Friday 7 December 2007

Cộng trừ nhân chia, ấy cuộc đời.

(Lc 1: 30)

Vì quá sợ, nên người làm ta như mê dại. Vì mất mát, nên ta làm người mang nặng những lo toan. Lo toan, mê dại và sợ sệt, là các hiện tượng đã và sẽ còn xảy đến với ta. Xảy đến với hết mọi người. Sợ miên man. Sợ đến rùng mình. Rùng mình khi nghe kể truyện vào buổi sớm, rất tối tăm. Buổi sớm có những truyện như Scream 2, Silence of the lamb. Tối tăm, như những chuyện thời bây giờ, những là Hannibal Lester, The X files, Millenium…

Đã có lần, khi được hỏi về những khó khăn ngài từng gặp, khi đấu tranh cho tự do tôn giáo, ở khắp nơi, thì vị linh mục tranh đấu nọ bảo rằng: đó chính là sự sợ hãi.

Câu trả lời, xem ra ngắn gọn. Nhưng, cũng gợi lại một vài kinh nghiệm về các sự kiện có một không hai xảy đến trong lịch sử đời người. Một trong những sự kiện nổi bật, là: khi được loan báo về việc cùng chung cứu độ, thì người thiếu nữ trẻ chân phương chất phác tên là Maria bất chợt đã có nỗi lo tương tự. Và, sứ thần từ trời phải trấn an:

“Maria đừng sợ!”

(Lc 1: 30)

Không chỉ mình Đức Maria mới có nỗi sợ khi Mẹ biết rằng mình phải đưa vai gánh vác cả công trình hợp tác với Chúa, cả thánh Yuse cũng được bảo ban:

“Hỡi Yuse, con của Đavít,

chớ sợ…”

(Mt 1: 20)

Xem như thế, Đức Maria đã biết sợ. Và, thánh Yuse cũng biết sợ. Cả hai vị đều cùng một cảm giác giống nhau. Các thánh đều hiểu là sự thể sẽ diễn ra ngoài sức tưởng tượng của người phàm. Cũng thế, các vị hằng ngày gần gũi Chúa hơn, thế mà vẫn sợ:

“Hãy vững lòng!...đừng sợ!

(Mt 14: 27)

Tôi đây.”

(Mt 26)

Nếu Ba Mẹ trần gian của Đấng Cứu Thế biết sợ, thì chuyện các thánh tông đồ run hãi, là điều chẳng lạ. Huống hồ, những kẻ phận hèn dân dã. Có thể nói, sợ là một trong bẩy tâm tình nằm sẵn nơi mọi người, kể từ khi con người đầu tiên vi phạm lời dặn dò của Đấng Tạo Hóa. Thành thử, vốn sinh ra làm người, ai mà chẳng sợ.

Sợ, đã xuất hiện ngay từ khi có con “người”. Vào tuổi nhỏ, có thể chỉ là nỗi sợ vu vơ, vì nghe dọa dẫm khá nhiều. Với người lớn, sợ thường đi theo sau đôi lần mất mát. Mất niềm tin, mất hiện vật. Mất nhiều thứ, nhiều chuyện. Và có khi là mất tất cả. Có người, không sợ về những mất mát vật chất. Nhưng chỉ sợ thứ khác: sợ thay đổi, diễn biến. Sợ biến chất và biến mất. Sợ bệnh, sợ tật. Sợ chết chóc vv…

Sợ, là bản chất có sẵn nơi con người. Cuộc sống dù đầy đủ không mất mát, thiếu gì, nhưng người người vẫn sợ. Sợ thiếu hụt. Sợ không có thêm. Sợ rằng: rồi ra, chẳng còn gì để sống vui, sống lành lặn. Sống thoải mái.

Sợ luôn dính liền với con người và người đời. Một phần, là vì đời người nhiều lúc được suy nghĩ tính toán rất thực tế. Những tính vá toán như các phép tính căn bản cộng - trừ - nhân - chia, tưởng đã đủ. Con người còn biến chế nhiều phép tính khác: bình phương, lũy tiến… đến phát sợ. Cứ thử nhìn vào 4 phép tính căn bản trong đời người thôi, ta sẽ thấy.

Này nhé, thoạt khi còn trẻ, vào lúc bé em cất tiếng chào đời, thi gia đình ba mẹ em đã làm tính cộng. Cộng thêm những người là người. Khi em lớn lên, bước những bước chập chững vào trường lớp/trường đời, thì dù em có làm nhiều tính cộng hơn nữa để tạo thêm kiến thực và kinh nghiệm, thì như em đang trăn trở với bài tính trừ, rồi đó.

Bởi, em đã dần dà để mất tuổi thơ ấu hồn nhiên xưa. Em mất đi tính trong sáng, đôn hậu. Mất cả con người nhỏ bé, thơ ngây âu yếm ấy. Mất luôn cái tính bản thiện buổi nhân chi sơ. Có nghĩa là, em học cộng rồi học trừ để em thêm khôn, thêm ngoan. Em có khôn đấy, nhưng đã bớt ngoan rất nhiều. Cộng là thế đấy. Và, trừ là như vậy.

Ở tuổi trường thành, người trẻ cũng phải lập gia đình. Dù, hai vợ chồng có trở nên một (đúng như ý nghĩa của hôn nhân nơi nhà Đạo); nhưng kỳ thực, cả hai cũng đang là tính nhân: nhân rộng tính nhân bản, nhân vị. Nhân là nhân thêm bản vị tính của mình để tạo thêm nhiều hữu thể cho vũ trụ nhỏ bé, là trái đất đang ngày một cằn cỗi.

Và rồi khi trở về với cát bụi, thì đó chính là lúc người người đang làm bài tính chia: chia ly, chia lìa và chia xớt sự sống cho người khác. Cho theo cách thế khác. Để, mọi người cùng được sống. Cùng góp mặt với đời, và với trời.

Ấy đấy, cuộc sống con người là thế đấy. Bốn phép tính trải dài trong suốt cả cuộc đời. Tuy nhiên, tự bản chất, 4 phép tính này lại phối hợp với nhau. San sẻ cho nhau. Đan quyện vào nhau như âm với dương. Như một dịch lý, ngũ hành. 4 phép tính này đôi khi cũng phản kích, đối chọi nhau. Nhưng tuyệt nhiên, không mảy may mang tính chất nghịch/nghịch thường. Trái lại, với con người, như thế là hiển nhiên. Là nghịch lý.

Tự bản chất, con nguời chỉ muốn làm độc nhất có hai phép tính. Tính cộng và tính nhân, mà thôi. Trong khi đó, cuộc đời vẫn thấy xảy ra các tính trừ và tính chia. Và đó chính là điều rắc rối trong đời người.

Nói theo cách đầy hình tượng hơn, thì đời người được cụ thể hóa bằng những hành vi tranh thủ, giành chia.Thu tiền, thu của, thu thập tất cả những gì thuộc về vất chất. Giành ăn, giành bạn, giành quyền hành, chức tước. Thứ gì cũng muốn. Muốn thu, muốn giành lấy cho riêng mình.

Có điều trớ trêu thay, là: con người càng giành giựt, và thu vén bao nhiêu càng để luột mất những gì mình đang có, đã có. Nếu biết quan tâm đến bài tính trừ, hoặc tính chia, chia sớt, chia sẻ với hết mọi người đang còn thiếu hoặc ít thu thập hơn mình, thì khi ấy cuộc đời chắc chắn sẽ nhẹ nhàng, và đẹp hơn lên. Trở về với Kinh Sách rất Thánh, tức Lời Vàng cho mọi người và mọi thời, người người sẽ thấy hiện ra dẫy đầy những khẳng định về nghịch lý này. Điển hình hơn cả, là: phép tính trừ.

Trừ là trừ khử, bỏ bớt đi cả những gì mình không đủ. Tựa như Lời của Chúa nói trong Tin Mừng thánh Yoan:

“Quả thật, quả thật Ta bảo các ngươi:

giả như hạt giống gieo xuống đất không chết đi,

thì nó trơ trọi một mình;

nhưng nếu nó chết đi,

nó mới sai hoa lắm quả.”

(Yn 12: 24)

hoặc:

“Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất,

ai ghét sự sống mình nơi thế gian này,

thì sẽ giữ nó đời đời.”

(Yn 12: 25)

Quả là, khi đạt đến cùng kỳ đích của những luận và phiếm, người đọc sẽ nhận ra rằng: trong cuộc đời con người ít ai thích là con tính trừ và khử ấy cho bản thân riêng mình. Tuy nhiên, các bạn cũng đừng vội nản. Bởi, Đức Chúa đã làm phép tính chia chính là để cho con người chúng ta học hỏi bắt chước, mà làm như Ngài:

“Và Ngài nói:

Ta bảo thật các ngươi:

Bà góa nghèo khó ấy đã bỏ vào nhiều hơn hết thảy.

Vì, họ hết thảy lấy của dư mà bỏ vào làm của công,

còn bà lấy túng thiếu mà bỏ vào,

tất cả của độ thân mình có.”

(Lc 21: 3)

Phép tính chia trong Kinh thánh là sự chia sẻ, chia sớt. Bỏ vào thùng tiền tất cả của độ thân mình có. Đòi hỏi của phép tính chia là như thế. Chia, là không chỉ chia sẻ một phần nhỏ những gì mình đang có, mà là “tất cả của cải độ thân”.

Về phép tính chia, ta cũng lại có những lời khuyên ngọc ngà, như:

“Phàm ai xin, ngươi hãy cho”.

(Lc 6: 30)

“Đi đi! Có gì thì đem bán mà cho kẻ khó…”

(Mc 8: 21)

“Các ngươi đã không công mà được, thì cũng hãy cho không!”

(Mt 10: 8)

“Kẻ có hai áo, hãy chia cho người không có…” (Lc 3: 11)

“Hãy chia xẻ sự hoan lạc với chủ ngươi.”

(Mt 25: 21).

Tóm lại, với các kẻ tin vào Đức Kitô, hẳn không có phép tính nào trong cuộc đời lại quan trọng bằng hai phép tính nói trên: chia sớt ngọt bùi lẫn khổ đau với Chúa, với người người. Và, lọai trừ khỏi chính mình những gì là dư dật, không cần thiết cho bản thân. Cho chính mình.

Định nghĩa đó, có thể mang cung cách hơi quá đáng đối với một số người. Thậm chí, có người có thể cho đó là chuyện không tưởng, hoặc khó có thể xẩy ra với con người xác thịt chỉ biết có cộng thêm hoặc nhân rộng, hơn nữa. Cũng có thể có người cho rằng: các truyện trong Kinh thánh là chuyện xa xưa, cổ lỗ; không còn thích hợp với thời đại. Thì đây, một truyện không dài, chắc chắn không cổ lỗ những hai nghìn năm có lẻ; cũng na ná chuyện dân gian, rất thánh:

Ngày đầu bước lên bậc trung học, tôi gặp một bạn cùng lớp/cùng trường trong hoàn cảnh hết sức ngẫu nhiên. Anh đang trên đường thả bộ về nhà, với dáng điệu kỳ khú. Tên anh là Paterson, Kyle Paterson.

Hôm đó, Kyle Paterson chừng như đang khệ nệ bưng toàn bộ chồng sách đã học ở trường về nhà, để làm chuyện gì đó, xem ra có vẻ quan trọng lắm. Nhìn anh trong dáng điệu nặng nề, có lẽ vì chồng sách khá nhiều cuốn, tôi vội tự nhủ: khiếp! Sao lại có người khùng điên như thế. Giờ này, mà mang bấy nhiêu sách về nhà vào ngày thứ sáu nóng nực như thế này…? Chắc hẳn, anh chàng này đang ở vào tình trạng khủng hoảng hay khủng khiếp, gì đó chăng?

Vốn có sẵn trong đầu kế hoạch nhỏ cho mình trong mấy ngày cuối tuần ấy, tôi vội nhún vai một cách rất “Ang-lê”, định bụng phớt lờ anh ta, rồi đi một đường biến lẹ cho nhẹ nợ. Đi không được bao nhiêu bước, tôi bỗng thấy đám học trò chừng ba bốn đứa tinh nghịch, chạy xồng xộc xô Kyle Paterson té vào vũng nước bẩn đọng gần đó, làm tung tóe các sách anh bưng.

Cặp kính cận dầy cộm, vụt khỏi đôi mắt nai, văng đi đâu mất; khiến anh cứ phải lồm cồm ngồi dậy rờ mò, tìm kính. Và, nhặt sách. Tôi thoáng thấy nét ảm đạm đã vội hiện lên trên khuôn mặt rất lặng câm, của anh.

Lúc ấy tim tôi, lóe lên một luồng điện cảm xúc, rất ái ngại. Tôi bèn chạy đến. Nhặt đôi kính cận mà anh mò mãi thấy, vội đưa cho anh. Chợt thấy có giọt long lanh, nơi khóe mắt của anh, tôi vội nói khẽ vừa để anh nghe:”Bọn này thật không phải!

Hại bạn như thế, ắt sẽ có người hại lại!” Anh nhìn tôi trong phút chốc, rồi nói: “Này! Cảm ơn nhiều lắm đó!” Lúc ấy, tôi thấy anh nhoẻn một nụ cười tươi mát,sáng rõ trên khuôn mặt rực rỡ. Tôi giúp anh thu nhặt mấy cuốn vung vãi, rồi hỏi anh hiện cư ngụ ở đâu để không chừng tôi tháp tùng đưa anh về.

Khu vực anh ở, không xa chỗ tôi là bao. Nhưng tôi hơi lạ, sao tôi chẳng bao giờ thấy anh xuất hiện, bên ngoài trời. Thì ra, anh vừa chuyển từ trường tư thục trên tỉnh về đây ít ngày. Tôi vốn chẳng có chút kinh nghiệm gì về chuyện học trường tư thục, hoặc trường đóng học phí, nên chúng tôi có dịp nói chuyện với nhau suốt buổi, trên đường nhỏ về nhà.

Bưng hộ chồng sách cho anh, tôi nhận ra rằng: anh cũng là thiếu niên can trường. Tôi còn biết anh lại thích chơi banh nữa. Nên, thứ bẩy sau đó, tôi đến nhà để rủ anh ra sân. Và cứ thế, chúng tôi chơi với nhau như người bạn thân. Suốt tuần này qua tuần khác. Càng chơi với anh, tôi càng thấy thích; và cũng cảm phục anh. Bạn bè của tôi nhiều đứa cũng nói thế.

Sáng hôm ấy, Kyle lại đến với tôi với chồng sách khệ nệ trên tay, như dạo nào. Thấy vậy, tôi nói: “Bộ! bạn tính làm cho cơ bắp nơi tay trở thành kiến càng hay sao, mà ôm nhiều đến thế?” Anh cười, rồi cứ thế nhét vào tay tôi một nửa số ấy…

Bốn năm sau, chúng tôi đã trở thành đôi bạn thân thiết lắm. Năm đệ nhị cấp, chúng tôi buộc phải khoanh chọn tên trường để tiếp tục lên. Kyle Paterson chọn Georgetown làm trường tuyển, còn tôi nhất định chỉ theo học trường Duke. Biết là, chúng tôi mãi mãi vẫn là bạn thân, dù có xa nhau cả vạn dặm. Chúng tôi quyết định không đổi trường. Kyle thì nhất quyết theo ngành y. Còn tôi, theo nghiệp kinh doanh nhờ một học bổng có được từ bộ môn bóng chày, mà tôi thực tập lâu nay.

Ngày tốt nghiệp trung học, Kyle được chỉ định đại diện cho học sinh trong trường lên phát biểu cảm tưởng và cảm tạ nhà trường đã hun đúc tất cả, bấy lâu nay. Tôi vẫn chọc quê anh là, có khùng mới đi nhận công việc chán ngấy, ấy. Dù bị chọc quê, anh vẫn phải chuẩn bị cho bài thuyết trình, vì đã lỡ nhận lời. Tôi thì cứ khoái chí không bị lọt mắt xanh của mấy ông thầy bà cô, nên khỏi bị buộc làm cái công việc kỳ khôi ấy.

Ngày ra trường, tôi thoáng thấy Kyle súng sính trong bộ đồ rất lớn. Trông anh bảnh trai. Rất có mã. Anh có dáng dấp tự tin, lại hài lòng với chính mình. Với cặp mục kỉnh tòng teng bên tai, anh trông dễ coi và có vẻ trí thức lắm. Bọn con gái thì cư là mê tít những mẫu người như anh. Chính vì thế, mấy cô ấy vẫn đeo đuổi bên anh, trong khi tôi thì chẳng có ma nào bén mảng, bận tâm. Đôi lúc tôi cũng hơi ghen cho số phận hẩm hiu của mình.

Giờ “G” đã đến. Tôi thấy Kyle có vẻ hơi lúng túng, khi sắp đến giờ phải nói vài lời, đại diện cho học sinh. Tôi bèn gọi anh đến để ủy lạo bằng vài ba câu bình thường: “Này bạn, tớ thấy bạn hôm nay có dáng lắm đó!” Anh nhìn tôi cũng bằng vẻ mặt như hôm trước, nghĩa là hiểu ngầm lời cảm ơn chân tình.

Anh bắt đầu lấy giọng rồi nói: “Hôm nay là ngày tốt nghiệp. Bạn bè chúng ta thường hay dùng ngày này để nói lên những lời cảm ơn đến các vị đã giúp chúng ta đi cho hết những ngày tháng gay go với mọi công lao, rèn luyện. Phụ huynh, thầy cô và anh chị em của các bạn có thể là những huấn luyện viên rất giỏi, nhưng phần lớn họ là những người bạn thân của các bạn.

Hôm nay, đứng ở đây, tôi muốn chuyển đến các bạn một tín hiệu để chứng minh rằng: trở nên người bạn tốt với ai đó, tức là tặng cho họ một món quà quý giá mình có thể làm được. Tôi xin kể cho quý vị nghe một câu chuyện…”

Ngước nhìn cặp mắt của anh, tôi không ngờ là anh kể lại câu chuyện về buổi đầu tiên hai anh em chúng tôi gặp nhau bên cạnh vũng nước. Lúc ấy, anh có ý định kết liễu cuộc đời mình vào những ngày cuối tuần sau đó. Anh nói: là anh đã lên kế họach dọn dẹp sách vở mang về nhà để mẹ anh khỏi phải bận tâm làm việc ấy, sau khi anh từ giã cõi đời. Và, anh đã nhất quyết sẽ làm việc ấy.Bất chợt, anh quay qua nhìn tôi đính kèm một nụ cười nhẹ rồi nói: “Tạ ơn Trời, tạ ơn đời! Tôi đã được cứu thoát! Bạn của tôi đã gỡ tôi ra khỏi các hành động mà tôi không thể nói ra được lúc bấy giờ.”

Lúc ấy, tôi nghe như có tiếng thở phào truyền nhanh qua đám cử toạ khi người bạn trẻ tuổi, đẹp trai và nổi danh ở trường kể hết cái giây phút yếu mềm xảy đến trong đời của anh. Tôi thấy ba mẹ anh lúc ấy cũng quay qua nhìn tôi, và họ mỉm cười. Bạn của tôi tiếp lời: “Mãi cho đến giây phút ấy, tôi mới thấy được phần sâu thẳm của nỗi buồn. Thành thử, hôm nay xin quý vị đừng đánh giá thấp tất cả sức mạnh của công việc mà quý vị đang làm. Một cử chỉ nhỏ thôi, quý vị cũng có thể giúp được biết bao nhiêu điều.

Chính Thương Đế đã đặt chúng ta vào với cuộc sống của người khác. Để, chúng ta có thể gây ấn tượng lên nhau, theo tuồng kích nào đó. Thành ra, thưa quý vị, hãy tìm thấy Thượng Đế nơi người khác. Hãy chia sẻ cho nhau tất cả niềm vui, nỗi buồn. Hãy làm thân với bạn bè. Vì họ chính là các thiên thần sẽ nâng đỡ và nhấc cánh cho chúng ta mỗi khi ta gặp chuyện sầu buồn, khó khăn. Giúp ta ra khỏi tình huông ngập lụy, chìm đắm. Làm như thế, tức là ta đã sẻ chia. Như thế mới là tặng quà cho nhau. Hãy chia sẻ và tặng ban thật nhiều. Cho nhau. Vì, cuộc đời của chúng ta hôm nay, chính là quà tặng của Thượng Đế. Và, đó cũng là ý nghĩa của cụm từ The Present, hôm nay.

Cũng có thể điều Kyle Paterson nói là đúng. Đúng hay sai ở đây không quan trọng. Chỉ quan trọng là cả hai đã biết san sẻ cho nhau , cả những chuyện vui cũng như nỗi buồn.

Thành thử, trong 4 phép tính của cuộc đời, phép chia (tức chia sớt, chia sẻ), lại là phép tính khó khăn nhất, ít người muốn làm. Dù chỉ là một lần. Một lần trong giòng chảy của cuộc đời, đã thấy vui.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn cầu cho chính mình không thấy khó khi làm phép tính chia.

No comments: