Saturday 10 August 2013

“Còn tôi như cánh chim, ”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 20 thuờng niên năm C 18-8-2013

“Còn tôi như cánh chim, ”
ngỡ vui nên bay xa sẽ trở về ăn năn,
Tôi sẽ ươm thật nhiều, trái yêu thương đầy cành,
hái đem cho mọi người.”
(Trịnh Lâm Ngân/Nguyễn Từ Nam – Qua Cơn Mê)
(Ga 17: 11-22)
            Qua cơn mê, rồi mới trở về ăn năn? Có muộn quá chăng? Dù có muộn, thôi thì bạn và tôi, ta hãy để người viết nhạc hoặc ca sĩ như Duy Khánh cứ thế mà phân trần, một ân tình rất như thế.
            Như thế có nghĩa: hôm nay, lại có người cũng như tôi (chứ không phải bạn, các bạn đạo thân mến của tôi), lại vẫn âm thầm hát theo và hát “nhép” tiếp câu sau:

“Một mai qua cơn mê xa cuộc đời bềnh bồng, anh lại về bên em.
Ngày gió mưa không còn, nên đường dài thật dài, ta mặc tình rong chơi.
Cùng nhau ta sẽ đi, sẽ thăm bao nơi xưa vui một  thuở lênh đênh,
Ta sẽ thăm từng người, sẽ đi thăm từng đường, sẽ vô thăm từng nhà.”
(Trịnh Lâm Ngân/Nguyễn Từ Nam – bđd)

            Có nhiều người, có lẽ giống bầy tôi đây chứ không như “bạn đạo mình”, vẫn trải “qua cơn mê” đời bềnh bồng những tin tưởng vào chuyện đời thường rất mê say. Mê và say, cả những thứ vớ vẩn, như truyện kể khá vắn vỏi, ở bên dưới:

            “Truyện rằng:
Tối hôm ấy, một buổi tối khá đẹp trời, bạn bè rủ nhau xuống phố tìm ăn món gì đó khác ngày thường, cho đỡ buồn. Bạn bè cùng tôi đi bộ một hồi đến mỏi cả chân, bèn tắp vào quán xá nọ của người “Bông” (ấy quên: của người Hoa, chứ!) gọi món nào dễ ăn, cho đỡ đói. Khổ nỗi, thức ăn của người Hoa món nào cũng nhiều dầu mỡ, rất mau ngán. Ăn chán chê rồi, bạn bè còn đề nghị: kỳ này, ta ăn tráng miệng không bằng cây trái, nhưng bằng bánh qui hình gối trong đó có mẩu giấy nhỏ gồm lời giải đoán tương lai mai ngày, rất chung chung.     

Lời giải đoán, bần đạo bầy tôi đọc được tối hôm ấy có giòng chữ, như thế này:
1.    Những ai ái mộ thứ tự do của loài chim bói cá, sẽ chẳng bao giờ nghĩ chuyện xây tổ ấm cho cả cá lẫn chim để chúng bơi.
2.    Người bị tổn thương nhiều nhất, là người yêu thương cũng nhiều nhất
3.    Khoan dung là một trong các sự việc giúp ta học hỏi nhưng cũng là sự thể để ta không học gì cả mà vẫn biết.”
(truyện kể thu thập trên mạng vi tính với email)

Nói đến email hay vi tính, người thời nay lại cũng mê say một thứ tình người, như lời kể còn nghe được ở câu tiếp:

“Tỉnh người sau cơn mê vẫn xanh,
 dù bao tháng năm đau thương dập vùi.
Trường xưa vắng ta, nay ta lại về,
cùng theo lũ em học hành như xưa.
Rồi đây sau cơn mê, sông cạn lại thành dòng,
xuôi về ngọt quê hương.
Mười ngón tay em dài vun cuộc tình thật đầy,
mơ toàn chuyện trên mây.
Còn tôi như cánh chim, ngỡ vui nên bay xa
sẽ trở về ăn năn.
Tôi sẽ ươm thật nhiều, trái yêu thương đầy cành,
hái đem cho mọi người.  
(Trịnh Lâm Ngân/Nguyễn Từ Nam – bđd)

Hát thì hát thế, chứ ở đời thường có người vẫn cứ kể chứ không hát truyện đường dài như sau:

Có hai anh chơi thân với nhau, nhưng lại bắt bẻ nhau từng lời từng ý. Xa thì nhớ nhau nhưng gặp lại thì khắc khẩu. Khi anh này kể chuyện thì anh kia lại buông lời.     
- Có nhẽ đâu thế. 
Một hôm hai anh bàn với nhau phải hòa thuận, tuyệt đối tin tưởng nhau, dẹp cái câu "có nhẽ đâu thế", ai vi phạm sẽ bị phạt hai quan tiền và hai cân gạo. 
Hôm sau anh kia gặp anh nọ liền bảo: 
- Đêm qua nhà tôi mất trộm. 
- Mất những gì? 
Một cái giếng đằng sau vườn. Anh nọ lại gân cổ lên cãi: 
- Có nhẽ đâu thế? 
Anh kia cười ồ: 
- Đấy nhé! Đã nói rồi đấy nhé! Mai tôi sang lấy gạo và tiền. 
Anh nọ tức lắm về thuật lại cho vợ nghe, vợ bảo: 
- Không lo! Tưởng bạn thật thà với mình chứ chơi khăm ăn tiền kiểu đó thì để tôi. Ngày  
  mai mình giả chết, còn sau đó để tôi liệu. 
Hôm sau anh kia đến đòi tiền và gạo, bước vào đã nghe tiếng khóc, hốt hoảng chạy vào nhà trong thì thấy bạn nằm sóng sượt trên giường, chị vợ rũ rượi ngồi bên cạnh, giọt vắn, giọt dài. Anh kia liền hỏi dồn: 
- Anh ấy làm sao thế? Anh ấy làm sao thế! 
Vợ anh nọ vừa khóc vừa nói: 
- Nhà tôi chết rồi anh ơi. Hôm qua không biết đi đâu về vừa tới sân bị con vịt đá chết tươi. 
Anh kia dậm chân bảo: 
- Có nhẽ đâu thế. 
Anh nọ nhổm dậy ngay: 
- Đấy nhé! Lại nói rồi nhé! Còn đòi lấy tiền lấy gạo nữa thôi”
(truyện kể lại cũng trích từ trang mạng, kể cũng nhiều)

Kể và hát nhiều chuyện như thế, ở đời thật không thiếu. Đời, của người nhà Đạo thời buổi này, lại cũng thấy xảy đến những câu chuyện được kể theo chiều hướng rất khác. Chiều hướng, cũng khác thường như chuyện nổi cộm xảy ra ở chốn cao nhà Đạo, có giòng chảy thông tin rất mới, như sau:

“Chưa từng thấy xảy ra từ hồi nào đến giờ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô dám thẳng thắn chỉ trích hàng giáo phẩm người Ý về sự “biếng nhác”, tinh thần “vụ nghiệp” và lề thói thích “doanh thương/tiền bạc” .   

Buổi họp được cử hành vào chiều thứ Năm tại Đền thánh Phêrô, lẽ đáng ra phải diễn tiến như giòng chảy âm thầm, cuồn cuộn, nhưng thành viên đoàn Giám mục mạnh nhất thế giới gồm khoảng 300 vị thuộc 221 giáo phận khác nhau, tức 2 lần gấp đôi đoàn nước Pháp đã đến đây chấm dứt buổi họp thượng đỉnh lần thứ 65 với sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Phần đông các Giám mục hôm ấy sẽ về với giáo phận mình trong tư thế trịnh trọng ngồi bệ vệ trong chiếc “Limousine” láng bóng, tâm tư còn vương vấn nặng tình hình chính trị ở Ý, với sự tham dự của vị chủ chăn đại diện Giáo hội Ý, là Hồng y Angelo Bagnasco.

Buổi họp trên sẽ diễn ra êm thắm nếu không có quả “bom” nổ mạnh nơi bài phát biểu đầy “kích bốc” do Đức Giáo Hoàng Phanxicô tự tay soạn thảo không qua phần hiệu đính của Hồng y Tổng Thư ký Toà thánh đã tìm cách dấy lên sự việc có một không hai này. Buổi họp trên được định trước trong khuôn khổ năm thánh Đức tin sẽ gồm việc các giám mục hiện diện sẽ long trọng tuyên xưng niềm tin của các ngài nữa. Không hề tỏ dấu hiệu lúng túng về ngôn ngữ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước nhất yêu cầu các vị giám mục hiện diện chớ ngại ngần trả lời câu hỏi khi xưa Chúa đặt ra với thánh Phêrô: “Simôn, con có yêu mến Thày hay không?” Và theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô thì: chỉ mỗi câu này thôi cũng thực sự cần thiết, vào mọi lúc. Là mục tử, các giám mục vẫn nên tự đặt câu hỏi ấy cho chính mình, bởi lẽ các thừa tác-vụ ở cấp bậc nào cũng đều đặt nền tảng trên sự mật thiết với Chúa. Sống mật-thiết với Chúa, là cung cách giúp  ta đo lường công cuộc thừa tác phục vụ Hội thánh nhằm diễn tả là mình sẵn sàng vâng lời, tự hạ mình mà cho đi toàn bộ con người mình.

Tiếp sau đó, Đức Giáo Hoàng nhìn các giám mục một hồi, rồi đưa ra đòi hỏi gắt gao chưa từng thấy ở Đền thánh Phêrô bởi lẽ xưa nay đề nghị của Đức Thánh Cha bao giờ cũng có “hiệu-đính-viên” coi trước, nhất thứ là khi có chuyện Giáo hội kiểm điểm chính mình. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “Chúng ta không là cơ cấu hoặc cơ quan có toàn quyền trọng yếu, nhưng vẫn là dấu chỉ và hành xử của Chúa Phục Sinh. Điều này, đòi ta phải tỉnh thức về linh đạo mà, nếu không làm thế thì các mục tử, và trước tiên là giám mục, sẽ lo ra chia trí, lãng quên và trở thành vô cảm, rồi bị cuốn hút vào viễn cảnh nghề nghiệp, vào hấp lực của tiền bạc và nhượng bộ trần tục. Đó là điều dễ khiến ta biếng nhác, để rồi sẽ biến thành thứ giáo sĩ công bộc của nhà nước cứ bận bịu với những chuyện do mình tạo ra hoặc do cơ cấu và quyền hạn của mình đem đến, hơn là làm vì lợi ích của dân con Chúa. Từ đó, như thánh Phêrô, ta sẽ rơi vào vòng hiểm nguy dễ dàng chối bỏ Chúa, nhất là khi ta công khai rao giảng, nhân danh Chúa. Những người như thế, sẽ làm ô danh tính thánh-thiện của hệ cấp Giáo hội là Mẹ, biến Giáo hội thành tổ chức khô cằn, không còn sinh hoa kết trái nữa.

Trở lại câu hỏi ban đầu của Chúa: “Simôn, con có yêu mến Thày không?” Đức Giáo Hoàng Phanxicô lại cảnh báo: “Câu hỏi bức bách này của Chúa sẽ còn dấy lên niềm cay đắng, bất ưng và có khi còn làm ta mất đức tin nữa.” Những thứ đó không là tình cảm mà Chúa nghĩ là Ngài đã dấy lên qua câu hỏi của Ngài, nhưng các tâm tính biến đổi này vẫn “có lợi cho kẻ thù, quỷ ma” nhằm cách ly mỗi người để rồi đưa ta vào với niềm cay đắng, khóc than, tuyệt vọng. Chúa không làm nhục bất cứ ai; trái lại, Ngài còn ban thêm cho mọi người lòng dũng cảm, là đàng khác.”

Đức Giáo Hoàng kết thúc buổi kiểm điểm hàng Giáo phẩm ở Ý bằng hai điều ràng buộc rất rõ ràng dành cho các Giám mục, đó là: “Hãy bỏ qua một bên các hình thức cao ngạo”, và thứ đến: “Hãy luôn mở cửa cho hàng ngũ linh mục dưới trướng các ngài”. Và rồi, bằng lời cầu nguyện dâng lên Đức Mẹ, Đức Giáo Hoàng xác nhận rằng ngài sẽ đi Assisi vào ngày 4/10/2013 này, để cầu nguyện cho Giáo hội biết sám hối, nguyện cầu ngõ hầu thoát khỏi việc sùng bái ngẫu tượng trần tục thời hiện tại, và cho các mục tử của ta biết tách mình khỏi tình trạng uể oải lười biếng, khỏi tinh thần bủn xỉn, thuyết chủ bại, hầu tự giải thoát mình khỏi nỗi buồn chán, thiếu kiên nhẫn, cứng ngắc nhưng chính trực trọn vẹn và mặc lấy cho mình lòng xót thương. Và, Đức Giáo Hoàng Phanxicô còn nói thêm: “Chúng ta sẽ khám phá được niềm vui của một Giáo hội tôi đòi, khiêm tốn và có tình anh em với nhau hơn.” (trích bản tin đăng trên báo điện ở Pháp hôm 1/5/2013)
       

Nói như người trong Đạo thì nói thế, chứ nói như người ở ngoài, lại vẫn nói theo tâm tư có thi ca/âm nhạc là nói như thế này:

“Một mai qua cơn mê xa cuộc đời bềnh bồng
tôi lại về bên em.
Ngày gió mưa không còn, nên đường dài thật dài
ta mặc tình rong chơi.
Cùng nhau ta sẽ đi, sẽ thăm bao nơi xưa
vui một thuở lênh đênh
Ta sẽ thăm từng người, sẽ đi thăm từng đường,
sẽ vô thăm từng nhà.
Tỉnh người sau cơn mê vẫn xanh, dù bao tháng năm
đau thương dập vùi
Trường xưa vắng ta, nay ta lại về, cùng theo lũ em
học hành như xưa.
Rồi đây qua cơn mê, sông cạn lại thành dòng,
xuôi về ngọt quê hương
Mười ngón tay em dài vun cuộc tình thật đầy
mơ toàn chuyện trên mây
Còn tôi như cánh chim ngỡ vui nên bay xa
sẽ trở về ăn năn
Tôi sẽ ươm thật nhiều, trái yêu thương đầy cành,
hái đem cho mọi người.
Tôi sẽ ươm thật nhiều, trái yêu thương đầy cành,
hái đem cho mọi người..”
(Trịnh Lâm Ngân/Nguyễn Từ Nam – bđd)

Nói theo đấng bậc nhà Đạo lại những muốn “chín bỏ làm mười” để rồi ta đi vào sự hiệp nhất, có tình anh em hơn, tất cả rồi cũng sẽ vui như lời hỏi/đáp ở bên dưới:

“Thưa cha, ở giáo xứ nơi con sống, giáo dân chúng con vẫn thường đọc các kinh đặc biệt để cầu cho việc Hiệp nhất Giáo hội, còn gọi là kinh Bát nhật sau lễ Hiện Xuống. Đọc thì đọc, chứ con không hiểu cho thấu đáo ý nghĩa của kinh đó. Vậy, bằng thư này, xin cha cho biết đó có là kinh nguyện rất mới do Hội thánh lập ra không?” (Câu hỏi từ một người rất sốt sắng trong kinh kệ)

            Lại cũng thế, hễ có ai hỏi về những điều có liên quan đến giáo luật hoặc phụng vụ, thì đấng bậc nhà Đạo sẽ hết mình bỏ giờ ra mà trả lời. Và, câu trả lời của đấng bậc mình, rất như sau:

“Bản kinh được gọi là Kinh tuần Bát Nhật cầu cho Đại Kết là kinh đọc suốt tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các giáo phái thành Giáo hội duy nhất của Chúa Kitô. Bát tuần, theo nghĩa này, là thời gian tám ngày bắt đầu vào ngày nào đó trong tuần và kết thúc cùng một ngày như thế vào tuần sau. Kinh Bát nhật Hiệp nhất đáp ứng với lời kinh được Chúa dâng lên Cha Ngài và buổi Tạ Từ, hôm thứ Năm tuần thánh (Ga 17: 11-22) xin cho chúng được trở nên một như Cha và Con là Một.” Đức Giêsu thành-lập một Hội thánh duy nhất và Ngài vẫn muốn con dân Ngài được hiệp nhất như Ngài vẫn hiệp nhất với Chúa Cha (Ga 17: 21)       

Ngay từ đầu, Hội thánh đã thật sự nên một dưới sự lãnh đạo của các Tông đồ; nhưng sau đó, trải qua nhiều thế kỷ, một số nhóm hội đã tách ly thành sự thể như hôm nay đã có cả ngàn cộng đoàn tự gọi mình là tín-hữu Chúa Kitô. Cộng-đoàn lớn rộng nhất từng tách rời Hội thánh Chúa là một số Giáo hội Chính thống xuất hiện vào thế kỷ thứ Năm. Đến thế kỷ thứ 11, lại có thêm nhiều cộng đoàn khác cũng theo chân, rồi đến Anh giáo cũng như cộng đoàn Thệ Phản xuất hiện vào thế kỷ thứ 16.

Cố gắng tạo đoàn kết hiệp nhất biết nhiều hơn là từ phong trào Đại kết diễn tiến từ lần nứt rạn đầu, trong Hội thánh. Trải qua nhiều thế-kỷ, phong trào này cũng đạt nhiều kết quả khả quan, đặc biệt là sự trở về đoàn tụ với Hội thánh Công giáo là nhóm đạo rất đông đảo từ giáo hội Chính thống để trở thành Giáo hội Công giáo Phương Đông. Gần đây nhất, nhiều tín-hữu Anh giáo đã được chấp thuận hợp nhất với Hội thánh Chúa qua hệ phái Anh giáo thiết lập sau khi có Hiến chế Tông toà mang tên “Anglicanorum coetibus” của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 vào năm 2009.

Công đồng Vatican II (1962-1965) đã hỗ trợ tạo thúc đẩy sinh hoạt Đại kết, đặc biệt là ngang qua Nghị quyết mang tên “Unitatis Redintegratio” và sau đó, tức vào năm 1995, Đức Gioan Phaolô đệ Nhị cũng đã khích lệ việc hợp nhất các Kitô-hữu thêm một lần nữa qua Tông thư “Ut Unum Sint”.

Thật ra, thì Kinh Bát Nhật Hiệp Nhất đã có từ rất lâu, trước cả thời Công Đồng Vatican II, nữa. Lúc ấy, tức vào năm 1908, Lm Paul Wattson, vị đồng sáng lập nhóm Anh Em Hèn Mọn ở Graymoor, một tín hữu Anh giáo trở lại đạo. Kinh Bát nhật Hiệp nhất khởi từ ngày 18 tháng Giêng và kết thúc vào lễ thánh Phaolô trở lại vào ngày 25 tháng Giêng. Năm 1909, Đức Giáo Hoàng Piô X đã chính thức khuyến khích toàn thể Hội thánh cùng đọc kinh ấy...

Tại Úc, cũng như ở các vùng đất ở Nam Bán cầu, tháng Giêng lại rơi vào mùa nghỉ lễ, nên kinh Bát nhật Hiệp nhất được đọc vào tuần lễ trước Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Đây là thời điểm thuận tiện vì Lễ Hiện Xuống được coi là ngày sinh của Hội thánh, hôm ấy ta mừng kỷ niệm ngày Chúa Thánh Thần ngự xuống với các thánh Tông đồ để thổi nguồn sinh lực vào với các ngài.

Cũng nên nhớ, việc tái tạo sự Hiệp nhất các Giáo hội không là công việc của người phàm, nhưng là việc của Chúa Thánh Thần. Có lần, Đức Nêmêđíctô 16, trong bài giảng lễ thánh Phaolô trở lại vào ngày 25/1/2008 tại nguyện đường thánh Phaolô bên ngoài Rôma, Đức Giáo Hoàng có nói: Vào cuối tuần nguyện cầu cho việc HIệp nhất Kitô-giáo, chúng ta nhận thức rõ công việc tái-tạo hiệp nhất vốn dĩ đòi hỏi mọi năng-lực và cố gắng vượt ra ngoài sức lực của chính chúng ta. Kết hiệp với Chúa và hiệp nhất với các người anh, người chị mình là quà tặng gửi đến từ trời cao, vốn tuôn đổ xuống từ sự hiệp thông yêu thương giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần vẫn gia tăng trọn hảo nơi Ngài. Vì thế, không phải do quyền uy/sức mạnh của chúng ta là người có quyền định đoạt khi nào và làm sao cho sự kết hiệp này sẽ hoàn thành các trọn vẹn được, mà chỉ có Chúa mới làm được chuyện ấy.” (Xem Lm John Flader, Question Time, The Catholic Weekly ngày 26/5/2013, tr. 10)

            Đọc đến đây, hẳn mọi người trong nhà Đạo, tức các bạn đạo như tôi và như bạn, sẽ công nhận như đấng bậc cao cả của Đạo mình. Nay, thì Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 đã từ nhiệm nhưng quyết tâm của ngài vẫn tồn tại và rất có giá trị đối với mọi dân con trong Đạo, dù ở hệ phái nào đi nữa.
Có thể nói mà người nghe sẽ không buồn lòng, là: mọi chuyện xảy ra trong quá khứ và hiện tại, thì phân tách/cách ly không phải là động tác do người của Giáo hội mình làm nên. Nhưng, đó là sự kiện vẫn xảy đến trong đời, với mọi người; cả người đi Đạo nữa. Người sùng đạo, thường gọi đó là “thánh giá Chúa gửi”.
Nói thế, là bởi: Đấng Quyền phép Toàn năng mà cũng sai Con Một Ngài xuống thế mặc lấy thân phận làm người để đồng cam đồng khổ như mọi người, chí ít là cảnh tình khổ sở vì cách ly, đố kỵ, tranh chấp. Tranh chấp và đố kỵ, ngang qua cung cách khác biệt về ngôn ngữ, văn hoá và chủ thuyết. Chính vì văn hoá có khác biệt đã từng “tô son vẽ phấn” chính trị lên Đạo của Chúa đến độ người đi Đạo cứ ngày càng xa cách/tách rời nhau. Và, trong quá trình đi Đạo và sống Đạo, dân con Đạo Chúa quên bẵng là mình cùng xuất từ một nguồn, nguồn đó là chốn nguồn của văn hoá yêu thương, kết hợp.
Nếu còn chủ trương Đại kết, rất hiệp nhất, chỉ có con đường duy nhất là “trở về nguồn” của mình để rồi lại sẽ thương yêu giúp giùm hết mọi người. Yêu và thương không chỉ những người cùng luồng, cùng văn hoá Kitô mà thôi, nhưng cả những người ngoài luồng, ngoài văn hoá gốc của mình nữa.
Để mình hoạ cho điều vừa nói, cũng nên để mắt đọc thêm những điều được người “thường ở huyện” vẫn tâm niệm, như sau:
   
-Một người không tốt với bạn, bạn không nên quá bận tâm.
-Trong cuộc sống của bạn, không ai có nghĩa vụ phải cư xử tốt với bạn trừ cha mẹ.
-Còn với những người tốt với bạn, bạn nên trân trọng và biết ơn điều đó.   
-Nhưng bạn cũng cần phải có chút đề phòng bởi mỗi người khi làm bất cứ việc gì đều có  
 mục đích riêng của họ.
-Hãy nhớ, họ tốt với bạn không đồng nghĩa với việc họ phải quý mến bạn.
-Không có ai là không thể thay thế, không có vật gì thuộc hoàn toàn sở hữu của bạn.
-Vì thế, nếu sau này người bạn yêu thương không còn ở bên, hay họ không còn là nơi bạn
 có thể đặt niềm tin, bạn cũng đừng bi lụy.
-Sinh mệnh con người thực sự ngắn ngủi, bạn đừng để mỗi ngày trôi đi vô ích.
-Người ta tham vọng sống lâu nhưng bạn chỉ cần sống hạnh phúc mỗi ngày.
-Hãy trân trọng và yêu lấy cuộc sống hiện tại của bạn.
-Trên đời này không có gì là nhất cả, tình yêu chỉ là cảm giác bất chợt đi qua cuộc đời bạn,
  nhưng nó sẽ theo thời gian và lòng người mà thay đổi.
-Nếu như người đó rời xa bạn, bạn hãy học cách chờ đợi.
-Hãy để thời gian rửa sạch vết thương, để tâm hồn bạn lắng lại rồi nỗi đau của bạn cũng sẽ
   dần biến mất.
-Bạn đừng mơ ước một tình yêu hoàn hảo, cũng đừng thổi phồng nỗi đau khi nó không
  còn.
            -Bạn có thể bắt mình phải giữ chữ tín, nhưng không thể yêu cầu người khác làm thế với
             mình.
-Bạn có thể yêu cầu bản thân phải đối đãi tốt với người, nhưng bạn không thể kì vọng
  người ta sẽ làm ngược lại.
-Khi bạn tốt với họ, họ không có nghĩa vụ phải tốt lại với bạn.
-Hãy nhớ điều này nếu không bạn sẽ luôn gặp ưu phiền trong cuộc sống.
-Chỉ những ai có duyên phận mới trở thành người thân của nhau, cho dù trong cuộc sống
  bận rộn bạn ít khi gặp mọi người, nhưng bạn hãy trân trọng từng khoảnh khắc khi còn bên
  họ, hãy dành cho họ thời gian để yêu thương bạn hơn.”
  (lập trường nhận từ trang mạng 2012)

Xem thế thì, cũng nên về lại với nhau mà coi đó như điều mọi người sẽ quyết tâm thực hiện trong đời. Bởi, khi xưa Đấng Thánh Hiền vẫn dặn dò người mình, rất nhiều thứ như:

“Con không chỉ cầu nguyện cho những người này,
nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con,
để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha
để họ cũng ở trong chúng ta.
Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con.
Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con,
để họ được nên một như chúng ta là một:
Con ở trong họ và Cha ở trong con,
để họ được hoàn toàn nên một;
như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con
và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.”
(Ga 17: 20-22)

Xem thế thì, về lại với nhau, có nghĩa là sẽ về với tình thương yêu, là văn hoá của Đạo Chúa, rất con người.

Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn quyết tâm như thế
ngõ hầu tạo nét đẹp
cho đời mình.


No comments: