Sunday 9 January 2011

“Non nước u buồn nào”

đâu bóng cố nhân lòng xót xa tình xưa.”

(Minh Trang/Dương Tiệu Tước - Bóng Chiều Xưa)

(2Tx 2: 15-17)

“Bóng chiều xưa”. Đâu cứ là bóng xót xa. U buồn. Nguồn non nước. “Chiều gió mưa”. Cũng có thể là mưa gió. Bão bùng. Nhiều sầu não. Với đất trời, là môi trường toàn cầu!?

Về đất trời nhiều âu sầu, rầu não bộ thần kinh, bần đạo nhớ nhiều về buổi mạn đàm bỏ túi, mang tính chất rất “khilykhitô”. Có tâm tình bầu bạn, kể cho nhau nghe những “khuôn trăng đáy nước, bên đồi dạ lan”… lan man nhiều chuyện. Lan man buổi chiều ấy, có bạn hiền dõng dạc tuyên bố: “Tôi nay thuộc thế hệ gần đất xa trời, nhưng vẫn nhớ tên tuổi từng bạn cũng đã gần trời, nhưng xa đất…”

“Gần đất xa trời”, ý bạn hiền của bần đạo, không cốt bảo rằng: anh nay rắp ranh đi dần về với chuỗi ngày chuẩn bị chầu Chúa. Cho bằng, anh vẫn cảm kích lập trường của vị Phật sống, Giáo hội Tây Tạng, mới đây từng tuyên bố:

“Những nhân tố nào đã làm cho người Tây Tạng bình lặng và thân mật tự nhiên? Người ta luôn luôn tìm kiếm một câu trả lời trong tôn giáo của chúng tôi, nó đặc thù, mà quên đi rằng môi trường của chúng tôi cũng không là ngoại lệ.

Sự bảo tồn thiên nhiên không cần thiết là một hành vi thiêng liêng, và nó không luôn luôn đòi hỏi từ bi. Như những Phật tử, chúng tôi từ bi với tất cả chúng sinh, nhưng không cần thiết với mỗi hòn đá, cây cối, hay nơi cư ngụ. Hầu hết mọi người chúng tôi chăm sóc ngôi nhà của chúng tôi mà không cần cảm nhận bất cứ sự từ bi nào về nó.

Tương tự thế, hành tinh của ta là ngôi nhà của mình. Và, ta phải duy trì nó với sự cẩn trọng, để bảo đảm hạnh phúc của ta và niềm hạnh phúc của bạn bè, con cháu, và của toàn thể chúng sinh, tức những ai chia sẻ nơi cư trú vĩ đại này. Nếu ta nghĩ về hành tinh của ta như ngôi nhà hay “bà mẹ” của mình, là Bà Mẹ Đất thì ta sẽ cần phải chăm sóc nó.

Ngày nay ta hiểu rằng tương lai nhân loại tùy thuộc vào tinh của ta. Tương lai của nó tùy thuộc trên nhân loại. Nhưng điều ấy không phải lúc nào cũng rõ ràng. Cho đến bây giờ, Bà Mẹ Đất đã bao dung sự vô tình của ta. Tuy thế, ngày nay, thái độ của nhân loại, dân số và kỹ thuật đã đạt đến mức độ mà Bà Mẹ Đất của ta không còn có thể chấp nhận nó nữa, trong im lặng. “Những đứa con của mẹ đang cư xử một cách tệ hại,” bà đã cảnh cáo để ta nhận ra rằng có những giới hạn mà ta không thể vượt qua được.”

(x. huffingtonpost.com Dalai Lama Book: My Spirit 11.10.2010)

Nói theo kiểu người nghệ sĩ viết nhạc bản ở trên, thì “Bóng Chiều Xưa” phải là buổi chiều trong đó con người vẫn hoà mình với “Bà Mẹ Đất”, rất trân trọng nên mới hát:

“Mây vương sầu lan,

Gió ơi đưa hồn về làng cũ

nhắn thầm lời nguyện ước trong chiều xưa.”

(Minh Trang/Dương Thiệu Tước – bđd)

Nguyện ước của nhị vị uyên ương thơ nhạc ở trên, còn là ước nguyện của những ngày xưa cũ, còn đó một tình tự, như:

“Ngạt ngào sắc hương

tay cầm tay luyến thương.

Đôi mắt em nhìn càng say đắm mơ màng nào

thấy đâu sầu vương.”

(Minh Trang/Dương Thiệu Tước – bđd)

Đã hẳn, đôi uyên ương nào mà chẳng “đắm say tình ngất ngây”, khi “đôi mắt em nhìn” sẽ cứ là “mơ màng, thấy sầu vương”. Hôm nay đây, mắt biếc ấy vẫn ngất ngây một chất tình, đã cảm hoá tâm tình đầy ngấn lệ khi chàng và nàng biết hát những ý từ như:

“Thương nhau làm chi

âm thầm lệ vương khi biệt ly.

Xa xôi còn chi

vô tình em nhớ mối duyên hờ…

(Minh Trang/Dương Thiệu Tước – bđd)

“Lệ vương âm thầm”, đã bộc phát từ lúc thấy biệt ly. “Thương nhau làm chi”, là dấu hằn đã in vào cả đời người. Một đời, có những giòng lệ vơi/đầy, khi người đời quên mất lời dặn dò hôm trước, của thánh nhân:

“Hỡi anh em,

hãy đứng vững và nắm giữ các truyền thống

anh em đã thụ giáo với chúng tôi

hoặc nhờ lời nói, hay bằng thư từ.

Nguyện xin Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô

Đấng đã yêu mến ta và đã ban cho ta niềm an ủi hằng có

và mối hy vọng tốt lành bởi ơn Người,

làm cho lòng anh em được phấn khởi và kiên vững

trong mọi việc làm và lời lành.”

(2Tx 2: 15-17)

‘Đứng vững và nắm giữ các truyền thống’, chắc hẳn trong đó có cả cung cách tuân giữ luật tự nhiên, rất an nhiên tự tại. ’Phấn khởi và kiên vững trong mọi việc làm và lời lành’, đương nhiên là quyết tâm ăn ở hiền lành, với mọi người, không riêng gì dân mình.

‘Phấn khởi và kiên vững’, cả khi biết dân con Đạo mình, vẫn thổn thức. Như Cha Nhân Hiền từng thao thức, khi Ngài nói: “Ta đã nghe tiếng chúng kêu than”. (Xh 3: 7)

Chúng dân than, vì nhiều lẽ. Không chỉ là lẽ ưu phiền do thiên tai, động đất, lũ lụt thời suy thoái. Có thể, vẫn là những uẩn khúc của một thời. Và một đời, mà người người không nương tay. Uẩn khúc hay kêu van, vẫn còn đó hy vọng cho một ngày mai tươi sáng, nếu người người biết tin vào lời ngôn sứ, khi xưa từng nói:

“Ta sẽ đổi tan tác của chúng

thành hoan lạc,

Ta sẽ ủi an,

Ta sẽ xuống cho chúng

niềm vui giải sầu.”

(Yr 31: 13)

“Niềm vui giải sầu”. Đó, là hy vọng. Là, sự khác biệt giữa các niềm tin tôn giáo. Tin, vào lời Cha Nhân Hiền, hoặc vị Phật sống. Hoặc, vào lời ngôn sứ xưa đã khuất. Cũng vẫn là tin. Là, hy vọng. Bởi, tin là tự khắc đem lại cho mình niềm hy vọng. Và, còn hy vọng, tức vẫn còn tin. Cứ tin. Dù, trạng huống con người sống sẽ ra tồi tệ thế nào cũng mặc. Vẫn kiên trì một niềm tin. Cứ, loé sáng một hy vọng.

Hy vọng, cụm từ gồm chỉ hai chữ, nhưng ôm gọn cả một vũ trụ/bầu trời, rất nguy nga. Hoành tráng. Tàn tạ, có là cụm từ chỉ về Bà Mẹ Đất, rất ưu phiền vì loài người đang giết Mẹ. Nhưng cuối cùng rồi ra hy vọng sẽ bức phá mọi tàn tạ ; để rồi sẽ đưa con người về với ánh sáng, của niềm tin.

Đức Chúa của Đất Trời, vẫn làm những chuyện lạ, miễn là vũ trụ/loài người mãi còn tin. Còn hy vọng vào Ngài, Đấng Thánh Hiền là Mẫu mực cho niềm tin linh thánh. Mẫu mực, của một hy vọng rất lành, để ta sống. Sống mà không có niềm tin, và hy vọng, thì cũng chỉ như người đã và đang chết. Một thứ chết dần chết mòn, chẳng ai tin. Và cũng chẳng ai còn hy vọng.

Vậy thì, hỡi bạn và hỡi tôi, ta cứ hy vọng và cứ tin. Tin, và hy vọng để sống tỉnh táo như những nhân vật được kể trong truyện ở dưới, quyết tự tạo cho mình niềm hưng phấn, để sống.

« Chuyện rằng,

Lúc ban đầu, đoàn làm phim Titanic định quay ở VN. Đêm. Đại dương đen ngòm. Bầu trời đầy sao. Trên chòi cao, người hoa tiêu của tàu Titanic chăm chú nhìn về phía trước. Bỗng anh hốt hoảng:

- Có một núi băng phía trước tàu khoảng 10 cây số.

Tin đó lập tức được gửi tới phòng hoa tiêu trưởng. Ông này bận dự lễ cắt băng khánh thành câu lạc bộ bida trên tàu. Nhận được tin, ông lắc đầu:

- Phải mang ra phường xác nhận xem núi băng đó thuộc về ai thì tôi mới có hướng giải quyết.

Một bức điện cấp tốc được gửi về phường xin xác nhận ngay, nhưng cô văn thư giữ con dấu lại nghỉ vì nhà có đám giỗ, còn chủ tịch phường thì hiện đang đi nghỉ mát theo lời mời của Ban quản lý dự án giải phóng mặt bằng.

- Núi băng còn cách tàu 5 cây số, Viên hoa tiêu lại báo xuống.

Tin được chuyển ngay xuống thuyền phó. Ông ta vội vã triệu tập một cuộc hội thảo với chủ đề Băng trôi - Thực trạng và giải pháp. Giấy mời hội thảo đề 3giờ sáng, nhưng đến 4giờ sáng vẫn chưa đủ số đại biểu vì không rõ là có tiền ăn sáng hay không, đồng thời nhân viên cũng báo cáo lại là một số đại biểu đang mải chơi tú Strip nên không thèm nhận giấy mời. Cuối cùng thì buổi hội thảo cũng vẫn được tổ chức lúc 4 rưỡi sáng sau khi Chủ tọa tuyên bố có tiệc đứng sau buổi họp. Các tham luận đều không đưa ra hướng cụ thể gì, chỉ nhấn mạnh là cần phối hợp giải quyết nhịp nhàng và đây là trách nhiệm của tất cả các ban ngành. Cuối buổi, Chủ tọa kết luận dõng dạc:

- Cuộc họp hôm nay chúng ta đã được nghe nhiều ý kiến phát biểu có giá trị cao về cả lý thuyết lẫn thực tế. Các ý kiến đã chỉ ra được tầm nguy hiểm của hiện tượng băng trôi và đưa ra một số giải pháp giải quyết. Các giải pháp tuy còn nhiều tính chất "trừu tượng" và đôi chỗ mâu thuẫn với nhau, nhưng thật khó để có thể kết luận ý kiến nào đúng, ý kiến nào sai. Đây chính là tiền đề để chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức một buổi Hội thảo nữa vào ngày này năm sau. Xin cám ơn quý vị và mời quý vị dùng tiệc. (clap clap)

- Băng còn cách tàu 100mét, viên hoa tiêu hét lên.

Tin này đến tai thuyền trưởng. Ông vội vã ra lệnh:

- Lái tàu, lùi lại.

- Dạ báo cáo anh, em chưa học lái tàu đi lùi ạ.

- Thế sao bảo có bằng lái tàu thủy ???

- Dạ, thú thiệt là bằng này em... "mua" ạ.

- Hả ???... RẦM!!!

Sườn tàu va vào núi băng. Nước ào ào chảy vào các phòng. Trên giường ngủ, diễn viên nam do DiCaprio thủ vai thức dậy trước tiên. Anh lay những người xung quanh:

- Dậy mau lên, nước ngập.

Mọi người ngái ngủ ngó xuống rồi càu nhàu:

- Mưa thì nước ngập, có chi đâu.

- Nhưng mà ngập đến đầu gối rồi!

- Bực quá, khu phố tôi ở mỗi khi mưa dù là mưa nhỏ mà đều ngập đến bụng cơ, thế này nhằm nhò gì - Rồi họ ngủ tiếp.

Hốt hoảng, DiCaprio rút điện thoại di động gọi cho diễn viên nữ Kate Winslet để báo tin. Trong máy vang lên một giọng ngọt ngào: "Thuê bao quí khách vừa gọi hiện đang ngoài vùng phủ sóng hoặc tắt máy, xin vui lòng liên lạc lại sau. The number you've called...".

Kêu trời vì thất vọng, DiCapio chạy ào lên phòng người yêu, kéo cô chạy lên bong. Đôi tình nhân dìu nhau lên những bậc thang chật hẹp. Lúc này trong tàu đã nhốn nháo vô cùng. Dòng người đang xô đẩy bỗng chựng lại.

- Kẹt xe.

DiCaprio cáu:

- Trong tàu thuỷ làm sau kẹt xe được?

Bà con giải thích:

- Được. Xe mấy ông thuỷ thủ nhập lậu giấu kỹ, bây giờ nước ngập ai cũng lôi ra nên kẹt cứng rồi. Đôi uyên ương lao tới chỗ để xuồng cấp cứu. Còn rất nhiều chỗ trống. Hai người định nhảy xuống xuồng thì một nhân viên chặn lại:

- Yêu cầu anh chị mua vé.

- Chúng tôi mua vé tàu rồi mà? - Winslet kêu to.

- Vé tàu khác, vé xuồng khác - Anh nhân viên giải thích - Y như ở công viên, vé vào cửa đâu kèm vé trò chơi!

DiCaprio đành thò tay vào túi, rút ra tờ 100 USD. Người bán vé cầm lấy, điện thoại vào đất liền hỏi tỉ giá chính thức. Cô trực tổng đài cho biết là 8 giờ sáng mới có giá mới, còn nếu tính theo giá hôm qua thì DiCaprio bị thiệt 2 chục ngàn. Đang giằng co thì có một bà béo chạy lại đon đả:

- Anh giai để em đổi theo giá ngoài, vừa nhanh vừa cao hơn. Tính ra theo cái "giá ngoài" đó thì DiCaprio chỉ bị thiệt có 18 ngàn mà thôi.

Đúng lúc nguy cấp thì điện tắt phụt. Thiên hạ la rầm trời đất. Thuyền trưởng chạy tới quay điện thoại hỏi lý do. Suốt tiếng đồng hồ máy bên kia cứ bận liên tục, cuối cùng thuyền trưởng phải cử thuyền phó xuống tận nơi thì được thông báo:

- Một con chuột chạy lụt mắc kẹt ở đường dây và đã bị nướng chín vàng khiến đường dây chập mạch. Phải tìm ngay một con mèo.

Lúc này mối nguy hiểm đã cận kề. Tàu Titanic kêu răng rắc như răng bà lão và gãy làm đôi. Tất cả tranh nhau xuống xuồng và tranh nhau phao cấp cứu. Lượng phao ít hơn lượng người nên đôi tình nhân chỉ được có một chiếc. Họ cứ nhường nhau, nước mắt đầm đìa rất cảm động. Âm nhạc nổi lên tha thiết. Hơn một ngàn rưởi hành khách sắp chết đuối vì thiếu phao. Tàu sắp chìm sâu xuống đại dương. Bỗng nhiên thuyền trưởng vụt nhớ lại kỳ thi tốt nghiệp THPT của mình. Ông cởi chiếc phao trên thân, đưa vào máy Photocopy nhanh chóng in ra hàng ngàn chiếc. Thế là hành khách ai cũng có đủ, thậm chí một người được dăm bảy loại phao. Một điều lạ là trên các loại phao này lại ghi chi chít những công thức toán học, các bài văn mẫu. Nhưng lúc nước sôi lửa bỏng thế này, có phao là tốt rồi nên cũng không ai để ý mà đều ôm phao nhảy ào xuống biển.

Titanic chìm xuống. Tất cả mọi người đều nổi lên. Pháo bông bắn rực trời. Trên nền trời đêm hiện lên dòng chữ: Tỷ lệ "nổi" đạt 100%. Caprio và Winslet ôm nhau hôn thắm thiết!

(Vô danh thị).

Truyện kể của tác giả Vô Danh Thị, đích thị từ người Việt, hoàn toàn mang tính hư cấu. Nhưng có hậu. Hư cấu, vì bôi bác những người con của “Bà Mẹ Đất” chẳng lý gì đến Đất Mẹ. Rất có hậu, là bởi đọc hết truyện rồi mà chẳng thấy “chết ba thằng Tây’ nào hết ráo. Bởi, truyện kể chỉ cốt kể lể và minh hoạ, rằng: nếu không cẩn thận trân quý đất, thì rồi ra đất cũng chẳng lý gì đến cuộc sống của ta.

Về với nhà Đạo mình, cũng nên trân trọng và nhớ lời dạy của các thánh trong/ngoài Đạo, để rồi bạn và tôi, ta sẽ lại có những ý nghĩ, hành xử, rất phải lẽ. Với cả đất lẫn trời. Đồng thuận rồi, hỡi tôi và bạn, ta sẽ lại hát nốt câu ca ở trên, làm kết đoạn:

“Một chiều gió mưa

Anh về thăm chốn xưa.

Non nước u buồn nào đâu bóng cố nhân

lòng xót xa tình xưa.”

(Minh Trang/Dương Thiệu Tước – bđd)

Quả là thế. Non nước u buồn. Cố nhân, có về thăm chốn xưa cũ, thì Bà Mẹ Đất cũng xót xa tình xưa, mà bỏ lỗi. Để rồi, sẽ đưa đàn con yêu dấu vào vòng tay yêu thương/tình ái, rất ôm ấp. Vỗ về. Đầy hy vọng.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn cứ hy vọng rất nhiều

Dù đất trời đổi thay

Loay hoay nhiều trăn trở.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com

No comments: