi. Mà, lẩn tránh.

Điểm quan trọng, là: có nhiều người cứ đến toà giải tội thưa với linh mục những điều tương tự như: “con có tư tưởng không trong sạch”, mà thực ra, mình chẳng cố ý rập lòng với tư tưởng ấy, thì đâu có gì là tội.

Tuy nhiên, giả như ta biết đó là tư tưởng xấu vốn dĩ xâm nhập đầu mình, nhưng ta không cố gắng xua đuổi, cứ giữ nó lại. Rồi cùng nó, tìm thú vui hưởng lạc, thì một khi ta có ý thức chấp nhận nó, mà vui hưởng; thì khi đó, đã thành tội.

Tội và lỗi, lúc đầu không nghiêm trọng. Có thể dứt bỏ. Chẳng cần biết nó xấu xa đến độ nào, như: ý định làm hại ai, ý nghĩ muốn tự tử. Hoặc, thù ghét Chúa, hoặc dự tính có hành động nhơ bẩn, nếu chỉ thuận theo nó trong phút chốc, rồi đuổi nó đi, thì không thành tội.

Những chuyện như thế, chỉ do con người yếu kém. Yếu và kém, trong chậm trễ để xua đuổi. Xua, những tư tưởng mà ta cho là xấu. Không nghiêm túc. Chẳng cần xem xét mức độ nó xấu đến mực nào. Nhưng nếu ta cứ bình thân như vại, lại giữ nó trong đầu một thời gian lâu; hoặc, cứ tiếp tục mà tưởng tượng hoặc lên kế hoạch thực hiện dù chỉ để mơ mơ màng màng chuyện viển vông/đặc biệt, thì khi ấy có thể là ta đã phạm tội nặng rồi.

Lời Chúa trong Bài Giảng Trên Núi nói rất rõ, như sau: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.” (Mt 5: 27-28)

Thánh Tôma Akinô có viết về sự gian dâm trong tư tưởng, mà rằng: “Người nào nghĩ về chuyện gian dâm lấy làm thích thú để nó hoạt động trong đầu, thì điều này xảy đến là do người ấy thích thú ngả về hành động gian dâm. Khi người ấy vui thích chuyện như thế, có nghĩa là đã đồng thuận. Đã thích gian dâm. Giả như người ấy dứt khoát chọn ao ước/thích thú những thứ có thể là tội nặng, thì khi ấy đã là tội trọng rồi.” (x. Tôma I-II, q 74, #8)

Nói cho cùng, ta cứ phải phấn đấu mà kềm chế các tư tưởng của mình. Kềm chế, để quyết tâm có lòng trong sạch. Sách Sira cũng viết: “Mọi người đều phải biết mà kềm chế các tư tưởng của mình.” (Sira 21: 11) Và, Tin Mừng Chúa cũng đã dạy:”Phúc cho người có lòng trong sạch, vì họ sẽ được thấy Chúa.” (Mt 5: 8) (x. John Flader, The Catholic Weekly 30/5/2010 tr. 13)

Bàn chuyện về những tội và những lỗi, dù trong tư tưởng, mà lại mở báo trang số “13” (tức con số không hên) ra đọc, thì đương nhiên sẽ gặp tư tưởng không chính đáng. Rạch ròi. Coi mòi không ổn. Hệt như chuyện, cứ gieo quẻ rồi đòi bói, chắc chắn thế nào cũng ra ma. Cứ cầm chổi, rồi quét. Thế nào cũng ra rác.

Nói, theo kiểu nhà Đạo rất đạo mạo. Lễ mễ. Thì, như thế. Nói, theo kiểu con dân ở dưới thế, hẳn sẽ khác. Khác, như con dân ở đời, sẽ chẳng nói. Mà chỉ những ca và hát, rất như sau:

Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em.

Vẫn chờ em, vẫn chờ em

Vẫn chờ.... “

(Phạm Duy – bđd)

Ấy đó, là kiểu “trong Đạo ngoài đời”. Cũng có khi, cả người ngoài Đạo sống ngoài đời, cũng nói và nghĩ cách khác. Cũng có lúc, người trong Đạo, sống cùng và sống với nhà Đạo, vẫn sống và nói, hơi hơi khác. Như đấng bậc nhà Đạo, rất cao sang ở Mỹ, từng nói về và nói với các vị đã hoặc chưa từng một lần phạm tội. Như sau:

“Bình thường, khi đụng chuyện, ta vẫn hỏi: ‘Vào lúc tăm tối như thế này, Chúa làm gì?’ ‘Ngài có cách nào điều chỉnh không?”…

Lúc Fulton Sheen lên làm Giám mục, tôi chỉ là chủng sinh, chuyên lo cho ca đoàn của giáo xứ, cũng rất nhỏ. Hôm ấy, tôi đến sớm để sắp xếp mọi việc cho ra hồn, thì thấy ngài quỳ đó một mình. Hằng giờ. Lặng lẽ nguyện cầu ở nguyện đường nhỏ, cạnh nhà thờ. Trước giờ lễ. Cảnh tượng này, dạy cho tôi biết đắm mình trong kiên nhẫn. Hy vọng. Bền chí. Có như thế, Thánh Thần Chúa mới đem an bình nội tâm, đến cho tôi. Có nguyện cầu như thế, mới nhận thêm được sức mạnh và hy vọng, để mà sống. Có thầm lặng như thế, mới hy vọng đem đến cho người khác những ủi an, mình nhận được. Về chuyện ấy, thánh Phaolô, nói thế này: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an.4 Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó.” (2Cr 1: 3-4)

Và nhất là, vào những khi mình gặp khốn khó, cũng đừng quên sót việc Chúa làm, rất lớn lao. Mà, Chúa làm cả những việc lớn bé, trong lầm lũi. Tối tăm. Dân Do thái thoát khỏi Ai Cập trong tăm tối. Họ băng qua Biển Đỏ, trong tối tăm. Cũng thế, Đức Giêsu sinh ra trong đêm tăm tối, ở Bê Lem. Ngài dặn dò/trối trăn Tiệc Thánh vào Buổi Tạ Từ, trong âm thầm. Tăm tối. Thậm chí, Ngài còn chết trên thập tự vào lúc mà Tin Mừng bảo: “tối tăm phủ trùm mặt đất”, nữa. Ngài nằm đó trong cảnh lặng lẽ tối tăm của mộ phần. Rồi, ba ngày sau, Ngài trỗi dậy trong tăm tối, từ mộ phần cũng tối tăm. Nói tóm, Chúa vẫn làm việc trong bóng tối tăm, của mọi việc.

Thánh Gioan Thánh Giá mô tả đêm tăm tối của linh hồn đã trở thành đêm rất tối của mỗi người trong Hội thánh. Theo thánh nhân, đêm tối tăm, là kinh nghiệm lo âu/bối rối, trượt khỏi mọi đỡ nâng, từ mọi phía. Nó khiến ta cảm thấy như mình vô dụng, chẳng ai giúp. Tuy nhiên, nếu biết chấp nhận là nó do Chúa gửi, và vui lòng đeo mang vì tin thế. Thì, có thể ta sẽ mất tất cả những gì là thứ yếu, để tập trung vào mỗi một việc cần thiết/chính yếu là khám phá rằng Chúa không như mình nghĩ, Ngài vượt quá và vượt trên mọi sự ta có thể nhận ra. Kinh nghiệm, là nghiệm rằng ta không thể nào kiểm soát/kềm chế được Chúa. Đêm tối (của tội lỗi) chỉ tối là vì Chúa là ánh sáng vô biên vượt trội khả năng hạn hẹp của mọi ngưòi. Chính qua kinh nghiệm của đêm tăm tối, mà các kẻ tin trong Hội thánh biết rằng Chúa là tất cả. Đêm tăm tối của Hội thánh, (hoặc bất cứ ai gặp phải) là nhà sư phạm thần thánh dạy cho ta biết, bằng và qua đau khổ, rằng ta rất nghèo hèn. Hoàn toàn tuỳ thuộc Chúa.” (John R Quinn, Do not despair, Christ is present even in the darkness, America Magazine 3/5/2010)

Thành thử, điều mà tôi và bạn cần nắm giữ, là: trong bối cảnh sầu buồn của đau khổ hoặc tội lỗi, vẫn luôn có ánh sáng của hy vọng. Đó chính là điều mà Hiến Chế “Vui Mừng & Hy Vọng” của Công Đồng Vatican II, từng trấn an:

“Hội thánh tin vững chắc, rằng: chìa khoá, trọng tâm và mục tiêu rất cao của mọi lịch sử của con người chỉ có nơi Chúa, là Thầy Mình. Hội thánh ta, tin rằng: bên kia mọi đổi thay, vẫn có những điều không hề thay đổi. Những điều ấy, cuối cùng cũng sẽ đặt nền tảng nơi Đức Kitô. Mà Đức Kitô vẫn là Ngài cả ngày hôm qua, hôm nay và mãi mãi, không cùng.” (x. Gaudium et Spes, #10)

Thành thử, bàn chuyện tội và lỗi trong tâm tưởng là bàn và nói rằng; chẳng có gì ghê gớm đến nỗi không còn hy vọng mà chỉnh trang. Chí ít, là những chuyện tày trời như lỗi và tội thực sự, nơi hành động.

Cứ sự thường, mỗi khi bạn và tôi, ta phiếm với nhau về chuyện Đạo. Chuyện, sống ở đời. Với mọi người, trong Đạo/ngoài luồng, mình thường tặng nhau những truyện kể, để minh hoạ. Có khi là một đoạn tiếu lâm chay. Có lúc, là đoạn trích về quan niệm lập trường của ai đó, rất để đời. Hôm nay đây, bần đạo vừa nhận được đoản văn của người kể mang tên Ts Trần An Bài, do bạn gửi. Xin cống hiến ở đây, như đoạn kết. Hết chuyện. Như sau:

“Một nhà sư nổi tiếng đạo đức tên là Viên Thủ trung, trụ trì chùa Tô Châu, trưng bày chiếc quan tài nhỏ, trên bàn sách. Quan tài này, dài chừng 3 tấc, có nắp có thể mở ra/đóng lại được. Các đạo hữu thấy vậy, thắc mắc hỏi ông:

-Bạch thày, chiếc quan tài này có ý nghĩa gì?

Nhà sư giải thích:

-Người ta sống, tất có chết. Chết rồi thì, nằm trong quan tài giống như cái này. Tôi ngạc nhiên, là tại sao thiên hạ suốt cả đời cứ lo lắng. Vất vả. Chạy theo công danh. Phú quý. Tài sắc, thị hiếu mà chẳng ai biết cái chết là gì. Mỗi khi gặp điều bất ưng, tôi liền nhìn ngắm chiếc quan tài này. Tức khắc, tâm hồn tôi đuơợc yên ổn. Mọi lo âu/mjuộn phiền liền biến mất. Chiếc quan tài, là bài học luân lý đáng giá vậy.”

Và, người kể lại thêm một lời bàn, rất Đạo giáo. Như sau: “Bạn thân mến, mỗi khi bạn thấy phiền sầu. Khổ não. Vì bất cứ chuyện gì, như: thiếu tiền thiếu bạc, hoặc làm ăn lỗ lã. Ngay cả, những chuyện như phạm tội, cả trong tâm tư cũng như bằng hành động, hãy bắt chước nhà sư Viên Thủ trung, nhìn vào chiếc quan tài. Rồi nhới Lời Chúa dạy cách nay 2000 năm, về trước. như còn vang dậy đâu đây: "Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó." (Lc 12: 20-21)

Lời cuối, nay gửi bạn và gửi tôi, là lời rất cuối, của nhạc bản “Mùa thu Chết”, rất như sau:

“Em nhớ cho, rằng Ta vẫn chờ em.

Vẫn chờ… vẫn chờ… đợi em!”

(Phạm Duy – bđd)

Thế nghĩa là, dù em/dù anh, là người của Hội (rất) thánh có “ngát hương mùi thạch thảo”, hay đã toát ra, mùi của lỗi/tội, những quan tài, thì Đức Chúa là Chúa của niềm Vui Tươi và Hy Vọng, vẫn cứ chờ. Chờ em. Chờ ta. Chờ thánh hội rất thánh, là Hội thánh. Tự bao giờ.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn cứ hy vọng và hy vọng.

Hy vọng để sống. rất đẹp.

Với đời.

(xem thêm các bài khác xin vào www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc, www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc, www.giadinhanphong.blogspot.com )

No comments: