Friday, 4 February 2011

“Cho nhau hết những mê say,"

cho nhau hết cả chua cay.

Cho nhau chắt hết thơ ngây, trên cánh môi say,

Trên những đôi tay, trên ngón chân bước về tình buồn, tình buồn.”

(Lê Uyên Phương – Vũng Lầy Của Chúng Ta)

(1P 2: 1-3)

Chắt hết thơ ngây, trên cả tay chân, mà vẫn buồn. Tình buồn thật đấy, nhưng nào đã chắc thế đó là “Vũng Lầy Của Chúng Ta”! Mê say thật đấy, đâu nào ai dám bảo: “cho nhau hết cả chua cay”. Môi say. Vẫn cứ cho? Vẫn cứ coi đó một tình tự của những người/những vị mà thánh cả Phêrô từng có lời khuyên, sau đây:

Hãy cởi bỏ mọi sự xấu xa,

mọi thứ gian giảo và giả hình, ghen tương

và những lời gièm pha hết thảy,

như trẻ sơ sinh, anh em hãy khát sữa linh thiêng,

không gian dối, ngõ hầu nhờ đó anh em lớn lên trong ơn cứu rỗi.”

(1P 2: 1-2)

Thật ra thì, thi nhân/văn sĩ ngoài đời, đâu nào biết đến “gian giảo”, “giả hình”, hoặc “ghen tương”… như thánh nhân từng dặn. Nhiều lắm, các “cụ” chỉ dám bảo và hát những câu như:

“Ta sống trong vũng lầy

một ngày vùi dần, còn vùi dần, còn vùi sâu

trong ngao ngán, không dứt hết cơn ê chề…”

(Lê Uyên Phương – bđd)

“Vũng Lầy” của chúng mình có là thế? Và, “Vũng lầy” của tôi/của bạn/của chúng ta, có thể là: những ganh đua, cãi vã, hoặc bất bình. Vũng lầy của chúng mình, cùng lắm cũng chỉ là:

“Yêu nhau giữa đám rong rêu,

theo dòng nước cuốn lêu bêu.

Đi qua những phố thênh thang, đi qua với trái tim khan

Đi qua phố bước lang thang, đi qua với trái tim khan…”

(Lê Uyên Phương – bđd)

“Lang thang”, “bước thênh thang”, mà lại ngang qua “với trái tim khan”, hẳn là: phải có cái gì đó, khiến người người đã cảm thấy khó. Khó nhận ra. Kho giữ cho riêng mình, lời khuyên thần thánh như:

“Anh em hãy yêu mến nhau

thật khắng khít,

bởi đã được tái sinh…”

(1P 1: 22)

Thi sĩ. Nhạc sĩ. Thánh nhân. Mỗi người mỗi cách, vẫn nói và viết về tình yêu. Nói đến “vũng lầy”, gây vỡ đổ giữa người người. Người, trong gia đình. Người, ở cộng đoàn, chòm xóm, xã hội. Những xã của các hội lớn/nhỏ, thời hiện tại. Các hội và xã, đầy những xung và khắc. Cãi rồi vã. Giành rồi giựt. Giành, uy thế, quyền lợi, bổng lộc. Giựt, tình yêu, tiền bạc. Giựt, cả chữ tín của nhau. Đối với nhau.

Trong gia đình, thì anh/chị/em cãi nhau/đánh nhau như “mổ bò”. Có khi còn cãi vã cả bố mẹ, ông bà và người lớn. Cãi vã lẫn nhau chưa đủ, còn rủ nhau ra toà mà cãi tiếp. Có lúc, “hận thù đằ đằng” chỉ muốn chem/muốn giết cho hả giận. Sống với nhau, lại chỉ sống với những tình tự của ngục thất. Chiến tranh. Bom nổ.

Ở cộng đoàn, thì thành viên lại cứ giành. Giành thế lực, quyền hành, giành cả uy tín, với chủ chăn. Giành không được, hoặc chưa thoả mãn, cũng lại tính chuyện “ăn thua đủ”, với bậc trên. Nói tóm lại, vẫn cứ “mặt ngoài đon đả, mặt trong giết người không dao”. Ví dụ cụ thể, vẫn dẫy đầy trong Kinh Sách mọi thời, cả Cựu lẫn Tân Uớc.

