Tuesday 4 December 2007

Nay đồ dâng cúng, có nên ăn

(1Cr 8: 1-13)

Nếu kịch tác gia bi-hài Wlliam Shakespeare của Anh Quốc mà còn sống, và đang ở đất nước của người Việt mình, thì chắc hẳn trong kịch bản Hamlet, ông cũng có câu nói nổi cộm như bao giờ. Câu ấy đại loại, như: Ăn hay không ăn đồ cúng, đó mới là vấn đề.

Vâng. Qua chung sống với người ở ngoài, dân con đi Đạo chúng ta cũng từng được mời ăn đồ cúng kiếng, mà người thường vẫn gọi là “thừa lộc”, tức: các phẩm vật cơm chay đã dâng cúng thần linh, Phật Vị, Đấng ở trên vào các ngày giỗ chạp, cúng kỵ. Sống ở đâu. Chung đụng với cộng đoàn nào khác biệt, ta đều gặp tình huống tương tự. Mỗi tôn giáo, mỗi cộng đoàn đều có tập tục và niềm tin khác biệt. Cả đến niềm riêng tin tưởng nơi đồ cúng, đã đặt lên bàn thờ dâng tiến đấng trên cao, làm lễ vật chứng giám niềm tin. Chí ít, là lễ vật dâng Thần linh, Lạt Ma, Đức Phật .

Cộng đồng dân Chúa Đạo mình, cũng từng kinh qua các kinh nghiệm như thế. Nhất thứ, đối với các cộng đoàn sống gần gũi với người ở ngoài Đạo Chúa, như dân thành Côrinthô. Vào thời trước, Giáo đoàn tiên khởi Côrinthô cũng từng có vấn nạn tương tự. Nhiều vị trong giáo hội ở đây từng ưu tư thắc mắc về việc ăn đồ cúng của người ngoài Đạo. Nên, các vị đã biên thư hỏi vị linh hướng của mình, là thánh Phaolô tông đồ.

Trả lời cho vấn nạn trên, thánh Phaolô đã để ra hai chương 8 & 9 viết trong thư gửi giáo đoàn Côrinthô, năm 54 CN. Vừa qua, trong loạt bài khai tâm tìm hiểu thư thánh Phaolô đăng trên The Catholic Weekly số 4363 đề ngày 29/04/2007, Lm M Kenney, SM có lời bình như sau:

“Trả lời vấn nạn: có nên ăn đồ cúng hay không? Thánh Phaolô đưa ra 3 đề mục đề cập 3 chuyện khác nhau. Chương 8, nói về chuyện ăn đồ cúng kiếng thần linh. Chương 9, bàn về nguyên tắc phải giữ khi ở vào hoàn cảnh hiện thời. Và cuối cùng, thánh nhân đưa ra một vài gợi ý nhằm giải quyết vấn đề, nêu trên.

Trước hết, là đề tài làm bận lòng người dân thành Côrinthô nhất, tức: về thú vật tiến lễ. Theo tập tục thời bấy giờ, không phải toàn bộ vật thú hy sinh đều đã toàn thiêu. Mà là, chỉ một phần thân mình của thú làm của lễ mới bị thiêu và đưa lên bàn thánh, thôi. Phần còn lại, được trả lại cho người tặng để họ chia sẻ thức ăn ấy với gia đình họ.

Trong thư, thánh Phaolô nói có 3 cách có thể giải quyết: ăn phần nào chưa bị thiêu ngay trong đền thờ dân ngoại (8: 10). Có thể ăn phần còn lại đem bán ngoài phố chợ (10: 25). Hoặc, có thể dùng phần ấy mà ăn tối ở chỗ riêng tư với bạn bè, ngoài Đạo (10: 27).

Vấn đề thánh Phaolô đặt ra cho dân thành Côrinthô, là: ăn đồ cúng như thế có phải là hành vi thờ phượng ngẫu thần, chăng? Thánh Phaolô quả quyết: tín hữu Đức Kitô biết rằng chỉ có duy nhất một Chúa là Chúa Cha và Con của Ngài, là Đức Giê-su Kitô thôi. Vì thế, sẽ không thành vấn đề gì cả nếu tín hữu Đức Kitô ăn thịt thà đã dâng cúng ngoại thần, bởi lẽ, tín hữu Đức Kitô thừa hiểu rằng Ngoài Thiên Chúa ra, không có thần nào là Chúa hết.

Tuy nhiên, trong cộng đoàn, vẫn có một số người không có được lòng tin vững chãi. Đối với họ, ăn đồ cúng kiếng ngoại thần rất dễ vấp ngã, làm cớ vấp phạm cho nguời khác. Tức, những người anh, người chị trong cộng đoàn mình sống, yếu đức tin hơn.

Đi vào thực tế, thánh Phaolô với tư cách tông đồ được Chúa chọn làm gương mẫu cho cộng đoàn, nay có những chỉ dẫn về việc ăn đồ dâng cúng ngẫu thần. Trước tiên, là lời bàn về việc tham gia tiệc dâng tế tại các đền thờ người ngoài Đạo. “Được phép làm mọi sự, nhưng không phải mọi sự đều có ích” (1Cr 10: 23). Nhất thứ, những điều “không có ích” ấy phản nghịch lại lời kêu mời của Đức Kitô. Họ được ăn nhưng không phải là: ở nơi thờ tự ngẫu thần. Mà là, được phép ăn tại bàn thờ của Thiên Chúa, tức là: tiệc thánh thể. Tiệc agapè của lòng mến.

Thứ đến, nếu là đồ bán ngoài chợ mà trước đó đã dâng cúng các thần ở đền thờ Hy Lạp và La Mã, thì sao? Cá nhân tín hữu Đức Kitô có được mua thức ấy về ăn không? Thánh nhân trả lời là: Được. Bởi, tín hữu Đức Kitô đều hiểu rằng, thần của người Hy Lạp và La Mã đều không phải là Chúa. Và, họ được phép ăntrong chốn riêng tư “và đừng hỏi han gì cả, vì cớ lương tâm” nếu không là cớ vấp phạm cho bạn bè, người thân(1Cr 19: 25).

Tóm lại, nếu người đi Đạo, ai được mời đến ăn nhà bạn bè, người ngoài Đạo, họ có thể ăn bất cứ thứ gì; trừ phi, có Kitô hữu khác cũng có mặt hôm ấy và coi việc ăn uống như thế là cớ vấp phạm. Và, “Đừng ai tìm ích riêng mình, nhưng là ích cho kẻ khác” (1Cr 10: 24), cho nên hãy thận trọng.

*

Ngày nay, khi chú giải Lời Chúa qua thư thánh Phaolô tông đồ, Linh mục M Kenney, SM không thêm lời bàn, hoặc khuyên răn rút từ luật Hội thánh, hết. Tuy nhiên, với ánh sáng dẫn đưa từ các thông điệp về phụng vụ cũng như thần học sau Công đồng Vatican II, vấn đề nêu trên tưởng cũng đã có hướng giải quyết rồi.

Còn nhớ, kể từ thời Hậu-Công Đồng Vatican II, tín hữu Đức Kitô sống ở Việt Nam và một số nước Á Châu, đã được phép không thờ phượng nhưng vẫn tôn kính ông bà tổ tiên, đã về với Chúa hay thành Phật. Tôn kính không có nghĩa là tôn thờ. Vì, rõ ràng ta vẫn được dạy rằng: chỉ thờ phượng một Chúa, mà thôi.

Cuối cùng, vấn đề cần đặt ra hôm nay, không phải: có được ăn đồ cúng hay không? Để rồi, anh em mình cứ thế mà tranh cãi dài dài về luật lệ, với giới răn. Nhưng, cũng nên chú tâm đến điều khoản đậm nét trong giới luật duy nhất và tối thượng Chúa ban hành, là: “Hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu chúng con.” Những gì phản chống lại điều khoản của giới luật này, mới là chuyện đáng bàn. Và, đáng để ta tranh cãi. Hoặc hỏi han.

Trong tinh thần thân thương trở về với câu nói rất bi và hài của kịch tác gia Shakespeare, có lẽ cũng nên đặt lại lời khẳng định trăn trở nêu ở trên, rằng thì là: “Thương hay không thương tha nhân láng giềng của mình, đó mới là vấn đề.” Đó chính là vấn đề thâm căn nhất. Đó là vấn đề nhức nhối không kém. Của mọi người. Vào mọi thời.

Trần Ngọc Mười Hai

và những thắc mắc đặt thành vấn đề,

nhưng không cứng

rắn.

No comments: