Saturday 13 November 2010

“Thôi thì thôi, để mặc mây trôi”

Ôm trăng đánh giấc, bên đồi dạ lan

Thôi thì thôi chỉ là phù vân.

Thôi thì thôi nhé, có ngần ấy thôi.”

(Phạm Duy – Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng)

(1 Ph 3: 10-12; Dt 1: 1-3)

Ấy chết. Ai lại hát và ca những lời buồn đến là thế. Bởi, dù cho anh/cho em, có kiếm được Động Hoa (rất) Vàng; hoặc, có “ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan” cách nào đi nữa, thì mọi sự đâu vì thế mà trở thành phù vân. Mây trôi. Phù vân hay mây trôi, đâu là những sự rất thật, mà nghệ sĩ nhà mình, đến phải hát khúc nghê thường, và rợn rùng với những câu:

“Chim ơi, chết dưới cội hoa.

Tiếng kêu, rơi rụng giữa giang hà

Mai ta chết dưới, cội đào.

Khóc ta xin nhỏ, lệ vào thiên thu. “

(Phạm Duy – bđd)

Thiên thu hay “ngàn thu áo tím”, vẫn còn đó những người hết ỉ ôi ngồi đó cho thêm sầu. Rồi còn “nhỏ lệ vào thiên thu”. “Chết dưới cội đào”. Như một số nhân sĩ trong/ngoài nhà Đạo, tuy không khóc lóc hỡ ôi, nhưng vẫn dùng lời ca rất ư là sướt mướt, mà tả oán như:

“Thôi thì em, chẳng còn yêu tôi.

Leo lên cành bưởi, khóc người rưng rưng

Thôi thì thôi, mộ người tà dương

Thôi thì thôi nhé, đoạn trường thế thôi.”

(Phạm Duy – bđd)

Đoạn trường, dù chỉ thế thôi, cũng đừng khóc. Cuộc đời, dù vẫn là như vậy, cũng chớ than. Hãy như đấng bậc vị vọng nào đó trong Đạo, vẫn có nhận định sáng suốt, về đời người. Và người đời. Nhưng Ngài không khóc. Và cũng chẳng than. Bởi, có than hoặc khóc cho lắm cũng chẳng được việc gì. Chi bằng, ta cứ xác quyết một lời ca rất chắc nịch, rằng: “Thôi thì thôi nhé, đoạn trường thế thôi!”

Thông thường, ở vào “đoạn trường” nào đi nữa, bần đạo cũng rất ngại phải lập đi lập lại nhận định của quan chức/bề trên rất cao sang bề thế, ở đâu đó. Nhưng, lại cũng có những nhận định nghe kỹ thấy rất đúng. Vì thế nên hôm nay, bần đạo xin phép được chuyển đến bạn bè người thân, những lời này:

“Năm vừa rồi hay trước đó không lâu, Chúa cứ phải đón nhận những lời rất tiêu cực, từ các mục quảng cáo phổ biến trên truyền thông, nói tiếng Anh. Nói cho cùng, cũng khó mà tấn công và đả kích Đấng Tối Cao, rồi lại bảo Ngài không bao giờ có thật ở trên đời. Thế mà, dân con Đạo Chúa, vẫn cứ là đề tài để những người chống Chúa lấy đó mà đàm tiếu. Lạm dụng. Bản thân tôi, chẳng biết các vị “phản thần” ấy, có đặt Kitô giáo làm đối tượng để họ chống đối liên tục, nhiều hơn đạo Hồi không. Duy, có một điều tôi nắm rất rõ, là: hễ đả kích người Đạo Chúa, bao giờ cũng an toàn hơn đả kích dân con bên đạo Hồi.

Hai vị phản-thần nổi tiếng thế giới là các ông Richard Dawkins và Christopher Hitchens chẳng bao giờ thấy mệt mỏi để ngưng vẽ vời tô thêm sắc mầu tệ hại lên Đạo Chúa. Tuy nhiên, những điều họ đề cập, lại khiến cho Đạo của Chúa càng được chú ý thêm. Càng có thêm sắc thái/sắc mầuqua các cuộc suy tư/thảo luận, ngày một trổi bật.

Nhiều vị, cứ vững tin vào Chúa. Tin có Chúa hiện diện bằng nhiều cung cách. Và, chỉ một số ít chủ trương đích danh chống đối Ngài. Hoặc, đối kháng các hoạt động nơi Hội thánh của Ngài. Trong khi đó, lại có vị khác chưa từng nghe biết Ngài, vẫn mở rộng lòng mình ra với sự huyền diệu của sự sống. Mở lòng với Đấng Siêu Việt Huyền Nhiệm cũng rất nhiều. Còn, mở lòng để lùng tìm một Thiên Chúa mang tính chất triết học, càng ít hơn. Có điều là, những người tìm cách chống Chúa, dễ có khuyến điểm là hay vướng mắc vào những chuyện dị đoan. Ma thuật. (x. George Cardinal Pell, Thư Mục vụ Ngày Lễ Ngũ Tuần năm 2010)

Đó là giòng chảy của đấng bậc rất vị vọng, trong Đạo, ở Sydney. Còn, nhân sĩ ngoài Đạo, cũng đã cảm kích những điều rất “Đạo” của nhà Chúa, nên đã có nhận định khá độc đáo về chất Đạo của Đạo Chúa, như sau:

“Đọc những dòng trong Tin Mừng Mt 5: 1-10 nói về các Mối Phúc Thật, điều đầu tiên khiến tôi nghĩ đến là đoạn văn muốn chỉ về việc những ai muốn dấn thân vào con đường Đạo và chấp nhận những thử thách đau khổ trên con đường Đạo, sẽ nhận được phần thưởng của sự dấn thân đó. Về vấn đề các bản văn giảng dạy lòng khoan dung đòi hỏi các bạn tự do chấp nhận thử thách, sẽ sai lầm nếu coi đó là lời khẳng định rằng đau khổ thì tốt, và tất cả chúng ta phải tìm kiếm khổ đau. Khỏi cần nói, tôi không chủ trương một quan điểm như thế. Tôi nghĩ rằng mục đích của cuộc đời chúng ta, là tìm hạnh phúc, tìm cách để được thoả mãn và sung túc. Tuy nhiên, vì những thử thách và nhọc nhằn là một phần tự nhiên của cuộc sống, nên điều chủ yếu là phải có một quan điểm cho phép chúng ta có thể đề cập một cách hiện thực để có thể rút ra một vài lợi ích.

Khi xem xét bản chất của đau khổ, chúng ta thừa nhận rằng có một số hình thức đau khổ mà người ta có thể tìm ra các giải pháp; và vì vậy, có thể chế ngự được. Một khi người ta có ý thức về đau khổ, người ta phải đi tìm giải pháp và phương tiện để chiến thắng đau khổ. Nhưng, cũng có những loại đau khổ không thể tránh khỏi và chế ngự được, cũng là những sự kiện tự nhiên của cuộc sống. Trong những trường hợp như vậy, điều quan trọng là triển khai một trạng thái tinh thần cho phép tiếp cận sự đau khổ một cách hiện thực. Làm được như vậy, chúng ta có lẽ sẽ đi tới việc chấp nhận những khó khăn ấy một khi chúng xuất hiện. Một thái độ như thế, sẽ bảo vệ các bạn, không chỉ đối với thực tế vật chất của đau khổ, mà còn đối với gánh nặng tâm lý vô ích đi kèm theo, vì phải chiến đấu chống lại khổ đau.” (x. Le Dalai Lama parle de Jésus, Vĩnh An dịch, Thiện Tri Thức xuất bản 2003, tr. 37-39)

Là nhân sĩ rất lành thánh, và là trụ cột của Giáo hội, thánh Phêrô cũng có nhận định rất ư là chí lý, về nỗi sướng vui/hạnh phúc, Chúa chủ trương như:

“Thật thế,

ai là người thiết tha được sống

và ước ao hưởng chuỗi ngày hạnh phúc,

thì phải giữ mồm giữ miệng,

đừng nói lời gian ác điêu ngoa;

người ấy phải làm lành lánh dữ,

tìm kiếm và theo đuổi bình an,

vì Chúa để mắt nhìn người chính trực

và lắng tai nghe tiếng họ kêu xin,

nhưng Người ngoảnh mặt đi,

không nhìn kẻ làm điều gian ác.”

(1Ph 3: 10-12)

Xem thế thì, nỗi vui mừng hạnh phúc, sướng vui hoặc những đau khổ/cực hình, không ở cùng một tần số diễn tả như người nghệ sĩ già từng ca hát, những là: “để mặc mây trôi”, “chết dưới cội đào”, “lệ vào thiên thu”, vv.. Mà, là: biết làm lành/lánh dữ. Biết nhận ra thông điệp thần thiêng Chúa gửi, mà đeo đuổi. Thông điệp Chúa bảo ban, là bảo và ban ngang qua các sự kiện xuất hiện rất rõ nơi các bậc vĩ nhân/thần thánh, chốn riêng tư.

Hôm nay, thần linh chư thánh vẫn cứ tỏ bày, ở nhiều chốn rất riêng tư. Các ngài vẫn chuyển đạt thông điệp êm ái với mọi người, bằng nhiều cách. Một trong những cách mà người đời nay hay gọi đó là “phép lạ/sự lạ” mà dân con mọi người chấp nhận coi như mạc khải. Về những mạc khải tương tự, có người coi đó như ơn lành Chúa ban, cho riêng mình. Người khác vẫn nghi nan. Cật vấn. Một trong những vấn nạn gửi đến đấng bậc vị vọng ở Sydney, để nhờ đức ngài phụ trách mục hỏi đáp giải thích về những sự (rất) lạ, được tóm gọn bằng những hang bên dưới:

“Tôi có người bạn cũng rất thân, đã hỏi nhiều về một số “phép lạ” Chúa Mẹ gửi đến với các đấng bậc lành thánh, ở khắp nơi. Bản thân tôi chẳng dám phẩm bình, dù một chữ. Nhưng cứ nghe thắc mắc, tôi cũng có lần lòng tự hỏi lòng mình xem có nên thắc mắc hoặc bình phẩm gì về những phép lạ mà có người gọi đó là “mạc khải riêng tư” không? Xin phép hỏi ngài tôi cần có phản ứng như thế nào, mới đúng?

Đã có người hỏi, thì đức thày linh mục John Flader thuộc giòng dõi chính qui Opus Dei cũng đâu thấy ngại ngần gì mà chẳng lên tiếng, giãi bày, như sau:

“Có thể nói, đây là một trong những thắc mắc khá tinh tế, nhưng thú vị. Đây, cũng là câu hỏi, mà nhiều người vẫn hằng đưa ra. Hỏi, là hỏi rằng: người Công giáo ta nên tỏ thái độ như thế nào khi nghe biết có những “sự lạ” xảy ra cùng khắp, chỗ riêng tư?

Trước hết và trên hết, hãy tìm hiểu xem cụm từ “mạc khải riêng tư”, có nghĩa gì? Rồi, cũng nên bắt đầu bằng cách phân biệt các sự kiện ấy với “mạc khải chung cho hết mọi người”, tức: mạc khải Chúa ban qua Kinh thánh và Thánh truyền, gửi đến mọi người, ở trần gian.

Mạc khải, mà mọi người đều nghĩ, là: nó đã kết tận sau cái chết của vị tông đồ cuối cùng còn sống trong Hội thánh. Đàng khác, Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải mang tên “Lời Của Chúa” được các nghị phụ Công Đồng Vatican II bàn luận rất kỹ. Các ngài có nói: “Không có mạc khải mới nào được gửi đến với mọi người sẽ được trông đợi xảy đến trước ngày Chúa lại tỏ hiện trong vinh quang. Ngời sáng.” (x. Hiến Chế Lời Của Chúa #4)

Quả thế. Thiên Chúa gửi đến cho ta, Người Con Duy Nhất của Ngài, tức Ngôi Lời Nhập Thể. Và, Ngài còn chuyển đến ta, tất cả những gì cần thiết để ta hiểu rõ hơn ơn cứu độ. Rõ ràng là, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã từng viết: “Đức Kitô, Con Thiên Chúa mặc xác thịt làm người, là Con Một của Chúa Cha. Ngài là Ngôi Lời kiện toàn và không gì có thể lướt vượt trên Ngài được. Nơi Ngài, Thiên Chúa đã mạc khải hết mọi điều, để ta hiểu. Và như thế, sẽ không còn lời nào được mạc khải rõ hơn nữa về chính Ngôi Lời của Thiên Chúa.” (x. sách GLHTCG #65)

Sách Giáo lý Hội thánh còn trích dẫn lời thánh Gioan Thánh Giá, khi thánh nhân giải thích rõ hơn bằng những từ ngữ sinh động như: “Khi ban cho ta Con Một Ngài, là Ngôi Lời Duy Nhất có một không hai, Thiên Chúa đã nói với con người duy nhất chỉ một lần, qua Ngôi Lời -và Chúa không còn gì để nói nữa- bởi, những gì Ngài đã nói ngang qua các ngôn sứ thời trước, thì nay Ngài còn mạc khải chỉ một lần thôi bằng cách ban cho ta trọn vẹn Ngôi Lời là Con Một Ngài. Thế nên, những ai vấn nạn Chúa hoặc ao ước được có thêm điều lạ/thị kiến hoặc mạc khải, đều là phạm lỗi. Lỗi tội, không chỉ một hành vi ngông cuồng/rồ dại mà thôi, nhưng còn do mình đã cả gan xúc phạm đến Ngài nữa. Xúc phạm, vì không những ta không ngước mặt nhìn Ngài qua Đức Kitô thì chớ, lại cứ hay thắc mắc/tìm tòi về những sự lạ/phép lạ nào khác, mới mẻ nữa.” (x. Biến hình trên Núi Camel, 2 22, 3-5; và Thư thánh Phaolô gửi giáo đoàn Do Thái 1: 1-2; sách GLHTCG #65)

Với những lời như thế, thánh Gioan Thánh Giá cũng đã phần nào trả lời cho câu hỏi mà anh/chị nêu ra. Nói tóm lại, các thánh khuyên ta hãy ngước mặt nhìn vào Đức Kitô, cách trọn vẹn. Ngài là Ngôi Lời độc nhất Thiên Chúa mạc khải cho ta. Bởi thế, ta cũng đừng nên đeo đuổi kiếm tìm sự lạ/phép lạ, nào khác.

Nói thế, há bảo: mạc khải riêng tư không quan trọng sao? Không phải thế. Trả lời thắc mắc/khiếu nại gì, thì cũng nên nghe lời sách Giáo Lý Hội thánh, vẫn viết tiếp: “Trải qua năm tháng cùng nhiều thế kỷ, một số trường hợp được gọi là mạc khải “riêng tư”, được Hội thánh chuẩn nhận. Tuy nhiên, mạc khải ấy không cốt để củng cố niềm tin. Tức, nói thế không có ý bảo rằng Hội thánh có nhiệm vụ phải cải thiện hoặc hoàn tất Mạc Khải Chúa truyền đạt, nhưng Hội thánh làm thế là để giúp cho thành viên Hội thánh sống trọn vẹn điều Chúa bày tỏ, ở giai đoạn nào đó, trong lịch sử.“ (x. GLHTCG #67)

Xem như thế, thì “mạc khải riêng tư” không thêm gì vào những điều Chúa đã dạy, mà cốt chỉ để giúp dân con sống trọn vẹn điều Ngài dạy dỗ. Trong các mạc khải riêng tư được Hội thánh công nhận, tực như những điều Chúa tỏ bày cùng thánh nữ Magarét Maria Alacoque về lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa. Hoặc như: ảnh lạ Chúa ban cho thánh nữ Catarina Labôrê; hoặc lời nhắn gửi đến dân con Đạo Chúa hãy chuyên cần lần Chuỗi Mân Côi do Đức Mẹ nhắn gửi các thánh ở Lộ Đức, Fatima. Và thêm nữa, là: mạc khải về việc tôn sùng Lòng Chúa Xót Thương mà thánh nữ Faustina Kowalski nhận được từ Chúa.

Tất cả các mạc khải nói trên, đều giúp dân con nhà Đạo sống trọn vẹn điều Chúa khuyên dạy, từ ngàn xưa.

Mới đây, nhiều bản tường trình đề cập đến các dấu chỉ cũng như sự lạ mà dân con Chúa vẫn nhận được từ nhiều nơi, kể cả Úc, theo đó thì: một số sự lạ, có nguồn gốc siêu nhiên, theo sau là những hiện tượng làm bằng chứng mà cứ sự thường ít có ai giải thích được, bằng lẽ thường.

Nhiều sự kiện khác tuy không xác thực cho lắm, nhưng vẫn bao hàm một sứ điệp rất xứng hợp với giáo huấn của Hội thánh. Các sự kiện như thế vẫn có lợi cho người nhận. Và đôi lúc còn cho cả những người khác nữa.

Dầu sao đi nữa, cũng nên nhớ rằng: qua Hội thánh, Chúa đã tỏ bày những gì ta cần biết, ngõ hầu ta có thể bồi đắp cho ơn cứu độ của mình. Bởi thế nên, hãy tạo cho mình sự an toàn, là: chỉ chấp nhận Sự Thật Chúa mạc khải cho con cái Ngài mà thôi, chứ đừng tìm kiếm phép lạ, hoặc sự lạ rất hi hữu. Bởi,nhiều sự kiện xảy ra chỉ là mánh khoé do kẻ nghịch thù đem đến, thế thôi.

Tắt một lời, cũng chẳng là chuyện hay ho gì, nếu ta cứ mải mê tìm chỗ này nơi nọ yếu tố nào khả dĩ chứng minh rằng mình nhận được “mạc khải riêng tư” rất lạ, một khi Chúa đã đem đến cho hết mọi người những gì mình cần biết, qua cái chết và sự sống lại của Con Một Ngài, là Ngôi Lời Nhập Thể. Như thế, đã là phép lạ/sự lạ lớn nhất rồi, cần gì khác nữa.” (x. Lm John Flader, The Catholic Weekly 5/9/2010, tr.12)

Hỏi là hỏi như thế. Đáp, là đáp như vậy. Tuy nhiên, sao ta thấy nhiều người vẫn cứ hỏi. Nên, đức thày lại cứ đáp. Đáp/hỏi – hỏi/đáp mãi không thôi. Đó, là cuộc đời. Một đời có nhiều thắc mắc lẫn hỏi han. Đến bận lòng.

Để cho lòng người bớt đi những bận rộn về nhiều thứ, xin đề nghị bạn/đề nghị tôi, ta hãy nên để lòng mình trùng xuống cho thư giãn bằng những giòng chảy của ai đó, rất dễ nghe, như sau:

“Khi kịp có trí khôn, tôi cố gắng học cho xong bậc trung học, để còn bắt đầu học cấp 3. Khi bắt đầu học cấp 3 được ít lâu, tôi lại cứ nhủ lòng mình là phải cố gắng học xong cho sớm để còn kiếm kế sinh nhai. Đi làm rồi, lại tranh thủ lập gia đình, và có con. Và khi đã có con rồi, tôi lại mong cho con hay ăn chóng lớn, để tôi về lại với công việc hằng ngày mà lo lắng. Sau đó, lại cố làm thêm ít năm nữa để rồi mai ngày khi về hưu, sẽ có chút gì trông nom con cháu. Cứ cố gắng hoài, cố mãi để rồi hôm nay đã thấy rằng mình quên mất một chuyện chính yếu, là: hãy lo sống trước đã, mọi việc tính sau.

Cũng thế, nay tôi thấy nhiều người cứ mải kiếm tìm chuyện lạ trong đời, để rồi tin. Và cuối cùng, chuyện lạ đâu không thấy, cứ thấy mình vớ vẩn/lẩn thẩn, luôn xục xạo mà không chịu sống, như vẫn được ông bà tổ tiên răn dạy.

Nay, thì tôi nắm được chân lý cuộc đời, là: những gì gửi đến cho tôi, dù không mới mẻ vẫn cứ là quà tặng không biếu không do Bề Trên gửi để tôi sống. Sống niềm tin an lành, và vui hưởng hạnh phúc.”

Truyện ở trên, thật ra cũng chẳng làm bạn và tôi thư giãn được mấy chốc. Duy có điều khiến bạn và tôi, ta sẽ thấy thoải mái, nếu ta hiểu được câu nói của ai đó, vẫn cứ bảo: “Dưới mặt trời này, chẳng có gì mới lạ, cả đâu.”

Qua các nhận định trên, hẳn bạn và tôi là con dân nhà Đạo, ta cũng nên và cũng phải có lập trường minh định rằng phép mầu rất lạ của Chúa, còn đó nơi Tin Mừng. Phép rất lạ, lớn lao và huyền diệu nhất mà lâu nay ta vẫn nhận được cách nhưng-không là: Chúa đã trao tặng trọn đời Ngài, để dân con mọi người được cứu rỗi.

Và điểm cốt lõi của hiến tặng Chúa gửi, để dân con mọi người được lĩnh nhận Tình thương rất bao la của Thiên Chúa. Chỉ “lạ” một điều, là: ta biết thế, nhưng vẫn ngoảnh mặt, chẳng muốn nghe?

Vậy thì, hãy cùng nghe nghệ sĩ già nhạc Việt, cứ thong thả rong ca câu hát rất nên thơ:

“Rằng xưa có gã từ quan

Lên non tìm động hoa vàng ngủ say

Thôi thì thôi để mặc mây trôi

Ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan

Thôi thì thôi chỉ là phù vân

Thôi thì thôi nhé có ngần ấy thôi.”

(Phạm Duy ­– bđd)

Hát như thế, là có ý bảo: có tìm cho lắm những sự lạ hay phép lạ, cũng chỉ là phù vân. “Ngần ấy thôi.” Chi bằng, ta cứ trân quí đón nhận “sự lạ” mà Thiên-Chúa-Là-Tình-Yêu vẫn cứ ban cho ta, mọi ngày và mỗi ngày, rất khôn nguôi.

Trần Ngọc Mười Hai

Nhiều lúc tự thấy mình

chẳng khùng thì cũng điên.

Điên, vì cứ tìm và cứ kiếm

những sự lạ,

rất khó tìm.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )

No comments: