Saturday 29 September 2012

“Gió, đưa đến hồn tôi,”



Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 27 thương niên năm B 07.10.2012

“Gió, đưa đến hồn tôi,”
“Nhạc chiều, từ viễn khơi,
“hoà theo tiếng hát xa vời,
“nương cánh mây trời, đem đến muôn lời ước nguyền.”
(Nhạc: Enrico Toselli – Lời Việt: Thục Vũ – Nhạc Chiều)
(Cv 8: 9-11)
            “Nhạc chiều từ viễn khơi”, là giòng nhạc có “tiếng hát xa vời”, rồi cứ thế “nương cánh mây trời”, “đem đến muôn lời ước nguyền”. Uớc nguyện hôm nay, là những nguyện và ước rất êm đềm, một tình huống. Ước nguyện lâu rày, còn là nguyện ước có những chiều êm ả của trời đất, rất dễ chịu.
Nhạc chiều viễn khơi, không chỉ là giòng nhạc trổi vào buổi ru hồn tôi, có những tình tiết như:

“Thiết tha giữa rừng thu,
Nhạc chiều là tiếng ru hồn tôi,
trong giấc mơ vàng theo gió trăng ngàn,
đem đến bên nàng tiếng đàn.
Lòng lâng lâng theo cung đàn
chiều vào tơ duyên theo tiếng hát mỹ miều.”
(Enrico Toselli/Thục Vũ – bđd)

            Nhạc buổi chiều, có tình tự êm ả cả nhà quây quần bên nhau trong bầu khí ấm cúng có âm thanh/lời ca vang êm đềm, mỗi buổi chiều. Nhạc êm êm, bầu khí thân thương có gia đình cùng thưởng ngoạn. Thưởng thức cảnh sống vui thần tiên trong đời, được học giả nọ ở Mỹ, lại cho biết:

“Một số các nhà nghiên cứu ở Mỹ đã cho biết: hiện có bằng chứng cho thấy có nối kết chặt chẽ giữa niềm vui sống của con cái ở tuổi “teen” với gia đình của em, khi cả nhà cùng ngồi vào bàn ăn thưởng thức bữa tối, rất êm đềm.      
Nhiều học giả còn coi chuyện ăn tối với gia đình ở tại nhà đã biến bữa ăn này trở thành một thứ “phép mầu thần thông” khả dĩ cứu vãn được tình trạng căng thẳng/trầm thống mà các người cha, người mẹ ở nhà bớt đi một thắc mắc. Nay, phép mầu “thần thông” lại làm cho bậc cha mẹ bớt đi cảm giác phạm lỗi, rất tội.
Tác giả Ann Meier thuộc đại học Minnesota và Kelly Musick thuộc tổ chức Connel vừa phân tích dữ kiện thu thập được từ hơn 18 ngàn bạn trẻ bậc trung học trên toàn nước Mỹ, có nhận định sau đây:

“Qua khảo sát, chúng tôi nhận ra một điều, là: gia đình nào tạo điều kiện để mọi người trong nhà cùng ăn cơm chung với nhau, đó là yếu tố cho thấy gia đình ấy đã đạt niềm vui sống với con cái hầu tránh căng thẳng và giúp cho con mình lánh xa được cố tật nghiện ngập như: bia/rượu, ma tuý và/hoặc tình trạng thiếu niên phạm pháp.
“Phân tách dữ kiện thâu lượm được, chúng tôi thấy là các buổi ăn tối chung với bố mẹ ở nhà đã đánh động mạnh lên đầu óc con trẻ; để rồi, sau này khi khôn lớn, con cái có được cuộc sống chất lượng, quan hệ tốt với mọi tầng lớp xã hội.”

“Ngoài ra, các nhà nghiên cứu Mỹ cũng không loại trừ khả năng cho rằng ăn tối chung với gia đình sẽ gây ấn tượng lên con trẻ, mãi về sau. Đồng thời, các vị lại khẳng định rằng: cha mẹ nào mải miết với công việc làm ăn, cũng nên để giờ ra mà ở với con cái; có như thế, mới học hỏi được điều thiết yếu trong cuộc sống thường nhật, vốn rất cần.” (xem Carolyn Moynihan, Family Dinners Don’t Work Magic, MercatorNet 3/7/2012)

Thật ra thì, “phép thần thông nhiệm màu” không hiện ra ở sự kiện chung vui ăn tối với gia đình, cho bằng vào yếu tố thời gian mà cả nhà bỏ ra để gần gũi nhau. Đó là sự thật rất mực quan trọng trong quan hệ bình thường, ở đời. Nói chữ quan trọng, là bởi: cả khi người người bị cú sét ái tình đi nữa, họ cũng thấy được đâu là “phép thần thông biến hoá” trong trời đất.
Nhưng có điều, là: phép thần thông biến hoá ấy, không tồn tại mãi riêng lẻ chỉ một người mà thôi. Nhưng, lại rải đều với mọi người. Thế nên, vấn đề là: khi nhận phép mầu thần thông biến hoá để thành tình nhân hay vợ chồng, sau đó rồi sẽ ra sao? Ra sao, là ra thế nào khi gặp phải sự thật trần trụi nơi cuộc sống quá bận rộn lại bon chen, chèn lọc, cạy cục. Ra thế nào, khi chỉ vì lý do nào đó, mình và người không còn nhận được ân lộc Bề Trên ban, để rồi khi đó hỏi rằng mình có còn tin vào sức mạnh của phép mầu thần thông biến hoá, nữa không?
Nhiều cặp tình nhân hay chồng vợ vẫn cứ vui vẻ chấp nhận mọi tình huống, cả đến tình huống căng thẳng, trầm thống xảy ra với mình, để rồi coi mọi sự như “phép thần thông” nhận từ trên. Ngược lại, nhiều cặp và nhiều người vẫn trông đợi vào “phép thần thông biến hoá” của ai đó, mà tự thân chẳng có cố gắng nào hết.
Nói cách khác, họ vẫn cầu và vẫn xin để có được “phép mầu” đến với mình. Bởi thế nên, mới chăm chỉ “cầu kinh”. Bởi vậy, đấng bậc vị vọng thời xưa cũ mới đặt ra cái-gọi-là “kinh cầu”, như: cầu hồn, cầu chữ, cầu đủ thứ đến thiên thu. Nói chữ “thiên thu”, là vì nhiều cụ và nhiều vị lâu nay cứ chạy theo các diễn biến thời thượng để tìm ra ơn đặc sủng gửi đến cho riêng mình qua kinh cầu này khác, để rồi cứ tưởng rằng phép mầu ấy/”sự lạ” này nó sẽ xảy đến dài dài, không đứt đoạn.
Nói cho cùng, phép mầu thần thông trông giống phép lạ, phép nào cũng cao cả, khiến người đi Đạo luôn thất thần mà kiếm tìm và chạy đến. Thế nhưng, ở đây, nghệ sĩ ngoài đạo nhận ra được điều lạ kỳ, gọi được là phép mầu thần thông, ở thi ca/âm nhạc có những câu:

“Người hỡi cánh chim bay lưng trời
mang muôn ý thơ về khơi.
Nhạc thiêng trong ngàn lá…
(Enrico Tocelli/Thục Vũ – bđd)

            Nghệ sĩ nhà ta thường gọi: “Nhạc thiêng trong ngàn lá…” mà, người đời lại cứ tưởng đó là tiếng lạ được gió mang theo ân huệ lạ thường, mình vẫn mong.
            Thông thường, người đời cứ là hay tìm của lạ, như chuyện lạ kỳ ít thấy. Để rồi, coi đó là “phép mầu” lạ lùng, gửi đến cho mình. Ai chưa được, hoặc chưa có nhưng vẫn muốn nhận, nên cứ xin. Xin ráo riết, liên lỉ để được dấu lạ, ít ai có. Và, thế là người đi Đạo lại hành xử như người đời xưa, đến độ thánh nhân còn ghi nhớ:
             
            “Trong thành ấy, có một người tên là Si-môn,
vốn dùng phù phép làm cho dân Samari kinh ngạc.
Ông ta xưng mình là một nhân vật quan trọng,
và mọi người từ nhỏ đến lớn đều chú ý đến ông.
Họ nói: "Ông này là Quyền năng của Thiên Chúa,
Quyền năng được gọi là "Vĩ đại"."
Họ chú ý đến ông,
vì từ khá lâu
ông đã dùng phù phép làm cho họ kinh ngạc.”
(Cv 8: 9-11)

            Do bởi tính phàm trần còn rớt lại, nên dân con nhà Đạo thời nay lại có những hành xử chẳng khác nào người xưa ở điểm này, là: cứ kiếm tìm sự lạ, chuyện lạ, tức “phép mầu thần thông” dành cho mình, nên cứ chạy theo đủ loại phong trào/sự thể . Đủ mọi dấu chỉ cho thấy ở đây/nơi đó có “phép mầu” chữa lành đủ mọi bệnh, mà không ngờ rằng bậc hiền nhân trong Đạo, từng cảnh giác.
            Vừa qua, bần đạo bắt gặp được tư tưởng rất chính đạo của đấng bậc chuyên viết suy niệm trong tờ “Bản tin Giáo xứ” ở họ đạo lẻ, nơi lộ tẻ, như đoạn sau đây:

“Người đời nay hay đi tìm dấu chỉ thời đại về phép mầu lạ lùng ở đâu đó, nào đã biết rằng: dấu chỉ rất “phép mầu” về lòng tin-yêu. Tin vào sức bổ dưỡng có từ Bên Trên. Tin vào tình thương yêu đặt để nơi mọi người, ở khắp chốn. Từ cơ quan, công xưởng cho chí gia đình/chòm xóm. Tinh ý hơn, ta sẽ nhận ra tính trung thực nơi lòng thuỷ chung vào tính chất “chết đi cho tính “lăng xăng tìm chuyện lạ, và phép lạ ở đâu đó” chứ không giết chết chính mình. Ở đây nữa, ta được dặn dò chỉ nên thực hiện vế trước, tức chết đi cho tính tình không phải lẽ. Chứ đừng bị lôi cuốn vào vế sau, là “tự giết chính mình” bằng các hành xử không phải phép, dù hấp dẫn. Chết đi cho chính mình, là: dẹp bỏ bản ngã mang tính phù thuỷ/dễ tin, cần cải thiện. Chức không phải là chết cho thân xác bằng các hình thức này khác. Cũng chẳng là: chết đi cho cuộc đời, cùng với mọi người sống cho phải Đạo.
Trong cuốn sách do mình viết với lời tựa: “Các nhân đức cần thiết để tín hữu của ta có được cuộc sống bình thường, không phù phép”, tác giả James Keenan đã khẳng rằng: ‘Thuỷ chung với Chúa, là lằn ranh đậm nét nơi cuộc sống của tín hữu Đức Kitô. Tác giả còn biện luận là: Giáo hội ta bỏ ra quá nhiều giờ để giảng giải về sự bất trung của con người khi chạy theo phép mầu cùng sự lạ xảy ra đây đó. Nhưng lại có ít thời gian để nói về chuyện củng cố lòng chung thuỷ, sống đúng Đạo.’
Ông còn nói: đời người, ai cũng có hai mục tiêu nhắm vào lòng đạo, đó là: sự chung thuỷ và lòng công chính. Chung thuỷ với Cha, với Chúa. Thuỷ chung với mọi người. Đó là những gì tóm gọn đều Chúa từng làm để cứu độ mọi người. Và, cũng là điều mà Ngài hằng kêu gọi dân con đồ đệ ở Phúc Âm đừng tìm “dấu lạ/phép lạ” ở đâu khác. Có lẽ, vì ta quá dễ dàng tin người khác nói, quên đi những điều Chúa dạy để cứ cho rằng chung thuỷ với bầu bạn là vấn đề đạo đức, khó hoàn thành.
Một khi ta thấy đuợc tình bằng hữu là phép lạ Chúa ban cho, lại là chìa khoá gỡ mở cuộc sống đạo đức, thì khi ấy ta sẽ thấy rằng sống đời đạo đức không còn là chạy theo tin đồn ở đây ở đó về phép lạ, sự lạ mà chỉ là chuyện tương tác với người khác, trong cuộc sống thường nhật. James Keenan lại cũng viết: “Để đạt tới đó, có lẽ ta cần gọi nhau cho thật nhiều. Thư từ cho thường xuyên. Nấu nướng cho nhau ăn nhiều hơn. Tản bộ dài và lâu hơn. Hoặc, nán lại ở với nhau lâu hơn để gần gũi bạn bè. Và có lẽ, ta cũng nên cởi bỏ những thói tật của chính mình. Những tật và những thói như: chỉ biết cân đong đo đếm điều người khác đã làm hoặc không làm như mình. Bỏ cả thói quen không tốt lành như chạy theo tìm kiếm việc lạ, sự lạ, đến rối bời…”
Tóm lại, chung thuỷ với Chúa vẫn hiện diện nơi người đồng loại, là biết đáp ứng lời gọi mời đặt tình thuỷ chung/bằng hữu vào trọng tâm của cuộc sống rất đạo đức, chứ không phải những chuyện bề ngoài, thoáng qua, non trẻ. Biết sống đích thực như lời Chúa dạy: đừng tìm kiếm các dấu chỉ hoặc sự lạ ở đâu khác. Vì sự lạ lớn nhất chưa từng thấy trong đời, là: Chúa đã chết đi để rồi Ngài sống lại cho ta, cho bản tính vớ vẩn hoặc non trẻ ở nơi ta.” (x. Lm Richard Leonard sj, Suy Niệm Chúa Nhật thứ XXI thường niên năm B, Bản tin Giáo xứ Fairfield Sydney 26/8/2012)

            Trích dẫn lời của đấng bậc ở Úc rồi, bần đạo thấy chưa thoả, vẫn còn muốn kể lại nhận định của một bạn hiền nọ người Úc có chồng Việt tên Nguyễn Văn Hiển sống ở Baulkham Hills Sydney đã thành thật trả lời sau khi bần đạo chia buồn cùng chị, rằng: “Cho đến bây giờ tôi vẫn học được nhiều điều từ ông chồng người Việt của tôi, đó anh.” Chị nói thêm: “Một trong những điều chị học được là đức tính thân thiện, thuỷ chung cả với bạn bè chứ không chỉ với vợ mình mà thôi.”
            Câu nói của bạn hiền người Úc cón có nghĩa: thuỷ chung tình bạn với bầu bạn và với Chúa không chỉ có nghĩa trong hành xử thường xuyên ca tụng, ngợi khen bạn hiền mình, dù khác sắc tộc. Nhưng còn ở tính chân phương thuỷ chung với bạn hiền. Chứ, không còn muốn tìm của lạ, sự lạ hoặc phép lạ nào khác. Dù sự lạ ấy, phép mầu này có mang danh từ rất mỹ miều, hoặc huê dạng cách mấy cũng mặc.
            Để minh hoạ cho những điều vừa nói ở trên, đề nghị bạn/đề nghị tôi, ta quá bộ đi vào “gia trang” có những truyện kể nhè nhẹ, nhưng tâm đắc. Tâm rất đắc, ở cả những điều lâu nay mình nghe quen quen, cũng rất thường, như sau:

            Truyện rằng:
Có anh chồng được vợ dặn nhiều lần về một bí quyết sống hạnh phúc trong đời là đừng nên tìm kiếm phép mầu rất lạ, chuyện lạ hay của lạ, thế mà vẫn cứ quên. Hôm ấy, để thử lại trí nhớ của đức ông chồng, người vợ bỗng dưng chạy đến bên chồng rồi hỏi:  
-Anh, anh thấy cái Phương kia có xinh xinh đến lạ kỳ không ?
- À, nhìn kỹ anh thấy cô ấy cũng xinh xinh..
- Hả, bộ anh muốn chết hay sao mà dám khen nó xinh đẹp trước mặt em. Có tình ý gì với nó thì đi yêu nó luôn đi.
            Hôm khác, cô vợ lại thủ thỉ vào tại chồng, hỏi:
- Anh, hôm nay anh có thấy cái Phương xinh không ?
- Không, anh thấy cô ấy cũng bình thường, thôi.
- Này! Anh đừng có mà dối lòng, nó xinh như thế mà lại chê ỏng chê eo à? Sao không dám thừa nhận là anh cũng thích nó, nói huỵch toẹt đi cho rồi còn úp mở gì nữa hả ?
            Hôm khác, để xem chồng mình có còn nhớ lời vợ dặn đừng tìm của lạ nữa hay không, cô lại hỏi:
- Anh à, anh thấy cái Phương dạo này vẫn xinh đấy chứ nhỉ?
- À, nhìn cũng xinh xắn đấy nhưng với anh, thì em là người tuyệt vời nhất.
- Uả, sao tự dưng nay lại nịnh vợ đến thế nhỉ? Hãy khai mau đi, anh vừa mới làm điều gì có lỗi với vợ rồi phải không?
Theo cái đà hôm trước, nay cô vợ lại giả vờ õng ẹo hỏi đức ông chồng mình câu nghe rất quen:
- Kìa anh, hôm nay anh thấy cái Phương xinh đẹp thế nào?
-...
- Anh, anh có thấy cái Phương xinh đẹp mặn mà không ?
-...
- Ô sao không trả lời? Trả lời mau lên không em đập chết tươi ngay bây giờ!…

Thêm một truyện kể khác:

Mấy ngày sau khi đọc xong quyển "Làm thế nào để trở thành người Đàn Ông trong gia đình", lão nọ chạy vào trong bếp chỉ tay vào mặt vợ hét lên :
- Bắt đầu từ giờ phút này tôi là chủ trong gia đình này, lời nói của tôi là mệnh lệnh bà chỉ có quyền nghe chứ không có quyền cãi. Sau ngày dài làm việc mệt mỏi bà phải sửa soạn cho tôi một bữa cơm thật thịnh soạn. Xong rồi bà đi đổ cho tôi một bồn nước ấm để tôi thoải mái trong khi bà rửa chén. Khi xong bà phải lau người và tẩm quất cho tôi cho đến khi tôi ngủ, bà nghe rõ chưa? Bà biết, sáng mai ai sẽ là người tắm rửa, thay quần áo và chải tóc cho tôi rồi chứ?
Không ngửng đầu lên bà vợ trả lời :
-          Biết rồi! Người đó là thằng cha chuyên môn tẩm liệm xác chết ở nhà xác đô thành, chứ gì?...”
Người kể hôm nay, tóm lại một triết lý rất để đời rằng: Muốn sống cho êm đẹp cuộc đời, hãy nhớ một nguyên tắc sống, là: Điều gì vợ nói, đều rất đúng. Kể cả chuyện: đừng bao giờ tìm cách chạy theo người khác, đua đòi tìm của lạ. Có ngày không bêu đầu sứt trán, cũng rối bời.” (Trích truyện kể ê hề trên mạng)

            Nói cho cùng, thì: phép mầu trong Đạo, không nằm ở những gì mới lạ xảy đến với mình và cho bạn bè mình, cũng rất ít. Nhưng đúng hơn, “phép mầu thần thông” trong Đạo vẫn là và phải là hành xử dám chấp nhận cái chết cho mình hiện rõ nơi những sự, những việc hoặc những người bình thường dù quá cũ, thấy rất quen. Phép mầu/sự lạ xảy đến với mình, còn là: hãy trỗi dậy cùng với Chúa ngay vào lúc thấy đời mình cũng rất chán. Chán, những gì xưa cũ/cổ lỗ, đến ngán ngẫm. Có thế, mới là người đi Đạo, giữ Đạo đích thực của Đức Chúa rất Kitô.
            Quyết thế rồi, hỡi bạn và tôi, ta hãy cùng người nghệ sĩ, hát theo lời ca văng vẳng ở đâu đó:

                        “Lòng lâng lâng theo cung đàn chiều
                        Vào tơ duyên tiếng hát mỹ miều.
                        Người hỡi! cánh chim bay lưng trời mang muôn ý thơ về khơi,
                        Nhạc thiêng trong ngàn lá
                        Êm êm xuôi theo lời ca
                        Đẹp màu không gian,
                        Đẹp muôn phím tơ vàng
                        Đẹp như ánh trăng soi lầu ngà
                        Theo tiếng Thu về trong chiều tà…”
                        (Enrico Toselli/Thục Vũ – )

            Tiếng Thu ấy, tơ vàng này vẫn là những lời nhủ khuyên của Đấng Thánh Hiền gửi bạn/gửi tôi từ buổi đó. Rất nhiệm mầu, thần thông, cần gì kiếm tìm ở đâu khác.

            Trần Ngọc Mười Hai
            vẫn nhủ lòng mình
những điều như thế khi nghe tin bạn
cứ chạy theo phép mầu sự lạ,
cũng rất lạ.

No comments: