Sunday 20 April 2008

“Thảm cỏ tình yêu dưới chân mình”

(Lc 15: 11-32)

Phải thú thật, là: trong quá khứ, bần đạo cũng từng bị mang tiếng là một trong những tay quậy phá, khá ngỗ nghịch ở trường lớp, thời trung học. Cũng quậy và rất phá các bé em hiền lành thánh thiện, cùng độ tuổi. Quậy và phá, vì đang vào tuổi ngứa ngáy tay chân, chứ không có ý xấu. Quậy ít ngày. Phá ít tháng rồi thôi. Đến khi có cái làm mình bận tâm, là thôi ngay.

Những điều khiến đám học trò trung học như bần đạo, bận tâm và thích thú nhất bấy giờ là mải mê tìm đọc các truyện của tuổi mới lớn khá “quậy”, những là: “Chương Còm”, “Bồn Lừa”… của tác giả Vũ Mộng Long, một nhà văn/thày giáo lấy bút hiệu: Duyên Anh.

Bẵng đi một thời, bần đạo có dò hỏi về tình cảnh của ông “thầy quậy” này để xem ông ấy bây giờ ra sao. Được biết, ông cũng đi cải tạo một thời gian. Sau khi được thả, đã định cư ở nước ngoài. Rồi, lang bạt bên đất Mỹ, gặp nạn và qua đời vào tuổi “chưa già”. Nhắc tên ông hôm nay, là vì bần đạo chợt nghe lại bài ca nổi tiếng do ca sĩ Elvis Phương hát, trong đó có đoạn từng ấn tượng nơi đầu óc của người học trò nhỏ, lúc bấy giờ, như:

“Một hôm ngựa bỗng thấy thanh bình

Thảm cỏ tình yêu dưới chân mình

Ân tình mở cửa ra với mình

Ngựa hoang bỗng thấy mơ

Để quên những vết thù”

(Vết thù trên lưng ngựa hoang – Ngọc Chánh & Phạm Duy)

Chuyện ngựa hoang và vết thù trên lưng, đánh động rất nhiều người, trong đó có bần đạo. Đánh động, chẳng phải vì thấy nhân vật trong truyện na ná giống như thân phận bọt bèo của chính mình. Nhưng, vì trong mọi tình huống cuộc đời, ta có ngang tàng hoặc “điên cuồng” cách mấy cũng có lúc “muốn về tắm sông nhẫn nhục”. Và rồi, cũng có lúc ta thấy “thảm cỏ tình yêu dưới chân mình”.

Thảm cỏ tình yêu, thật ra, ở đâu mà chẳng có. Đâu phải chỉ có dưới chân bạn. Chân tôi, mà thôi đâu. Và, thảm cỏ tình yêu đâu chỉ dành để cho nai hoang hoặc ngựa thuần. Mà, cho tất cả mọi loài. Từ thú dễ thương cho đến “con” người. Cả chim chóc, lẫn rắn rít sâu bọ… Loài nào cũng cần đến thảm cỏ tình yêu, rất xanh mướt. Rất ân tình.

Và, thảm cỏ tình yêu, được ban cho mọi loài, từ dạo trước. Có lẽ, duy chỉ có “con” người là “loài” ít để tâm. Ít cần mà thưởng ngoạn. Mà, cảm kích. Và, thảm cỏ tình yêu vẫn trải ra cho hết mọi người. Chí ít, là đám quậy phá hoang tàng, như trong trình thuật truyện kể về “người con hoang”. Người con ở đó, có là “con” người hoang tàng quậy phá, cũng biết thưa và biết nghĩ. Thưa là thưa thế này:

“Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.

Và người cha đã chia của cải cho hai con.

(Lc 15: 12)

Là “con” người rất hoang như ngựa, nhưng anh chỉ “quậy’ ở mức độ “xin cha chia phần được hưởng”, chứ không “phá” tán tài sản của người anh. Và, trình thuật ghi tiếp:

Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa.

Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.”

(Lc 15: 13)

Ở đây nữa, dụ ngôn ghi rõ các cụm từ “đi phương xa”, “phung phí tài sản của mình”, chứ không phá làng phá xóm, hoặc cướp giựt tài sản của ai. Tuy nhiên, vấn đề là người có một thời hoang đàng, quậy phá như người con thứ, đã biết thưa và biết xin, rồi nay còn biết hồi tâm và biết nghĩ:

“Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ ……

Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người:

"Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha,

chẳng còn đáng gọi là con cha nữa.

Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.

Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.”

(Lc 15: 17-20)

Và, vấn đề đặt ra hôm nay, là điểm: đã biết thưa/xin, biết hồi tâm và biết nghĩ…tức, có quyết định hồi hướng trở về. Và, một khi đã hồi tâm/hồi hướng trở về, ắt sẽ lại thấy được “thảm cỏ tình yêu dưới chân mình”.

Thời xưa, trình thuật diễn tả “thảm cỏ tình yêu” cho những “con” và “loài” đi hoang nay trở về như sau:

"Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu,

xỏ nhẫn vào ngón tay,

xỏ dép vào chân cậu,

rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt

để chúng ta mở tiệc ăn mừng!”

(Lc 15: 22-23)

Sở dĩ nhà văn/nhà thơ bảo: “thảm cỏ tình yêu” vẫn “ở dưới chân mình”, và thánh sử ghi lại tấm lòng của người Cha, vẫn trải thảm tình thương, bởi:

“Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại,

đã mất mà nay lại tìm thấy.”

(Lc 15: 24)

“Ân tình mở cửa ra với mình” nơi đời thường ở huyện, cả một đời. Thời bây giờ. Chính đó, là thái độ của nhân vật được kể trong bài ca: “để quên những vết thù”. Hoặc, của “người cha” trong trình thuật, tức “Người Cha” trong Vương Quốc Nước Trời. Hoặc, đích thị là “cộng đoàn thân thương Hội thánh”, chốn gian trần.

Bỏ qua một bên, thái độ rất “không phải’ của người anh rất “quyền huynh thế phụ” ở trình thuật. Rất đạo mạo. Rất mô phạm. Nhưng thiếu “cỏ thảm tình yêu”. Thiếu cả lịch sự. Lịch sự tối thiểu, trong đối xử với người em, với cộng đoàn chung sống. Thiếu đến độ, từ chối khá nhiều thứ:

“Người anh cả liền nổi giận

và không chịu vào nhà”

(Lc 15: 28)

Thái độ ấy, khác nào cảnh tình nơi môi trường mà “ngựa hoang”, đã ghi nhận:

Ngựa phi như điên cuồng

giữa cánh đồng dưới cơn giông

vì trên lưng cong oằn

những vết roi vẫn in hằn.”

Mặc dù thế:

“Ngựa hoang muốn về tắm sông nhẫn nhục

Giòng sông mơ màng mát trong thơm ngọt

Ngựa hoang quân thù oán căm

Từ nơi tối tăm về miền tươi sáng”

(Ngọc Chánh – Phạm Duy: Vết thù trên lưng ngựa hoang)

Và cảnh tình trên, phù hợp với đoạn tiếp nơi trình thuật người “con” hoang, rất “kết hậu”:

Nhưng người cha nói với anh ta:

"Con à, lúc nào con cũng ở với cha,

tất cả những gì của cha đều là của con.

Nhưng chúng ta phải ăn mừng,

phải vui vẻ,

vì em con đây đã chết mà nay lại sống,

đã mất mà nay lại tìm thấy."

(Lc 15: 31-32)

Nghiệm sinh truyện kể về thái độ của những đứa “con” đi hoang, dù là người hay ngựa, thiết tưởng cũng nên liên tưởng đến một nhân vật từng hoang đãng, rất quậy. Quậy trong âm thầm, và bất bạo lực. Trước khi trở thành “thánh nhân”, ngoài Đạo, sau đây. Như thánh Phê-rô thưỏ trước, thánh-nhân-ngoài-Đạo Mahatma Ghandi, cũng đã biết tìm về “thảm cỏ tình yêu” để có những lời “xin thưa” chân tình với Đức Chúa, như sau:

Lạy Chúa…

Xin giúp con dám nói lên sự thật trước kẻ mạnh,

Và đừng nói dối để hòng được kẻ yếu tán thưởng.

Nếu Chúa cho con tiền bạc,

Xin đừng cất đi hạnh phúc của con.

Nếu Chúa cho con sức mạnh,

Xin đừng để con mất đi khả năng lý luận.

Nếu Chúa cho con thành công,

Xin đừng tước mất đức khiêm nhu nơi con.

Nếu Chúa cho con đức khiêm nhu,

Xin đừng lấy lòng tự trọng của con.

Xin cho con nhận biết khía cạnh khác của mọi sự việc.

Và xin đừng để con kết tội kẻ đối nghịch với con là phản bội vì họ không chia sẻ quan điểm của con.

Xin dạy con yêu thương kẻ khác như yêu thương chính bản thân mình

Và dạy con phán đoán chính bản thân mình như phán đoán kẻ khác

Xin đừng để con say men chiến thắng khi đạt thành công.

Và cũng đừng để con nản lòng khi thất bại.

Nhưng hãy dạy con nhớ rằng thất bại là thử thách dẫn đến thành công.

Xin hãy dạy con biết lòng khoan dung là sức mạnh ở mức độ cao nhất

Và ý muốn trả thù là biểu hiện đầu của sự yếu đuối.

Nếu Chúa không cho con của cải,

Xin hãy ban cho con lòng trông cậy.

Và nếu Chúa không ban cho con thành công,

Xin hãy ban cho con ý chí mạnh mẽ để vượt thắng thất bại.

Nếu Chúa không ban cho con sức khoẻ,

Xin hãy cho con ân sủng Đức Tin.

Nếu con đã làm ai tổn thương,

Xin ban cho con sức mạnh để xin lỗi họ.

Và nếu có ai làm con tổn thương,

Xin ban cho con lòng độ lượng và sức mạnh để tha thứ cho họ.

Lạy Chúa, nếu con có quên Ngài…

Thì lạy Ngài xin đừng quên con. (Mahatma Ghandi)

Lời cuối, bần đạo muốn thêm, là: nơi phần sâu thẳm bên trong của những ngựa/người con hoang, chắc chắn vẫn có cái gì đó không hoang. Rất đàng hoàng, mà mình không nhìn ra, đó thôi.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn cảm thông

cho người và cho mình

có chứng hoang nhưng không tàng.

No comments: