Friday 21 January 2011

“Áo nàng vàng, anh về yêu hoa cúc,”

”Áo nàng xanh, anh mến lá sân trường. Sợ thư tình, không đủ nghĩa yêu đương. Anh pha mực, cho vừa màu luyến thương.”

(Phạm Đình Chương – Mầu Kỷ niệm)

(Rm 12: 16-18)

Anh cứ pha đi. Xanh vàng màu gì cũng đều của giấc mơ. Của, những thư tình đầy luyến nhớ. Của, áo anh yêu. Màu gì, cũng vẫn là màu của kỷ niệm luyến nhớ, cũng rất yêu. Yêu và nhớ, suốt đời. Nhiều kỷ niệm.

Kỷ niệm, vẫn là những gì có chút sắc màu. Có cả niềm nhớ rất như sau:

“Nhớ ngày nào, tan trường về chung lối

Mắt thuyền sương, nghiêng nón ngất ngây đời

Lòng trao lòng, cho tình vút lên khơi,

Cho ngon màu, trìu mến ướt lên môi.”

(Phạm Đình Chương – bđd)

Phải chăng đó cũng là kỷ niệm của một “trìu mến, ướt lên môi” ? Kỷ niệm, tuy không đầy sắc mầu của nhung nhớ, hay gì đó. Nhưng, vẫn cứ là những kỷ và những niệm rất để đời. Của, những sắc màu hiện đến một lần, sẽ chẳng bao giờ quên.

Sẽ chẳng quên, cả vào khi anh quân hành “đi về cánh rừng thưa”, cũng chẳng bao giờ quên được sắc màu, của kỷ niệm. Vẫn nằm ở “màu áo năm xưa”. Nay, “len lén trở về tâm tư”, rất kỷ niệm. Kỷ niệm để đời. Khó phai. Như lời thơ/ý nhạc ta hát tiếp:

“Ngày hành quân, anh đi về cánh rừng thưa,

Thấy sắc hoa tươi, nên mơ màu áo năm xưa

Kỷ niệm đâu, len lén trở về tâm tư,

Có mắt ai, xanh thắm trong mộng mơ.”

(Phạm Đình Chương – bđd)

Thế đó là kỷ niệm. Của, những bạn và những tôi, chỉ một lần thấy em hay chị mặc “áo năm xưa”, nên nhớ. Nhớ một hành xử ít thấy trong đời, đành không quên. Hành xử đó, có là hành mà không xử, như dân thường ở huyện, nay cũng có những kỷ niệm khó mà quên như sau:

“Cô y tá hướng dẫn chàng thanh niên nọ với vẻ mặt hoảng hốt, âu sầu tới gần bên giường bệnh của ông già, rồi nói:

-Ông ơi! Con trai ông đã tới rồi đây!

Cô phải nhắc đi nhắc lại nhiều bận, ông bệnh nhân mới mở mắt ra nhìn. Ông bị ảnh hưởng thuốc mê và cơn đau, nên chỉ thấy lờ mờ người thanh niên đứng cạnh bên bình dưỡng khí, ở đầu giường. Ông giơ tay nắm bàn tay người thanh niên. Xiết chặt, như đang cần một an ủi khó tìm.

Cô y tá lăng xăng mang ghế nhỏ lại gần giường bệnh cho người thanh niên ngồi. Suốt đêm, người thanh niên cứ ngồi đó giữ bàn tay đã lạnh của người bệnh mà nói những lời ủi an, đầy hứa hẹn. Còn bệnh nhân, chẳng nói câu nào. Cứ thế ông nắm chặt bàn tay ấm áp của anh thanh niên.

Sáng ra, cụ bệnh nhân kịp thở hắt một lần cuối để giã từ trần thế, chẳng trối trăn đến một lời. Người thanh niên bùi ngùi đặt bàn tay nhăn nheo bất động của người bệnh lên giường rồi báo cho y tá biết.

Trong lúc y tá làm thủ tục giấy tờ cho người bệnh xuất viện, anh thanh niên cứ tẩn ngẩn tần ngần đứng cạnh đó chẳng nói năng. Xong thủ tục, cô y tá ngỏ lời chia buồn với anh thanh niên, thì được hỏi:

-Ông này là ai thế hả cô? Tên ông là gì, để tôi còn nhớ mà ghi lại?

Cô y tá ngạc nhiên, hỏi:

-Thế ông ấy không phải là ông cụ thân sinh của anh sao?

-Không. Tôi chưa gặp ông lần nào. Tôi vào đây thăm người bạn trùng tên. Có lẽ cô lầm lẫn sao đó, nên mới dắt tôi đến ông ấy…

-Ồ! Thế sao anh không cho tôi hay biết ngay khi tôi dẫn?

Anh đáp:

-Khi tôi biết ông bị bệnh khó lòng mà qua khỏi, lại mong được gặp người con trai, đợi mãi mà chưa tới. Ông quá yếu, nên không nhận ra ai hết. Tôi đoán ông rất cần sự hiện hữu của con ông, nên tôi mới nán lại để ông được thanh thản… Thật ra tôi cũng có giúp được gì nhiều đâu cô!!!”

Vâng. Cũng chẳng nhiều gì. Như giúp nhau chuyện sống chết. Nhưng ở đây, dù anh thanh niên cho đi không bao nhiêu, mà kỳ thực, anh đã cho rất nhiều. Nhiều, nội mỗi chuyện biết trân trọng ý muốn của người sắp mãn phần. Nhiều, ở chỗ: anh chẳng quản ngại bỏ chút thời gian để ở gần người mà anh biết sắp ra đi. Bỏ cả ý định riêng tư để chiều ý của bậc cha bác, nữa.

Trong đời, cũng có rất nhiều tình huống qua đó người người đều trân trọng ý kiến cũng như thành quả việc làm của người thân quen hoặc chưa từng biết đến, như nhân vật được trích dẫn ở trên. Vì thế nên, sống ở đời người người vẫn diễn tả động thái trân trọng bằng lời nói hoặc hành động đáp trả. Và có khi, chỉ bằng một cử chỉ nào đó, theo truyền thống văn hoá của mỗi người. Xưa cũng như nay.

Tuy nhiên, có những truyền thống văn hoá, mà người thời nay vẫn diễn tả ra bên ngoài bằng những cử chỉ/hành động mà đôi khi nhiều người không quen nghe/nhìn, nên không thấy. Cũng có thể, người thời nay có những hành xử hơi khác với thời xưa, khiến các bậc thức giả hơi “xưa” một chút như bần đạo, nên không thích. Và cũng vì không thích, nên cứ nại đến truyền thống văn hoá của người xưa đem ra mà chống chế.

Vừa qua, bần đạo lại bắt gặp một trường hợp hơi “giông giống” vấn đề mà bà con ta ở nhiều nơi, nhất là các vị đang muốn “hội nhập” nền văn hoá “khang khác” với nước ngoài, cần nghiên cứu để sống. Sống cho phù hợp với thời đại. Nay, xin trích dẫn như một trường hợp cụ thể, để bạn và tôi, ta cứ thế mà tham khảo và suy nghĩ. Cũng chỉ như một đề nghị để gọi là có chút gì để phiếm cho vui. Cho dông dài, nhiều chuyện. Ở đới. Thế thôi.

Bần đạo nói bắt gặp, là gặp được ở mục hỏi đáp nơi tuần báo The Catholic Weekly số đề ngày 19/12/2010, như sau:

“Thỉnh thoảng trong sống đạo hàng ngày ở huyện, tương tự như trong thánh lễ chẳng hạn, tôi vẫn nghe nói nhiều người đi lễ lại có thói quen hay vỗ tay sau khi nghe bài chia sẻ hoặc bản nhạc nào đó khá hay. Tôi, thì tôi thấy việc ấy hơi lạ và không đúng chỗ. Vậy xin hỏi linh mục là tôi phải có thái độ thế nào đối với chuyện này, mới đúng?”

Hỏi, mà lại hỏi trong mục “Hỏi đáp” của tuần báo Công Giáo ở Sydney, thì đương nhiên là câu hỏi của mọi người sẽ chạy thẳng đến đấng bậc vị vọng từng có trên dưới 50 năm kinh nghiệm sống đạo, làm người. Và, vị ấy không ai khác ngoài đức thày họ Flader, tên gọi rất John, như sau:

“Trước tiên, xin cho tôi được bắt đầu lời giải đáp bằng một khẳng định, rằng: Thánh lễ hoặc bất cứ nghi thức phụng vụ nào khác, trên hết và trước hết, vẫn là để thờ phụng Chúa. Đó là thời khắc, để ta nâng lòng trí lên với Chúa mà chúc tụng, ngợi khen cùng cảm tạ và đệ đạt lời thỉnh cầu có thể có, đồng thời xin Ngài đổ tràn mưa hồng ân chúc phúc xuống trên ta.

Chính vì phụng vụ là thời khắc để ta nguyện cầu và niệm suy trong thinh lặng, và cả vào lúc ta cất tiếng hát lên lời ca vang chúc tụng Chúa. Tuy nhiên, việc ấy tuyệt nhiên không là xuất diễn để mua vui cho những người hiện diện. Tất cả, là để tập trung vào với Chúa, chứ không phải với cộng đoàn.

Mặt khác, khi ta đi dự buổi diễn âm nhạc, kịch nghệ, màn thi đấu thể thao hoặc bất kỳ hình thức tiêu khiển nào khác, ta thường vỗ tay tán thưởng một đôi lúc, là để tỏ bày sự ngưỡng mộ cho buổi diễn.

Thái độ này và đường lối cũng như cung cách tỏ bày sự cảm kích như thế không thích hợp cho phụng vụ. Bởi phụng vụ, là những buổi có mục tiêu hoàn toàn khác hẳn.

Trong cuốn Tinh Thần Phụng Vụ Đức Hồng y Joseph Ratzinger có tóm tắt nhắc đến tinh thần này bằng tiêu chuẩn như sau: “Bất cứ khi nào phụng vụ bị đứt quãng vì tiếng vỗ tay cổ võ do thành tựu của con người, thì chắc chắn đây là dấu hiệu cho thấy bản chất của phụng vụ đã biến mất và được thay vào bằng một thứ tiêu khiển theo kiểu của tôn giáo thôi“(sđd tr. 198).

Dù cho người tham dự cũng nên được gợi hứng cảm kích về bài chia sẻ bằng cách tỏ bày sự cảm kích ấy bằng cử chỉ vỗ tay, nhưng đây vẫn là động thái khá nguy hiểm.

Nguy ở chỗ, là: vị linh mục hoặc phó tế rất có thể nhận ra một cách có ý thức hoặc không ý thức rằng: mình soạn bài “chia sẻ” chỉ cốt để chiều lòng người nghe hoặc kích thích những đợt vỗ tay, đúng hơn là tìm dựng xây cộng đoàn có kiến thức và tình thương yêu Chúa. Cả hai cách trên đều khác nhau. Thế nhưng, quả là chuyện đáng buồn nếu như các đấng bậc chia sẻ lại chỉ muốn mọi người biết đến tài năng giảng thuyết hùng hồn của mình, thôi thì thật là đáng tiếc.

Đằng khác, giả như cộng đoàn dự lễ có thói quen vỗ tay một vài lúc, thì họ sẽ cảm thấy có áp lực vỗ tay để không muốn xúc phạm đến đấng bậc đang giảng, hoặc họ có thể suy xét về bài chia xẻ bằng cách xem nguời khác có vỗ tay hay không để còn so sánh với các vị khác bằng số những lần vỗ tay dành cho vị ấy.

Đấng bậc giảng lễ phải tìm xây dựng cộng đoàn dân Chúa cho phải phép, và cộng đoàn dự lễ phải lắng nghe bài giảng với thái độ là: khi về có thể giữ lại điều gì đó giúp ích cho đời sống thiêng liêng thực tế ở đời.

Chính vì lý do đó, mà qui định phụng vụ đề ra là phải có những khoảnh khắc thinh lặng sau bài giảng, để giáo dân có thể suy tư về những gì mình vừa nghe.

Vỗ tay là động thái khả dĩ cắt đứt tinh thần suy tư nguyện cầu, cần có.

Âm nhạc, cũng thế. Mục đích của âm nhạc trong phụng vụ là để góp phần vào nét diễm kiều của buổi lễ, nên vì thế để gia tăng việc vinh danh Chúa. Khi cảm kích âm nhạc thấy quá hay, thì người tham dự phụng vụ dễ có hứng vỗ tay, như họ vẫn từng làm vào các buổi hoà nhạc, ở vài nơi.

Nếu vậy, họ cũng nên nghĩ lại và nhớ rằng nghi thức phụng vụ không phải là buổi hoà nhạc, mà là nghĩa cử để phụng thờ. Qua phụng vụ, mọi người cảm tạ Chúa trong nguyện cầu có kèm theo âm nhạc để nâng lòng mình lên với Chúa và làm vinh danh Ngài nhiều hơn nữa.

Thông thường, vẫn có luật trừ. Vào các lễ có đông người tham dự do Đức Giáo Hoàng làm chủ tế, giáo dân vẫn có thể tỏ bày lòng thương yêu Đức Thánh Cha bằng cách vỗ tay đón ngài, và ở một vài trường hợp cũng có thể ngưng bài giảng của ngài bằng những lần vỗ tay nhiều cảm hứng.

Ngoài ra, đối với một số tập tục văn hoá khác, chuyện cộng đoàn dự lễ vỗ tay thường xuyên hơn ở thế giới phương Tây, vì thế có thể cũng xảy ra ở nghi thức phụng vụ nữa.

Thêm vào đó, có một số các nghi thức cũng đòi người tham dự phải vỗ tay, như qui định phụng vụ. Ví dụ như các buổi tấn phong linh mục hoặc phó tế, sau khi truyền chức, vị giám mục nhận ra rằng tân chức là người xứng đáng, nay được chọn để tấn phong, cũng nên vỗ vào lúc ấy, thôi.

Có những kiểu vỗ tay tự nhiên xảy đến và cũng thích hợp vào trường hợp giám mục nào đó mới được phong đi vào với cộng đoàn dự lễ, để ban phép lành mở tay cho người dự, hoặc trong lúc đoàn người xếp hàng ra khỏi nhà thờ, kết thúc nghi lễ tấn phong ấy. Nhưng sự thường, thì phụng vụ là buổi lễ thinh lặng, mang tính nguyện cầu để ta nâng lòng lên cùng Chúa. Xem thế, thì vỗ tay không thể là thành phần của những buổi như vậy.” (x. John Flader, The Catholic Weekly 19/12/2010, tr. 10).

Thế đấy, là lời lẽ chính qui. Chính mạch. Và, rất chính thức của đấng bậc vị vọng, rất đức thày. Tức đấng bậc từng trải hơn 42 năm kinh nghiệm sống trong cộng đoàn mang tên Opus Dei (tức “Công Việc Của Chúa”). Chính thức và chính mạch, đôi khi có nghĩa là chính cương, nhưng chưa chắc đã chính đáng. Và, chính lệnh.

Sở dĩ đấng bậc kinh nghiệm ở trên phán những lời rất ư là chính đạo và chính hiệu như nhóm hội “Opus Dei” là thế, nhưng chưa chắc đã chính thống và chính xác như chính kiến của Đạo Chúa. Nội nghe lời trần tình của Đức ngài vừa mới nói, hẳn bạn và tôi cũng hiểu là ngài thuộc thế hệ rất chính đại như các đại thụ, đại chức sắc, rất như sau:

“Tôi từng quen biết một đấng thánh, và tôi cũng từng sống với thánh Josemaria Escriva đấng sáng lập hội Opus Dei ở La Mã. Tôi thấy ngài đích thực là một vị thánh. Khi quý vị đọc sử hạnh của thánh Mary MacKillop, như tôi từng đọc và nhận xét về cuộc đời cũng như công việc của vị thánh nữ này, quý vị cũng sẽ như tôi nhận ra là chị cũng rất thánh theo khuôn khổ cổ xưa của các vị gọi là thánh nhân.”

“Tôi sẽ còn tham gia nhiều buổi tĩnh tâm, suy niệm, hướng lòng mà chiêm niệm và hoá giải, Tôi sẽ làm việc tại Pennant Hill Sydney trông nom cho cộng đoàn giáo dân ở đây. Tôi rất vui được làm việc như xưa tôi từng được yêu cầu làm với hội Opus Dei, nên từ nay tôi cứ thế mà tiến tới và tôi dám chắc rằng người đến thay thế, sẽ hay hơn tôi.

Là linh mục, chúng ta sống là để giúp đỡ các linh hồn. Công việc của Hội thánh được định ra trong Giáo Luật cũng thế, tức định đoạt việc thuyên chuyển các linh mục trong giáo xứ…” (x. Sharyn McCowen, New Opus Dei role for a ‘very blessed priest’ The Catholic Weekly 19/12/2010, tr. 9)

Nói cho cùng, đó là kiểu sống thánh của các cây “đại thụ”. Từ ngàn xưa. Nhưng vấn đề mà bạn và tôi cũng như các bạn của tôi sẽ hỏi, là: ngày nay muốn sống lành thánh với lễ lạy phụng vụ, ta phải làm sao? Có nên “im thin thít như thịt nấu đông” vào những buổi nghe giảng và dạy, ở giờ lễ? Có nên đổi và thay đôi chút theo kiểu giờ lễ của nhóm “Hill Songs” thường tổ chức mỗi tuần ở Sydney. Có hát. Có nhún nhảy và vỗ tay, mà vẫn ngợi khen Chúa, rất vui vẻ?

Vấn đề đặt ra, là để bạn để tôi, ta cứ thế mà gẫm và suy. Suy rồi, sẽ có quyết định cho riêng mình. Riêng mình tôi, và mình bạn, để có lẽ tôi và bạn sẽ lại tìm đến câu ca của người viết nhạc ở trên mà ngâm nga, kết thúc bài phiếm hôm nay:

“Hẹn ngày mai khi tan giặc sẽ cùng nhau

Góp hết hoa thơm chung tay xây kết mộng đầu

Trời thần tiên đôi bướm nhịp nhàng lả lơi,

Nương cánh nhau đi xa hơn cả cuộc đời

Ôi màu hoa, màu thương nhớ.”

(Phạm Đình Chương – bđd)

Giặc hôm nay, không là giặc tranh cãi, đúng sai. Giặc, là giặc ù lỳ, nặng hình thức, cứng ngắc. Và, chỉ bóp chết những hoa thơm cỏ lạ. Vẫn cần “nương cánh nhau (mà) đi, xa hơn cả cuộc đời”. Nương cánh nhau mà đi, dù chỉ dự lễ hội có vỗ tay hay không vỗ. Cứ nương cánh nhau hợp tác mà sống, như lời thánh Phaolô dặn dò về nhân sinh quan cần có, như sau:

“Hãy đồng tâm nhất trí với nhau,

đừng tự cao tự đại,

nhưng ham thích những gì hèn mọn.

Anh em đừng cho mình là khôn ngoan,

đừng lấy ác báo ác,

hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt.

Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được,

để sống hoà thuận với mọi người.”

(Rm 12: 16-18)

Cuộc đời, nay vẫn có nhiều “màu hoa”, “màu thương nhớ”. Nhớ nhau. Đồng tâm nhất trí, sống cùng người. Cuộc đời, nay vẫn có “trời thần tiên”. Có, “đôi bướm nhịp nhàng lả lơi”. Suốt cuộc đời. Để người người cứ thế mà sống. Sống vui. Sống thích thú. Cứ vỗ tay cả vào lúc mình thinh lặng, chiêm ngắm Vua trời đất. Cả vào lúc, chúc tụng ngợi khen hết mọi người. Ngợi khen vì biết chắc Chúa vẫn ở nơi mọi người. Với cuộc đời.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn muốn sống Đạo trong đời

mà vẫn sướng.

No comments: