Saturday 8 September 2012

“Vì đâu, cho lòng tràn đầy thương đau?”


Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 24 thương niên năm B 16.09.2012

“Vì đâu, cho lòng tràn đầy thương đau?”
“Vì đâu, cho đời ta xa cách nhau.
 “Ngày trôi, xoá tình duyên cũ nghĩa xưa,
đắm chìm theo lớp gió mưa, trong cõi xa mờ.”
(Nhạc: Hoàng Trọng/Lời: Hoàng Dương – Nhạc Sầu Tương Tư)
(1Ga 5: 16-17)
            Gọi đó là “Nhạc sầu tương tư” sao, khi nghệ sĩ lại cứ bảo: “lòng tràn đây thương đau”, “cho đời ta xa cách nhau”, “ngày trôi, đắm chìm trong lớp gió mưa”, “trong cõi xa mờ”? Thật ra thì, khi nói và hát những lời buồn như thế, thấy cũng “tội”. Tội, cho người nghe phải lời thơ có ca từ như sau:

            “Chiều rơi, cho lòng lạc loài chơi vơi.
            Ngày rơi, ai buồn giây phút qua rồi.
            Thời gian, luống phụ cho ai mãi đâu,
            luống hận cho ai mãi đâu, muôn kiếp u sầu.”
            (Hoàng Trọng & Hoàng Dương – bđd)
            U sầu một kiếp, đã thấy sợ. Thế mà, người nghệ sĩ lại hát những là “muôn kiếp u sầu”, phải chăng đó mới tội? Bởi, tội là tội nhận chìm người muốn sống cứ phải ủ rũ chốn u sầu, xa cách! Và do tội, chứ không do “thời gian” khiến “luống phụ cho ai mãi đâu”, rồi cũng “u sầu”, “luống hận”, và lại “lạc loài chơi vơi”, tất cả là do người cứ ngồi buồn nghĩ ngợi, rồi đổ “lỗi” và vấy tội không đúng, mới nên cớ sự chăng?
            Có thể là, khi bàn về “tội”, người bàn thường hay nhìn sự việc theo kiểu lạ và kỳ. Lạ, là bởi: nhìn cách nào đi nữa cũng vẫn lên án người trót dại, lầm lỡ rất nhiều lần.
Hôm nay, bần đạo ngồi buồn muốn mời bạn và tôi, ta đi vào vườn phiếm có chuyện Đạo/đời dễ đưa đến ngộ nhận về cái-gọi-là “tội” và “lỗi”, rất rối bời. Nhưng, trước khi đi vào những chuyện nghiêm chỉnh, nghiêm túc và hơi “nghiêm nghị” này, cũng lại đề nghị ta tạt qua vườn hoa “truyện kể” để thư giãn bằng truyện kể rất như sau:

            “Một anh mù đến từ giã bạn hiền. Người bạn bèn tặng anh cây đèn lồng. Anh mù cười, rồi hỏi:
            -Tôi đâu cần lồng đèn làm chi. Với tôi, sáng hay tối có gì khác nhau.
            -Tôi cũng biết. Nhưng nếu không mang nó theo, trong bóng tối người khác sẽ đụng vào anh.
            -Ồ, vậy thì được. Tôi sẽ nhận.
            Đi một đoạn, bất ngờ anh mù bị một người khác đâm sầm vào mình. Thấy bực, anh bèn quát:
            -Bộ không thấy đèn hả?
            -Tôi xin lỗi. Nhưng, hình như đèn của ông đã tắt từ khuya rồi thì phải….”

            Đọc xong truyện, ta đi vào nhận định của đấng bậc vị vọng vẫn nhấn mạnh chuyện “tội” như sau:

“Về tội, Hội thánh có thói quen tuỳ tính cách nặng/nhẹ và hậu quả nó lôi kéo, định ra hai loại tội là: tội trọng và tội nhẹ. Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có đề cập đến “tội” ở đoạn 17 trong Tông thư ngài viết năm 1984 có tên là “Reconciliatio et penitentia” (tức: Hoà giải và Sám hối) trong đó ngài đề cập đến đôi ba chi tiết rút từ sách Cựu Uớc nói về hành xử bất toàn như sách Lêvi từng bàn về ngẫu tượng (Lv 19: 4), hoặc việc thờ ngẫu thần (Lv 20: 1-7), vv… tất cả sẽ kéo theo hình phạt đổ lên đầu những người làm quấy và việc đó có nghĩa người phạm tội này sẽ bị lên án đến chỗ chết (Xh 21: 17). Nói cách khác, tội trọng là tội dẫn đến chỗ chết.
            Về Tân Ước, Đức Giáo Hoàng cũng có bàn về hai đoạn thư của thánh Gioan tông đồ phân biệt tội nặng là tội dẫn đến chỗ chết và tội kia không gây chết chóc gì hết, tức tội nhẹ.
Đức Giáo Hoàng lại cũng bảo: “Thánh Gioan nói về tội dẫn đến cái chết là tội trọng (pro thanathon), đối chọi với tội không gây chết chóc là tội nhẹ (me pros thanaton) (xem 1Ga 5: 16t). Rõ ràng, ý niệm về sự chết ở đây là cái chết về mặt linh hồn. Là, mất đi sự sống đích thật hoặc “sự sống đời đời mà theo thánh nhân là nhận biết Chúa Cha và Chúa Con (x. 1Ga 17: 3) và sự hiệp thông mật thiết với các Đấng.”
Ở đoạn khác trong Tin Mừng, chính Chúa có nói đến tội “lộng ngôn phạm đến Thánh Thần Chúa thì không thể nào tha thứ được.” (Mt 12: 31tt) Bởi, việc này bao gồm sự từ chối không chịu quay về lại với tình yêu đầy lòng xót thương của Chúa. Đức Giáo Hoàng cũng nói: “Trường hợp này, người mắc tội dù đã chối bỏ cội nguồn của ơn tha thứ, vẫn còn hy vọng được ơn cứu rỗi đi vào cõi đời đời: “Vẫn có hy vọng, là: rất ít người chống trả đến phút chót cuộc đời mình bằng thái độ nổi loạn hoặc khinh khi Chúa. Dù có thế, Thiên Chúa đầy lòng xót thương vẫn cao cả hơn lòng dạ con người như thánh Gioan dạy ta như thế (x. 1Ga 3: 20); và ta vẫn thắng được mọi chống đối mang tính tâm lý và siêu nhiên”. Chính vì thế, thánh Tôma Akinô lại cũng viết: “xét về quyền uy cao cả và lòng thương xót vô bờ bến của Chúa, thì đừng ai thất vọng về ơn cứu độ gửi đến mọi người ở đời này.” (x. Tôma Akinô, Thần Học Tổng Hợp quyển II-II đoạn 14, câu 3)
Từ đó, Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II còn nói rõ: “Qua ánh sáng được Thánh Thần Chúa soi dọi và theo các đoạn viết trong Kinh thánh và theo các bậc tiến sĩ hội thánh, các nhà thần học, đấng bậc thày dạy về phần linh hồn, theo các mục tử trổi trang cũng như Giáo Huấn Hội thánh, thì ta có thể chia tội làm hai loại: tội trọng và tội nhẹ. Xét hậu quả của tội, thì tội nặng làm cho người mắc phạm bị mất đi tình trạng sống thánh-hoá, tức mất thân thiện với Chúa, lòng bác ái và từ đó không còn được hạnh phúc vĩnh cửu, trong khi đó, tội nhẹ thì không thế.”
Nói cho cùng, thì tội dù nặng/nhẹ vẫn làm mất đi sự sống có ơn thánh Chúa.” (xem Lm John Flader, Question time, The Catholic Weekly 08/3/2009, tr.10)

Như đấng bậc vị vọng ở Úc đã phân tách tính nặng/ nhẹ của tội là không còn ở vào tình trạng lành thánh hoặc mất đi ơn huệ Chúa ban, mà thôi. Nhưng, nhiều vị vẫn cứ ưu tư/trăn trở về hậu quả của lỗi tội nặng có làm mất đi cơ hội được “lên thiên đàng” hay không, thì mới đây đấng bậc lại thêm đôi lời sau đây:

“ Điều cần nhớ, là: dù có phạm tội trọng khiến ta chết về mặt thiêng liêng đi nữa, thì tội ấy cũng không đẩy người mắc phạm xuống địa ngục, mà khiến họ chết mãi về mặt thiêng liêng không còn tìm cách hối cải, mà thôi. Sách Giáo Lý Hội thánh Công Giáo có định rõ: “Người nào chết trong lúc còn trong tình trạng mắc tội trọng mà không có lòng hối cải và chấp nhận tình thương yêu của Chúa, có nghĩa là người ấy sẽ mãi mãi xa cách Chúa suốt đời họ, do họ chọn.” (x. GLHTCG đoạn 1033)
Xem thế thì, điều cần nhớ, là: tình yêu đầy lòng xót thương của Chúa làm cho người mắc tội dù cứng cỏi đến đâu đi chăng nữa vẫn có thể hối cải, để họ không đi vào cõi chết. Nếu ai mắc nhiều tội trọng suốt đời mình và chỉ hối cải vào phút chót thôi, thì người ấy vẫn được cứu vớt. Tuy nhiên, ta cũng nên nguyện cầu và làm mọi sự để giúp những người mắc tội trọng như thế mau cải hối, ngõ hầu họ có thể trải nghiệm tình yêu đầy xót thương của Chúa càng sớm càng tốt; và như thế, họ không phải chịu đựng những điều hại do tội gây ra cho họ và cho người khác.” (x. Lm John Flader, The Catholic Weekly 27/3/2011, Question Time tr. 10)

            Nói như người đời, ngoài Đạo, về tình trạng đau buồn của cuộc đời vì sao đó, còn là nói bằng tiếng hát, rất như sau:
            “Chiều ơi, trôi về miền nào xa xôi,
            Tìm ai tiếng lòng thổn thức vẫn dài.
            Tình ơi, mắt lệ chan chứ khắp nơi,
            Gió đừng khóc nữa gió ơi!
            Tan nát tơi bời.”
            (Hoàng Trọng/Hoàng Dương – bđd)
            Nói và hát như người đời, là hát và nói trong tâm trạng lã chã đau thương suốt một thời. Thời, có tình huống tâm can sao xuyến, những khóc than. Khóc, với gió. Than, với mây trôi, tơi bời. Nhưng, nói về tội không chỉ nói mỗi thế. Nói về tội, cũng nên tìm về giòng sử Đạo có quan niệm tội và lỗi hơi khác luật đời. Tội đây, dù nặng/nhẹ vẫn không kéo theo một trừng phạt như luật đời. Tội đây, theo quan niệm của người xưa, ở Do thái, được đấng bậc nọ từng ngược giòng sử Đạo đã mạo muội ghi lại như sau:
“Khái niệm về tội –trước nhất là khái niệm tôn giáo có đính kèm cơ phận tâm lý- xuất từ các nền văn hoá trong đó dân chúng sở tại từng sống với nó. Nói cho rõ, thì cơ bản đây chỉ là sáng kiến của con người. Nó chẳng bao giờ là khái niệm sạch sẽ về chính nó. Nó được đưa vào và diễn nghĩa bằng ngôn từ riêng rẽ như một loạt các hành xử đã có sẵn trong bối cảnh văn hoá của xã hội nào đó rồi. Nói cách khác, khái niệm về “tội” từng có lịch sử của nó.
            Kinh thánh của người Do thái có cho thấy người Do thái xưa hiểu về tội qua các truyện kể. Và chìa khoá của mỗi truyện là một tập hợp gồm các ẩn dụ ghi trong đó. Tội là sự việc mang tính xác thực được hiểu theo cung cách xác thực. Bởi, ẩn dụ là những gì rất thể chất, như: một vết dơ cần tẩy sạch, một gánh nặng cần mang đi, món nợ cần trả hết.
            Ẩn dụ nào có ưu thế vượt trội sẽ đổi thay khi nền văn hoá của nơi đó thay đổi. Trong Kinh thánh của người Do thái, cũng đã có đổi thay, cách mạng và biến đổi đến độ rạn nứt trong hiểu biết về “tội”, đặc biệt là khi bắt đầu thời kỳ đền thờ Giêrusalem được dựng vào lần thứ hai và cứ thế tiếp tục nằm trong mạch mới cho đến thời của Chúa, là Đấng đã thực sự biến đổi đến cực kỳ.
            Đức Giêsu quan niệm có sự khác biệt giữa người bình thường và người xấu xa hoặc tội lỗi.Ngài không nhìn người bình thường như kẻ xấu xa, hoặc có tội. Quả thật, là nhiều thức giả thường có thói quen nói về những con người bình thường (tiếng Do thái gọi là ‘amme ha-arets’) và người có tội đều cùng một thứ như Đức Giêsu nhìn họ và nói với họ. Điều này, phải đặt lại. Bởi, nó do người đọc các truyện kể thời cổ xưa nhưng lại theo đầu óc đầy thành kiến của người thời đại.
            Tác giả E.P.Sanders từng vấn nạn và đã khiến cho một số nhà thần học đâm sửng sốt khi ông bảo là cụm từ “người có tội”mà Đức Giêsu nói không thể áp dụng cho người bình thường được. Cụm từ ấy chỉ có nghĩa họ rõ ràng là người xấu xa dám tách rời mình khỏi nghĩa thực cùng chiều hướng xấu ở Luật Torah. Thật ra, Chúa không coi người bình thường trong dân giống như thế. Và lập trường của tác giả E.P. Sanders ở đây là lâu nay không thấy ai nêu lên lời Chúa kêu gọi mọi người hãy hối cải về lòng Đạo trên bình diện cả nước, ngõ hầu chuẩn bị cho Nước Trời đang trờ đến.
            Thật sự thì, Chúa không tập trung vào hành xử của cá nhân dù việc ấy xấu hay tốt, hoặc vào hành xử xấu/tốt định nghĩa đúng theo luật Torah hoặc theo giải thích bằng miệng của ai đó. Ngài yêu cầu con dân Ngài hãy có động thái của sự sống, gọi là “no-ia” theo Tân Ước viết bằng tiếng Hy Lạp. “No-ia” đây là cung cách nhìn vào thế giới loài người. Ngài vẫn muốn có một “no-ia” hoàn toàn mới và khác hẳn, mà tiếng Hy Lạp gọi là “meta-noia” khiến ta có thể chỉnh sửa thế giới có trong đầu họ. Và như thế, “tội” của con người vào thời đó là có một “noia”-thế giới thật xấu xa. Sống đúng luật Torah, với người Do thái, là sống một “thế giới” thực sự tốt. Sống phù hợp với luật này là kết quả của “thế giới” thật rất tốt.          
            Với tác giả James Crossley thì lại khác. Ông lại nghĩ: với Đức Giêsu, người có tội thật ra là người có của. Tức, những dùng tiền bạc mà o ép người khác. Làm giàu, là lợi dụng người nghèo. Là “noia” rất xấu xa. Chính vì lý do đó, mà Đức Giêsu bảo người giàu có là những người mắc bệnh cần tìm thầy thuốc để được chữa. Chính vì thế, mà Ngài còn nói người giàu có vào Nước Trời còn khó hơn lạc đà chui qua lỗ kim, dù đây chỉ là ẩn dụ. Thực sự, Đức Giêsu chống lại tiền của. Ngài lật bàn đổi tiền ở đền thờ. Ngài không muốn đền thánh Chúa ngự trở thành ổ chuột của dân buôn tiền. Điều Chúa làm ở đền thờ, chỉ là động thái biểu trưng của việc phá huỷ đền thờ, mà thôi. Tác giả Craig Evans, thậm chí, có ghi: Đức Giêsu, giống như ngôn sứ Giêrêmya luôn chống đối sự giàu sang của đền thờ và việc các vị thày tư tế ở đền thờ lợi dụng kinh tế của người dân. Và, chính Chúa cũng đả phá đám luật sĩ cứ moi móc tài sản, tiền tài của các bà goá đến tận xu.
            Thành thử, đấu trường đích thực của “tội” là tiền bạc. Chính nơi đó, ta cần có “meta-noia”. Và lịch sử sau này, Hội thánh lại đã coi dục tình là chính tội lỗi của con người. Chính vì thế, mà Tin Mừng bản Bảy Mươi yêu cầu người có tội hãy cải hối bằng cách bố thí, giúp người nghèo, như hành xử trỗi dậy mà sống lại khỏi môi trường đầy tội, là cái chết. Chính vì thế, hai chuyện được gộp một, ở đây.” (xem Lm Kevin O’Shea, giáo án I Beg Your Pardon dạy ở Đại Học Công Giáo Úc, Sydney hôm 26/5/2012, tr. 10-15)      

Dù gì đi nữa, khi nói về nguyên do làm ta và người ra xa cách, vẫn là nói về tình huống khiến tâm can ta trĩu nặng, nên mới hát những lời thấm thía của người nghệ sĩ từng viết lên ca từ như sau:
            “Mây trôi bơ vơ mang theo niềm nhớ,
            Ánh trăng vàng úa soi bóng hình ai phương trời nào đây.
            Môi em thơ ngây, mái tóc vương dài.
            Đôi mắt u buồn lệ thắm đêm nào ướt hoen khăn hồn.”
            (Hoàng Trọng/Hoàng Dương – bđd)

            Nói và nhận định như người đời về “tan nát tơi bời” “tiếng lòng thổn thức những vắn dài”, vẫn khiến người ở trong tâm trạng buồn tình, lại nghĩ ngợi đầy những hỏi han như sau:
            “Vì đâu, cho lòng tràn đầy thương đau?
            Vì đâu cho đời ta xa cách nhau?
            Ngày trôi xoá tình duyên cũ nghĩa xưa
            Đắm chìm theo lớp gió mưa, trong cõi xa mờ.”
            (Hoàng Trọng/Hoàng Dương – bđd)

Nói cho cùng, có hát xướng/ngâm nga lời thơ ai oán/tả tình, cũng chỉ để nhắn người và nhắn mình rằng: còn đó nỗi niềm hy vọng ở đâu đó, có Chúa hiện diện. Nói cho đúng, thì tội hay lỗi chỉ là sơ xuất nặng/nhẹ ta không kịp kềm chế, nên mới ra như thế. Có sơ và xuất, nếu quan niệm như người xưa vẫn nói: “Nhân chi sơ tính bản thiện”, thì hành xử ấy nặng nhẹ đến chết người như truyện kể ở bên dưới, cũng chẳng làm ai thất vọng vì đời mình còn nhiều cơ hội:

“Có cặp tình nhân nọ, đi thăm vùng đầy tuyết ở Seattle, trong hai tuần. Để tỏ bày sự thân tình trìu mến, họ gọi nhau bằng vợ bằng chồng, thật gần gũi. Từ nơi đây, họ còn lên kế hoạch men theo tuyến đường phía Nam đi xuống Florida để có thêm chút ánh sáng mặt trời. Người chồng, ngưng mọi công việc từ mấy ngày trước đã trực chỉ về biển bờ Miami, nơi đó sẽ gặp vợ hờ, ngay hôm sau.  
Cả hai trông mong sẽ có thời gian dài ở bên nhau, thật hấp dẫn để vui hưởng ánh mặt trời, chói sáng. Nhưng không may, có chuyện ngoài ý muốn xảy đến ngay trên tầu, người chồng được bảo: có lẽ anh phải chờ qua đêm, vì món rượu mạnh anh vừa uống. Anh tìm cách khiếu nại lên Trưởng Phòng ở nơi đó, nhưng vô hiệu. Kịp đến khách sạn, ngày hôm sau, anh khám phá ra rằng Miami biển lặng vừa có cơn sóng mang giòng nước nóng đến mang cả thời tiết lên cao đến độ không ai chịu nổi, ngược hẳn thời tiết lạnh, ở Seattle. Người tiếp tân ở quầy khách sạn cho hay, vợ anh sẽ đến kịp, như dự định.
Anh nóng lòng chờ đến độ phải chay ngay biến xuống hồ bơi, để lấy lại hơi mát rượi cần có, và vội gửi cho vợ một điện thư. Thư điện của anh lại được chuyển đến nhà của phu nhân đấng bậc giảng thuyết vừa qua đời, một ngày trước đó, vì đột quỵ. Khi vị phu nhân mở điện thư ra đọc, thoáng chốc bà nhìn vào màn hình vi tính, bất chợt kêu lên một tiếng thất thanh, rồi gục đầu tắt thở, ngay tại chỗ.
Gia đình nghe động vội chạy vào phòng xem cớ sự, bắt gặp bức điện thư ngắn ghi rõ từng chữ trên màn hình:“Gửi người vợ thân yêu nhất của anh, ra đi hôm qua như em biết đấy, vừa kịp đến mới xong phần khám xét. Đôi chút hiểu lầm ở ngang cửa. Khiếu nại bị bác bỏ. Vừa được xác nhận em sẽ đến đây vào ngày mai. Chồng yêu quý của em. Chú thích: Mọi sự không như chúng mình nghĩ. Em sẽ rất đỗi ngạc nhiên về sức nóng, ở dưới này.

            Sơ xuất có là tội nợ, nặng như thế? Sơ và xuất, trong sống đời đạo hạnh, còn để sống không ưu tư/thắc mắc, dù thắc mắc ấy có phản chống đạo làm người? Chí ít, là đạo làm người đi Đạo và giữ Đạo như Đấng Thánh Hiền vẫn từng nhủ khuyên, như sau:

                        “Có một thứ tội đưa đến cái chết,
tôi không bảo phải cầu xin cho thứ tội ấy.
Mọi điều bất chính đều là tội,
nhưng có một thứ tội không đưa đến cái chết.”
(1Ga 5: 16-17)

            Thế đó, là lời nhủ của bậc thày gửi mọi tín hữu như tôi/như bạn, hôm nay. Suốt mọi ngày.

            Trần Ngọc Mười Hai
            Chừng như đã tìm ra điều gì,
            nơi tâm tư nhà đạo,
trong ngoài Đạo.

No comments: