Saturday, 29 January 2011

“Nếu, nếu một ngày không có em,”

thì niềm cô đơn dài như năm tháng

như mùa thu chết, như lá thu rơi...”

(Khánh Băng – Nếu Một Ngày)

(Rm 12: 15, 18)

Vâng. Đúng là như thế. Nếu không có “EM” hiện diện bên tôi/bên bạn, thì niềm cô đơn không chỉ “dài như năm tháng” mà đời bạn/đời tôi sẽ như “mùa thu chết”. Như “lá thu rơi”. Rất tơi bời.

Vâng. Bần đạo còn nhớ: có lần nghệ sĩ Từ Công Phụng từng nói với phóng viên báo Người Việt rằng: mỗi khi viết nhạc hay làm thơ, hễ anh gọi tên “em”, thì người em đó, không hẳn là người yêu của anh, mà có thể là người nghe. Là, bạn bè. Là, đối tượng anh muốn gửi đến.

Thế nên, trong hành trình rong ruổi về với lịch sử Đạo Chúa ở Istanbul, bần đạo như nghe được từ đâu đó, nơi đền đài đổ sụp, có giọng hát rất quen quen, vẫn hát rằng:

“Nếu, nếu ngày ấy mình đừng quen nhau,

Thì ngày đó có đâu buồn đau,

Những khi mình xa nhau, có đâu buồn đau.”

(Khánh Băng – bđd)

Kỳ thực, trong chuyến hành hương “bỏ túi” này, bần đạo học được rất nhiều thứ. Nghe rất nhiều điều. Những điều, tưởng chừng như còn mới. Nghe, là nghe tiếng gọi của đất đá. Trăng sao. Vạn vật. Nghe rồi lại ngỡ rằng, trăng sao vạn vật muốn nói với mình đôi câu thắm thiết, tựa lời ca sau đây:

Nhớ, nhớ ngày ấy mình cầm tay nhau

Nhìn hạt mưa ướt mi

Ngày sau, sẽ không còn mưa rơi,

Sẽ không còn mưa rơi.”

(Khánh Băng – bđd)

Về nhà, lòng những bâng khuâng, ngây ngất, bần đạo lại được nghe thêm lời tâm tình của những người “em”, tuy không chỉ là những cá nhân hay động vật, mà là đồ vật được “nhân-cách-hoá”, có tâm tư rất thắm thiá, đậm tình như sau:

“Chào bạn,

Bạn không nhận ra tôi sao? Tôi đây mà. Tôi vẫn được bạn coi như kẻ đồng hành trân quí nhất, mà sao bạn lại chẳng nhớ? Đấy kìa! Tôi là kẻ, mà bạn vẫn luồn nhét vào túi quần hoặc xách bóp. Đi đâu cũng được bạn cho tháp tùng. Lúc nào cũng bị bạn bắt “ứng chiến”, để sẽ luôn có mặt “trên từng cây số”, ở bên bạn. Không có tôi, bạn sẽ cảm thấy lo sợ, lạc lõng, mất hướng.

Bạn nhớ ra tôi rồi chứ? Nếu vẫn chưa, thì thôi để tôi nhắc lại vài điều cho bạn dễ nhớ. Tôi là kẻ duy nhất được khi bạn âu yếm đặt dưới gối, mỗi khi bạn đi vào giấc ngủ thần tiên. Giấc, êm ái, hoặc mộng chẳng lành. Nhiều khi thức giấc/khó ngủ, bạn lại đem tôi ra mà nhìn/mà ngắm đến tội. Có hôm bạn lại nói vào người tôi bằng những ngôn từ thương yêu, nồng thắm nữa đấy.

Đến đây, thì chắc là bạn đã biết tôi là ai rồi chứ?

Vâng. Đúng thế. Tôi là chiếc điện thoại di động mọn hèn, mà lúc nào bạn cũng cầm nắm, nâng niu. Nâng, như nâng trứng. Hứng, như hứng hoa. Dù nhiều lúc toàn thân tôi cứ bần thần. Ướt đẫm những mồ hôi. Thích tôi hay không, bạn cũng chẳng bao giờ bị tôi khuynh loát, hoặc chế ngự hết. Bạn bè/người thân của bạn vẫn nâng niu tôi trìu mến hệt như bạn đường, không thể thiếu.

Thật ra, tôi cũng chỉ góp mặt với đời, chừng vài chục niên thôi. Nhưng tôi đã giúp ích rất nhiều người. Nhất là các người trẻ. Nói chung, ai cũng cần tôi giúp đỡ hết. Nhưng, lại ít có người biết đến đời tư, tâm sự của riêng tôi. Thôi được. Bạn cứ bình tâm mà theo dõi, tôi sẽ kể hết chuyện đời tư của tôi cho mọi người biết, mà trân trọng.

Năm 1973, ông thân sinh ra tôi là cụ Martin Cooper đã hy sinh thì giờ, tiền bạc để cưu mang sinh hạ tôi trong một cơ xưởng đầy những giây nhợ và ống nghiệm. Họi gọi đó là Hãng Xưởng Motorola.

Khi tôi chào đời, trọng lượng của tôi cũng chỉ sơ sơ có 2kí. Đến nay, nhờ có nghiên cứu viên làm đẹp và theo chế độ kiêng ăn, nên tôi tròm trèm chỉ chừng 5 gà-ram là nặng nhất. Chắc có nhiều bạn hỏi tôi làm cách nào mà thân hình tôi được “xăn xái” như vậy? Thật ra, thì cũng chẳng do phép lạ hay phép mầu gì đâu. Nhưng, do mấy chú được gọi là “con bọ” cực nhỏ cứ quấn quit bên mình tôi làm cho tôi nên nhỏ bé, đến là thế.

Thực chất, thì tôi dám tự hào cho mình là nhân/sự vật có được thân hình nhỏ nhắn nhất hành tinh lại chứa đựng nhiều chức năng tuyệt vời cho loài người mỗi khi họ cần đến, như: chuyển lời nhắn, đánh thức, nhắc nhở giờ kinh, mua vui giải trí, cố vấn chuyện riêng tư, trò chơi, hết thể thao rồi lại thể tháo...cứ là liên tu bất tận Thêm vào đó, tôi còn giúp các vị thân hào nhân sĩ mà tôi quen biết, tạo thêm thu nhập, để kiếm sống nữa.

Thành thật mà nói, tôi hẳn muốn “nổ bạo” để làm gì. Chỉ muốn bảo nhỏ với bạn bè, rằng: hãy cẩn thận mà ăn nói và đối xử với tôi! Vì bọn tôi nay số nhân khẩu đếm được tới 5 tỷ công dân, lận. Mỗi năm bọn tôi làm lợi cho giới chủ nhân sơ sơ chừng 30 tỷ đô, là tối thiểu đấy, thấy chưa!

Đến đây, hẳn bạn sẽ hỏi ngược: phải chăng tôi chỉ muốn “nổ văng miểng” về chức năng và khả năng, chứ thực chất, tôi chỉ là vật vô tri vô giác, nào có biết thiết thân với ai? Thành thật mà nói, với thẻ “sim” bé nhỏ, tôi nay luôn dính liền trở thành chính con người của bạn từ lúc nào cũng không biết. Chính tôi, lại là kẻ giúp cho mọi sự trở nên thân thương, mật thiết. Chỉ một âm thanh với âm lượng nhỏ nhưng rất tình tứ, là tôi có thể báo cho bạn biết có người gọi đến. Có thể là bạn hiền. Cũng có thể là đối tác với doanh nhân, cũng không chừng.

Rồi khi bạn không đáp trả được câu nào, tôi cũng có chức năng mình sẵn có để lưu trữ hoặc tải lời nhắn riêng tư/bí mật đến với bạn. Kể từ đó, tôi và bạn trở thành người thân, rất nên một. Đôi lúc, khi bạn chào từ biệt bạn bè/người thân, bạn tỏ vẻ thích thú đến độ lôi tôi ra mà hôn mà hít, khiến tôi nghẹt thở.

Rồi từ đó, tôi tự cho phép mình trở thành cánh tay nói dài làm bạn của bạn. Đôi khi, tôi còn tự tung/tự tác đóng vai bạn nữa, mà không ai biết. Nói rõ hơn, nhiều lúc tôi diễn tả cung cách xã giao của bạn, khiến bạn chẳng mất gì, mà vẫn được việc. Điều này cắt nghĩa tại sao đôi lúc bạn thấy người trẻ khác cứ ngún ngoảy trước mặt mọi người bằng những động tác xỗ xàng nói thẳng vào người của tôi, khiến tôi ướt đẫm những bọt là bọt.

Thôi được. Để tôi chứng minh thêm một vài “chuyện nhỏ” mà tôi vẫn làm để giúp bạn quên đi nỗi phiền hà. Tức giận. Có lúc, chỉ bằng một vài âm điệu như cung đàn nhỏ thôi, tôi cũng có thể giúp bạn nguôi ngoai cơn phiền bực tưởng như chết. Nếu bạn vẫn coi đó là chuyện “chán chết”, thì đây Bạn cứ tự tiện “bấm” vào người của tôi mà chơi trò giải trí. Hoặc giải quyết công việc riêng tư, ở sở, còn bỏ dở. Nói tóm lại, tôi sẽ giúp bạn không bỏ phí thì giờ. Và, bạn cũng chẳng còn thấy đời mình, đáng chán nữa. Như thế, đã được chưa?

Là kẻ thân thiết gần sát với bạn, nay tôi muốn khuyên bạn thêm vài điều: làm gì thì làm. Bạn cũng đừng ỷ y vào tôi một cách quá đáng, để rồi bạn lại thấy phiền. Phiền, là phiền một nỗi: giống người thường, nếu bạn sử dụng tôi quá mức, hoặc quá tải, tôi thì chẳng thấy sao. Chẳng mất đi kí lô nào, nhưng bạn lại thấy bịnh đó. Những bịnh thông thường dễ thấy nhất, là: trầm cảm. Mất ngủ. Não bộ thần kinh bị thương tổn khá trầm trọng. Bởi, từ nơi tôi, bạn sẽ thấy toát ra những làn sóng nhỏ li ti dễ gây hại cho những ai có não bộ không được khoẻ, nhất là trẻ con. Bởi thế nên, cứ bảo các trẻ em đừng nói vào người tôi nhiều quá, cứ bấm vài giòng nhắn nhủ, cũng được rồi. Chẳng hại gì. Cả thân thể lẫn tài chánh.

Thêm điều nữa, là: dù tôi vẫn muốn bạn nói nhiều vào người tôi. Sử dụng toàn bộ tấm thân gầy còm của tôi để làm gì cũng được; nhưng cũng nên cẩn thận. Có nhiều chuyện riêng tư, dính dấp đến luật pháp, như chuyện chit chat. Doạ nạt. Gian lận khi thi cử. Hoặc hẹn hò buôn bán đồ quốc cấm, hoặc nói chuyện với tôi khi lái xe. Bởi, dù gì đi nữa, tôi không có lương tâm đạo đức như nhiều người vẫn lầm tưởng. Nên, cuối cùng vào ngày cánh chung, chính bạn mới là người bị thánh Phêrô cật vấn, chứ không phải là tôi đâu nhé!.

Dù vô tri vô giác, tôi vẫn có trực giác của riêng tôi, để có thể đề nghị với bạn đôi điều, rất nhỏ là: đừng buồn, khi chẳng có ai dùng tôi để nói chuyện với bạn. Đừng bật máy người tôi rồi để dưới gối, suốt đêm thâu. Đừng quá lo âu, sợ lỡ hẹn. Bởi, cả khi tôi ngủ, bạn bè người thân của bạn vẫn có thể để lời nhắn, qua tôi. Cũng rất dễ!

Đừng quá lo, khi bạn để tôi ở nhà một mình. Vì quên sót hoặc cố ý. Hãy quẳng gánh lo đi mà vui sống, dù vắng tôi vài tiếng đồng hồ, cũng đâu có sao! Tôi vẫn chờ. Chớ nao núng. Đừng hành xử như người khùng, là cứ gửi máy nhắn loạn xạ cho cả những người đang đứng gần hoặc ở cùng phòng. Không có tôi hiện diện, bạn cứ nói chuyện trực tiếp, vẫn thích hơn. Và, lâu lâu bạn cũng nên nhớ rằng: bạn không như tôi đâu, vẫn cần sinh hoạt với bạn bè. Nhóm hội. Đoàn thể. Để sống còn.

Nghe tôi đi. Bạn là kẻ cố tri tôi rất thích. Là, người tình của riêng tôi. Vì thế, tôi sẽ giới thiệu bạn với mọi kẻ trên thế giới. Hãy biết cảm ơn tôi. Nhưng, đừng vì thế mà lệ thuộc vào tôi. Bởi, công việc của tôi là phục vụ mọi người. Chứ không phải để mọi người phục vụ tôi. Phục vụ bạn.”

Là nhà thơ, bạn và tôi, ta hẳn có dư khả năng diễn tả ý nghĩ của cỏ cây/vạn vật, không gì khó. Để xác chứng điều này, bần đạo mượn câu hát ở dưới đây, làm bằng:

“Nếu, nếu một ngày không có tôi,

Thì người yêu ơi đừng quên tôi nhé.

Xin đừng giận dỗi, xin hiểu cho tôi.”

(Khánh Băng – bđd)

Hiểu, là hiểu nỗi niềm riêng tây, mà bạn và tôi, ta thao thức. Hiểu, là cảm nghiệm niềm thao thức/khát khao của người khác từng kêu mọi người giúp: “Ai biết số của Chúa Trời?”, xin giúp tôi:

“Cả tháng nay, con vẫn treo ở đầu giường, câu nhắn:”Hãy cho con số Ngài đi, hỡi Thượng Đế!”

Hôm nay, con thử lên mạng, biết đâu thỉnh thoảng Ngài có “cảm giác buồn” cũng muốn lang thang chuyện vãn với người đời, chắc sẽ gặp lời nhắn của con thôi. Gặp rồi, Ngài sẽ gọi lại.

Có lẽ, Ngài cũng chẳng cần phải lên mạng để xem có ai muốn gặp gỡ Ngài, như con. đây. Bởi lẽ mỗi ngày, ngoài con ra, có cả tỷ người hằng kêu réo tgên Ngài: “Ôi lạy Trời, sao tôi khổ thế?” “Trời ơi. Chắc tôi chết mất!”; hoặc: “Chúa ơi, con đang bị người tình bội phản, Chúa đến giúp con đi!”…

Chừng như, ngày nay người ta thường trút lên đầu Ngài mọi thống khổ. Oán thán. Vãn than. Và, buồn phiền. Và vẫn coi Ngài như sức mạnh thiêng liêng kỳ quặc để đổ vấy. Níu kéo. Giật giọng. Chẳng có người ngoại đạo nào như con biết Ngài thực sự là ai? Là thứ gì? Nên, thường chép lưỡi, ừ hử, rồi gọi Ngài như gọi một quyền lực nào đó khả dĩ giúp mình trải qua cơn khốn khó hiện tại...

Hôm nay, loay hoay suốt trên mạng, con đọc được bài viết của ai đó có biệt danh là Nick D., cũng khôi hài. Sâu sắc. Tuy nhiên, vẫn có cái gì đó trống vắng, mà chẳng thể nào giải thích được nỗi trống vắng ấy là gì? Do đâu? Nhìn kỹ, sao con thấy nó giống con quá. Giống rất nhiều thứ. Mà, toàn là thứ quý báu, quan trọng để ý thức được nó mà nâng niu. Nâng niu chứ không “đành hanh”. Ghen tị. Nâng niu và trân quí, khi nhìn lại vẫn thấy toàn những “hố đen”. Trống vắng. Cứ lạnh lùng đục khoét, cấu cào, giẫy dụa. Mà không tài nào nắm bắt và hiểu được.

Ngồi buồn, đọc lại mấy chục cái “entry” trên “blog” của mình, con chợt nhận ra mình vẫn thiếu vắng tính hài hước. Nhưng, lại dư thừa tính “sên sến” rất riêng tư, nên biết sợ. Hôm nay, con định viết vài hàng để có thêm trong con tính hài hước, nhưng không biết cuối cùng làm sao lại ra như thế này. Và, con cũng chẳng biết kết thúc câu chuyện lạt lẽo đặt ra với Chúa, cách sao đây. Con phải làm gì bây giờ đây, hỡi Chúa?

Thôi thì, xin Chúa, xin Trời/Phật miễn lỗi. Thôi, con không dám xin số của Ngài nữa. Bởi, Ngài đã cho con những người bạn để tâm tình và để gọi rồi. Con còn gần gì nữa mà xin xỏ!...

Bởi thế nên, nay con kết luận: Đừng ai sống một mình, tách riêng. Vì, bản tính tự nhiên của con người là phải sống chung. Sống theo nhóm. Chí ít, phải có “một ai đó” như nửa phần còn lại ghép vào mỗi con người.”

Thế đó là nỗi niềm riêng tây. Là tự sự. Của con người, hay sự vật được nhân-cách-hoá. Của, gì thì của, hãy nên tâm sự với mọi người. Tâm sự ấy, nay ta nhận ra được chân lý giản đơn như sau: Với kỹ thuật tiên tiến. Hiện đại. Con người vô hình chung, đã trở thành một hữu thể riêng rẽ. Sống đơn lẻ. Buồn chán, nếu ta cứ tuỳ thuộc vào máy móc. Kỹ thuật. Hoặc, vào gì đi nữa. Bởi, tuỳ thuộc như thế, ta sẽ không còn tự do. Thứ tự do con cái Chúa. Tự do làm người, do Chúa ban. Và, khi quá tuỳ thuộc vào máy móc, ta sẽ thấy cô đơn. Trống vắng. Rồi gọi: Chúa đâu rồi? Sao không đến cứu con?

Không tuỳ thuộc vào máy móc, kỹ thuật, thân tâm của ta sẽ tìm ra ánh sáng của chân lý nơi đời mình. Người kể truyện hôm nay mượn phương pháp “nhân-cách-hoá” đồ vật, để nói lên một điều, là: chớ tìm Chúa nơi đồ vật. Dù đồ vật ấy ở nơi trang trọng như nhà thờ, cung thánh… Nhưng, Chúa vẫn ở và chỉ ở trong tim ta. Trong cả tâm can của người anh, người chị trong cộng đồng thế giới. Hoặc cộng đoàn thân thương, ta đang sống cùng, và sống với. Đó, là chân lý đã được rọi sáng. Được “đưa lên mái nhà”, từ khi trước. Vậy mà, đã bao người biết được điều ấy để mở tai/mở mắt, mà nhận ra chân lý? Thứ chân lý để đời, vẫn truyền tụng từ thế hệ này sang thế hệ khác, rất như sau:

“Hãy vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc.

Cùng nhau tâm đồng ý hợp…”

(Rm 12: 15)

Và:

“Nếu có thể,

thì về phần anh chị em,

hãy sống an hoà với hết mọi người.”

(Rm 12: 18)

Thật sự, vào thời tiên khởi, bạn đạo của ta làm gì có phương tiện để sống riêng, sống một mình với máy nhắn. Với điện thoại di động. Với vi tính! Nhưng, vẫn có những cảnh nhiều người tách riêng sống một mình. Chẳng quan tâm gì người khác. Chẳng giúp đỡ bất cứ một ai. Một ai đây là kẻ nghèo hèn. Như: các bà goá, kẻ tật nguyền,phong cùi, đĩ điếm, đám người thu thuế, hoặc những người bị gán cho cái mũ “cấp tiến, “rối đạo”... Nói tóm, là những người suốt ngày thui thủi, né tránh, chẳng ai thèm héo lánh, đến làm quen. Nói gì đến “đồng tâm ý hợp”, hoặc, “sống an hoà với hết mọi người.”

Sống an hoà. Có lẽ là chuyện của mọi thời. Sống an hoà, không chỉ là chung đụng, ở cạnh nhau. Nhưng vẫn theo thuyết Mackeno (mặc kệ nó). Sống chết mặc bay. Hơi đâu mà bận tâm. Sống an hoà, là: không ai khiến bảo mà vẫn đến. Là, sống cùng. Sống với nhau. “Vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc.” Vẫn quan tâm đến đường đi nước bước, của ăn cái mặc, với mọi người. Sống an hoà, là sống an ninh hoà hoãn và khiêm tốn với mọi người. Không tranh giành/cãi vã, toan tính điều lợi cho riêng mình.

Sống an hoà, như lời thánh Phaolô khuyên, là:

“Đừng quá cao vọng về mình,

trái lại, hãy biết bỏ mình,

chuộng phần hèn kém;

đừng có tự thị mình khôn…”

(Rm 12: 16)

Giải thích, áp dụng lời thánh Phaolô vào đời sống nhóm hội/đoàn thể, trong cộng đoàn Nước Trời, hẳn bạn và tôi, ta cũng nên kiểm điểm xem chính mình và cộng đoàn mình đã sống được như thế chưa? Hay, vẫn chỉ thực hiện những động tác “đạo đức” hệt như cái máy điện thoại di động?

Cảm nghiệm lời khuyên của đấng thánh, không phải để ta tìm hạt bụi nơi con mắt của kẻ khác, mà quên cái “dằm” nơi mắt mình. Cũng chẳng để chỉ trích đoàn thể/tổ chức nào đó, mà chỉ là suy tư tâm niệm, cho chính mình. Suy và niệm về đời mình, để rồi ta nhất quyết không bi quan, mặc cảm, hoặc kỳ thị. Nhưng trái lại, vẫn cứ lạc quan, trong vui hát. Hát rằng:

“Nếu, nếu một ngày không có tôi,

thì người yêu ơi đừng quên tôi nhé,

xin đừng giận dỗi, xin hiểu cho tôi.”

(Khánh Băng – bđd)

“Đừng quên tôi nhé”, “Xin hiểu cho rằng” tôi vẫn thế. Vẫn không quên một ai. Nhưng vẫn nhớ. Vẫn muốn về với mọi người, để cùng vui. Để, cùng mọi người thực hiện lời khuyên của thánh nhân, hay người nghệ sĩ. Vẫn cứ “tâm đồng ý hợp”, “sống an hoà với mọi người”. Cứ thế mà cười, mà vui. Cười và vui, cả vào lúc không thấy có gì tức cười. Bởi, cuộc sống đôi lúc cũng đắng cay, gay gắt. Vì, đời người vẫn bon chen. Tranh giành. Kèn cựa.

Cuối cùng, hỡi tôi và hỡi bạn, ta cứ sống chan hoà niềm thương mến. Cứ bông đùa với trẻ nhỏ, và người lớn. Để thấy rằng: đời vẫn thế, dù bạn/dù tôi có đặt nặng vấn đề, để ưu tư. Thế thì, hãy quẳng gánh lo đi, mà vui cười. Dù, nụ cười đó có là cười gượng. Niềm vui ấy có là “vui gượng kẻo mà”. Có, “trong héo ngoài tươi”, như chuyện đời, nhiều người kể. Tương tự truyện kể, ở bên dưới:

“Truyện rằng:

Cha xứ họ đạo nọ, có nuôi một con két, lại rất khôn. Cha vẫn nhờ đến nó để giải khuây mỗi khi mệt mỏi, buồn phiền. Một hôm, chim két của cha tự dưng bay đi đâu mất dạng, nên cha tiếc. Cha tự nhủ: xứ mình cũng nhỏ, nên chắc là mọi người đều biết mình vẫn lâu ngày nuôi chim con, nếu hỏi vặn chắc cũng tìm ra ngay thôi. Nghĩ tình thật, nên cha bạo miệng hỏi bà con cô bác để nắm chắc, trước giờ giảng:

-Bà con đây, ai có chim xin đứng dậy giùm.

Tưởng cha hỏi thật, nên các cụ đàn ông có mặt ở nhà thờ hôm ấy, đều đứng dậy. Cha xứ biết mình nói không khéo nên giáo dân hiểu lộn, bèn chữa lại:

-Ý cha muốn hỏi là: nhà thờ này, ai từng thấy chim của người khác, thì cứ mạnh dạn đứng dậy.

Tức thì, các bà đạo đức đều đứng bật dậy hết. Thấy vậy, cha hoảng quá không biết nói làm sao để con chiên mình hiểu rõ hơn, bèn hỏi lại một lần nữa:

-Cha xin lỗi, ý cha muốn hỏi là: trong nhà thờ này ai từng nhìn thấy con chim cha nuôi giữ lâu rày, thì hãy đứng dậy.

Nghe cha hỏi thế, chả ma nào còn dám đứng. Chỉ cúi đầu cười tủm tỉm, rồi thôi…”

Truyện trên, nghe hơi lạ. Kể ra đây, không phải là kể chuyện tục/thanh hay thanh/tục trong nhà Đạo, nhưng chỉ để nói lên điều này: “sống an hoà với mọi người”, “khóc với kẻ khóc”, “cười với kẻ cười”, luôn thương yêu /giùm giúp mọi người, là việc nên áp dụng vào đời sống. Áp dụng rồi, hẳn bạn và tôi, ta chẳng còn dám cười lớn tiếng, mà chỉ ngâm nga ba câu sau làm đoạn kết:

“Nhớ, nhớ một chiều em đến thăm,

Ngoài trời mưa rơi, trời mưa không dứt,

Con đường trơn ướt, em đến thăm tôi.

Nhớ, nhớ ngày ấy mình cầm tay nhau

Nhìn hạt mưa ướt mi,

Ngày sau sẽ không còn mưa rơi,

Sẽ không còn mưa rơi…”

(Khánh Băng – bđd)

Vâng. Đúng thế. Cứ “sống an hoà với mọi người”, rồi ra “ngoài trời (dù) mưa rơi”, ta vẫn nhớ. Nhớ, “trời mưa không dứt”. Nhớ, “đường trơn ướt, em đến thăm tôi”. Nhớ đến mưa ngoài trời hay mưa trong hồn tôi, vẫn là nhớ. Và cứ nhớ. Nhớ rồi, sẽ “khóc với kẻ khóc”; “cười với kẻ cười”, suốt một đời. Mãi không thôi.

Trần Ngọc Mười Hai

Từng biết khóc.

Biết cười.

Với nhiều người.

No comments: