Monday, 21 February 2011

“Sàigòn bây giờ trời mưa hay nắng?”

Sàigòn bây giờ ai khóc thương ai?

(Lê Uyên Phương – Khi Xa Sài Gòn)

(Ga 12: 7-8)

Mưa hay nắng, có là giọt nhớ/khóc thương ai? Nhớ và khóc, có là khóc tình mình bây giờ. Là, thưong vay khóc mướn. Tình đời ai oán. Như, lời lẽ rất nức nở người nhạc sĩ vẫn kể lể, ở bên dưới:

“Sàigòn giới nghiêm, che kín đêm dài,

Sàigòn khói bay, Sàigòn nắng đổ,

Sàigòn đã buồn như trời sớm mai…”

(Lê Uyên Phương – bđd)

Sàigòn ấy. Tiếng khóc này. Vẫn là tâm tình khóc thương tựa hồ truyện kể, như ở dưới:

“Truyện rằng:

Đấng bậc tâm linh nọ, một hôm mon men đến trước lâu đài vua quan kia, mà chiêm ngắm.Vốn dĩ là bậc thày nổi tiếng khôn ngoan/nhân hậu, đi đâu cũng được mọi người kính nể, nên quan viên canh giữ đền/đài vẫn để mặc thày tiến thẳng đến trước mặt vua quan đang ngự triều ở chốn cao, để đưa ra vài câu mà lĩnh ý. Vua quan thoạt nhìn thấy, bèn quắc mắt, giựt giọng hỏi:

-Khanh kia, chừng như khanh muốn tâu lên trẫm điều gì đấy chăng?

-Thưa bệ hạ, thần đây chẳng có gì để thưa gửi, chỉ xin bệ hạ một chỗ trú chân nơi quán trọ này thôi.

-Ngươi bảo sao? Đây, mà là quán trọ ư? Ngươi có biết: đây là lâu đài quyền quý của ta không?

-Thưa bệ hạ, nơi này trước giờ vẫn là nơi nghỉ chân của mọi người dù giàu sang, cợ cực hay sung túc, vẫn đến đây để dừng chân dưỡng sức. Nhưng, ngài thấy đẹp nên mới sai ba quân chiếm nó rồi biến thành của riêng. Nay, nhân danh những con người tuy thấp cổ bé họng nhưng là chủ nhân ông khi trước, thần đây yêu cầu bệ hạ hãy trao trả tài sản này lại, để không chỉ một mình thần mà mọi người dân đen nghèo hèn đều được hưởng…

Truyện kể tưởng chừng như hư cấu, nhưng vẫn là sự thật, còn lập lại ở nhiều nơi. Truyện đưa ra những mẩu đối đáp/đấu đá rất khó lòng. Và cuối cùng, phần thắng vẫn về tay kẻ mạnh. Tài sản ấy, lâu đài nọ vẫn thuộc về kẻ có của lại đủ quyền để duy trì. Mọi dân đen nghèo hèn có kiện thưa, cũng chỉ như “con kiến mà kiện củ khoai”, làm sao thốt nên lời.

Nhưng, hôm nay, vẫn có chuyện thưa cùng thốt của người nhà Đạo, rất đáng trọng. Thưa, là thưa gửi với cha. Thốt, là thốt lên lời thỉnh nguyện xuất từ một giáo dân hạng thứ, như sau:

“Thưa cha,

Con có một người bạn khá thân, chị vẫn hằng tâm sự với con khá đủ điều, từ dân gian chuyện Đạo cho chí chuyện đời, không thiếu điều gì. Vừa qua, chị bảo với con, là: chị thấy xấu hổ và bực tức khi thấy nhiều cao ốc và di sản có giá trị rải rác khắp thế giới vẫn tập trung tại Bảo tảng viện và nhà thờ của Công giáo. Chị còn nói: Nếu Giáo hội mình đích thực là Hội thánh nghèo và là Giáo hội của người nghèo, thì hãy lập tức bán ngay các thứ ấy đi lấy tiền mà giúp đỡ những ai còn đang túng bấn, rất cần tiền. Cha nghĩ sao về lập trường này?” (Một người hỏi không buồn ký tên).

Đụng vào đề tài “Giáo hội nghèo”, hay còn gọi là Hội thánh của người nghèo cũng tựa như đụng phải bức tường thành kiên cố khá vững chắc. Khó lòng mà hy vọng có đổi thay. Trong lúc này. Chẳng thế mà, đức ngài thuộc “trường phái” Opus Dei, là vị “anh lờ em mờ” (Lm) John Flader ở Sydney đã có ngay một “lời đáp” khá quen quen, để giải trừ mọi thắc mắc cũng như cật vấn như sau:

“Như chị biết đó, chuyện mà người bạn của chị đề cập ở trên, tôi nghĩ đó là chuyện dài lịch sử, vẫn nổi lên các ý kiến phản chứng như thế. Ngay khi Maria, người chị của Mác-Ta và La-da-rô lấy dầu thơm đắt giá rưới vào chân Chúa, lập tức Giu-Đa Is-ca-riốt thấy ngứa mắt, đã buông ngay câu nói đi vào lịch sử, rằng: Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?"?” (Ga 12: 5).

Ở đây, ta nên nhớ: một đề-na-ri lúc ấy tương đương với một ngày lương của dân lao động bình thường. Xem thế thì, lọ dầu thơm mà Maria rưới vào chân Chúa tương đương cả một năm lao động, tức món đồ rất đắt giá, dưới cái nhìn của một nhà kinh doanh, hạch toán như Giu-đa.

Ghi lại Tin Mừng cho người về sau đọc, thánh Gioan đã có lời bình để nói thêm, rằng: thật ra, Giu-đa Is-ca-riốt cũng chẳng quan tâm đến cảnh tình của người nghèo gì hết. Và, thánh nhân viết: “Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung.” (Ga 12: 6)

Và theo hình thái nào đó, chính Đức Giêsu đã trả lời cho vấn nạn của bạn chị, ngay ở Tin Mừng: “Đức Giêsu phán: ‘Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy.8 Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu." (Ga 12: 7-8)

Trên đời này, nếu có người biết quan tâm đến người nghèo hơn ai hết, thì người ấy ắt là Đức Giêsu. Theo nghĩa rất đúng, Ngài là người nghèo đích thực lại xuất thân từ một gia đình nghèo, và chính Ngài cũng hạ sinh trong chuồng bò. Rồi còn, chịu đói chịu khát, rất nhiều năm. Thậm chí, không có chốn để tựa đầu, nữa.

Quả thật, với hơn 300 tiền đê-na-ri, người thời bấy giờ có thể làm được nhiều việc hơn để giúp đỡ người nghèo. Hoặc, cả việc giúp đỡ môn đồ của Ngài độ nhật vào lúc ấy. Nhưng, Chúa vẫn không phản đối Maria đã phung phí của Trời, mà rửa lau chân Ngài bằng thứ dầu thơm thượng hảo hạng như thế. Ngài còn nói: Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu."." (Ga 12: 8)

Thành thử, trước nhất, những gì gắn liền với việc phụng thờ Chúa, ta vẫn nên rộng lượng như Maria. Quả thật thế, Hội thánh lâu nay vẫn làm như vậy, suốt mọi thời. Thế nên, khi thấy các ngôi thánh đường và đền đài của Hội thánh trên thế giới, tựa như Đền thánh Phêrô chẳng hạn, ta đều thấy là Hội thánh không hề hà tiện khi phải rút hầu bao chi tiêu xây cất công thự này khác để biến chúng thành “Nhà của Chúa”.

Tinh thần này luôn gắn liền với thánh sử ở Cựu Ước khi vua Đavít chỉ thị cho con trai mình là Salômôn hãy bỏ công xây cất Đền Giêrusalem để Chúa ngự. Dĩ nhiên, Đền thánh vua Salômôn xây, cũng gồm vật liệu tinh tế, khá đắt tiền. (x. 1Ký sự 22: 6-16; 1V 6: 8). Giả như Đền Thờ Chúa ngự được dùng vào việc phụng thờ Đức Chúa lại gồm các vật dụng đắt tiền, thì cũng nên xây những nơi những chốn trang trọng đắt giá để Chúa ngự cho xứng đáng.

Từ nhận định ấy, ta có thể nhìn vào các vật dụng gồm những lụa là/châu báu hầu trang hoàng Nhà Tạm hoặc để cử hành Tiệc Thánh Thể cho uy nghi xứng hợp, thì cũng nên biết rằng: Hội thánh lâu nay luôn rộng lượng. Theo quan niệm này, thì từ Nhà Tạm, cho chí Chén thánh, Hào Quang, đều được làm bằng những thứ đắt tiền như vàng, bạc mà không tiếc. Nói cho cùng, chẳng vật dụng nào hoặc tài nghệ khéo tay nào khả dĩ giúp ta vinh danh Đấng Chúa Tể càn khôn cho đủ. Cho xứng đáng.

Thánh Gioan Vianney, chánh xứ thành Ars, là đấng bậc chẳng bao giờ chịu tốn tiền để tu bổ thân xác phàm trần của mình, nhưng thánh nhân lại sử dụng những nào lụa là/nhung gấm hoặc những thứ đắt tiền để việc cử hành Thánh lễ cho xứng đáng.

Thật ra, thì tất cả chỉ là vấn đề mình chuyện có thương yêu thực sự hay không mà thôi. Tựa hồ như các người trẻ chẳng hạn, một khi họ bị đánh động bởi tình yêu rồi, họ sẽ chẳng kể gì đến chuyện bỏ tiền bạc/của cải và công sức ra cho người mình yêu, như mua sắm vàng bạc/đá quý cho hôn thê hoặc người tình mình. Hội thánh cũng thế, Hội thánh không ngại tỏ ra rộng lượng đối với “Người Tình của Mọi Tình Yêu” ở trần thế, là như thế.

Hơn nữa, cũng nên nhìn mọi châu báu quý giá của Toà Thánh và/hoặc coi các Thánh đường trên thế giới như di sản kế thừa của chung hết mọi người. Cho toàn thể con cái Chúa, kể cả những người nghèo đói túng thiếu nữa. Di sản kế thừa của Toà thánh không là tài sản tư riêng của một Giáo Hoàng hoặc phẩm trật Giáo hội nào như Hồng Y, Giám mục, dù các đấng là chủ quản Giáo phận ở trên cao, như Giáo phận La Mã, đi nữa.

Thật tình mà nói, mọi tài sản của Hội thánh, phần lớn là tặng vật do dân chúng dâng cúng lên Hội thánh, trong đó cũng có phần của người nghèo nữa. Đây là chuyện bình thường. Rất thường xảy đến cả vào thời hôm nay, mỗi khi giáo xứ hoặc giáo phận cần trùng tu/xây cất thánh đường này khác, mọi giáo dân giàu/nghèo đều cộng tác đóng góp như thế hế. Và khi công việc trùng tu/xây cất hoàn tất, thì không chỉ mỗi đấng chủ quản là Giám mục hay linh mục mới là người có công hoặc tự hào về thành quả ấy, mà là tất cả mọi người. Bởi, mọi người đều đã đóng góp tiền bạc, công sức hoặc tham gia bằng lời cầu. Tất cả đã gom góp những gì mình có, ngõ hầu làm sáng danh Chúa, để phụng thờ Chúa, mà thôi.

Hơn nữa, đây chính là nguồn vui cho dân con Chúa, kể cả những người nghèo, mỗi khi họ đặt chân đến viếng thăm toà thánh La Mã. Cả bảo tàng viện Vatican, cũng như các thánh đường, nguyện đường hoặc đền đài lớn nhỏ trên khắp thế giới. Đến, để thấy tận mắt những gì chính mình và con cháu mình đã đóng góp vào việc làm sáng danh/phụng thờ Chúa.

Đàng khác, phần lớn các tài sản và di tích lịch sử của Hội thánh vẫn nằm trong “kho báu” ấy, dù các đấng chủ quản quyết định bán đi cho tổ chức hoặc người nào khác, các di sản ấy vẫn không mất đi phần quan trọng của mọi người chúng ta, là những người thân của Giáo hội. Là chính Giáo hội.” (x. Lm John Flader, The Catholic Weekly 28/11/2010 tr. 12)

Thế đấy, là giải đáp của đấng bậc vị vọng, rất bài bản. Thế nhưng, bảo rằng: “Hội thánh đã và đang là thánh hội nghèo, của người nghèo”, ta nên hiểu đó là khẳng định chắc nịch, không cần bàn cãi gì cho nhiêu khê. Lễ mễ. Rất mất giờ. Chuyện nên bàn và cần nhắc ở đây, là chuyện: phải quan niệm Hội thánh, không chỉ và không như thánh hội của các đấng bậc cầm cân nảy mực, một thể chế rất giáo triều. Nhưng, chính là tôi/là bạn, là các thành viên Nước Trời, ở trần gian.

Thành thử, câu hỏi ở trên có thể và nên là câu hỏi mình/hỏi người, rằng: với tư cách là thành viên, là Hội thánh bằng xương bằng thịt, tôi và bạn, ta có sống nghèo hoặc sống giống như người nghèo, theo lời Chúa khuyên không?

Vậy thì, hỡ bạn và hỡi tôi, ta cứ tự hỏi xem mình có sống rủng rỉnh đến độ vẫn giàu và có, đủ mọi thứ? Đủ, từ vật dụng, tài sản cho đến tiền bạc, chỉ trừ mỗi một thứ cần có hơn cả, là: “tình thương” không? Và, của cải này, tiền bạc kia, có là “của“ tôi, mà thôi không? Nếu không thế, thì: của cải ấy là “của” ai? Của chùa hay của Chúa?

Để đầu óc bạn và tôi không quá bận về những thắc mắc nêu trên, cũng nên kể ở đây đôi ba giòng truyện kể để tôi và bạn được thư giãn, như câu truyện nhè nhẹ ở bên dưới:

“Truyện rằng:

Vị Phật tử nọ, sau một tai nạn xe cộ khá nặng khiến thân thể anh bị dập nát, cũng mất mát nhiều. Duy có đôi chân của anh là được ghép bằng cái chân mới, của người khác. Tức, lấy từ di hài một người chết đã hiến tặng cho người còn sống, vẫn rất cần.

Không bị tàn tật, anh cũng mừng. Nhưng đêm đêm nhìn cái chân của người khác ghép vào người mình, anh không khỏi rùng mình và luôn nghĩ đến người đã tặng hiện giờ đang nằm dưới mộ phần xa vắng.

Một hôm, chịu không nổi nỗi day dứt ấy, anh bèn chạy lên chùa thăm sư phụ mình là một thiền sư để vấn kế và cũng để kể lại những ưu tư trăn trở của mình, cho bớt sầu. Vị hoà thượng nghe kể xong, bèn nhìn anh một hồi lâu, rồi mỉm cười và nói:

-Con sợ cái chân đó vì cho rằng nó không phải là của con ư? Nhưng con hãy tự hỏi, cái-chân-xưa-giờ-theo-con-từ-bé có đúng là của con không?

Từ lúc nghe sư phụ mình hỏi, người phật tử đã ngủ ngon hơn, không còn vương vấn nỗi sợ về những “của nợ” vẫn cứ dính theo mình, từ hồi bé.

Và, từ lúc biết được như thế, anh đem câu chuyện này kể hết cho bạn bè mình nghe, ngõ hầu mọi người cảm thông và hiểu được những gì là “của cải”, dù là của ai, nhà Đạo hay nhà Phật, vẫn thấy vui..

Và, người kể lại thêm một lời kết, rằng: kể từ đó, mình hiểu rõ chữ CỦA trong cụm từ “của cải”, với bạc tiền của mình. Và, của người. Dù, “mình” đó/người đó, có là Giáo Hội Phật giáo hay Hội thánh Công giáo, Chính thống, với Tin Lành. Và, cũng từ đó, mỗi người nghiệm ra điều này: ở đời này, dù chỉ một chữ thôi cũng đã là một trời, để ta suy tư. Huống chi là “của cải” châu báu “của” Nước Trời, là Hội rất thánh “của” Đức Chúa.

Lời cuối “của” tôi và “của” bạn, những người đang ngồi phiếm hôm nay, lại sẽ là thắc mắc/hỏi han “của” người nghệ sĩ trích dẫn ở trên, như sau:

“Sàigòn bây giờ trời mưa hay nắng

Sàigòn bây giờ cúi mặt xa nhau

Sàigòn bước ai gõ xuống đêm sầu

Sàigòn bóng nghiêng, Sài-gòn đứng đợi

Sàigòn bây giờ cúi mặt xa nhau.”

(Lê Uyên Phương – bđd)

Hỏi rằng “Sàigòn bây giờ, trời mưa hay nắng”, hoặc cũng hỏi: “Hội thánh ngày nay, vẫn nghèo như trước” có hay không? đó vẫn là những câu để hỏi, chỉ cho có. Có, người hỏi. Có, người trả lời, là vui rồi.

Bởi thế nên, nếu có bạn và tôi, ta hỏi ít nhiều gì, thì cũng chỉ nên hỏi, rằng: Sàigòn/Hội thánh, có còn tình người nữa chăng? Có còn nhiều người vẫn yêu nhau da diết nữa hay không? mà thôi. Và hôm nay, hỏi tức đã trả lời phần nào rồi. Trả (những) lời “của” bạn và “của” tôi, rất ý nghĩa. Rất phấn khởi. Dù lời trả ấy, chẳng là “của” tôi, hay “của” bạn, một chút nào.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn sống mà không hỏi

dù chỉ hỏi: Sàigòn/Hội thánh có giàu/nghèo-mưa/nắng,

như trước chăng?

No comments: