Friday 7 December 2007

Những điều trông thấy, có đau đớn lòng?

(Lc 21: 5-36)

Văn chương người đời, tự ngàn xưa, vẫn mang một nhận định rất rõ nét:

“Trải qua một cuộc bể dâu,

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.” (Nguyễn Du- Kiều)

Ngôn ngữ nhà Đạo, bấy lâu nay, cũng còn ghi nhận về các khổ đau của con người. Nhưng, nhà Đạo không đổ lỗi ấy cuộc bể dâu, kéo dài trong cuộc sống. Dân con nhà Đạo lâu nay vẫn nghe những lời dặn dò, sau đây:

“Hãy tỉnh thức luôn,

cầu nguyện xin cho có sức tránh thoát

mọi điều sắp xảy đến,

và được đứng vững trước mặt con Người.”

(Lc 21: 36)

“Bể dâu”, “đau đớn”, “thấy việc này xảy đến”, vv.. đều là những nhận định về các sự thật đang xảy đến từng ngày, từng giây phút trong cuộc bể dâu, những một đời người. Có người gọi đó là tai ương, kẻ lại bảo ấy là sự dữ, khổ ác… Có gọi thế nào đi nữa, khi đã chịu những đớn đau nơi xác phàm, thì người người cũng đều đi tìm nguyên do; ngõ hầu đạt đến giải pháp nào đó khả dĩ giúp mình tránh xa các nguyên do ấy, hoặc làm thế nào cho nhẹ bớt những ma xát, va chạm do sữ dữ/khổ ác đã “làm đau đớn lòng”.

Đã làm người, thì hầu như ai cũng đã từng một lần có những cảm nghiệm như thế. Người bi quan cho đó là hình phạt Chúa gửi. Là bởi vì con người quá ư là tội lỗi. Cũng tựa như truyện dân thành Sô-đô-ma và Gô-mo-ra. Lạc quan hơn, người khác sẽ ghi nhận rằng đây chỉ là dấu hiệu minh chứng con người có tự do, thế thôi. Ở Pháp, từ các thế kỷ trước, văn hào Blaise Pascal đã từng sống kinh qua biết bao là trái khoáy của cuộc đời, nhưng ông vẫn quả quyết: “Ân huệ! Ân huệ! Tất cả đều ân huệ.”

Thành thử, hôm nay nếu bạn mình, tức bạn và mình mà có những màn luận phiếm loanh quanh, hoặc tài lanh “đi dăm phút đã về chốn cũ”, âu cũng để nhận rõ đâu là lý lẽ đích thực của vấn đề. Dẫn nhập lòng vòng là cốt để tỏ bày một phản ứng rất hăng của bạn bè đây đó khi gặp thấy những chuyện bất ưng giữa dọc đường, mà vui câu chuyện phiếm rất Đạo và đời, hôm nay. Không phiếm sao được, khi hôm trước cứ phải nghe và biết những giòng chảy, như ri:

“Có lẽ từ cơn hải chấn kinh khiếp nhất trong lịch sử nhân loại đổ ập những ngọn sóng thần và cuốn ra đại dương sâu hàng trăm ngàn người rạng sáng Chúa nhật 26.12.2004, Giáng Sinh năm nay đã như có một chút gì khác khác. Ruột gan như thắt lại khi nghĩ đến những người dân cùng khổ ở Sri Lanka, Aceh và những du khách ở Phuket và Maldives – những mục đồng và những Ba Vua thời đại – đã dâng chính thân xác mình, thay vì vàng, nhũ hương và mộc dược, cho Chúa Hài Nhi.

Và câu hỏi như gậm nhấm trên môi miệng và trong tim óc mỗi một người là tại sao Thiên Chúa lại có thể để cho thiên tai kinh hãi kia xảy đến chỉ sau ngày kỷ niệm Con Người giáng trần? Tại sao những kẻ cùng khốn trên phần đất rất khô cằn này của thế giới lại phải gánh chịu những ngọn sóng bạc đầu khủng khiếp nhất lịch sử con người? Tại sao? Tại sao?”

(suy niệm lời Chúa trên tờ Niềm Tin ở Úc, 01/01/06)

Và, ở trang sau, đấng bậc nói trên đi đến kết luận, như sau:

“Trong tột cùng đau đớn, con người mới biết trân quý yêu thương và sẽ chia cho nhau hạnh phúc. Qua những mất mát biển trời kia, nhân loại mới hiểu được trái đất này đã không còn biên giới nữa. Hãy bắt đầu năm mới với một tinh thần mới: tuyệt đối phó thác vào Thiên Chúa và phải luôn gắng nhìn vũ trụ qua đôi mắt của chính Đấng Tạo Thành.” (suy niệm bđd)

Trích lại lời lẽ những suy tụng niệm này, cũng chỉ để gọi là phiếm có sách, thế thôi. Chứ chẳng vì mục đích gì khác. Phiếm về chuyện Đạo, lạo xạo chuyện đời, cũng chỉ để gọi là phiếm cho vui và để hỏi người xưa cũng như bầu bạn hôm nay xem quả quyết trên của văn hào người Pháp có nên áp dụng vào những tai ương không? Hoặc, tai ương có là ân huệ hay không, thôi.

Trước khi đi xa hơn vào chi tiết, nào bạn mình hãy cùng bạn ta lướt qua một chút ý kiến cũng của một trong các đấng bậc học giả Kinh thư, Kinh thánh như sau:

*(Chúa Yêsu) đã nghe đến những phán đoán giản lược và cổ truyền của các người đồng thời về đau khổ: họ thấy đó là một phần phạt (Yn 9: 2-34..),

*công việc của quỷ (Mc 9:17).

*Chúa Yêsu cũng có dùng kiểu nói bình dân đó: Ngài nói đến “thần câm điếc” (Mc 9:25),

*nữ tử Abraham bị Satan cột trói (Lc 13:16).

Nhưng ngài thấy sâu hơn. Ngài kháng lại kiểu hiểu quá giản lược coi mọi sự dữ như hình phạt tội này tội khác (Lc 13:1-5, Yn 9:3) đích xác nơi cá nhân. Ngài không dửng dưng trước đau khổ. Ngài dùng quyền năng mà diệt trừ đau khổ: các phép lạ chữa lành của Ngài. Khi thì (và thường là như thế), Ngài tránh làm náo nức trong dân chúng (Mc 5: 38-43; 7: 32-36; 8: 22-26). Khi thì, phép lạ không có tính cách một dấu (hiệu) cho bằng một cử chỉ kín đáo của lòng nhân từ chạnh thương, phản ứng hồn nhiên của lòng Ngài đối với những khổ cực của người xung quanh”. …

…Ngài lại kháng cự lại với đau khổ vừa đủ để dạy đừng thản nhiên lười biếng trước đau khổ của đồng loại, để lên án sư ươn ái ngại ngùng của hạng người ích kỷ. Nhưng thực sự, nỗ lực của Ngài nhắm đến một sư dữ khác: trầm trọng nguy khốn hơn đau khổ trần gian. Đó chính là tội lỗi…” (Lm Nguyễn Thế Thuấn, Sách thánh và Mặc khải cứu rỗi, tr. 137-138)

Xem như thế, đau khổ trần gian luôn đi kèm với tình trạng sai phạm, tội lỗi. Đi kèm không có nghĩa là nguyên nhân hay hậu quả. Đi kèm là thực tế xảy ra trong cuộc đời con người. Sự hiện hữu của khổ đau cũng là hiện hữu của sơ xuất, ngã phạm.

Trên đây là ý kiến của các đấng bậc.

Nay, xem thử lập trường của cựu đấng bậc được xếp vào bậc thày về tâm lý học-phân tâm của trường Đại học Sorbonne, bên Pháp, tác giả cuốn “Chủ Nhật Hồng Giữa Mùa Tím”. Trước tiên là lời đề bạt ở trang sau:

“…nội dung cuốn sách (“Chủ nhật Hồng giữa Mùa Tím”) nói về niềm vui và hy vọng nơi tình thương Chúa ngay giữa những tội lỗi và vấn đề của thân phận con người. (Trần Phong Vũ – lời bạt trên sách)

Và, lời mở đầu của chính tác giả:

“Mùa Chay là thời gian người tín hữu được kêu gọi phải nhìn thẳng vào cái phần sự dữ mang trong mình: tội lỗi, khổ đau và nỗi chết. Đồng thời, cũng phải đối diện với tất cả sữ dự trần gian mà Chúa Yêsu đã phải gánh hết, lãnh đủ cho chính mình Ngài, vì chúng ta và thay cho chúng ta. Tóm lại, “mừng vui lên” giữa lúc người tín hữu đứng trước tất cả nỗi bất hạnh của loài người và cuộc thụ nạn của Chúa Yêsu.” (Nguyễn Ngọc Lan, Chủ Nhật Hồng Giữa Mùa Tím, Cơ Sở Hy Vọng 2002 tr.173).

Tham khảo lập trường xong, nay vấn đề đặt ra không phải là: ai nhận định đúng, ai sai. Mà là, nên quan niệm thế nào về thiên tai, khổ ải. Đau thương ở trần gian đâu là lý do để ta “trân quý, hạnh phúc”. Sở dĩ, có đau thương là vì có Đấng tạo tự do cho con người, là Đức Chúa của sự vui mừng, sung sướng cũng từng chịu cảnh khổ đau như con người. Với con người và cho con người. Ngài đã làm người như ta. Và, khi chấp nhận làm người, Ngài chấp nhận luôn cả khổ đau, tai ương cùng với “niềm vui-tuy-vậy”. Niềm vui của Nước Chúa đang ở với những người đau khổ vào mọi thời. mọi nơi. Chứ không chỉ mỗi Tsunami, không chỉ ở Phuket, Maldives, Aceh, hoặc đâu đó.

Cuối cùng, cũng nên nghe thêm ý kiến của những kẻ tưởng như là không có ý kiến gì về các tai ương, đau khổ. Như giòng chảy tư tưởng, những giòng bên dưới là của một bé em 8 tuổi, em tên là Danny Dutton sống tại California, Hoa Kỳ:

“Một trong các công việc chính của Chúa là tạo đúc nên người lớn. Làm như vậy, Chúa thay thế bà con của mình đã chết mất từ bao giờ. Chúa có làm như thế, Ngài mới đủ sức chăm nom cho cả người lớn và những con thú trên trái đất. Dường như Chúa không đúc ra người lớn ngay từ đầu; mà đầu tiên mới chỉ con nít, thôi. Sở dĩ có chuyện ấy, là vì nếu đúc ra toàn là người lớn, chắc là Chúa sẽ phải thổi hết mất hơi thở của Ngài vào mấy cục đất sét Ngài đã nặn. Thổi hơi vào trẻ con ít tốn hơi hơn. Chế biến ra con người theo cách này, Chúa không tốn kém thì giờ bao nhiêu. Phần lớn thì giờ Chúa bỏ ra, là chỉ bảo cho mọi người học ăn học nói và hoặc cách đi đứng, chạy nhảy cùng nô đùa, mà thôi. Ngài chỉ có lo mỗi một việc là chỉ cách rồi trao việc ấy cho ba má mấy đứa nhỏ khi đúc ra nó là xong. Ngài khỏi lo nghĩ nhiều thứ làm chi cho mất thời gian.

Công tác thứ hai Chúa vẫn làm là: lắng tai nghe mọi người cầu xin các ơn lành Ngài vẫn ban. Về mấy vụ này, vẫn có nhiều người lớn và trẻ em còn thích làm lắm. Người lớn thì như mấy ông cha ở nhà thờ cứ leo lên bục mà giảng đạo. Còn con nít thì quý gối ở bên cạnh giường ngủ, vào mỗi đêm trước khi ngủ. mấy đứa con nít thì có nói lớn nói nhỏ gì, Chúa đều nghe thấy hết.

Dường như Chúa không có thì giờ để nghe đài hoặc xem truyền hình gì hết. Vì mấy người trên đài cứ lải nhải cầu xin hoài thôi. Mà Đức Chúa, Ngài có đôi tai rất thính. Ngài cứ nghe mãi vẫn không thấy chán. Dù tai của Chúa có đầy ứ những lời cầu nguyện với cầu kinh, thì tất cả cũng toàn là chuyện xin không à. Người lớn, người nào cũng chỉ biết có xin và xin thôi. Bởi thế, Chúa mới tìm cách tắt my cái đài mà lúc nào người ta cứ xin đủ thứ chuyện.

Chúa thấy hết mọi chuyện. Ngài nghe và hiểu mọi thứ tiếng. Chúa ở khắp nơi, nên Chúa có nhiều người cầu xin Ngài. Vì vậy nên Ngài rất là bận rộn. Vì vậy, đừng làm mất thì giờ của Chúa. Khi nào đến xin ba má không được, rồi hãy xin Chúa.

Người nào không tin vào Chúa thì mình gọi họ là dân ngọai đạo. Chắc là, ở California này không có nhiều người như thế. Vì cho đến hôm nay vẫn có nhiều người đi nhà thờ mà cầu xin với Chúa Yêsu là Con của Đức Chúa Cha. Chúa Yêsu tốt lắm. Chúa làm đủ mọi thứ việc nặng nhọc. Ngài biết đi trên nước này, biết làm phép lạ, Ngài còn dạy những người nào không chịu nghe lời Ngài nữa đó. Về sau, những người này bắt đầu thấy chán nghe chuyện Chúa nói, nên mới đóng đinh Chúa vào thánh giá ở trên cao mút chỉ ấy. Nhưng Chúa rất tốt bụng. Ngài rất có lòng thương người giống như Chúa Cha vậy. Chúa nói với Cha của Chúa là những người đó chán nản quá nên mới đóng đinh chân tay Chúa vào thánh giá, đó chứ. Hình như mấy người này không biết là mình đang làm những việc gì; bởi thế, Chúa mới kêu gọi Cha của Chúa bỏ qua cho họ. Thế là Cha của Chúa bảo: được, Cha sẽ tha tội cho họ.

Cha của Chúa rất bằng lòng về những việc Chúa làm cho mọi người trên trái đất. Vì thế cho nên, Chúa Cha mới bảo Chúa Giê-su thôi đừng có đi ra ngoài ấy. Cứ ở trên thiên đàng này thì không có sao. Chúa Giê-su mới vâng lời Đức Chúa Cha mà làm như vậy. Bây giờ thì Chúa Giê-su đang gặp Chúa Cha của mình. Chúa gặp Cha rồi thì Chúa mới chịu nghe lời những người đọc kinh cầu xin để xem ai cần gì thì Chúa cho họ ngay. Chúa Giê-su không làm phiền Chúa Cha của Ngài đâu. Ngài cũng giống như người thư ký vậy. Như thế nghĩa là Chúa Cha chỉ làm những chuyện quan trọng mà thôi.

Thành ra, mình cứ cầu xin bất cứ việc gì mình muốn cầu. Chắc chắn Chúa sẽ làm ngay thôi. Vì Đức Chúa Cha và Chúa Giê-su đã chia phiên với nhau để nghe mọi người họ cầu xin rồi.

Người nào chưa được Chúa ban ơn cho, thì đừng có mà bỏ nhà thờ đi tìm chỗ vui chơi sung sướng này khác. Làm như thế là sai đó. Giống như là mặt trời chỉ hiện ra ở ngoài bãi biển cho đến trưa, mà thôi. Đúng là như thế rồi.

Ai mà không tin vào Chúa tất nhiên người đó là người ngoại rồi. Và chắc chắn là người ngoại sẽ phải cô đơn ghê lắm. Vì mỗi lần khi nào mình thấy cô đơn hay sợ điều gì, là Chúa đến với mình ngay ở bên cạnh. Chúa đến vào lúc mặt trời còn sáng một chút, Chúa cũng đến vào ban đêm khi mọi người tắt đèn đi ngủ. Nếu bạn không biết bơi cũng đừng có lo. Có lúc mình bị bọn nhóc quăng xuống chỗ nước sâu, mà có sao đâu. Chúa đến cứu ngay mà.

Tuy vậy, cũng đừng nghĩ là Chúa sẽ làm gì thêm cho mình. Chúa cứ để mình sống ở đây một thời gian; nhiều lúc cũng bị đau chỗ này một chút chỗ khác một chút, rồi cũng hết. Mai mốt Chúa sẽ lại đem mình về với Ngài. Chúa dắt mình đi đâu, đem vào lúc nào, ai mà biết. Hình như ai cũng tin là Chúa sẽ làm như thế; và Ngài cũng chẳng có báo trước đâu. Có như vậy người ta mới gọi Ngài là Chúa chứ bộ. Thôi, nếu ai buồn phiền chuyện gì thì cứ cầu xin là Chúa cho hết buồn liền.

Dĩ nhiên, câu chuyện ở trên chỉ là chuyện của con trẻ. Nhưng, con trẻ cũng có lý lẽ của chúng. Chí ít, là những người lớn con, nhưng đầu óc vẫn còn non trẻ. Trẻ theo nghĩa không chịu già. Cũng chẳng muốn làm người chững chạc, đứng đắn. Chững chạc trong nhận định. Đứng đắn trong thái độ sống. Và cả thái độ tin tưởng, yêu mến như Ngài đã yêu mến mọi người. Nên chăng, gọi các ngài là “những vị kinh …sư rất thánh” như trong Tin Mừng không?

Và, nhận định của các đấng bậc này, có đáng ta để tâm hay không?

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn hỏi để mà hỏi.

No comments: