Sunday, 2 January 2011

“Mắt đã một chiều thu hoen lệ sầu”

Tiếng đã lạc loài trong tim nghẹn ngào.

Đưa em về chiều thu reo dưới gót,

Âm thầm từng hồi giá buốt Nghe tiếng đông sang.”

(Thanh Trang – Tình Khúc Mùa Đông)

(Mt 25: 41-43)

Diễn tả về mùa Đông, nghệ sĩ nào mà chẳng diễn tả một lặng câm/chết chóc, rất cứng ngắc? Chẳng như mùa Hạ, vẫn cứ là khởi sắc. Có nắng ấm. Chói chang. Rất đàng hoàng. Làm sao được như mùa Xuân, mùa của tình tự cao sang. Rạng ngời. Hạnh phúc.

Thế nhưng, mùa Đông không chỉ là mùa của những rét mướt. Sũng sượt. Trượt hạ mà thôi. Nhưng còn là mùa chờ đợi đợt loé sáng, rất tinh mơ. Đấng mà mọi người đợi chờ, một cứu vớt. Thế còn mùa Thu? Phải chăng, chỉ là mùa của những hoen lệ sầu. Mắt biếc. Đớn đau? Và đây, một bằng chứng:

“Nhớ những đường về sương rơi mịt mùng

Mắt biếc là màu riêng tôi lạnh lùng

Thương cho người về cô đơn với bóng

Mây chiều lạc loài đã xuống, Với thu mênh mông.”

(Thanh Trang – bđd)

Thú thật với bạn và với tôi, rằng bần đạo vốn dĩ thuộc loại dốt nát rất nhiều thứ. Cả, văn chương chữ nghĩa lẫn võ biền. Mười hai con giáp, bần đạo chẳng giống con nào, dù cầm tinh Quý Mùi. Quanh năm suốt tháng cứ bùi ngùi, mỗi khi bạn bè kể cho nghe những chuyện buồn buồn tủi tủi, rất ỉ ôi cung đàn nhiều lãng du:

“Anh lãng du đêm dài cùng khói mây

Hôn tóc em, nghe hồn mình đắng cay

Tháng năm buồn miệt mài, từng ngón tay

Khi về còn xao xuyến ru hồn người đắm say.”

(Thanh Trang – bđd)

Hồn đắm say. Thật ra thì, bần đạo chỉ đắm và say ý/lời của người nghệ sĩ từng viết nhạc, tên Thanh Trang. Dù chẳng biết người là ai. Con trai hay con gái. Già hay trẻ, mà nhạc viết hay đến thế! Thôi thì, nói cho “xôm tụ” một chút, thì bần đạo thuộc “típ” người rất bén và cũng nhạy về những chuyện buồn, loại thế kỷ.

Nên, bần đạo vẫn cứ là hay trích dẫn những giòng nhạc sướt mướt có chữ “thu”, như:

“Nhớ mãi từng chiều thu rơi ngàn trùng

Tóc đó là vùng mây trôi ngập ngừng

Đêm mong người về cho vơi giá buốt

Nghe hồn từng mùa đã khuất

Tiếc thu mênh mông”

(Thanh Trang – bđd)

Cũng vì được người nghệ sĩ diễn tả ý/lời nghe như “hồn từng mùa đã khuất” , nên bần đạo có lần dám cùng bầu bạn lên tiếng phản đối đấng bậc nhà Đạo nọ cứ hung hăng tuyên bố về chốn “mây trôi ngập ngừng”, “cho vơi giá buốt”, để rồi kéo theo một kết luận lên án nhân vật trong truyện đã dám làm “cử chỉ đẹp” để chứng tỏ tình yêu, với con mình.

Trước khi nghe truyện, cũng nên thanh minh rằng bần đạo hơi bị “ướt” một chút, nhưng vẫn chưa hẳn là đồng thuận với hành xử của người cha hiền từ trong truyện, dù ông đã hy sinh cả tâm can cao quý của mình. Để rồi, có thể cùng với nó vấn nạn rằng: tình tự của người cha ở trong truyện có cùng “tầm nhìn” như các cụ đạo thời đức thày Đắc Lộ, gọi “chốn luyện hình” là nơi đến của những hành xử, tự giải quyết cuộc đời như thế không?

Truyện bắt đầu thế này:

“Ngày “N” hôm ấy, khi biết trẻ đầu lòng của mình là con gái, chồng tôi không lấy gì gọi là mặn mà hăng say cho lắm. Ông chỉ thích có con trai để nối dõi tông đường, mà thôi. Mãi đến khi con gái lên ba, nhờ vào nụ cười rất có duyên của cháu, ông bố mới thay đổi tính khí lạ kỳ. Và, khi con lên bảy, biết hỏi những câu thế này, bố lại thương:

-Bố à. Năm con tròn 15 tuổi. Bố dự tính cho con món quà gì làm sinh nhật, thế?

-Con yêu ơi. Năm nay con mới lên 7.Từ nay đến đó còn lâu lắm. Để rồi bố tính cho.

-Sao? Bố vẫn bảo là thời gian trôi nhanh như ‘bóng câu qua cửa sổ’ cơ mà!

Thời gian trôi có nhanh hay không, cũng chẳng rõ. Chỉ rõ một điều, là: ông bố ngày càng thương con gái mình hơn cả mẹ của nó. Thanh Tốn tuy mới mười bốn, nhưng đã chiếm trọn vẹn con tim chân chính của bố mình từ lâu.

Một hôm, đang vào giờ hiệp lễ ở nhà thờ, Thanh Tốn tự dưng ngất xỉu ngay ở bàn quỳ khiến vợ chồng tôi hốt hoảng vội đưa cháu vào nhà thương, gần ngay đó. Suốt 10 ngày liên tiếp, cháu rải qua cơn thập tử nhất sinh, tình trạng của con gái xem ra không có nhiều hy vọng. Đoàn bác sĩ chuyên khoa tim về hội chẩn cho cháu, xong tuyên bố: Thanh Tốn bị chứng bệnh tim, rất ác tính. E khó thọ.

Con gái nằm viện đã lâu, mà bọn tôi chẳng biết làm gì để giúp cháu mau hồi phục. Thời gian không còn trôi nhanh nữa, nhưng cứ chậm. Rất nặng nề. Chồng tôi quyết định bỏ công việc, hầu dành dụm trọn thời gian cho con. Tôi thì rất sợ cái cảnh cứ phải ngồi đó nhìn con gái lúc tỉnh lúc mê, đến đau lòng.

Sáng hôm ấy, Thanh Tốn cố dùng sức bình sinh để nói với:

-Bố ơi. Tối qua bác sĩ bảo: con không còn sống được bao lâu nữa, đâu bố. Nói rồi, cháu lịm đi một lúc. Ông bố vội trấn tĩnh. Dù, chẳng biết con mình có nghe rõ được hay không:

-Không đâu con. Chúa lòng lành vô cùng. Ngài không nỡ cất đi niềm vui của bố đâu!

-À bố! Khi chết rồi, mọi người sẽ đi đâu? Con có gặp lại bố nữa không? Nơi nào thế?

-Con à. Cho đến nay, chưa có ai quay về từ cõi chết để nói cho bố con mình biết được chuyện ấy. Nhưng, tin bố đi. Ngày nào bố rũ áo ra đi, bố sẽ không để con một mình đâu. Dù con có ở xa bố cách mấy, bố cũng cố tìm cách về với con thôi. Yên chí đi con nhé!

Chiều ấy, bác sĩ kịp đến cho biết: Thanh Tốn cần đến quả tim khác. Bằng không, cháu chỉ sống nhiều lắm chừng hai tuần. Vợ chồng tôi nghe thế, thấy mình như bị cú sét đánh ngang tai. Tay chân rã rời. Tìm đâu ra quả tim khác, thay cho con? Ôi lạy Chúa.

Cũng vào những ngày sau đó, Thanh Tốn sẽ vừa tròn 15. Hôm ấy là Thứ Sáu, kỷ niệm ngày Chúa chịu nạn, bệnh viện được tin có người vui lòng hiến tặng một quả tim, còn rất khoẻ. Tức tốc, Thanh Tốn được đưa vào phòng mổ, để thay tim. Sau cuộc giải phẫu, mọi người được biết là: cuộc giải phẫu tuy khá dài, nhưng mọi chuyện kết thúc thật tốt đẹp. Thanh Tốn chỉ nằm lại phòng hồi sức chừng hai tuần, là có thể về nhà, tạm ổn. Có điều là, từ ngày ấy, chẳng thấy mặt mũi ông bố đến thăm con. Chắc ông có việc bận, ở đâu đó.

Ngày “N” đến. Thanh Tốn được phép xuất viện về nhà tĩnh dưỡng. Vừa bước vào cửa, cháu đã lớn tiến gọi chào ông bố:

-Bố đâu rồi? Sao không ra đón con hả bố?

Nghe gọi, tôi vội bước ra khỏi phòng ngủ, mắt còn đẫm lệ, nhưng vẫn còn tỉnh đủ để trao cho con gái lá thư cuối cùng, bố cháu viết:

-Con hãy cầm lá thư này mà đọc. Đây là thư bố viết cho con cách đây ít ngày…

Thư không dài. Chỉ vỏn vẹn đôi hàng chữ, nét rất rõ: “Thanh Tốn thương yêu, con của bố. Khi con đọc những giòng chữ này do bố viết, chắc con cũng đã tròn 15. Và lúc ấy, chắc chắn tim con sẽ đập mạnh hơn bao giờ. Đó là lời hứa mà bác sĩ chuyên khoa chữa cho con, từng nói với bố như thế. Bố xin lỗi. Bố không thể có mặt gần bên con, vào lúc này được. Nhưng, từ lúc bố biết là con sẽ giã từ cuộc đời mà lại không có bố đi cùng, bố đã quyết định là: sẽ cho con câu trả lời mà con từng hỏi bố vào ngày con lên 7: bố sẽ tặng con món quà gì quý giá vào ngày con đủ 15 không? Thì hôm nay, bố tặng cho con món quà quý giá nhất là trọn sự sống của bố đây. Bố không đòi hỏi nơi con bất cứ điều gì hết. Con cứ tự ý mà hành xử theo cung cách của riêng con, món quà bố vừa tặng. Hãy sống trọn vẹn cuộc đời của con, hỡi con gái dấu yêu của bố! Bố yêu con, bằng cả trái tim này. Bố của con. Thanh Tâm.

Suốt hôm ấy, Thanh Tốn khóc đến không còn giọt nước mắt nào để khóc nữa. Hôm sau, cháu vội chạy ra nghĩa trang, gục đầu trên mộ của bố, mà thổn thức: “ Bố yêu dấu. Giờ, thì con đã hiểu thế nào là tình cha thương con vẫn thiết tha. Dù, con chẳng bao giờ nói lên được những câu như thế. Nay, thì con cũng đã biết nói lời âu yếm là “Con cũng yêu bố lắm!” mỗi khi bố nói bố yêu con. Con xin lỗi, vì lâu nay con vẫn cứ im lặng, chẳng nói lời gì để bày tỏ lòng con vẫn yêu quý bố, hơn bao giờ hết….”

Truyện kể, chừng như còn nói nhiều hơn những điều được ghi trên giấy. Giấy và bút, chỉ ghi mỗi mẩu đối thoại giữa cha/con, mà thôi. Còn đối đáp nào đẹp hơn lời đối đáp tóm gọn một chữ “yêu”? Chỉ mỗi từ gồm 3 nét chữ là y-ê-u “yêu” thôi, mà sao loài người viết đến cả vạn cả triệu pho sách, cũng không hết ý? Sách Đạo. Sách đời, vẫn đủ cả. Chỉ bằng vào động thái “yêu” thôi, loài người đã đánh gục biết bao người vẫn cứ nghi cứ vấn về tình thương yêu, đến là thế.

Ấy nhưng, câu chuyện mà bạn và tôi, ta mạn đàm hôm nay, không để ca ngợi văn chương chữ nghĩa rất phong phú. Mà, chỉ muốn nói đến nét “trăng thanh” bên lề một truyện kể. Lề phải hay lề trái, cái đó còn tuỳ ý mỗi người, có khác biệt. Người, thì đề cao nghĩa cử của ông bố. Kẻ, lại cho rằng như thế cũng không đúng luật Đạo. Có vị lại nói: đây chỉ là bản sao chép minh hoạ Tình Cha Nhân Hiền, được kể trong dụ ngôn “Người Con Hoang”, ở Kinh Sách.

Nghe truyện, có bạn của bần đạo, lại bàn thêm về đích điểm của linh hồn, sau khi chết. Chí ít, là nỗi chết do chính mình định đoạt. Có vị, cứ thích trích và dẫn các đoạn sách Tin Mừng, để thêm một lần nữa, cắt nghĩa chốn miền rộng/hẹp của thiên đường, đại loại như:

“Hãy qua cửa hẹp mà vào,

vì cửa rộng và đường thênh thang

thì đưa đến diệt vong,

mà nhiều người lại đi qua đó.

Còn cửa hẹp và đường chật

thì đưa đến sự sống,

nhưng ít người tìm được lối ấy.”

(Mt 7: 13-14)

Và từ đó, có người cũng lại kết luận bằng lời Kinh khác, vẫn còn nhớ:

“Quân bị nguyền rủa kia,

đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời,

nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó.

Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn;

Ta khát, các ngươi đã không cho uống;

Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước;

Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc;

Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng."

(Mt 25: 41-43)

Một số đấng bậc vị vọng, lý đoán rất cao siêu. Chữ nghĩa rất đầy mình. Vẫn tỏ lộ cho dân con nhà Đạo biết chốn miền mình đạt đến, sau khi chết. Tỏ và lộ, bằng các cụm từ khá cũ, như: hoả ngục. Địa ngục. Chốn luyện hình. Tức, những ngục và ngục. Và, dẫn chứng bằng sách giáo lý hội thánh, như: “Giáo huấn Hội thánh khẳng định, là: có hoả ngục. Và, hoả ngục kéo dài đến vĩnh cửu.” (GLHTCG #1035)

Ở đoạn khác, Sách Giáo lý cũng trích thêm:

“Những người chết trong tình trạng tội lỗi mà không chịu sám hối và nhận lãnh tình Chúa thương yêu, chắc chắn sẽ bị ly cách khỏi Đức Chúa đến muôn đời. Việc ấy, là do mình chọn lựa. Và, tình trạng tự mình ly cách không còn hiệp thông với Chúa và với các thánh trên trời, còn gọi là hoả ngục.” (GLHTCG #1033)

Có cụ khác lại phản bác các ý kiến trên, bằng một biện luận: làm sao Đức Chúa Hiền Lành và Nhân Từ như thế, mà Ngài lại có thể giáng phạt loài người bằng hình thức là đưa họ vào chốn lửa lào, đến vĩnh cửu, được? Đối lại ý kiến này, một cụ khác lại biện giải: Chúa chả bao giờ nghĩ ra việc tống khứ con cái mình vào chốn lửa bỏng, rất hoả ngục được. Đúng hơn, Ngài muốn mọi người được cứu rỗi mà nhận ra được Sự Thật, như thánh Phaolô từng viết:

“Chúa muốn mọi người

được cứu độ

và nhận biết chân lý.”

(1Tm 2: 4)

Và:

“Ơn của Thầy đã đủ cho anh,

vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn

trong sự yếu đuối.

Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào

vì những yếu đuối của tôi,

để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi.”

(2Cr 12: 9)

Các cụ nhà mình chứng minh như thế, thì có kẻ nào lại dám “há miệng” nữa đây chăng? Quả thật, bần đạo đây cũng chỉ dám nói mỗi một lời, là: Không dám đâu! Vấn đề là, Kinh và Sách khi nói về chốn tù đày lửa bỏng, hay quê miền để luyện hình, vẫn đều không mang tính không gian và thời gian. Mà, chỉ nói về tình trạng ly cách, chẳng còn được hiệp thông với Chúa. Với người anh em trong Hội của các thánh, mà thôi.

Và, cụm từ “lửa đời đời”, “quân ác quỷ”, là ngôn ngữ khá hạn hẹp để diễn tả tình trạng hun đốt tâm can, do thiếu tình thương yêu đồng loại, mà ra. Tình trạng đó, ngược lại tình huống có lửa bừng bừng khí thế ngày Thần Khí Chúa đến, hôm Ngũ Tuần. Cả hai, đâu có chung cùng một thứ lửa! Đằng khác, với Chúa, làm gì có thứ lửa vật chất hun khói thịt gan của con người.

Lời Chúa qua ý/từ của Phaolô thánh nhân trích ở trên, tưởng cũng đủ để người đọc thấm nhuần được tinh thần của lời Kinh “Chúa muốn mọi người được cứu rỗi và nhận biết Chân Lý”. Và Chân Lý Ngài muốn mọi người lĩnh hội, đích thị là “Tình yêu giải thoát nhân trần”, trong đó có cả người phạm lỗi. Về Sự Thật “Thiên-Chúa-Là-Tình-Yêu”, thánh sử Gioan còn nói rõ:

“Hỡi các bậc phụ huynh, tôi viết cho anh em:

anh em biết Đấng vẫn có từ lúc khởi đầu.

Hỡi các bạn trẻ, tôi viết cho anh em:

anh em đã thắng ác thần. “

(1Ga 2: 13)

Để minh hoạ quả quyết của các thánh, có lẽ cũng nên về với truyện kể nhè nhẹ, nhưng rất thấm. Ngõ hầu thư giãn sau những giờ phút ngẫm suy rất căng thẳng.

“Truyện rằng:

Người hành khất nọ, đến trước cửa nhà một người giàu có để ăn xin. Chỉ một xu nhỏ, hay vụn bánh, vẫn là những gì người hành khất trông chờ ở người giàu. Tuy nhiên, mặc cho hành khất khốn khổ van lơn, người giàu kia vẫn ngoảnh mặt làm ngơ . Kịp đến lúc, ông không còn chịu nổi lời van xin của người hành khất nữa, thì thay vì bố thí cho xong chuyện, người giàu đã lấy hòn đá ném vào người hành khất khốn khổ.

Hành khất buồn, bèn cúi xuống nhặt hòn đá cho vào bị, rồi thầm thì trong miệng: “Ta mang theo hòn đá này cho đến ngày ngươi sa cơ lỡ vận, rồi sẽ biết. Ta sẽ dùng nó để ném trả lại nhà người…”

Đi đến đâu, hành khất nghèo cũng mang theo hòn đá ấy làm kỷ vật. Tâm hồn ông luôn mang hận thù tựa lửa hoả ngục.

Năm tháng trôi qua, lời chúc dữ của hành khất nghèo đã thành hiện thực. Vì biển lận, người giàu kia bị tước đoạt hết tài sản, lại còn bị tống giam vào ngục thất. Hôm ấy, hành khất nghèo chứng kiến cảnh người ta áp giải người giàu có, đến ngục tù. Nỗi hờn căm sục sôi trong lòng, ông bèn men theo đoàn người áp tải, để xem tiếp. Tay ông không rời hòn đá nhỏ mà người giàu nọ từng ném vào người ông cách đó hơn chục năm. Ông dự tính ném trả hòn đá ấy vào người tù, để rửa mối nhục thù hằn in dấu vết nơi tâm can. Cuối cùng, thấy gương mặt tiều tụy đáng thương của kẻ bị nạn, hành khất nghèo bèn buông thả hòn đá xuông đất rồi tự nhủ: “Sao ta cứ phải mang hòn đá này từ bao nhiêu năm trước? Còn người này, giờ đây cũng chỉ là một con người khốn khổ như ta, mà thôi!” (Ngụ ngôn của Léon Tolstoi)

Sau khi kể lại truyện tích trên, người kể còn thêm một câu kết rất đẹp: “Tha thứ là điều khó nhất, nhưng cao cả nhất, trong đời người.” Bần đạo ngồi ngẫm nghĩ thấy cũng lạ. Có thứ tha nào mà không là điều cao cả? Chí ít, là những tha thứ do Đấng Cao Cả từng bảo ban.

Từ suy tư ấy, bần đạo bèn thiển nghĩ: hành khất trên, chắc đã từng sống tâm trạng ngục thất với ngục tù suốt nhiều năm? Chí ít, là khi ông cưu mang hận thù suốt đời mình. Cưu mang rồi, mới nếm mùi Thiên quốc với Nước Trời một khi dám vứt bỏ mọi hận thù đằng đằng, vẫn mang bên lòng, rất nhiều năm.

Vẫn biết thế, nên hôm nay bần đạo theo thói cũ mà ê a bài ca của nghệ sĩ trên vừa mới hát:

“Nhớ những đường về sương rơi mịt mùng

Mắt biếc là màu riêng tôi lạnh lùng.

Thương cho người về cô đơn với bóng,

Mây chiều lạc loài đã xuống, với thu mênh mông.”

(Thanh Trang – bđd)

Ê a một lời ca, là để ta sẽ không còn thì giờ mà biện luận, cùng cãi tranh. Ai hơn ai thiệt. Ai đúng ai sai. Nhưng, hãy cứ “thương cho người về cô đơn với bóng” . Cô đơn, trong một tình huống. Lẻ bóng, trong cả lập trường mình bận tâm. U hoài. Thời đương đại.

Trần Ngọc Mười Hai

Có luận và có phiếm

cũng chỉ để kiếm tìm

một Sự thật cho riêng mình.

(Xem thêm các bài khác, xin mời vào : www.giadinhanphong.com)

No comments: