Friday 7 December 2007

Người là ai? Bà là ai?

(Lc 8: 2/ Yn 12: 3)

Ở đời thường, mà đi hỏi những câu như trên, hẳn sẽ bi úp ngay vào miệng một lời căn dặn: không biết, thì cứ là “dựa cột mà nghe”, cần gì phải hỏi! Nhưng trong phiếm Đạo, đây lại là những câu rất cần hỏi. Rất sáng giá để hỏi mãi, hỏi hoài không thôi. Cần là bởi, ở nơi nhà Đạo, câu này được đưa ra rất nhiều lần. Câu hỏi sáng giá là vì ở ngoài đời, những câu tương tự rất được nhiều người đề cập đến. Nhất thứ, ở vào tình huống có những chuyện kể rất ư là “trẻ trung”, như trong nhóm của những người vừa trẻ, lại vừa có Đạo như sau:

Trong buổi giáo lý cho nhóm trẻ ở nhà thờ, sau nhiều giờ học hỏi xem ra bọn trẻ đã có hơi “bão hoà”. Bão đến chan hòa cả lớp nhỏ, vì thầy cô giảng và giải, nói quá nhiều. Nay, hãy dành cho học trò để chúng hỏi. Đã cho phép, thì trò xin một phút hỏi đáp hơi “lạ” và ngoài đề, như sau:

-Xin hỏi thầy, thầy có biết Mẹ Maria là người gì không?

-Chà, câu hỏi xem ra có hơi hóc búa, à! Thì, Đức Mẹ là người Do Thái, chứ gì nữa!

-Chưa đúng hẳn.

-Chẳng lẽ, Mẹ là Người Palestin sao?

-Cũng sai luôn! Thầy đã thua chưa? Chịu đi, em sẽ nói cho mà nghe.

-Được, lần này thì thày xin chịu, để ta còn lo mà học tiếp chứ.

-Đức Mẹ của mình là… người “Lào”, thế thầy thấy có đúng hay không?

-Chi tiết này em lấy ở đâu ra thế?

-Dạ thưa, cũng quanh quẩn trong nhà thờ lúc mà mọi người củng đọc kinh. Đâu gần chỗ các bà đạo đức ở đầu bàn, đọc rất lớn tiếng ấy mà.

-Đâu, em thử chứng minh coi?

-Dạ vâng, thưa Thầy, ngay lập tức: Này nhé, trước giờ lễ ngày Chúa Nhật, ai đến nhà thờ sơm sớm một chút sẽ nghe các bà các cụ đọc kinh, rất ư là dài và lại sang sảng. Trong các kinh được đọc, có một cụ người Bắc Ninh hay Bzắc kỳ cựu gì đó, đọc tiếng nước gì mà nghe sao như tiếng sắt tiếng vàng chen nhau. Đích thực là cụ đọc chữ “Kìa Bà Lào” đang tiến “nên” như dzạng đông, đẹp như mặt dzăng, dzực dzỡ như mặt dzời. Oai hùng như đạo binh xếp hàng và trận. Bà “nà” ai, Bà “nà” ai?

Vâng. Bà là ai? Hay, như các cụ người Phát Diệm vẫn thường đọc, thì Bà “nà” ai? vẫn là câu hỏi không chỉ đặt ra cho Đức Mẹ mà thôi, nhưng là cho các vị nữ lưu, trong Kinh thánh.

Vừa qua, có độc giả lại đặt thêm câu hỏi gửi đến các đấng bậc rất “lão làng” ở Sydney, cũng một câu hỏi tương tự. Hỏi, là hỏi về lý lịch 3 vị nữ lưu trong Kinh thánh là: Maria Ma-đa-lên-na, Maria ở Bê-tha-nia, và nguời phụ nữ lỗi phạm cũng cùng tên gọi, như trên. Câu thắc mắc rất ngắn gọn, giản đơn như sau:

Thỉnh thoảng, có dịp đọc Kinh thánh, tôi vẫn thường tự hỏi về tên tuổi của ba vị phụ nữ có mặt trong Sách này. Ba vị này mang tên gọi na ná rất giống nhau. Một vị, là Maria Mag-Đa-lê-na. Vị kia, là Maria chị ruột của Mác-Tha. Và, Maria khác là nữ phụ tội lỗi ngồi dưới chân Chúa mà đổ dầu ra lau chân cho Ngài. Xin cho biết, có phải cả ba vị này đều là một phải không. Xin loé cho một chút ánh sáng về vấn đề này, để còn tin.

Và, câu trả lời của đấng bậc mô-phạm được chuyển đạt lại, như sau:

“Có lẽ chị cũng không phải là người đầu tiên đưa ra câu hỏi này. Thôi thì, cứ xin phép để chúng ta có cơ hội mà đào sâu thêm những gì mình vẫn tin tưởng, từ thời Giáo hội tiên khởi, mãi cho đến hôm nay. Dường như, là vào năm 591, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả đã giảng một bài trong đó ngài định ra chức phận của ba vị nữ lưu mà chị có nói đến trong thư thắc mắc nói trên. Có phải, cả ba vị cũng chỉ là một, thôi chăng?

Đức Giáo Hoàng Grêgôriô nói như thế, là để phản ánh về một truyền thống vẫn có vào hồi xưa, ở Phương Tây. Nhưng thật ra, ý tưởng này đã được các nhà thần học nổi danh thuộc Giáo Hội tiên khởi, bài bác từ lâu.

Các tổ phụ người Hy Lạp thời trước –tức các vị thánh thuộc Giáo hội tiên khởi ở Phương Đông, đã viết sách bằng tiếng Hy lạp trong đó các ngài liên tục khẳng định rằng: Maria Mag-đa-lê-na, Maria làng Bê-tha-nia và người nữ phụ không ghi tên nhưng đã phạm lỗi nặng vẫn là ba vị, hoàn toàn khác nhau. Sự kiện này vẫn tồn tại ở nơi truyền thống về thần học thuộc Giáo hội Chính Thống, ở nơi đó.

Vậy thì, ta nên nghĩ làm sao về sự khác biệt này?

Trước nhất, hãy nghe thánh Gio-an xác định. Theo thánh nhân, thì chính Maria chị của Mar-tha và người em La-za-rô, là người đã đổ dầu vào chân Chúa lễ Vượt Qua và vào ngày Chúa chịu chết, tại nhà của các vị ấy ở Bê-tha-nia, một thủ phủ gần Yêrusalem.

Lúc ấy, là sáu ngày trước Lễ Vượt Qua.

“Hôm ấy, Có Mar-tha lo phục dịch. Còn Lazarô khi đó, là một trong những người đồng bàn với Ngài. Lúc ấy, Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng hương thuần chất quí giá mà xức chân Đức Giê-su, và lấy tóc mình mà lau chân Ngài.” (Lc 12: 2-3)

Việc xức dầu mà thánh Gio-an kể trên đây rõ ràng khác với việc xức dầu trước ngày Chúa công khai bước vào cuộc đời giảng rao, có người nữ phụ hiện diện ở nhà ông Simôn, người Pharisêu ở Galilê, được thánh sử Luca ghi lại ở chương 7, câu 36-50.

Thánh sử Luca có ghi lại chi tiết tương tự, nhưng lại không cho biết tên của người nữ phụ ấy. Nhưng, theo truyền thống đang có vào thời ấy, thì bởi vì người nữ phụ này là người đàn bà tội lỗi, thì chắc đó phải là Maria Mag-đa-lê-na, một trong bẩy tà thần nữ quỷ đã bị đuổi đi xa.

Đây, là một trong những xác nhận mà nhiều vị không đồng ý. Là nguời phạm lỗi không có nghĩa là đã bị tà thần hay quỷ dữ ám nhập. Và, cho dù có bị tà thần quỷ dữ ám hại, cũng không nhất thiết người ấy công khai là người phạm lỗi truớc mặt công chúng. Là trường hợp nào đi nữa, thánh sử Luca viết ở các chương ngay sau đó, có đề cập đến việc Maria Mag-đa-lê-na đã được bẩy tà thần quỷ dữ thoát khỏi con người của chị, lúc ấy rồi (x Lc 8:2). Tuy nhiên, thánh sử Luca cũng không nói rõ ở đây có phải người đó là Maria, cùng một nữ phụ từng đổ dầu vào chân Chúa Giê-su, ở các chương mà thánh sử đã viết trước đó, hay không..

Điều này, xem ra cho thấy rõ là người nữ phụ công khai phạm lỗi kia không phải là Maria Mag-đa-lê-na.

Việc tin rằng người nữ phụ phạm lỗi chính là Maria Mag-đa-lê-na chắc chắn đã được củng cố thêm bằng sự kiện là cho đến năm 1969, Phúc âm đọc vào lễ thánh Maria Mag-đa-lê-na ngày 22 tháng Bẩy, là đoạn Tin Mừng đã được thánh sử Luca viết về sự kiện Đức Chúa từng được người nữ phụ phạm lỗi đổ dầu vào chân.

Dầu sao đi nữa, Hội thánh muốn cách ly mọi liên tưởng trong vấn đề này. Vì thế cho nên, vào năm 1969 năm mà phụng vụ Hội thánh đã thay đổi Tin Mừng nói về việc Chúa hiện ra với Maria Mag-đa-lê-na, vào sau ngày Ngài sống lại.

Xem như thế, rõ ràng là có hai cuộc đổ dầu vào chân Chúa Giê-su là do hai người nữ phụ thực hiện: một, do Maria ở Bê-tha-nia và sự kiện kia, là do người nữ phụ tội lỗi không ghi danh tánh, đã thực hiện. Nhưng có điều chắc chắn rằng, người nữ phụ này không là Maria Mag-đa-lê-na, được Chúa hiện ra.

Đằng khác, chẳng có lý do gì đáng kể để nhận rằng Maria nguời Bê-tha-nia và Maria Mag-đa-lê-na là một, hết. Bởi, điều quan trọng hơn cả, là: Maria đầu là người từ Bê-tha-nia, thôn làng bé nhỏ cách thành Yêrusalem chừng 3 cây số, ở Giuđêa. Trong khi đó, Maria Mag-đa-lê-na lại là người từ thành Mag-đa-la, thị trấn nhỏ trên biển của Galilê, cạnh Capharnaum. Hai địa danh, hai nơi chốn hoàn toàn cách xa nhau.

Cũng thế, chẳng có vị nào lại đề nghị rằng Maria thuộc làng Bê-tha-nia từng gặp tà thần quỷ ám đã được trục xuất quỷ ấy ra khỏi con người của chị, hết. Cuối cùng, một đằng theo thánh Luca, Maria Mag-đa-lê-na là người đã từng tháp tùng Đức Giê-su trong các chuyến lữ lành Ngài giảng rao các nơi (x Lc 8: 2). Còn, Maria thuộc làng Bê-tha-nia thì xem ra lại vẫn ở nhà mình, nên mới được Chúa ghé viếng, nhiều lần.

Để kết luận, theo như sách thánh dựa trên bản dịch của tác giả Navarre có đoạn luận bình về Tin Mừng theo thánh Gio-an, đoạn 11 câu 2, có nói rằng: “Việc chú giải thông thường và có lý lẽ nhất đã do các nhà kinh sử đề nghị, thì ba vị nữ lưu được đề cập ở trên, là ba người phụ nữ hoàn toàn khác nhau. (trích bài trả lời thắc mắc của Lm John Flader, đăng trên The Catholic Weekly, ngày 07/10/2007).

Xét cho cùng, và cũng xét lại cho kỹ, thì các vị nữ phụ nói trên có là người ‘Lào’, hay nguời Do Thái, Pales-tin đi nữa, các vị cũng vẫn là những phụ nữ rất đặc biệt, đã được Tin Mừng nhắc đến. Mà một khi, các vị ấy được các thánh sử nêu danh như là các nữ lưu rất vị vọng, thì có hỏi “người là ai?”; hoặc, “Bà là ai?” vẫn là chuyện không quan trọng, bằng các bà có “đẹp như mặt dzăng, dzực dzỡ như mặt dzời, oai hùng như đạo binh sắp hàng vào trận” hay không. Đấy, mới là vấn đề.

Và, câu hỏi này đã và đang được các bô lão, các bậc vị vọng trả lời, tại các buổi giáo lý, hoặc ở các buổi suy niệm Kinh thánh. Rất lành. Và, cũng rất thánh. Ở nhiều nơi.

Trần Ngọc Mười Hai

trông chừng cũng ít hỏi: người là ai?

cho bằng: ấy ai mới là người…đạo hạnh, hôm nay?

No comments: