Saturday 20 November 2010

“Chiều nay sao dâng nhanh mầu tím

Và mây, bay theo nhau về bến .

Thuyền cắm tay sào từ cuối thu,

ngoài kia sông nước đón chờ…”

(Đoàn Chuẩn/Từ Linh - Chuyển Bến)

(Lc 20: 32)

Cũng một chiều, sao rất “dâng nhanh mầu tím”, bần đạo vội bước lên xe, để “theo nhau bay về bến”. Nhưng, bến ở đây là bến bờ của nhà thờ xứ đạo nhỏ, dự Tiệc Thánh. Điều cần nói, là: bần đạo có thói tật cứ mỗi lần dự Tiệc Thánh là hay lanh chanh/xục xạo tìm bài chú giải kinh thánh của ngày lễ, mà niệm suy. Nhờ xục xạo, bần đạo gặp được mảnh vụn niệm suy do đấng bậc nào đó, bỏ lại.

Tuy gọi là mảnh vụn những suy và niệm, nhưng chừng như đấng bậc dẫn giải kinh thánh hôm ấy đã có đoạn nhập mục làm nức lòng người suy, như sau:

“Nhà tỷ phú nọ, có một lần bị lên cơn nhồi máu cơ tim, tưởng đã chết. Khi tỉnh lại, ông được đài truyền hình địa phương mời xuất hiện trong chương trình gọi là “Chuyện Trò Cùng Chúng Dân” để nghe ông kể nỗi niềm của một người vừa trở về từ cõi chết. Có một lúc, phóng viên hỏi: “Ông có kinh nghiệm gì về nỗi chết sau khi lại được sống không, thưa ông?” Nghe hỏi, nhà tỷ phú trên bèn đứng dậy làm động tác đi đi lại lại, rồi nói nhỏ: Theo y học hiện đại, tôi như người đã chết, từng ra đi về phía bên kia cuộc sống, nay trở về phía bên này cuộc đời, để nói với quý vị ở đây một điều, là: ở bên đó, sau cuộc sống, chẳng có gì! Chết, là hết. Hết sống. Hết tương lai. Mai ngày. Chẳng có gì đáng để ta gọi là sự sống mới. Chẳng có gì là sự sống lại, hết!”

Điều mà nhà tỷ phủ nói, thoạt nghe tưởng như có cái gì đó rất mới lạ. Nghe cho đỡ sầu buồn. Nhưng kỳ thực, ông cũng chỉ lập lại câu nói của ai đó. Chừng như, của phi hành gia Sô Viết Yuri Gagarine hôm trước, cũng phân bua: “Ở trên đó, chốn trời cao, tôi nào thấy có Thiên đường!”

Thật ra, làm sao các vị ở trên lại có thể thấy thiên đường hay tiên cảnh tương lai của sự sống, rất mai ngày hay chốn trời cao xanh ấy nếu chẳng có chút gì gọi là có niềm tin vững chãi vào Đấng là Sự Thật, là Đường và là Sự Sống.

Bởi, nếu đã tin, hẳn các ngài sẽ còn nhớ rất rõ Lời Chúa từng xác quyết là: sự sống vẫn kéo dài, cả khi con người nằm xuống. Lời Ngài rõ như ban ngày:

“Quả thật,

Con người không thể chết nữa,

vì được ngang hàng với các thiên thần.

Họ là con cái Thiên Chúa,

vì là con cái sự sống lại.”

(Lc 20: 32)

Cũng trong tờ “Bản Tin Giáo Xứ” hôm ấy, bần đạo còn được đọc một mẩu tin hiếm có thấy xuất hiện trên hệ thống truyền thông ở ngoài đời, như sau: “Văn phòng Phụ trách Hôn nhân và Đời sống thuộc Tổng Giáo Phận Sydney vừa cho xuất bản tập sách mỏng có tựa đề “Sống Ngày Của Chúa”. Sách này vừa đến với giáo xứ ta, tuần rồi. Xin bà con đọc kỹ tập sách này rồi tiếp xúc với dân biểu thuộc khu vực bầu cử của mình để phản chống Đảng Xanh vẫn cứ muốn thông qua luật An Tử, ở thượng viện.”

Về an tử, trợ tử hay quyền tự chọn cho mình cái chết bình thản có sự trợ giúp của y khoa, vẫn là những trăn trở của những người có nếp sống văn minh phương Tây, về sự sống. Những người ấy vẫn mê say cuộc sống rất xô bồ. Ồ ạt. Vô nghĩa.

Nói như lời của nhà thơ và người đặt nhạc ở trên, hẳn ta sẽ hát:

“Thuyền ơi! Sao mê say nhiều quá?

Đường mê, không ai ngăn cản lối.

Một sớm, thu về chuyển bến xuối,

Về nơi đâu nữa Trời, bến nao?”

(Đoàn Chuẩn/Từ Linh – bđd)

Thuyền và bến, với nhà thơ và người đặt nhạc, thì như thế. Những là bến bờ của đời người. Chí ít, là những người tật nguyền, bệnh tật, rất nan y. Tức, những người đang lo âu. Âu sầu. Khắc khoải. Âu sầu và khắc khoải, rồi tự hỏi: đâu là hành xử đúng với đạo đức/chức năng của con người? Hỏi rồi, lại tự nhắn mình/nhắn người bằng câu hát:

“Còn đêm nay nữa, ta ngồi với nhau.

Ngước mắt trông Trời

Ngày mai anh đã đi xa rồi,

Tình tan vỡ.

Chìm trong lãng quên.”

(Đoàn Chuẩn/Từ Linh – bđd)

Đời người, tuy dài mà lại vắn. Rồi cũng đến lúc ta sẽ lại “ngước mắt trông Trời”. Cũng đến lúc, tình rồi vỡ tan. Chìm trong lãng quên. Duy có tình người. Và tình Chúa thương yêu, sẽ mãi mãi sống dài, đến vô tận. Thế nhưng, người tật nguyền/bệnh tật rất nan y, có được lòng tự quyết định cuộc đời mình vẫn cứ là vấn đề dù không biết rằng mai ngày người anh/người chị ấy sẽ đi vào chốn lãng quên. Triền miên. Không thao thức. Lãng quên. Để rồi, vẫn níu kéo người ở lại là bọn tôi, hát thêm câu:

“Thuyền anh, mai ra đi rời bến.

Mình anh, ra đi nơi Trời Sáng.

Tìm hướng cho long tìm bến mơ,

Từ nay xa cách rồi. Bến Xưa.”

(Đoàn Chuẩn/Từ Linh – bđd)

Bến cũ. Bến xưa. Hay nay vừa chuyển bến, thì đời mình và đời người vẫn như thế. Vẫn có bến có bờ để ra đi. Và hôm nay, có những tình huống trong đó người anh/người chị của ta có thể là chưa thấy được bến bờ mình sẽ đến, nhưng vẫn ra đi. Ra đi, có sự trợ giúp của xã hội. Luật pháp của người đời. Ra đi, mà lòng rất buồn. Buồn tê tái. Cứ là nghĩ mãi về một bến bờ, rất mơ. Nay cách biệt.

Bến mơ hay bến xưa, nay là đề tài để những người ở lại như bọn tôi, và bọn mình, cứ thế mà bàn bạc. Tranh cãi. Cãi và bàn xong còn đem nhau ra trước nghị viện, để đấu tranh. Bầu bán. Dù, việc ấy chỉ liên quan đến toà án, rất lương tâm. Mà thôi.

Về lương tâm, khi định đoạt việc gì cũng đòi bọn tôi với bọn mình, phải suy đi nghĩ lại, cho chín muồi. Vậy thì, đề tài “An tử” hay “Trợ tử”, nay chuẩn chưa? Hay chưa chắc đã hợp lòng Trời. Lòng người?

Để trả lời, có lẽ cũng chẳng nên tìm đến những bến bờ có cãi tranh. Ngụy biện. Của, các đảng phái chính trị nào đó. Bởi, bến bờ Sự Sống đời này, người ta (tức người và ta) đâu cần cãi vã. Ganh đua. Cứ, tranh giành xem ai phải, ai trái. Đảng nào thắng, đảng nào thua.

Hãy tìm đến với tình tự của những người từng được dặn dò bảo ban. Hãy an nhàn tự tại mà tìm hiểu. Hỏi han. Nhận thức. Như, nhận thức của tổng biên tập tờ Disability and Health Journal, bà Suzanne McDermott, giáo sư Đại học Y Khoa Bang South Carolina, đã từng viết.

Ban đầu, giáo sư McDermott tin rằng các tự sát có trợ giúp như thế, chỉ là vấn đề cá nhân, riêng lẻ. Nhưng cuối cùng, bà nhận định rằng sự việc như thế nằm ngay tâm can của phong trào đòi quyền lợi cho người tật nguyền.

Có lần, bà nói: “Hầu như mọi người khi đạt đến giai đoạn cuối của cuộc đời, đều được liệt kê vào danh sách ‘tật nguyền’. Xem thế thì, thực hiện tự sát có trợ giúp bằng cách nào đó, đã đem lại cái chết cho các vị bị tật nguyền.”

Sở dĩ tác giả đề cập vấn đề này là để đáp ứng quyết định từng gây tranh cãi năm 2008 do việc Hiệp Hội Y Tế Công Cộng Hoa Kỳ (gọi tắt là APHA) hỗ trợ cho đề tài mà họ gọi “Giúp Cho Chết Dần Chết Mòn” (tức: tự sát có giúp đỡ/tiếp tay). Đề tài này đã đi vào hệ thống bắt sóng của truyền thông đại chúng. Nhưng, điều đó có nghĩa rằng: theo chính sách của các cơ quan “kỳ cựu, to lớn, có tầm hoạt động rộng nhất thế giới về y tế công cộng, và có số thành viên đến 30,000 người, thì an tử là hỗ trợ tự sát có giúp đỡ, rất trọn vẹn. Dân chúng ở bang Oregon gọi đây là “cái chết truyền cho bệnh nhân” hoặc “chết có bác sĩ giúp”.

Thay vì cứ lẩn quẩn mãi với từ ngữ do Bộ Y tế của Barack Obama lấy từ tập sách cải tổ y tế viết, bệnh nhân cao niên và các gia đình cũng nên lo ngại về động thái của hơn 30,000 thành viên Hiệp Hội. Họ là những người ngồi đó mà phán xét về “bảng chỉ đường đưa đến cái chết”. Điều, mà giáo sư này quan tâm hơn cả, có thể tóm gọn vào các điểm, sau đây:

Thứ nhất, sự hiện hữu của cái gọi là “tự sát có giúp đỡ” dẫn đến sự việc là: các vị cao niên, tật nguyền, ốm yếu vẫn phải kéo dài cơn sóng gió cuộc đời nay giải quyết sớm hơn một chút để nhẹ nỗi ưu tư đối với người chăm sóc.

Mối lo của các vị lâu nay vẫn bị người bảo trợ/chăm sóc vẫn riễu cợt. Những người này chủ trương rằng điều họ muốn chỉ là chọn lựa, cuối cuộc đời. Điều đó, còn có nghĩa: kinh nghiệm cả một đời người lấn cấn vì tật nguyền, sẽ khác với kinh nghiệm đớn đau khi thấy sự sống của ai đó tắt ngúm dần. Các vị vẫn nghĩ rằng người biện hộ cho bệnh nhân/tật nguyền chỉ muốn biến các nhóm hội đoàn thể chuyên tranh đấu cho an tử thành thứ người không ra người, quỷ ma không ra quỷ ma.

Diane Coleman, một thành viên trong nhóm vận động cho an tử có tên là “Vẫn chưa chết” gọi đó là chuyện vô nghĩa. Vô tích sự. Cô từng lên tiếng cảnh báo: lòng thương hại có khi còn nguy hiểm hơn mấy ông y sĩ khùng điên ở viện dưỡng lão. Có lần Diane Coleman nói: “Cũng có lúc ta bị các bác sĩ làm cho mình hoảng sợ. Bởi, bác sĩ là người có ở đó là để giúp đỡ ta, những người coi cuộc đời như một gánh nặng. Thật ra, ta biết rất ít về chọn lựa nào khả dĩ khiến cuộc sống của người bệnh nan y/tật nguyền, giữ được giá trị của nó.”

Vấn đề tác giả nói trên đặt ra, là: tại sao nguồn tài nguyên giá trị như thế lại bị bỏ phí?

Có lần Diane Coleman viết:“Hàng tuần, tôi vẫn nghe các cụ bị nan y/tật nguyền cứ phải đấu tranh với bác sĩ, y tá hoặc nhân viên bệnh viện tức những người cứ lập đi lập lại mãi một luận điệu, bảo rằng: cuộc sống mắc nan y/tật nguyền luôn là gánh nặng, mà thôi. Sống, mà tùy thuộc vào đôi tay mệt mỏi của ai đó cho rằng sự sống của con người chỉ là nỗi bất hạnh, thì còn gì vui thú để sống. Có người còn cho rằng sống như thế, thật bất công. Là, sống đời thảm hại. Đáng chán.”

Thứ hai, các nhân vật chủ trương bênh vực tự sát có giúp đỡ, mà người ta gọi bằng cụm từ rất đẹp như “an tử”, vẫn cứ tảng lờ kinh nghiệm sống của người bệnh.

Họ làm thế, vì nghĩ rằng: cụ già 80 đang chết dần chết mòn, thì tình trạng của cụ gì khác một người suốt đời ngồi xe lăn đâu? Diane Coleman từng thách thức: “Hãy cho tôi bằng chứng nói là có khác biệt giữa hai tình trạng tật/bệnh, để xem có đúng thực là như thế, không.”

Theo Diane Coleman, bất cứ một ai, ở bất cứ giai đoạn nào trong đời, đều có thể học hỏi cách thức đối đầu/chịu đựng tật nguyền hoặc tật bệnh, mình mắc phải. Diane Coleman lại nói:“Có vị chủ trương bỏ những cố gắng đối đầu/chịu đựng và coi đó là chuyện vô bổ, chẳng ích lợi, chỉ với lý do duy nhất là: những người gần kề cõi chết không có kinh nghiệm bản thân nào như thế. Và, có người bệnh đưa ra vấn nạn hỏi rằng: làm sao các vị hỗ trợ cho động thái tự sát có giúp đỡ như thế lại cổ võ người bệnh để họ dám có thái độ tự định đoạt đời mình, được?”

Ý Diane Coleman muốn nói, là: lời lẽ tuyên truyền của truyền thông/báo chí lâu nay chỉ chuyên chở mỗi lập trường của người cổ võ “tự sát có giúp đỡ” mà thôi. Làm thế, đơn giản chỉ vì họ chẳng cần biết đến các tai hại cùng loại, họ đem đến. Điều họ đem đến, là vận động cho việc “chết trong nhân cách”, sẽ tác hại đến người lâu nay từng chịu cảnh sống tật nguyền vẫn mang suốt đời.

Và, Diane Coleman cũng mạnh dạn tuyên bố: “Người cổ xuý cho việc “tự sát có luật pháp giúp đỡ” chỉ muốn sự sống của người khác kết thúc bằng những xúc phạm/lạm dụng coi đó như những “mất mát dễ chấp nhận” mỗi khi cân nhắc xem làm thế nào để kết thúc vụ việc ổn thoả cho xong. Nói cách khác, làm thế là để nói lên rằng: mình chẳng muốn chấp nhận tật nguyền, hoặc lãnh trách nhiệm gì khi tự sát.”

Thứ ba, nguy hiểm ở đây là: người bệnh nan y/tật nguyền dễ dàng đầu hàng chấp nhận cái chết tốt hơn là chịu đựng mãi tật nguyền, khó chữa.

Bác sĩ Carol J. Gill, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tật nguyền ở Chicago có nói: “Nếu luật pháp được thông qua cho phép người ta được tự sát có sự giúp đỡ/tiếp tay của người khác, thì tôi nghĩ: rồi ra, giới chức ở đây hay ở đó sẽ không còn thấy xấu xa/tội lỗi khi họ hối hả làm cho nhiều người chết sớm. Nghĩa là, họ chỉ việc đứng đó nhìn. Chẳng buồn nhúng tay để chấm dứt tình trạng ấy và còn ủng hộ chính sách cùng thể chế nào khả dĩ xúc tiến những việc như thế. Làm thế, họ cũng không nghĩ họ là quân gian ác và cũng không coi đó là chuyện gian ác, dữ tợn xuất hiện trong nền văn minh/văn hoá của ta nữa. Không chừng họ còn coi việc giúp cho người khác chết, lại là lề thói rất độ lượng, và một lòng tôn kính, nữa cũng nên.”

Thứ Tư, nhiều tác giả hăng say biện luận rằng Đạo luật “Chết Trong Nhân Cách” của bang Oregon, tức tiểu bang tiên phong cho phép được tự sát có giúp đỡ ở Hoa Kỳ, đang gặp nhiều rạn nứt sâu sắc. Không đầy 15 năm sau khi thực thi luật này, đã có nhiều vấn đề trông thấy. Nhiều vị cho biết đã thấy nhiều vấn đề nảy ra, như: khó kiểm soát được bệnh nhân, thống kê này/khác khó hoàn tất, việc giám sát bị bỏ bê, biện pháp phòng ngừa/chữa trị nay bị lung lạc, các bác sĩ từng làm ăn cẩu thả/tắc trách chẳng bị khiển trách, phạt tù gì hết.

Lại có lời đồn đoán cho rằng tại bang Oregon và Washington, tức các bang tiên phong cho phép tự sát có giúp đỡ/tiếp tay, người ta phát giác ra nhiều trường hợp bệnh nhân chết rất lạ, nhưng được đổ lỗi là do an tử. Có trường hợp, tiểu bang Washington yêu cầu các bác sĩ phải khai man giấy chứng tử bằng cách liệt kê danh sách bệnh nhân chết vì bệnh nan y khó chữa, thay vì đã chích quá nhiều liều lượng thuốc an thần, trợ tử.

Hầu như mỗi lần đề cập đến an tử hay “tự sát có giúp đỡ”, người ta thường hay tập trung vào người bệnh nan y/tật nguyền vẫn muốn tự chọn cho mình cái chết. Tại sao không hỏi xem những người từng có vấn đề tật nguyền xem có ai là người chọn lựa để được sống? Chính họ, mới là yếu tố quan trọng trong các vụ cá cược lớn trong đời. (x. Michael Cook, MercatorNet 25.10.2010)

Đọc tới đây, hẳn bạn và tôi, ta đều thấy như đi vào cánh rừng nhiều bóng tối. Nếu không có được niềm tin vững mạnh vào Đấng Tối Cao, Chúa Tể của Sự Sống và Sống lại, chắc cũng khó mà chống đối lại cả một thể chế, rất xã hội. Thể chế có nền y khoa hiện đại. Lại có cả luật pháp rất nhiều kinh nghiệm từng trải, về đời sống xã hội. Thế nhưng, như ai đó có lần từng nhắc nhở, thế giới ngày nay đang đi vào đường hầm tăm tối không thấy có sự hiện diện của toà án lương tâm.

Vâng. Đúng thế. Lương tâm, có thể không còn là toà án với những phán quyết khác thường, người mình sống. Nhưng, lương tâm sẽ là và vẫn là “tấm bảng chỉ đường rất đáng tin cậy, để người người sống xứng đáng. Sống, trong tinh thần tôn trọng phẩm cách con người.

Và khi đã theo luật pháp của toà án lương tâm về những gì có liên quan đến chính đời mình, có lẽ cũng chẳng nên sợ gì luật pháp ở đời, dù luật ấy có cổ võ việc “tự sát có giúp đỡ” hay không. Để phần nào làm nhẹ vấn đề mà bạn và tôi, ta đang bàn, cũng nên kể cho nhau nghe một đôi truyện kể thực tế. Hiện thực. Và, gần gủi với cuộc đời của mình, và của người, như sau:

“Truyện rằng:

-Ăn rau không chú ơi?

Một giọng khàn khàn, run run làm gã giật mình. Trước mắt gã, một cụ bà già yếu, lưng còng cố ngước lên nhìn gã, bên cạnh là mẹt rau chỉ có vài mớ rau muống xấu mà có lẽ có cho cũng không ai thèm lấy.

- Ăn hộ tôi mớ rau…!

Giọng bà cụ vẫn khẩn khoản. Bà cụ nhìn gã ánh mắt gần như van lơn. Gã cụp mắt, rồi liếc xuống nhìn lại bộ đồ công sở đang khoác trên người, vừa sáng sớm. Bần thần một lát, gã chợt quay đi, đáp nhanh: Dạ cháu không mua đâu bà!

Gã nhấn ga phóng nhanh như kẻ chạy trốn. Gã chợt cảm thấy có lỗi, nhưng rồi cái cảm

giác ấy gã quên rất nhanh. “Mình thương người thì ai thương mình” – cái suy nghĩ ích kỷ ấy lại nhen lên trong đầu gã.

- Ăn hộ tôi mớ rau cô ơi! Tiếng bà cụ yếu ớt.

- Rau thế này mà bán cho người ăn à? Bà mang về mà cho lợn!

Tiếng chan chát của một cô gái đáp lại lời bà cụ. Gã ngoái lại, một cô gái cũng tầm tuổi gã. Cau mày đợi cô gái đi khuất, gã đi đến nói với bà:

- Rau này bà bán bao nhiêu?

- Hai nghìn một mớ – Bà cụ mừng rỡ.

Gã rút tờ mười nghìn đưa cho bà cụ.

-Sao chú mua nhiều thế?

-Con mua cho cả bạn con. Bây giờ con phải đi làm, bà cho con gửi đến chiều con về qua con lấy!

Rồi gã cũng nhấn ga lao vút đi như sợ sệt ai nhìn thấy hành động vừa rồi của gã. Nhưng lần này có khác, gã cảm thấy vui vui.

Chiều hôm ấy mưa to, mưa xối xả. Gã đứng trong phòng làm việc ngắm nhìn những hạt mưa lăn qua ô cửa kính và theo đuổi nhưng suy nghĩ mông lung. Gã thích ngắm mưa, gã thích ngắm những tia chớp xé ngang trời, gã thích thả trí tưởng tượng theo những hình thù kỳ quái ấy. Chợt gã nhìn xuống hàng cây đang oằn mình trong gió, gã nghĩ đến những phận người, gã nghĩ đến bà cụ…

-Nghỉ thế đủ rồi đấy!

Giọng người trưởng phòng làm gián đoạn dòng suy tưởng của gã. Gã ngồi xuống, dán mắt vào màn hình máy tính, gã bắt đầu di chuột và quên hẳn bà cụ. Mấy tuần liền gã không thấy bà cụ, gã cũng không để ý lắm. Gã đang bận với những bản thiết kế chưa hoàn thiện, gã đang cuống cuồng lo công trình của gã chậm tiến độ. Gã quên hẳn bà cụ. Chiều chủ nhật gã xách xe máy chạy loanh quanh, gã vẫn thường làm như vậy và có lẽ gã cũng thích thế. Gã ghé qua quán trà đá ven đường, nơi có mấy bà rỗi việc đang buôn chuyện. Chưa kịp châm điếu thuốc, gã chợt giật mình bởi giọng oang oang của một bà béo:

-Bà bán rau chết rồi

-Bà cụ hay đi qua đây hả chị? – chị bán nước khẽ hỏi.

-Tội nghiệp bà cụ! một giọng người đàn bà khác.

-Cách đây mấy tuần bà cụ giở chứng cứ ngồi dưới mưa bên mấy mớ rau. Có người thấy thương hỏi mua giúp nhưng nhất quyết không bán, rồi nghe đâu bà cụ bị cảm lạnh. Nghe đến đây mắt gã chợt nhòa đi, điếu thuốc chợt rơi khỏi môi. Bên tai gã vẫn ù ù giọng người đàn bà béo kia. Gã không ngờ…!”

Truyện kể ở trên có thể chỉ là truyện hư cấu. Không thật. Cũng có thể là tuyện thật trăm phần trăm, đối với người kể. Nhưng thật hay không, vẫn là chuyện đời của các cụ cao niên, mắc chứng nan y/tật nguyền, nhưng vẫn sống. Vẫn muốn sống đời trung tín với lời hẹn của gã trên, dù đã quên.

Nhìn lại cuộc đời, hẳn bạn và tôi cùng mọi người khi còn trẻ đều bảo mình không sợ chết. và, sẵn sàng ra đi bất cứ lúc nào, không luyến tiếc. Nhưng vào tuổi già, mấy ai không những sợ chết mà còn ‘ham’ sống nữa, là khác. Vẫn muốn sống, dù đớn đau. Cực nhọc.

Cuối cùng thì, dù gì đi nữa, hãy nhớ lời dặn dò của thánh nhân khi trước có nói:

“Vấn đề là

được biết chính Đức Ki-tô,

nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh,

cùng được thông phần những đau khổ của Người,

nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người,

với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết.”

(Phillíp 3: 10-12)

Và, khi đã thông phần vào với sự chết và sống lại của Chúa, ta đâu còn sợ nan y/tật nguyền để phải dựa vào luật pháp ở đời, mà “tự sát có giúp đỡ”. Cho dù được luật pháp giúp đỡ, phải chăng đó là hạnh phúc. Ở đời này. Đời sau?

Trần Ngọc Mười Hai

Chỉ dám hỏi

chứ chưa tìm ra câu trả lời,

từ cuộc đời.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )

No comments: