Saturday 17 July 2010

“Người ở đâu, ôi người ở đâu?”

Cỏ xanh, còn áp má những đêm sầu Dế giun, còn tiếc mùa ân ái Từng phiến trời mang, bao vết thương ...

(Phạm Duy & Du Tử Lê – Tình Sầu)

(Mt 19: 17)

Có người trẻ. Ở quê người. Khi nghe người mình hát nhạc vàng/nhạc trẻ, bèn phán ngay một câu, rất xanh rờn. Câu ấy, như thế này: “Nhạc Việt mình, sao cứ ới gọi những đau thương!” Bần đạo đến nay chỉ học/biết láp nháp vài ba câu vui thú với lời bàn rất “Mao Tôn Cương” như ở trên, bèn thấy lòng mình xốn xang, đôi ba tình tiết. Rất phản bác.

Đã đành, nhạc Việt mình đôi lúc nghe hơi buồn. Hơi bị buồn một chút, thôi. Nhưng, nào ới gọi thương đau, với lại thương tích đâu nào nhỉ? Này, bạn trẻ! Thương đau/thương tích, có chăng chỉ vì lòng mình ngổn ngang trăm bề/trăm mối, tối nằm nghe. Chứ nào thấy thơ nhạc/nhạc thơ ngổn ngang trăm mối, khiến mình nổi cơn lên một mối, rất như ri:

“Người ở đây, ta cũng ở đây,

lòng không như mặt, mà lòng lệ tràn đầy.

Chân đi theo gió, sầu ba hướng,

Tay với một trời, trời mưa bay.”

(Phạm Duy & Du Tử Lê – bđd)

Trời mưa bay. Sầu mấy hướng. Mưa sầu - mây bay, thấy có đấng bậc vẫn cứ hỏi và hỏi. Hỏi rằng: phải chăng khổ đau lau nhau những sầu buồn, nay đã hiện diện, nơi nhà Đạo. Nhà rất đạo, nào đâu thấy cảnh sầu đau/đau đầu, nhiều nhân ái. Ưu ái cùng thân thương, Đạo mình vẫn cứ chung tình mừng vui an bình có Chúa cạnh bên. Rất nên tin.

Bằng chứng, ư? Dạ, không dám. Bần đạo chỉ dám ghi/dám chép nơi đây mẩu truyện ngăn ngắn, mới vừa nhận. Qua điện thư, như sau:

“Truyện kể đôi điều xảy ra ở phòng mạch. Có vị bác sĩ rất chuyên khoa hỏi/đáp, láp nháp chuyện trẻ con. Vẫn cứ thế:

-Cháu đây tên gì vậy?

-Dạ cháu nó tên Mai, thưa bác sĩ.

-Tên Mai à? Tôi đoán không lầm, thì: trước khi sinh cháu, chắc là chị thích hoa mai vàng ghê lắm nhỉ?

-Còn cháu này tên gì?

-Dạ thưa, con tôi tên Hồng!

-Lại một sắc mầu tuyệt đẹp nữa. Có phải trước khi có bầu sinh cháu, chị cũng thích hoa hồng lắm phải không?

-Thế, cháu này tên gì?

-Thưa, tên cháu chẳng có gì hay ho cả. Thôi, xin hẹn bác sĩ lần sau mẹ con tôi sẽ đến.

Cu ơi, thôi mình về đi con. Ở đây riết rồi bác sĩ với y tá cứ hỏi tên tuổi rồi đặt bày chuyện tiểu lầm cho mà coi…!

Hiểu, có lầm hay không, vẫn là thói quen của người mình, những hỏi han. Hỏi han, lan man nhiều thứ/nhiều chuyện, khiến ta nhớ. Nhớ chuyện lan man thuở trước, có tình tiết/thơ văn. Rất ngoài đời. Và nhà Đạo, nên bàn thảo cho rõ nghĩa.

Chính vì, sợ có hiểu lầm nên nhiều người đôi lúc cũng đã hỏi. Hỏi, như có người từng hỏi Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII về con số các vị đang làm việc tại Toà Thánh, Đức Gioan XXIII trả lời: “Chừng phân nửa!” Hẳn là, câu trả lời của Đức Gioan XXIII, chỉ nói lên phân nửa sự thật, về sự đời. Nhưng, về toàn bộ sự thật Toà thánh, chắc còn phải hỏi nhiều hơn.

Về những hỏi han, còn nhớ có vị từng hỏi Thầy Chí Thánh, với những câu:

Đức Giê-su nói:

Sao anh hỏi tôi về sự tốt lành?

Chỉ có một Đấng tốt lành.

Nếu anh muốn vào cõi sống,

thì hãy giữ các giới răn."

(Mt 19: 17)

Thật ra có hỏi han, mới am hiểu. Am hiểu tình hình sự việc. Am hiểu. Am hiểu cả những chi tiết, rất khó biết. Khó tường. Như câu hỏi về Toà Thánh, rất Vatican. Sau đây:

“Xin ngài giải thích cho biết, đôi chi tiết về cụm từ “Toà Thánh La Mã”, tức Vatican. Chẳng hạn như, có người bảo: Đức Giáo Hoàng sống ở “điện” Vatican. nhưng có người lại nói: các văn kiện này là do bên Vatican đề xuất, quyết định… Vậy thì, Vatican đích xác là gì?

Đã xin hỏi, thì hôm nay “đức ngài’ cũng sẽ thưa và sẽ đáp. Đáp rất mực. Thực chính xác, đó là điều nên làm. Và, nên thưa. Từ đấng bậc chuyên thưa thốt. Rất bài bản. Ở Sydney như sau:

“Như ông/bạn đề cập trong câu hỏi, cụm từ “Toà Thánh La Mã” (còn gọi là Vatican), đem đến cho ta một số những thực tại tuy có khác, nhưng rất liên đới.

Khi nói: Đức Giáo Hoàng đóng đô ở Va-ti-căng, là ta qui về phòng ốc, đất đai do Ban Quản Trị Hội Thánh, vẫn đứng trụ. Nói theo cung cách ngoại giao, thì phải nói: đó là Quốc Gia Va-ti-căng. Một quần thể/đất nước có đủ quyền lực như quốc gia, nhỏ nhất thế giới, với một diện tích rộng không đầy 40 héc-ta. Cung điện này, chứa đựng khoảng ngàn người, sống ở đó.

Điện Va-ti-căng gồm Đền Thánh Phêrô nổi tiếng thế giới. Ngoài ra, còn một số dinh thự/cao ốc, nơi Đức Thánh Cha ở, chiếm một phòng nhỏ, còn lại là các văn phòng thuộc Giáo triều Rôma, Bảo tàng viện Va-ti-căng, Nhà Khánh Tiết Phaolô Đệ Lục, và Vườn Thượng Uyển Va-ti-căng, vv.

Đất nước Va-ti-căng còn có chủ quyền trên một số cao ốc khác toạ lạc ở La Mã, trong đó phải kể đến Vương Cung Thánh Đường Gioan La-tê-ra-nô, nhà thờ Đức Bà Cả và đền thánh Phaolô, ở bên ngoài, các văn phòng dành cho các thánh bộ thuộc Giáo triều La Mã và biệt thự Castel Gandolfo, dành riêng cho Đức Giáo Hoàng, nằm ở phía Đông-Nam thành đô La Mã.

Quốc gia Va-ti-căng có vị chủ tịch nước, tức Đức đương kim Giáo Hoàng trị vì, nhưng được Uỷ Ban Giáo Hoàng coi về hành chánh cho toàn nước Va-ti-căng. Xem như thế, Đức Giáo Hoàng có hai vai trò chính: vừa đứng đầu Hội thánh Công giáo một cách hữu hình, vừa là Chủ tịch nước, cai quản quốc gia Va-ti-căng, trên thực tế.

Khi nói Va-ti-căng theo tư cách quốc gia, là nói như thế. Tức bảo rằng, Va-ti-căng có hệ thống tem bưu điện, có đội bảo vệ riêng, vv. Tuy nhiên, về ranh giới, nước Va-ti-căng được bao bọc bởi toàn bộ nước Ý, hoặc đúng hơn, phải nói là thành phố La mã. Và, nước này tuỳ thuộc khá nhiều vào phần lớn các dịch vụ, ở Ý.

Quốc gia Va-ti-căng được thiết lập, mới đây thôi. Tức là, từ năm 1929. Theo hiệp ước La-tê-ra-nô thì, kể từ niên biểu này, giữa Đức Thánh Cha và nhà cầm quyền nước Ý, có quan hệ rất mật thiết. Cũng theo hiệp ước này, thỉ Đức Giáo Hoàng dù là vị quốc trưởng tạm thời thôi, Ngài cũng có quyền cai quản các tiểu quốc thuộc Giáo triều của ngài trên phần đất rộng lớn ở Ý, mãi đến năm 1870, khi các tiểu vương quốc sụp độ.

Hiệp ước La-tê-ra-nô công nhận Quốc gia Va-ti-căng như một thể chế chính trị biệt lập, có đất riêng tuy nhỏ, nhưng bảo đảm quyền tự trị của Giáo hội độc lập với bất cứ quốc gia nào khác.

Ai muốn đệ trình điều gì lên Đức Giáo Hoàng, hoặc ai sinh sống và làm việc cho Va-ti-căng, thì địa chỉ phải ghi ở bên dưới, là: Thủ đô Va-ti-căng. Và, địa chỉ điện thư hay trang mạng sẽ kết thúc bằng hai chữ “.va”, tức Va-ti-căng.

Khi nói Va-ti-căng đưa ra bất cứ văn kiện hoặc tuyên ngôn nào, là ta qui chiếu về Đức Giáo Hoàng và các thánh bộ hỗ trợ để ngài cai quản Hội thánh Công giáo. Còn, danh xưng chính xác nhất để gửi đến ngài, đều phải ghi: Trọng kính gửi Đức Thánh Cha.

Điều khoản 361 trong Giáo luật có nói: “Danh xưng Đức Giáo Tông hoặc Đức Thánh Cha không chỉ mang ý nghĩa qui về Đức Giám Mục thành La Mã, thôi; nhưng, ngoại trừ những gì có tính cách phản nghịch bản chất của vụ việc, hoặc bối cảnh về ngôn ngữ, thì danh xưng ấy là để chỉ Bộ Ngoại Giao Toà Thánh, Hội Đồng Công Vụ Toà Thánh và các thánh bộ thuộc Giáo triều La Mã.”Văn phòng các thánh bộ này đều chỉ về Giáo triều Va-ti-căng.

Nói rõ hơn, Hội đồng Công Vụ Toà Thánh nay sát nhập vào Bộ ngoại Giao Toà Thánh, như một phân bộ có nhiệm vụ giao dịch với các quốc gia khác trên thế giới.

Mỗi văn kiện, dù xuất từ văn phòng thánh bộ nào đó thuộc Giáo triều, tỉ như Thánh Bộ Truyền Giáo hoặc Tín Lý, Phụng Vụ, cũng được coi như do chính Đức Giáo Hoàng ban ra.

Điều này ghi rõ ở Giáo luật số 360, như: “Đức Thánh Cha thường cai quản mọi công việc của Hội thánh Công giáo trong Giáo triều, đều có tác dụng như do chính Ngài quyền làm thế, vì mục đích phục vụ toàn thể Hội thánh.”

Giáo triều La Mã gồm nhiều văn phòng thuộc các thánh bộ khác nhau, như các thánh bộ chính, trích ở trên. Ngoài ra, ta thấy có 9 thánh bộ, 3 toà hoà giải và 11 Hội đồng Toà Thánh. Tất cả đều phục vụ cho Giáo triều La Mã.” (X. John Flader, The Catholic Weekly, ngày 11/10/2009 tr. 10)

Thực tại trần thế, dù bề thế như thực tại Toà Thánh La Mã rất Vatican. Cho nên, khi nói đến những điều thực tế rất “có thực mới vực được Đạo”. Và, Đạo Chúa còn thực tế hơn, khi Đức đương kim Giáo Hoàng, lại đề cập đến những thực tại trần thế, với tư cách là thế giới của thời đại thông số với truyền thông, như:

“Kỹ thuật truyền thông hôm nay là món quà quý báu cho nhân loại.

Chúng thăng tiến sự cảm thông và tình liên đới giữa con người.

Đặc biệt, với các cộng đoàn và những người cần giúp đỡ.”

(X. Tông Thư “Ngày Truyền Thông Thế Giới 2010”)

Thực tại trần thế ta vẫn gặp, sẽ còn như Đức Thánh Cha Biển Đức XVI từng nhấn mạnh:

“ Vai trò của Hội Thánh (trong vụ việc này), không phải để lấp đầy khoảng trống trên trang mạng. Mục tiêu Toà Thánh nhắm đến là để tỏ cho thế giới thông số biết rằng: “Thiên Chúa yêu thương dân Người qua Đức Kitô không chỉ như một dụng cụ thời quá khứ hoặc thuyết lý, nhưng như thứ gì cụ thể và duyên dáng, rất hấp dẫn.” (X. John Thavis, Pope Tells Priests to Use Video, Web, The Catholic Weekly 31/01/2010, tr.7)

Xem như thế, thì nói về và nói đến Toà Thánh là nói theo tư thế của người tín thác, rất yêu thương. Tin yêu ký thác mọi việc. Vào mọi nơi. Mọi lúc. Cả những lúc, có người nhận định rằng: mọi việc ở đời đều tùy thuộc vào cái tâm, của con người. Như câu truyện kể, nghe cũng dễ, ở bên dưới:

“Truyện rằng:

Thời xưa cũ, có cô lái đò đưa khách sang sông. Đò cập bến nhỏ, cô lái đò thu tiền từng người. Đến lượt nhà sư nọ người cuối, cô đòi tiền gấp đôi. Nhà sư ngạc nhiên, hỏi: tại sao lại thế? Cô lái đò mỉm cười đáp:

-Vì thày nhìn em…

Nhà sư bèn im lặng trả tiền, chẳng nói gì thêm. Hôm khác, nhà sư cũng lại có dịp lên đò qua sông. Lần này, cô lái đòi tiền gấp ba. Nhà sư lại hỏi: vì sao. Cô cũng lại đáp gọn lỏn:

-Vì, lần này thày nhìn em ở dưới nước.

Nhà sư cũng lẳng lặng trả tiền gấp ba, xong lên bờ. Một lần khác, nhà sư cũng lại có dịp qua sông, bèn dùng đò. Nhưng lần này, nhà sư biết phận chẳng dám nhìn. Cứ nhắm nghiền cặp mắt đăm chiêu kia, vào thiền định. Đò cập bến, cô lái lại thu tiền, đến gấp năm. Nhà sư cũng lại hỏi cớ sự vì sao, thì được biết:

-Lần này, thày không nhìn, nhưng lại cứ nghĩ đến em.

Nhà sư cứ ớ người, chẳng biết nói sao, cũng lại lẳng lặng đưa tiền rồi bước lên bến. Một lần khác, nhà sư có việc lại theo đò qua sông… Lần này, nhà sư nhìn thẳng vào mặt cô gái để xem sao. Đò cập bến, nhà sư cười và hỏi xem cô định thu bao nhiêu. Cô ta đáp:

-Em đưa thày qua sông, không lấy tiền.

Nhà sư hỏi:

-Vì sao thế?

-Dạ lần này, thày tu nhìn nhưng không nghĩ tới em nữa. Vì thế, em chỉ xin đưa thày qua sông mà không tính tiền…”

Tác giả truyện kể hôm nay thêm lời chia sẻ rất phải lẽ: Mọi sự do Tâm mà ra. Sống ở đời, chữ Tâm kia mới đáng quý. Gọi là chia sẻ, nên người nghe cũng bàn góp. Góp, bằng giọng hát rất nhẹ. Có lời ca vang cũng rất nhẹ. Nhẹ, như tơ lòng. Tình sầu. Rất thương đau, nhà thơ viết. Tình sầu, là tình chẳng có tâm nên mới sầu. Mới hát như sau:

“Ta như sương cao mà người như hoa sâu

Ta giối gian nhau nên nát nụ hôn đầu

Tình đi từng bước, đi từng bước trên đầu gió

Gieo nhau lòng nhau ôi từng hạt thương đau.”

(Phạm Duy/Du Tử Lê – Tình Sầu)

Tình rất sầu, phải chăng người mình, chẳng có “Tâm”? Đời có thương đau, há chẳng phải vì người đời quên khuấy mất lời dặn dò, ngày xưa đó? Lời dặn của Thầy Chí Ái chừng như vẫn cứ văng vẳng ở đâu đây, rất ý nghĩa:

“Đức Giê-su bèn nói tiếp:

Nếu anh muốn nên hoàn thiện,

hãy đi bán tài sản của anh

và đem cho người nghèo,

anh sẽ được một kho tàng trên trời.

Rồi hãy đến theo tôi."

(Mt 19: 21)

Thực hiện điều Thầy dặn dò, chắc hẳn người thanh niên được kể trong Tin Mừng, hay cô lái được trích dẫn ở truyện kể, cũng sẽ thấy, rằng: có “Tâm” thôi, cũng chưa đủ. Còn phải biết bán tất cả, dù cái “Tâm”, mà theo Thầy, rồi sẽ thấy. Thấy những gì, mình tìm kiếm. Suốt một đời. Không ngưng nghỉ.

Trần Ngọc Mười Hai

mời bãn và mời tôi

ta cứ nghe và cứ tìm,

Suốt cõi đời.

Nơi trần thế.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )

1 comment:

Anonymous said...

Tuyet voi. Xin cam on Cha Tran Ngoc Muoi Hai. Toi download rat nhieu chuyen cua Cha va hau nhu dem nao cung mo nghe. Rat thich va hoc hoi nhieu.
Xin cam on.
Xin Cha tiep tuc...
God Bless