Không! Không! Đến với tôi nữa làm gì.
Thôi! Thôi! Tôi van xin. Tôi van xin, đừng đến nữa tình yêu ơi.”
(Nguyễn Ánh 9 – Không 2)
(1Pe 4: 8-9)
Ô hay! Nói tiếng “Không”, mà sao người nghệ sĩ lại gọi là “Không 2”? “Không 2”, phải chăng là 2 “Không”. Là 2 lần không, tức: có? Là, có/không - không/có, những hai lần”? Hoặc, “Không 2”, còn mang tính cách của hàm số “không”, rất bình phương?”.Tức, “không” nhân cho “không”, vẫn thành “không” Vẫn là số “Không!” to đùng, vẫn “sắc sắc không không”, rất hư vô. Tức “Không có gì”. Gì gì đi nữa cũng vẫn không. Không đi/không lại, mãi vẫn hoàn không. Nói gì cũng không hiểu. Kể gì cũng không hay. Nếu thế thì, cả người nói lẫn người nghe sẽ nổi cơn khùng điên mất. Khùng và điên, như chuyện điên khùng rất tếu, ở bên dưới:
“Truyện rằng:
Có người bệnh vừa bước vào phòng mạch của bác sĩ nọ, chưa thấy mặt ông, đã thấy giọng nói, rất sang sảng:
-Này, anh bị sao mà vào đây?
-Tôi điên mất rồi bác sĩ ơi. Tôi không còn biết tôi là ai nữa, thế có chết không!
-Cứ từ từ mà nói. Thế nghĩa là thế nào? Anh kể rõ hơn được không?
-Vâng, thưa bác sĩ. Vợ tôi trước khi lấy tôi, bà ấy đã có đứa con gái riêng ở Việt Nam. Bây giờ cô bé ấy đã là thiếu nữ trưởng thành. Mới đây, Bố của tôi về bên nhà cưới cô này, về làm vợ.
-Đó là chuyện thường tình, tôi thấy có vấn đề gì đâu.
-Nhưng thưa bác sĩ, kẹt một nỗi, là: vợ tôi đã trở thành mẹ vợ của Bố tôi.
-Bắt buộc là thế, có sao đâu! Ngôi thứ xã hội mình mà…
-Nhưng, khổ một nỗi, là: mới đây cô con gái của vợ tôi lại sinh hạ một cháu trai. Thằng đó, tôi phải xem là em cùng cha khác mẹ với tôi…
-Coi nào. Ừ đúng. Không thể gọi khác hơn!
-Đằng này, cùng lúc, tôi và vợ tôi đều là ông/bà ngoại của nó!
-Ừ đúng. Quả không sai!
-Vấn đề là: mới đây vợ tôi sinh được một đứa con trai. Vậy thì, con gái riêng của vợ tôi là con ghẻ của tôi, tức mẹ kế của tôi, đồng thời lại là chị của đứa con tôi, lại vừa là bà nội của thằng bé. Nói cách khác, con tôi là em tôi và cũng là cậu của tôi vì là em của mẹ kế tôi.
-Ơ! Ờ… thì đúng rồi. Phải gọi thế, chứ gọi thế nào nữa.
-Như vậy, thì vợ tôi trở thành con dâu của mẹ kế tôi, tức là con gái của vợ tôi trở thành Dì ghẻ của mẹ nó. Còn đứa con của tôi lại là Cháu tôi, và là Ông nội của tôi, và cũng là Anh của vợ tôi. Vậy bác sĩ thử xem tôi là ai? Tôi điên thật rồi, bác sĩ ơi!
-Thôi anh đừng kể nữa, tôi cũng đang điên rồi đây…”
Điên khùng hay không, chừng như thế gian người người xưa nay, rày vẫn thế. Bác sĩ, bệnh nhân, người kể, người nghe đều biết rồi ra mình cũng sẽ điên khùng/khùng điên theo cung cách nào đó, rất liên miên. Bởi, tiết mà điên, thì làm sao kể được chuyện vợ chồng/con cái, với hôn nhân. Bởi, nhân gian những chuyện rất hôn và nhân, không chỉ vợ chồng/chồng vợ ở đời trần, rất phàm tục. Vốn tục phàm, nên có người bảo: Ở với nhau, người đời chỉ cần yêu, chứ đâu cần hôn nhân, những cưới hỏi!
Cưới và hỏi, chuyện nhân duyên có là chuyện nhà Đạo hôm nay ở xứ mình nữa chăng? Bần đạo ngồi phiếm, nay nghe hỏi cũng chả dám trả lời. Chỉ xin hát thêm câu ca mà người nghệ sĩ, vẫn cứ hát:
“Người ơi, cho tôi chi lời ân ái.
Người ơi, cho tôi chi phút mê say!
Để, giờ đây ai cho tôi lời cay đắng.
Để, giờ đây ai cho tôi lắm phũ phàng.”
(Nguyễn Ánh 9 – bđd)
“Lời ân ái”, “phút mê say”, với người Mỹ có học lực bậc trung bình, thì vấn đề hôn nhân đang ở tình trạng khá lúng túng, khác xưa. Lúng túng, còn là trạng huống của lớp người có nền giáo dục bậc trung, nay không muốn dính dấp đến chuyện hôn nhân/hôn thú, nhưng vẫn muốn có con. Với những người này chuyện ly thân/ly dị cũng đã tăng dần. Trong khi đó, hạnh phúc lứa đôi nơi họ cũng đang trên đà giảm sút. Thậm chí có nhiều vị, vì lý do này khác nay cũng bớt đi nhà thờ/nhà thánh. Bớt cả chuyện hỏi cưới, hôn nhân, với gia đình. Chỉ thích sống thoải mái không phiền hà một ai. Bản thân, lại không muốn bị ràng buộc bởi lề luật. Luân lý. Và, đạo đức.
Phải chăng, vì cũng mang cùng một tâm trạng như thế, nên người nghệ sĩ mới hát tiếp:
“Tình yêu cho tôi chi nhiều ngây ngất,
Tình yêu cho tôi chi lắm men say.
Để tình yêu đem thương đau và nước mắt,
Để tình yêu đem cho tôi lắm chua cay.”
(Nguyễn Ánh 9 – bđd)
Vâng. “Ngây ngất”. Với “men say tình yêu” thôi, mà còn như thế. Chứ, nếu đó lại là hôn nhân hay nhân hôn ngày cưới, thì chắc vấn đề còn gai góc hơn nữa?
Mới đây, theo báo cáo của cơ quan nghiên cứu Dự Án Hôn Nhân và Giá trị Gia đình ở Mỹ, có cho thấy các người Mỹ thuộc giới trung lưu, nay muốn lui không còn sốt sắng tiến tới hôn nhân như trước nữa. Con số đám người này, nay đang lên. Báo cáo cho biết: với người Mỹ trung lưu, vấn đề hôn nhân nay có dấu hiệu sút giảm, rất đáng kể. Trong khi đó, với người giàu có/sung túc, thì chuyện này nay xem ra ổn định và vững mạnh hơn.
Với lớp nghèo thành thị, thì chuyện hôn nhân gia đình ngày càng trở nên mỏng dòn, rất yếu kém.
Theo khuynh hướng, mà người Mỹ thuộc giới trung lưu đeo đuổi, thì: số người không lập gia đình nhưng vẫn muốn sinh con, kết cuộc bằng ly thân/ly dị, đang có chiều hướng gia tăng. Ngay, nhu cầu hạnh phúc có được từ hôn nhân gia đình, cũng đang ở tình trạng sút giảm. Báo cáo cho biết: số người này so với tất cả mọi người sống trên đất Mỹ, nay lên đến 58%.
Báo cáo phát hiện ra, rằng: hôn nhân, nay đã trở thành đường ranh ngăn cách các người có nền học vấn trung bình và các vị tốt nghiệp cao đẳng 4 năm. Nói rõ hơn, trong mấy năm gần đây, lớp người có trình độ học vấn cao, thường có khuynh hướng muốn chuyện hôn nhân của mình thật ổn định và có chất lượng cao. Con số những người này, nay lên đến 30% so với số dân toàn quốc.
Đến thập niên 70 thôi, 69% số người có học vấn trung bình và cao cho thấy: họ rất hài lòng về cuộc sống hôn nhân của họ. Trong khi đó, 59% số người có học lực thấp, cho thấy họ cũng hài lòng, nhưng hơi kém.
Đến năm 2000, 69% số người có học vấn cao lập gia đình, cho biết: đời sống hôn nhân gia đình của họ thành công, cũng không kém. Trong khi đó, tỷ lệ người có học vấn trung bình bằng lòng chuyện hôn nhân, nay suy giảm còn 57%. Và, chỉ còn 52% số người có học vấn không khá, nói là họ tạm hài lòng với cuộc sống hôn nhân gia đình, thôi.
Về với tinh thần của Tin Mừng, thì thế nào?
Với các thánh tông đồ, ta vẫn nghe rằng:
“Anh em hãy hết tình yêu thương nhau,
vì lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi.
Hãy tiếp đón nhau mà không lẩm bẩm kêu ca.”
(1Pe 4: 8-9)
Với nhà Đạo, dù ở thứ bậc hoặc giai cấp nào trong xã hội, thì cứ “hết tình yêu thương nhau”, vẫn là chuyện chính. Bởi, có yêu thương nhau mới kết thân, gần gũi mà ở với nhau đến bạc đầu. Với người đời, thời hôm nay, vẫn còn những thống kê và con số khiến choáng ngợp về ly thân/ly dị như ở Hoa Kỳ.
Báo cáo cho biết: từ thập niên ’70 đến ’90, chuyện ly thân/ly dị sau 10 năm đầu chung sống xem ra ít xảy đến với lớp người có học vấn cao. Nghĩa là, cũng từ 15% xuống còn 11%. trong khi đó, với lớp người có giáo dục trung bình, thì từ 36% lên 37%, và lớp người học thức thấp hơn, con số đã từ 46% xuống còn 36%.
Ngày nay, chuyện ly thân/ly dị đối với tầng lớp những người có nền giáo dục bình thường bậc trung đã đẩy lùi giấc mộng của người Mỹ đi khá xa. Xa đến độ, họ khó mà bắt kịp. Điều này, làm cho cuộc sống của các bà mẹ càng khó khăn thêm. Và, cũng lại làm cho các người cha càng rời xa gia đình. Tệ hại hơn, nó còn khiến con cái, các trẻ bé có động thái rời bỏ trường lớp, để rồi kết cục cuộc đời trong ngõ hẻm tăm tối, của những phá luật. Của, tệ hại vệ luâbn lý đạo đức, như: có bầu không hôn phối, vv…
Tệ hơn nữa, chuyện hạnh phúc hôn nhân với gia đình, lại trở thành chốn tư riêng dành cho những người được chúc phúc bằng sự giàu có, sung túc. Làm trầm trọng thêm những rẽ chia, ngăn cách về văn hoá, xã hội. Tệ hơn cả, lại là mối đe doạ đem đến với nền dân chủ, khiến các lãnh tụ ngoài đời hay trong xã hội phải lo âu.
Lo âu hơn cả, vẫn là mối quan ngại hàng đầu của các nhà mô phạm và giáo dục. Chí ít, là những vị có trọng trách dựng xây Nước Trời hài hoà, ở trần thế. Nhiều vị ở các nơi cũng đã đưa ra nhữngnhận định đầy quan ngại, như sau:
“Thật rất buồn khi thấy xã hội ở phương Tây không còn trân trọng thể chế hôn nhân, cho đúng cách nữa. Là người sống ở Phi Châu, bọn tôi vẫn vui hưởng sự ổn định, dù tương đối, với hôn nhân. Riêng tôi vẫn sợ rằng sự ổn định ấy sẽ mòn dần nếu như phong trào phụ nữ vẫn cứ tính chuyện hôn nhân theo cung cách tư riêng của họ; nghĩa là vẫn ký hợp đồng chung sống đến khi nào cuộc đời dịu êm cứ mòn dần, không còn êm ả như trước. Có nhóm phụ nữ lại dám áp dụng kiểu “đồng tính luyến ái” là những gì còn xa lạ với xã hội của chúng tôi.
Bản thân tôi vẫn mong rằng mọi người thấy được lợi ích của hôn nhân gia đình. Và tôi có đề nghị, là: ta cũng nên thiết lập làm một khảo sát nghiên cứu về quá trình lý lịch của những người phò chủ thuyết duy –phụ nữ. Những người cổ võ ly dị hoặc đồng tính luyến ái, để xem điều gì đã khích động họ đến độ họ có những suy nghĩ dại dột như thế. nghĩa là, giúp mọi người chúng tôi phấn đấu tranh thủ bảo vệ gia đình, của riêng mình.” (ý kiến của người ký tên Dorcy, xem thêm When Marriage disappears W. B. Wilcox & Elizabeth Marquardt, Mercator Net 7/12/2010)
Ý kiến của người Tây, hay Phi Châu thì như thế. Ý kiến của người mình, cũng chẳng kém là bao, về mặt lý luận và đạo đức của hôn nhân. Ý kiến của người ngoài đời, ở xứ mình, lại thêm thắt đôi chút tiếu lâm, khá dí dỏm. Như bức thu từ hôn của ông/bạn khá tếu, ở bên dưới:
“Vợ cũ yêu dấu của anh,
Thư này gửi đến với em, để báo cho em rõ là: anh sẽ rời xa em vĩnh viễn. Anh đã là chồng tốt của em mấy năm qua; và, nay anh không còn nuối tiếc gì nữa, hết.
Hai tuần qua, anh đã sống như trong hoả ngục, quá chán chường! Lại thêm ông xếp của em vừa gọi báo cho anh biết là em sẽ thôi việc ngay tức khắc, không luyến tiếc.
Độ rày anh thấy em không còn niềm nở với anh từ khi em gái em là Phương Dung dọn về ở với chúng ta. Tuần vừa qua, anh đã đi hớt tóc kiểu em thích mà em chả quan tâm đến. Anh mặc cái quần thể thao hàng ngoại giá đến 50 đô, em cũng chẳng thèm khen. Anh đã cố gắng nấu những món ăn em thích như bún bò Huế, mà em cũng chẳng màng!
Đi làm về, em q8n qua loa dăm ba phút rồi chạy tuốt vào phòng nằm xem Paris By Night, rồi ngủ đến sáng, chẳng màng nhắc chuyện …vợ chồng. Chắc em không còn yêu anh nữa, hoặc đã có tình ý gì với ai?! Nhưng thôi, đủ rồi. Dù sao đi nữa, thì anh cũng dứt khoát ra đi với Phương Dung, chỉ thế thôi…
Chồng cũ của em,
Tái bút: Anh và Phương Dung sẽ đi xây tổ ấm mới nơi xứ Đảo Thần Tiên nào đó như Hạ Uy Di là điểm anh đã chọn. Đừng tìm anh vô ích. Cứ email về: …
Vừa đặt chân vào phòng khách sạn ở Hawai, anh chồng lấy cái laptop mở ngay ra xem email. Quả có ngay thư phúc đáp của vợ cũ, rằng:
Đức lang quân cũ yêu quí của em ơi,
Không gì lay chuyển tâm tư em khi đọc thư từ hôn của anh. Đúng thật anh là người chồng tốt sau bao năm chung sống. Em khóc trong sung sướng đây. Đi làm về, em xem DVD để nguôi ngoai tâm hồn, nhưng nào được đâu. Có chứ, em có để ý đến mái tóc của anh, sao mà nó giống kiểu tóc “gái gọi” ngày xưa quá! Ngày xưa, mẹ em thường bảo: đừng để ý tỉ mỉ đến ai, mà làm gì. Em cũng thấy anh mặc chiếc quần thể thao hàng ngoại đấy chứ, nhất là kể từ khi con Phương Dung nó vay em 50 đô trước đó (chắc là nó mua tặng anh?) Anh lại nấu bún bò Huế là cái món mà con Phương Dung thích và quên rằng Bác sĩ đã khuyên em kiêng ăn thịt heo từ hơn năm qua rồi!
Am trầm tĩnh cố quên đi mọi sự, vì em vẫn còn yêu anh tha thiết. Em tin rằng, rồi thì mọi việc cũng sẽ êm xuôi, nên em mua vé số cầu may. Sáng nay, em dò số và đã trúng độc đắc gần 10 triệu đô. Em đã đặt mua 2 vé máy bay đi Hawai, sắp xếp làm passport cho hai vợ chồng mình để xuất cảnh, sống thoải mái hơn. Em đã vào gặp Ông Chủ Sở xin thôi việc ngay hôm nay. Về đến nhà, nhận được thư anh, thì được biết anh đã cao bay xa chạy mất rồi… Em liền tìm ngay một luật sư danh tiếng để nhờ giúp, thì ông ấy bảo: với một bức thư từ hôn thế này, anh sẽ không được thừa hưởng của em một xu teng nào hết. Hãy ráng mà lo thân nhé anh. Bảo trọng, nghe anh.
Ký tên: Vợ cũ của hn
Vừa giàu sang lại được tự do…
Tái bút: À, có một chuyện mà từ ngày con Phương Dung về ở với chúng ta, em quên chưa kịp nói cho anh biết. Mẹ em sinh nó ra là một đứa bé trai mũm mĩm dễ thương, đặt tên cho nó là Hùng Dũng. Lớn lên, nó rất đẹp trai. Nhưng, sau khi đi Thái Lan nó đổi giống, đổi cả tên là Phương Dung, rồi dọn về ở với chúng ta đó. Mong rằng sẽ không có vấn đề gì xảy đến với anh, sau này.
Thân chào.
Lạc quan hay bi quan về lập trường đạo đức hôn nhân. Chủ quan hay khách quan, khi chọn bạn để sống đời, vẫn là chọn lựa của mỗi người. Mỗi gia đình. Chọn, lời êm ả hay đanh thép, là quyền của mổi người và mọi người. Nhân quyền hay dân quyền, đều là việc đáng để ta trân trọng, như việc lựa chọn biết nghe theo lời khuyên của thánh nhân khi xưa, vẫn nhủ rằng:
“Ơn riêng Thiên Chúa ban,
mỗi người trong anh em phải dùng nó mà phục vụ kẻ khác.
Như vậy, anh em mới là những người
khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa.”
(1 Pe 4: 10)
Nếu bảo: tất cả là ân huệ Chúa ban, thì hỡi bạn/hỡi tôi, ta hãy cố mà sống và thực hiện những điều các thánh đã nhủ khuyên, qua kinh nghiệm. Có thế, thì bạn và tôi, ta sẽ hân hoan vui hưởng cuộc đời vẫn rất đẹp. Ở thế trần.
Trần Ngọc Mười Hai
vẫn nhắn bạn và nhắn tôi,
những điều, tựa như thế.
No comments:
Post a Comment