Xem thế, thì: làm sao giải quyết để cuộc sống mọi người thực sự trở nên thiên đàng ở trần gian?

Giải quyết ư? Giải quyết gì được và được gì, nếu không trở về nguồn, không tin vào “Lời Thơ” Trong Sáng ở Kinh Sách! Lời Thơ ấy, Ngài đã để lại, trước khi về với Cha Ngài, như sau:

“Thầy sẽ không để anh em mồ côi.

Thầy đến cùng anh em.”

(Ga 14: 18)

Và, nhất là:

“Thầy để lại bình an cho anh em,

Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.

Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian.

Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.”

(Ga 14: 27)

Mồ côi, là mất đi “bình an” Thầy mình để lại. Vì thế, mới sống như nghệ sĩ, nên mới hát:

“Ta sống trong vũng lầy,

một ngày vùi dần, còn vùi sâu, còn vùi sâu

trong ngao không dứt hết một lần đau.”

(Lê Uyên Phương – bđd)

Đi vào thực tế, người ở thế gian cũng đã tìm ra bí kíp để “giải quyết”. Giải quyết, theo hướng “chữa cháy”. Tức, hãy đề nghị những người đang sống trong tranh chấp, hãy đối thoại trong hài hoà, cởi mở và có sự tôn trọng lẫn nhau. Đấng bậc ở trên là những người điều hợp cuộc sống tập thể, hãy đối xứ công bằng và làm gương cho con cái. Cho, người ở dưới. Bề dưới. Cha mẹ, hoặc bậc trên biết lắng nghe và tin tưởng vào tầm nhìn cũng như quan niệm “rất khác” của người khác. Tức, có quan niệm hoặc lối sống hơi khác một chút, nhưng không vì thế mà bị kỳ thị, tách riêng.

Cha mẹ, hoặc “đấng ở trên” cũng nên biết cách đánh giá tốt tính tình cũng như cung cách sống hơi “bạo” của người trẻ, ở bên dưới. Đồng thời, biết thầm phục hoặc thán phục ra mặt mọi ý tưởng cũng như thành tựu của người trẻ, kẻ ở bên dưới.

Ngược lại, người trẻ/kẻ bề dưới cũng nên học hỏi trở thành người toàn vẹn. Sống, có trên có dưới. Biết bắt chước bậc trên sống yêu thương và hỗ trợ nhau. Biết, mình cũng làm được như thế với anh/chị/em cùng nhà. Với người đồng hành cùng một tập thể. Và, biết để giờ mà gần gũi. Tìm hiểu. Trao đổi thân mật với nhau bằng những lời nhẹ nhàng. Yêu thương. Mẫn cảm.

Đi vào cuộc đời, có những lúc thật ra không suông sẻ, dễ sống được như thế. Vẫn có những ngày buồn, vẫn phải sống. Những “vũng lầy”, buộc ta phải nhảy vọt lên cao, mà tự giáp mặt, giải quyết. Giải quyết, nhưng không sợ sự thật. Giải quyết, bằng cách cùng nhau đặt vấn đề gai góc, gây thắc mắc. Hiểu lầm. Giải quyết, có sự tiếp tay của người trung gian, làm công việc hoà giải. Để, hoà hoãn.

Đi vào giải quyết, cha mẹ hoặc bậc trên cũng nên nhìn nhận thực tế có vỡ đổ. Biết sẵn sàng bỏ thì giờ và công sức mà hàn gắn hố cách biệt, mỗi khi cần. Phải công nhận, đôi khi các đấng bậc cảm thấy khó khi chính mình đang có rạn nứt với nhau, hoặc với các đấng bậc cao hơn. Làm gì thì làm, quý “cụ” cũng chớ kéo bên nào về phe mình, tạo thêm chia rẽ. Đổ vỡ.

Cuộc đời là thế. Gia đình là vậy. Không phải lúc nào, ở đâu cũng thấy toàn là “cơm lành, canh ngọt”. Nhưng, vẫn có những ngày những lúc “bão nổi” ở đâu đó. Vào thời khắc nào đó. Biết nhận chân thực tế với thực tại cuộc sống với tâm tình bình thường. Pha một chút tính khí hài hước, hóm hỉnh, thì sẽ xong ngay thôi. Sẽ giảm bớt những căng thẳng do tranh chấp tạo ra. Và nhất là, phải tin tưởng rằng: thời gian sẽ giúp mọi người quên đi mà sống. Thời gian, là thần dược giúp hàn gắn mọi đớn đau. Vỡ đổ.

Nói cho cùng, trong đời người, chẳng có gì là ghê gớm. Dễ sợ. Tất cả đều có thể giải quyết tốt đẹp. Với thời gian. Với sự trợ giúp của bậc trên. Của, đấng chủ quản. Ở đời. Nói cho cùng, là cha mẹ/bậc trên hoặc chính đương sự, cũng nên biết rằng: chẳng bao giờ mình có thể biến con cái/người bề dưới thành những thành viên như khuôn đúc. Tức, trở nên “người đẹp như nhau”, sau cuộc giải phẫu thẩm mỹ hoặc, cắt bỏ thứ gì.

Ngay đến nghệ sĩ rất bi quan ở trên, còn viết được những lời lạc quan, để ta hát. Hát rằng:

“Qua đi, qua đi dứt cơn mê

Tình buồn, chồng chất lê thê.

Qua đi, qua đi dứt cơn say.

Tình này, tình rồi thay.”

(Lê Uyên Phương – bđd)

Thật ra, điều nghệ sĩ muốn nói và muốn bảo: chẳng là: cứ nhảy ùm xuống “vũng lầy của chúng ta”, rồi tự khắc sẽ thấy “tình buồn chồng chất lê thê”, rồi cũng qua đi. Tình buồn, rồi cũng đổi thay. Nhưng, nghệ sĩ lại sẽ hát và vẫn hát:

“Yêu nhau giữa đám rong rêu,

theo dòng nước cuốn lêu bêu…”

(Lê Uyên Phương – bđd)

Đúng thế. Chỉ có tình yêu mới giải quyết được mọi ghen tương. Tranh chấp. Hận thù. Như đề nghị từ truyện cổ của Trung quốc, thời buổi trước. Rất như sau:

“Ngày xưa ở Trung Hoa, có bác nông dân và người thợ săn nọ là hàng xóm sống với nhau, cũng khá lâu. Người thợ săn tuy sống tử tế nhưng ông lại có nuôi một đàn chó, rất dữ tợn. Là loại chó săn, nên chúng càng khó bảo, cứ đi đi về về, nhảy rào rượt đuổi đàn cừu của người nông dân, chạy có cờ. Nhiều lần thấy bực, nên bác nông dân bèn thân chinh đến thưa chuyện cùng hàng xóm để xin ông hãy trông nom đàn chó của ông cho cẩn thận, kẻo chúng sát hại đàn chiên lành. Nhưng, xem ra mọi yêu cầu của ông đều bị người thợ săn bỏ ngoài tai.

Một hôm, đàn chó dữ của thợ săn lại nhảy rào, chạy đuổi đàn cừu của bác nông dân mà cắn nghiến, kiến nhiều cừu con bị thương tích rất đỗi nặng. Không thể chịu đựng thêm được nữa, bác nông dân nhà tìm đến nhà trị phủ, để báo quan. Vị quan phủ chăm chú lắng nghe bác nông dân trình bày đầu đuôi câu chuyện, rất bình lặng.Nghe xong, ông phán:

-Bổn quan có thể phạt thợ săn kia và bắt anh xích nhốt đàn chó dữ của anh lại. Tuy nhiên, làm như thế sẽ khiến bác mất đi một người bạn, và có thêm một kẻ thù. Bác muốn điều nào đây? Có thêm bạn hữu, hay tạo thêm một kẻ thù là hàng xóm của mình? Bác chọn đàng nào?

Bác nông dân trả lời, anh muốn có thêm người bạn hơn là kẻ thù. Quan phủ nghe vậy, bèn lại phán:

-Được. Bổn quan sẽ bày cho bác một cách để bác vừa bảo toàn đàn cừu, vừa giữ được một người bạn, là hàng xóm láng giềng. Người xưa vẫn bảo: “mua anh em xa không bằng láng giềng”, là thế đấy!

Bác nông dân hứa sẽ nghe theo lời đề nghị của quan phủ.

Về đến nhà, bác thực hiện ngay những gì vị quan phủ khuên bảo. Anh bắt ba chú cừu non thật béo tốt rồi đem tặng cho ba cậu trai nhỏ của người thợ săn-hàng xóm. Bọn trẻ rất thích lũ chiên con. Cứ quấn quít bên bày cừu, mà vui chơi nhảy nhót. Đổi lại, để bảo vệ cho mấy chú bạn mới của lũ trẻ, người thợ săn đã đóng một cũi thật chắc để nhốt đàn chó săn rất dữ tợn của ông. Kể từ đó, đàn chó săn không còn quấy phá bầy cừu của bác nông dân nữa.

Cảm kích trước thịnh tình của bác nông dân đối với các con nhỏ của mình, người thợ săn đồng thời là hàng xóm thường đem chiến lợp phẩm anh săn bắn mang qua cho bác nông dân. Để đáp lễ, bác nông dân lại cũng đem thịt trừu và “pho-mai” do ta mình làm ra, để biếu khách. Chẳng bao lâu, hàng xóm láng giềng nay trở thành những bạn, ít khi thấy…”

Chuyện ở trên, chỉ là động thái làm hoà cốt hàn gắn mối xích mích, hiểu lầm giữa người hàng xóm với nhau thôi. Chứ chưa chứa đựng một “kịch tính” như tranh chấp/cãi vã giữa người cùng nhà. Cùng Đạo, trong nhóm hội đoàn thể, mà ta gọi là cộng đoàn dân Chúa. Nhưng ở đây, người kể truyện hôm nay, lại có đôi ba minh hoạ để làm nền cho câu truyện mình kể, có lớp lang. Lời lẽ. Ý nghĩa. Ý của ông muốn chứng minh bằng ngạn ngữ Trung Hoa và thành ngữ bên tiếng Anh như sau:

Ngạn ngữ Trung Hoa từng nói: “Duy chỉ một người, ta vẫn có thể cảm hoá/thu phục nhân tâm của kẻ khác bằng sự tử tế/tốt bụng và lòng thành của chính mình.” Các cố vấn gia đình còn khuyên nhủ các gia đình/cộng đoàn nào có chuyện hục hặc, rằng: gia đình/cộng đoàn vẫn và sẽ là mỏ vàng/châu báu rất quý giá nếu ta để chúng hoạt động đúng qui cách. Hục hặc chăng, chỉ là khi ta đánh giá thấp các thành viên sống ở đó. Chí ít, là thành viên “cá biệt”. Rất khó bảo!

Dù gì đi nữa, lời cuối cho tôi và cho bạn, từ các vị ấy vẫn là: hãy nhớ rằng bạn, rằng tôi vẫn có ảnh hưởng rất lớn đối với cuộc sống của anh, chị em mình. Ảnh hưởng do lời ăn tiếng nói của chính mình. Ảnh hưởng, do cả những gì mình không làm hoặc không nói, cũng thế.

Cuối cùng thì, tất cả là do qương quan ta vẫn sống với mọi người. Tốt/xấu, hay/dở đều tuỳ thuộc vào hành xử của chính ta. Còn nhớ tác giả John Donne có viết ở đâu đó, đôi ba ý tưởng bảo rằng: “Chẳng ai là hải đảo không người sống, hết. Chẳng đất liền nào, là đất miền không người canh tác hết.”

Tứ hải giai huynh đệ, há chi là anh/em cùng nhà. Chí ít, dân con mang hình hài của Chúa. Vẫn nên nhớ.

Trần Ngọc Mười Hai

Nay đã nhớ và quyết tâm.

Tuy âm thầm, nhưng hy vọng.

Rất sáng ngời.

No comments: