Tuesday 4 December 2007

Một thoáng mạn đàm về

(Lc 2: 51-52)

Cách nay gần hai thế kỷ, Bà Huyện Thanh Quan đã có lần ngẫu hứng, ứng khẩu thành thơ để vịnh về đèo Ngang nhân chuyến công du qua đèo này. Bài vịnh “Qua Đèo Ngang” của bà, có hai câu cuối kết vẫn làm bận lòng người đọc, đến bây giờ:

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.

(Bà Huyện Thanh Quan – Vịnh Đèo Ngang)

Theo lời bàn của một vị giáo sư việt văn hơn 40 năm về trước là Lm Phạm Thanh Quốc CssR, thì ít có ai quyết đoán được hình thù con “quốc quốc” ra làm sao. Nhưng, ta cũng có thể tưởng tượng nó như loài “chim” lạ, suốt ngày phát lên những âm thanh lanh lảnh giống như người gọi hồn tổ quốc về chứng giám chuyện gì. Còn, cái “gia gia” thì đành chịu. Chẳng ai biết được đó có phải là loài thú hay loài người mà miệng suốt ngày thấy mỏi vì hai chữ “gia gia”.

Đặt vấn đề nói trên, hôm nay, không phải để mạn đàm tính cách hư thực về loài thú (?) luôn cất tiếng kêu rên như thế. Nhưng, người bàn chỉ muốn có đôi nét về chữ “gia” nếu hiểu như tổ ấm, cơ ngơi của gia đình.

Về gia đình, có lần Ts Trịnh Thanh Nhật đã mở đầu cho bài tham luận của ông trên làn sóng điện ở Sydney, Úc Châu có tên là 2SER nhiều năm về trước, khi ông bàn luận về đề tài: “Gia đình, huyền hoặc và thực tại”. Khi ấy, ông có nhận định rất cứng, như: “Với truyền thống gắn bó thân thương sẵn có của ‘gia đình’, người Việt tại Úc sẵn sàng bước vào thế kỷ 21, thế kỷ của Hòa Bình, Thịnh Vượng với lòng khoan dung và độ lượng.” Như thế, có nghĩa là Ts Trịnh Thanh Nhật đồng ý là: các gia đình người Việt ở Úc có truyền thống gắn bó thân thương, rất “nền tảng” của xã hội.

Về phía thành viên của “nền tảng” ấy ở Úc, các nhận định khác cũng đa dạng. Tuy bé bỏng cỡ tuổi Mẫu giáo hay lớp Một đầy tính trẻ thơ, các em học sinh người Úc dưới đây đã có ý tưởng cũng rất “nền tảng”, khi các em phát biểu trả lời thầy cô. Tại trường tiểu học Curran vùng MacQuarie Fields, Sydney, khi được hỏi: “Em nghĩ thế nào về “gia đình”?, các em lần lượt trả lời như sau:

-Shaun: đó là tổ chim non trong đó có Damien, Cathy, Bradley, Sue, Jonathan và em nữa.

-Còn Charlene thì gọi: ‘gia đình’ là: bộ xe-pháo-mã, có ba quần quật đi làm sáng tối, có mẹ quanh quẩn công việc nội trợ trong nhà, và có em là Charlene vui chơi nô đùa với chúng bạn.

-Riêng Mark, thực tế hơn: Nếu không có ‘gia đình’, chắc mấy đứa chúng em đói bụng ghê lắm, và như thế buồn chết đi được…

Con trai thì đơn giản, chỉ như thế. Nhưng con gái vẫn tình cảm hơn:

-Mary, 6 tuổi: ‘gia đình’ là nơi em vẫn rửa bát, và vẫn đọc truyện thiếu nhi mỗi tối cho ba mẹ nghe cho dễ ngủ.

-Riêng Amy, thì khác: ‘gia đình’ là nơi em được nuông chiều cẩn thận. Em yêu gia đình, vì ba má đều khen em rất ngoan, và học giỏi nhất nhà…

Tóm lại, đối với các em: gia đình là ba, là má, là tất cả. Là, cõi mộng mơ, là chốn tuyệt vời em đang sống. Nhưng, cũng có lúc ‘gia đình’ không là tất cả, và cũng chẳng là gì cả. Nhất thứ, khi mọi khổ ải dồn về che khuất con tim bé bỏng hiền dịu. Dù cho, tim ấy muốn ‘vui trở lại’, mải vui dài dài. Đã hơn một lần, nhũng người như bé Joe, tuy mới có 6 cái xuân xanh, nhưng bé cũng đã biết chọn lựa và so sánh:

-Joe: ‘Em thích gia đình Peter hơn gia đình em. Ba nó không dữ như ba mình, nhé’;

hoặc:

-Emilie: ‘Em ghét Ba lắm. Tối ngày uống rượu hoài à. Uống đã, rồi gây sự đánh luôn cả mẹ’;

-Jessica: ‘Mỗi lần em chán gia đình, em bèn lấy búp bê ra chơi, ngồi nói chuyện suốt với búp bê. Chơi với búp bê còn sướng hơn chơi với người lớn. Sao người lớn kỳ thế nhỉ…’

Quả thật, đã có biết bao nhiêu thiên thần tuổi nhỏ đã phát giác ra chân lý: chơi với người, chán hơn chơi với con Tôtô, Kiki. Bởi, với Jessica và hàng triệu triệu em khác trên thế giới, gia đình đã trở thành thế giới của người lớn. Của áp-phe, tiền bạc hoặc rượu chè bài bạc. Thậm chí, cả tội ác nữa cũng không chừng. Đồng ý, phải có người lớn mới có gia đình. Và, chỉ người lớn mới là chủ gia đình, mới tác thành tổ ấm, hoặc cái nôi của tình người. Nhưng, ví thử cũng nôi ấy, tổ ấy, mái ấy lại gồm toàn những khuôn mặt “ông cụ” không thôi, thì chắc gia đình sẽ không còn mang ý nghĩa ‘mái ấm tình người’ nữa nhỉ?

Phát biểu của trẻ con đôi lúc cũng khiến cho người lớn trở về với thực tế phũ phàng. Thứ thực tế của rất nhiều gia đình thuộc thế hệ hôm nay. Cho đến giờ, thật khó có được thống kê chính xác về thực trạng của tất cả các gia đình trên thế giới, nói chung. Nhưng, những lời trần tình của trẻ nhỏ ở trên hẳn cũng đủ để hối thúc bà con ta trở về nguồn, tìm lại hình ảnh đích thực của cái gọi là ‘gia đình lý tưởng’. Hoặc, ít ra cũng có một cái nhìn về ‘gia đình đích thực’ để khỏi phải ‘thương nhà mỏi miệng cái gia gia’ như Bà Huyện Thanh Quan đã công phu vịnh thơ cách nay hàng thế kỷ.

Trở về ‘cội nguồn’ của niềm tin Kitô giáo, có thể nhiều người sẽ gặp gỡ nhau trong câu nhắn nhủ, rất ‘triệt để’ như:

“Hãy để mặc các trẻ nhỏ, đừng ngăn cản chúng đến với Thầy, Vì Nước Trời thuộc về những người như thế.’

(Mt 19:14);

Hoặc:

“Lại còn không biết là Con phải ở nơi nhà Cha con sao?

Nhưng ông bà không hiểu lời Ngài nói với họ.

(Lc 2: 49)

Với cương vị của Thánh gia, quả là: Đức Mẹ và thánh Yuse không hiểu tường tận công việc Đức Yêsu đang làm. Bởi, công trình cứu độ đâu khi nào lại mang tầm kích như “chuyện thường ngày ở… nhà” đâu. Chí ít, đó lại là ‘nhà’ hay ‘gia đình’ ở trần gian. Của người phàm. Hơn nữa, ở một đoạn khác, Đức Yêsu đã minh định thế nào là gia đình ruột thịt, khi Ngài trả lời câu hỏi của ai đó:

“Giang tay chỉ các môn đồ của Ngài,

Ngài nói: Này là mẹ ta và anh em Ta.

Phàm ai làm theo ý Cha Ta, Đấng ngự trên trời,

kẻ ấy là anh em và là mẹ Ta.

(Mt 12: 49).

Thực tế mà nói, là thành viên gia đình Ngài, nhiều khi không đơn giản, hoặc dễ chịu; vì, phải thuận theo đòi hỏi rất triệt để như sau:

“Kẻ yêu cha mẹ hơn Ta

ắt không xứng với Ta.”

(Mt 10: 37)

Hoặc:

“Các ngươi sẽ bị mọi người ghét vì Danh Ta,

Nhưng ai bền vững đến cùng,

Người ấy sẽ được cứu.” (Mt 10: 22)

Tuy nhiên, để an ủi mọi người, Ngài đã khích lệ:

“Hãy vui sướng và hân hoan

vì phần thưởng của các ngươi

lớn thật trên trời.”

(Mt 5: 22)

Tóm lại, câu nói trên đây được các thánh sử Mat-thêu và Luca ghi lại, đã nhắc nhở những “con quốc quốc” cũng như “cái gia gia” thời đại ngày nay: chớ đau lòng, nhớ nước nhiều quá. Và, cũng chẳng cần phải “thương nhà” đến nỗi cứ mỏi miệng như thế, mà làm gì. Tất cả, hãy cứ hướng về phía trước tức Nước Trời hoặc Mái ấm đích thực để hân hoan, phấn chấn hơn vì, “Nước Trời đã gần kề”.

Trong tinh thần vừa phiếm vừa luận, hoặc nói theo ngôn ngữ thời thượng, như: vừa tán vừa chạy (theo nghĩa ‘một thoáng tản mạn’), không thể bàn về “cái gia gia” mà lại không đề cập đến gia đình rất thánh. Và, khi tản mạn về gia đình rất thánh là Thánh Gia, cũng không thể và không dám so sánh đối chiếu gia đình “thường thường bậc trung” với gia đình của các Đấng được. Bởi, như thế là phạm thượng. Như thế là, không phải. Ở đây chỉ xin trích dẫn vài điều chính mà Lm Phan Đỗ Thục Linh đã đề cập theo hình thức các điểm chốt như sau:

-Gia đình của Đức Chúa là tổ ấm cơ ngơi rất hài hòa, sâu lắng. -Thánh Gia đã trải qua những giai đoạn thăng trầm như mọi gia đình khác. Có lúc phải xa nhà, trốn chạy các truy lùng, đành tạm trú nơi chuồng thú hôi hám, nghèo hèn.

-Thân sinh phụ mẫu của Chúa đã trải qua cơn khủng hoảng rất căng khi Đức Yêsu đi lạc.

-Đã có lúc Đức Yêsu được nhiều người theo chân, nhưng lại có lắm kẻ thù tìm cách giết hại.

-Là Thánh Gia tuy có khác, nhưng các Đấng vẫn cảm thông với mọi gia đình đang khốn khó.

-Về tương quan giao tế và thái độ xử sự với mọi người, thánh gia là gương mẫu lý tưởng.

-Nếu gia đình bình thường cần Thánh gia giúp đỡ, hãy chung sống hài hòa đồng với cộng đồng và xã hội bên ngoài.

-Cuối cùng, vẫn là nguyên tắc thông thường cho mọi người và mọi gia đình: Cho đi vẫn tốt hơn thu vén vào cho gia đình mình, dù chỉ là yêu cầu về tâm linh, siêu hình.

* Suy cho kỹ, dù “cái gia gia”có mỏi miệng vì thương nhà, nhưng đó có lẽ là việc mỏi miệng rất tốt. Đáng cho mọi gia đình chịu mỏi.

mỏi.

Trần Ngọc Mười Hai

với những tình tự

vừa nhớ cũng vừa thương.

No comments: