Friday 7 December 2007

Thiên đàng hỏa ngục ba bốn bên

(Mt 1: 15, 4: 17)

Trong sống đạo hằng ngày, nhiều lúc cũng nên ra khỏi xóm giáo của mình một đôi lần, mà đến với xứ đạo khác xem các đấng bậc, người anh người chị của mình đang sống đạo và hành đạo ra sao.

Với ý nghĩ đơn thuần ấy, bần đạo đã làm một cuộc “đạo du” bỏ túi, mon men đến các kệ sách nhà thờ nọ vùng ngoại ô Sydney, mà tìm hiểu. Vừa đặt chân đến, cũng đã thấy nhiều chuyện “hỡi ôi!” cứ xảy ra ở vùng đất mệnh danh là văn minh Tây Phương “miệt dưới” này. Sự thể là, hôm ấy một đẹp trời, bần đạo nhặt được tờ “Bản tin Giáo xứ”, liếc qua một vòng với cái nhìn thám tử xem trên trang giấy trắng vàng khổ nhỏ có gì lạ. Bèn nghe văng vẳng đâu đây bài hát trẻ khi xưa:

Thiên đàng/hoả ngục hai bên,

Ai khôn thì dại, ai dại thì sang…

...Linh hồn phải giữ linh hồn,

Đến khi gần chết được lên Thiên đàng…

Tình thật, bần đạo chẳng dại mà lạm bàn về bài hát vu vơ của đàn trẻ làm chi cho thêm ...bận lòng tướng quân. Chỉ xin có một thoáng nhận định về điều mà các đấng bậc nhà xứ vẫn cứ ghi trên giấy trắng mực đen nhà thờ, với đoạn văn câu hát: “đến khi gần chết được lên thiên đàng”.

Ghi lại bài hát của đám trẻ ở nhà, là các cụ vẫn thuộc nằm lòng và vẫn dựa vào lập trường của người xưa. Lập trường, có những nhận định rất ư là thiếu khoa học. Chọc giận cả niềm tin yêu thần thánh, bên Đạo.

Mải tìm cho ra một khẳng định thông suốt về Nước (còn gọi là Thiên Đàng, hoặc Nước Trời ở trần gian), từ các vị là bậc thầy thông thái, bần đạo bắt gặp một đoạn văn được giáo sư Nguyễn Thế Thuấn viết hồi thập niên ’60, như sau:

”Chúng ta tưởng là biết Tin Mừng, biết Phúc âm lắm, vì chúng ta cũng nhớ ít nhiều mẩu truyện, ít lời của Chúa. Các bài Tin mừng đọc trong thánh lễ, nhưng chúng ta không nghĩ ngợi gì cả, dường như không có vấn đề hay thắc mắc. Và nói đến thắc mắc, chúng ta nghĩ là đã phạm đến đức tin rồi. Có thắc mắc thì chúng ta đã sẵn có những lời giải rồi.

Người tín hữu thường hay vịn vào các cha (phải thành thật thú nhận: hàng giáo sĩ nhiều khi ỷ lại vào một vốn học vấn quá nghèo nàn, và cũng không bao giờ đặt vấn đề lại. Giải thích nhiều khi chỉ là giải thích thiêng liêng vu vơ nào đó, hay trả lời cho những khó khăn đâu đâu ấy) mà các cha nhiều khi giải đáp là cốt để gỡ mặt, và cũng vội giật đi ngay vì sợ nguy hại đến lòng đơn thật của con chiên.

Chúng ta không còn dồn việc khảo sát vào điều cốt yếu. Những cái bắt chúng ta dừng lại nhiều khi chỉ là những chi tiết nhỏ về văn chương hay lịch sử. Có khi mánh lới hơn, chúng ta tìm nơi Tin Mừng những gì để viện lý cho ước nguyện, lập trường, hay kiểu đạo đức của riêng ta.” (NTThuấn, Sách thánh và Mặc khải cứu rỗi, tr. 96)

Quả là, tính đơn sơ thành thật của đám con chiên hiền lành ở huyện vẫn bị lung lay, dễ nguy hại. Mối nguy này, không do chính họ – (thật là tội nghiệp nếu ta lại quy lỗi cho các tín hữu ngây thơ ít biết đến nghiệp và tội), mà do các đấng bậc vị vọng trong Giáo hội quanh năm suốt tháng cứ rót nhỏ vào tai các thần dân: những là, thiên đàng và hoả ngục hai, ba, bốn bên…

Rõ ràng, sứ vụ rao giảng của Giê-su Đức Chúa là “Nước Trời”. Chứ đâu có là hoả hay địa ngục nào đâu. Ngục thất trần gian nào mà có lửa để luyện trui những tội và tội. Đức Chúa của ta đâu có mặc khải những chuyện tiêu cực, khiến ta cứ hết lo lắng rồi lại bối rối. Ngài có bao giờ nói đến Thiên Đàng theo nghĩa không gian, nơi chốn. Cũng tội. Ngài vẫn chỉ rao giảng về “Nước” mà thôi . “Nước” của Ngài chẳng bao giờ định vị ở đàng Thiên hoặc đàng Trời theo nghĩa không gian ba bốn chiều, đâu.

Kìa, ngay từ đầu, ở Tin Mừng Matthêu 1:15, 4:17, Ngài đã chẳng bảo: “Thời buổi đã mãn và Nước thì đã gần bên. Hãy lo hối cải và tin vào Tin Mừng” là gì.

Tin Mừng là tin rất hồ hởi để ta mừng vui về “Nước” mà Ngài từng bôn ba rao truyền. Từ sứ vụ Galilê (Mt 4:23, Lc 4:43), cho đến việc chọn lựa đồ đệ để rồi sai đi tiếp bước chân mềm tông đồ Hội thánh (Mt 10:7, Lc 10: 9-11, Mc 6:12). Rồi, đến phút giây cực hình mình chịu nhận, Ngài vẫn kiên trì loan báo về Nước (Mt 24:14). Cả khi sống lại thật, Ngài đã hiện ra với các đồ đệ thân thương và cũng lại nói về Nước (Cv 1, 3)

Tóm lại, suốt đời giáp mặt với loài người, Đức Giê-su chỉ nói và loan truyền duy nhất có một điều: là Vương Quốc của Ngài, mà thôi.

Sở dĩ các “đấng bậc” cứ đem cảm tính người đời vào lời rao giảng về Nước, là vì các cụ vẫn còn lẫn lộn về đặc thù không gian và thời gian. “Nước” của Chúa đây, không có các tưởng tượng về nơi chốn cũng như thời điểm, để diễn ra.

Là đấng bậc vị vọng, mà hiểu theo nghĩa môn đệ theo bước chân mòn hành giáo của Đức Kitô, lẽ đáng ra các cụ phải tiếp nối công cuộc rao giảng về “Nước”, mới đúng. Ngược lại, các cụ chỉ thích nói về lửa (hoả ngục) và đất (địa ngục) thôi. Nói về lửa và đất thì dễ và sướng hơn. Vì mọi người nghe, sẽ hiểu và sợ. Có người vẫn rất ư là sợ, khi nghĩ rằng: hễ đã phạm tội dù tội nhẹ cũng sẽ bị trừng phạt. Bị tống vào lòng đất, ở nơi đó sẽ chịu cảnh lửa đốt, rất nóng bỏng. Và, lâu ngày chày tháng, chiên con dễ bảo của các đấng bậc rồi ra cũng suốt đời sống trong lo âu, sợ sệt. Sợ tội. Sợ hoả ngục. Và, sợ luôn “cha” nữa.

Mới đây, dù đã hơn 40 năm sau Công đồng Vatican II, vẫn có người (một thành viên ca đoàn nọ) chạy đến hỏi han bạn bè chỗ thân quen, rằng: mình vừa bị cảm cúm, nên không biết bỏ đi lễ Chúa nhật hai tuần liền, như thế có mắc tội không? Có phải đi xưng tội lỗi gì không? Nếu mình không xưng tội như các cha vẫn khuyên, thì một mai khi qua đời rồi, chắc phải xuống hoả ngục thì chết….

Ở đây, có lẽ cũng chẳng nên bàn bạc dài giòng thêm về lý do gây nên sợ sệt, rất vẩn vơ. Bởi, có thể nguyên do không phải vì các đấng bậc nhà mình. Nhưng, rõ ràng là các cụ nhà ta vẫn không tạo được thói quen thường xuyên, là: chỉ rao giảng những điều tích cực về Nước Chúa. Nước Trời mà Chúa hằng bảo ban.

Điều tích cực cần rao và giảng nhất, chính là: Nước Chúa đã gần kề. Và, “Nước” của Ngài không mang tính không gian, như lơ lửng ở 9 tầng mây trắng cứ tung tăng, vần vũ; hoặc, ở vườn Ê-đen đất nước Châu Phi thưở nào. Và, động từ “đến” ở thì tương lai “sẽ” vẫn không mang ý nghĩa thời gian, nào hết. Có quan niệm “Nước” của Đức Chúa cho đúng thần học của Đạo, ta mới cảm nhận được ý nghĩa của trạng huống an bình. Nơi đó, chỉ có tình yêu và hạnh phúc, thôi.

Vẫn hơn một lần Đức Chúa từng quả quyết: nơi nào có tình yêu thương và hạnh phúc, tức ở đó chắc chắn có Ngài hiện diện. Bởi thế nên, khi rao giảng cho người ở trong cũng như ở ngoài Do Thái, Đức Kitô vẫn hàm ngụ một trạng thái rất hài hoà, với mọi người. Một trạng huống vốn chìm vào quên lãng, đã từ lâu. Chìm đến độ, dân con nhà Đạo thời tiên khởi gọi là “địa đàng thời ban sơ”.

Với cảm nhận như thế, người đi Đạo và hành Đạo hẳn đều đã hiểu, rằng “Nước” của Thiên Chúa đã và đang xảy đến với các vị lành thánh, rất công chính. Những vị này, chỉ biết có thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Biết dắt dìu nhau thực hiện lời dạy chính yếu của Ngài.

Cũng trong chương sách bàn về Lời rao giảng của Đức Kitô, cố giáo sư Nguyễn Thế Thuấn đã hơn một lần khẳng định:

“Điều Chúa Yêsu chủ trương thì rõ: Việc làm và lời giảng của Chúa Yêsu phải được coi như chứng chỉ của Nước Thiên Chúa khai mạc và nhìn nhận sự hiện diện của Nước Thiên Chúa đó không phải nơi dấu lạ trên trời dưới đất, nhưng là chính ở nơi con người của Chúa Yêsu và trong công việc của Ngài. Đừng tìm viển vông đâu khác.

Lời rao giảng về Nước Trời sẽ đến có cái đặc sắc này là: sự người ta ngóng đợi nơi tương lai tận thế, thì hiện bây giờ Chúa Yêsu đã thực hiện. Như thế nghĩa là, phải bỏ ngoài những thắc mắc về cách thức và khi nào Nước Thiên Chúa đến, mà dồn cả chú ý vào sứ giả hiện tại của Thiên Chúa” (NTThuấn, sđd tr. 120)

Quả thật, đây là lời nhắn nhủ chí lý cách đây những 40 năm. Hơn thế nữa, đến cả trăm năm. Hai ngàn năm, không phai nhạt. Nhưng, người nghe và kẻ phẩm bình Lời Chúa vẫn không nhận ra điều tích cực ấy. Không nhận ra và không san sẻ những tích cực, liên quan đến “Nước” của Thiên Chúa, không phải vì mọi người có ý đồ tăm tối hoặc chậm hiểu. Đúng hơn, là vì quên lãng hoặc cuốn hút vào với thực tế của đời thường.

Cuốn hút là chuyện đương nhiên dễ xảy đến. Chí ít, là vào thời buổi có quá nhiều thứ hấp dẫn. Quá nhiều chuyện để làm. Hơn là ngồi suy niệm về “Nước” hoặc về Chúa. Về Mẹ.

Để biện minh cho điều vừa nói, dưới đây là một truyện kể nhặt được từ điện thư do bầu bạn gửi đến từ xứ người. Truyện đây, tuy không đề cập đến “Nước” của Thiên Chúa; hay đến thiên đàng hỏa ngục ba bốn bên, gì hết. Nhưng, hy vọng cũng nói lên được phần nào cái gọi là “không thể” và “có thể”, như tiêu cực và tích cực. Chuyện kể về một người tên Tom:

“Tuổi về chiều không có nhiều việc để làm. Tom bèn nghĩ ra một cách làm tính cho khuây khỏa vơi đi những ngày sầu đắng còn lại. Thử làm một màn tính toán gồm bốn phép cộng trừ nhân chia, ông bạn già chợt nhớ là đời người chỉ vỏn vẹn khoảng 75 niên là cùng. Dĩ nhiên có người sống dai hơn. Và, cũng có người chết yểu. Nhưng, hãy tạm dừng ở đây và lấy con số 75 là trung bình quân tuổi thọ đời người. Nay, hãy thử kiểm lại xem có đúng thế không nếu ta nhân 75 niên cho 52 tuần, ta sẽ có con số 3900 ngày Thứ Bẩy mà thường tình mỗi người sống trên đời này đều phải có trong suốt cuộc đời mình.

Điều đáng buồn là ít có người cùng có một ý nghĩa như Tom. Phải chờ đến lúc đã 55 tuổi đầu bạc răng long hoặc gần đến ngày hưu già hư non mới chợt khám phá ra rằng mình bỏ phí biết bao nhiêu ngày giờ mà không biết. Chí ít, là các ngày Thứ Bẩy. Những 2860 cái Thứ Bẩy tuyệt vời mà ta không biết tận hưởng. Ai nấy vẫn cứ hùng hục lao động và lao động. Lạo động để kiếm sống. Lao động để có gạo ăn. Hoặc, lao động là vinh quang hay chết tiệt. Để rồi cuối cùng tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Với Tom, phải mất 55 niên anh mới hiểu được chuyện đơn giản như thế. Đến nay, thì đã muộn. Nhưng muộn cũng không sao. Muộn còn hơn không. Nghĩ thế, Tom bèn làm con tính rất nhanh rằng thì là: nếu anh có thể sống đến năm 75 tuổi, anh sẽ còn khoảng 1000 ngày Thứ Bẩy an hưởng tuổi ... cao niên.

Nghĩ xong, anh bèn có quyết định, chạy vội ra hàng quán bán đồ chơi con nít và mua về đủ số bi mà bọn nhỏ vẫn chơi, mang về để một chỗ. Anh đi hết 5, 7 tiệm mới mua đủ số 1000 bi. Anh rửa sạch và đựng vào bao cất một chỗ nơi bàn đọc sách. Từ bữa đó, mỗi ngày Tom lấy ra một hòn bi, vứt bỏ sau vườn hoặc ném vào khoảng không cho khuất mắt.

Ngày qua ngày, Tom ngắm bọc đựng bi thấy nó cứ cạn dần. Anh lại nghĩ phải tập trung làm việc gì quan trọng cho đời mình. Trên đời này, chẳng có gì hay hơn là canh chừng thời gian còn lại cứ thế cạn dần. Để rồi đặt ưu tiên cho công việc hằng ngày. Và, chuyện gì phải đến đã đến. Vào ngày Tom thấy viên bi cuối cùng còn sót trong bọc, anh đưa người bạn đời đi phố ăn sáng và thư giãn đôi chút ở công viên. Nơi đây có sông có nước, có hoa lá cành đủ cả. Tom trộm nghĩ, nếu anh tiếp tục được làm cái việc bỏ bớt hòn bi cuối cùng vào quãng vắng không gian ngày Thứ Bẩy tới, thì có lẽ Trời sẽ cho phép anh có thêm thời gian nữa để có cử chỉ đẹp với người bạn đời anh quên lãng những 75 năm, thì hẳn đời sẽ đẹp lắm.

Chuyện kể chỉ có thế. Nhưng người kể là Tom vẫn muốn nhắn nhủ với người đọc rằng: bạn đừng lo những chuyện “đến khi gần chết có được lên thiên đàng không” hoặc có xuống hỏa ngục chăng. Bao lâu mình còn sống, hãy nghĩ đến những người gần gũi nhất –có thể là vợ hay chồng mình. Có thể, là bạn bè người thân nào đó- hãy làm điều gì tốt đẹp cho họ và cho mọi người. Để, tất cả sẽ đều thấy vui. Sẽ đều hạnh phúc.

Đó mới là thiên đàng. Đó chính là Nước Trời. Nước của Thiên Chúa. Vương quốc chỉ gồm toàn chuyện vui. Những hạnh phúc. Nước của Ngài đang ở nơi đây. Nơi trần gian này. Chứ có đâu xa. Chẳng cần gì địa đàng. Cũng chẳng sợ hỏa ngục hay lửa luyện hình. Chí ít, là chốn địa ngục hỏa lò, ở bên kia.

Và, Thiên đàng/hỏa ngục không phải là hai bên. Thiên đàng và Nước Trời vẫn là một. Một bên. Ở bên ấy, luôn có Đức Chúa sống cùng ta. Ở nơi ấy, ta có toàn chuyện vui. Rất hạnh phúc.

Trần Ngọc Mười Hai

với những bất bình về một suy niệm về chuyện không đâu.

No comments: