Friday 7 December 2007

Cầu xin hay khấn nguyện cũng đều chúc tụng Thiên Chúa

(2Ks 29: 10-11)

Chủ nhật trước, toàn thể Giáo hội đã về mừng lễ Chúa Thăng Thiên Về Trời. Với họ đạo lẻ Sydney, ban chủ trì mục vụ ở đây đã có buổi giới thiệu ngắn chừng mươi phút kêu mời giáo dân trong xứ tham gia Đạo Binh Đức Mẹ. Trong điều lệ hội viên, có thành phần gọi là “Tán trợ”, tuy không hăng say, năng nổ nhưng rất kiên trì. Kiên trì cầu nguyện. Kiên trì lần chuỗi Mân Côi mỗi ngày, như một lời cầu nguyện. Nguyện cầu, để hỗ trợ cho Đạo Binh của Mẹ được thêm Xanh. Thêm hùng hậu.

Cũng vừa rồi, trên mục hỏi đáp của báo The Catholic Weekly Sydney số 4365 ngày 13/5/2007, có một thắc mắc liên quan đến kinh điển trong nguyện cầu, như sau:

Anh em Tin Lành và Công giáo chúng ta có thói quen dùng ngôn từ khác nhau đặt thành lời kinh, dâng Chúa. Bên Tin Lành, mỗi khi cầu nguyện, anh em bên ấy còn thêm vào cuối lời nguyện, những câu nghe cũng mới, như: Vì vương quyền, uy lực và vinh quang của Ngài, ôi Lạy Chúa.” Xin quý linh mục cho biết, lai lịch của lời kinh có đặc tính tán dương ngợi khen này. Sao Sách Thánh của Công giáo ta không thấy có những câu kết như thế? Phải chăng, anh em Tin Lành đã chế những câu như thế để thêm huê dạng, cho lời kinh này?

Cũng như các lần trước, kỳ này không thấy Tuần báo The Catholic Weekly ghi tên người đưa ra vấn nạn, nhưng cứ theo nội dung câu hỏi, cũng đoán được, là: vị này rất chịu khó nghiên cứu kinh kệ. Và, lần này cũng thế, chẳng cần biết người hỏi là ai, người trả lời là Lm John Flader có hồi đáp rất thân thương nghiêm chỉnh, như sau:

“Lời cuối câu kinh mà bạn nêu trong thư, thường dẫn về câu tán tụng rất quen. Câu tán dương này không phải do anh em Tin Lành là người đầu tiên sáng chế ra đâu. Đúng hơn, câu ấy đã xuất hiện rất sớm trong lịch sử phụng vụ của Giáo hội Công giáo.

Thật vậy. Ta có thể dẫn chứng rằng câu này xuất hiện thời Cựu Ước. Trước tiên, là ở sách Ký Sự quyển một, ta thấy có câu: Lạy Chúa là Đấng oai nghi cao cả, là uy quyền, vinh quang và sự chiến thắng và cũng là sự lộng lẫy; vì tất cả mọi sự trên Trời và dưới đất đều thuộc về Ngài. Lạy Chúa, thuộc về Ngài là trời cao và Ngài đã được tán dương như Đấng chủ trì trên cao (1Ks 29: 10-11)“

Trong Didache, còn gọi là Những Lời Giảng Dạy của 12 thánh Tông Đồ, tức là sách viết về lòng đạo của anh em Kitô hữu vào thế kỷ đầu đời. Sách này chỉ dẫn mọi người về tín lý và việc thờ phượng. Trong đó, kinh Lạy Cha được kết thúc cũng bằng một câu tán dương tương tự như thế, ở phần cuối. Nơi chương 8 sách này, người đọc còn thấy có câu: Chớ cầu nguyện như bọn giả hình. Nhưng hãy theo lời Chúa dạy trong sách Tin Mừng. Hãy nguyện cầu như Ngài đã từng dạy, mà đọc rằng: Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện cho danh Cha được tỏa sáng, nước của Cha ngự trị sẽ đến. Chúng con vâng ý Cha dưới đất này cũng như trên cao. Xin cho chúng con được hằng ngày đủ dùng. Và hãy tha mọi lỗi lầm của chúng con như chúng con cũng đã tha thứ những kẻ nào đã có lỗi với chúng con. Xin đừng để chúng con sa vào nơi cám dỗ. Nhưng hãy cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, xấu xa; vì uy lực và vinh quang của Cha, đến muôn đời.”

Giáo lý Hội Thánh Công Giáo nhắc đến kinh được ghi trong sách Didache, có giải thích rằng: có tài liệu khác của giáo hội sơ khai, tức Hiến Chương Các Thánh Tông Đồ có ghi rõ niên biểu của kinh đặt ra là vào cuối thế kỷ thứ IV, còn thêm vào trước lời tán tụng chòm chữ “Vương quyền”. Tiếp đó, là “vinh quang” và “Cha, Con và Thánh Thần”, cũng đã được thêm sau. (x CCC 2760)

Rõ ràng, là: tín hữu thời tiên khởi đã thêm lời tán tụng như thế vào kinh Lạy Cha, khi cử hành thánh lễ Misa. Quả thật, cũng là chuyện bình thường nếu ta thấy trong phụng vụ nguyện cầu, nhiều vị chép Sách thánh rõ ràng đã đưa thêm một ít từ ngữ vào cuối kinh Lạy Cha.

Dầu sao đi nữa, không có bản văn nào của Sách thánh thời cựu trào được chép đúng nhất và tốt đẹp nhất lại có thêm lời tán tụng ấy. Thành thử, chắc chắn là lời tán dương ca tụng này chỉ được chép thêm về sau, vào khoảng thế kỷ thứ IV. Đọc thánh kinh bằng tiếng La-tinh do thánh Giê-rô-ni-mô dịch, không thấy có lời tán tụng như thế.

Nghiên cứu một số bản văn của Giáo hội Công giáo theo nghi thức Đông Phương, trong đó có Giáo hội Maronite và Melchites, các tín hữu chắc cũng thấy là lời tán tụng ở trên được thêm vào cuối kinh Lạy Cha, trong sách lễ. Đây là phụng vụ cựu trào do thánh Kri-sô-tô-mô thiết lập. Theo phụng vụ này, khi cộng đoàn đọc kinh Lạy Cha xong, linh mục chủ tế sẽ đọc thêm lời ngợi khen như: “Vì vương quyền, uy lực và vinh quang của Cha, Con và Thánh Thần bây giờ và mãi mãi đến muôn đời”. Và, khi ấy cộng đoàn mới thưa: ”Amen”.

Sách lễ theo nghi thức La-tinh được Công đồng Vatican II duyệt, cũng bao gồm một lời tán dương tương tự. Tức là, sau khi cộng đoàn hát hoặc xướng kinh Lạy Cha xong, linh mục chủ tế bèn đọc lời nguyện: Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ và ban bình an cho chúng con hôm nay. Vì lòng thương xót Chúa, xin cứu chúng con khỏi mọi tội lỗi và gìn giữ chúng con khỏi mọi lo âu để chúng con hy vọng đợi chờ ngày Đức Kitô, Đấng Cứu Thế sẽ đến lại.” Lúc ấy, cộng đoàn mới thưa: “Vì vương quyền, uy lực và vinh quang của Chúa bây giờ và mãi mãi đến muôn đời.”

Khi thêm lời tán dương này vào kinh nguyện phụng vụ, Hội thánh không phải là đã sao y chép lại những gì anh em Tin Lành sáng chế ra, nhưng đơn giản là: trở về với phụng vụ của Hội thánh tiên khởi, mà thôi.

Giáo lý Hội thánh Công Giáo giải thích ý nghĩa của lời tán dương này là để dẫn về chính Thiên Chúa là Cha chúng ta, như sau: Lời tán dương “Vì vương quyền, uy lực và vinh quang của Chúa, bây giờ và mãi mãi đến muôn đời”, một lần nữa, khẳng định rằng: làm như thế, chúng ta lập lại cả ba điều chúng ta thỉnh nguyện lên Cha chúng ta: vinh quang cho Danh Ngài, nước Ngài ngự trị đang đến, và uy quyền nơi thánh ý của Ngài được thực hiện. Thế nhưng, lời nguyện cầu này giờ đây đã tuyên xưng lòng sùng kính và biết ơn, như một phụng tự diễn ra, ở thiên quốc. Những người cầm đầu thế giới phàm trần đã sai sót khi áp dụng cho chính mình cả ba điều quý trọng là vương quyền, uy lựcvinh quang ấy. Vì chỉ Đức Kitô là Chúa đã phục hồi các tước hiệu ấy và đem về với Cha Ngài, cũng là Cha của chúng ta, cho đến khi Ngài trao lại cho Cha, toàn bộ vương quyền khi nhiệm tích cứu độ được đạt đến vào giai đọan hoàn tất. Và khi đó, Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự.” (x Giáo lý Hội thánh Công Giáo câu 2855)

Đọc lời giải đáp trên đây, ta thấy giới trẻ nước ngoài thường thắc mắc nêu lên những gì họ chưa hiểu, cả về tín lý, thần học cũng như phụng vụ. Dõi theo câu trả lời của đấng vị vọng ở trên, ta nhận ra rằng: cầu nguyện không nhất thiết phải là cầu xin hay mong mỏi những gì nhận được từ Trên. Nhất thứ, là lời cầu mang nặng ý tưởng: xin bàu chữa cầu cho chúng con là kẻ có tội bây giờ và vào lúc lâm nguy, đến 50 lần một ngày. Cứ như là, Chúa Mẹ có tật đãng trí hay mải đi đâu không nhớ là chúng mình đang cầu và khấn. Các Đấng chắc quên những điều mà đàn con dưới thế muốn xin, muốn có.

Tóm lại, là con cái, sao ta cứ lẽo đẽo theo sau, đọc đi đọc lại mãi một yêu cầu giống nhau rất nhiều lần, mà không phải là: chỉ đơn giản tán tụng với ngợi khen, thôi? Sao không cảm tạ những gì mình đã và sẽ lãnh nhận, như quà tặng Chúa Mẹ ban cho ta một cách nhưng-không? Giả như, các bậc cha mẹ ở trần gian này mà cứ nghe con cái suốt ngày vòi vĩnh mãi một điều, nhiều lần như thế, chắc chắn sẽ bực mình cáu kỉnh mà bảo rằng: hãy im! Lặng yên đi nào?

Có lẽ, ta cũng nên thực hiện đề nghị của Đức Chúa trong Sách thánh, là: chỉ nên đọc kinh Lạy Cha thôi, cũng đã đủ. Đủ để các Ngài yên tâm. Đủ để các Ngài tặng ban ơn lành theo ý của các Ngài. Nói cho cùng, cầu xin hay khấn nguyện mau mắn hoặc dài dài cách nào đi nữa, cũng là điều tốt. Cũng là, tán tụng những hồng ân Chúa ban.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn thắc mắc về những lời cầu, rất xin xỏ.

No comments: