Saturday, 26 February 2011

“Kẻ thù ta đâu có phải là người”

Giết người đi thì ta ở với ai?”

(Phạm Duy – Kẻ Thù Ta)

(1Cr 6: 19 )

Ấy thế mà, các cụ Đạo nhà ta xưa kia vẫn cứ kể ra, những là ba thứ kẻ thù: ma quỷ, thế gian, và xác thịt. Ma và quỷ, dù có là kẻ thù dữ dằn nhất, đâu nào thấy. Còn thế gian, là bạn và tôi, sao là thù! Và hơn thế, nếu xác thịt là những thịt thà cùng xương xẩu của tôi và của bạn, mà là kẻ thù ư? Nếu vậy, tại sao các thánh lại cứ bảo đó là “Đền thờ Chúa Thánh Thần”?

Thôi thì, hôm nay, hỡi tôi và bạn, ta cứ thử đi một vòng phiếm sương sương đôi ba sợi để về với “đền thờ” và cái-gọi-là “kẻ thù thứ ba” xem sao. Và, nay thì mời bạn/mời tôi, ta hãy ngâm nga ba câu hát của nghệ sĩ già từng quả quyết, rất như sau:

Kẻ thù ta tên nó là gian ác

Kẻ thù ta tên nó là vô lương

Tên nó là hận thù

Tên nó là một lũ ma (thế thì).”

(Phạm Duy – bđd)

Nếu thế thì, “kẻ thù ta” trước hết và trên hết, phải là “lũ ma” chứ? Nhưng, ma là gì? Là, thân xác ư? Là “đền thờ Chúa Thánh Thần” chăng? Là gì đi nữa, hãy cứ để đó, hạ hồi sẽ rõ. Nay, bạn và tôi, ta lại hát thêm đôi ba chữ rất “kẻ thù”, như định nghĩa của người nghệ sĩ trên, vẫn từng hát:

“Kẻ thù ta mang áo mầu chủ nghĩa

Kẻ thù ta mang lá bài tự do

Mang cái vỏ thật to

Mang cái rổ danh từ

Mang cái mầm chia rẽ chúng ta (thế thì).”

(Phạm Duy – bđd)

Vâng. Ba thù hoặc kẻ thù thứ ba, mà khi xưa các cụ cứ cho là thân xác, nó vẫn mang cái vỏ thật to. Lại dựa vào hai chữ “tự do”, nên tha hồ làm. Tha hồ, mà chăm sóc, để rồi biến nó thành thứ gì đó rất ghê gớm. Cũng đáng yêu và đáng sợ, như sự thường.

Về yêu thương những kẻ thù, rất thứ ba, cũng nên kể cho nhau nghe một truyện kể, như sau:

“Truyện rằng:

Tại trại xe điện ngầm Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn vào buổi sáng tháng giêng lạnh lẽo năm 2007, một người đàn ông đàn liên tục 6 tấu khúc của Bach trên cây đàn vĩ cầm trong 45 phút . Ước chừng hơn 2000 người qua lại trạm xe điện ngầm trong khoảng thời gian đó và hầu hết những người ấy đều trên đường đi làm. Sau ba phút, một người đàn ông trung niên nhận ra là có người đang chơi nhạc. Ông ta chậm bước và ngừng chân trong vài giây rồi lại hối hả theo thời khắc biểu đã định sẵn.

Bốn phút sau, người đàn vĩ cầm nhận được đồng tiền đầu tiên: một phụ nữ vừa đi vừa liệng tiền vô cái nón mà không hề ngừng lại. Phút thứ sáu: một thanh niên trẻ dựa vào tường và lắng nghe tiếng đàn,sau đó liếc nhìn đồng hồ đeo nơi tay và bước đi. Phút thứ mười: một bé trai khoảng 3 tuổi đứng lại nhưng bị mẹ lôi đi vội vã. Cậu bé trì lại và nhìn người chơi đàn lần nữa. Dù bị mẹ kéo đi, cậu bé vẫn luôn ngoái đầu nhìn. Nhiều đứa bé khác cũng quay đầu nhìn như thế và không cha mẹ nào lại không nhanh chóng kéo con mình đi cả. Bốn mươi lăm phút đàn không ngừng, chỉ có 6 người thật sự dừng hẳn lại và lắng nghe trong một lúc. Khoảng 20 người cho tiền mà vẫn tiếp tục bước đi. Người chơi đàn nhận được tất cả là 32 đô la.

Sau một giờ, người đàn ông chấm dứt, thôi đàn và không gian trở nên im vắng. Không ai để ý. Không ai vỗ tay khen và cũng chẳng có ai lưu tâm. Nhưng không một ai biết điều này, người chơi đàn vĩ cầm đó là Joshua Bell, một cầm thủ lẫy lừng trên thế giới. Với cây đàn vĩ cầm trị giá trên 3 triệu rưỡi đô la, Joshua Bell đã đàn lên những tấu khúc tuyệt vời mà không ai có thể viết hay hơn được nữa. Hai ngày trước đây, Joshua Bell đã trình diễn ở Boston, nơi mà giá trung bình là 100 đô la một vé và nhạc viện bán sạch không còn dư một vé nào.

Đây là một câu truyện thật: việc Joshua Bell lặng lẽ chơi đàn tại trạm xe điện ngầm được báo Washington Post sắp xếp để xem cảm xúc con người trong xã hội như thế nào, họ nhận thức và lựa chọn ra sao…Câu hỏi được đặt ra là tại nơi chốn thông thường trong giờ giấc không thuận lợi cho lắm, liệu chúng ta có nhìn ra được tài năng với bối cảnh không ngờ, và liệu chúng ta có nhận thức được cái đẹp và ngưng lại để thưởng thức nó hay không ?

Có thể kết luận về chuyện này như sau: Nếu chúng ta không có thì giờ ngừng lại một chút để lắng nghe người nghệ sĩ lừng danh trên thế giới đàn những tấu khúc mà không ai có thể viết hay hơn được nữa trên một cây đàn có những âm thanh tuyệt vời nhất thì chúng ta sẽ còn mất mát và bỏ qua bao nhiêu thứ tốt đẹp khác nữa trên cõi đời này….

Có thể câu truyện ở trên, chưa nói hết đuợc ý nghĩa thân xác là đền thờ của Thiên Chúa”. Thì đây, đích thị lời thánh Phaolô, vẫn cứ quả quyết:

“Hay anh em lại chẳng biết rằng

thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao?

Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em

là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em.”

(1Cr 6: 19)

Tiếp đến là một đề nghị, cũng từ thánh nhân rất Phaolô:

“Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa

nơi thân xác anh em..”

(1Cr 6: 20)

Với thánh nhân, thân xác là đền thờ, chuyện ấy quá rành rành. Với người đời, thân xác còn là cái gì đó để ta quan tâm mà đề cao, với trân trọng. Còn nhớ, lực sĩ người Việt khi xưa nổi tiếng với những bắp thịt cuồn cuộn. Với những “đường cong tuyệt mỹ” là Võ Thành Nhơn, từng khích lệ mọi người hãy chăm lo cho thân xác qua khẩu hiệu “Bắp thịt trước đã”. Tiếp đến, các nhà quảng cáo thương mại, lại đua nhau sáng chế ra thành ngữ nổi cộm như: “Dáng em khoẻ cần hơn cả”, Tấm thân ngọc ngà là chính hồn em”, vv…khiến nhiều người bắt đầu lạc hướng. Sai đường. Thay vì lo cho linh hồn, lại chỉ chú trọng đến những xác và thịt, thôi.

Là con dân nhà Đạo, chắc bạn và tôi, ta cũng nên nói lại cho đúng, rằng: thân xác con người dù quan trọng thật, vì nó giúp ta những ăn cùng thở và suy nghĩ, nhưng vẫn không là tất cả. Và, hiểu theo nghĩa nào đó, thì: nó vẫn chẳng là gì. Đẹp/xấu cũng chỉ một thời, rồi thôi. Quan trọng hơn, nó chỉ là phương tiện để ta có kinh nghiệm gặp gỡ Chúa. Gặp, những người sống quanh ta. Kinh nghiệm, là những kinh và nghiệm về một hoạt động của thể lực. Kinh và nghiệm, là những “nghiệm” và "kinh” liên kết thể xác với người mình thương. Kinh và nghiệm về đớn đau. Về, sự yếu đuối của chính mình, để rồi từ đó mới biết trân trọng quà tặng, Chúa tặng ban.

Thật tình thì, mỗi người nhìn thân xác theo cung cách khác biệt. Có người nhìn nó như chú chó lông xù rất đáng yêu. Có người lại coi đây như tài sản quý giá đáng trân trọng và chăm sóc. Chăm và sóc, không chỉ bằng các phương tiện của đời phàm. Hoặc, để tối ngày soi gương mặt giếng mà chiêm ngưỡng dung nhan, như thần Narcissus vẫn thường làm.

Thật ra, thì thân xác là chính con người. Những con của người, có cả xác thể lẫn hồn thiêng được Chúa yêu thương hun đúc thành hữu thể sống động, mà sống với Chúa. Có Chúa ở cùng. Xem thế, thì thân xác không phải là kẻ thù, mà là mình. Là, bạn thân của chính mình. Là, bạn của Chúa. Bởi, chính Chúa đã chấp nhận mang thân phận “người” có xác phàm vào với Ngài, gồm cả hồn xác. Về ý tưởng này, nghệ sĩ trên đã minh định:

“Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài

Nó nằm đây nằm ngay ở mỗi ai

Kẻ thù ta trong mắt thèm lơ láo

Kẻ thù ta trong góc đầu tự kiêu

Trong cõi lòng quạnh hiu

Trong óc hẹp tiêu điều

Trong giấc mộng xâm chiếm nhau.”

(Phạm Duy – bđd)

Xem thế thì, nghĩ đi và nghĩ lại, thân và xác ta đâu là kẻ thù đếm thứ 3. Quan trọng hơn cả, thân xác không chỉ mang “ảnh hình” Thiên Chúa, thôi. Mà, còn được đính kèm cả hồn thiêng nữa. Nói cách khác, thân xác là ta. Là, Chúa ở nơi ta. Bởi, Chúa có thương yêu/tôn trọng ta, Ngài mới ban cho con người của ta một thân xác. Ngõ hầu, xác thân ấy sẽ phản ánh/chiếu soi ảnh hình Ngài. Thân xác ta, không chỉ là đền thờ Chúa thôi, mà còn là “nhà” Chúa. Là nơi để Chúa đến mà trú ngụ. Chúa đến, mà thăm viếng. Thở than. Râm ran, nhiều tình tự.

Bởi, thân xác là ta, nên Kinh Sách vẫn tỏ cho ta biết đường mà kính trọng. Biết đường, mà đánh giá cao. Biết, để mình dùng thân xác mà vui hưởng cuộc đời như vui chơi, ăn uống. Biết tồn trữ nơi mình của ăn thức uống, rất ê hề. Thân xác, là quà tặng ta trao cho nhau, khi hai người trở nên một. Một gia đình. Tình nhân. Qua hôn phối. Để rồi sẽ “tương kính như tân”. Tôn và kính, như tặng phẩm Chúa kiến tạo. Tặng ban. Phân phát.

Một trong những đặc điểm của thân xác vốn là quà tặng Chúa ban, là vẻ đẹp hiếm quý, mỹ miều. Đẹp, cả ở bên ngoài lẫn bên trong. Đẹp bên trong, rồi sẽ tiết ra ngoài. Có vậy mới đáng giá. Có vậy, quà tặng mới mỹ miều. Đó cũng là điều mọi người cần nuôi dưỡng, cảm tạ. Cảm kích để tạ Ơn Trên. Cảm kích và tri ân người khác đã giúp đỡ, sẻ san. Ngõ hầu quà tặng diễm kiều do Chúa gửi đến, sẽ cứ thế đẹp lên mãi.

Nói cách khác, vẻ kiều diễm của thân xác là tặng phẩm Chúa phú ban, không chỉ để ta sung sướng/hưởng thụ cho riêng mình. Mà, vì nó đẹp cả trong lẫn ngoài, nên mỗi người và mọi người cũng nên sẻ san với người khác. San và sẽ, để rồi tất cả sẽ cùng nhau cảm tạ và ghi tạc Ơn Trên đã ban phát những thứ ấy cho ta. Cho người.

Nói theo kiểu nghệ sĩ ngoài đời về kẻ thù ở trong lẫn ngoài người mình, là còn nói và hát rằng:

“Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài

Nó nằm đây nằm ngay ở mỗi ai

Người người ơi, yêu mến người mãi mãi

Người người ơi, yêu mến người không nguôi

Yêu mến người đầy vơi

Yêu mến người đêm ngày

Yêu mến người, ta nắm tay…”

(Phạm Duy – bđd)

Yêu mến người”, “ta nắm tay”, là những tình tự rất dễ thương. Tình tự để nói và hát về kẻ thù, tựa như người nghệ sĩ vẫn cứ hát như thế. Hát, để rồi sẽ còn yêu kẻ thù mình như người nhà Đạo! Hát những câu trên, thật ra chưa hẳn là đường hướng của tôi và bạn, ở trong đời. Nhưng vẫn cứ là câu hát rất ưu tư khiến bần đạo lại muốn gửi đến bạn bè người thân thêm lời nhắn nhủ, rằng: hãy cứ từ từ mà kiếm tìm một lập trường rất phải lẽ. Không có gì gấp gáp. Chỉ gấp một điều, là: hễ gặp điều gì khiến mình suy tư lo nghĩ ở đâu đó, thì xin bạn/xin tôi hãy cứ mạnh dạn mà hát và nói lên lời người nghệ sĩ già họ Phạm từng nói và hát, rất như sau:

“Kẻ thù ta, đâu có phải là người

Giết người đi, thì ta ở với ai ?

Kẻ thù ta, đâu có phải là người

Giết người đi, thì ta ở với ai ?

Người người ơi, thương xót người nhỏ bé

Người người ơi, thương xót người ngây thơ

Thương xót người bị mua

Thương xót người bị lừa

Thương xót người thương xót ta.”

(Phạm Duy - bđd)

Và, hát thế nghĩa là: chẳng cần biết thân xác, thế gian và ma quỷ có là kẻ thù hay gì gì đi nữa, chẳng cần hiểu kẻ thù ta có đáng gờm hay không, ta cứ xin. Xin được như người nghệ sĩ cứ ngâm nga ba câu hát ở cuối bài mà kết thúc. Kết rồi thúc, để biết rõ chính mình hơn. Kết là kết như thế này:

“Kẻ thù ta, đâu có ở người ngoài

Nó nằm đây, nằm ngay ở mỗi ai

Kẻ thù ta, tên nó là vu khống

Kẻ thù ta, tên nó là vô minh

Tên nó là lòng tham

Tên nó là tị hiềm

Tên, nó là sự ghét ghen.”

(Phạm Duy – bđd)

Vâng. Đúng thế. Chỉ ghét ghen mới là kẻ thù truyền kiếp của con người. Suốt mọi thời. Bởi, nó nằm ngay bên trong thân xác của ta. Bởi thế nên, ta mới ngộ nhận về thân xác! Vậy thì, hỡi tôi và hỡi bạn, ta cứ ngợi ca/yêu thương kẻ thù ở nơi thân-xác-là-đền-thờ-Chúa-ngự, để rồi ta sẽ sẻ san mọi ưu tư mà giùm giúp, với quyết tâm. Quyết sẽ thắng. Chứ không thua.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn suy nghĩ nhiều về

“Kẻ thù ta”, và kẻ thù của mọi người.

Để rồi, sẽ hát lai rai hát dài dài vài ba câu bên dưới:

“Kẻ thù ta đâu có phải là người

Giết người đi thì ta ở với ai?

Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài

Nó nằm đây nằm ngay ở mỗi ai!...

Kẻ thù ta…

No comments: