Saturday 3 July 2010

“Chiều nay, mình lang thang trên phố dài”

Không có em, ai chung bước dỗi nhau giận hờn.”

(Ngô Thụy Miên – Chiều Nay Không Có Em)

(Kn 1: 28)

Lời trần tình ở trên, vẫn cứ thế. Thật không dễ. Bởi, không có em, thì mình sẽ “lang thang, trên phố dài”, cả đời người. Dễ mất vui. Và, đời anh. Đời em. Đời người. Sẽ “chung bước dỗi nhau giận hờn”. Giận hết biết. Hờn, khôn nguôi. Giận và hờn, bởi: “em” là người thể hiện tình thương gửi đến muôn người. Và bởi, “em” vẫn chưa được làm chủ thể, để người người ới gọi. Rong chơi. Thoả thích.

Không có “em”, thì người nghệ sĩ vẫn thấy “đời mình, sao vắng vui cuộc tình”. Tình của nhiều đứa, chứ đâu hai người. Không có “em”, hiểu theo nghĩa bản-thể-chưa-thành-hồn. Cũng chưa linh. Và như thế, tình người. Ở đời. Cứ thế mà im ắng. “Vắng vui”. Vắng cuộc tình”. Vắng nhiều thứ nữa. Chí ít, là tình mẫu tử. Cha con. Cộng đoàn. Rất hân hoan. Bởi, thiếu “em” là thiếu đủ mọi thứ. Thiếu tình. Thiếu đời. Nên cũng khó. Càng khó hơn, khi chợt nhớ Lời Giavê Chúa cảnh báo:

Hãy sinh sôi nảy nở

cho dẫy đầy mặt đất,

và bá chủ địa cầu.”

(Kn 1: 28)

Cái khó hôm nay, không chỉ bá chủ điạ cầu, mà thôi đâu. Còn, như người nghệ sĩ, vẫn cứ hát:

“Không có em,

một mình, ta với ta ngày dài,

thôi chóng qua, tuổi hoang trôi vai gầy.”

(Ngô Thụy Miên – bđd)

Hôm nay, ngồi suy tư chuyện thiếu vắng tình người. Vắng, cả bóng hình của người “em” không được mặc thân xác, sống làm người. Để, hiện hữu với đời, là thiếu vắng rất lớn. Lớn nhất đời.

Hôm nay và mai ngày, ngồi buồn nghĩ lại mới thấy đời người đều có ước. Và, có mơ. Mơ ước rồi, để còn xin. Xin cho “tình yêu hãy lên ngôi”. Thứ tình, mà nhiều người vẫn “dấm dẳng” cứ nhận chìm. Để rồi, bé em sẽ không bật được tiếng khóc, rất chào đời. Để rồi, người nghệ sĩ, lại có thêm lời hát, rất oán, Rất thán. Suốt một đời:

“Không có em,

còn ai thương lá thu bay.

Còn ai vương vấn cơn say.

Đời gian dối, cô đơn mình ta.”

(Ngô Thụy Miên – bđd)

Không có em, chẳng ai “thương lá thu bay”, chuyện đã đành. Không có “em”, chẳng ai là không thấy: “đời dối gian”. Cô đơn mình ta”. Và khi cô đơn, người người sẽ cứ gặp cơn say. Mai ngày. Nghiệt ngã. Nghiệt và ngã, là bởi từ ngày “không có em”, mây chẳng buồn bay. Mắt nai thiên thần, không buồn nuối tiếc. Khát khao. Đợi chờ. Và từ đó. Đời anh. Đời tôi. Sẽ ra vô nghĩa. Và, từ nay, địa cầu sẽ không có ai làm bá chủ. Thống trị. Nước Trời, sẽ không có người quản lý. Vũ trụ, cứ thế quay cuồng. Bần thần. Nhung nhớ.

Hôm nay đây, ngồi buồn mình chợt nhớ. Nhớ rất nhiều. Nhiều nhất, là: từ ngày con người bất tuân Lời Chúa, Đấng Tạo Thành trời đất, tự khắc sẽ không còn đất đứng. Để bá chủ. Nên, đã quay cuồng. Với tâm linh. Tình tự, rất suy tư. Suy tư và quyết định. Để rồi, quần thần nơi nơi nay xao xuyến. Xốn xang. Như độc giả nọ ở Sydney từng thắc mắc. Hỏi han. Rất như sau:

“Nếu biết rằng, số thai phôi đông lạnh ở đâu đó, chẳng có người đến nhận hoặc lấy đi. Thì thử hỏi, là phụ nữ vẫn ao ước có con còn nhỏ để chăm nom và dưỡng dục. Những người như thế, có được phép “tiếp nhận làm của mình” một bào thai, mà đặt cài vào cung lòng mình, hầu cứu vớt. San sẻ tình thương yêu, chăng?”

Phải công nhận, là: thắc mắc/hỏi han thường mang tính luân lý/đạo đức. Cũng rất Đạo. Thường là hỏi và han về luật pháp/án lệ ở nhà Đạo. Hỏi rằng: Hội thánh có cho phép ta được làm những chuyện như thế? Nếu không, ta hiểu thế nào chuyện “Bảo Vệ Sự Sống”, rất thai phôi? Trứng nước. Thai phôi, có là người. Rất tính người? Hỏi, là hỏi thế. Chứ, câu trả lời, vẫn nên để cho đấng bậc đức thầy chuyên môn. Bài bản. Sáng suốt, mà trả lời. Bởi, đức ngài vốn giòng hào kiệt, rất John Flader đấng bậc linh mục thuộc trường phái Opus Dei ở Sydney, triệu năm văn vật. Như sau:

“Về chuyện này, có nhiều quan điểm/lập trường, cũng khác biệt. Nhưng thôi, xin cho tôi được phép đưa ra đây, một đáp giải có chú thích, chút ít, về đường hướng lấy bối cảnh Hội thánh làm nền.

Lý do, như bạn biết, tại sao người người hôm nay có cả trăm ngàn thai phôi đang được trữ lạnh ở khắp mọi miền trên thế giới, qua tiến trình thụ thai trong ống nghiệm “IVF”? Bởi thế nên, các thai phôi nay được nhân bản. Sản xuất. Cũng rất nhiều. Và, thai phôi nào chưa được cài đặt đem vào cung lòng của các vị-chuẩn-bị-làm-mẹ để thành thân và thành nhân, đôi lúc vẫn được cất giữ vào chỗ đông lạnh; để rồi, trong tương lai mai ngày, ai đó sẽ tìm cách biến nó thành thai nhi. Thật cũng dễ.

Giả như tiến trình thụ thai IVF đạt kết quả. Khả quan. Và, người mẹ sẽ sinh hạ được quý tử, không muốn trải qua ngày dài cực khổ. Lại đắt giá. Và, thai phôi ở bệnh viện không có ai đến nhận xin, thật cũng khó. Nên nhớ rằng: dù chỉ là thai phôi thôi, nhưng thai đây cũng đã là bản thể “người”, đang ở vào giai đoạn tiền-phát-triển. Hoặc, chỉ mới chớm.

Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã đưa ra huấn thư gọi là “Phẩm Giá Con Người” ban hành năm 2008, có giải thích, rằng: việc trữ lạnh thai phôi “phải phù hợp” với động thái tôn kính thai-nhi-đã-là-người. Nghĩa là, việc này giả định rằng: chuyện sản sinh thai phôi trong ống nghiệm, tự thân, sẽ đưa thai phôi vào tình huống có nguy cơ tử vong, hoặc gây hại cho cơ thể. Bởi, đa phần thì thai phôi không thể sống sót sau tiến trình làm lạnh và tan giá, khiến có thể tránh cho người mẹ khỏi phải tiếp nhận và ấp ủ, thai nhi dễ chết ấy. Vì thế, ta đặt mình vào vị trí dễ phạm tội và thao tác, mãi về sau. (x. bđd #18)

Đàng khác, ta sẽ làm gì với thai phôi vô-thừa-nhận ấy? Và đây, Huấn Thị có nói rõ: những ai đề nghị “sử dụng thai phôi cho công cuộc nghiên cứu hoặc trị bệnh, cũng nên biết rằng: đó là điều ta không thể chấp nhận được. Bởi, thai phôi luôn bị coi như chất liệu sinh thái. Nên, kết cuộc dễ đưa đến tàn phá. Huỷ diệt. (x. bđd #19)

Hệt như thế, có người còn đề nghị: ta làm sao để thai phôi, khi được làm tan băng giá và ấm lên, vẫn không phục hồi được sự sống, khi đó ta sử dụng thai phôi này cho nghiên cứu, tựa hồ xác không hồn như bao xác chết giữa đường, được không? Câu trả lời sẽ là: điều này, lại càng không thể chấp nhận được. Còn đề nghị, bảo rằng: có nên giao thai phôi như thế cho vợ chồng nào hiếm muộn, để sử dụng hầu trị liệu cho chứng bệnh hiếm muộn? Lại nữa, đây là đề nghị không chấp nhận được, vì các lý do như dã nói. Tức, lý do tương tự sẽ khiến cho việc sinh đẻ theo phương pháp nhân tạo trở thành trái luật giống như kiểu đẻ thay. Sinh giùm. Sinh và đẻ, giúp người hiếm muộn. Hành động này cũng sẽ tạo ra nhiều vấn đề mang tính y học. Tâm lý. Pháp luật.” (x. bđd).

Cuối cùng thì, Huấn Thị trên cũng lại đề cập đến vấn đề mà bạn vừa hỏi, là: “Có người lâu nay thường đề nghị, là: họ chỉ muốn giúp cho bé em có thể chào đời, bằng không các em sẽ bị huỷ diệt, thôi. Có người còn coi đây như hình thức “nhận con nuôi trước khi bé chào đời, để cho dễ”. Đề nghị này, tưởng là đáng được khuyến khích vì có tôn trọng và bảo vệ sự sống. Nhưng xét kỹ, nó vẫn tạo nhiều vấn đề khác nhau. Nhất thứ, nó lại không khác gì những điều ta vừa nói ở trên.”

Phản bác chính, chống việc “nhận nuôi” thai phôi là vì đứa bé chỉ có thể bước vào cuộc sống làm người bình thường, qua động thái thân thương từ đấng bậc cha mẹ đẻ của chính em, mà thôi. Theo cách thế này, thì ý nghĩ duy nhất kết hợp và mang ý nghĩa “sinh sôi tràn trên dất” tạo được từ tác động tình dục mà Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã giải thích rõ và khuyên nên duy trì, khi ngài đề cập đến vấn đề này trong Hiến Chế Sự Sống Con Người (Humanae Vitae) ban hành năm 1968. (x. bđd #12)

Việc “nhận nuôi” thai phôi, thì: không chỉ mỗi hai ý nghĩa nói ở trên, quyết làm cho thai phôi được hiện hữu sống sót, cũng không thể tách rời ý nghĩa kết hợp và sinh sôi nảy nở nói trên, bằng cách cho bé sống qua ống nghiệm. Bởi lẽ, ta hiểu rằng cặp phối ngẫu nào mà “nhận nuôi” thai phôi trong điều kiện như thế, sẽ không là cha mẹ đích thực của đứa trẻ, hiểu về mặt thể lý. Tức, hiểu theo nghĩa nói từ đầu, là: bé sẽ chào đời làm người, nơi cung lòng của bà mẹ đẻ thay/sanh giùm, mà thôi.

Nói thế, tức bảo rằng: cặp phối ngẫu nào “nhận nuôi” thai phôi mà không đích thực cưu mang trẻ bé qua hành động dục tình có tính yêu thương vợ chồng thật sự, thì bé sẽ không là con cái của hai người, xét về mặt sinh lý. Ví dụ để thấy rõ, là: có thể sau này, trong cuộc sống bình thường, trẻ bé sẽ gặp nhiều vấn đề hơn, một khi em khám phá ra rằng: cha mẹ sinh ra em lại không phải là cha mẹ đẻ đích thực, theo nghĩa tâm sinh lý.

Còn lại vấn nạn: với mẹ ruột thuộc tâm sinh lý đích thực, thì nếu bà có dư thai phôi đông lạnh, lại không ý thức chuyện, theo luật Đạo, không được phép sinh con qua phương pháp ống nghiệm, trong trường hợp ấy, bà có được phép đem thai phôi này chuyển về lại tử cung mình, như cách lưu giữ chúng, có được không?

Huấn Thị “Phẩm Giá Con Người” không nói gì đến vấn nạn này. Cho nên, đối với các nhà thần học luân lý lỗi lạc, mỗi người một lập, rất khác nhau.

Lập trường và quan niệm khả thi hơn cả, là: xem ra vẫn là chuyện còn trong vòng tranh cãi quyết chống lại các bà mẹ nào có những hành động đại loại như thế. Theo quan niệm của một số các nhà thần học trổi trang, thì bà mẹ nào làm những việc như thế, cần theo tiếng nói của lương tâm, nếu hành xử như thế. (x. John Flader, The catholic Weekly 02/02/2010, tr. 11)

Ối chà! Đúng, là chính kiến. Rất chính qui. Khúc chiết. Không sai chạy. Của đấng bậc, vị vọng thuộc trường phái rất Opus Dei. Còn lại, chuyện hỏi rằng: được bao nhiêu đấng bậc lành thánh, rất mẹ hiền, hiểu và biết lập trường gai góc. Khó hiểu. Của đấng bậc thần học, trong Hội thánh. Rất như thế?

Bần đạo đây, thuộc giống giòng lào khào, ít vốn liếng những học về thần. Về giáo luật, thì chỉ ăn đong, đếm từng chữ. Đếm, để hiểu chuyện luân lý. Tín điều. Nên, vẫn hay đi vào giòng đời tìm tòi truyện kể. Thi văn. Âm nhạc, cho dễ nhớ. Bỗng, bất chợt gặp một vài âm hưởng thi ca vang vọng của người nghệ sĩ có cung điệu lai rai. Chảy dài. Rất xao xuyến. Như ý tứ/ý lời ở đời. Sau đây:

“Rồi mai, mình lang thang trên phố người,

sao mắt nhung

không nuối tiếc, khát khao đợi chờ.

Không có em, còn ai thương lá thu bay.

Còn ai vương vấn cơn say,

đời gian dối, cô đơn mình ta.

Bảo rằng “đời gian dối”. “Cô đơn” mỗi mình ta, là bảo: không có “em’, các bé chưa thành thân, hoặc thành người mà hiện hữu cùng người. Ở với đời. Thì cũng sẽ chẳng có ma nào “thương lá thu bay”. Và, cả “tình Chúa” hay tình người” cũng kém vui. Lẻ loi. Đơn độc. Và như thế, đời bạn và đời tôi cũng chẳng còn ý nghĩa. Gì nữa hết.

Phiếm Đạo chuyện cao siêu. Diệu vợi. Nhiều lý lẽ. Khúc mắc. Thâm trầm. Còn là phiếm bằng truyện kể, rất lễ mễ. Lai rai. Dài dài. Chuyện con gián rất đáng chán; hoặc con ve, rất lè nhè. Nhưng không ẹ, như sau:

“Có cô gái và thiếu niên nọ cùng bước xuống đò, đi đâu đó. Khi bà lão lái đò, chèo ra giữa sông, gã thiếu niên xích lại gần cô gái, bèn hỏi nhỏ:

-Em có muốn hôn anh không?

-Đồ nhóc con. Cô gái hét vào mặt gã.

Khi cô gái bước lên bờ, bà lãi lái đò bèn nói với gã:

-Hằng tháng, cứ vào đêm 30, cô ấy thường hay vào miếu làng khấn vái. Cô ta rất tin vào vị thần ở miếu thiêng. Nếu chú chịu núp sau tượng thần, khi thấy cô đến khấn, cứ nhảy ra rồi xưng mình là thần trụ trì ở đó, lúc ấy muốn gì cô ta cũng chiều ý hết. Gã thiếu niên làm y như lời lão bà, không sai chậy. Đúng vào đêm 30, cô gái đến miếu làng, khập đầu quỳ khấn khấn lạy lạy trong bóng tối, chẳng cần ai. Bỗng chốc gã thiếu niên giả làm thần, từ sau tượng, nhảy ra ngoài nói sang sảng:

-Ta đây, vị thần ở miếu này. Con cần chi?

Cô gái hồn vía lên mây, bèn thưa thốt:

-Con lạy thần! Lạy thần ạ. Con muốn xin thần một chuyện…

-Xin gì, thì cũng phải cưới ta làm chồng trước đã.

-Dạ thưa, con là gái còn trinh. Lấy thần, làm sao sau này lấy được chồng, và có con!

-Thôi. Không chịu lấy, thì phải cho ta ôm hôn một cái, mới được.

-Dạ. Thần dạy thế, con chẳng dám chối từ…

-Kha. Kha. Ta không phải là thần, chỉ là thằng nhóc thôi.

-Ha ha ha. Thì ta cũng đâu phải là cô gái, trinh trong gì đâu chú. Chỉ là lão bà chèo đò, có thế thôi. Ha ha ha…

Truyện kể trên, tưởng như chẳng có gì ăn nhập chuyện bạn và tôi, ta bàn định. Nhưng, người kể bao giờ cũng cứ muốn thêm thắt đôi ba lời bàn, cho có dáng. Dáng, của kinh sư, bậc thầy, hay nói chữ. Nên mới bảo: sống đạo làm người. Ở đời. Muốn chuyện gì, bao giờ cũng thế. Rất dễ. Dễ nói. Dễ phân giải.Nhưng thực hiện ý muốn, của người của mình, mới là khó. Khó, không ở chuyện nói ra. Bằng lý thuyết. Nhưng khó làm. Chí ít, là làm từ vị thế. Góc độ. Khác với người chỉ mỗi nói.

Chuyện ở đây, tưởng dễ hiểu. Dễ thực hiện. Ở đời. Và, với đời. Nhưng kỳ thực, cũng rất khó. Khó hơn cả, là khi người người sống đời hiện thực mãi cứ thấy: “đời gian dối, cô đơn mình ta.” Thấy rồi lại hát tiếp, câu nối kết. Hát rằng:

“Như ước mơ,

xin nhớ lần mình hẹn hò,

Xin cho nhau một lời rồi,

xin tình yêu hãy lên ngôi.

(Ngô Thụy Miên – bđd)

Xin cho nhau một lời để tình yêu lên ngôi, còn là xin cho tình của bé em cứ mãi mãi, được đi vào trần thế. Mà hiện hữu. Có người đời thương yêu. Vĩnh cửu.

Trần ngọc Mười Hai

Vẫn cứ cầu và cứ xin

để được như thế.

(xem thêm các bài khác xin vào www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc, www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc, www.giadinhanphong.blogspot.com.

No comments: