Saturday, 6 November 2010

“Chiều một mình qua phố,”

âm thầm nhớ nhớ tên em, có khi nắng khuya chưa lên

mà một loài hoa chợt tím.”

(Trịnh Công Sơn - Chiều Một Mình Qua Phố)

(2Ph 1: 13-15)

Phố xá anh qua, có là nhà Đạo ở quận/huyện, anh chợt đến? Quê nhà chị đến, có là trời cao chốn vắng, rày hay quên? Quên/nhớ chốn trời cao/phố vắng, là chuyện bình thường. Thường và bình, là chuyện “một mình qua phố”, để “âm thầm nhớ tên em”. Nhớ loài “Hoa chợt tím”. “Gót chân mềm”. “Chiều một mình qua phố” rất bình thường, còn gợi buồn cho mình và cho người một giòng thơ. Mơ huyền. Trầm tĩnh.

Giòng thơ mơ huyền, nay lại đến với bần đạo, nhân có buổi “chiều một mình qua phố”, đến nhà Đạo. Nhưng, phố xá mà bần đạo mới vừa qua, lại là phố Đạo bình thường. Rất dễ thương. Cũng nhắc nhớ “tên em”. Rất êm đềm. Tên, của người anh/người chị, với những tình tự dễ thương. Dễ nhớ. Nhớ và thương, một ký ức, tức tình tự của đấng bậc lành thánh. Rất sốt sắng. Linh đạo.

Sống ở nhà Đạo lại qua phố, bần đạo cũng có ước mơ, tự sự nghe nghệ sĩ hát, rất quen quen:

“Chiều một mình qua phố

âm thầm nhớ nhớ tên em

Gót chân đôi khi đã mềm

gọi buồn cho mình nhớ tên.”

(Trịnh Công Sơn – bđd)

Và, “một mình qua phố”, bần đạo cũng qua là để “nhớ tên em”, rất âm thầm. Người của Hội thánh. Nhớ tên em, là tình tự mà bần đạo nhận ra được ở lời thơ còn hát tiếp:

“Chiều qua bao nhiêu lần môi cười, cho mình còn nhớ nhau

Chiều qua bao nhiêu lần tay mời, nghe buồn ghé môi sầu.

Ngày nào mình còn có nhau, xin cho dài lâu.

Ngày nào đời thôi có nhau, xin người biết đau.

(Trịnh Công Sơn – bđd)

Cùng với người nghệ sĩ trên, bần đạo cũng đã “một mình qua phố”, với môi cười. Để rồi sẽ “nghe buồn ghé môi sầu”. Chuyện “dài lâu”. “Người biết đau”.

Ấy đó, là chuyện đời. Chuyện của người nghệ sĩ, cũng bon chen. Nhưng, không thoát phận hèn. Niềm đau. Ấy đó, là tâm tình của dân con nhà Đạo, cũng hay xục xạo như bần đạo. Cũng từng “một mình qua phố”, nhưng không phải chốn phố chợ. Đường đời. Mà, phố Đạo. Nhà Đạo. Để rồi, cứ khờ khạo. Chẳng để tâm/lưu ý gì tâm sự của vị đại lão trưởng tràng cộng đồng dân Chúa, từng có lời kinh hôm. Rất thúc bách. Như sau:

“Tôi thiết nghĩ:

bao lâu tôi còn sống cuộc đời chóng qua này,

tôi phải nhắc nhở để thức tỉnh anh em,

đó là điều phải lẽ,

vì biết rằng sắp đến thời tôi phải bỏ lều này,

như Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta,

cũng đã tỏ cho tôi biết.

Nhưng tôi sẽ cố gắng, để trong mọi trường hợp,

sau khi tôi ra đi, anh em có thể nhớ lại các điều ấy”

(2Ph 1: 13-15)

Điều thúc bách hôm nay, không là lời thơ hay tự sự về những buổi “một mình qua phố” mà là gợi nhớ cả lời kinh/tâm tình hầu “thức tỉnh anh em”, về “điều phải lẽ”.

Điều phải lẽ, hôm nay là: cần nhớ những gì Chúa đã tỏ cho mình biết. Cần nhớ thêm cả đôi điều người nghệ sĩ hôm xưa khắc khoải, chịu đựng. Nên mới hát:

“Chiều một mình qua phố, âm thầm nhớ nhớ tên em

Gió ơi gió ơi bay lên, để bụi đường cay lòng mắt

Chiều một mình qua phố, âm thầm nhớ nhớ tên em

Áo xưa chưa quen phong trần, đợi mùa thu vàng áo thêm.

(Trịnh Công Sơn – bđd)

Chiều một mình qua phố Đạo hôm nay, không chỉ có mỗi bần đạo mà chắc nhiều người cũng thấy có tình huống rất tương tự. Khi được nghe biết sử hạnh của chị Mary MacKillop và thời gian đợi chờ để được Hội thánh ngó ngàng, mà vinh danh thành hiển thánh. Cả thời gian, khi chị bị Vatican dứt phép thông công.

“Chiều một mình qua phố”, còn là động thái của nhà Đạo vẫn cứ âm thầm mà đợi chờ để được các đấng vị vọng “nhớ tên em”, mà cứu xét. Cứu xét kỹ, mới tấn phong thành bậc hiển thánh, rất đáng nhớ. Nhớ đến chuyện tấn phong hiển thánh cho Mary MacKillop, ở Úc. Nhớ và đợi, thu vàng áo thêm” mà tầm nguyên/nghiên cứu mọi việc cho kỹ lưỡng. Nếu không, sẽ bị cho là hấp tấp. Thiếu chính xác.

Về thời gian đợi chờ, nơi đây lại có lời nhắn dân con nhà Đạo, rằng: mười năm hoặc trăm năm, đâu đã dài. Đâu cứ bậc hiển thánh nào, cũng chờ lâu. Nhớ, là nhớ trường hợp Mẹ Têrêxa Calcutta, được phong Chân phước nhanh nhất lịch sử?

Nhớ, là nhớ rằng Mẹ qua đời năm 1997. Chỉ hai năm sau, Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị đã bãi bỏ điều lệ năm năm, cho phép mở cuộc điều tra về đời của Mẹ. Và, chỉ sau giỗ đầu của Mẹ, tức năm 2002, Toà thánh đã công nhận phép lạ Mẹ làm. Và, chỉ sáu năm sau ngày Mẹ qua đời, Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị lại đã công bố Mẹ là Chân phước, năm 2003.

Trường hợp của Mary MacKillop, thì khác. Mary MacKillop qua đời ngày 8/8/1909. Ngay vào ngày an táng chị, Đức Hồng Y Moran, Tổng Giám Mục Sydney, lại đã tuyên bố rằng chị sẽ được phong thánh, ngày rất gần. Bằng chứng là, vào ngày an táng chị, nhiều người đem chuỗi tràng/cỗ hạt, cùng ảnh tượng sờ chạm vào thi hài chị, để hưởng ơn lành phước hạnh. Có vị còn đến mộ chị đem đất lành cùng đá sỏi về làm báu vật. Hy vọng tương lai mình cũng được hưởng ơn lành từ đấng thánh.

Đến năm 1925, tức hơn ba mươi năm sau, Đức Tổng Giám Mục Kelly, đấng kế vị Hồng y Moran, mới nhớ đến việc tái lập toà án phong thánh cho chị. Và, đến năm 1931, thì tiến trình phong thánh cho chị bị khựng lại vì một trục trặc nhỏ, là: tài liệu quan trọng để duyệt xét, đã thất lạc. Không thấy lưu giữ ở văn khố.

Hai mươi năm sau, tân Tổng Giám Mục Sydney là Đức Hồng Y Gilroy, mới tìm lại được tài liệu này và chính ngài đã tái lập toà án điều tra việc phong thánh cho chị. Suốt từ năm 1951 đến 1961, toà án đã điều tra rất kỹ các nhân chứng ở Sydney và nơi khác như: Brisbane, Adelaide, tức những nơi chị từng đặt chân đến, để cứu xét.

Năm 1973, giới chức Hội thánh ở Sydney lại thu thập thêm nhiều dữ kiện quan trọng gửi về La Mã để mong toà thánh có đủ dữ kiện mà quyết định. Và rồi, nhân dịp ghé Sydney vào độ ấy, Đức Phaolô Đệ Lục đã quyết định mở lại toà điều tra, tiếp tục cứu xét một số yếu tố có liên quan đến đời lành thánh của chị Mary MacKillop, ở Úc. Và không lâu sau đó, lm Aldo Rebeschini được giao cho trách nhiệm rất quan trọng ấy. Linh mục Rebeschini đi khắp đó đây, không chỉ Rôma thôi, mà cả Anh Quốc, Ái Nhĩ Lan để có thêm bằng chứng, mà cứu xét.

Kết quả được đúc kết trong một tài liệu gọi là Positio nhằm xác định xem nữ tu Mary macKillop có sống đời nhân đức theo cung cách anh hùng như Hội thánh qui định không. Việc này đươc giao cho một linh mục Dòng tên khác là cha Paul Gardiner, làm Cáo Thỉnh Viên, có sự hợp tác của lm Peter Gumpel cũng Dòng Tên từ năm 1984 đến năm 1989. Từ đó, cả hai vị có trọng trách báo cáo về Toà thánh, nhận ý kiến.

Năm 1989, các đấng bậc có trọng trách đã đệ trình sự việc lên Thánh Bộ Phong Thánh để kịp thời cứu xét. Không đầy ba năm sau, tức vào ngày 13/6/1992, Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị đã long trọng tuyên bố Mary MacKillop là đấng bậc sống đời nhân đức rất mực của đấng bậc lành thánh, nên được Giáo hội chuẩn thuận nâng lên bậc Đáng Kính.

Kế đó, Toà thánh cũng công nhận phép lạ do lời cầu bàu của Đấng Đáng Kính Mary MacKillop mà nữ phụ nọ sống ở Úc đã khỏi bệnh ung thư máu, gian đoạn chót. Sau đó ít lâu, các chuyên viên y khoa tiếp tục cứu xét sự kiện xảy đến với một bệnh nhân khác, có từ năm 1961. Và, ngày 6/7/1993, Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị khẳng định: đây là phép lạ do Đấng Đáng Kính Mary MacKilop thực hiện.

Cũng từ quyết định này, Toà thánh tiến đến giai đoạn tiếp phong Chân Phước cho Mary MacKillop. Nhân dịp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tổ chức tại Sydney, năm 2008, Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô 16 đã chính thức phong Chân Phước cho Đấng Đáng Kính Mary MacKillop và từ đó, cho phép Hội thánh ở Úc, chọn ngày mừng kính chân phước để đưa vào lịch phụng vụ. Lễ kính Chân Phước MacKillop được ấn định vào ngày 8 tháng 8, tức ngày chị đi vào cuộc sống miên trường. Vĩnh cửu.

Muốn được phong thành hiển thánh, các Chân phước phải có thêm một phép lạ nữa mới kiện toàn đủ thủ tục. Trường hợp chân phước MacKillop, đã có thêm bằng chứng cho thấy một nữ phụ khác bị bướu độc ở phối đã chạy lên não bộ thần kinh, khiến y khoa bó tay từ chối giải phẫu. Và, các bác sĩ khẳng định là bệnh nhân này chỉ sống được vài tháng, là tối đa. May nhờ bạn bè khuyến khích, người bệnh đã tìm đến Chân Phước MacKillop để khẩn cầu. Kết quả là, 10 tháng sau đó, tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân đã cải thiện, trông thấy. Bướu độc biến mất. Bệnh nhân thực sự khỏi bệnh.

Với phép lạ thứ hai này, Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô 16 đã chuẩn thuận cho phép giới chức Toà thánh lo liệu phong thánh cho Chân phước MacKillop. Nghi thức phong thánh cho chị được diễn ra tại Quảng Trường thánh Phêrô ở Rô-ma hôm 17/10/2010, vừa qua.

Xét cho cùng, những câu hỏi người nghệ sĩ trên nêu ra: “ngày nào mình còn có nhau, xin cho dài lâu, có nên áp dụng vào tiến trình phong thánh cho nữ tu Mary MacKillop, không? Và, “xin cho dài lâu” ở đây, có là niềm vui khôn tả xiết, với Hội thánh ở Úc? Chắc chắn việc phong thánh cho nữ tu Mary MacKillop sẽ tạo ảnh hưởng “dài lâu” lên cuộc sống của thành viên trong Giáo Hội. Ở đây. Sau này. (x. Lm Gardiner, Mary MacKillop, Saint in the Making Trung Tâm Giáo Dục Công Giáo Sydney).

Nay, có lẽ sẽ có người hỏi: việc phong thánh cho chị kể như đã xong. Thế còn, ảnh hưởng của sự việc này, rày đã thấy? Thấy hay không, cũng chẳng rõ. Chỉ rõ mỗi một điều, là: cuộc sống ở đời, hay trong Đạo, vẫn có những tình huống giống như câu hát của người nghệ sĩ trên “cuộc đời còn có nhau, xin cho dài lâu”. Tức, ở vào tình và huống của buổi “chiều, một mình qua phố”, hẳn là: người người vẫn “âm thầm nhớ nhớ tên em”, nhớ suốt ngày. Nhớ khôn nguôi.

Nhớ tên em, là nhớ cả tên của vị thánh nhỏ đầu tiên của Úc, hoặc nhớ gì đi nữa, vẫn có thể là tình huống rất nhớ và rất âm thầm như câu truyện ở bên dưới:

“Truyện rằng:

Một hôm, có vị samurai người Nhật đến thu nợ của người đánh cá nọ. Người đánh cá gặp chủ nợ, bèn nói: “Tôi xin lỗi, năm vừa qua công việc làm ăn đến là tệ, tôi không có đủ tiền để trả nợ cho ngài.”

Vị samurai nổi giận, bèn rút kiếm ra định giết chết người đánh cá ngay lập tức. Rất nhanh trí, người đánh cá vội phân bua: “Tôi cũng từng học võ nhưng sư phụ của tôi lại khuyên không nên cãi vã/đánh nhau lúc mình đang nổi nóng.”

Vị samurai nhìn anh dân chài một lúc, sau đó ông từ từ hạ kiếm xuống. “Sư phụ của ngươi rất khôn. Sư phụ ta cũng dạy như thế. Ðôi khi ta không kềm chế được cơn giận của mình. Ta sẽ cho ngươi thêm một năm nữa mà tìm cách trả nợ nần. Lúc đó, nếu ngươi chỉ thiếu một xu thôi, ta cũng sẽ giết ngươi, vì lỗi hứa.”

Vị samurai về nhà, lúc ấy cũng đã muộn. Ông nhẹ nhàng bước vào bên trong, không muốn đánh thức vợ. Nhưng bất chợt, ông thấy vợ mình và kẻ lạ mặt mặc phẩm phục samurai đang nằm trên giường. Điên lên vì ghen tức, ông rút kiếm khỏi bao định giết cả hai người, nhưng đột nhiên nhớ lại lời người đánh cá văng vẳng bên tai: “Sự phụ tôi dặn: Ðừng hành động khi còn giận dữ.”

Vị samurai ngừng lại, hít thật sâu đầy buồng phổi. Sau đó, ông cố tình gây tiếng động để cảnh báo. Vợ ông nghe tiếng, vụt dậy ngay lập tức. Kẻ lạ mặt cũng ngồi. Nhìn kỹ kẻ lạ mặt, vị samurai mới nhận ra đó là mẹ của ông. Suýt bị ông giết.

Ông gào lên:

-Thế này là thế nào đây? Suýt nữa thì con đã giết chết cả hai người!”

Vợ ông phân trần:

-Vì sợ kẻ gian lẻn vào, nên thiếp đã để mẹ mặc áo của chàng hầu đánh lạc hướng bọn chúng.”

Năm sau, người đánh cá gặp lại vị samurai chủ nợ của mình, bèn thưa.

-Năm vừa rồi công việc làm ăn của tôi, thật tuyệt vời. Nay, tôi đến là để trả nợ cho ngài đây, cả tiền lãi nữa! Đây, ông hãy cầm lấy số tiền này, như đã định.

Vị samurai thấy anh dân chài thật lòng, bèn nói:

-Anh đã trả nợ cho tôi đầy đủ rồi. Thôi hãy ra về, mà sống đời hạnh phúc. Khỏi lo lắng chuyện nợ nần gì nữa hết. ”

Truyện ở trên, xem ra cũng có chút gì gọi là đã kết hậu. Cũng ngắn gọn. Chẳng dông dài. Lại ý nghĩa. Và, người kể còn rút ra bài học nhỏ, là: ở hoàn cảnh nào cũng thế, đừng có động thái nào hết, khi đang giận. Bởi có câu: 3 điều làm hỏng con người, là: Rượu, lòng tự cao tự đại, và sự gận dữ. Xét theo truyện ở trên, thì chỉ một câu van xin khất nợ thật thà của người quê, cũng đã gíup vị samurai tránh được cái hoạ tày trời là giết người, cả vợ lẫn mẹ, nữa.

Ngoài ra, người kể cũng lại thêm lời bàn khác, là: ở hoàn cảnh nào đi nữa, ở ngoài đời hay trong Đạo, cũng chớ gượng gạo mà thắc mắc/hỏi han bằng những câu âu sầu. Rầu rĩ. Như câu hát: “Ngày nào mình còn có nhau, xin cho dài lâu”. Như, đợi chờ việc phong thánh cho nữ tu nọ hay ai đó. Khá dài ngày.

Nói: chớ gượng gạo, vì như lời truyền tụng nọ vẫn quả quyết: hồi Đức Bênêđíchtô thứ 16 còn là Hồng Y Ratzinger, ngài từng tuyên bố một câu “rất xanh rờn”, nhưng không mấy thuyết phục rằng: “Úc là đất nước trần tục nhất hành tinh.” (x. Michael Cook, MercatorNet 19/10/2010 tr.1)

Không cần biết, nhận định trên đúng đến cỡ nào. Chẳng cần hỏi, chuyện ấy ảnh hưởng đến người sống ở Úc ra sao? Xét cho cùng, ai cũng nhận ra, là: truyền thông Úc, lâu nay vốn là đệ tứ quyền chuyên kình chống/uý kỵ Hội thánh Chúa. Chí ít, là Hội thánh Công giáo. Chẳng thế mà, khi có sự kiện gì xấu xảy đến với Hội thánh ở đây, truyền thông Úc cứ là nhảy xổ vào, để ăn có. Hoặc, chỉ để thổ lộ những phẩm bình như câu hát: “Ngày nào đời thôi có nhau, xin người biết đau.”. Dài lâu. Rất âu sầu.

Đến đây, hẳn bạn cũng đồng ý là vị samurai nọ cũng là đấng nam nhi quân tử vì ông đã hành xử theo như câu nói ở đâu đó, về đạo làm người quân tử, có bốn điều. Đó là: mạnh dạn khi làm điều nghĩa; nhũn nhặn khi nghe lời can gián; lo nghĩ khi nhận bổng lộc; và cẩn thận với việc sửa mình. Đến đây, bần đạo lại liên tưởng đến chuyện “xin cho dài lâu” một vận hội. Lễ hội. Và, đại hội. Tức những hội và những lễ được tổ chức rất cao sang. Hoành tráng. Sục sôi. Để rồi, khi “ngày vui qua mau”, ta sẽ lại thấy đau thương cứ kéo dài, rồi sẽ hát:

“Chiều một mình qua phố,

Nghe giòng nước vẫn vây quanh

Bước chân nghe quen cũng buồn

Lạy đời, xin còn tuổi xanh.”

(Trịnh Công Sơn –bđd)

Rõ ràng là, người có kinh nghiệm về hệ quả của những ngày dài hội lễ, cũng rất đại. Dù “đại” ấy có là thánh hội mà dân con Đức Chúa vẫn cứ mừng, và cứ kính. Dù, chỉ là hội lễ mười năm. Trăm năm. Hoặc, ngàn năm rất mây bay. Đó, cũng là hội lễ rất tưng bừng. Hưng phấn. Những là, rồng bay phượng múa. Kiệu rước linh đình, đầy đủ cả. Trong khi dân con Đức Chúa chỉ cần “âm thầm nhớ nhớ tên em”. Âm thầm, nhớ tên của thánh nhân hôm trước từng dặn dò:

“Bao lâu tôi còn sống cuộc đời chóng qua này,

tôi phải nhắc nhở để thức tỉnh anh em…”

(2Ph 1: 13)

Thánh Phêrô có nhắc hoặc có nhủ, ngài cũng chỉ muốn nhắc anh và nhắc em, dân con Đức Chúa, hãy nhớ rằng:

“Anh em hãy gia tăng lòng nhiệt thành,

và lo sao để nhờ lòng tin thì đạt thêm đức độ,

nhờ đức độ lại thêm giác ngộ,

nhờ giác ngộ lại thêm tiết tháo

nhờ tiết tháo lại thêm đạo đức,

nhờ đạo đức lại thêm tình huynh đệ,

nhờ tình huynh đệ lại thêm đức mến.

Vì các điều ấy, một khi đã có và có cách dồi dào,

tất không để anh em ở dưng, vô hiệu trên đường trí tri

về Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô.”

(2Ph 1: 1: 5-9)

Hôm nay, ngồi nhớ những lời âm thầm nhắnvà nhủ như thế, bần đạo đã thấy sợ. Vì sợ, nên tự kiểm và tự thấy: dân con Đức Chúa, xưa nay được dặn dò rất nhiều lần, mà sao có nhớ cũng chẳng được bao nhiêu. Vẫn sục sôi, hoành tráng sống đời phô trương nhiêu lễ hội. Chẳng hề biết “âm thầm nhớ nhớ tên em”. Và, nhớ tên đấng bậc anh hùng, rất lành và rất thánh, từng nhắc nhớ.

Ngồi nhớ cảnh trời Tây hôm ấy, ở Rô-ma có buổi phong thánh hoành tráng. Sục sôi. Tốn phí. Bần đạo thấy người mình bần thần, lẩy bẩy. Bèn, vào phòng nhẩm hát lời ca ở dưới, làm kết đoạn:

Còn một mình trên phố,

Âm thầm nhớ nhớ tên em,

Ngoài kia không còn nắng mềm

Ngoài kia, ai còn biết tên.”

(Trịnh Công Sơn –bđd)

Trần Ngọc Mười Hai

Với những khắc khoải

kéo dài nhiều buổi chiều

cứ âm thầm ngồi nhớ.

Nhớ tên người em/người chị

các vị rất lành và rất thánh.

Ở nhiều nơi.

No comments: