Saturday 3 April 2010

“Chiều rơi trên đường vắng, có ta rơi giữa chiều, “

Hồn ta theo vạt nắng, theo làn gió đìu hiu.

(Phạm Duy – Đường Chiều Lá Rụng)

(Mt 22: 23-33)

Thôi chết rồi! Bần đạo lại phải thú thật với bầu bạn, là: lúc này, sao bản thân bần đạo cứ loanh quanh luẩn quẩn với ba chữ “Chiều. Chiều. Rồi lại chiều.” Chắc có bạn, vốn là bạn bè của bần đạo hoặc của bè bạn, lại sẽ hỏi: lão gia, nay sao nói nhiều về “chiều” đến thế? Chắc, cuộc đời của lão hẳn cũng đã xế chiều, rồi nhỉ? Ấy chết. Không phải thế đâu. Bần đạo chưa từng gia nhập hội người có tuổi. Chưa cao nhiên. Vẫn còn được liệt kê vào nhóm “Trẻ người non dạ”. Vẫn cứ yêu. Yêu da diết. Yêu đến độ, mới có vài buổi “đường chiều lá rụng”, mà thôi. Này đây, bần đạo xin minh chứng bằng những buổi chiều, nhưng không chiều.

Số là, buổi tập hôm ấy có hát có hò, cho người vui. “Hát sĩ” lại đã khước từ, không hát nữa. Nói không, vì nhạc bản có câu kết, hết sức “nản”. Không hợp lẽ tình nhà Đạo, như sau:

“Chiều tan trên đường tối, có ta như rã rời,

Hồn ta như gò mối, đang chờ phút đầu thai.”

(Phạm Duy- bđd)

Mới thử hát câu kết: “đang chờ phút đầu thai” thôi, mà hát sĩ ấy đã ngần ngại. Ngại và ngần: là người Công giáo, ta có nên hát những điều mà người viết, chủ trương khác? Khác niềm tin. Khác chính kiến không? Nghe hỏi, bần đạo chẳng dám trả lời, ngay tức thì. Nhưng chiều nay, ngay giờ lễ, bần đạo bắt chụp được lập trường/tư tưởng của ai đó. Rất dễ nghe. Nghe, không như khám phá mới. Nghe, như một ngầm hiểu. Hiểu, để biểu dương. Nghe, là nghe thế này:

“Bạn hữu tín đồ người Thiên Chúa giáo, có lần họ bảo với tôi: họ vẫn coi tôi như tín đồ rất tốt lành, của Đạo Chúa. Tôi, thì tôi lại nghĩ: họ mới là Phật tử thuần thành, giống như tôi. Bởi, chúng ta tuy có khác, nhưng vẫn đeo đuổi cùng một ý hướng, rất tương tự.”(Phát biểu của Đức Đạt Lai Lạt Ma, The Australian Catholics, Summer 2010, tr. 9)

Lời của vị Phật Sống, Đức Đạt Lai Lạt Ma, đẹp là thế. Thế nghĩa là, lời của đức ngài là lời rất sống. Rất thật. Nhiều Phật tính. Cũng đành thế, nhưng lời của đấng bậc linh mục, rất Dòng tên, lại cũng giông giống như sau:

“Tôn giáo, là điểm son của mọi thứ. Mọi sự. Nhưng, tôn giáo còn có điểm khá tệ hại, của nhiều người. Tức, những thứ/những người tuỳ nguồn hứng. Nguồn rất hứng, nhận từ Tình yêu của Thiên Chúa. Hoặc, từ tình thân thương, của mọi người. Những thứ, gợi từ niềm hãi sợ hoặc ghét ghen. Nếu tôn giáo được tạo hứng từ những cảm xúc có hận thù. Hoặc ghen ghét. Thì, tự nó đang huỷ diệt chính mình. Tự nó, đang gây hại cho mọi người.” (x. Lm Andrew Hamilton sj, The Australian Catholics, bđd tr. 17)

Xem thế thì, lời của vị Phật Sống. Của linh mục. Hoặc, của người viết nhạc, đâu khác gì câu ca, ta vẫn hát:

“Hoàng hôn mở lối,

rừng khô thở khói

Trời như biển chói,

Từng chiếc thuyền hồn lướt trôi

Neo đứt, một lần cuối thôi.

Cho cánh buồm lộng gió vơi, gió đầy.”

(Phạm Duy – bđd)

Vấn đề là, người hát chưa nhập cảnh và nhập hồn với tư tưởng, của người viết. Rất chính Đạo. Đạo của ông, không là đạo “ta bà”, nhiều đường lối. Hoặc, đạo rất rối. Của Trung cổ. Thời Đồ Đá. Tức, ban sơ nhiều thế kỷ. Đạo, mà ông nghĩ, không phải và không chỉ là “chờ phút đầu thai”, như bạn của tôi từng hiểu. Những tưởng thế. Nhưng, đạo ấy là Đạo của “Tình yêu”, như ông viết. Vào hôm ấy:

“Lúc này tôi yêu đời lắm. Nhưng tôi vẫn nói tới cái chết. Chẳng hạn, qua những kiếp lá trên đường trong bài “Đường Chiều Lá Rụng”. Lá, đang như những chiếc thuyền rung rinh trong ngọn gió, bỗng nghe đất gọi về. Lá rơi xuống, để trở thành những ngôi mộ úa, trên đường chiều. Nơi đó, có tôi và người yêu đang đi trong cuộc tình.” (x. Phạm Duy Tổng Quát, www.phamduy.com)

Với lá, ta bảo là “đất gọi về”. Với người, thì người và nơi (tức, chốn miền mà “hồn tôi đang chờ phút đâu thai”) lại là “nơi có tôi và người yêu đang đi, trong cuộc đời”. Xem thế thì, nơi nào có những người vẫn hằng yêu đương. Yêu, Đức Chúa của Tình Yêu. Là, mình đang về với nhau, trong cuộc tình. Ở nơi đó, có “phút đầu thai”, để mình sống. Sống, kiểu sống mới. Kiểu, mà người Công Giáo (còn gọi là kẻ tin vào Đức Kitô) bảo là “Sống lại”. Tức, duyên kiếp, tiền kiếp hay hậu kiếp. Là, cơ duyên của con người con/người con của Đức Chúa. Một khi chết.

Bạn và tôi vẫn cứ không tin, ư? Đây này, bần đạo dám đề nghị với bạn và với tôi, ta thử tìm về cội nguồn của ngôn ngữ, có những chữ, rất như sau:

“Các ông lầm,

Các ông không tường Sách thánh

và quyền năng của Thiên Chúa.

Quả vậy,

thời phục sinh, người ta không còn cưới vợ lấy chồng,

nhưng như thiên thần

ở trên trời.”

(Mt 22: 29-30)

Như thiên thần, là lối nói của thánh sử. “Chờ đầu thai”, là lối viết nhạc và kiểu ca hát, của nghệ sĩ. Người đời. Thậm chí, của nhà Phật. Của Đấng Allah. Chắc chắn, các Vị không là quỉ thần/tà ma, gì đâu hết. Về điều này, vị linh mục mang tên trích ở trên, đã ghi lại một nhận định rất hài hoà của đấng bậc khác am hiểu Phật pháp/Phật học, hơn. Vị đó, là Thượng Toạ Hsin Tao. Vị này, có lời như sau:

“Tôn giáo, có chức năng thể hiện mục tiêu của mọi người, trong cuộc đời. Và, hiểu thấu đáo những việc ấy. Ở đó, tôi tìm ra sự khôn ngoan. Hiểu biết. Từ đó, với sự hỗ trợ của một số thượng toạ khác, tôi hội nhập được mọi thứ. Tôi có được hoằng pháp mà hiểu thêm được nhiều điều tự tại. Của tâm thân. Sự thật.

Bản thân tôi, cũng nhận ra rằng: ngày nay, nhiều tôn giáo đã trở thành phổ biến trong xã hội. Nhưng, nhiều người cũng bắt đầu lẫn lộn về nhiều thứ. Do đó, không hiểu được sự thật.” (x. Lm Andrew Hamilton, Conversation with a master bđd tr. 10)

Để giúp bạn và tôi am hiểu điều mà thượng toạ trên muốn diễn tả, lm Andrew Hamilton, sj lại đã có thêm những lời lẽ rất thêm thắt, như sau:

“Như Đạo Chúa thời hưng thịnh, Phật giáo cũng nhấn mạnh đến “lối mòn bản thân” hầu giúp ta lướt vượt những điều nổi bật ở phần trên/bên ngoài. Lướt và vượt, ngõ hầu đi sâu vào phần sắc nét nhất của cuộc đời. Nơi mọi người. Cả hai Đạo/hai niềm tin trên cũng đều có điểm ‘nhấn’ về các tác động thâm sâu nơi con người. Đó, là một kết nối hài hoà với người khác. Những người đang sống quanh ta. Xem thế, thì Đạo của Phật, hay Đạo Chúa, vẫn mê say tin tưởng. Vẫn có giá trị, rất cao vời.” (Lm Andrew Hamilton sj, bđd)

Đạo của Chúa. Của Trời Phật. Vẫn có những buổi chiều, nhưng không “về chiều” chút nào hết. Dù, cũng ở buổi xế, nhưng không “chiều”. Chiều ở đây, tuy chưa hẳn là “chiều chuộng”. Hoặc, có chiều nhưng chẳng chuộng. Hoặc, vẫn cứ là tịch liêu. Tịch dương. Hay tịch mịch. Cũng tịch nhiên, rất liên miên.

Tịch gì thì tịch, tu tịch hay viên tịch cũng đều là “tịch”, nhưng xin đừng tịch biên, tịch tín hoặc tịch Đạo, là được. Không tịch biên, “tịch” Đạo của bạn đạo khác, ta cũng nên nghe thêm ý tưởng của người Phật tử uyên thâm Phật pháp, đã có lời hoằng pháp rất như sau:

“Người trẻ hôm nay, cũng phải và cũng nên chuyên chở/thực hiện sự tịch mịch/tịch liêu của trời đất. Lẫn tâm tư. Hãy đem tịch liêu/thinh lặng mà chăm chút cho địa cầu, đất lành mình đang sống. Cũng rất nên.” (Lm Andrew Hamilton sj, bđd, tr. 10)

Nói như tăng ni/Phật tử của thời đại, khác gì nói lời nghệ sĩ năm xưa, vẫn từng hát? Hát, một tâm linh/tâm sự, của cuộc đời:

“Chiều ôm vòng tay, một bó thuyền say, thuyền lơ lửng mãi.

Từng chiếc, xào xạc lá bay

Là tiếng, cội già khóc cây

Hay tiếng, lòng mình khóc ai,

giờ đây? (Phạm Duy – bđd)

Vẫn “chiều ôm vòng tay”. Có lá bay. Có, cội già khóc cây. Khóc, không hẳn vì chiều buồn. Có chết chóc. Khóc ở đây, là khóc vì vui sướng. Vui và sướng, là bởi “lá (đã) rụng về cội”. Về, với Chúa. Có, vòng tay ôm. Khóc, vào buổi chiều, còn là:

“Chiều không chiều nữa, và đêm lần lữa

Chẳng thương chẳng nhớ,

để những lệ buồn cánh khô,

rơi rớt từ một cõi mơ,

nghe đất gọi về tiếng ru,

hững hờ.”

(Phạm Duy – bđd)

Cõi mơ, hay Nước Trời sau nỗi chết, như thế đó. Là thế đó, có tiếng gọi từ cội đất, Chúa vẫn chờ. Là, “đất cội”. “Tình thơ”. “Vòng tay ôm”. Là, “lá vàng khô”, chí ít là “gò mối” của hồn ta. Chúa vẫn chờ. Ngài chờ, để tình già biến thành nhựa sống. Ngài chờ, cả những cành khô/lá úa, thời buổi trước. Một thời, còn có bon chen tình đời. Quên lãng. Ngài chờ, để “hồn ta như vụt biến, bay vờn trong đời tiên”, rất thơ. Ôi chao! Thần học nào, lại huyền mộng, như lời thơ. Thơ, của nghệ sĩ. Thơ, của Đạo?

Quả thế, Đạo vốn dĩ rất thơ. Những thơ và nhạc. Muôn thời. Muôn thuở. Thuở, có buổi chiều vàng rất trìu mến. Trìu mến, là trọng tâm của thần học Đạo Chúa. Trìu mến, là chủ trương của Đạo. Của Chúa. Bởi, Đạo Chúa, không chủ trương lý và luận, rất trừu tượng. Niết bàn. Đầu thai. Sự sống mới. Sau khi chết. Đạo Chúa, chỉ và vẫn chủ trương sự trìu mến rất thân thương, cả đời này. Lẫn đời sau.

Đạo Chúa, giống như mọi đạo, vẫn chủ trương chuyên chở Tình yêu vĩnh cửu đến với mọi thành viên, rất người. Dù, người ấy còn trăn trở. Ở ngoài Đạo. Dù, người này được gọi là Phật tử, con cháu Đấng Allah, hoặc dân con Đạo Chúa. Cũng như nhau. Đạo của tình trìu mến, được gửi đến với mọi người. Đạo đến, với ước mong sao người người, sống hạnh phúc. Vui tươi. Không tranh cãi. Cũng chẳng nghi ngờ. Húy kỵ.

Do thái xưa, là dân/người Chúa vẫn chọn. Nhưng, Chúa nào chọn/nào thương chỉ mỗi người Do thái? Dù, nay ta có gọi người ấy/dân tộc nọ là Công giáo, Chính Thống, Tin Lành hay Bà La Môn, Phật tử, gì gì nữa. Nếu không, thì người nữ phụ Samari, nào đã được cứu. Nếu không, nào đến lượt Phêrô, Phaolô cùng các thánh, được Ngài gọi.

Có lẽ nên bảo: đã qua rồi, thời của những Pharisêu/Biệt phái/kinh sư vẫn cứ tự hào người mình, dân của Chúa. Có lẽ vì thế, đấng bậc nọ mới chễm chệ ở nguyện đường, mà cầu nguyện. Cầu cho mình, mà thôi. Để rồi, lại quên mất bà goá nhỏ kia, những người be bé sống ngoài Đạo rất chuẩn, mới là người được Chúa đoái thương. Rất nhiều.

Hôm nay đây và mai ngày, chắc rằng Chúa vẫn cứ phải ngang qua nhiều thảm kịch đỏ, về những cách chia, của con dân trong Đạo. Phân biệt. Phân biệt, khi ban phát ơn cứu rỗi. Phân và biệt, ai toàn tòng. Ai ngoại giáo. Ai đáng được cứu. Ai phải ai trái. Ai ở lại. Ai, đi chỗ khác chơi. Mà, phải hiểu rằng: Chúa cứu, Ngài không chỉ cứu mỗi giới Đạo thuần thành, gốc Do Thái. Chúa cứu độ, là Ngài cứu hết mọi người. Không chỉ riêng ai. Dù, là Do thái. Hay dân ngoại.

Nếu thế, cũng đừng hãi sợ khi thấy người khác Đạo/khác tôn giáo nói về Tình yêu/sống lại, ở đời này và đời sau, dù khác ta. Nếu thế, cũng đừng quên rằng, “tứ hải (vẫn) giai huynh đệ”. Vẫn có ý nghĩa, cả niềm tin. Bởi, người khác đạo/khác chính kiến về Đạo, vẫn có thể nói cho ta nghe về Đạo của Chúa. Về Chúa. Nói, tức nhận thức về những khía cạnh rất khác, về các bí tích huyền nhiệm của Đạo. Của Đức Chúa. Họ khác mình, là chỉ khác cung cách diễn tả niềm tin riêng, thôi. Khác, về thực hiện niềm tin ấy. Khác hay không, vẫn như thế. Vẫn là người con, cùng một Tạo Hoá. Ta gọi Chúa.

Thế nên, khi nghe người khác đạo, dù Phật tử hay đạo Hồi cực đoan, nói về niềm tin – yêu giữ đạo, tất cả vẫn dẫn về Thương Đế. Tất cả, vẫn bổ sung/làm giàu niềm tin-yêu ta có, với Chúa. Xem thế thì, người đạo Hồi vẫn tiếp tục tin rằng Thượng Đế mặc khải về Ngài, qua Đấng Allah. Người Công giáo, cũng tiếp tục tin Chúa hiển linh chính mình Ngài, qua Đức Kitô. Cả hai, ta đều kêu cầu Chúa dẫn dắt mỗi người và mọi người về với sự thật. Rất đậm sâu. Rất ý nghĩa.

Vì thế, khi ai mời ta dự buổi nguyện cầu, chung cùng họ. Thì hãy xem đây chính là đặc ân Trên ban, để ta hưởng. Đây, là cơ hội để ta san sẻ đặc ân nguyện cầu. Để, mọi người sẽ hiểu nhau hơn. Yêu nhau hơn. Và, một khi tình thương lan tràn khắp chốn, lúc đó sẽ không có chiến tranh. Không bạo lực. Kình chống. Bao giờ nữa.

Khi đó, khác biệt lại trở thành điểm son, của mọi đạo. Bởi, tuy có khác biệt nơi cung cách nguyện cầu. Nơi phương thế thực hiện niềm tin. Tựu trung, ta vẫn phổ biến khắp nơi, Tình yêu rộng khắp, hết mọi người. Là người dấn bước theo Chúa, ta được gọi mời gặp gỡ người khác đạo. Khác tôn giáo. Nhưng tất cả đều vẫn tin. Tin rằng, tình thương giải quyết, hết mọi sự. Giải quyết cả khác biệt. Của niềm tin. Nơi Đạo. (x. Lm Andrew Hamilton sj, God in other Faiths, bđd, tr, 17-20)

Để làm bằng cho điều nói ở trên, cũng nên tìm đến truyện kể, để minh hoạ. Như sau:

“Truyện kể rằng:

Hôm ấy, có ba vị: một linh mục Công giáo, một mục sư Tin Lành, và vị kia, là thày giảng Do thái giáo, cả ba cùng nhau bước vào tiệm rượu, để thư giãn. Người bán rượu thấy thế, bèn bảo:

-Cái gì thế này? Tiếu lâm chăng?

Tiếu lâm hay không, phải đọc truyện bên dưới, mới rõ. Truyện, là truyện rằng:

“Hai người trẻ tính chuyện đáp lời mời gia nhập Dòng Tên, bèn thưa và hỏi:

-Có gì khác biệt giữa tu sĩ Dòng Tên và Dòng Đa Minh không nhỉ?

-Chẳng có gì khác nhau đâu. Cả hai đều do các vị bên Tây Ban Nha thành lập, thôi. Này nhé, thánh Đa Minh lập dòng thánh cho tu sinh Đa Minh. Còn, thánh Y Nhã lập Dòng cho tu sinh Dòng Tên của Chúa. Cả hai, đều chiến đấu chống bè lũ rất rối. Tu sinh Dòng Đa Minh cũng chống đối bè rối thuộc phái An-bi-gen. Còn, tu sĩ Dòng Tên lại chống đối đoàn người Thệ Phản. Tức, có thề và có phản.

-Vậy thì, có gì khác nhau giữa hai Dòng này đâu?

-Có chứ. Khác là, sau đó cả hai, khi gặp bất cứ người An-bi-gen ở đâu đó, vẫn cứ vui.”

Lời cuối cho em. Cho bạn. Và cho tôi, là: cuối cùng rồi ra, ta cũng gặp nhau, ở đời sau. Cùng một cõi. Dù cõi đó, bạn có gọi là chốn Niết Bàn. Dù chốn đây, ta cứ gọi là thiên đàng, đời sau hết. Cuối cùng thì, điều cần thiết, là: Tình dành cho em. Cho anh. Cho tôi và bạn, là tình Đạo yêu thương.

Trần Ngọc Mười Hai

nay cũng rõ

sự thật đều sáng tỏ.

Để thêm yêu.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com

No comments: