Friday 7 December 2007

PHÚT NGUYỆN CẦU SAO VẪN LAN MAN?

( Mc 14, 23 )

Trong Hội Thánh, có nhiều vị lâu nay từng khẳng định rằng: sức sống của Giáo Hội vẫn nằm ở sinh hoạt Phụng Vụ, tại địa phương. Điều này quả là rất thực. Không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, trên thực tế, một số hình thức sinh hoạt lễ lạy kéo dài trong một số lễ tiếng Việt đôi lúc đã làm nhiều người – nhất là người trẻ – thêm nghĩ ngợi, thắc mắc,

Cách đây không lâu, sức sống Phụng Vụ một lần nữa đã được biểu lộ tại một Họ Đạo ở nước ngoài. Hôm đó, cộng đoàn mừng lễ đặt tượng Thánh Tử Đạo Việt, tại nhà thờ ở nước ngoài. Đây là lần đầu Giáo Xứ ngoại quốc, thấy xuất hiện tượng thánh nhỏ, đặt cạnh các tượng cao lớn, người Âu người Mỹ. Về Phụng Vụ, đây là hiện tượng ít thấy ở nước ngoài.

Cầu các thánh bàu cử cho cộng đoàn con dân của Chúa đâu thành vấn đề. Chỉ là đề tài thảo luận, khi việc tham dự buổi nguyện cầu cứ lê thê kéo dài. Với dân con nhà Đạo chững chạc hơn, niềm tin và sinh hoạt Phụng Vụ dù kéo dài đến bao lâu cũng không thành chuyện. Nhưng với người trẻ thời vi tính, thời gian và ý nghĩa xử dụng cho sinh hoạt Phụng Vụ cần được lưu tâm, nếu không, sẽ trở thành hình thức, nặng nề dễ gây thắc mắc, chán ngán.

Vừa rồi, một người trẻ ở Sydney đã viết thư hỏi Linh Mục John Flader về thời gian Mình Chúa hiệu lực được bao lâu, sau khi ta đón Chúa vào lòng. Đây có thể hiểu như vấn nạn của người trẻ, về thời gian và ý nghĩa của các công việc ta làm, ở Nhà Thờ. Câu hỏi người trẻ đặt ra như sau:

“Khi bánh và rượu trở thành Mình Máu Chúa, như vậy Thánh Thể Ngài có hiệu lực được bao lâu. Tôi muốn nói đến hai trường hợp: thứ nhất, khi rước Chúa vào lòng, Thánh Thể Ngài ở lại trong tôi bao lâu ? Bao nhiêu giây phút, mới gọi là phải lẽ ? Chừng bao lâu sau tôi được phép làm việc khác? Thứ hai, sau phút Hiệp thông rước lễ, vị Linh Mục cất Bánh Thánh còn dư để ở Nhà Tạm. Chuyện này dễ hiểu. Nhưng, Máu Thánh của Ngài, tôi thấy các vị giúp lễ đem đổ vào bồn đặc biệt trong phòng mặc áo? Nhìn từ góc độ nào đó, tôi thấy việc này không đẹp chút nào. Tôi mong được giải thích thoả đáng, kẻo có thái độ bất kính”.

Và dưới đây là câu trả lời của vị Linh Mục chuyên trách mục giải đáp thắc mắc trên Tuần Báo Công Giáo Sydney, ngày 10.6.2007, như sau:

“Trước tiên, xin được phép làm sáng tỏ đôi điều từ câu hỏi bạn nêu ra. Có thể, bạn hơi lẫn lộn đôi chút về mấy vấn đề nói ở trên. Thực ra, phải nói: Bánh miến trở thành Mình Chúa và rượu nho trở nên Máu Thánh Chúa. Cả hai, cùng một lúc đã trở nên một. Một thân mình Đức Ki-tô, có Mình và Máu Thánh, rất đầy đủ trọn vẹn. Thành thử, Bánh Thánh bạn đón rước vào lòng, lúc cộng đoàn Hiệp thông rước lễ, không chỉ là mình Đức Ki-tô thôi, mà còn là trọn vẹn Con Người của Chúa, có “Mình và Máu Thánh, có linh hồn và có cả tính thần thiêng Thiên Chúa”, nữa.

Theo ngôn từ truyền thống, thì Máu Rất Thánh đựng trong chén, không chỉ là Máu Đức Ki-tô thôi, mà còn là trọn vẹn Con Người của Ngài, nữa. Khi ta thêm câu “Linh Hồn và Tính Thần Thiêng Thiên Chúa” nơi Ngài, ta đón nhận Ngài vào lòng cùng lúc với các thứ khác. Như thế, có nghĩa là: ta đón rước Đức Ki-tô sống động. Đón Chúa với thân xác đã sống lại của Ngài.

Sách “Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo” cắt nghĩa điều ấy như sau: “Đức Ki-tô trở nên một và trọn vẹn. Ngài hiện diện nơi các phần nhỏ bé của bánh và cũng hiện diện cách trọn vẹn với toàn bộ thân mình của Ngài nơi mọi phần Bánh Thánh. Hiện diện như thế, khi Linh Mục chủ tế bẻ Bánh, sẽ không phân rẽ thân mình của Ngài chút nào.” (sđd, đoạn 1377)

Và khi sách Giáo Lý nói như thế, điều này có nghĩa là: nếu có ai chỉ đón có phân nửa Bánh Thánh vào lòng mình thôi, thì người ấy vẫn đón toàn bộ và trọn vẹn Thân Mình Đức Ki-tô, gồm có Mình và Máu thánh của Ngài. Đôi lúc, người ốm nặng liệt giường không thể nuốt vào bụng nguyên cả Bánh Thánh mà chỉ một phần nhỏ thôi, hoặc có khi họ cũng được trao cho uống một vài giọt Máu Rất Thánh của Chúa, thì người ấy vẫn đón nhận trọn vẹn Đức Ki-tô vào lòng. Trọn vẹn với đầy đủ giá trị của Bí Tích Thánh Thể.

Về lại với câu hỏi của bạn về thời gian kéo dài việc Chúa Ki-tô hiện diện nơi Thánh Thể, thì sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo viết: “Sự hiện diện của Thánh Thể Đức Ki-tô khởi đầu từ khoảnh khắc hiến tế và kéo dài cho đến khi các phần nhỏ của Thánh Thể còn tồn tại.” (sđd đoạn 1377)

Khi rước Bánh thánh đón nhận Chúa vào lòng, các phần nhỏ của Thánh Thể bắt đầu tan trong miệng gần như lập tức. Vì thế, có người nói là sự hiện diện của Thánh Thể Đức Ki-tô chấm dứt ngay khi Bánh Thánh tan biến. Chúa Ki-tô vẫn hiện diện ở với chúng ta, trong chúng ta. Tuy nhiên, cùng lúc có cả Cha và Thánh Thần Chúa. Ba Ngôi cùng ngự trị trong tâm hồn, không chỉ là sự hiện diện riêng của Thánh Thể.

Truyền thống Giáo Hội vẫn đề nghị, là: sau Thánh Lễ, chúng ta lưu lại nhà thờ chừng mươi phút để cảm tạ vì vừa được đón Chúa qua hiệp thông rước lễ; việc này hàm ngụ ý nghĩa là: Đức Chúa của ta vẫn hiện diện nơi Thánh Thể trong thời gian dài như thế. Dầu sao đi nữa, Hội Thánh vẫn khuyến khích mọi người nên cảm tạ Chúa.

Về sự hiện diện của Thánh Thể Chúa kéo dài suốt thời gian sau Thánh Lễ, nếu như Bánh Thánh đặt trong Nhà Tạm được giữ ở đó lâu đến độ Bánh biến dạng phân rã, và có thể có người bảo rằng: đó không còn là Thánh Thể Chúa nữa. Chính vì lý do này, mà Bánh Thánh trong Nhà Tạm vẫn được thay mới luôn, ngõ hầu Bánh không bị cũ mốc.

Bình thường, ta không lưu giữ Máu Rất Thánh của Chúa. Thành thử, vấn đề này không cần nêu ra. Sau hiệp thông Rước Lễ, hoặc sau Thánh Lễ, Máu Rất Thánh còn dư đều được “Linh Mục chủ tế hoặc vị Phó Tế hoặc người giúp lễ hôm ấy uống cho hết.”

(Chỉ dẫn chung của Sách Lễ Rô-ma, đoạn 163, câu 284b).

Trong sách, không thấy nói đến các thừa tác viên khác được chỉ định uống nốt phần còn lại. Trong trường hợp, nếu Máu Châu Báu Rất Thánh được đổ vào bồn đặc biệt trong phòng Thánh, thì ống dẫn từ bồn phải dẫn thẳng vào lòng đất. Thật sự thì, theo chỉ dẫn Bí Tích Cứu Chuộc có nói rõ: những ai làm quấy chuyện này, sẽ bị vạ tuyệt thông, mà chỉ có Đức Thánh Cha mới hóa giải được.

(sđd, câu 107 )

Trong trường hợp người phụ trách dọn bàn thờ không am tường, đi đổ Máu Thánh rất Châu Báu của Chúa vào bồn đặc biệt, thì người ấy không mắc lỗi và cũng chẳng bị vạ tuyệt thông. Nhưng, phải chỉ dẫn tường tận cho anh hoặc chị ấy biết để không có những hành động khiếm nhã hoặc bất kính xảy ra.

Đọc giải đáp ở trên, hẳn là các bạn cũng như bần đạo đều được đả thông. Bởi, nói đến Phụng Vụ, ta thường nhớ đến “Luật chữ đỏ”, tức các điều chỉ dẫn đã thành luật để giữ. Và, người có chức năng trong các nghi thức hoặc Giờ Kinh Phụng Vụ, đều nên cắt nghĩa và tuân thủ, trước khi trao cho họ trọng trách nào. Dù, người ấy đã trọng tuổi hay còn trẻ.

Về tuổi trẻ, tuổi hăng say, năng nổ nhưng cũng thường thắc mắc. Chí ít, là những điều đã trở thành luật trong Phụng Vụ cũng như đạo đức chức năng của Hội Thánh. Vấn đề còn lại đối với tuổi trẻ, là: có thể làm bất cứ việc gì cho Giáo Hội, hoặc Xứ Đạo. Họ vẫn hăng say và năng nổ như hồi nào. Nhưng, mọi việc muốn họ làm phải có nghĩa. Và, nên cẩn trọng yếu tố thời gian.

Với người trẻ, thời gian và ý nghĩa của các việc làm trong “Giờ Kinh Phụng Vụ”, luôn là những gì đáng quý trọng. Có để tâm đến chuyện này, mới hy vọng hấp dẫn người trẻ tham dự nghi thức Phụng Vụ. Có thể là Thánh Lễ. Có thể là Chầu Thánh Thể hoặc Chặng Đàng Thánh Giá. Rất lan man, như thời cũ.

Lời phiếm cuối hôm nay, là: cử hành hay tham dự Tiệc Thánh/ hụng Vụ đều là sống Đạo. Vào thời buổi có quá nhiều tự do, nhiều thứ hấp dẫn giới trẻ. Tuổi đời chỉ thích sống vui, sống hùng và sống mạnh. Trước khi sống có ý nghĩa. Chứ không sống lấy lệ, ta cũng nên rút ngắn thời gian lại, ngõ hầu giới trẻ thấy hấp dẫn tham dự sinh hoạt Giáo Xứ ? Của hội thánh sở tại ?

Câu trả lời xin dành cho các bạn, những vị đang đọc các dòng chữ này.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn cái cố tật hay đặt vấn đề

khi nghe bạn trẻ tâm sự

No comments: