Saturday 3 November 2012

“Buổi sáng khi sương tan còn lắng đọng,”

Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 32 thường niên năm B 11.11.2012

“Buổi sáng khi sương tan còn lắng đọng,”
“Nhìn thấy dáng em ngoan nằm gối mộng.
(Nhạc: Chanson d’Orphée – Lời Việt: Bài Ngợi Ca Tình Yêu)
(1P 2: 1-2)

“Ngợi ca tình yêu” ư? Theo bần đạo, đó là công việc của các thánh, ở trong Đạo lẫn ngoài đời, vẫn đang làm. Không tin ư? Mời bạn/mời tôi: ta nghe truyện kể nhè nhẹ ở bên dưới:

“Trên đời có hai điều rất khó có ai đạt thành quả. Điều thứ nhất, là: gieo vãi ý tưởng của mình vào đầu người khác. Thứ hai, là: thâu tóm tiền bạc của người khác vào túi đựng của mình. Ai nào thành công ở điều một, được gọi là Nhà Giáo. Người thành công ở điều thứ hai, gọi là Doanh Nhân. Và người nào thành công cả hai điều trên thì gọi là bà xã, hay vợ nhà.”

Ngươì kể hôm nay vẫn coi sự thể ở đời là như thế. Còn, bần đạo đây, nếu được đề nghị làm người kể truyện, thì xin thưa: ai đạt cả hai việc ở trên, chắc chắn phải gọi là thánh nhân, thế mới đúng. Nhưng, để gọi là “dĩ hoà vi quý” bần đạo xin đồng ý cả hai tay với người kể, để kết luận rằng: bà xã hay bà nhà rất thánh, cũng như nhau, cũng tựa hồ ca từ của nhạc sĩ vẫn hát đẹp như sau:

“Trời đã, cho riêng Em một sắc đẹp,
Để trái tim anh sẽ không cằn cỗi.
Và rồi thời gian sẽ biến, lụi dần,
Mùa xuân ở mãi nơi này, Trời cho lứa đôi.”
(Chanson d’Orphée – bđd)

Quả là như thế. Nếu bạn và tôi, ta vẫn coi chữ Em ở trên có nghĩa là “bà xã” hay “bà nhà rất thánh” vẫn cứ được. Bởi, có là “thánh” mới được Trời ban cho “sắc đẹp để trái tim anh sẽ không cằn cỗi.” Và, có là “thánh” mới làm thời gian “biến lụi dần”. Lụi hoặc biến, “Mùa Xuân (vẫn) ở mãi nơi này” và “Trời cho lứa đôi!”
Sở dĩ bần đạo gọi các “bà xã ở nhà” là “bà nhà rất thánh”, là bởi mới đây thôi, bần đạo được đọc một đoạn suy niệm của đấng bậc vị vọng rất nổi cộm ở Úc đã kể câu chuyện nhẹ rồi kết luận bằng một nhận định chắc chắn không nhẹ với đấng bậc nữ mà cụ gọi là “bà sơ già” ở bệnh viện sau:

“Mấy hôm trước, tôi có dịp đọc cuốn “Bóng đen và khung trời mù tối”, thấy cũng xót xa, bàng hoàng, khó diễn tả. Sách, do tác giả người Úc, là lm John Cowburn, giáo sư trường thần học Dòng Tên ở Melbourne viết. Trong sách, tác giả thận trọng tìm phương thức hữu hiệu để giúp ta giữ lòng thủy chung với Chúa mọi tình huống, dù phải đối đầu với ác thần/sự dữ. Dù, mây mù dầy đặc suốt canh thâu.
Ý tưởng trên, bất chợt đến với tác giả khi ông đang đạp xe đến nhà thờ, thì bị ngã xuống đất, gẫy mất chiếc xương cổ tưởng rất cứng. Ông đành nằm chờ giải phẫu cũng khá lâu. Trong khi chờ, tình cờ ông gặp một nữ tu rất ư đạo mạo bước vào phòng bệnh, trao cho ông Mình thánh Chúa để hiệp thông với sự thống khổ của Ngài. Tác giả kể cho vị nữ tu biết lý do khiến ông bị nạn. Chuyện lan man như khúc phim dài vô vị. Nghe vậy, nữ tu bèn bảo: cha hãy cầu nguyện cùng Chúa đi, con nghĩ: Chúa thấu hiểu là cha cần một thời gian để nghỉ ngơi, nên Ngài mới sắp xếp để cha ngã, cũng nhẹ thôi chưa đến độ phải giã từ cuộc đời! Tác giả đáp: “Nếu thế thì, tôi cũng vui. Bởi, vậy là Chúa chịu để cho tôi chọn ngày nghỉ sa-bát mà lo cho thân xác mình, đấy Sơ!”
Thời Chúa sống đến nay, nhiều người tuy đạo hạnh nhưng nếu chẳng may gặp chuyện chẳng lành, cứ là hay đổ lỗi cho Chúa hoặc ác thần/sự dữ thế mới thành chuyện. Trong truyện, tác giả thừa hiểu mình bị nạn chỉ vì ơ hờ, mới ra nông nỗi. Đơn giản, chỉ mỗi thế. Vâng. Tất cả những gì tốt đẹp Chúa gửi đến, dù bị nạn, vẫn là quà tặng Chúa gửi để ta thêm dũng cảm mà tiếp tục hành trình gầy dựng nhân gian, bằng nhiều phương cách. Sự kiện Chúa giáp mặt với “điều chẳng lành” trong trình thuật Tin Mừng, hẳn đã mang dấu ấn của thứ thần học gọi là “sự-dữ-thôi-thúc-ta-gặp-chuyện-chẳng-lành”. Và, lời đáp của Chúa Kitô vẫn là thử thách gửi đến con người, như Ngài từng gửi đến dân Palestin ở thế kỷ đầu.
Xem thế thì, bất cứ khi nào ta đem hành xử tiêu cực với bất cứ người hay vật rồi đổ cho số mạng và rút lại mọi cam kết tốt đẹp, thì có lẽ cũng cần phải xa lánh hành xử những muốn đổ trách nhiệm lên người khác, hoặc phần số.
Trong sống đời thực tiễn, tùy cung cách ta hành xử, nó sẽ ảnh hưởng lên lòng xót thương, nhân hậu của ta đối với nhau, thôi. Như thế, là nên thánh, trọn lành, đầy tình mến. Còn, những người xấu họ cũng đâu muốn có hành vi xấu xa, tệ lậu như: trộm cắp, hờn căm, bạo động. Xa hơn nữa, còn là: giết chóc, dâm ô, hà hiếp hoặc tha-hóa bản thân đến bạo loạn.
Tùy mức độ nhận thức của con tim, ta vẫn có khả năng trở thành lành thánh như mọi người. Trở thành lành thánh, là biết trân trọng ân huệ Chúa ban ta nhận được, rồi cảm kích biết ơn. Có cảm kích mới xót thương người hèn kém từng vuột mất cơ hội nhận lãnh Tin Vui an bình, từ Đức Chúa. Và, tùy cung cách ta có đồng ý hay không với lập trường có lệ thuộc vào sự dữ/ác thần hay không, thái độ và khả năng trở thành lành thánh cũng tùy nơi ta. Bởi, ta được giáo dục tôn trọng tự do có chọn lựa đề ra quyết định, cho riêng mình. Thế đó, là hành xử của thánh nhân hiền lành hoặc người gian ác, tệ lậu là tuỳ.” (xem Lm Richard Leonard sj, Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 22 thưòng niên năm B, Bản tin Giáo xứ Fairfield, Úc 02/09/12)

Phải chăng hành xử có hiểu biết, giúp ích mới lành thánh? Hay, ta vẫn cứ quan niệm chuyện lành thánh/chính mạch kiểu cũ xưa như đấng bậc cũng lành và rất thánh khác, ở Sydney cũng lại nhận định một cách hơi khác, như sau:

“Thánh nhân, là người khi chết vẫn ở trong trong tình trạng lĩnh nhận ơn lành của Chúa và nay đang hưởng sự an lành nơi thiên quốc nên được coi là mẫu mực để tín hữu còn sống ở thế trần coi đó như nhân đức sống thánh. Việc coi đấng bậc nào là thánh nhân buộc ta chứng minh rằng đấng bậc ấy có tiếng là thánh thiện và sự thánh thiện của các ngài được xác nhận bằng luận cứ xác đáng, rất trân trọng. Điều này không có nghĩa vị đó luôn sống cuộc đời lành thánh, trước cũng như sau. Như thánh Âu Tinh chẳng hạn, ngài từng ăn ở sàm sỡ với nữ phụ nọ và có con với người ấy trước khi hồi hướng trở về cùng Chúa. Thánh Gioan Vianney, chánh xứ họ Ars định nghĩa đấng thánh như sau: “Các thánh không phải là vị nào cũng bắt đầu cuộc đời mình bằng cuộc sống an lành tốt đẹp, mà các ngài đều kết thúc đời mình cách đẹp đẽ không có gì đáng chê trách.” (x. Giáo lý Ơn Cứu Độ, chương 1)
Về với Hội thánh thời tiên khởi, các vị thánh đầu tiên được liệt kê trong hạnh các thánh là các đấng tử vì đạo. Khi biết chắc là vị nào đó đã bị đưa ra pháp trường để xử giảo do bởi các ngài cương quyết giữ vững đức tin, thì các đều phải được vinh danh như đấng tử vì Đạo hoặc “chứng tá” của niềm tin vững mạnh vào Chúa. Vì thế nên thánh tích các ngài để lại sẽ được thu thập và giữ gìn cẩn thận làm vật linh thánh; và ngày chết của các ngài sẽ được chọn để cử hành mừng kính.
Nơi giáo luật và đặc biệt là Lời nguyện Thánh Thể lúc ban đầu, có từ thời Đức Grêgôriô Cả cuối thế kỷ thứ 6 lại cũng gồm tóm danh tánh rất nhiều vị thánh đáng được mọi người cung kính. Không kể các thánh tông đồ gần gũi Chúa, còn thấy trong số đó có các vị mang tên Linô, Clêto, Clêmentê, Sixtô, Cornêliô, Cyprianô, Lôrenxô, Chrysôgônô, Gioan và Phaolô, Côsmô và Damianô, Gioan Tẩy Giả , Stêphanô, Matthia, Barnaba, Ignatiô, Alexan, Marcellinô, Phêro, Fêlicity, Perpêtua, Agatha, Agnès, Cêcilia và Anastasia.
Đến thế kỷ thứ 11, các Đức Giáo Hoàng còn thêm vào danh sách các thánh gộp thêm thánh Urbanô 2, Calixtô 2 và Eugêniô 3 và các ngài truyền rằng bậc thánh chỉ được công khai sùng kính, không do chỉ Đức giám mục chủ quản mà cả hội đồng giám mục trong vùng. Nghĩa là, phải được các Giám mục chuẩn thuận sùng kính ở địa phương, thôi.
Đến năm 1170, Đức Alexander 3 mới ra chỉ thị nói rằng không ai được coi là thánh nếu không được sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng. Đến năm 1234, điều này được Đức Grêgôriô 9 đưa vào giáo luật. Từ đó, chỉ Đức Giáo Hoàng là đấng bậc duy nhất có quyền công bố vị nào là thánh như thủ tục được tuân giữ đến hôm nay. Tóm lại, thời Hội thánh tiên khởi, được tôn vinh thành thánh nhân cũng dễ hơn bây giờ.” (x. Lm John Flader, Question Time, The Catholic Weekly 29/7/2012 tr. 11)

Nếu bạn và tôi, ta là con dân hiền lành cũng rất “thánh” ở nhà Đạo rất Công giáo Rôma, hẳn ta sẽ chấp nhận lời của đức thày là hiển nhiên. Nhưng, nếu tôi và bạn lại là các kẻ tin vào sự đa dạng trong nhận định, lại sẽ đồng thuận với đấng bậc khác quan niệm thánh thiện có tính cách mới mẻ hơn như sau:

“Là con người, là ta thuộc về hành tinh “địa cầu” và vũ trụ trong đó ta vẫn sống. Vẫn hít thở. Nên, cũng cần đoàn kết hỗ trợ toàn thể thế giới, tức tôn kính và trân trọng mọi tương quan tinh tế với hết mọi người. Với cả cỏ cây, loài thú lẫn môi trường cùng khí hậu, để người người có thể sống cùng và sống với trong thương yêu. Ta có thể đổi thay thế giới mình chung sống. Nhưng thay đối ấy cần đặt căn bản trên sự tôn kính thương yêu hết mọi thứ, trong vũ trụ.” (x. Lm Andrew Hamilton, Catholics and the environment, Australian Catholics Spring 2012 edition, tr. 18)

Thêm nữa, là quan niệm của người đời cũng nghĩ và suy ý như “thánh nhân hiền lành” mà tác giả gọi là “người cùng đi với ta một đoạn đường”, trong đời. Quan niệm ấy, rất như sau:

“Sau cơn mưa vào ngày xuân hôm ấy, người bạn tốt của tôi ngỏ lời từ giã. Tôi kiên trì đòi đưa bạn ấy ra đến trạm xe. Bạn ấy ngăn cản tôi: "Đưa người ngàn dặm, cuối cùng rồi cũng cách biệt, dù thế nào đi nữa thì bạn cũng chỉ có thể đưa tôi đi chỉ một đoạn đường, thôi thì chỉ đưa tôi đến cửa thì ngừng bước nhé." Tôi đành tôn trọng theo ý kiến của bạn ấy. Mỗi con người đều chỉ đan xen vào một đoạn trong cuộc sống của người khác.
Điều chắc chắn vĩnh viễn là chỉ có thể đưa người đi cùng một đoạn đường. Bạn thương yêu cha mẹ mình, hy vọng họ sống lâu trăm tuổi, nhưng trong lúc bạn đang rất hiếu thuận với cha mẹ mình, thì họ cũng sẽ rời xa rước mặt bạn, bạn cũng chỉ có thể đi cùng cha mẹ mình chỉ một đoạn đường mà thôi. Bạn yêu thương con cái của mình ư, từng giờ khắc bạn mong rằng mình có thể vì chúng mà ngăn gió chắn mưa, vậy mà bạn đang lớn tuổi từng ngày, rồi cũng có một ngày, trước mặt các con bạn cũng phải bỏ chúng mà đi, bạn chỉ có thể cùng đi với con cái chỉ một đoạn đường.
Bạn có người vợ tâm đầu ý hợp, nhưng hai mươi mấy năm trước cô ấy thuộc về cha mẹ, vài mươi năm sau cô ấy cũng bị con cái, vận mệnh, mà chia cách, bạn cũng chỉ có thể đi cùng với nàng chỉ một đoạn đường.
Bạn xem trọng, trong tình nghĩa bạn bè, nhưng mà nếu không phải là bạn bè lìa xa bạn, thì cũng chính là bạn sẽ lìa xa bạn bè, bạn chỉ có thể cùng đi với bằng hữu một đoạn đường. Cũng vì chỉ có thể cùng đi với nhau một đoạn đường, Nên bạn càng thêm quí trọng tiếc thương. Lúc mà người ta cơ nhỡ đói rách, sự quan tâm của bạn nên trở thành một quả táo.Lúc mà người ta giá rét, thì sự giúp đỡ của bạn nên biến thành một cái áo bông.
Lúc mà người ta vui vẻ hạnh phúc, thì sự tươi cười của bạn đáng lẽ nên sáng lạn nhất; Lúc mà người ta gặp chuyện thương tâm, thì sự vỗ về an ủi của bạn đáng lẽ nên thật là chân thành thiết tha mới phải...
Cuộc đời vốn dĩ lập đi lập lại những ấn chứng: Ban đêm thì có thể vì việc thêm vào cái lồng lửa mà có được ánh sáng. Việc đẩy lùi tuyết lạnh không vì sự tham dự của gió lạnh mà hóa thành ấm áp. Bởi vì chỉ có thể cùng người ta đi chỉ một đoạn đường, Bạn đáng lẽ cũng nên học cách từ bỏ. Cha mẹ chỉ có thể vỗ về nuôi nấng bạn trưởng thành, không nên kỳ vọng cha mẹ là cái quải trượng (cây gậy) vĩnh viễn của bạn, để có thể chống đỡ toàn bộ cuộc đời của bạn.
Con cái cũng chỉ là cùng liên quan huyết nhục với bạn, chứ không phải là vật phẩm phụ thuộc của bạn, Bạn cần phải biết tôn trọng sự lựa chọn cuộc đời của chúng. Vợ con vì bạn mà cung phụng dâng hiến hết tình ái, nhưng sinh mệnh của nàng không phải là vật phẩm thế chấp của ái tình, nên dành cho nàng những khoảng không gian riêng tư cần thiết. Bằng hữu có thể cho bạn sự ấm áp, nhưng loại ấm nồng này là loại tình cảm mở, bạn không thể cưỡng hành độc chiếm tình hữu nghị của người khác...
Bạn chỉ là người khách qua đường trong cuộc đời của người khác, chỉ có thể cùng người đi cũng chỉ một đoạn đường đời, Điều đó chính là tính hữu hạn mà bạn cho người khác, vậy thì làm sao có thể mong cầu người khác cho đi sự vô hạn được?” (Du Vũ Minh, Chỉ có thể đi cùng bạn một đoạn đường, xem trên mạng)

Quan niệm thế rồi, cũng hãy làm cho mọi người không bị ràng buộc vào thứ gì hết, chí ít là sự ràng buộc vào những gì tệ hại, đầy lỗi phạm. Hãy để mọi người thoát khỏi vòng vây buông toả của đau buồn, rất độc ác. Và, cần làm những gì khả dĩ giúp người trở thành thánh nhân hiền lành, rất thương yêu. Hết mọi người.
Thế đó là nguyện ước của bạn và của tôi ở trong đời. Rất yên vui. Yên và vui, như đấng thánh nhà Đạo từng khuyên nhủ, như:

“Vậy, anh em hãy từ bỏ mọi thứ gian ác,
mọi điều xảo trá, giả hình và ghen tương
cùng mọi lời nói xấu gièm pha.
Như trẻ sơ sinh, anh em hãy khao khát sữa linh thiêng, kông gian dối
ngõ hầu nhờ đó anh em sẽ lớn lên trong ơn cứu độ,
(1P 2: 1-2)

Trẻ sơ sinh hay người lớn tuổi, ai cũng có thể và cũng sẽ là thánh nhân hiền lành, ở trong đời. Nhưng, có tiếp tục sống như thế hay không, đó mới là vấn đề. Sống, là sống như thánh Âu tinh vẫn nhắc nhở: “Hãy cứ yêu rồi sẽ làm điều mình muốn”. Làm điều mình muốn làm, ở đây, là làm thánh cùng với mọi người, và mọi vật.

Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn tự nhắc nhủ lòng mình.
Ra như thế.

No comments: