Friday 7 December 2007

Đúng Mẹ là Mẹ Chúa Trời

(Lc 1: 31-48)

Cũng là đi nhà thờ để dự lễ. Cũng lễ mễ rủ nhau đi đọc kinh. Kinh tôn vương hay kinh tối ở nhà, nhất nhất người nhà Đạo gốc Việt mình bao giờ cũng tung hô/ca tụng Đức Mẹ dưới nhiều danh hiệu. Không có buổi nguyện cầu/đọc kinh nào của dân Ta mà lại không kết bằng lời kinh, rất vần rất thơ, dù khi cha/cố đã có lời chào “Anh chị em ra về bằng an”:

“Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa trời chớ chê chớ bỏ lời chúng con gian nan thiếu thốn Đức Nữ Đồng Trinh hiển vinh sáng láng…

Lạy trái tim vẹn sạch Đức Bà Maria

Cầu cho chúng con…”

Thật ra, các hình dung từ hay nhất thế gian đều đã áp dụng cho Mẹ, như “hiển vinh sáng láng”, “rất thánh”, hoặc “trái tim vẹn sạch Đức Bà Maria”… đều dồn vào một lời kinh thôi, cũng nói lên vai trò rất chính và đáng của Mẹ. Mẹ dân gian. Mẹ của Thiên Chúa.

Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, tước hiệu này có từ lâu. Ai cũng đều hiểu thấu. Nhưng vẫn có bạn trẻ, người thân hãy còn thắc mắc. Thắc mắc hôm nay, là từ một giáo dân người Úc. Có thể, là người mẹ còn trẻ. Mẹ của bầy trẻ, ở đâu đó. Và, câu trả lời cũng là của vị linh mục thông thái hôm trước, Lm John Flader của tờ The Catholic Weekly đề ngày 12/08/2007, như sau:

“Tôi vẫn biết Hội thánh gọi Đức Maria là “Mẹ Thiên Chúa”, nhưng tôi thấy cũng khó mà hiểu được ý nghĩa của giáo huấn này cho trọn vẹn. Với tôi, Thiên Chúa là Đấng Vĩnh cửu, Ngài dựng nên hết mọi sự; kể cả Đức Maria cũng do Ngài dựng ra. Thiên Chúa như thế, không thể nào lại có được một người mẹ. Làm sao hiểu được, Đức Maria lại là mẹ của Đấng Tạo Hóa muôn loài chứ? Kinh thánh có nói gì về vấn đề này không, xin cho biết?

Vâng. Có nhiều điều mình tưởng đó như một tín điều. Tin như đinh đóng vào cột. Nhưng, vẫn có những điều cần giải thích thêm. Nhất là đối với các người trẻ, những người không có quá trình thần học như các cụ trong nhà của Chúa. Và dưới đây là lời giải thích cho tước hiệu của Mẹ:

“Đúng như chị nói, chúng ta vẫn gọi Đức Maria là “Mẹ Thiên Chúa” thật đấy. Chúng ta vẫn gọi Mẹ như thế từ lâu khi cất lên lời kinh “Kính Mừng Maria”, và sau đó ta thưa với Mẹ:

“Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời,

cầu cho chúng tôi là kẻ có tội…”

Nói một cách đơn giản, thì bằng vào các cụm từ này, ta đích thực tuyên xưng Mẹ là Mẹ của Đức Giê-su. Mà, Đức Giê-su là Thiên Chúa Ngôi Hai. Là, Đức Chúa làm người. Như thế, Mẹ là Mẹ của Đức Giê-su. Theo lẽ tự nhiên, ta không nói Đức Mẹ sinh ra Thiên Chúa Ngôi Cha, Đấng Tạo Hóa. Và, trong Kinh thánh có nhiều chỗ, nhiều đoạn nói về chuyện này.

Khi thần sứ Gabriel được Thiên Chúa sai đến với Đức Maria vào buổi Truyền Tin, thần sứ nói với Mẹ:

“Maria đừng sợ! người sẽ thụ thai và sinh con, và người sẽ gọi tên Ngài là Giê-su. Ngài sẽ làm lớn và được coi là Đấng Tối Cao, và Chúa Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài ngai Đavít, cha Ngài.”

(Lc 1: 31-32)

Như thế, Đức Giê-su là Người Con vĩnh viễn của Thiên Chúa, Đấng Tối Cao. Ngài là Đức Chúa Con, Ngôi Hai trong Ba ngôi Đức Chúa rất thánh. Thần sứ nói tiếp:

“Thần Khí Chúa sẽ đến trên người, và quyền năng Đấng Tối Cao trên người rợp bóng; bởi thế trẻ sắp sinh sẽ được gọi là thánh, là Con Thiên Chúa!” (Lc 1: 35)

Ít ngày sau, người chị họ của Mẹ là Bà Êlisabét được Thần Khí Chúa tác động đã nhận ra là Đức Maria quả đích thức là Mẹ của Thiên Chúa. Bởi thế, người chị mới kêu lên:

“Bởi đâu tôi được thế này,

là Mẹ Chúa tôi đến với tôi?”

(Lc 1: 42)

Đáp lại, chính Mẹ cũng có nói trong bài ca cảm kích “Xin Vâng” mà hát rằng:

”Hồn tôi tôn dương Chúa, và thần khí tôi nhẩy mừng Thiên Chúa, Cứu Chúa của tôi, vì Người đã đoái nhìn thân phận mọn hèn tớ nữ của nguời.”

(Lc 1: 46-48)

Quả là, nơi Đức Maria lời tiên tri Isaya đã thể hiện:

“Này, cô nương sẽ thụ thai và sinh con,

và bà sẽ gọi tên con là Emmanuel.”

(Is 7: 14)

Trong khi, Mẹ đã tặng ban cho Đức Giê-su mỗi bản tính tự nhiên, chứ không phải Thiên tính, nhưng dù sao thì tại làng Bét-lê-hem, Mẹ đã hạ sinh Đấng Thánh Thiêng Ngôi Con trong Ba Ngôi Đức Chúa. Vì thế, Mẹ đích thực được gọi là Mẹ của Thiên Chúa.

Chân lý này là tín điều của lòng tin, đã được Công đồng Ê-phê-sô công bố vào năm 431 sau Công nguyên. Chính Công Đồng này đã lên án sự sai quấy của bè rối Nes-tô-ri-út. Bè rối này chủ trương Đức Giê-su có hai dạng tính, một là tính người phàm và một là Thiên tính. Theo bè rối này, Đức Maria chỉ là mẹ của hữu thể mang tính loài người, mà thôi.

Công Đồng Êphêsô tuyên bố:

“Nếu có bất cứ ai không công nhận rằng Đức Em-ma-nu-el Kitô đích thực là Chúa, và như thế Thánh Nữ Đồng Trinh Maria không là Mẹ của Chúa được, bởi chỉ theo tính xác thịt mà mẹ cưu mang Thiên Chúa Đấng Ngôi Lời đã làm người, thì hãy coi họ là đạo rối.”

Sách Giáo lý Hội thánh Công Giáo có dạy:

“Thực ra, Đấng mà Đức Mẹ cưu mang làm người phàm là do Thần Khí Chúa tác động. Đấng ấy đã trở nên Người Con của Mẹ theo tính xác thịt phàm trần, không có gì khác Người Con vĩnh viễn của Cha. Ngài là Ngôi Hai trong Ba Ngôi Đức Chúa. Vì thế, Hội thánh xác nhận là Đức Maria thật sự là Mẹ Thiên Chúa (tiếng Hy Lạp gọi là Theotokos)” (sđd đọan 405).

Thánh Xy-rin ở Alexandria, người có uy tín thời Công Đồng Êphêsô có viết:

“Điều làm tôi ngạc nhiên là có một số người có lẽ ngờ vực về việc Thánh Nữ Đồng Trinh có được gọi là Mẹ Thiên Chúa hay không. Nếu Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa, thì sao Thánh Nữ Đồng Trinh mẹ của Ngài đã cưu mang Ngài lại không phải là Mẹ Thiên Chúa được.”

Và, đấy chính là niềm tin mà các tông đồ cảm nhận được nguồn thần hứng đã trao lại cho chúng ta, cho dù các ngài không ghi chú các điều khoản này. Đây là điều các thánh tổ phụ đã dạy chúng ta.

Quả thật, thánh A-ta-na-xi-ô, vị cha già của giáo hội đã để lại nhiều hồi ức nổi bật trong các sách mà thánh nhân viết, trong đó thánh nhân có nói đến tính thánh thiêng và người phàm của Đức Giê-su nơi Ba Ngôi Đức Chúa. Ở chương 3 của sách, thánh nhân đã gọi Thánh Nữ Đồng Trinh Maria bằng danh hiệu là Mẹ Thiên Chúa.

Với xác tín của các thánh tổ phụ trong Giáo Hội, thiết tưởng tước hiệu Mẹ của Thiên Chúa là chính đáng và trung thực.

Chính đáng và trung thực. Đó là hình dung từ rõ nét nói về tước hiệu ở trên của Đức Mẹ. Và còn nhiều tước hiệu khác, cũng thế. Ta cũng sẽ được nghe đến trong lời kinh ban hôm, ban sớm mà con dân nhà Đạo, mình vẫn tin. Tuy chưa hiểu rõ như vẫn không bao giờ hiểu được cho rõ các huyền nhiệm của trần gian. Huống chi, là của Thiên Chúa.

Để minh họa cho những điều ta ít hiểu tường tận nhưng vẫn tin, trong đời thường. Một đời mà người người cứ tưởng là rất khoa học, rất văn minh, nhưng…

Và đây là một mẩu vụn suy tư cũng lại gặp thấy ở cột 8 trên tờ báo nọ. Mẩu vụn này là do một độc giả gửi đến. Độc giả rất bình dân, ít hiểu nhưng vẫn tin:

“Nếu Chúa có tủ lạnh, hình ảnh của anh/chị sẽ xuất hiện ở nơi đó. Nếu Ngài có ví/bóp đựng đồ, Ngài cũng sẽ giữ các tấm ảnh của anh/chị. Ngài gửi đến cho anh/cho chị nhiều đóa hoa muôn sắc, mỗi mùa xuân. Ngài cũng cho mặt trời mọc vào mỗi buổi sớm. Sự thật là, Ngài đang như điên như dại về anh/chị. Chúa đâu có hứa hẹn với anh/chị những ngày sống không đau khổ; những nụ cười không kèm thương đau sầu thảm; hoặc, mặt trời rực sáng mà không mưa đâu. Nhưng chắc chắn là Ngài đã hứa ban quyền uy sức mạnh đến mỗi ngày; Ngài hứa gửi sự ủi an đến với những người đang than khóc và ánh sáng chiếu rọi con đường ta đi. Nếu Ngài đem anh/chị đến đó, Ngài cũng sẽ đưa anh/chị đi ngang qua tất cả. Cả niềm vui lẫn nỗi buồn.

Ở đây nữa, có những sự thật như đếm vẫn hiển hiện mỗi ngày, nơi đời người. Mà, người đời đâu đã chú tâm. Và chú tâm căn bản ta cần đến, mỗi khi nguyện cầu cùng Chúa Mẹ trên cao, là: xin cho sự thật của Ngài vẫn cứ rõ sáng như ban ngày. Rõ sáng, để rồi ta cứ sống, cứ chiêm niệm -chiêm ngắm và niệm suy- mà chẳng cần phải thắc mắc. Với hỏi han.

Trần Ngọc Muời Hai

Trộm nghĩ lắm lúc cũng có thắc mắc

rất vẩn vơ.

No comments: