Tuesday 4 December 2007

Sao cứ gọi các cụ là cha

(Mt 23: 8-11)

Nếu bảo rằng, nhận định của ai đó cho rằng danh xưng, tên gọi thường nói lên thân phận của người gọi nó là đúng, thì theo thiển ý, điều này chỉ đúng trong một số trường hợp nào đó, mà thôi. Có nhiều danh xưng, tên gọi dù sử dụng hằng thế kỷ, đôi khi vẫn thiếu sót, chướng tai. Không xét lại, e rằng sẽ mang tiếng chủ quan?

Điều cần xét ở đây, có lẽ nhận định trên đem lại cho bạn và tôi, nhiều thứ … tức rất bực. Hoặc nhẹ hơn, cũng là những ưu tư bức xúc, có lúc rất lấn cấn. Không ưu tư sao được, khi lời dặn dò của Đức Chúa vẫn còn đó, nỗi buồn:

“Các ngươi đừng xưng hô ai dưới đất

là ‘cha’ của các ngươi;

vì Cha của các ngươi chỉ có một,

Cha trên trời!”

(Mt 23: 8-11)

Ngàn năm sau, đặc biệt là năm một chín chín bẩy, tác giả cuốn “Chủ nhật hồng giữa mùa tím”, cũng từng nhận định:

“Trong mạch lạc Tin Mừng Mt 23:8-11, Chúa Yêsu chỉ đề cập đến mối tương quan với các bậc thầy trong dân Do Thái. Nhưng ở đây, chúng ta có thể quả quyết theo tinh thần thư Rôma và thư Galát: ‘Thần Khí đã đến trong lòng kẻ tin mà kêu lên: Abba cha ơi!, thì đương nhiên chỉ có thể kêu lên với Thiên Chúa, không thể với cha mẹ nào khác ở trần gian; vì cũng đúng là ‘Cha của các ngươi chỉ có một, Cha ở trên trời” (Nguyễn Ngọc Lan, sđd tr. 267)

Những năm gần đây, qua trò chuyện điện đàm hoặc điện thư với nhiều vị, bần đệ đã xin phép các bậc vị vọng có chức tước trong phẩm trật nhà Chung, để được xưng hô bằng “anh” hoặc “em” theo thứ tự tuổi tác (như truyền thống dân gian người mình) cho nó thân mật, tình thân. Và, cũng để tuân theo lệnh truyền của Chúa, qua di chúc sau đây:

“Như Cha thương yêu Thầy,

Thầy yêu thương anh em

và như Thầy thương yêu anh em,

anh em hãy yêu thương nhau”

(Galát 15: 9-12).

Với anh em linh mục trẻ, thì chuyện sửa đổi lối xưng hô dường như ít thành vấn đề. Nhưng, với các vị đạo mạo ‘có tuổi mà không có tên’, thì ít khi chấp nhận để người khác gọi mình bằng ‘anh’, ‘em’ hoặc ‘cháu’ cộc lốc, vì “không xứng”, “không phải phép”…

Có lẽ, đề tài này cũng nên được chuyền nhau để “phiếm”, để cùng nhau học hỏi văn chương chữ nghĩa, bấy lâu nay?

Thú thật, nếu ta đồng thuận với câu “văn tức người”, thì cũng phải đi tới cùng kỳ lý, nghĩa là: đã gọi ai bằng ‘cha’, thì phải xưng ‘con’ với ‘ngài’ ấy, chứ. Mà, danh xưng ‘cha/con’ luôn ngầm hiểu mối tương quan thân sinh/con đẻ, hoặc: thái độ kẻ cả, cha chú? Theo truyền thống Nho giáo, Cha hoặc Thầy, là người chỉ biết ‘phán’. Còn, ‘con’ vẫn là người chỉ nên ‘nghe’ và nhận lệnh.

Với Công Đồng Vatican II, tương quan cha/con trong nhà Đạo, phải dần dà đổi thay cho thích hợp với sứ vụ tông đồ. Và, tương quan trong lối xưng hô cũng phải đổi mới cho hợp với lẽ Đạo, mới đúng.

Bàn rộng hơn, vấn đề danh xưng/tên gọi sẽ không thành chuyện, cũng chẳng gây khó khăn gì nhiều đối với người nước ngoài. Bởi, với người Phương Tây, cha mẹ hay con cái thường gọi nhau bằng tên tục. Tức: không đặt nặng thứ tự sinh trước sinh sau, thế hệ trước thế hệ sau. Có thân lắm hoặc yêu thương lắm, chỉ cần ghép thêm hai chữ “my dear” (mon cher/ ma chère) phía đuôi, là đủ.

Đằng này, với người Việt, một khi đã xưng ‘cha’ với người nào đó, hoặc gọi họ là ‘con’/’các con’ phải làm thế này, thế nọ, thì lúc đó không còn quan hệ mật thiết, thân tình nữa, mà là: lệnh hoặc đôi bên đã có sự cách biệt, trông thấy. Một thứ kính nhi viễn chi.

Nhìn vào tôn giáo bạn, người Đạo Phật gọi các nhà sư bằng ‘Thầy’ và các sư nữ bằng ‘ni cô’. Bên Tin Lành, bà con gọi các bậc vị vọng là ‘mục sư’, hoặc thầy giảng là ‘Thầy’, chứ ai xưng cha với con, như các linh mục bắt bổn đạo mình kêu đâu. Nếu bảo, đây chỉ là cha ‘linh hồn’ như vị nào từng biện giải, thì đâu rồi, mẹ ‘hồn linh’ lẫn ‘linh tinh’? Sao không gọi các nữ tu là ‘mẹ’ mà chỉ là ‘sơ’ (phiên âm từ tiếng Pháp: soeur), dù đôi khi các chị cũng làm công việc linh hướng, hướng những linh hồn, nữa. Thành thử, ngôn ngữ nói lên quan hệ, để diễn tả tính quan trọng trong tương quan giữa người với người.

Còn nhớ, có một lần, một linh mục bạn chịu chức hai năm sau bạn linh mục của bần đệ, qua câu chuyện thân mật trong bữa Khilikhitô nọ, (nghĩa là chỉ họp mặt để vui vầy chứ không mang tính ‘linh hướng’ hay ‘linh hồn’ gì cả), đôi bên nhận họ nhận hàng, nhận ra tông ti trên dưới, ta cùng một thế hệ… tu đi. Nay, chỉ khác nhau có một điều: kẻ là cha Đạo, người bố đời, thế thôi. Rất vui vầy hỏi han, nhậu nhẹt và vui hưởng. Thế nhưng, ngày vui qua mau, và cũng bớt vui khá nhiều khi “ông” cha Đạo ấy có việc phải về sớm, bèn “tổng’ chào mọi người kể cả vị cha đời, vốn học trên lớp bố ấy, chính là đương sự viết bài này), rằng: “Cha về nhé, các con!”

Xem thế, vấn đề xưng hô cha/con Đạo-đời là vấn đề của mấy “ông” linh mục, chứ không phải của các “cụ” ngoài đời. Nói vụng nói trộm, nếu sau này Giáo hội cho phép phụ nữ làm linh mục (chẳng chóng thì chày rồi cũng đến ngày “N” ấy thôi), thì các linh mục nữ ấy sẽ xưng hô làm sao với các “cụ” cha hoặc “mẹ” ở đời? Chẳng lẽ lại chào nhau… “Thôi, cha “nữ” về nhé các con, nữ nam!” hoặc: “Mẹ” về nhé các bố đời? Thật cũng khó nghe, chứ nhỉ? Khó nghe và khó chấp nhận.

Thôi thì, ta cứ để qua một bên chuyện xưng hô, gọi nhau í oét. Nếu chỉ có tính xã giao, mời chào thôi, cũng chẳng là điều muốn nói. Đằng này, có “cụ” dù mới chỉ làm cụ được vài năm thôi cũng đã quên ngay câu dặn dò của vị chủ chăn hôm truyền chức: các con hãy sống những điều mình rao giảng, chứ đừng giảng điều mình đang sống.”

Mà điều mình đang giảng là Lời Chúa vẫn nhắc nhở hơn 2 ngàn năm không thiếu: “Các con đừng gọi nhau bằng Cha, vì chỉ có một Cha trên trời.”

Và, chớ có giảng điều mình đang sống. Nghe rất chí lý. Bởi, có cụ chưa làm “cha” nhà Đạo thì khấn nguyện đủ điều, nào thanh tịnh, vâng lời và khó nghèo, đủ cả. Đến khi làm “cụ “ rồi, dù chỉ là cụ non, mới được dăm ba năm, cũng đã ra vẻ thày đời, rất bậc “cha”, cùng chú. Từ đó, coi những người đáng tuổi cha thật của mình, như con. Con tất tần tật.

Có lẽ đến đây, cũng nên ngưng buổi phiếm. Kẻo, cả nguời viết lẫn kẻ đọc sẽ cùng nhau lên cơn sốt mà tố khổ, hoặc kể sướng cho nhau nghe dài dài, thì chết mất thôi.

Thay vào đó, xin tình nguyện kể cho nhau chuyện tình đời. Hy vọng sẽ thấy yêu nhau hơn. Thân nhau hơn, như những người đồng nghiệp trên chiến tuyến tông đồ. Ở đó, mọi người vẫn chỉ là anh là chị, là em của nhau. Luôn hỗ trợ đùm bọc, dắt díu nhau trên chốn chợ đời hoặc nhà Đạo, mà sống Tin Mừng. Tin rất Mừng về cảnh chung sống hài hòa; không còn khinh khỉnh ngó xuống. Coi nhau như kẻ cả/người dưới, chẳng dám ngẩng đầu.

Chuyện kể hôm nay, là một mẩu đối thọai về vi tính giữa người có kinh nghiệm như “cha” hoặc cụ non và kẻ chẳng có tí gì là nghiệm với kinh.

Chuyên gia: Nào, có chuyện gì thế, bạn hiền?

Khách gọi: Tôi đã tham khảo một số nơi, nay muốn cài vào máy mình chương trình này nhưng không rành cho lắm, giúp tôi được không?

Chuyên Gia: Được quá chứ, bạn. Ta bắt đầu chứ?

Khách Gọi : Vâng tôi đã sẵn sàng. Phải làm gì trước?

Chuyên gia: Trước tiên, bạn mở rộng con tim của mình. Bạn tìm ra địa chỉ con tim chưa?

Khách Gọi: Rồi. Nhưng nhiều chương trình cùng lúc chạy liên tu, mình vẫn cài vào được chứ?

Chuyên gia: Cái gì đang chạy vậy?

Khách Gọi: Hãy gượm. Xem nào. Đây này: Đau khổ Thời Đã Qua; Tự Ti Mặc Cảm; Ác Cảm Hận Thù. Và, hiện giờ thấy có chương trình Rất Bực Tức đang chạy ngút ngàn.

Chuyên gia: Không sao. Phần mềm của chương Yêu Thương sẽ xóa sạch phần của chương trình Khổ Đau Thời Đã Qua. Nó sẽ biến ngay thôi. Có thể, bạn vẫn còn thấy nó lưu dấu hiện diện nơi bộ nhớ, nhưng nó sẽ không làm ngưng trệ các chương trình khác của bạn đâu. Phần chương trình Yêu Thương bây giờ đã qua mặt chương trình Tự Ti Mặc Cảm bằng “mô đun” khác gọi là Rất Tự Tin hoặc Mặc Cảm Tự Tôn, tùy bạn sẽ chọn. Tuy nhiên, bạn phải xóa hẳn chương Ác Cảm và Rất Bực Bõ mới cài vào được. Bởi vì, các chương ấy sẽ bị phần mềm của chương Yêu Thương xóa hết ngay bây giờ. Bạn có xóa được không?

Khách Gọi: Hiện tôi chưa biết cách. Có thể nào chỉ cho tôi được không?

Chuyên gia: 30 giây thôi, không khó. Trước hết, đưa chuột vào Menu, tìm đến Tha Thứ. Làm càng nhiều càng tốt cho đến khi nào Ác Cảm, Hận Thù và Hờn Giận biến mất mới thôi.

Khách Gọi: Làm được! Thương Yêu tự nó đang cài. Như thế có đúng cách không?

Chuyên gia: Rất đúng. Nhưng cũng nên nhớ là bạn chỉ có chương trình căn bản thôi đấy nhé. Còn phải nối kết với các Con Tim khác để nâng cấp.

Khách Gọi: Ấy chết! Tôi vừa phạm lỗi. Nó nói: Sai sót – Chương trình không chạy ngoài phần cấu thành”. Phải làm sao bây giờ?

Chuyên gia: Không sao đâu. Có nghĩa là: Yêu Thương đã được cài và đang chạy trên Con Tim, nhưng chưa chạy vào Con Tim của bạn. Theo nghĩa không chuyên môn, thì nó muốn nói Bạn phải Yêu Thương mình đã trước khi cài Yêu Thương người khác.

Khách Gọi: Vậy thì phải làm sao?

Chuyên gia: Dẹp bỏ Tự Mãn; rồi nhắp các tập tin sau đây: Tự Tha; Thẩm Định Giá Trị Riêng Tư và Thừa Nhận Hạn Chế của mình.

Khách Gọi: Được. Xong ngay.

Chuyên gia: Bây giờ bạn chép tất cả vào ổ dĩa “Tim Tôi”. Máy sẽ chép đè lên bất cứ tập tin nào gây mâu thuẫn và bắt đầu nối tạm các chương nào sai sót. Điều nữa, bạn cũng cần xóa chương Tự Kiểm Bằng Lời Nói ra khỏi ổ đĩa và làm sạch Giỏ Rác để nắm chắc là tất cả đều ra đi và sẽ không quay trở về.

Khách Gọi: Kìa! Tim tôi bây giờ ngập những tập tin mới. Mỉm Cười đang đi vào màn hình nhỏ của tôi và Bình An cùng Toại Nguyện đang được chép vào ngập Con Tim tôi. Như thế có là bình thường không?

Chuyên gia: Thỉnh thoảng thôi. Với những người khác, cũng mất nhiều thì giờ, nhưng cuối cùng rồi thì tất cả mọi chuyện đều đạt đúng thời hạn. Như vậy là, Yêu Thương đã được nhập vào. Còn một chuyện nữa, đừng kết thúc điện đàm vội, Yêu Thương là phần mềm miễn phí. Cần đảm bảo là hãy cho đi và gửi các mô đun đến những người bạn gặp. Để rồi, họ sẽ san sẻ với người khác nữa và gửi về lại cho bạn vài mô đun rất tuyệt.

Khách Gọi: Cảm ơn Chuyên Gia. Rất biết ơn.

*

Cuối cùng, phải nhận là thật khó sửa đổi, một khi đã có thói quen trong xưng hô. Sửa hay không sửa, điều quan trọng là: khi xưng hô với nhau, ta nên cài phần mềm chương trình Yêu Thương vào địa chỉ của Con Tim, là được.

Bởi lẽ, vào ngày cuối của cuộc đời, tất cả cũng chỉ cần có thế, mà thôi.

Trần Ngọc Mười Hai

đôi lúc cũng thấy

lấn cấn.

No comments: