Saturday, 30 October 2010

“Anh hát cho em bài tình ca thiết tha”

Anh hát cho em dù lòng nghe xót xa Một lần gặp gỡ đã là bao thương nhớ Thương dáng em cười nhớ nụ mắt bờ môi”

(Ngô Thụy Miên – Bài Tình Ca Cho Em)

(Rm 1: 10)

Hát cho em. Hát bài nào, mà chẳng được. Bài nào, thì lời lẽ/ý từ vẫn cứ là bài tình ca, rất thiết tha. Cho Em. Và, cho Anh. Bởi, có ca hay có hát, vẫn là hát/là ca, một bài tình. Tình tự. Ý tứ. Vẫn là tình ý, của đôi ta. Những người vẫn sống Đạo. Trong đời.

Hát cho em, là hát những lời lẽ, rất đậm đà từ muôn trước. Thuở có em và có anh, cứ nhớ thương/thương nhớ, suốt bốn mùa, như nghệ sĩ họ Ngô từng gợi ý, rất như sau:

“Anh nhớ năm xưa mùa xuân em đến thăm

Em nói yêu anh rồi tình qua rất nhanh

Một ngày chợt đến bỗng tình như đã lỡ

Một ngày chợt đến bỗng đời như tan vỡ.”

(Ngô Thụy Miên – bđd)

Đời vỡ tan, chẳng vì mùa xuân chợt đến. Rất nhanh. Vẫn rành rành, một thứ tình. Tình lỡ. Vỡ tan, chẳng vì đời mình có tình có tiết, rất đêm đông. Giá lạnh. Và, nghệ sĩ nhà mình lại hát tiếp:

“Ai đã yêu em những đêm buồn giá lạnh

Và ai âu yếm hát những lời thiết tha trìu mến

Ai đã nâng niu đón đưa ngày tháng dài

Giờ đâu còn nữa ngày vui đã hết tình ta đã chết.”

(Ngô Thụy Miên – bđd)

Thật ra, nghệ sĩ nhà mình dù có “nâng niu, đón ngày tháng dài”. Hoặc, “âu yếm, lời thiết tha”, đi nữa. Cuối cùng thì, người cũng như tôi, ta vẫn hát. Hát cho Em. Cho Anh. Lời cung chúc, như sau:

“Anh chúc cho em đời yên vui đắm say

Anh chúc cho em dù lòng nghe đắng cay

Một ngày nào đó dẫu tình ta đã lỡ

Một ngày nào đó ta vẫn yêu mãi người thôi...”

(Ngô Thụy Miên – bđd)

Nói cho cùng, người đời thời nay hay nhà Đạo thời này dù tình tự có lỡ dở/vỡ tan, ta cứ hát lời tụng chúc, râm ran nhiều ý. Những hoan ca, bình ca. Rất thánh, như dạo nào. Bởi, những gì bạn và tôi, ta hát bản nhạc “tình” rất nghe quen, ở nhà thờ. Là, thánh nhạc/nhạc thánh. Tức, nhạc của chư thánh nhà Đạo, vẫn là giòng nhạc an lành, nên cổ võ. Nói, là nói thế, chứ hẳn bạn cũng như tôi, ta đang có trong đầu rất nhiều ý/từ, hầu đâu kết thành nhạc bản, có lời ca/ý nhạc, rất cho Em. Cho Hội thánh. Cho, các thánh nhân trong Đạo. Cũng vui tươi, như dạo trước.

Thánh nhạc phải vui tươi chứ không thẫn thờ/thờ ơ/lơ mơ như các “cụ” nhà mình vẫn phẩm bình. Linh tinh. Nói nôm na chẳng qua nói thật, thì: từ lâu, ta vẫn quan niệm “hát là nguyện cầu những hai lần”. Nguyện cầu rất chuyên chăm. Thầm thĩ, nhưng tuyệt nhiên không rầu rĩ, dù là ý nhạc hoặc lời ca. Như nhân sĩ nhà Đạo hôm đó dám lân la đến gần mà hỏi trước những câu sâu sắc. Đậm đặc.

Và hôm nay, nhân sĩ nhà Đạo lại cũng hỏi đôi câu không lan man nhiều chiều kích. Nên, bần đạo lại mời bầu bạn/anh em mình thử xét xem có nên để hồn linh thiêng không bối rối. Ưu tư. Nguyện cầu. Như câu hỏi mà đấng bậc rất giỏi ở Sydney, từng đối đáp rất chuẩn, như sau:

“Tôi có thói quen nguyện cầu, chuyên chăm. Xuyên suốt. Nhưng vừa rồi, tôi lại cứ bận tâm mãi một thắc mắc, là: sao mỗi lần cầu nguyện hăng say như thế, tôi cứ để đầu óc, trí tuệ đi đâu đó chốn ưu tư. Mộng tưởng. Dễ đi lạc. Đến độ, tôi tự hỏi: ta có được phép nguyện cầu trong tư thế, dễ lo ra như thế không? Hôm nay, câu hỏi của tôi, là: cầu nguyện theo cách ấy, có đúng phép? Nếu không, ta nên làm gì để điều chỉnh cung cách nguyện cầu cho phải lẽ? Tôi xin ghi ơn, nếu ngài ban phát cho lời giải thích. Thật là cảm kích. (Một bổn đạo dễ thương chỉ biết hỏi, mà không dám ký tên)

Thật ra thì, câu hỏi nào cũng cần lời đáp hết. Và, câu hỏi ở trên nay được chuyển đến đấng bậc vị vọng rất chuyên gia, thuộc huyện nhà Sydney, đức ngài linh mục John Flader, như sau:

“Tước nhất, tôi muốn nói với chị/với anh là: anh/chị không phải là người đầu tiên/duy nhất đặt câu trên, tôi vẫn gặp. Cầu nguyện, có sốt sắng nhưng vẫn lo ra/chia trí là cung cách mọi người đều đã gặp.

Hẳn, anh chị cũng như tôi, ta đều nghe kể về truyện thánh Bê-Na-Đô, có lần cưỡi ngựa về quê thăm dân cho biết sự tình, lại gặp ngay anh nông gia nọ chuyện trò hỏi han về cách thức nguyện cầu. Nông gia dám quả quyết là: ông cầu nguyện rất nhiều, mà chẳng bao giờ bị lo ra, chia trí hết. Thánh Bê-Na-Đô nghe vậy, bèn nói: “Vẫn biết là bạn nghĩ sao nói vậy, nhưng tôi đây vẫn đoan chắc một điều này: có là thánh nhân đi nữa, ai cũng lo ra chia trí, khi nguyện cầu. Làm sao tránh khỏi chuyện ấy!” Nghe vậy, nông gia cương quyết bảo: chẳng khi nào tôi lại đổ đốn đến thế.

Liền ngay đó, thánh Bê-Na-Đô bèn đưa ra một đề nghị: “Này bạn, nếu anh đọc kinh Lạy Cha mà không lo ra chút nào, thì tôi đây sẽ tặng anh con ngựa này.” Nghe ông thánh nói, nông gia bèn chấp nhận ngay. Tức thì đọc kinh thầm thĩ. Đọc được có vài câu thôi, anh lại hỏi: “Ấy nhưng mà, ngài có tặng tôi cả cái yên ngựa, nữa đấy chứ?”

Chẳng cần tra cứu coi xem truyện kể trên hư thực/thực hư ra sao, mọi sự đã rõ: thánh Bê-Na-Đô quả quyết: ta chẳng thể nào thoát khỏi chuyện phân tâm/chia trí, hết.

Điều quan trọng, là: ta cần phân biệt trạng thái phân tâm có chủ đích hoặc bất đắc dĩ hay không, thế thôi. Phân tâm bất đắc dĩ, là có ý bảo rằng: việc xảy đến ngoài ý muốn, của mọi người. Phân tâm/chia trí là trạng thái thấy có tư tưởng nào đó chợt đến trong trí óc mình. Nó đến, cả khi ta nguyện cầu, dâng lễ hoặc tham dự nghi thức, rất đạo đức. Không thể tránh được những sự việc như thế. Dù nó xảy đến với ta đi nữa, việc ấy cũng đâu là tội theo nghĩa đạo đức. Luân lý.

Cố ý phân tâm/chia trí, là chuyện khác. Việc này, do ta chấp thuận để nó ngự trị trong ta hoặc do ta tìm đến. Tức: chọn lựa để suy tư nhận thức, khi nó đến. Cố ý phân tâm, là quyết tâm làm việc gì đó sai trái, chống lại luân lý/đạo đức. Nhất thứ, chuyện ấy cốt là để xa rời tương quan ta có, với Chúa.

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đề nghị giúp ta giải quyết chuyện phân tâm/chia trí như sau: “Khởi sự làm sao để ta đánh gục việc chia trí, hầu không rơi vào bẫy cạm của nó. Tức, cần thiết là quay lưng lại tâm can của mình. Bởi, phân tâm/chia trí cho thấy những gì ta có xu hướng dễ dính phần. Và, khiêm tốn mà cảnh giác trước mặt Chúa để đánh thức lòng mình biết yêu Ngài và có như thế mới giúp mình cương quyết dâng lên Ngài trọn vẹn tâm can đã thanh lọc của ta. Ở đó, luôn phấn đấu/chọn lựa người làm chủ ngõ hầu giúp ta biết mà phục vụ.” GLHTCG 2729)

Cụm từ “Đánh gục mọi chia trí”, có nghĩa là tập trung tư tưởng lên đó, rồi phân tách xem tại sao những thứ đó lại có? Khi nó xuất hiện như thế, có phải vì ta đã làm việc gì sai trái, không? Hoặc, ta còn yếu kém, sao đó? Đây là tình trạng không lành mạnh, dễ đưa ta vào “bẫy cạm của thử thách” bởi khi đó, đầu óc ta đang tập trung vào những chuyện khiến ta phân tâm/chia trí thay vì hướng đầu óc về với Chúa, thôi. Câu trả lời đơn giản là cố tạo cho ta khoảnh khắc ngắn trong hành xử, để rồi nó sẽ đưa ta trở về với trọng tâm chủ đề, mình nguyện cầu.

Như sách Giáo Lý Hội thánh từng khuyên dạy, phân tâm/chia trí có đó là để xem tâm can ta đang có hướng chiều về chuyện gì. Đề cao cảnh giác, ngõ hầu tỏ cho ta thấy rằng mình thường hay dính bén đến những sự/việc trần thế, thay vì tập trung vào Chúa. Chuyện ra như thế, đơn giản để đem ta về với hành xử có chút buồn sầu, để rồi ta sẽ quyết tâm tập trung thương yêu Chúa. Quyết dâng lên Ngài trọn tâm can, để con tim chân chính đã thanh lọc của ta sẽ không còn dính bén vào những sự việc như thế.

Một cách nữa để giúp ta tránh được chuyện phân tâm/chia trí là hãy ngừng một chút trước khi bắt đầu nguyện cầu. Làm như thế, để mình khiêm nhượng cầu Chúa giúp mình tập trung chuyện trò với Ngài, bằng cả con tim, trí óc giúp mình trọn vẹn chỉ hướng về Ngài, mà thôi.

Nếu nguyện cầu bằng tâm tưởng, hoặc nói chuyện với Chúa bằng ngôn từ riêng tư, có lẽ cũng nên dùng kinh/sách nào đó hầu tập trung trí óc vào một chủ đề nguyện cầu. Thánh nữ Têrêxa thành Avila từng nói: Bà làm việc nàysuốt 18 năm trường khi thấy linh đạo của mình khô khan, khó tập trung.

Thánh nữ có lần viết: “Vào những năm như thế, ngoại trừ khi rước lễ, chẳng khi nào tôi dám nguyện cầu mà lại không cần đến kinh/sách. Tôi vẫn sợ, là mình sẽ dấn sâu vào chuyện nguyện cầu mà không có cách gì giúp mình chống chọi cả một lô kẻ thù. Kinh/sách, là bạn đồng hành như khiên/mộc giúp tôi tránh những cú đập/đánh của các tư tưởng đang nổ bùng. Làm như thế, tôi thấy mình được ủi an. Thư giãn.” (x. Sự Sống, 4)

Điều hệ trọng, là: hãy bền đỗ trong động thái nguyện cầu. Nguyện và cầu, cả khi mình bị chia trí. Thánh AnPhongsô Đệ Ligôri có viết trong cuốn “Khảo Luận Nguyện Cầu”, rằng: “Nếu bạn thấy mình bị phân tâm/chia trí khi nguyện cầu, thì hãy biết cho rằng lời nguyện cầu của bạn cũng đã làm cho ác thần/sự dữ phải phiền lòng, không ít”.

Thành thử, để trả lời cho những ai quả quyết rằng mình chẳng bao giờ biết lần chuỗi Mân Côi vì không thể cầm lòng cầm trí được lâu giờ, vẫn luôn luôn chia trí, Chân Phước Giáo Hoàng Gioan 23 có nói: “Chuỗi Mân Côi tệ nhất là chuỗi tràng mà chẳng ai buồn cầu nguyện bằng chuỗi kinh như thế.” (x. Lm John Flader, The Catholic Weekly ngày 19/9/2010, tr. 16)

Nói theo kiểu bài bản, rất đạo mạo như “nhà Đạo”, thì như thế. Nói trong tư thế, của “người thường ở huyện”, có lẽ cũng nên chọn cung cách nào đó dễ thích hợp. Thích và hợp, với lòng người vẫn là chuyện quan trọng. Lòng người, là lòng của người dân đen lèn quèn, không kiểu cách. Như bần đạo, rất bần và không mấy đạo đức. Tức, bầy tôi rất lôi thôi, đang ngồi viết. Ở đây. Lúc này.

Hỏi rằng: nên chọn kiểu cách nào dễ thích nghi/thích hợp với lòng mình hơn cả, có lẽ bần đạo sẽ chọn kiểu và cách của “phó thường dân Đông bộ”, rất Đông phương. Chọn thế, có nghĩa: khi nguyện và cầu, ta cũng nên nguyện chứ đừng cầu. Tức, đừng quá chú trọng đến các chữ “cầu” như: trong “cầu xin”, “cầu cạnh”, “cầu khẩn”, hoặc “cầu cứu”. Cũng đừng “cầu kinh” ê a suốt ngày/nhiều buổi, để đạt cho bằng được điều gì khiến mình toại ý sở nguyện, giống như lời chúc của các cụ nhà ta vào dịp Tết Nguyên Đán. Sinh nhật. Bổn mạng.

Đừng “cầu”, mà chỉ “nguyện”, tức: chỉ mong đạt “ý sở cầu”. Mong thuận ý Chúa. Để rồi ý của Ngài thành hiện thực. Mong, là mong sao dân con Đạo Chúa luôn hiệp thông/hiệp ý và hiệp lòng mà yêu nhau, như người một nhà. Như thế, đã mãn nguyện. Như thế, đã mãn một ý nguyện từ Chúa và từ các người con rất lành và rất thánh, của Chúa.

Về nguyện cầu, mỗi người theo mỗi cách. Có cách của người già/người trẻ, lớn/bé, gái/trai. Có kiểu Đông/Tây, rất khác biệt. Có người tìm đến Thánh Thể ở Nhà Tạm, để nguyện cầu. Có người tìm chốn tịch liêu/im ắng, lặng thinh. Có vị, tìm vào lời ca hài hoà cùng thần thánh trên trời/dưới đất. Kiểu này hay cách nọ, đều diễn tả một điều, là: thể hiện tình thương yêu Chúa dặn dò, hôm Tạ Từ. Kiểu nào cũng hay. Cách nào cũng tốt. Miễn thực hiện điều Chúa muốn. Chúa dặn, đều rất đặng.

Nói cho cùng, nguyện cầu là sống và làm như thánh nhân hàng đầu Hội thánh, đà chứng xác:

“Tôi hằng nhớ đến anh em mỗi khi cầu nguyện,

xin được thuận buồm xuôi gió

-nếu là thánh ý Chúa- mà đến với anh em

những mong cùng ước được giáp mặt anh em

ngõ hầu cùng anh em chia sẻ ơn thần

làm anh em thêm phấn chấn vững vàng,

nghĩa là để ta chia sẻ niềm ủi an

do cùng một lòng tin,

nơi anh em cũng như nơi tôi.”

(Rô 1: 10-12)

Xem như thế, thì cùng nhau ta sẻ san “ơn thần thánh”, cho phấn chấn. Sẻ và san niềm ủi an, do cùng lòng tin ta vẫn có, với nhau. Đó, mới đích thực là động thái hiệp thông trong tương quan ta có với nhau. Với Chúa.

Nguyện cầu như thế, là để Thiên-Chúa-là-Tình-Yêu, mãi mãi hiển hiện với ta. Và với người. Ở đời này vào những ngày rất thánh thiêng. Linh đạo.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn cứ cầu và cứ nguyện.

Để, người anh người chị trong Hội thánh

mãi luôn được như thế.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )

No comments: