Saturday 10 July 2010

“Nhắm mắt, cho tôi tìm một thoáng hương xưa”

Cho tôi về đường cũ nên thơ…

(Phạm Đình Chương/Thanh Tâm Tuyền – Nửa Hồn Thương Đau)

(Kn 1: 28)

Về đường cũ. Nên thơ. Để tìm một thoáng, hương xưa. Chao ôi! Đâu phải dễ. Cũng chẳng là chuyện bình thường, như nhắm mắt. Hoặc, nhắm cả mũi luôn. Bởi, hương xưa tìm về, đâu chỉ mỗi nhắm là xong đâu. Chí ít, là nhắm và tìm như nhà thơ cùng người viết nhạc, đã từng hát:

“Cho tôi gặp người xưa ước mơ Hay chỉ là giấc mơ thôi Nghe tình đang chết trong tôi Cho lòng tiếc nuối xót thương suốt đời.”

(Phạm Đình Chương/Thanh tâm Tuyền – bđd)

Gặp rồi, chắc là cả nhà thơ lẫn người viết nhạc sẽ không còn nhắm thêm gì nữa. Bởi, có nhắm hay mở mắt, vẫn thấy những điều trái khuấy, rất như sau:

“Nhắm mắt, ôi sao nửa hồn bỗng thương đau Ôi sao ngàn trùng mãi xa nhau Hay ta còn hẹn nhau kiếp nào…” (Phạm Đình Chương/Thanh Tâm Tuyền – bđd)

Quả thật, hôm nay bạn và tôi, ta có nhắm mắt hay nhắm gì đi nữa, dùđể nguyện cầu. Hay xuất thần. Hoặc, có nhắm cả mắt lẫn mũi như cố nhìn ngắm Đức Chúa, như các thánh tổ khi xưa, cũng thấy rằng: đời này, người người vấn cứ trừng trừng mà nhìn. Vẫn cứ mở hết con ngươi, chứ nào có nhắm hay bịt, cũng chỉ để suy nghĩ hay nhung nhớ điều gì đó, rất mông lung. Xa vắng. Khó tìm. Chỉ thế thôi.

Điều ít thấy và cũng khó tìm, đôi khi vẫn cứ hiện hình, ngay trước mắt. Trước mặt mọi người. Và mỗi người. Thế nhưng, mọi con dân đi Đạo hôm nay lại ít khi nào lại tưởng và nhớ. Chí ít, là nhớ tưởng những gì chẳng liên quan đến với đời mình. Chuyện riêng tư. Tựa hồ chuyện hỏi/đáp khá “vô tư”. Xa lạ. Với đấng bậc vị vọng, để mà hỏi. Hỏi, là hỏi những điều ít người chịu nhắm mắt, hoặc nhắm cả lòng mình, mà lắng nghe. Tìm hiểu. Như sau:

“Mới đây, tôi nghe nói có người nọ vừa quay về với đời sống, rất bình thường. Sau thời gian dài sống như cây cỏ. Rất nhiều ngày. Riêng tôi, vẫn cứ cảm tạ Chúa về những chuyện như thế ấy. Chuyện, là vấn đề tôi đặt ra hôm nay, vỏn vẹn như thế này: Tại sao Hội thánh Chúa vẫn cố giữ cho người bệnh sống mãi trong tình cảnh tuỳ thuộc chuyện tiếp chất dung dịch vào người bệnh, kéo dài cuộc sống xem ra không cần thiết. Bởi tại sao ta lại không dứt điểm cuộc sống của những người sống chỉ như cây cỏ, chẳng biết gì? Tại sao lại cứ buộc người bệnh ngặt nghèo ấy phải kéo dài cuộc sống thê lương như thế? Xin được giấu tên, để còn sống với chòm xóm.” (Ký tên: một người có Đạo ở Sydney)

Cũng ở Sydney, lâu nay vẫn có đấng bậc vị vọng chẳng lấy làm điều khi nhiều người có các câu hỏi khá “móc họng”, xóc óc, đến như thế. Đức ngài nhận được được câu hỏi, bèn nghĩ đến bổn phận phải đáp giải/trả lời, mới ngủ yên. Ngài tên John Flader, đấng bậc linh mục thuộc nhóm “Công trình của Chúa” rất Opus Dei, có lời đáp như sau:

“Trước hết, xin thưa là: các chuyên gia luân lý trong Đạo có tiếng tăm thường vẫn bàn thảo vấn đề này, từ lâu. Có vị biện giải rằng: việc đem chất lỏng dinh dưỡng tiếp sức theo phương pháp nhân tạo là việc săn sóc rất thường nhật. Cũng nên làm.

Cũng có vị lại biện giải rằng: việc chăm nom/săn sóc như thế, suốt nhiều ngày, sẽ trở thành gánh nặng, cho hệ thống an sinh/y tế, hoặc gia đình. Có lẽ, đã đến lúc ta cũng nên chấm dứt động thái ấy.

Đã từ lâu, Toà Thánh La Mã cũng dần dà bày tỏ lập trường một cách rõ rệt, và hữu lý. Tông thư mới nhất xuất từ Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, ban hành năm 2007, theo hình thức giải đáp vấn nạn, do Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đưa ra.

Cho dẫu là như thế, cũng nên xem xét sự việc, cho cẩn thận. Trước hết là chuyện ngôn từ. Nên hiểu rằng, khi ta nói: ai đó đang sống đời thực vật, là có ý nói về những người hít thở rất tự nhiên, tiêu hoá thức ăn cũng hệt như cây cỏ. Họ vẫn có thể nhắm mắt, mở mắt, theo dõi mọi chuyển động của sự vật, rất bình thường. Nhưng, không thể mấp máy môi miện hoặc tự mình nuôi sống bằng thức ăn, của uống được.”

Như thế thì, nói theo kiểu cách của nghệ sĩ ngoài đời, là nói và hát như thế này:

“Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt

Chỉ thấy lòng nhớ nhung chất ngất

Và tiếng hát và nước mắt .”

(Phạm Đình Chương/Thanh Tâm Tuyền – bđd)

Của đáng tội, “chỉ thấy lòng nhớ nhung”, là lối nói của nhà thơ/người đặt nhạc mà thôi. Chứ, với người bệnh, mà độc giả nọ cứ hỏi và bàn là có mà nhắm/mở những hai con ngươi, thì cũng chỉ thấy “vật đổi sao dời”, đời một nỗi. Rất chán chê. Ê chề. Nhiều tình tiết. Chứ, nào mấy ai biết “nhớ nhung”, với lại “chất ngất”, thứ gì đâu!. Nhớ chăng, chỉ là nhớ rất lờ mờ những ảnh hình của người, của vật nào đó. Xa xăm. Mù tối. U hoài, mà thôi. Thôi thì, ta cứ để những chất ngất/nhớ nhung của các vị đang “sống đời thực vật” được sống, như đức thày nhà Đạo, lý giải tiếp:

“Ngày 1/8/2007, Đức Thánh Cha Bênêđíchtô XVI đã chuẩn thuận cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin giải đáp thắc mắc về tình trạng của những vị có cuộc sống như trên.

Thành thử, câu mà bạn đưa ra hỏi rằng: có nên cho người bệnh sống đời thực vật tiếp thu thức ăn/nước uống bằng phương cách tự nhiên, hoặc nhân tạo không? vẫn là chuyện phải làm theo luân lý và đạo đức, một khi cơ thể người ấy không thể tự hấp thụ hoặc tiếp thu thực phẩm mà phải nhờ vào người khác, phương pháp khác, có tạo ra những bất tiện về thể lý, hay không?

Thì, câu trả lời của Hội thánh, là: RẤT NÊN. Tiếp thức ăn và nước uống bằng phương pháp nhân tạo, trên nguyên tắc, là phương cách thường tình và có mức độ, là để duy trì sự sống. Vì thế, bắt buộc ta phải làm như thế, bao lâu việc ấy còn thực hiện được vì mục đích cuối cùng, rất đúng đắn. Tức là, làm sao tạo dinh dưỡng tiếp nước để nuôi cơ thể của người bệnh. Có như thế, mới tránh không làm cho người bệnh khổ đau thêm, hoặc đi đến tình trạng chết đói, chết khát.

Với nhà Đạo, cứu vớt và bảo vệ sự sống là như thế. Dù, sự sống ấy có là sống như cỏ cây, rất thực vật. Tội nghiệp. Ấy thế mà, người người ở đời có thất cái “nghiệp” chịu trận hay không, làm sao biết. Chỉ biết rằng, nghệ sĩ nhà mình vẫn cứ ca và cứ hát, Những câu lờ mơ, lờ tờ mờ, như sau:

“Đôi khi em muốn tin

Đôi khi em muốn tin

Ôi những người ôi những người

Khóc lẻ loi một mình.”

(Phạm Đình Chương/Thanh Tâm Tuyền – bđd)

Người bệnh, dù có khóc hay có tin. Vẫn là cứ là điều mà người ở ngoài, hằng nhớ đến. Nhớ về, một giải đáp cho câu hỏi được Đức-Thày-nhà-Đạo trả lời như sau:

“ Câu kế tiếp, là: “Có nên chấm dứt không tiếp tục nuôi dưỡng và tiếp nước uống cho người bệnh đang ở tình trạng triền miên sống đời thực vật/cỏ cây hay không? Và, cả vị y sĩ là người có thẩm quyền để phán quyết điều gi cho thích hợp với luân lý vững chắc, cũng lại bảo: người bệnh sẽ chẳng quay trở về với trạng thái tỉnh táo, ý thức như trước?

Câu trả lời cho lời hỏi thứ, là: KHÔNG! Người bệnh có kéo dài cuộc sống cây cỏ/thực vật, vẫn là bản vị có phẩm giá như một người. Vì thế, họ vẫn cần được người khác chăm sóc thương tình mà tiếp tục cho ăn cho uống bằng các phương pháp nhân tạo hoặc gì khác, vẫn phải làm.

Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị, hôm 20/3/2004 có nói với các vị đến tham dự Hội thảo Quốc tế về đề tài “Chữa trị để Duy trì Đời sống và Trạng Huống của những người sống đời Thực vật”, là những người đang ở vào trạng thái sống như cây cỏ, họ cần phải được duy trì phẩm giá căn bản như mọi người.”

Ngài còn tiếp: Giá trị nội tại và phẩm giá tư riêng của mỗi bản vị không bao giờ đổi thay. Là người, dù ta có nhuốm bệnh nan y khó chữa hoặc có mắc chứng tật khó có thể thực hiện chức năng ở tình trạng tốt đẹp nhất, vẫn cứ phải và sẽ luôn là bản vị nòng cốt. Bản vị ấy, không bao giờ trở thành cỏ cây, hay loài thú được hết.” (#3)

Đành rằng đôi khi cũng có luật trừ. Như, trường hợp nhân vị ấy, bản vị ấy đang ở mãi tận vùng sâu vùng xa, hoặc lại rơi vào cảnh tình cực kỳ khó khăn, không thể thực hiện được việc cung cấp thức ăn hay nước uống được, thì ở vào trường hợp ấy, cũng có thể bãi miễn các ràng buộc luân lý, đạo đức.

Xem như thế, qua lời hỏi đáp thư nhất như đã xét, thì: giả như tình trạng sức khoẻ của người bệnh trở nên ngặt nghèo, như ung thư dạ dày chẳng hạn, thì vì có khó khăn như thế, vì cơ thể người bệnh chẳng thể nào hấp thụ được thức ăn hoặc chất lỏng; hoặc như: việc tiêm chích thức ăn/nước uống lại làm cho người bệnh đâm “khó ở”, thì vào những trường hợp như thế, họ không bị ràng buộc về luân lý, như người khác.

Lại nữa, ví dụ mà bạn đưa ra qua câu hỏi ở trên –nhất thứ là, vào những năm gần đây—thì, có rất nhiều trường hợp hi hữu xảy ra trên thế giới; những sự việc cho thấyrõ ràng là ta không thể nào biết chắc được là người bệnh có thể lành khỏi, và sẽ không còn ở vào tình trạng sống đời thực vật như trước; nhất là vào những năm sau đó. Điều này, càng khiến ta chú ý hơn, rằng: vào trường hợp có những bệnh nhân thực sự bị như thế, thì: ta lại càng phải kính trọng phẩm giá của người đó hơn. Càng nên tiếp tục điều trị cho họ bằng phương pháp dinh dưỡng, tiếp nước vào cơ thể, theo phương thức nhân tạo, hơn nữa.” (X. Lm John Flader, The Catholic Weekly, 09/5/2010 tr.11)

Nói nào ngay, đức thày nhà có khuyên gì thì khuyên. Có, bảo gì thì bảo, người đời nay vẫn cứ nhìn vào cuộc đời, rồi thấy chán. Vì có chán và khá ngán, nên nhiều người lại cứ cất lên đôi câu hát rất “nhắm mắt”, để rồi lại xin với xỏ, rồi còn hỏi:

Anh ở đâu ?

Em ở đâu ?

Có chăng mưa sầu, buồn đen mắt sâu? “

(Phạm Đình Chương/Thanh Tâm Tuyền – bđd)

Và rồi, cứ nhắm mắt (chứ đừng nhắm mũi), sẽ lại thấy những “nửa hồn (rất) thương đau!”. Nhắm rồi, hãy cứ tìm. Tìm anh. Tìm em,. Xem em và anh, hiện ở đâu? Có mưa sầu? Buồn đen? Hay, mắt sâu, rất như thế?

Nói cho cùng, dù cho anh, cho em có nhắm cả mắt lẫn mũi, thì đời anh, đời em vẫn cứ xa nhau. Vì đời anh, hoặc đời em đang sống rất giống đời cỏ cây. Thực vật. Xa và tìm, có thể vì ta vẫn cứ nghe rồi chóng quên, lời dạy của Đức Chúa, rất sau đây:

“Hãy xem chim trời:

Chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho;

thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng.

Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?”

(Mt 6: 26)

Nói cho cùng, dù người anh/người em của ta, nay có thương đau đến “nửa hồn”, vì sức khoẻ đang dần dà, lịm chết. Theo nhiều cách. Thì, cũng cứ hy vọng rằng mọi sự sẽ tốt đẹp, như Lời Chúa nhủ khuyên. Bởi, dù gì đi nữa, Thầy Chí Thánh, vẫn ở bên ta. Vỗ về. Tiếp sức. Có Ngài ở gần, lo gì chuyện chết đói. Chết khát. Có Ngài ở gần, chắc chắn dân con mọi người cứ yên tâm mà sống. Sống yêu thương, giùm giúp, hết mọi ngưòi. Khỏi lo lắng. Đắn đo. Như truyện kể ở dưới, rày minh chứng:

“Truyện kể rằng:

Có cụ ông vào tuổi lục tuần nọ, sau nhiều tháng năm bận tâm cống hiến đời mình cho lao động, nay về già đã biết ưu tư, lo cho chính mình. Ông gom góp một số tiền lặn lưng làm một chuyến du ngoạn thưởng lãm những gì mình chưa biết. Vui chơi vài ba bữa, cho bõ cảnh về già, không còn sức. Ông lấy bản đồ, rồi nhắm mắt chấm đại vào đó, chon nơi đi. Cây viết ông dùng để chấm, để khoanh, lại rơi ngay vào nước láng giềng kề cận, tên gọi nước Thái. Vừa đặt chân đến nước bạn, để thưởng ngoạn, ông bèn cởi áo sống cho thoải mái, bèn làm một vòng tản bộ “thăm dân cho biết sự tình.”

Kịp đến ngã ba đường mới lạ, cần chọn hướng, ông đi về hướng có mũi tên dành để cho người ít tiền. Đương nhiên là một chọn lựa rất phải lẽ. Lại đến kúc rẻ trực chỉ nơi chốn dành cho người có tuổi. Ông hí hửng mỉm cười nghĩ mình đã chọn đúng hướng..

Tiếp tục tiến bước, ông lại theo tấm bảng chỉ đường ở một ngã ba khác, phân rẽ đôi đàng chỉ về hướng dành cho người không còn bảnh trai, nhưng có chút đồng dư đồng để, tha hồ mà hưởng lạc. Nhiều hạnh phúc.

Chợt đến cuối đường, ông lại thấy có tấm biển ghi lời khuyên: hãy chọn một trong hai phía, một dành cho ngưòi dẻo dai. Trai tráng. Đầy nghị lực. Phía kia, dành cho người không còn sức. Chỉ lai rai. Sương sương, vài ba sợi, dành cho người “hết mực”. Trong một thoáng chốc rất nhanh, ông chọn lối thứ hai. Tuởng rằng chọn thế là rất đúng. Nhưng, tới cuối đường, bèn thấy có tấm bản ghi rõ giòng chữ: “Ít tiền. Già lão. Xấu trai. Lại không có sức. Thôi, về đi mà tính chuyện dưỡng già, cho phải Đạo làm người, hỡi cha nội. Hơi sức đâu nữa mà bon chen.Chỉ còn nước chết.”

Kinh nghiệm sống đời thường, nhiều người rày đã biết: đường đi không khó, mà sao lối về lại lắm chông gai. Miệt mài. Gió sương! Với sức lực còn lại ở cuối đời, hẳn người người chợt nhớ chợt thương cho những ai không còn trẻ, cũng chẳng còn bao nhiêu sức, nhưng vẫn không biết nhắm tài lực của chính mình, để rồi sẽ phải hát câu thơ/ý nhạc rất hiện thực như sau:

“Ôi những người! Ôi những người

khóc lẻ loi một mình.”

Khóc, lẻ loi … một mình!”

(Phạm Đình Chương/Thanh Tâm Tuyền – bđd)

Tóm một lời, sống đời cỏ cây, hay sống lành lặn một đời người, vẫn là sống những chuỗi ngày dài có năm tháng thấy mình sao cứ khóc “lẻ loi”, “một mình”? Khóc nhiều nhất, lại là lúc thấy rằng, chẳng còn ai đoái hoài. Yêu thương. Giúp mình. Vẫn cứ biện luận. Tranh cãi. Đố kỵ. Vẫn cứ dựa nhiều vào qui định. Luật lệ. Rất cứng ngắc.

Thành thử, dù có sống đời cỏ cây. Thực vật. Rất tất bật. Hoặc, chỉ sống một cuộc đời bình thường. Hạnh phúc. Rất tâm đắc. Ta vẫn cứ bảo nhau hãy duy trì tình thân thương. Hỗ trợ. Dù, mình đang sống rất khó. Hoặc, rất khó sống. Với người thân, ở nhà Đạo.

Trần Ngọc Mười Hai

Nhiều lúc chợt nhớ về

cuộc đời của bạn nghèo.

Tuy không hèn.

Nhưng khốn khó.

(xem thêm các bài khác xin vào www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc, www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc,www.giadinhanphong.blogspot.com )

No comments: