Saturday, 5 March 2011
“Năm xưa, khi tôi bước chân ra đi,”
Đôi ta cùng đứng bên hàng tường vi.
Em nói rằng em sẽ chờ đợi tôi,
Đừng nói tiếng phân ly.
(Hoàng Quý – Cô Láng Giềng)
(1Cr 6: 19)
Lại nói thêm một lần nữa, “Em” đây vẫn không là “Em” của tôi, khi em nói: “Em sẽ chờ”. Và tôi đây, cũng chẳng là đấng bầy “tôi” hôm nay, đâu đấy nhé! Bởi giờ đây, hôm nay, “tôi” đây cũng đã khác nhiều. Khác, là bởi vì: bây giờ tôi đã biết. Biết rằng:
“Tan mơ, trời xuân đôi môi thắm.
Đôi mắt nhung đen màu hạt huyền.
Làn tóc mây chiều cùng gió ngàn, dâng sóng.
Tan vỡ cuộc tình duyên.”
(Hoàng Quý – bđd)
Một lần nữa, lại thêm câu nói: đôi mắt của tôi đây, vẫn cứ “nhung đen mầu hạt huyền”, thật rất đúng. Thật hơn nữa, cả vào lúc: “tan mơ, trời xuân đôi môi thắm”. Cả vào khi “tan vỡ cuộc tình duyên.” Tình của tôi. Của em. Của mọi người, rày có vỡ tan/tan vỡ vì toàn thân tôi/thân em, nay cũng khác. Khác xưa, rất nhiều. Khác, cả một nỗi: người người vẫn nhìn tôi/nhìn em suốt nhiều hồi, cũng đâu nhận ra. Bởi, tôi và em, nay xem ra thế nào ấy. Bởi, toàn thân em/thân tôi bây giờ cứ lủng lẳng những khoen vàng vòng xanh trắng. Có “vân cẩu” vần vũ, với trăng sao. Bởi, mình tôi/mình em và mình người trẻ bây giờ, những đeo mang đủ mọi hình thù, khiến người nghệ sĩ khi xưa lại hát thêm:
“Hôm nay, trời xuân bao tuơi thắm,
Dừng gót, phiêu linh về thăm nhà.
Chân bước, trên đường đầy hoa đào rơi.
Tôi đã, hình dung nét ai đang cười.”
(Hoàng Quý – bđd)
Nét ai đang cười. Người có cười, đâu phải vì họ muốn hân hoan, chào đón một ai đó. Dù người đó, có là em. Mọi người cười, có thể vì vẫn nghĩ: tôi và em, nay như thể từ hành tinh nọ chợt bay đến. Mọi người cười, có thể vì hôm nay, vẫn nghe hát:
“Cô láng giềng ơi!
Nay mối duyên thơ đành đã lỡ rồi.
Chân bước xa xa dần, miền quê.
Ai biết cho bao giờ, tôi về...”
(Hoàng Quý – bđd)
Vâng. “Nét ai đang cười” mà tôi “hình dung (được)”, có thể là nét của em. Của, cô láng giềng ngày xưa ấy, cũng rất quen. Có thể là, của cộng đoàn buổi xa xưa thời tôi sống, nay mỗi người mỗi vẻ, vẫn cứ nhìn tôi/nhìn em bằng dáng vẻ xót xa. Cách biệt. Dị kỳ. Dị và kỳ, đến độ bạn bè gặp lại ai cũng hỏi. Cũng đưa ra một nhận định, như bạn Đạo nọ đã thẳng thắn phát biểu một cách công khai, như sau:
“Mấy năm gần đây, tôi thấy nhiều người lạ cũng như quen, dám cả gan vi phạm chốn “đền Chúa Thánh Thần”, rất trân trọng. Điều tôi muốn nói, là: ý chừng thiên hạ nay chẳng còn coi truyền thống đạo đức ra trò trống gì hết. Cái gì mà: trên mình họ, cứ “tòong teng” đủ mọi thứ. Nhìn thật kỹ, lại thấy có người còn vẽ đủ mọi hình thù xanh/đỏ, coi rất chướng. Vẽ thế rồi, lại còn phô trương khu vực kín đáo của thân mình có hình thù kỳ dị cho mọi người coi, thế có chết không. Hỏi ra mới biết, đó là nét “xâm mình” mà họ cho là tuyệt phẩm nghệ thuật, ở trên người. Thú thật, bản tôi cứ phải kêu lên: nghệ thuật đâu không biết, riêng tôi vẫn nghĩ là: các vị này vô hình chung đã đụng chạm vào truyền thống đạo đức nhân vị, của con người. Mà, một khi đụng chạm như thế, trước sau gì cũng sẽ bị Trời Phật quở mắng/trách phạt, cho coi. Vậy, ai có con có cháu vẫn đua đòi theo kiểu Tây/kiểu Mỹ, hãy coi chừng kẻo chúng sẽ xa rời lẽ Đạo.” (Phát biểu của một chị đạo đức rất Vêrônica trong buổi họp bàn chuyện nhân gian, sau giờ kinh tối lần hạt chung)
Là buổi họp mặt góp ý sau kinh tối, nên các vị nói ở đây có nhiều thứ để kể cho nhau nghe. Có vị nọ, có dáng dấp rất trí thức, đã xin mọi người quay về giòng lịch sử xưa cũ để xem xét những chuyện dễ có khunh hướng chạm vào truyền thống đạo đức của Đạo mình, ngõ hầu mọi người được yên tâm. Vị ấy bảo rằng:
“Tập tục vẽ hình trên thân thể, người xưa gọi là “xâm mình”, có từ thời cổ sử. Tôi nhớ, vào năm 1991 người dân ở nước Ý và Áo Quốc gì đó đã tìm ra một xác đông lạnh nằm trên núi tuyết có lịch sử lâu đời đến 3,300 năm trước Công nguyên. Trên thân xác người này, các nhà khảo cổ tìm thấy những hình xâm vân cẩu, rất lạ kỳ. Ở giữa hình, có cây thập tự với 6 đường cắt ngang. Có đường, dài tới 15cm.
Nhiều nhà khảo cổ khác cũng đã tìm ra ở Ai Cập, một số xác ướp có niên đại lên tới cả 2000 năm trước công nguyên, nữa. Ngay ở Ai Cập vào thời cổ sử, người ta cũng tìm ra xác của những người bị giam giữ có khắc tên của vị thần hoặc chữ Pha-ra-ô mà họ sùng bái.
Người Do thái cũng có một số tập tục liên quan đến chuyện sùng bái phụng thờ ngẫu thần của ngoại giáo. Cũng có tập tục rất lạ, không theo tập tục hoặc đạo đức của Do thái giáo. Vào thời Môsê, luật Do thái ngăn cấm chuyện vẽ hình lên thân xác con người nữa. Bản tôi có người bạn theo Tin Lành, một hôm, trong lúc đề cập đến chuyện này, anh ta nói với tôi là anh đọc sách Lêvi thấy có đoạn viết như sau: “Ngươi không được phép để những dấu cắt trên da thịt người chết hoặc có hình vẽ khó coi, trên thân xác của ngươi. Ta là Giavê Thiên Chúa nói với người điều đó.” (x. Lv 19: 28)
Chả là, câu chuyện bàn về những điều lạ trong thói quen giữ Đạo ngày hôm nay, nên bà con trong cuộc xem ra thấy quá hấp dẫn, bèn góp giọng cho vui, như sau:
“Theo tôi, con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Bởi thế, nên không ai được phép vẽ hình gì, dù chỉ một thánh giá nhỏ trên thân xác của mình hết. Nói cách khác, không chỉ mỗi hồn người được Chúa tạo dựng giống hình ảnh của Ngài thôi, mà cả thân xác mình nữa. Nếu con người là hình ảnh của Thiên Chúa, thì bọn mình lại càng phải tôn kính hình ảnh lành thánh ấy nữa chứ!”
Nghe chuyện, một nữ lưu ra chiều am hiểu nhiều truyện được viết trong Kinh thánh, đã tham gia ý kiến, như sau:
“Đọc Sách thánh, tôi nhớ một đoạn trong đó thánh Phaolô viết cho bổn đạo của ngài rằng: Anh em có biết rằng thân xác của anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần ngự, hay không? Và anh em có được thân xác này, là do ân huệ Chúa ban không? Nếu vậy, anh em phải làm sáng danh Chúa bằng thân xác rất đáng kính trọng của mình chứ!”
Tham dự buổi đọc kinh tối hôm ấy, bần đạo chẳng dám đưa ra ý kiến nào hết, sợ mọi người cho rằng mình chẳng biết gì mà cũng thưa thốt, bởi thế nên hôm ấy thắng bé cứ là “dựa cột mà nghe”, thôi. Hẹn rằng, khi về nhà sẽ nghiên cứu thêm cho rõ, rồi sẽ hạ hồi tính lại. Nay nghiên cứu tuy chưa kỹ, bần đạo cũng đã biết, rằng: ở một số nước, tục lệ cắt da/xỏ thịt trên tai hoặc trên môi; hoặc tục vẽ lên thân người mình, là cách làm cho thân xác mình đẹp hơn lên. Có thể là, với nền văn hoá khác, những thứ ấy là để nói lên chức vụ/địa vị của người xâm/xỏ trong xã hội nhỏ của mình, mà thôi.
Đằng khác, nhiều nơi cũng có y hệt một tập tục giống như thế. Họ làm thế, là cốt ý chống đối chuyện gì đó vẫn có, trong phong tục/tập quán của dân tộc. Nhiều nơi, nhiều bộ tộc, vẫn giữ tục lệ cắt da/xỏ thịt, để chứng tỏ cho mọi người biết lòng can đảm của họ. Hoặc, người ấy chỉ muốn thề nguyền sẽ tuân thủ điều gì đó, trước mặt thần linh mà họ sùng bái. Có người làm vậy, là do tật bạo dâm/khổ dâm, thôi. Nói cách khác, đó cũng chỉ là thói tục rất khác người, và khác đời, ít khi thấy.
Có người còn duy trì phong tục/tập quán của bộ tộc, cứ thích vẽ lên người những hình thù quái đản, ghê rợn như hình quỷ hình ma, đầu lâu thần chết, hoặc cả đến hình thù Satan quỷ dữ, nữa. Nhất nhất, chỉ để chứng tỏ rằng họ không chịu thuần phục Thượng Đế hoặc vị thần dân tộc, mà bộ tộc cứ muốn du nhập vào xã hội.
Nhiều tập tục của Tây phương còn tiến bộ đến độ xâm/xỏ nhiều nơi trên mặt trên mũi, trên mí mắt/miệng lưỡi, thậm chí cả những nơi thầm kín trên thân xác mình nữa. Có người lại cho đó là cung cách để phô bày nét độc đáo, mới lạ của mình. Họ muốn những gì thật khác người, dù hình thù ấy có dị hợm lạ kỳ đi nữa, cũng chẳng sao! Có vị lại muốn tỏ ra là mình có tự do. Vẫn làm chủ thân xác mình. Như muốn bảo với mọi người rằng: tôi muốn làm gì thì tôi làm. Làm, trên thân tôi chứ có xâm phạm thân mình của ai khác đâu mà sao cứ thắc mắc. Ai không thích, xin đi chỗ khác chơi, nhờ bạn tí!
Đành rằng, mỗi người mỗi ý. Nhưng nói cho cùng, cũng nên quan tâm đến sức khoẻ của mình và của người chứ nhỉ! Có loại xâm/xỏ trên mặt/mũi hoặc bộ phận nào khác trên thân xác, dễ gây nguy hiểm cho sức khoẻ. Đâu phải cứ xâm/xỏ cho thoả thích, để rồi khi nào chán sẽ bôi bỏ, cũng dễ thôi. Có trường hợp, chủ nhân muốn bôi bỏ hình thù xâm/xỏ đã chết dí trên thân mình, lúc đó có không thích nữa, cũng quá trễ. Bởi có bôi bỏ cách nào đi nữa, cũng sẽ để lại vết sẹo hoặc phản ứng phụ, rất khó coi.
Thật ra thì vấn đề này, cho đến nay, không thấy sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo nhắc nhở gì đến chuyện ấy. Tuy nhiên, truyền thống trong Đạo, cũng tuỳ trường hợp, hoặc hoàn cảnh riêng biệt mà giải quyết. Thành thử, cuối cùng vấn đề vẫn là: chuyện mình làm, dù chỉ ảnh hưởng lên thân xác của riêng mình thôi, cũng liên quan đến người khác, trong nhóm hội cộng đoàn mình chung sống.
Để vấn đề không trở nên bi quan, phức tạp cũng nên đi vào truyện kể nhè nhẹ, sau đây:
“Truyện rằng:
Đệ tử nọ, một hôm cảm thấy đau khổ vì cha mẹ, bạn bè cứ chỉ trích/khích bác những chuyện anh lỡ lầm vẽ vài hình trên thân xác của anh, lại coi đó như chuyện tày trời. Đổ sụp. Anh rất khổ, đến độ anh không bỏ được nỗi oán hờn, thù ghét cả bạn bè, lẫn người thân. Anh bèn tìm đến vị linh hướng lâu nay là người hiểu biết nhiều sự, vẫn giúp anh giải quyết chuyện riêng tư, theo cung cách dễ dàng. Nhẹ nhàng. Có tịnh tâm, suy nghĩ. Anh hỏi vị linh hướng một câu cũng nhẹ nhàng không kém:
-Thế, thày khuyên con phải làm gì bây giờ? Rũ bỏ nỗi ghen ghét, oán thù chăng?
Bậc thày linh hướng đáp:
-Anh hãy ngồi xuống mà tịnh tâm, và tha thứ cho những người ấy.
Ít hôm sau, đệ tử khổ đau tâm can, trở lại vấn kế một lần nữa. Anh thưa với thày:
-Dạ thưa thày, con đã thứ tha hết mọi người rồi. Kể như xong.
Nghe vậy, vị linh hướng lại nói tiếp:
-Như thế vẫn chưa xong đâu. Anh hãy về mà tịnh tâm. Mở lòng mình ra mà yêu thương hết mọi người. Cả những người đả kích/khích bác anh nữa.
-Thưa thày. Tha thứ thôi, đã là chuyện khó. Nay con phải thương yêu họ nữa sao? Thôi được, cứ để con cố gắng.
Tuần lễ sau, người đệ tử lại đến với bậc thày để vấn kế. Hôm ấy, anh tươi tỉnh khoe với thày mình là anh đã làm được việc thương yêu những người đối xử không phải phép với anh. Vị thày nghe vậy, bèn gật gù bảo:
-Như thế rất tốt. Giờ thì, anh hãy về cố gắng mà tịnh tâm, tri ân họ. Bởi, nếu họ không làm thế, thì anh đâu có cơ hội tiến bước trên con đường tâm linh với tâm tịnh.
Lần sau đó, người đệ tử trở lại với thày mình, lòng những tin rằng: lần này mình học được nhiều điều từ vị linh hướng rất biết điều, nên đã biết ơn mọi người, cả đến bạn bè người thân hoặc kẻ thù không ưa thích mình, và anh học được bài học tha thứ, lẫn yêu thương. Bậc thày linh hướng nghe anh kể, bỗng cười nhẹ nói:
-Vậy, anh hãy về mà tịnh tâm hơn nữa. Bởi, những người từng trách móc, chê bai hay ghét anh vì những việc anh làm, là họ đóng đúng vai trò của họ chứ có lầm lỗi gì đâu mà anh phải tha với thứ…”
Thôi thì, tha thứ hay bỏ qua những chỉ trích của mọi người về việc mình hành xử khi lầm lỡ hoặc xâm/xỏ có cố ý hay không, cũng cứ nên về với tâm tình của người nghệ sĩ trên mà ngâm nga ba câu cuối, để rồi sẽ nhớ đến mình, đến người. Dù, người đó là cô/là cậu láng giềng này khác, vẫn cứ hát:
“Cô láng giềng ơi!
Thôi thế không còn nhớ đến tôi.
Đến phút êm đềm ngày xưa kia.
Khi còn ngây thơ.
Cô láng giềng ơi!
Tuy cách xa phương trời tôi không hề,
Quên bóng ai bên bờ đường quê.
Đôi mắt đăm đăm tìm phương về.”
(Hoàng Quý – bđd)
Hát rồi, này bạn hãy cùng tôi, ta trở về với vị linh hướng/hướng linh hồn nào khác trong nhà Đạo, cũng nhẹ nhàng, trầm tĩnh, rất thiết tha, khi thánh nhân nói:
“Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em
là Đền Thờ của Thánh Thần sao?
Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em
là Thánh Thần chính Thiên Chúa ban cho anh em.
Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa,
vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em.
Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em.”
(1 Cr 6: 19-20)
Vậy thì, một lần nữa, hỡi tôi và hỡi bạn, ta cứ bình tâm mà suy nghĩ về những lời của thánh nhân hôm trước, để rồi sẽ nhẹ nhàng nghe theo lời khuyên của các đấng bậc linh hướng rất chí thân, và cũng rất hiền. Để rồi, mọi người sẽ đối xử với nhau cũng nhẹ nhàng tình thân như xưa. Dù, người này người nọ, có làm những chuyện khó coi, như xâm/xỏ. Rất lạ kỳ. Dị hợm.
Dù gì đi nữa. Tình thân thương của người anh/người chị trong cộng đoàn Nước Trời, ở trần thế, vẫn quan trọng hơn việc vẽ voi những hình thù dị hợm, của riêng ai. Nhận định như thế xong, bần đạo lại sẽ mời bạn mời tôi, ta hãy hát câu ca ý nhị của nghệ sĩ trên, hát rằng:
“Cô láng giềng ơi!
Tuy cách xa phương trời, tôi không hề.
Quên bóng ai bên bờ đường quê.
Đôi mắt đăm đăm chờ tôi về…”
(Hoàng Quý – bđd)
Đúng thế. Hãy chờ tôi về. Dù, tôi mang hình thù thế nào đi nữa. Vẫn nhớ rằng:
“Em nói rằng em sẽ chờ đợi tôi.
Đừng nói đến phân ly.”
(Hoàng Quý – bđd)
Phân ly hay chia cách, vẫn không là ý hướng của người anh/người chị chúng ta, nơi nhà Đạo.
Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn xin mọi người
đừng nói tiếng phân ly,
cả vào khi tôi, khi bạn
đã lỡ lầm làm những chuyện xấu xa, lạ kỳ.
Rất dị hợm.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment