Sunday, 11 April 2010

“Đường em có đi, hằng đêm bước qua “

nở những đoá thơ, ôi dị kỳ

(Phạm Duy – Đường em đi)

(Mt 28: 18-20)

Đường em đi, sao cứ nở những thơ/hoa. Dị kỳ. Kể cũng lạ. Lạ hơn nữa, hoa/thơ ở đây lại chỉ nở về đêm. Rất êm đềm. Có,”Em” bước qua.

Hẳn là, ban ngày/ban mặt nào đâu thấy những là “bước từng bước chân”. Rất âm thầm. Đầy nhịp sống. Có thơ, và có nhạc. Để, người em/người chị của chúng ta cứ thế, mà bước qua. Có cả anh/cả bạn sẽ cùng tôi đồng hành, ta tiến bước. Bước, hằng ngày. Đi, hằng đêm. Bước và đi, để nói lên rằng: đường tôi đang đi/đường bạn đang bước cũng rộ cũng nở, những hoa/thơ. Và nhạc, rất mến thương. Tình yêu đương. Ôi, da diết.

Đường bạn và đường tôi đi hôm nay, đầy Lời của Chúa. Êm đềm. Mật thiết. Rất như sau:

”Vậy, các ngươi hãy đi

mà thâu nạp muôn dân,

thanh tẩy họ

nhân Danh Cha, Con và Thánh thần,

dạy họ giữ hết mọi điều

Ta truyền cho các ngươi.”

(Mt 28: 18-20)

Con dân nhà Đạo, nay cứ bước và cứ đi, mà sống Đạo. Đi, để “thâu nạp” dân con mọi người. Đi, để nói với người chưa biết Chúa. Biết Mẹ. Điều Ngài dạy, như lời nghệ sĩ khi xưa hát:

“Đường êm có khi, chờ em bước qua,

là nghiêng giấc mơ.

Ước thề.”

(Phạm Duy-bđd)

Đường “em” đi, không là giấc mơ. Có ước thề. Đôi lúc vẫn là:

“Đường, dìu ngang bao ngõ đắng cay,

dừng chân phút giây. Xong chia lià.

Dường, dài thêm bao nỗi éo le,

dài thêm nắng mưa. Thêm ề chề.”

(Phạm Duy – bđd)

Vâng. Đúng thế. Ngõ đắng cay, bên đường. Là như thế. Đường ta đi theo Chúa, cũng rất đắng và rất cay, tợ như thế. Nhiều lúc đã đắng cay, rồi cũng éo le. Ê chề. Vì “dài thêm nắng mưa”. Vì, rụng rơi. Vướng mây tóc ngà. Nhiều thứ. Những thứ, những điều khiến tôi và bạn cứ khựng lại. Và khó đi. Bởi, vẫn cứ nắng/mưa. Lưa thưa, ba khúc mắc. Giữa đường. Lắm khi còn điểm vài ba chuyện ly kỳ. Đầy thắc mắc. Như truyện kể, ở ngay dưới:

“Truyện rằng:

Một hôm một người đàn ông trông thấy một lão bà đang ở bên chiếc xe bị ‘nạn’, bên đường. Trời sẩm tối, anh vẫn thấy bà như cần được giúp đỡ. Vì thế, anh tấp xe vào lề đậu phía trước xe của bà, rồi bước xuống. Chiếc xe cũ của anh vẫn để nổ máy khi anh đến gần trước mặt bà. Anh mỉm cười đến gần, nhưng bà lão tỏ vẻ lo âu.

Người đàn ông nhận ra là cụ bà vẫn còn vẻ sợ hãi, đứng cạnh chiếc xe, giữa trời lạnh. Anh muốn trấn áp nỗi lo sợ của cụ bà, nên mới nói:

-Thưa bà, tôi đến đây là để giúp bà mà thôi. Bà nên vào bên trong ngồi cho ấm. Luôn tiện, tôi tự giới thiệu tôi tên Bryan Anderson.”

Thật ra, xe của cụ bà chỉ bị mỗi chuyện là một bánh bị xẹp. Nhưng với bà, nó cũng đủ gây phiền não rồi. Bryan bèn bò xuống dưới gầm xe tìm chỗ để con đội. Sơ ý, cũng bị trầy da ở bàn tay. Chẳng bao lâu, anh đã thay xong bánh xe cho cụ bà. Nhưng tay anh bị dơ và có hơi đau rát.

Khi anh siết ốc bánh xe, cụ bà quay kính xe xuống và bắt đầu kể cho anh biết là: bà vừa từ St. Louis đến. Và chỉ mới đi được có một đoạn đường. Bà không biết cách nào để cám ơn anh cho đủ, về việc anh đã dừng lại và giúp đỡ. Bryan chỉ mỉm cười khi hoàn tất động tác cuối là đóng nắp thùng xe của bà. Cụ bà thắc mắc không biết phải đền dáp công ơn của anh là bao nhiêu. Bryan nói: đây không phải là nghề của anh. Và, anh chỉ muốn giúp những người cần được giúp. Và, có Chúa biết là rất nhiều người từng ra tay giúp đỡ anh, trong thời gian qua. Anh vẫn sống như thế, cả đời mình. Và chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm chuyện nhận tiền của ai, khi giúp đỡ.

Anh nói với cụ: nếu bà thật sự muốn trả ơn cho anh thì lần khác khi bà biết ai cần được giúp đỡ thì bà cứ ra tay giùm giúp và lúc ấy “hãy nghĩ đến tôi!”

Anh chờ cho cụ bà nổ máy xe đi, mới bắt đầu về nhà. Hôm ấy, trời ảm đạm và đổ lạnh. Nhưng anh lại thấy thoải mái khi về nhà.

Cụ bà chạy được vài dặm, thấy có tiệm ăn, cụ bèn ghé lại để tìm cái gì ăn cho đỡ lạnh, trước khi về. Nhà hàng mà cụ ghé, trông không được thanh lịch cho lắm. Bên ngoài, là hai cột bơm xăng rất cũ. Cảnh vật thật xa lạ, đối với cụ. Chị hầu bàn bước đến chỗ bà ngồi, đưa cho bà một khăn sạch để bà lau tóc ướt. Chị mỉm cười vui vẻ với bà dù phải đứng suốt ngày, để tiếp khách. Cụ bà để ý thấy chị hầu bàn này có thai chừng như khá lớn nhưng không thấy chị tỏ lộ căng thẳng hoặc đớn đau.

Bà cụ thắc mắc tự hỏi: tại sao khi cho, dù có ít, người ta vẫn cho cả những người lạ mặt từ nơi xa lạ đến. Không cần biết. Nghĩ rồi, cụ chợt nhớ đến anh Bryan lúc nãy.

Ăn xong, cụ bà trả tiền bằng tờ giấy một trăm đô. Chị hầu bàn mau mắn đi lấy tiền thối. Nhưng cụ bà đã cố ý bước nhanh ra khỏi cửa. Lúc chị hầu bàn trở lại thì bà cụ đã đi mất. Chị thắc mắc không biết là giờ này cụ đi đâu. Nhìn lại trên bàn, chị để ý thấy dòng chữ viết trên chiếc khăn giấy lau miệng, có giòng chữ viết:

“Cô không nợ tôi gì cả. Tôi cũng ở tình cảnh như cô thôi. Có ai đó, đã giúp tôi giống như tôi đang giúp cô. Muốn trả ơn, tôi đề nghị: Ðừng để chuỗi tình yêu thương này kết thúc nơi cô.”

Bên dưới tấm khăn giấy lau miệng bà cụ còn lót tặng thêm bốn tờ giấy 100. Tối hôm đó, đi làm về chị hầu bàn vẫn suy nghĩ nhiều về số tiền lớn và những gì bà cụ nọ đã để lại. Làm thế nào cụ biết là chị và chồng chị đang cần số tiền ấy? Bởi, tình hình của chị sẽ khó khăn, khi sanh con vào tháng tới….

Chị biết chồng mình đang rất lo, nên đã thầm thì rót vào tai anh:

- ‘Mọi chuyện sẽ tốt đẹp cả thôi, anh ạ. Em thương anh lắm, hỡi Bryan Anderson.’

Con đường tình “em” đi. “Mọi chuyện sẽ tốt đẹp cả thôi”. Nếu “em” và tôi, ta xây dựng tình. Cho đẹp. Cho mọi người. Ở mọi nơi. Đừng dựng xây cuộc sống, cho riêng mình. Như người nghệ sĩ khi xưa vẫn hát:

“Đường em cứ đi, tình ta cứ xây,

Chờ em thoát thai, quay đường về.

Đường quanh khúc co, nhịp chân trói vo,

đường duyên ấm vui, đường mơ…”

(Phạm Duy – bđd)

Đường, “em” đi. Hãy cứ đi. Dù, đường đó có là đường trần. Chờ thoát thai. Hay, đường dài. Về muôn lối. Đường nhà Đạo cũng thế. Có “em” đi. Cũng đi, như hành trình kiếm tìm dựng xây một tình thương. Thương tình. Rất đùm bọc. Dọc đường đời, có “em” và tôi, ta gặp rất nhiều người. Nhiều khuôn mặt rất lừng danh. Nổi tiếng. Hạnh phúc. Những hạnh và phúc Chúa gửi, rất thân thương. Vẫn thấy có, trong/ngoài nhà Đạo. Ở Nước Trời. Nhiều lo lắng. Gặp, không chỉ mỗi diện mạo/khuôn mặt, thôi. Nhưng, còn gặp tình tự thân thương. Đậm nét. Rất sâu sắc.

Đây, người nhà Đạo có danh/có phận. Say sưa. Hưng phấn. Vẫn cứ sống, đời mục tử/chủ chăn, nhiều đắn đo. Suy nghĩ. Nghĩ và suy, tuy không lạ, cũng cũng dễ:

“Tôi đến học, những bốn trường do các linh mục, tu sĩ và giáo dân hợp tác dạy dỗ ở vùng Riverview, chịu ảnh hưởng đặc biệt từ các bậc thầy, ở đây. Tất cả, đã tạo niềm phấn khởi nơi tôi, ngay từ lúc còn trẻ. Và các vị đã hiến trọn đời mình cho Chúa. Cho dân Ngài. Các linh mục/tu sĩ nam nữ đều có đời sống chuyên tu. Hạnh phúc. Đây là niềm khích lệ lớn - hữu hiệu nhất khiến ơn gọi làm con Chúa, nên khởi sắc. Sau khi gia nhập Dòng thánh Đa Minh đạt chức linh mục, và giám mục, tôi vẫn ra đi tìm gặp các tu sĩ/giáo dân, ở rất gần.

Suốt thời gian nhiều thập niên, mọi người trong cộng đồng dân Chúa vẫn trải qua nhiều tháng ngày cam go. Vất vả. Có suy sụp trong ơn gọi. Cũng tục hoá, nhiều địa hạt. Có sách-nhiễu tình dục, rất buồn đau. Trong hành trình phục vụ, tôi vẫn gặp nhiều giáo dân. Linh mục. Tu sĩ. Và cả Giám mục. Đã xả thân, dâng đời mình cho Chúa. Và, dân Ngài. Nên, hạnh phúc!” (x. Sharyn McCowen, “Formed as a teacher, preacher and pastor”, bài phỏng vấn Gm Anthony Fisher, Parramatta, NSW, The Catholic Weekly 07/03/10 tr. 2)

Lời nhà Đạo, nhẹ là thế. Lời người thường, ở đời. Sẽ ra sao? Rất đa dạng. Mỗi người một ý. Ý sâu sắc. Đậm đặc. Một kiếm tìm. Tìm tình yêu. Hạnh phúc. Như lời trích dẫn của người mang tên Hồng Quang, ở trên mạng. Như sau:

Hạnh phúc là chân lý tối thượng của cuộc sống. Là cái, mà mọi người trong thâm tâm, dù ý thức hay vô thức, vẫn cứ tìm. Và nhân loại vẫn tìm mãi từ nhiều năm. Nhiều thế hệ. Những kiếp người. Vẫn ngẩn người ra mà ngạc nhiên. Đột nhiên, có một ngày người người sẽ hỏi: “Này ông/bạn! Hạnh phúc chứ?”

Hôm nay, câu hỏi nghe hơi lạ. Bởi, cuộc sống không cho phép ta tra vấn kiểu như thế. Hạnh phúc là gì, mà sao ta cứ phải viết hàng đống sách, chuyên về nó. Cứ giảng và thuyết mãi, về nó? Cứ lên đường tìm nó rồi lại hỏi những câu nói khá lẩm cẩm?” (x. Hồng Quang, Câu Chuyện Phụ Nữ: Lời thì thào của hạnh phúc, Calitoday.com 08.03.2010)

Thế đó, là ý nghĩ. Của dân thường. Ở huyện. Cũng nên thêm vào đây, lời người nghệ sĩ họ Từ, từng phát hiện về đời người. Kha khá buồn, như sau:

“…Trong đời sống, nỗi buồn bao giờ cũng dai dẳng hơn niềm vui. Sau niềm vui, nỗi buồn thường đọng lại… Mỗi người trong ta, ai cũng trải qua những dòng thời gian mang nhiều nỗi truân chuyên. Mỗi người đều có nỗi buồn riêng, nhưng tựu chung nỗi buồn của con người trong đời sống, lại quá nhiều.” (x. NS Từ Công Phụng: Như mọi người, tôi cũng có trái tim mẫn cảm 28/2/10)

Vui buồn. Hạnh phúc. Khổ đau. Đó, là hình ảnh một đời người. Hình và ảnh, về đời mình. Vẫn cung cách kiếm tìm hạnh phúc. Rất bận tâm. Theo ngôn từ nhà Đạo, hạnh phúc đồng nghĩa và hành trình kiếm tìm tình yêu. Có niềm tin, Chúa hiện diện. Nói các khác, kiếm tìm - gặp gỡ Chúa, là giáp mặt với Tình Yêu. Hạnh phúc. Tình yêu ấy. Hạnh phúc ấy, vẫn đến với con người. Trong đời. Chí ít, ở Nước Trời. Nơi trần thế.

Cuối cùng, vấn đề còn tùy chọn lựa. Của mỗi người. Tùy, cung cách mọi người tìm kiếm. Tìm Tình yêu. Kiếm Chúa Trời. Bởi, chính Chúa là Tình Yêu. Tình Ngài vẫn tồn tại. Cứ kéo dài. Khác chăng, chỉ vì mình chưa gặp. Hoặc chưa tìm. Có thế thôi.

Hạnh Phúc. Tình Yêu. Mỗi người tìm một cách. Mỗi người nhìn mỗi kiểu. Có kiểu, của người đời. Rất sành sõi. Có kiểu của nhà Đạo, khá độc đáo. Đạo hạnh. Hạnh đạo, như lời đấng bậc từng trải vẫn đoan chắc một khẳng định. Rất như sau:

“Người ta nói: Ngày nay Chúa Thánh Thần hoạt động nơi giáo dân hơn giáo sĩ. Không biết có đúng không. Nhưng có hiện tượng như thế. Trong xã hội, người ta lấy dân làm gốc. Trong Đạo vào lúc này, giáo dân được ơn Chúa soi sáng thúc đẩy hơn giáo sĩ. Ngoài Bắc, thấy cha xứ thiếu tư cách, giáo dân kiện lên Bề Trên, tẩy chay cha. Không đi lễ. Hoặc, nhắm mắt nói: ‘Cha có tội mặc kệ cha, mình chỉ tin Chúa’. Thái độ thụ động, chịu đựng thành thói quen trong chế độ, cả trong miền Nam. Ở miền Nam, họ đánh linh mục, đuổi linh mục như ở Hoàng Mai, Xóm Mới, Tân Sa Châu. Giáo quyền đóng cửa nhà thờ, giáo dân đành thiệt phận.

Một định giá xem ra có vẻ ngạo mạn, là: giáo dân tốt hơn linh mục. Linh mục hơn Giám mục. Điều đó, có thể chứng minh trong việc phong thánh. Giới nào vững vàng nhất. Ở trong tù, thường là thế này: giáo dân hơn tu sĩ. Tu sĩ hơn linh mục. Trong những vấn đề khó khăn: giáo dân vững vàng, linh mục nhẹ nhàng, Giám mục im tiếng, hoặc xuê xoa.” (x. Hồi ký Đức Cố Giám Mục Lê Đắc Trọng, Hiện tình tôn giáo sau năm 1975 www.catholic.org.tw/vntaiwan 28/2/10)

Đấng bậc vị vọng nói nhiều. Làm nhiều. Đó, là về các thánh. Trong Đạo. Nhưng, khi tìm/gặp Thiên-Chúa-Là-Tình-Yêu, nhiều vị đã và đang là thánh, nhưng vẫn chưa được phong. Chưa được thần quyền/giáo quyền vinh thăng thành hiển thánh. Trong giáo hội. Đó, là điều ta nên suy/nên hỏi: nếu từng gặp Thiên-Chúa-Là-Tình-Yêu. Là, Hạnh Phúc. Sao ta không thành thánh, được nhỉ? Thiên-Chúa-là-Tình-Yêu, Ngài luôn cảm hoá người được yêu. Đương yêu. Ngài không để mọi người luột mất Tình Yêu/Hạnh Phúc, Ngài ban phát. Có chăng, chỉ vì người ấy/người kia muốn ngược lại. Thế thôi.

Nói theo kiểu nghệ sĩ người đời/ở ngoài đời, là nói và hát, như thế này:

“Ngàn sao sáng xa,

nhìn Em thướt tha,

rụng rơi vướng mây, tóc ngà.

Đường thơm bóng gầy,

nhạc run lá bay,

hàng cây thiết tha, đắm say.”

(Phạm Duy – bđd)

Một khi đã gặp Tình-Yêu/Hạnh Phúc rồi, thì đương nhiên là “Em” và tôi, sẽ “thướt tha”. “Ngàn sao sáng xa”. Và khi đó, hàng cây/vũ trụ sẽ “thiết tha”. “Đắm say”. Như đã từng say Em/say tôi. Người con Chúa. Ở đây. Bây giờ. Vậy thì, hỡi “Em” và hỡi tôi, ta mạnh dạn lên mà ca và hát. Hát những lời cảm tạ. Cảm ơn đời. Cảm ơn người. Vì đời, vì người giúp ta tìm gặp Thiên-Chúa-Là-Tình-Yêu. Hạnh Phúc. Rất suốt đời.

Trần Ngọc Mười Hai

chừng như vẫn cứ tìm

mà không biết răng mình đã gặp.

Tình Yêu. Và, Hạnh Phúc.

Rất trong đời.

(xem thêm các bài khác xin vào www.tranngocmuoihai.blogspot.com ;

hoặc, www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc, www.giadinhanphong.blogspot.com

No comments: