Friday 7 December 2007

CỘNG ĐOÀN TÌNH THƯƠNG THƯƠNG TÌNH CỘNG ĐOÀN

(1 Cr 1, 23 – 25)

Vào đầu, câu chuyện hôm nay là một vấn đề rất đáng bàn. Đáng bàn, là đáng luận bàn về một vài thắc mắc đã và vẫn được đề cập tới rất nhiều. Đáng luận bàn, chưa hẳn là để đưa ra một giải đáp chung cuộc và hoàn chỉnh cho các chuyện Đạo – Đời. Vả lại, làm sao có được giải quyết chung cuộc và hoàn chỉnh cho chuyện sống Đạo?

Trừ phi, cả người giải quyết lẫn người thắc mắc đều đã phần nào mãn nguyện. Mãn nguyện một phần thôi cũng đã là chuyện tốt, rồi. Ngoài ra, đâu cần gì nữa để mà bàn với luận chứ!

Trong tinh thần ấy, thắc mắc hôm nay là: chuyện hành xử giữa những người anh, người chị, trong cùng nhà Đạo. Tức, những vị đã từ lâu được nghe lời dạy của Chúa, là: hãy ăn ở hiền hòa với nhau, chấp nhận khác biệt của nhau trong lối sống, trong lập trường chính kiến về Đạo, cũng như trong cách lý giải mọi thắc mắc... để rồi, cùng nhau ta đi đến mục tiêu chung. Mục tiêu mở rộng Nước Chúa ở chốn gian trần.

Về sống Đạo, bần đệ nhớ có một dạo bà con người Việt ở Úc được vị Linh Mục Chánh Xứ nọ rất trọng tuổi – có hơn 30 năm kinh nghiệm mục vụ chung với bổn đạo Việt Nam – đã tỏ bày cảm nghĩ niềm riêng của cụ, mà bảo: làm mục vụ với người Việt, nếu cứ để họ mỗi người tự làm một mình, thì chuyện gì rồi cũng xong. Cũng tốt đẹp. Nhưng, hễ để họ cụm lại dăm ba người làm với nhau, thì thế nào cũng có ý kiến thêm thắt này khác, chắc chắn là y như rằng họ sẽ tranh chấp, cãi vã nhau liên tu bất tận, chẳng xong được việc gì, dù là lớn nhỏ.

Nghe ý kiến của linh mục trên, bần đệ thấy sao nó giống một số chuyện trong cộng đoàn giáo hội, hồi xa xưa. Hồi, các bè phái như: Calvin, Luther, Henry VIII và gì gì nữa ở nhiều nơi trên thế giới. Xưa hơn cả, là cộng đoàn E-phê-sô, ở Tiểu Á; hoặc, giáo đoàn Cô-rin-thô, nơi gần gũi với Thánh Phao-lô, hơn hết.

Lại cũng vừa qua, bần đạo được chia sẻ về các lý giải về chuyện nêu trên của một đấng vị vọng khác tại Úc. Lần này, là Lm. Mark Kenney, SM gợi ý trên tờ “The Catholic Weekly” số đề ngày 15.4.2007, như sau:

“Cánh thư thứ nhất, Thánh Phao-lô tông đồ gửi giáo đoàn Cô-rin-thô là vào năm 54 Công Nguyên. Lá thư này, viết từ thị trấn Ê-phê-sô. Muốn hiểu tường tận lý do tại sao thánh Phao-lô lại viết lá thư này, tưởng cũng nên biết rằng: trước đó, Thánh nhân đã nhận được những giòng tâm tình của một số tín hữu, ở đây. Tâm tình mà các tín hữu ấy nói đến, là những chuyện không hay cũng chẳng đẹp đẽ gì, đã xảy đến với cộng đồng Dân Chúa có cùng niềm tin.

Viết lá thư này, Thánh Phao-lô đã dùng văn phong của thế kỷ thứ nhất, nghĩa là lối viết trước nhất cho người đọc biết lý lịch mình là ai. Ngài viết, là viết theo tư cách của một Tông Đồ thực thi thánh ý của Chúa. Làm thế, Thánh nhân cho thấy mình có đặc quyền được phép ngang qua Đức Giê-su, để giáo huấn tín hữu về những gì có liên quan đến đời sống thiêng liêng, theo tư cách người đi Đạo.

Với lời chào mở đầu, thánh Phao-lô có nhắc đến Sosthenos, một người thuộc giáo đoàn Cô-rin-thô được nói trong sách Cv 18, 12 – 17. Theo thói quen chung, thánh Phao-lô xin được chuyển đến giáo đoàn Cô-rin-thô, ân sủng và bình an do tự Thiên Chúa là Cha, ngang qua Đức Giê-su Ki-tô. Sau câu mào đầu, là lời cảm tạ Thiên Chúa và những luận bàn lướt phớt sơ qua về sức khỏe cũng như thông báo các việc đã xảy đến, kể từ lần viết thư, kỳ trước. Đề cập đến những gì đã xảy đến với cộng đoàn, tức nói đến những gì mà thánh nhân được biết về các mối mầm chia rẽ đã từng xảy ra trong cộng đoàn. Tức, chuyện đang trở thành mối đe dọa cho Tin Mừng mà mọi người đã và đang lĩnh hội.

Trước hết, Thánh Phao-lô đã bàn về sự hợp nhất cộng đoàn. Thánh nhân cho biết: nhiều vị trong cộng đoàn đã bắt đầu nhen nhúm lập bè lập nhóm riêng rẽ. Lập rồi, còn tự hào cho rằng mình vốn tuân theo vị tông đồ được chọn lựa theo tiêu chuẩn ai là người rửa tội chăm sóc cho mình. Người khác thì kể, là: mình đang có hướng chiều mạnh vào Thánh Phao-lô nhiều hơn. Kẻ khác nữa lại nói, họ thích về phe nào theo sát lập trường của Thánh Phê-rô, hơn. Có người, thậm chí cho rằng mình thuộc tông phái A-pô-lô, vị Tông Đồ khả ái có tài lôi cuốn người nghe nhờ vào lối nói hùng biện.

Thánh Phao-lô nhắc nhở cộng đoàn Giáo Dân Cô-rin-thô đừng nên quên rằng: trọng tâm mọi việc chính là Đức Ki-tô, Đấng mà Tông Đồ nào cũng đều phải rao giảng về Ngài. Thánh Phao-lô còn nhấn mạnh: tài ăn nói hùng biện lôi cuốn người nghe đi theo mình, hoặc uy tín biện giải có sức thuyết phục mọi người đều chỉ là những ơn huệ đặc biệt mà vị Tông Đồ ấy được tặng ban. Chứ tuyệt nhiên không là giá trị đích thực, mọi người cần phải có.

Bởi vì, nếu không, sẽ chỉ là cuộc mua bán sự khôn ngoan của thế giới phàm trần, tức giá trị hời hợt bên ngoài, mà thôi. Và, sự khôn ngoan ấy sẽ làm mất đi ý nghĩa đích thực của thập giá Đức Ki-tô. Mà, thập giá Ngài luôn luôn chống đối sự khôn ngoan vẫn có nơi người đời.

Thánh Phao-lô đã bỏ công bỏ thì giờ ra nói nhiều đến tầm quan trọng của thập giá Đức Ki-tô. Đây chính là nghịch lý đối chọi với niềm tin của người tín hữu. Bởi lẽ, dưới mắt thế gian, thập giá Đức Ki-tô là dấu hiệu của sự yếu kém, điên rồ.(x. 1 Cr 1, 23).

Điều duy nhất mà thế gian thấy được là có một Đấng đã chọn cái chết nhục hình của một tội phạm. Và Ngài làm thế, đâu có gì để vênh váo, hoặc tự hào. Điều mà thế gian không thấy được, là thế này: dấu hiệu của sự yếu kém và cái chết rất nhục nơi Đức Ki-tô, lại đã bộc lộ được quyền uy năng lực và sự khôn khéo của Thiên Chúa. Bởi, chính qua việc Đức Ki-tô chết trên thập giá, Thiên Chúa đã đem cho thế gian sự sống mới và ơn cứu độ.(x. 1 Cr 1, 25).

Thánh Phao-lô cũng dùng người Cô-rin-thô làm ví dụ, để nói về sự khôn khéo của Thiên Chúa. Theo tiêu chuẩn thế gian, thì bà con thuộc giáo đoàn Cô-rin-thô không là những nhân vật chẳng có quyền năng phép nhiệm gì hết. Nhiều người trong họ không phải là các yếu nhân có vai trò quan trọng hàng đầu. Hoặc, có vị thế cao sang, quyền quý. Họ xuất thân từ các giai cấp trung bình, khá thấp. Chính vì thế, Thiên Chúa chỉ kêu gọi những người yếu kém như các vị ấy để rao giảng về sự khôn khéo của Thiên Chúa cho những nguời vẫn cứ tưởng rằng mình là rốn vũ trụ, khôn ngoan tài giỏi hơn mọi người.

Lý do khiến thế gian không hiểu được sự khôn khéo của Thiên Chúa, là bởi vì: việc này chỉ được mặc khải cho loài người qua Thần Khí Chúa, mà thôi. Và, nhờ có thanh tẩy, người dân thành Cô-rin-thô đã được lĩnh nhận Thần Khí Chúa. Và vì thế, nay họ trở nên ưu đãi có được sự khôn khéo của Thiên Chúa. Nhờ ơn thanh tẩy, người dân Cô-rin-thô nay mới hiểu được những chuyện linh thiêng xuất tự Thần Khí Chúa.

Đến đây, thánh Phao-lô trở lại vấn đề chia rẽ đang nhen nhúm trong cộng đồng tín hữu Đức Ki-tô. Nếu người dân Cô-rin-thô có được đặc ân nhận lĩnh từ Thần Khí như thế, hẳn họ thấy được rằng: mọi chia rẽ sâu xé trong cộng đoàn không thể là những gì xuất tự Thần Khí Chúa, được.

Thêm vào đó, những ai đầu mối cho các chia rẽ cùng sâu xé vẫn là tôi tớ Đức Ki-tô đang thi hành sứ vụ thừa tác rao giảng. Không có ai ở trên ở cao ai. Đúng hơn, mỗi người chỉ thực thi phần vụ dành cho riêng mình để dựng xây Vương Quốc Nước Trời, mà thôi.

Thánh Phao-lô dùng hình ảnh gầy dựng với công cuộc xây cất là để minh xác lập trường của mình. Thực tế, có rất nhiều người góp phần dựng xây công trình kiến trúc. Mỗi người thực thi phần vụ riêng của mình. Nhưng, chẳng ai nên vỗ ngực tự cao bảo là chỉ có mình mới bỏ hết công sức, thì giờ cho toàn bộ công trình dựng xây ấy.

Về với cộng đoàn các kẻ tin vào Đức Ki-tô, rất nhiều vị vẫn còn đang làm việc cật lực để gầy dựng cộng đoàn. Nhưng, chẳng riêng ai dám tranh giành toàn bộ công lênh ấy. Đức Ki-tô là nền tảng cộng đoàn, Ngài chịu trách nhiệm hoàn chỉnh công trình dựng xây này. Mọi việc đều trong Ngài. Do Ngài hoàn chỉnh. Khi hoàn thành, Ngài dâng tất cả mọi sự lên Cha, là Thiên Chúa.

Thánh Phao-lô kết luận thư chung bằng việc nhấn mạnh rằng: sự đoàn kết là điều lúc nào cũng cần phải có, trong cộng đoàn tín hữu. Thánh nhân nhắn nhủ tín hữu ở Cô-rin-thô, rằng: họ chính là Đền Thờ của Thiên Chúa. Nơi họ có Thánh Thần Chúa ngự trị. Nếu có ai dám phá hủy Đền Thờ này ( tức, phá hoại sự đoàn kết cộng đồng ), thì người ấy sẽ phải trả giá trước mặt Thiên Chúa ( x. 1 Cr 3, 16–17 ).

Và, Thiên Chúa sẽ hủy hoại người ấy.

Nghiên cứu lá thư dài thứ nhất Thánh Phao-lô viết gửi cho cộng đoàn Cô-rin-thô, hẳn bà con mình đều nghiệm ra điều này: mọi hiểu lầm hoặc chia rẽ/rạn nứt trong cộng đoàn thường do nơi bản tính yếu hèn của con người. Yếu hèn, vì người mình quá chú trọng đến những điều hời hợt bên ngoài; hoặc, chỉ để ý đến các giá trị chóng qua của thế gian, mà thôi. Nơi cộng đoàn Cô-rin-thô, đó là tài hùng biện của Tông Đồ A-pô-lô, từng lôi cuốn người nghe, để rồi lập phe, lập nhóm. Nói tóm, có phương thức hoạt động riêng rẽ, rất nghi vấn.

Ở một số nơi trong cộng đồng Hội thánh hôm nay, sự yếu hèn rẽ chia, có thể là do tự ái cá nhân, tham vọng, ghen ghét, lợi ích tiền tài – vật chất, hoặc phe nhóm cục bộ đầy quyền lực. Cũng có thể, do trăm ngàn lý do khác đã từng là mầm mống cách ly nhiều người. Xem như thế, bất cứ cộng đoàn nào trong Hội thánh, còn chia rẽ, cách ly, hoặc đối xử với nhau rất buồn bực, ấm ức và buồn phiền, thì đó là dấu hiệu cho thấy đây không phải là cộng đoàn tình thương có Chúa ở cùng. Mà, chỉ là một cộng đoàn nhỏ, đầy những thương tình. Thương tình mình. Thương tình, chỉ người mình muốn thương.

Cuối cùng, mỗi khi nghe đọc Lời Chúa, cũng nên tự mình hỏi lòng mình. Hỏi xem: mình đã bày tỏ tình thương với người anh, người chị trong cộng đoàn của mình, chưa. Hay, vẫn chỉ duy trì niềm riêng có những thương tình, thương hại thường thấy xảy ra nơi cộng đoàn mình. Với cộng đoàn mình.

Trần Ngọc Mười Hai

mạn phiếm hôm nay là để phiếm cho mình, hơn ai khác...

No comments: