Friday 7 December 2007

SỐNG ĐẠO VỚI NGƯỜI ĐỒNG ĐẠO

( 1Cr 11, 20 – 27 )

Có nhiều lần, bạn bè thường hỏi nhau về kinh nghiệm sống Đạo giữa đời: phải chăng đó là kinh nghiệm đầy gai góc ? Vâng. Có thể là như thế. Nhưng, với một số người khác: sống đời giữa chốn nhà Đạo, còn gay hơn nhiều. Nhận định này nghe qua có vẻ nghịch lý. Ở một số trường hợp, điều này cũng đúng thôi. Bởi, một trong những điều gay go, rất khó vượt qua trong cuộc đời chính là lối sống cho phải Đạo giữa những người cùng gốc gác. Cùng một niềm tin.

Chuyện này, thật cũng xưa như trái đất rồi. Xưa, theo nghĩa nó từng xảy ra với hội thánh tiên khởi. Đúng hơn, phải nói: đã xảy đến với cộng đoàn Cô-rin-thô. Nay, ta thử nghe thánh Phao-lô tường trình trong thư ngài gửi cộng đoàn thân thương này, để có kinh nghiệm, rất cảm thông.

Trong thư thứ nhất gửi cộng đoàn Cô-rin-thô đoạn 11, thánh Phao-lô đã đề cập đến các khó khăn nội bộ làm rối loạn lòng Đạo của anh chị em, ở đây. Nói là, khó khăn nội bộ, thật ra chỉ là cách nói hoa mỹ đại để diễn tả các khúc mắc quanh lối xử sự giữa các anh chị em trong cùng một cộng đoàn với nhau. Và, nhất là lối hành xử của anh chị em ấy khi cử hành Tiệc Thánh.

Với cộng đồng dân Chúa vào thế kỷ đầu, vẫn thường thấy có vấn nạn, là: có nên ăn uống trước khi cử hành tiệc thánh, không ? Thật ra, của ăn thức uống là thành phần của Thánh lễ rồi. Bởi thế nên, chuyện có được phép ăn hoặc uống hay không trước khi tham dự Tiệc Thánh cũng không còn là vấn đề lớn lao gì. Bởi, vào thời thánh Phao-lô, Tiệc Thánh được tổ chức tại các tư gia. Thông thường, là ở nhà các đấng vị vọng có gia thế, tương đối khá giả. Ở các nơi cử hành tiệc thánh tại gia, thường chỉ có sức chứa khoảng chừng cho 50 vị, là tối đa. Bởi thế nên, khó khăn mà các thánh gặp ở đây, nói rộng hơn, là điều kiện để tổ chức buổi tiệc có khả năng chứa được bao nhiêu vị.

Trên thực tế, cả người nghèo lẫn người rủng rỉnh của ăn của để, xưa nay vẫn cùng nhau đến tham dự Tiệc. Thế nhưng, ở thời thánh Phao-lô, người nghèo chỉ có thể đến dự tiệc thánh sau khi đã hoàn tất công việc đồng áng, lao động để kiếm sống, mà thôi. Nói như thế, tức là: vào tình hình khi xưa, người dư dả rộng thì giờ, thường đến sớm hơn người khác và lại hay độ thực trước đám đến sau. Họ thường xơi hết của ngon, thức lạ, và chỉ để lại cho người đến sau thừa lộc có chút ít đầu thừa đuôi thẹo, thôi.

Có điều khác nữa, là: số người đến sớm tham dự tiệc thánh đã ở trong tình trạng ngà ngà, không xỉn thì cũng đã lưng lửng say, lại say vào lúc tiệc đang ở hồi kết thúc. Thêm vào đó, cũng có vài chuyện xảy đến gây phân rẽ người giầu kẻ nghèo, đó là: cộng đoàn kẻ tin lúc bấy giờ hay có thói quen tổ chức tiệc tại phòng ăn ở nhà các vị có của dư của để. Mà, các phòng như thế lại không đủ rộng để có khả năng chứa hết mọi người đến dự. Bởi thế nên, khi người nghèo đi lao động về để dự tiệc thì lúc ấy đã khá trễ; thành thử, cứ phải ngồi vào chỗ hơi xa, khó có thể tường tận những gì diễn tiến bên trong. Chính vì thế, khó mà thân thương cởi mở, với nhau.

Sự việc cứ như thế tiếp tục xảy đến ngày này qua tháng nọ, thì làm sao tránh được bất mãn đố kỵ, giữa người giàu kẻ nghèo được. Đó là chưa nói trường hợp những người sống thoải mái có của dư dật lại hay có khuynh hướng gần gũi các giới có trách nhiệm, dễ gây nghi kỵ bè phái, hoặc nịnh hót, để có phần. Chính đó là những khó khăn khiến thánh Phao-lô thấy đau lòng khi sự việc cứ tiếp tục diễn ra. Và, tình hình có lúc trở nên tồi tệ đến độ thánh nhân đã phải thốt lời trách móc:

“Vậy cứ như cách anh chị em hội họp cùng nhau một chỗ, thì không còn là để dự Tiệc Thánh của Chúa. Vì mỗi người lo đánh bữa riêng của mình trước và người thì đói, kẻ say mèm.” (1Cr 11, 20 – 21 ).

Để giải quyết các khó khăn trước mắt ấy, thánh nhân đề nghị với thành viên cộng đồng dân Chúa lúc bấy giờ, là: nên chờ cho đến khi mọi người tới đông đủ cả, hãy bắt đầu cử hành Tiệc thánh, thì tốt hơn. Chí ít, hãy ăn uống tại nhà trước khi đi nếu thấy đói bụng. Rồi sau đó, hẵng đến dự tiệc. Có như thế, mọi người mới thấm thía ý nghĩa của việc san sẻ Mình Máu thánh Chúa trong cách thế thích hợp với Lời Ngài dạy.

Để làm giãn tình hình căng thẳng giữa cộng đoàn Cô-rin-thô, thánh Phao-lô đề cập tiếp trong thư về vấn đề ơn đặc biệt Chúa ban cho mỗi người, như sau:

“Đặc sủng chia làm nhiều, nhưng cũng là một Thần Khí. Phục vụ chia làm nhiều, nhưng cũng là một Chúa. Kỳ công chia làm nhiều, nhưng cũng là một Thiên Chúa, Đấng ra uy làm nên mọi sự nơi mọi người” (1Cr 12, 4 – 6).

Khi nói, mỗi người được ban cho biệt tài miệng lưỡi khác nhau, là thánh nhân muốn bảo: đặc sủng này có thể gây hiểu lầm và phân rẽ trong hàng ngũ các anh chị em trong cộng đoàn. Bởi, chính được coi là ơn huệ đặc biệt, nên những người được phú ban ơn ấy, lại tự nghĩ rằng: mình “hơn hẳn” những ai không được Chúa phú ban ơn đặc biệt. Thậm chí, có người sử dụng đặc ân này làm như phương tiện riêng tư khiến càng gây thêm khúc mắc, khó coi.

Cuối cùng, để cắt nghĩa cho con dân ở Cô-rin-thô hiểu thêm về ơn đặc biệt, thánh Phao-lô kết luận chủ đề mà thánh nhân vẫn thường nhắc nhở mọi người, là: tất cả cộng đoàn đều cùng một thân mình, nhưng có nhiều chi thể, nhiều thành viên. Hiểu như thế, ta cứ để Lời Chúa dẫn dắt, là tốt nhất.

Hôm nay, là người nhạy cảm, ta sẽ nhanh chân nhảy vào cuộc mà cho rằng: cộng đoàn tiên khởi cũng giống như mọi cộng đoàn khắp nơi, vào mọi lúc. Nghĩa là, cũng có những nhận định hời hợt, sai sót. Nhất thứ, khi nghĩ rằng: đây chỉ là cảnh “trâu cột ghét trâu ăn”, hoặc “quan võ ghét quan văn dài quần”, mà thôi. Nhưng xét cho kỹ, chuyện xung khắc nội bộ, dù chỉ là chuyện nội bộ của cộng đoàn các kẻ tin vào Đức Kitô, thật ra không đơn giản để ta có được những nhận xét như thế.

Rốt cuộc, để giải quyết vấn đề “nội bộ” ở mọi nơi, của mọi thời, có lẽ cũng nên trích dẫn ở đây lời dặn dò của Đức Chúa. Lời, đã được thánh sử Gio-an, tức vị tông đồ Chúa thương ghi lại như sau:

Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau”

(Ga 13, 35)

Nhớ điều này, thì mọi khúc mắc hoặc vấn đề dù có trầm trọng cách mấy đi nữa, đều sẽ dễ dàng giải quyết. Để cho vấn đề được quan niệm cách nhẹ nhàng hơn, tưởng cũng nên trích lại ở đây đoạn tuồng cải lương rất ngắn từng được nghệ sĩ Văn Hường thường hát:

“Muốn sống cho ra một kiếp người,

Đời con cay nghiệt, lệ còn rơi.

Mỗi khi thất vọng hờn nhân thế,

Mở miệng thầm than một chữ đời.”

(Bài Vọng Cổ – Đời )

Và, hôm nay cũng như hôm nào, nếu bạn và tôi có than thở về những gì không hay đang xảy đến với cộng đoàn mình, thì hãy bắt chước các ca sĩ dân gian nào khác mà hát rằng:

“Đời, c’est la vie. Tình, c’est l’amor”.

Trần Ngọc Mười Hai

phải thú thật

cũng đã có lần

từng hát rống lên như thế...

No comments: